Một điều đáng làm chúng ta chú ý là những bài thơ xuân đầu tiên trong văn học Việt-nam mà hiện nay vẫn còn tồn tại lại là những bài kệ xuân của ba thiền-sư thời nhà Lý (1009-1225) là Chân-không, Mãn-giác và Giác-hải. Hơn nữa, tuy nói đến xuân nhưng những bài kệ này thực sự không phải là những bài thơ sáng tác để tả cảnh xuân, ý xuân, ảnh hưởng của xuân đối với thiên nhiên, đối với con người, như những thi tác của các thế hệ sau, mà chỉ là những bài kệ (do đó chúng tôi tạm gọi là những bài “kệ xuân”) làm để trả lời một câu hỏi hoặc làm lúc tác giả sắp viên tịch. Tác giả mượn cảnh xuân hoặc ý xuân để diễn tả một vấn đề giáo lý Phật giáo nào đó, nhất là vấn đề liên quan đến sự sống chết của con người.