Đã Biết Vô Thường Sao Còn Phiền Não?

Thứ Hai, 01 Tháng Năm 20172:29 CH(Xem: 5713)
Đã Biết Vô Thường Sao Còn Phiền Não?
Đã Biết Vô Thường Sao Còn Phiền Não?


Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phiền não đó chính là vô thường, là sự đổi thay. Nhưng dẫu đã biết vô thường sao còn phiền não? Bài chia sẻ này là lời giải đáp.


Vô thường và phiền não là gì?


Vô thường chính là một trong ba pháp ấn quyết định đến giá trị của chánh pháp. Ba pháp ấn đó gồm vô thường, vô ngã và khổ đau. Trong đó:


- Vô thường chính là sự thay đổi của mọi thứ, về vật chất lẫn tinh thần.
- Phiền não chính là những điều xuất phát từ tâm niệm giận hờn, oán hận,..gây nên sư đau khổ.


Thông thường khi nhắc đến vô thường, người ta mặc định nó mang nghĩa tiêu cực. Nhưng thực tế vô thường là sự chuyển mình, đổi mới và mang cả ý nghĩa tiêu cực và tích cực.


Giá trị của sự vô thường


Vai trò của vô thường rất quan trọng. Nếu vạn vật không có sự biến chuyển, thay đổi mà vẫn đứng yên một chỗ thì nó không tạo nên giá trị gì cho cuộc đời cả. Chẳng hạn như:


- Một người tạo nhiều tội ác nếu không có sự đổi thay thì làm sao họ có cơ hội thành người tốt
- Một bãi đất hoang trống nếu không có vô thường thì làm sao hình thành một cái nhà, một ngôi chùa hay một trung tâm thương mai đồ sộ,…


Vì thế, vô thường là quy luật của cuộc đời, luôn chuyển động theo hướng tốt hoặc xấu tùy thuộc vào nhận định của chúng ta. Và nếu không hiểu và sống hòa hợp với quy luật vô thường, chúng ta rất dễ khổ đau, thất vọng khi một điều gì đó mất đi, biến đổi đi hình dạng ban đầu của nó.


Vì sao đã biết vô thường sao còn phiền não?


Có nhiều người nói rằng: Biết yêu là khổ nhưng so vẫn không thể không yêu? Biết tham sân si rất khó chịu trong tâm nhưng vẫn không thể loại bỏ được? Và cũng thế đã biết vô thường sao còn phiền não?


Vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại chính là: Giữa cái “ đã biết” và “ sao còn” là cả một quá trình dài. Nếu đã biết mà không không sửa đổi và không tìm ra phương hướng để khắc phục thì phiền não vẫn còn hoài, không bao giờ đổi thay.


Đức Phật cũng thế! Khi dạo quanh bốn cửa thành, Ngài đã hiểu được sự vô thường khi thấy cảnh khổ đau, bệnh tật và cái chết. Đức Phật thấy, biết và hiểu, nhưng nếu để những cái biết đó nằm yên, không tìm ra con đường thoát khổ thì làm sao hết khổ được. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này.


Giữa cái biết và sao còn là khoảng cách rất dài. Cuộc đời Đức Phật đã chứng minh được. Để xóa đi phiền não mà Ngài đã biết, Đức Phật đã đánh đổi mọi quyền lợi trong tay, ròng rã suốt 11 năm trong rừng già và sau 49 ngày thiền định mới thật sự loại sạch phiền não.


Cho nên, biết là một vấn đề, và làm sao dứt phiền não là một vấn đề khác. Cái biết không giải quyết được điều gì nếu chúng ta không đứng lên và hành động, thì cho dù biết nó lâu dài đến đầu thì vẫn không thay đổi được gì cả.


Đã biết vô thường sao còn phiền não? Chúng ta phải nhận diện được chữ “ biết” này. Biết không phải là thấy rồi biết mà phải có sự cảm nhận, đặt trí tuệ vào đó để biết sự vật, và mong muốn khắc phục cái biết đó. Biết chính là tri cũng nhà thiền. Tri được được tạo từ cái biết bằng tuệ giác, bằng chánh niệm và phải hành trì cái biết đó.


Hòa Thượng Thanh Từ có dạy rằng: Biết vọng không theo. Vọng chính là những ý niệm mang tính vô thường, có đó mất đó. Nên khi nhận định được tính giả tạm của ý niệm mà không theo nghĩa là không để tâm cho nó dẫn dắt rồi sinh ra sự ảo tưởng xa rời với thực tế.


Trong kinh cũng dạy: Tri uyển tức ly. Nghĩa là nhận biết được cái uyển vọng, hảo huyền rồi quyết phả từ bỏ để nó không ràng buộc mà kéo theo những hệ hệ lụy.


