KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG NGHIÊM
Đời Đường, sa môn Bát Lạt Mật Đế
(người Trung-Thiên-trúc) dịch từ Phạn văn ra Hán văn Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn và chú thích
Quyển 4
- Bảy Đại Dung Nhau Không Ngăn Ngại
- Tánh Nghe Thường Hằng
Lúc bấy giờ từ trong đại chúng, tôn giả Phú Lâu Na rời chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo bên phải, đầu gối chân phải quì xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
– Đức Thế Tôn có oai đức lớn, khéo léo vì chúng sinh diễn nói pháp chân thật rốt ráo cùng tột của chư Phật. Đức Thế Tôn thường dạy rằng, trong những người thường thuyết pháp thì con là người đứng đầu. Nhưng hôm nay nghe pháp âm vi diệu của đức Thế Tôn, con thấy mình giống như người điếc, bước xa ngoài trăm bước để nghe tiếng muỗi vo ve, nhưng hình dáng còn không thấy được, huống gì là nghe được tiếng của nó. Đức Thế Tôn tuy đã chỉ dạy rõ ràng, khiến cho con trừ dứt mê lầm; nhưng hôm nay con vẫn chưa hiểu tường tận lí lẽ rốt ráo tận cùng, để không còn mảy may nào nghi hoặc.
Bạch đức Thế Tôn! Như đại đức A Nan cùng chư huynh đệ, tuy đã khai ngộ nhưng tập khí hữu lậu vẫn chưa diệt trừ. Còn như chúng con ở trong pháp hội này, là những người đã lên hàng vô lậu, đã dứt trừ hết các lậu hoặc, vậy mà hôm nay nghe pháp âm vi diệu của đức Thế Tôn, vẫn còn mắc phải những điều nghi hối!
Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới, vân vân ở trong thế gian đều là như lai tạng, xưa nay vốn thanh tịnh, thì tại sao bỗng nhiên lại sinh ra các tướng hữu vi núi, sông, đất liền, tuần tự trôi chảy, tiếp nối không ngừng?
Đức Thế Tôn còn dạy: đất, nước, lửa, gió, tánh vốn viên dung, trong lặng thường trú, trùm khắp pháp giới. Bạch đức Thế Tôn! Nếu tánh của đất là trùm khắp thì tại sao lại dung được nước? Nếu tánh của nước là trùm khắp thì lửa không thể phát sinh, vậy tại sao đức Thế Tôn lại nói rõ ràng là hai tánh của nước và lửa đều trùm khắp hư không mà không xâm lấn và tiêu diệt lẫn nhau? Bạch Đức Thế Tôn! Tánh của đất là chướng ngại, tánh của hư không là thông rỗng, làm sao cả hai đại đó đều trùm khắp pháp giới? Những nghĩa lí ấy con chưa hiểu thấu, cúi xin đức Thế Tôn phát lòng đại từ, phá tan đám mây mê muội cho con và cả đại chúng!
Tôn giả Phú Lâu Na nói xong, năm vóc gieo xuống đất, kính ngưỡng chờ nghe lời dạy từ bi vô lượng của đức Phật.
Bấy giờ đức Phật bảo tôn giả Phú Lâu Na cùng các vị A-la-hán trong pháp hội rằng:
– Hôm nay Như Lai sẽ vì khắp toàn thể hội chúng, chỉ bày tánh chân thắng nghĩa trong các thắng nghĩa(105), khiến cho hàng định tánh Thanh-văn(106) và tất cả các vị A-la-hán chưa chứng đắc đạo lí “hai không”(107), hồi tâm hướng lên Phật thừa(108) tối thượng, đều được chỗ tu hành chân thật, hoàn toàn vắng lặng của cảnh giới tịch diệt Nhất thừa(108). Thầy hãy lắng nghe, Như Lai sẽ vì thầy mà nói.
Tôn giả Phú Lâu Na cùng đại chúng kính vâng lời Phật dạy, yên lặng lắng nghe.
Đức Phật dạy:
– Này thầy Phú Lâu Na! Như thầy vừa nói: “Xưa nay vốn thanh tịnh, tại sao bỗng dưng sinh ra núi, sông, đất liền?” Vậy thầy không thường nghe Như Lai dạy “tánh giác là diệu minh, bản giác là minh diệu”(109) hay sao?
Tôn giả Phú Lâu Na bạch:
– Bạch Thế Tôn! Con thường được nghe Thế Tôn dạy như vậy.
Phật dạy:
– Ý thầy thế nào? Khi nói “giác minh”, tức là, vì tánh giác vốn tự sáng nên gọi là “giác”, hay là vì tánh giác vốn không tự sáng, phải dùng tánh “minh” soi sáng mà gọi là “minh giác”?
Tôn giả Phú Lâu Na thưa:
– Cái giác thể này nếu không nhờ được soi sáng (minh) thì chỉ gọi là “giác” mà thôi, chứ không có gì là “minh” cả.
Phật dạy:
– Thầy nói: nếu không nhờ được soi sáng thì không phải là “minh giác”. Nếu vậy thì ý nghĩa đích thật của “giác” và “minh” đều mất hết, vì sao? Tánh giác mà phải được soi sáng thì không phải là tánh giác; và nếu không được soi sáng thì tánh giác ấy không sáng; mà không sáng thì lại không phải là tánh giác vốn trong lặng sáng suốt. Cho nên, tánh giác mà phải được soi sáng, như thầy nói, đó chỉ là tánh giác và tánh sáng của vọng tưởng phân biệt. Thật ra, tánh giác vốn tự sáng suốt, chứ không phải nhờ được soi sáng mới sáng, –có nghĩa, tánh giác không phải là cái “sở minh”. Do vọng tưởng phân biệt mà tánh giác trở thành cái “sở minh”. Do cái “sở minh” đã hư vọng lập nên mà sinh khởi cái “năng minh” hư vọng nơi thầy. Do “năng minh” hư vọng mà trong thể tánh vốn không đồng không khác, bỗng khởi dậy thành khác; khác với cái khác đã thành kia, do đối lại với cái khác ấy mà lập nên cái đồng; khi cái đồng, cái khác đã phát hiện rõ ràng, thì lại nhân đó mà lập ra cái không đồng không khác. Cứ như thế mà rối loạn, đối đãi nhau mà sinh ra suy lường phân biệt. Sự suy lường phân biệt cứ tiếp tục không dừng, từ đó mà phát sinh niệm nhiễm trước trần cấu, tự làm vẩn đục nhau, dẫn đến phát sinh biết bao trần lao phiền não. Dấy động thì thành thế giới; tĩnh lặng thì thành hư không. Hư không là đồng, thế giới là khác; dầu cho cái thức phân biệt kia là không đồng không khác, cũng vẫn thật sự là pháp hữu vi.
Từ thể tánh chân giác mà khởi sinh cái tánh sáng hư vọng, bèn đem chân không biến thành hư không mê mờ; hai cái tánh sáng hư vọng và hư không mê mờ đó đối đãi nhau mà thành ra có dao động, cho nên có phong luân(110) nắm giữ thế giới. Nhân hư không sinh ra dao động, phát hiện ra tánh cứng chắc mà thành ra có ngăn ngại; tinh thể của tánh cứng chắc ấy là kim bảo, do vọng minh vọng giác mà lập thành tánh cứng, cho nên có kim luân(111) giữ gìn quốc độ. Chấp cứng vào vọng giác mà lập thành kim bảo; dao động vọng minh mà chiêu cảm gió xuất hiện. Gió và kim bảo cọ xát nhau, cho nên có hỏa quang(112), là công năng biến hóa. Hỏa quang đốt nóng kim bảo, chảy ra nước, cho nên có thủy luân(113) trùm khắp mười phương thế giới.
