Vài Nét Về Di Đà Thập Tháp Tự

Friday, 20 April 20184:28 PM(View: 874068)
Vài Nét Về Di Đà Thập Tháp Tự

VÀI NÉT VỀ DI ĐÀ ThẬP THÁP TỰ

thapthapdida-02
Mặt tiền của Chánh điện Tổ Đình


Chùa Thập Tháp Di Đà được coi là ngôi cổ tự thuộc phái Thiền Lâm Tế tại Tỉnh Bình Định, có lịch sử trên 300 năm, được xây dựng vào năm 1683 gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Nguyên Thiều.

Chùa đã được xây dựng từ những gạch đá của 10 ngôi tháp đổ, vì thế có tên là “Thập Tháp.” Tên “Di Đà” là danh hiệu đức Phật, nên Tổ Đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự, nay tọa lạc tại thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tổ Sư Nguyên Thiều

thapthapdida-03Theo nhiều tư liệu ngày nay ghi lại, Thiền Sư Nguyên Thiều họ Tạ, tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngài sinh năm Mậu Tý (1648), năm 19 tuổi xuất gia ở chùa Báo Tự.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, Thiền sư họ Tạ tự Hoán Bích pháp danh Siêu Bạch (Nguyên Thiều), người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu tỉnh, Quảng Đông; năm 19 tuổi xuất gia ở chùa Báo Tư, thọ giáo với Hòa thượng Bổn Khao Khoáng Viên.


Năm Ất Tỵ (1665), niên hiệu Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tông (tức đời chúa Nguyễn Phúc Tần năm thứ mười bảy), Ngài đi theo tàu buôn sang An Nam, trú ở Qui Ninh (Bình Định), lập chùa Thập Tháp, mở trường truyền dạy. “Ngài là bậc Danh tăng trong thiền giới Phật giáo Nam Hà dưới thời các chúa Nguyễn, vì ngài là vị Tổ đầu tiên truyền phái Lâm Tế ở Nam Hà”. Ngài còn là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Đàng trong đầu tiên; dưới Sư một đời, có các sư Minh Hoằng – Tử Dung, Minh – Hải Pháp Bảo, Minh Vật – Nhất Tri và các đệ tử nối tiếp truyền bá tông phái Lâm Tế vào tận phương Nam.


Ngày 19 tháng 10 năm 1728 (niên hiệu Bảo Thái thứ mười nhà Lê), ngài viên tịch, thọ tám mươi mốt tuổi. Đệ tử và Tể quan thọ giới đồng xây tháp ở bên đồi nhỏ, xóm Thuận Hóa làng Dương Xuân Thượng, làm lễ nhập tháp để hương hỏa tôn thờ. Trước lúc viên tịch, ngài để lại bài kệ sau về triết lý vô thường như sau:


Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.


(Lặng lẽ gương không bóng
Rỡ rỡ châu chẳng hình
Rõ ràng vật phi vật
Vắng vẻ không chẳng không).

Qua bài kệ này, Tổ Sư muốn khai thị cho chúng ta biết được bản thể pháp thân vốn thanh tịnh sáng suốt như bức gương sáng sạch, không bị bụi nhơ như viên minh châu trong sáng bóng ngời. Tuy hiện tiền sự sự vật vật luôn có sai khác, nhưng đều là bản thể pháp thân biểu hiện, bản thể pháp thân thường thanh tịnh vắng lặng, không có một vật gì mà “không chẳng phải là không”, tức là lý “Chơn không diệu hữu”.

thapthapdida-04
Mặt tiền của Chánh điện Tổ Đình

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp trong việc xây dựng; nhưng với sự tận lực của quý vị trong công ty xây dựng và với sự trợ lực tích cực của quý phật tử xa gần, nhất là với sự cầu nguyện của liệt quý vị, ngôi Chánh Điện đã hoàn tất sau 2 năm xây dựng.

Tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Long Bích, phía Bắc thành Đồ Bàn cũ nên toàn cảnh chùa Thập Tháp trông rất nên thơ và hùng vĩ.