– Khi ly được tức trí giác ngộ sẽ được lộ lên. Bởi vậy thường trạng thái buồn vui là do ý niệm sinh ra. Và chúng ta thường khổ bằng ý niệm, suy diễn bên trong hơn cái thực tế đang diễn ra bên ngoài.


– Người biết tu tập là người phải nhận diện được nó, cảm giác đó chỉ là thoáng qua, được thêu dệt lên bằng những tưởng tượng không thật và nó sẽ đổi thay.


Cho nên có một triết gia nói rằng: Chúng ta có thể mất 1 phút để quen 1 người, mất 1 giờ để thích 1 người, mất 1 ngày để yêu 1 người nhưng mất cả ngày chưa chắc quên 1 người. Ý cũng nói lên rằng: Người ta đa phần không khổ đau do thực tại mà khổ đau về ký ức vì cứ luôn nuôi dưỡng ký ức đó.


Chúng ta vốn mãi phiền não chỉ vì biết và lặp lại cái biết đó mãi mà không thực hiện. Như hòa thượng Duy Lực nói rằng: Người mắt sáng nói mặt trời tròn sáng là đúng. Người mù nói mặt trời tròn sáng là không đúng.


** Vì sao không đúng? Cho dù mặt trời đó thật sáng và tròn nhưng bản chất người mù không thấy được, họ chỉ lặp lại theo lời của người mắt sáng mà thôi. Chúng ta cũng vậy, luôn lặp lại những điều giác ngộ của những người đã chứng ngộ được thì làm sao chúng ta lại chứng ngộ như họ?


** Cho nên, muốn hết phiền não, điều duy nhất là phải sống và ứng dụng theo lời Phật dạy thực tế trong đời sống hằng ngày, phải hiểu sâu về vô thường và kiểm soát được ý niệm của mình. Có thực hành mới có kết quả.


Trong đạo Phật không cho gì là tuyệt đối cả, không có gì thật tốt và thật xấu. Nếu thật tốt thì không có xấu, nếu thật xấu thì không thể cải thiện tốt được, mọi thứ đều là tương đối. Bởi nếu là tuyệt đối mãi không đổi thay và không có gì để so sánh cả.


Biết được vô thường chúng ta được gì?


1. Không đánh giá vấn đề một cách phiến diện.


Nhìn vào cái tương đối để không chủ quan cái tốt của mình và không quá tiêu cực cái xấu của mình, cũng như không khởi tâm tâm ái ố miệt thị với người khác bởi cái gì cũng thay đổi. Một sự vật trên đời đều có hai mặt: có sinh có tử, có tốt có xấu, có giàu có nghèo.


Vì thế mà ông bà ta có câu: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời cũng để nói lên tính tương đối của một điều gì đó bằng kinh nghiệm thấy được trong thực tế.


2.Không bám chấp vào điều gì đó


Tiền tài, danh lợi, địa vị, sắc đẹp cũng nằm trong quy luật của vô thường, thành bại được mất là quy luật. Trên đời này không có cái gì được mà không mất. Chính vì cưỡng cầu và không chấp nhận lấy sự vô thường nên đó là lý do chúng ta buồn vui, hạnh phúc thất bại…phiền não trước mọi thứ dẫu rằng đó là quy luật, là điều tất yếu không thể đổi thay được.


3.Sống tự tại và an lạc


Với một người đã giác ngộ lý vô thường, thực tập và sống theo, họ sẽ tự tại trước mọi vấn đề, dù là sung sướng hay khổ đau đi nữa. Những chuyện thị phi, thất bại hay già nua đều không hề ảnh hưởng đến tinh thần bởi họ đã tự tại, an lạc trước nó, khi đã biết và chấp nhận.


– Người đời sẽ thấy sự vô thường là bất thường nên đau khổ. Người tu tập thấy sự vô thường là điều bình thường nên an vui, nhẹ nhàng và thanh thản. Đây là sự khác biệt.


– Hơn nữa, người sống theo lý vô thường là một người co bản lĩnh, cho dù mọi khó khăn họ cũng nhìnnhận một cách thoáng qua nên tâm trạng không bị mắc kẹt vào trong nó.


Cho nên, đừng cho gì là quan trọng, đừng sống bám víu điều gì đó ở thực tại để cho rằng nó mãi như thế. Một người sống bằng sự khen chê của thế gian, hòa quang của cuộc đời thường sẽ rất khổ đau.


Và thiền sư Ô Sào cũng dạy rằng: Ta không sống trên đầu lưỡi của thiên hạ. Vì nó biến đổi không ngừng. Người khen ta tốt không hẳn ta tốt, người chê ta xấu không hẳn ta xấu. Xấu hay tốt phụ thuộc vào bản chất con người của chính mình. Vui buồn trên lời nói đó, chắc chắn phiền não sẽ luôn có mặt. Giác ngộ và sống được với vô thường thì mới tự tại và giải quyết vấn đề. Chúng ta chỉ cần sống với chính mình, nổ lực hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực. -