Lửa bốc lên, nước chảy xuống, giao tiếp nhau mà lập thành chất cứng. Nước chảy dồn xuống chỗ sâu thành ra biển cả, chỗ khô thành gò nổng. Do nghĩa lí đó, trong biển cả kia hơi nóng vẫn thường bốc lên; trong gò nổng kia sông rạch vẫn thường chảy xuống. Thế nước yếu hơn thế lửa, cho nên nước theo sức lửa mà kết tụ thành núi cao; bởi vậy, đá núi, nếu đập mạnh thì xẹt ra lửa, nếu nung lâu thì chảy thành nước. Thế đất yếu hơn thế nước, cho nên đất theo nước mà thành ướt mềm, mọc ra cỏ cây; bởi vậy rừng rú, nếu đốt cháy thì thành tro đất, nếu vắt ép thì có nước.
Vọng tâm vọng cảnh giao xen nhau mà sinh thành nhau, tuần tự làm chủng tử cho nhau. Do nhân duyên đó mà thế giới nối tiếp nhau không ngừng.
Lại nữa, thầy Phú Lâu Na! Cái tánh sáng trở thành hư vọng, lỗi lầm ấy chẳng phải do cái gì khác, mà chính là do khởi niệm cho rằng: tánh giác phải được soi sáng; đó là vọng tưởng về cái “sở minh”. Cái “sở minh” hư vọng đã lập thì cái “năng minh” không thể vượt khỏi phạm vi của nó. Bởi nhân duyên đó mà nghe thì không ra khỏi tiếng, thấy thì không vượt ra ngoài sắc. Vì sắc, hương, vị, xúc vân vân sáu trần hư vọng đã thành, nên cái thể tánh thanh tịnh sáng suốt phải bị phân chia thành các tác dụng thấy, nghe, hay, biết. Đồng nghiệp với nhau thì ràng buộc nhau mà có sinh(114); hợp thì thành, lìa thì hóa(115). Khi thân trung ấm thấy có một điểm sáng, đó là sắc phát hiện, bèn tiến đến; khi thấy rõ vọng cảnh(116) thì phát sinh niệm ham muốn. Thấy khác với ý muốn của mình thì ghét, thấy đồng với ý muốn của mình thì yêu(117); truyền niệm yêu này vào trong tinh huyết của cha mẹ thành ra hạt giống của sự thọ sinh, tinh huyết của cha mẹ thu nạp niệm yêu ấy mà thành bào thai. Cha mẹ giao hợp làm trợ duyên, hấp dẫn “kẻ” đồng nghiệp trong quá khứ(118) nhập vào bào thai; nhân duyên hòa hợp sinh ra yết-la-lam, át-bồ-đàm,(119) vân vân.
Bốn loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh đều theo nghiệp nhân chiêu cảm mà nghiệp quả báo ứng. Loài noãn sinh thì do loạn tưởng mà sinh ra đời; loài thai sinh thì do mê luyến tình ái mà sinh ra đời; loài thấp sinh thì do hợp chặt với hương vị ẩm thấp mà cảm sinh; loài hóa sinh thì lìa bỏ thân cũ để ứng vào thân mới. Bốn loài lại thay đổi lẫn nhau: khi thì tình, khi thì tưởng, khi thì hợp, khi thì lìa; tùy theo nghiệp nhân thiện ác mà thọ nhận nghiệp báo có lên có xuống. Bởi nhân duyên đó mà chúng sinh luân chuyển, nối tiếp không ngừng.
Thầy Phú Lâu Na! Đồng tư tưởng thì yêu thương kết buộc, yêu càng thâm sâu thì không thể xa lìa. Bởi vậy mà trong thế gian, các cha mẹ con cháu cứ sinh nhau không ngớt; tất cả đều do lòng tham ái dục làm gốc.
Có tham ái tất có thân mạng, có thân mạng thì phải nuôi dưỡng; cho nên lòng tham phát triển không ngừng. Bởi vậy mà trong thế gian, các loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh, tùy sức lực mạnh yếu mà ăn nuốt lẫn nhau; tất cả đều do lòng tham giết hại làm gốc.
Do người ăn dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loài chúng sinh, chết rồi lại sinh, sinh rồi lại chết, ăn nuốt lẫn nhau, nghiệp ác cùng sinh, báo thù nhau cho đến cùng tột đời vị lai; tất cả đều do lòng tham trộm cướp làm gốc.
Người này mắc nợ mạng người kia, phải trả mạng cho người kia; người kia mắc nợ mạng người này, phải trả mạng cho người này. Do nhân duyên đó mà trải qua trăm ngàn kiếp, chúng sinh mãi ở trong vòng sinh tử. Người này mến lòng tốt người kia, người kia mến lòng tốt người này; người này yêu sắc đẹp người kia, người kia yêu sắc đẹp người này. Do nhân duyên đó mà trải qua trăm ngàn kiếp, chúng sinh cứ mãi ở trong vòng ràng buộc. Chỉ do ba thứ nhân duyên gốc rễ là sát, đạo, dâm mà nghiệp quả nối tiếp không ngừng.
Thầy Phú Lâu Na! Ba thứ nối tiếp nhau không ngừng là thế giới, chúng sinh và nghiệp quả, như vừa nói trên, đều là những tướng điên đảo, từ tánh chân giác mà sinh khởi vọng minh, tức tánh hiểu biết hư vọng của vô minh. Nhân cái biết hư vọng mà phát hiện ra các tướng trạng; từ cái thấy hư vọng mà có ra các tướng hữu vi sông, núi, đất liền vân vân, thứ lớp trôi chảy đổi dời; tất cả đều do cái biết hư vọng đó mà xoay vần, hết đầu đến đuôi, hết đuôi đến đầu, nối tiếp không ngừng.
Tôn giả Phú Lâu Na bạch Phật:
– Nếu chúng sinh vốn có đầy đủ tánh giác thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, cùng với tâm Phật không thêm không bớt, mà không cớ gì, bỗng nhiên sinh ra các tướng hữu vi núi, sông, đất liền; vậy hôm nay đức Thế Tôn đã chứng nhập tánh giác thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, thì đến lúc nào lại sinh ra các tướng hữu vi núi, sông, đất liền, cùng các nghiệp quả hữu lậu?
Đức Phật bảo tôn giả Phú Lâu Na:
– Ví như trong làng kia có một người mê muội, lầm cho phương Nam là phương Bắc, thì cái mê lầm ấy là do mê mà có, hay do ngộ mà sinh ra?
Tôn giả Phú Lâu Na bạch:
– Người kia mê muội không phải do mê, mà cũng không phải do ngộ. Vì sao thế? Cái mê vốn không có gốc rễ, nên không thể sinh ra mê; còn cái ngộ thì không bao giờ sinh ra mê, nên không phải do ngộ.
Đức Phật dạy:
– Người mê muội kia, đang trong lúc mê lầm phương hướng như vậy, bỗng có người ngộ đến chỉ bảo cho biết rõ đâu là Nam, đâu là Bắc. Này Phú Lâu Na! Ý thầy thế nào? Người kia, dù lúc trước đã mê lầm về phương hướng ở xóm làng đó, sau khi đã được biết rõ rồi, có còn sinh mê lầm trở lại không?
– Bạch đức Thế Tôn, không!
– Thầy Phú Lâu Na! Chư Phật khắp mười phương cũng đều như vậy. Cái mê vốn không có gốc rễ, tánh của nó là rốt ráo không. Xưa kia vốn chẳng có mê, chỉ tợ hồ có mê có giác; khi biết rõ mình mê thì cái mê liền diệt, và tánh giác thì không bao giờ sinh ra mê. Cũng như người bị nhặm mắt, thấy hoa đốm giữa hư không; nếu trị dứt bệnh nhặm thì hoa đốm trên hư không liền diệt mất. Nhưng thật là ngu si, nếu bỗng có người, ở chỗ hư không mà hoa đốm vừa đã diệt mất rồi, lại đứng đó để chờ hoa đốm sinh ra trở lại! Thầy hãy xét xem, người đó có phải là ngu không, hay là có trí ruệ?