Từ kiến trúc cho đến cảnh quan thiên nhiên, tất cả hòa quyện như một bức tranh thủy mạc sống động. Trước cổng chùa là hồ sen rộng 500m2, quanh năm sen nở thơm ngát một vùng.


Sau lưng chùa được bao bọc bởi chi lưu sông Côn, phía Bắc là sông Bàn Khê. Chùa có kiến trúc hình chữ Khẩu, mái lợp ngói âm dương, chia thành bốn khu vực: chánh điện, phương trượng, Đông đường và Tây đường. Các khu này nối liền nhau bằng một khoảnh sân trong gọi là “giếng trời”.


Chánh điện là công trình chính, kiến trúc theo kiểu nhà rường, gồm ba gian hai chái được kết cấu bởi 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên. Những đoạn trích cấu tạo kiểu giá chiêng, hai đầu chạm hoa cuộn.

thapthapdida-05Bên trong chánh điện bài trí khám thờ. Ngoài kiến trúc bên trong, chùa Thập Tháp còn làm du khách ngỡ ngàng đến khâm phục khi chiêm ngưỡng khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc của nhiều thời đại khác nhau. Nét độc đáo của từng ngôi tháp được thể hiện qua những tầng mái cong vút và những nét chạm trổ trên thân tháp.

Chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tấm biển “Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự” treo giữa cửa chính ngôi chánh điện; Hòa thượng Mật Hoằng trùng khắc lại năm 1821. Chuông Đại hồng chung (đúc năm 1893) và trống lớn được đặt ở hai đầu hành lang.


Phía sau chánh điện có tấm bia ghi bài Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự bi minh do cư sĩ Dương Thanh Tu biên soạn, Hòa thượng Minh Lý lập năm 1876.


Danh Tăng Thập Tháp

Chùa đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng.

  1. Tổ Sư Siêu Bạch – Hoán Bích – Nguyên Thiều,
  2. Tổ Đạo Nguyên – Tánh Đề,
  3. Tổ Minh Giác – Kỳ Phương,
  4. Tổ Thật Kiến – Liễu Triệt,
  5. Tổ Tế Đoan – Hạo Nhiên,
  6. Hoa Nghiêm Pháp sư Tế Trí – Hữu Phi,
  7. Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhựt,
  8. Hòa thượng Đạt Lượng – Hưng Long,
  9. Hòa thượng Đạt Khoan – Chánh An,
  10. Hòa thượng Đạt Thuyên – Nhựt Chánh,
  11. Hòa thượng Ngộ Thiệu – Minh Lý,
  12. Tăng cang Hòa thượng Chơn Châu – Vạn Thành,
  13. Tăng cang Quốc sư Hòa thượng Chơn Luận – Phước Huệ,
  14. Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu,
  15. Hòa thượng Không Tín – Kế Châu.
  16. Trụ trì hiện nay: Hoà Thượng Thích Như Trụ – Viên Định.

thapthapdida-06
Quốc Sư Phước Huệ, đời thứ 13 của Tổ Đình


Quốc Sư Phước Huệ
tên là Nguyễn Tấn Giao, quê quán xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Thập Tháp, theo học với các Thiền sư Châu Long chùa Tịnh Lâm (Phù Cát) và thapthapdida-07
Thiền sư Luật Truyền chùa Từ Quang (Phú Yên).


Bước đường hoằng pháp của Thiền sư bắt đầu từ năm 1894 khi nhận làm trụ trì chùa Phổ Quang (Tuy Phước, Bình Định). Năm 1901, Thiền sư được triều đình Huế (vua Thành Thái) ban giới đao độ điệp làm Tăng Cang chùa Thập Tháp. Năm 1908, ngài được mời ra kinh đô Huế làm chủ lễ cho một khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm, lại được thỉnh vào Hoàng Cung giảng pháp cho vua, quan cùng hoàng gia.


Các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều từng được nghe Thiền sư giảng kinh, bấy giờ danh hiệu Quốc sư đã được tôn xưng. Năm 1920, trong ý hướng nhằm đào tạo tăng tài cho sứ mạng hoằng dương chánh pháp, Thiền sư Phước Huệ đã đứng ra tổ chức các lớp Phật học tại chùa Thập Tháp và chùa Long Khánh (Quy Nhơn). Và chính trong thời gian này, hai vị danh Tăng của đất Huế là Thiền sư Mật Khế (1904 – 1935) và Thiền sư Đôn Hậu (1904 – 1993) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học.





Hoà Thượng Thích Kế Châu

Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất 1922 tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nho phong y học và thấm nhuần Phật giáo. Song thân Ngài là Phật tử thuần thành. Anh cả Ngài là Thiền sư Trí Diệu, học hạnh kiêm toàn, trụ trì và viên tịch tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định.

Ngài tư chất thông minh, nội ngoại điển đều thông suốt; thế học, y học và võ thuật cũng đều thông suốt. Ngài sớm hiểu được lý đạo qua kinh điển, nhận chân được lẽ vô thường của cuộc đời, và phát ý chí xuất trần vững mạnh. Năm 14 tuổi (1936), được phép song đường, Ngài xin thế phát xuất gia với Quốc sư Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, được Quốc sư ban pháp danh là Không Tín.

Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài được phép đăng đàn thọ Đại giới tại giới đàn chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu truyền giới. Ở giới đàn này, Ngài là Vĩ Sa di.


Năm Quý Mùi 1943, sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Bổn sư là Quốc sư Phước Huệ truyền pháp phái Sơn môn, Ngài đắc pháp với pháp tự Giải Thâm, hiệu là Kế Châu.


Năm Đinh Hợi 1947, với khả năng xuất chúng, Ngài được mời vào Giáo sư đoàn của Phật học đường Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.


Năm Canh Dần 1950, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Bảo Sơn, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Tại đây, Ngài kiết thất tu hành, hóa độ đông đảo quần chúng, và vận động tái thiết ngôi chùa trở nên trang nghiêm tú lệ hơn xưa.


Năm Ất Tỵ 1965, khi Hòa thượng Thích Huê Chiếu, trụ trì Tổ đình Thập Tháp – pháp huynh của Ngài viên tịch, chư tôn đức trong Sơn môn đã suy cử Ngài kế thừa trụ trì Tổ đình. Từ đấy, Ngài bắt đầu ra sức chỉnh trang mọi mặt, đưa Tổ đình trở thành một chốn thiền môn sinh hoạt có quy củ nghiêm tịnh.

Cùng trong năm này, Ngài được Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm suy cử làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Định. Và từ đây đến cuối đời, Ngài là vị lãnh đạo đứng đầu của Phật giáo Bình Định, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà chuyên tâm tu học.


Năm Ất Hợi 1995, Ngài mở cuộc đại trùng tu Tổ đình Thập Tháp. Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài đã thu thần viên tịch sau một cơn bệnh nhẹ vào ngày mùng 5 tháng Chạp năm Ất Hợi, nhằm ngày 24 tháng 1 năm 1996, trụ thế 75 năm, với 55 Hạ lạp.


Trước khi viên tịch, Ngài có chấp bút đề một bài kệ phú pháp để lại cho môn đồ đệ tử như sau:


Pháp tánh bổn lai tịch
Diệu dụng thỉ kiến công
Ngã kim phú pháp nhữ
Pháp pháp tự tánh trung.


Ngoài việc hoằng dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài. Ngài còn là một thi nhân, một văn sĩ được nhiều người mến mộ. Thi pháp, liễn đối của Ngài hiện diện khắp nơi tại các tự viện trong và ngoài tỉnh. Các văn nhân, thi sĩ nổi danh đều tìm đến luận bàn văn chương thi phú với Ngài.

*

Trong tất cả các ngôi cổ tự ở miền Trung Việt Nam được xây dựng vào thời Lê – Nguyễn, thì Tổ Đình Thập Tháp Di Đà ở Bình Định là ngôi chùa cổ nhất, hiện tồn trữ nhiều cổ vật giá trị. Các tượng Phật, Bồ Tát, A La Hán, Chuông, Trống, Khánh, Bảng, Mõ, Hoành Phi, Liễn Đối, các bài Ký minh… đều có lịch sử lâu đời, lưu truyền hằng nhiều thế kỷ.

Như Tường tổng hợp


 

Send comment
Your Name
Your email address
)
CONTACT US