Tôn giả Phú Lâu Na bạch:
– Hư không nguyên không có hoa đốm, do hư vọng mà thấy có hoa đốm sinh rồi hoa đốm diệt. Thấy hoa đốm diệt mất giữa hư không đã là điên đảo rồi, bây giờ còn chờ nó sinh ra trở lại thì thật là si cuồng! Người đã si cuồng như thế thì đâu cần phải nói là ngu hay trí!
Đức Phật dạy:
– Thầy đã hiểu rõ như thế, tại sao còn hỏi “Chư Phật đã chứng nhập tánh giác thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, thì đến lúc nào lại sinh ra núi, sông, đất liền”? Lại như vàng quặng lộn chung với vàng ròng, khi vàng đã được luyện thành tinh ròng rồi thì không còn xen lộn dơ tạp trở lại nữa; cũng như gỗ đã đốt ra tro, tro ấy không thể thành gỗ trở lại nữa. Chư Phật đã chứng bồ đề, niết bàn, cũng giống như thế.
Phú Lâu Na! Thầy lại hỏi rằng: “Đất nước lửa gió bản tánh viên dung, trùm khắp pháp giới; tánh nước và tánh lửa xung khắc nhau, tại sao không xâm đoạt lẫn nhau? Hư không và đại địa tánh không hợp nhau, tại sao đều trùm khắp pháp giới và dung chứa lẫn nhau?” Thầy Phú Lâu Na! Ví như hư không, bản thể là vô tướng, nhưng không ngăn cản các tướng phát huy. Vì sao vậy? Thầy Phú Lâu Na! Bầu hư không rộng lớn kia, lúc mặt trời chiếu thì sáng, mây tụ thì tối, gió thổi thì động, quang tạnh thì trong, hơi đọng thì đục, bụi nổi thì mịt mù, nước đứng lặng thì óng ánh. Vậy ý thầy thế nào? Các tướng hữu vi sáng, tối, vân vân khác nhau ấy là do các duyên mặt trời, mây, vân vân kia sinh ra, hay do hư không mà có? Thầy Phú Lâu Na! Nếu các tướng ấy do các duyên kia sinh ra, khi mặt trời chiếu soi, đã là ánh sáng của mặt trời, lẽ ra lúc đó khắp các thế giới trong mười phương phải đồng một sắc của mặt trời, tại sao ở giữa hư không lại còn thấy có mặt trời tròn? Nếu ánh sáng ấy do hư không mà có, thì lẽ ra hư không phải luôn luôn tự chiếu sáng, tại sao trong ban đêm hay lúc mây mù thì tối tăm, không chiếu sáng? Vậy nên biết rằng, tướng sáng ấy không phải thuộc mặt trời, không phải thuộc hư không; nhưng cũng không ngoài mặt trời, không ngoài hư không. Cái tâm chân giác diệu minh cũng giống như vậy. Nếu theo nghiệp vọng khởi thấy có hư không, thì hư không xuất hiện; đất, nước, lửa, gió, vọng khởi thấy mỗi thứ thì mỗi thứ xuất hiện, nếu vọng khởi thấy có tất cả thì tất cả cùng lúc xuất hiện. Thế nào là cùng lúc xuất hiện? Thầy Phú Lâu Na! Như trong một dòng nước có hiện bóng mặt trời, hai người cùng thấy bóng mặt trời in đáy nước; rồi một người đi về hướng Đông, một người đi về hướng Tây, thì mỗi người đều thấy có mặt trời cùng đi theo mình: một mặt trời đi hướng Đông, một mặt trời đi hướng Tây, không có chuẩn đích cố định. Trước sự kiện đó, không nên gạn hỏi rằng: “Bóng mặt trời ở trong nước chỉ có một, tại sao lại có mỗi cái đi theo mỗi người mỗi hướng khác nhau? Đã có hai bóng mặt trời đi theo hai người, tại sao trước đó chỉ hiện có một?” Lẩn quẩn hư vọng, không có gì là chân lí để làm bằng cứ.
Vậy, xét về hiện tượng của các đại thì hoàn toàn là hư vọng, không thể chỉ bày chính xác được, cũng như mong đợi hoa đốm hiện trở lại giữa hư không mà thôi; sao lại còn gạn hỏi cái nghĩa “các tướng xâm đoạt lẫn nhau”? Xét về bản thể của các đại thì vốn chân thật, chỉ là thuần nhất một cái chân tâm viên minh diệu giác. Cái chân tâm viên minh diệu giác ấy vốn không phải là các đại đất, nước, lửa, gió vân vân; thì sao lại còn gạn hỏi về cái nghĩa “không dung chứa được nhau”?
Này Phú Lâu Na! Vì thầy cho rằng sắc và không lấn đoạt nhau ở trong như lai tạng, nên như lai tạng theo vọng tâm của thầy mà biến khởi sắc không trùm khắp pháp giới; từ đó, ở trong như lai tạng mà vọng thấy có gió dao động, hư không trong lặng, mặt trời chiếu sáng, mây tụ tối tăm. Vì chúng sinh mê muội, trái nghịch với giác tánh vốn có mà kết hợp với trần tướng hư vọng, nên phát hiện các pháp trần lao ô nhiễm, sinh ra các tướng hữu vi thế gian.
Như Lai sử dụng bản tánh chân giác diệu minh, không sinh không diệt, hợp với như lai tạng; mà như lai tạng chỉ là cái tâm thanh tịnh trong sáng nhiệm mầu, chiếu soi khắp cùng pháp giới. Vì thế cho nên, ở trong pháp giới ấy, một là vô lượng, vô luợng là một; cái lớn có mặt trong cái nhỏ, cái nhỏ có mặt trong cái lớn. Đạo tràng bất động cùng khắp thế giới mười phương; pháp thân bao trùm mười phương hư không vô tận; nơi đầu một sợi lông mà hiện ra Phật độ toàn cả ba ngàn đại thiên thế giới; ngồi trong một hạt bụi nhỏ mà chuyển đại pháp luân. Như Lai dứt tuyệt trần lao hư vọng mà hợp với tánh giác, nên phát hiện thể tánh chân như thanh tịnh trong sáng nhiệm mầu.
Như lai tạng vốn xưa nay là tâm thanh tịnh viên mãn nhiệm mầu. Nó không phải kiến đại, không phải thức đại, không phải không đại, không phải địa đại, không phải thủy đại, không phải phong đại, không phải hỏa đại; không phải nhãn căn, không phải nhĩ căn, không phải tị căn, không phải thiệt căn, không phải thân căn, không phải ý căn; không phải sắc trần, không phải thanh trần, không phải hương trần, không phải vị trần, không phải xúc trần, không phải pháp trần; không phải nhãn thức giới, cho đến không phải ý thức giới; không phải minh, không phải vô minh, không phải hết minh, không phải hết vô minh, cho đến không phải lão, không phải tử, không phải hết lão tử; không phải khổ đế, không phải tập đế, không phải diệt đế, không phải đạo đế, không phải trí, không phải đắc; không phải bố thí, không phải trì giới, không phải nhẫn nhục, không phải tinh tấn, không phải thiền định, không phải trí tuệ, không phải đáo bỉ ngạn; cho đến không phải Như Lai, không phải Ứng Cúng, không phải Chánh Biến Tri; không phải đại niết bàn, không phải thường, không phải lạc, không phải ngã, không phải tịnh; tất cả đều không phải, vì như lai tạng không phải là pháp thế gian, mà cũng không phải là pháp xuất thế gian.
Nhưng cái thể tánh vốn sáng suốt nhiệm mầu như lai tạng đó cũng tức là kiến đại, tức là không đại, tức là địa đại, tức là thủy đại, tức là phong đại, tức là hỏa đại; tức là nhãn căn, tức là nhĩ căn, tức là tị căn, tức là thiệt căn, tức là thân căn, tức là ý căn; tức là sắc trần, tức là thanh trần, tức là hương trần, tức là vị trần, tức là xúc trần, tức là pháp trần; tức là nhãn thức giới, cho đến tức là ý thức giới; tức là minh, tức là hết minh, tức là vô minh, tức là hết vô minh, cho đến tức là lão, tức là tử, tức là hết lão tử; tức là khổ, tức là tập, tức là diệt, tức là đạo, tức là trí, tức là đắc; tức là bố thí, tức là trì giới, tức là nhẫn nhục, tức là tinh tấn, tức là thiền định, tức là trí tuệ, tức là đáo bỉ ngạn; cho đến tức là Như Lai, tức là Ứng Cúng, tức là Chánh Biến Tri; tức là đại niết bàn, tức là đức thường, tức là đức lạc, tức là đức ngã, tức là đức tịnh; tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian đều là biểu hiện của như lai tạng.
Cái thể tánh vốn sáng suốt nhiệm mầu như lai tạng đó xa lìa tức là, xa lìa chẳng phải; mà cũng là tức là, cũng là chẳng phải. Vậy nên, chúng sinh trong ba cõi và các hàng Thanh-văn, Duyên-giác xuất thế gian, làm sao lấy cái kiến thức nông cạn của mình mà đo lường tuệ giác vô thượng của Như Lai, hoặc dùng ngôn ngữ thế gian mà nhập vào tri kiến Phật! Ví như các loại đàn cầm, sắt, không-hầu, tì-bà, tuy có âm thanh tuyệt diệu mà không có ngón tay điêu luyện, thì không thể phát ra âm thanh tuyệt diệu được.
Này Phú Lâu Na! Thầy và chúng sinh cũng giống như thế. Chân tâm sáng suốt mỗi người đều có đầy đủ; thế mà khi Như Lai vừa ấn ngón tay thì tâm Phật phát ra hào quang rực rỡ, còn quí thầy vừa móng tâm thì trần lao nổi dậy dẫy đầy. Đó là do quí thầy không siêng năng cầu đạo giác ngộ vô thượng, chỉ ham thích pháp tiểu thừa, vừa được một chút ít đã cho là đủ!
Tôn giả Phú Lâu Na thưa:
– Chân tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu ở nơi con và nơi đức Thế Tôn đều tròn đầy không khác, nhưng con thì từ quá khứ đã bị vọng tưởng vô thỉ che lấp, phải ở trong vòng luân hồi lâu dài nhiều kiếp, nay dù được thánh quả của hàng tiểu thừa, vẫn chưa rốt ráo. Đức Thế Tôn thì các vọng tưởng đều tiêu trừ trọn vẹn, chỉ còn thuần một tâm tánh chân thường mầu nhiệm. Xin đức Thế Tôn cho con hỏi: Tất cả chúng sinh do nguyên nhân gì mà có vọng tưởng, khiến cho tâm tánh sáng suốt nhiệm mầu của mình bị che lấp, để phải chịu chìm đắm như vậy?
Đức Phật dạy tôn giả Phú Lâu Na:
– Thầy tuy trừ được tâm nghi ngờ, nhưng vẫn còn những sai lầm chưa dứt hết. Bây giờ Như Lai lại đem những sự việc hiện tại ở thế gian để hỏi thầy. Chắc thầy có nghe, trong thành Thất-la-phiệt có anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa, vào một buổi sáng mai, lấy gương ra soi mặt, bỗng nhiên thấy thích cái đầu ở trong gương, vì có thể thấy được cả cặp mắt, lông mày. Rồi anh ta lại nổi giận, trách cứ cái đầu của mình, sao lại không thấy được mặt mày. Anh chàng cho cái đầu của mình là yêu quái, rồi không cớ gì, bỗng nhiên phát điên bỏ chạy! Thầy nghĩ thế nào? Người đó vì nguyên nhân gì mà vô cớ phát điên bỏ chạy?
Tôn giả Phú Lâu Na bạch:
– Vì tâm người ấy điên loạn, chứ không có duyên cớ gì khác.
Phật dạy:
– Tánh giác tròn đầy sáng suốt nhiệm mầu, từ xưa nay vẫn là tròn đầy sáng suốt nhiệm mầu. Còn cái vọng, đã gọi là vọng thì làm sao có nguyên nhân? Nếu có nguyên nhân thì sao gọi là vọng? Chỉ tự các vọng tưởng xoay vần làm nhân cho nhau, từ cái mê này nảy sinh thêm cái mê khác, tích lũy qua số kiếp nhiều như vi trần, tuy Như Lai thấy biết rõ ràng, mà vẫn không thể đẩy lùi cái nhân của mê; vì sao? Vì cái mê không có nguyên nhân.
Cái nhân của mê, như vậy, chỉ là cái mê tự có. Biết được cái mê không có nguyên nhân, thì cái vọng không có chỗ nương tựa để phát sinh. Cái sinh còn không có, vậy muốn diệt thì diệt cái gì? Người có được tuệ giác cũng giống như kẻ vừa tỉnh giấc kể chuyện chiêm bao, dù tâm ghi nhớ rõ ràng mọi sự việc, nhưng không có cách nào để lấy ra được các vật trong chiêm bao; huống nữa là vọng tưởng vốn không có nguyên nhân, hoàn toàn không có tự thể! Như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa ở trong thành kia, đâu có nhân duyên gì, bỗng dưng tự sợ hãi cái đầu của mình mà bỏ chạy! Khi tâm trí bình tĩnh trở lại thì biết cái đầu của mình vẫn ở đó, hoàn toàn không phải do lấy được từ bên ngoài! Mà giả sử chưa bình tĩnh trở lại, ngay cái lúc hoảng hốt bỏ chạy đó, thì cái đầu vẫn ở đó, chứ có mất đi đâu?
Thầy Phú Lâu Na! Bản chất của mê vọng vốn là như vậy đó, nào có nguyên nhân gì! Chỉ cần thầy không để tâm phân biệt ba thứ tương tục là thế gian, nghiệp quả và chúng sinh; ba duyên ấy đã đoạn dứt rồi thì ba nhân tạo ra ba thứ tương tục kia không thể phát sinh nữa; tức thì, cái tánh điên cuồng của anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa ở trong tâm thầy cũng tự tiêu mất. Khi vọng tâm vừa tiêu trừ hết, thì tuệ giác hiển lộ. Đó là chân tâm thanh tịnh, sáng suốt, nhiệm mầu, vốn bao trùm khắp cùng pháp giới, không do đâu mà được, nào phải tu chứng nhọc nhằn vất vả gì đâu! Ví như có người, ở trong áo của mình có buộc hạt ngọc như ý mà không hề biết, phải đi lang thang khắp chốn xin ăn. Ông ta tuy thật nghèo cùng, nhưng hạt ngọc vẫn còn y nguyên đó. Một hôm bỗng dưng có người biết chuyện, chỉ cho ông ta thấy hạt ngọc. Ông ta liền trở nên giàu có, muốn gì được nấy, mới tỉnh ngộ rằng, hạt ngọc quí giá ấy không phải đã có được từ bên ngoài.
Bấy giờ đại đức A Nan, từ trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, bạch rằng:
– Đức Thế Tôn vừa dạy về ba nghiệp sát, đạo, dâm. Nếu ba duyên đã đoạn trừ thì ba nhân không phát sinh; cái tâm cuồng điên ở trong anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa tự hết thì trí biết hiển lộ, không phải do ai đưa đến. Như thế tức là nhân duyên rồi, thật là rõ ràng, tại sao đức Thế Tôn lại loại bỏ yếu tố nhân duyên?
Chính con do nghĩa lí nhân duyên mà tâm được khai ngộ. Bạch Thế Tôn! Nghĩa lí ấy không riêng gì kẻ ít tuổi như con, hay như hàng Thanh-văn hữu-học, mà ngay cả trong chúng hội hôm nay, các tôn giả Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề vân vân, trước học theo vị lão phạm chí, sau nghe được lí nhân duyên của đức Thế Tôn mà tâm phát khai ngộ, đạt quả vô lậu. Bây giờ đức Thế Tôn dạy rằng, quả Chánh Giác không do nhân duyên, thì hóa ra cái thuyết tự nhiên của nhóm ngoại đạo Câu Xá Lê trong thành Vương-xá, lại trở thành nghĩa lí chân thật tối thượng hay sao? Cúi xin đức Thế Tôn từ bi thương xót, phá trừ tâm mê muội cho chúng con!
Đức Phật dạy đại đức A Nan:
– Thì như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa ở trong thành, nếu nhân duyên điên cuồng tiêu trừ hết, thì tánh không điên cuồng tự nhiên hiển lộ. Cái lí lẽ về nhân duyên và tự nhiên, xét cho cùng, chỉ là như thế.
Thầy A Nan! Anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa kia, cái đầu vốn là tự nhiên. Vốn đã là tự nhiên thì không lúc nào mà không tự nhiên; vậy thì do nhân duyên gì mà sợ cái đầu rồi hoảng hốt điên cuồng bỏ chạy? Nếu cái đầu vốn có tự nhiên, vì nhân duyên soi gương mà hoảng hốt cuồng loạn, thì tại sao không cứ giữ tự nhiên, mà lại vì nhân duyên mà mất đi cái đầu? Nhưng cái đầu vốn không mất, chỉ vì sợ hãi điên cuồng mà có cảm giác như thế, chứ nào có thay đổi gì mà phải nói tới nhân duyên! Nếu tánh cuồng vốn là tự nhiên, thì sự sợ hãi điên cuồng xưa nay vốn phải hiện hữu thường trực; vậy thì khi chưa phát cuồng, cái tánh cuồng ấy ẩn núp chỗ nào? Nếu tánh không cuồng là tự nhiên, thì trong đầu vốn không có vấn đề gì, cớ sao lại điên cuồng bỏ chạy? Nếu hiểu rõ rằng cái đầu của mình vốn sẵn có, và biết chắc rằng chỉ vì phát cuồng mà bỏ chạy, thì cả “nhân duyên” và “tự nhiên” đều chỉ là hí luận mà thôi. Vì vậy cho nên Như Lai nói: Ba duyên vừa đoạn dứt thì tâm bồ đề hiển lộ. Tâm bồ đề phát sinh thì tâm sinh diệt chấm dứt; nhưng đó cũng chỉ là sự sinh diệt trong cái thấy đối đãi phàm tình mà thôi. Phải dứt tuyệt cả hai ý niệm đối đãi “sinh - diệt” này thì mới gọi là “vô công dụng đạo”(120). Nếu có tự nhiên, như vậy thì rõ ràng là nói tâm tự-nhiên sinh, đối lại với tâm sinh-diệt diệt; và đây cũng lại là tâm “sinh-diệt” mà thôi.
Phải tận diệt cái tâm “sinh- diệt” thì mới gọi là tự nhiên. Cũng như trong thế gian, các tướng hòa lẫn với nhau thành ra một thể, gọi là tánh hòa-hợp; còn cái không phải hòa hợp thì gọi là tánh bản-nhiên. Bản nhiên mà chẳng phải bản nhiên, hòa hợp mà chẳng phải hòa hợp; rời bỏ cả hòa hợp và chẳng phải hòa hợp, bản nhiên và chẳng phải bản nhiên; rồi cả hai ý niệm: “hòa hợp và chẳng phải hòa hợp, bản nhiên và chẳng phải bản nhiên” cùng “rời bỏ cả hòa hợp và chẳng phải hòa hợp, bản nhiên và chẳng phải bản nhiên”, cũng đều rời bỏ hết, như thế mới là pháp “vô hí luận”.
Bồ đề niết bàn vẫn còn xa xôi, nếu thầy không trải qua nhiều kiếp chuyên cần tu chứng, thì tuy thầy có ghi nhớ diệu lí thanh tịnh nhiều như cát sông Hằng, do các đức Như Lai khắp mười phương nói trong mười hai bộ kinh(121), cũng chỉ thêm nhiều hí luận mà thôi. Thầy tuy đàm luận các lí lẽ nhân duyên, tự nhiên một cách rõ ràng rành mạch, và được người đời xưng tụng là “đa văn đệ nhất”; nhưng với cái thành tích “đa văn” đã được huân tập từ nhiều kiếp đó, thầy vẫn không thể tự hóa giải được nạn Ma Đăng Già, mà phải chờ thần chú “Phật Đảnh” của Như Lai, làm cho ngọn lửa dâm trong tâm nàng Ma Đăng Già tắt hết, sông ái cạn khô, nàng chứng quả A-na-hàm, trở thành rừng tinh tấn trong giáo pháp của Như Lai, thầy mới được cứu thoát!
Vì vậy, này A Nan! Thầy tuy nhiều kiếp ghi nhớ diệu pháp bí mật của Như Lai, vẫn không bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, xa lìa hai thứ khổ thương, ghét ở thế gian; như nàng Ma Đăng Già, trước kia từng là dâm nữ, nhưng nhờ sức thần chú mà tâm ái dục tiêu tan, hiện giờ ở trong giáo pháp của Như Lai, được gọi tên là Tánh tì kheo ni. Mẹ của thầy La Hầu La là Da Du Đà La cũng giống như Tánh tì kheo ni vậy, hai người cùng tỏ ngộ được cái nhân ở nhiều đời trước, biết rõ tham ái là nguồn gốc khổ đau, rồi nhờ chuyên tâm tu tập thiện nghiệp vô lậu, mà một người thì vượt thoát được sợi dây ràng buộc, còn người kia thì được Như Lai thọ kí. Còn thầy, sao cứ tự coi thường mình để phải mắc kẹt mãi trong vòng nghe thấy!
Đại đức A Nan và cả đại chúng nghe lời dạy của đức Phật, các mối nghi hoặc đều tiêu trừ, tâm ngộ thật tướng, thân ý khinh an, được pháp lạc chưa từng có. Đại đức quá xúc động đến rơi nước mắt, bèn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi quì gối chắp tay, cung kính bạch Phật rằng:
– Đức Bảo Vương thanh tịnh, đại bi vô thượng, đã khéo léo khai mở tâm chúng con, dùng mọi thứ nhân duyên như thế để phương tiện dìu dắt những kẻ đang chìm đắm trong tối tăm, ra khỏi bể khổ. Bạch Thế Tôn! Con nay lãnh ngộ được pháp âm của Thế Tôn, biết rõ như lai tạng là chân tâm sáng suốt nhiệm mầu, cùng khắp mười phương pháp giới, trùm chứa các quốc độ thanh tịnh quí báu trang nghiêm của chư Phật mười phương. Thế Tôn lại quở trách con tuy nghe nhiều biết rộng nhưng không kịp thời tu tập, không có công dụng gì. Con giống như kẻ lênh đênh phiêu bạt, hôm nay bỗng được vị thiên vương ban cho ngôi nhà đẹp. Dù được ngôi nhà lớn, nhưng điều cần yếu là phải biết cửa vào nhà. Cúi xin đức Thế Tôn rủ lòng đại bi, chỉ dạy cho chúng con, những kẻ mờ tối trong pháp hội này, xả bỏ pháp tiểu thừa, phát tâm căn bản, tu tập theo con đường rốt ráo dẫn đến vô dư niết bàn của các đức Như Lai; khiến cho hàng hữu học biết cách nhiếp phục tâm phan duyên từ lâu đời, được pháp tổng trì, chứng nhập tri kiến Phật.
Đại đức A Nan bạch Phật xong, năm vóc liền gieo xuống đất, cùng toàn chúng trong pháp hội, nhất tâm mong đợi Phật khai thị.
Lúc bấy giờ, vì thương xót các hàng Thanh-văn, Duyên-giác trong pháp hội chưa được vững vàng đối với tâm bồ đề, và vì đời sau, sau khi Phật diệt độ, các chúng sinh trong thời mạt pháp phát tâm bồ đề, đức Phật chỉ bày con đường tu tập mầu nhiệm dẫn đến đạo quả bồ đề vô thượng. Ngài dạy đại đức A Nan cùng đại chúng rằng:
– Quí thầy quyết định phát tâm bồ đề, đối với pháp tam-ma-đề mầu nhiệm của Như Lai không sinh tâm mệt mỏi, thì trước hết phải nhận thức rõ ràng về hai nghĩa quyết định của buổi đầu phát tâm bồ đề. Thế nào là “hai nghĩa quyết định của buổi đầu phát tâm bồ đề”?
Này A Nan! Nghĩa quyết định thứ nhất là: Nếu quí thầy muốn xả bỏ pháp Thanh-văn mà tu Bồ-tát đạo để nhập vào tri kiến Phật, quí thầy phải xét kĩ nguyên nhân phát tâm và đạo quả giác ngộ là đồng nhau hay khác nhau. A Nan! Trong lúc tu nhân, nếu đem cái tâm sinh diệt làm gốc để tu, mà mong cầu quả Phật bất sinh bất diệt, chuyện ấy không thể có được. Do nghĩa lí đó, thầy nên thấy rõ, tất cả mọi vật ở thế gian đều là pháp hữu vi –có thể làm ra, đều bị thay đổi và hoại diệt. A Nan! Thầy hãy xem trong thế gian, các pháp hữu vi ấy, có cái nào không bị hoại diệt không? Nhưng hư không thì không bao giờ nghe nói bị hư nát, vì sao thế? Vì hư không không phải được làm ra, cho nên trước sau không bị hoại diệt. Như trong thân thầy đó, tướng cứng là địa đại, nhuận ướt là thủy đại, hơi ấm là hỏa đại, chuyển động là phong đại; do bốn đại này kết buộc mà giả hợp thành thân, rồi chia chẻ cái chân tâm tròn đầy trong lặng sáng suốt nhiệm mầu của thầy thành ra cái thấy, cái nghe, cái biết, cái suy xét; từ đầu đến cuối, tạo thành năm lớp dơ bẩn!
Thế nào là dơ bẩn? Này A Nan! Ví như nước trong, bản nhiên là trong sạch; còn những thứ như bụi, đất, tro, cát, bản chất là ngăn ngại. Tự thể của hai bên vốn là như vậy, không hợp nhau được. Bỗng có người thế gian lấy đất bụi bỏ vào cốc nước trong sạch, thì đất mất tánh ngăn ngại, mà nước cũng mất tánh trong sạch, hình trạng vẩn đục, gọi là dơ bẩn. Năm lớp dơ bẩn của thầy cũng giống như vậy.
Này A Nan! Thầy thấy hư không cùng khắp mười phương thế giới. Hư không và cái thấy chẳng tách rời nhau. Nếu chỉ có hư không, thì hư không không thực thể; nếu chỉ có cái thấy thì cái thấy không hay biết. Do cả hai bên, cái thấy và hư không, đan dệt vào nhau mà hư vọng làm thành lớp dơ bẩn thứ nhất, gọi là “kiếp trược”.
Thân của thầy kết tụ bốn đại làm tự thể, chia chẻ tánh giác viên minh thành ra thấy nghe hay biết cách ngại nhau; còn các chất đất, nước, lửa, gió vô tri thì chuyển thành hiểu biết. Cả hai bên, vô tri và hiểu biết, đan dệt vào nhau mà hư vọng làm thành lớp dơ bẩn thứ hai, gọi là “kiến trược”.
Lại trong tâm thầy, ghi nhớ việc quá khứ, nhận biết việc hiện tại, trù tính việc tương lai, đó là tánh của sáu thức nương gá nơi sáu căn mà phát ra thấy nghe hay biết, và đối tượng của sáu thức là sáu trần. Rời trần cảnh thì không có tướng, rời tri giác thì không có tánh. Do cả hai bên, tri giác và trần cảnh, đan dệt vào nhau mà hư vọng làm thành lớp dơ bẩn thứ ba, gọi là “phiền não trược”.
Lại tâm của thầy, ngày đêm sinh diệt không ngừng. Cái thấy biết về ngã cứ muốn sống mãi ở thế gian, nhưng nghiệp vận thì cứ dời đổi cõi này cõi khác. Do cả hai bên, vọng thân và vọng tâm, đan dệt vào nhau mà hư vọng làm thành lớp dơ bẩn thứ tư, gọi là “chúng sinh trược”.
Cái thấy, cái nghe của thầy, tánh vốn không khác nhau, nhưng do các trần cách trở mà vô cớ sinh ra khác nhau. Vì vậy, về thể thì chúng đồng nhau, mà về dụng thì chúng khác nhau. Tính đồng và tính khác đã mất chuẩn đích, lại đan dệt vào nhau mà hư vọng làm thành lớp dơ bẩn thứ năm, gọi là “mạng trược”.
Này A Nan! Nếu muốn cho tánh thấy, nghe, hay, biết của thầy khế hợp với bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai, trước hết phải chọn bỏ những gì là cội gốc của sinh tử, nương theo cái không sinh diệt mà thành tựu tánh trong lặng tròn đầy; dùng cái tánh trong lặng này mà xoay chuyển những thứ sinh diệt hư vọng trở về với bản giác tịnh minh. Được cái tánh bản giác tịnh minh không sinh diệt làm tâm tu nhân thì về sau mới viên thành quả vị tu chứng. Như muốn lóng nước đục, hãy chứa nước đục trong đồ đựng nước, rồi để yên; để yên thật lâu, không lay động, thì đất cát tự lắng xuống, nước trong hiện ra. Như thế gọi là bước đầu điều phục phiền não khách trần. Bỏ hết bùn đất, chỉ còn nước trong thuần khiết, thì gọi là vĩnh viễn dứt trừ căn bản vô minh. Tướng trong sáng đã tinh thuần, thì tất cả những biến hiện không còn là phiền não, mà đều hợp với diệu đức thanh tịnh của niết bàn.
Nghĩa quyết định thứ hai là: Nếu quí thầy chắc chắn muốn phát tâm bồ đề, sinh lòng đại dũng mãnh đối với Bồ-tát thừa, và quyết định rời bỏ các tướng hữu vi, thì phải xét rõ cái gốc rễ của phiền não, từ vô thỉ đến nay, đó chính là nguyên nhân phát sinh ra nghiệp, rồi các duyên hội họp tưới tẩm để kết thành quả báo. Vậy ai là kẻ tạo nghiệp? Và ai là kẻ thọ quả?
Này A Nan! Thầy tu đạo bồ đề, nếu không suy xét rõ ràng những gốc rễ của phiền não, thì không thể biết được các căn trần hư vọng, chúng điên đảo ở chỗ nào. Chỗ nơi đã không biết thì làm sao mà điều phục được chúng để chứng đắc quả vị Bồ đề Vô thượng?
A Nan, thầy hãy xem! Người đời mở gút, phải thấy được chỗ thắt thì mới có thể mở; còn hư không bị phá hủy là chuyện không hề nghe, vì sao? Vì hư không không có hình tướng, không có thắt, không có mở vậy. Như thầy hiện giờ, sáu căn nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân và ý, tự làm môi giới cho giặc, cướp hết của báu trong nhà. Cũng vì vậy mà chúng sinh trong thế giới, từ vô thỉ, tự ràng buộc ở trong sự vật thế gian, không thể vượt ra khỏi.
Này A Nan! Thế nào là thế giới của chúng sinh? “Thế” là dời đổi; “giới” là phương vị. Thầy nên biết rằng, các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông-Nam, Tây-Nam, Đông-Bắc, Tây-Bắc, Trên và Dưới là “giới”; quá-khứ, vị-lai và hiện-tại là “thế”. Số phương vị có mười; số thời gian trôi chảy có ba. Tất cả chúng sinh, do bốn đại giả hợp làm thành thân. Trong thân biến đổi không ngừng; thế và giới hòa nhập vào nhau, cũng đổi dời không ngớt. Mà cái tính của giới đó, tuy thiết lập có mười phương, nhưng người thế gian nhận định rõ ràng chỉ có bốn phương là Đông, Tây, Nam, Bắc; còn phương Trên và phương Dưới không có vị trí chính xác; chỗ giao tiếp của các phương cũng không có vị trí nhất định. Như vậy, chỉ có con số bốn của giới là rõ ràng, hòa nhập vào số ba của thế; nhân ba với bốn, nhân bốn với ba, chuyển qua chuyển lại đều thành mười hai; biến đổi ba lớp, từ mười thành trăm, thành nghìn; tổng quát trước sau, trong sáu căn, mỗi mỗi có thể có đến một nghìn hai trăm công năng.
Lại nữa, này A Nan! Trong sáu căn đó cũng có chỗ hơn kém khác nhau mà thầy nên biết rõ: Như Nhãn căn xem thấy, sau thì tối, trước thì sáng; trước mặt thì thấy rõ hoàn toàn, sau lưng thì không thấy gì hết, nếu kể luôn cả hai bên trái phải, thì ba phần chỉ được hai. Tóm lại, công năng của nhãn căn không toàn vẹn, trong ba phần công năng thì một phần không có; vậy nên biết, nhãn căn chỉ có tám trăm công năng.
Nhĩ căn nghe khắp, mười phương không sót; động thì như có gần có xa, tĩnh thì không có biên giới. Vậy nên biết, nhĩ căn có đầy đủ một nghìn hai trăm công năng.
Tị căn thì ngửi biết cả lúc thở ra và lúc hít vào, nhưng cái khoảng giao tiếp giữa hai hơi thở ra vào thì bị đứt đoạn. Xét nghiệm nơi tị căn thì ba phần thiếu một; vậy nên biết, tị căn chỉ có tám trăm công năng.
Thiệt căn thì phô diễn cùng tột cả trí thế gian và xuất thế gian; ngôn ngữ tuy có hạn lượng và phân cách địa phương, nhưng nghĩa lí thì vô cùng tận. Vậy nên biết, thiệt căn có đầy đủ một nghìn hai trăm công năng.
Thân căn chạm xúc, biết các cảm xúc khó chịu và dễ chịu; nhưng khi hợp lại thì biết, còn rời ra thì không biết; rời chỉ có một phần công năng, còn hợp thì có hai phần. Nghiệm xét nơi thân căn: ba phần thiếu một; vậy nên biết, thân căn chỉ có tám trăm công năng.
Ý căn thầm lặng mà dung nạp tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian trong mười phương ba đời; dù thánh dù phàm, chẳng có pháp nào mà không bao dung tột cùng bờ bến. Vậy nên biết, ý căn đầy đủ cả một nghìn hai trăm công năng.
Này A Nan! Nếu muốn đi ngược dòng ái dục sinh tử, quay trở lại cùng tột cội nguồn dòng lưu chuyển, đến chỗ không sinh không diệt, thầy phải nghiệm xét trong sáu căn thọ dụng(122), căn nào là hợp, căn nào là lìa, căn nào sâu, căn nào cạn, căn nào là viên thông, căn nào là không viên thông. Từ trong sáu căn đó, nếu tỏ ngộ được cái căn viên thông, sẽ đảo ngược dòng nghiệp mà căn kia đã đan dệt hư vọng từ vô thỉ đến nay; thuận theo căn viên thông ấy để tu hành, so với tu cái căn không viên thông, hiệu quả sẽ gấp bội –như một ngày so với một kiếp!
Như Lai đã chỉ bày rõ ràng, sáu căn trong lặng, sáng suốt tròn đầy, vốn có số lượng công năng như thế; tùy thầy, hãy lựa chọn kĩ càng, thích hợp với căn nào, Như Lai sẽ hướng dẫn, khiến cho thầy được thăng tiến. Các đức Như Lai trong mười phương, đối với mười tám khu vực, bất cứ ở khu vực nào cũng tu hành thành tựu viên mãn quả vị Vô thượng Bồ đề; ở trong đó, không có khu vực nào là hơn, khu vực nào là kém. Nhưng vì thầy căn cơ còn thấp kém, chưa thể ở trong các pháp mà có được trí tuệ viên dung tự tại, cho nên Như Lai mới khuyên thầy chỉ cần tu tập thâm sâu vào một căn. Hễ căn đó được hoàn toàn thanh tịnh thì cả sáu căn đồng thời cùng được thanh tịnh!
Đại đức A Nan bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Làm sao đi ngược dòng lưu chuyển, tu tập thâm sâu vào một căn, mà lại khiến cho cả sáu căn cùng lúc đều được thanh tịnh?
Đức Phật dạy đại đức A Nan:
– Thầy hiện giờ đã chứng quả Tu-đà-hoàn, đã dứt trừ hết kiến hoặc của chúng sinh trong ba cõi thế gian, nhưng vẫn chưa biết những tập khí hư vọng từng tích tụ trong các căn từ vô thỉ. Những tập khí ấy phải nhờ tu tập mới đoạn trừ được, huống chi trong đó còn có phân loại, số mục của nhiều lớp vô minh sinh, trụ, dị, diệt!
Thầy hãy xét xem, sáu căn hiện giờ là một hay là sáu? Này A Nan! Nếu nói là một, thì tai tại sao không thấy? Mắt tại sao không nghe? Đầu tại sao không đi? Chân tại sao không nói? Nếu sáu căn nhất định là sáu, thì hiện giờ nơi pháp hội này, Như Lai đang chỉ dạy cho thầy pháp môn vi diệu, trong sáu căn của thầy, căn nào đang lãnh nhận?
Đại đức A Nan bạch Phật:
– Con dùng tai để nghe.
Phật dạy:
– Tai của thầy tự nghe thì liên quan gì đến thân và miệng, mà thân thì đứng dậy kính vâng, còn miệng thì hỏi nghĩa lí? Vì vậy nên biết rằng, đã không phải một thì chắc chắn phải là sáu; đã không phải sáu thì chắc chắn phải là một. Cho nên không nên nói rằng: sáu căn vốn là một hay vốn là sáu. A Nan! Thầy nên biết, căn ấy không phải một, cũng không phải sáu; chỉ vì từ vô thỉ đến nay, điên đảo chìm đắm nổi trôi, cho nên từ chân tánh trong lặng tròn đầy mà sinh ra có một có sáu. Thầy chứng quả Tu-đà-hoàn, tuy đã tiêu được cái sáu, nhưng vẫn còn nguyên cái một. Như hư không bao la kia hợp theo với các đồ vật; do vì đồ vật có hình dáng vuông tròn khác nhau mà hư không cũng theo đó mà vuông tròn khác nhau. Nếu trừ bỏ các đồ vật đi thì thấy hư không lại là một. Hư không bao la kia đâu có vì thầy mà thành ra đồng nhất hay không đồng nhất, huống chi lại còn nói nó là một, hoặc chẳng phải một! Sáu căn hay biết của thầy cũng lại như vậy.
Do hai thứ sáng và tối hiển bày lẫn nhau, làm che mờ chân tánh trong lặng tròn đầy, từ đó mà phát ra cái được gọi là “thấy”. Cái thấy phóng dọi ra sắc trần, kết với sắc trần mà thành ra “tịnh sắc căn” –vốn do bốn đại thanh tịnh hợp thành. Nương vào căn này mà “phù trần căn” của mắt được làm thành, hình dáng trông như quả nho. Bốn trần của phù căn(123) giong ruổi chạy theo sắc trần.
Do hai thứ động và tĩnh đối chọi nhau làm che mờ chân tánh trong lặng tròn đầy, từ đó mà phát ra cái được gọi là “nghe”. Cái nghe phóng dọi ra thanh trần, thu nhiếp thanh trần mà thành ra “tịnh sắc căn” –vốn do bốn đại thanh tịnh hợp thành. Nương vào căn này mà “phù trần căn” của tai được làm thành, hình dáng trông như chiếc lá mới cuốn lại. Bốn trần của phù căn giong ruổi chạy theo thanh trần.
Do hai thứ thông và bít phát hiện lẫn nhau, làm che mờ chân tánh trong lặng tròn đầy, từ đó mà phát ra cái được gọi là “ngửi”. Cái ngửi phóng dọi ra hương trần, thu nạp hương trần mà thành ra “tịnh sắc căn” –vốn do bốn đại thanh tịnh hợp thành. Nương vào căn này mà “phù trần căn” của mũi được làm thành, hình dáng trông như hai móng tay rủ xuống. Bốn trần của phù căn giong ruổi chạy theo hương trần.
Do hai thứ nhạt và có vị xen phát lẫn nhau, làm che mờ chân tánh trong lặng tròn đầy, từ đó mà phát ra cái được gọi là “nếm”. Cái nếm phóng dọi ra vị trần, thưởng thức vị trần mà thành ra “tịnh sắc căn” –vốn do bốn đại thanh tịnh hợp thành. Nương vào căn này mà “phù trần căn” của lưỡi được làm thành, hình dáng trông như mặt trăng non. Bốn trần của phù căn giong ruổi chạy theo vị trần.
Do hai thứ lìa và hợp cọ xát nhau, làm che mờ chân tánh trong lặng tròn đầy, từ đó mà phát ra cái được gọi là “biết chạm xúc”. Cái biết chạm xúc phóng dọi ra xúc trần, ôm nắm xúc trần mà thành ra “tịnh sắc căn” –vốn do bốn đại thanh tịnh hợp thành. Nương vào căn này mà “phù trần căn” của thân được làm thành, hình dáng trông như cái trống cơm. Bốn trần của phù căn giong ruổi chạy theo xúc trần.
Do hai thứ sinh và diệt tiếp nối nhau, làm che mờ chân tánh trong lặng tròn đầy, từ đó mà phát ra cái được gọi là “hiểu biết”. Cái hiểu biết phóng dọi ra pháp trần, tóm thu pháp trần mà thành ra “tịnh sắc căn” –vốn do bốn đại thanh tịnh hợp thành. Nương vào căn này mà “phù trần căn” của ý được làm thành, như cái thấy trong phòng tối. Bốn trần của phù căn giong ruổi chạy theo pháp trần.
Như thế, này A Nan! Tánh của sáu căn vốn chân giác diệu minh, do một niệm ban đầu vọng động mà chuyển thành vọng minh vọng giác, mất đi tánh sáng suốt tinh thuần bản nhiên, dính mắc vọng trần mà thành ra hay biết. Do vậy mà ngày nay, thầy lìa sáng lìa tối thì không có cái thấy; lìa động lìa tĩnh thì không có cái nghe; không có thông không có bít thì cái ngửi chẳng sinh; không vị không nhạt thì cái nếm không phát ra; không lìa không hợp thì cái cảm giác xúc chạm cũng không; không sinh không diệt thì cái hiểu biết chẳng nương nơi đâu mà có. Cho nên thầy chỉ cần không chạy theo mười hai tướng hữu vi là động, tĩnh, hợp, lìa, có vị, không vị, thông, bít, sinh, diệt, sáng và tối. Thầy tùy ý chọn lấy một căn, nhổ bỏ gốc rễ đi, thoát khỏi vọng trần dính mắc, xoay về tánh giác bản nguyên. Phiền não tiêu sạch thì tánh sáng suốt bản nhiên tự hiển lộ. Tánh sáng suốt bản nhiên đã hiển lộ thì năm căn dính mắc vọng trần còn lại cũng cùng lúc được thanh tịnh, giải thoát trọn vẹn. Lúc đó, tri kiến phát khởi mà không phải do tiền trần, tánh sáng suốt chỉ gá nơi căn để chiếu soi, chứ không lệ thuộc vào căn; bởi vậy, sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau không trở ngại.
A Nan! Như thầy biết đó, ngay trong pháp hội này, thầy A Na Luật mắt mù mà vẫn thấy; rồng Bạt Nan Đà tai điếc mà vẫn nghe; nữ thần sông Hằng không có mũi mà vẫn biết mùi; thầy Kiều Phạm Ba Đề lưỡi không bình thường mà vẫn biết vị; thần Hư Không không có thân mà vẫn biết cảm xúc (bản chất của ông vốn là gió, không có thân thể, do hào quang của Phật ánh ra, làm cho ông tạm thời hiện có thân); các vị A-la-hán đã chứng diệt-tận-định, an trú niết bàn, như thầy Đại Ca Diếp ở trong pháp hội này, đã diệt ý căn từ lâu rồi, không còn tâm niệm mà vẫn rõ biết trọn vẹn cùng khắp.
A Nan! Nếu các căn của thầy được thanh tịnh giải thoát hoàn toàn, thì cái tánh sáng suốt bản nhiên liền phát ra; và như thế, phù trần căn cùng hiện tượng vạn hữu ở thế gian, ngay lúc đó, như băng giá gặp nước sôi, đều tan biến hết, và sự nhận thức của thầy liền trở thành tri giác vô thượng.
A Nan! Như người thế gian kia chỉ gom cái thấy ở nơi con mắt; nếu nhắm kín mắt lại thì tướng tối hiện ra, cả sáu căn đều tối, đầu và chân tối như nhau. Nếu người ấy, trong lúc vẫn nhắm mắt, dùng tay rờ thân thể người khác, tuy vẫn không thấy, nhưng rờ đầu thì biết được là đầu, rờ chân thì biết được là chân; cái tri giác ấy hoàn toàn giống với cái tri giác lúc chưa nhắm mắt.
Theo người đời thì phải có sáng mới có thấy, cho nên khi tối thì thành ra không thấy. Nhưng người nhắm mắt kia không cần cái duyên ánh sáng mà cái thấy tự nhiên phát ra, thì các tướng tối vĩnh viễn không thể làm chướng ngại cái thấy được! Căn và trần đã tiêu tan rồi thì tại sao tánh giác lại không trở thành tròn đầy mầu nhiệm được?
Đại đức A Nan bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Như đức Thế Tôn đã dạy, muốn cầu được quả Phật thường trụ, thì chỗ phát tâm trong lúc tu nhân phải khế hợp với bản tánh thường trụ của quả vị Phật. Bạch đức Thế Tôn! Như trong quả vị đó, bảy danh hiệu Bồ-đề, Niết-bàn, Chân-như, Phật-tánh, Am-ma-la-thức, Không-như-lai-tạng, Đại-viên-cảnh-trí, tên gọi tuy có khác nhau, nhưng thể tánh đều thanh tịnh, viên mãn, cứng chắc như kim cương, thường trụ, không hư hoại.
Nếu những cái thấy, nghe này mà rời các tướng sáng, tối, động, tĩnh, thông, bít thì hoàn toàn không có tự thể, cũng như tâm niệm rời tiền trần thì vốn không có gì, thì tại sao lại lấy cái rốt ráo đoạn diệt ấy làm nhân tu hành, để cầu chứng quả vị Phật với bảy danh hiệu Bồ-đề, Niết-bàn, Chân-như, Phật-tánh, Am-ma-la-thức, Không-như-lai-tàng, Đại-viên-cảnh-trí kia?
Bạch đức Thế Tôn! Nếu rời hai tướng sáng tối thì cái thấy hoàn toàn không có; nếu không có tiền trần thì tự tánh của tâm niệm diệt mất. Suy tới nghĩ lui, xem xét cặn kẽ, thì cả “tâm tôi” và “tâm sở của tôi” đều không có, vậy lấy cái gì làm nhân địa để cầu Tuệ giác Vô thượng?
Trước đây đức Thế Tôn nói cái tánh hay biết trong lặng, tinh thuần, viên mãn, không sinh diệt, bây giờ lại nói khác đi; như vậy là lời nói đã trở thành hí luận, còn đâu là lời chân thật của Như Lai? Cúi xin đức Thế Tôn rủ lòng đại từ, khai mở chỗ mê chấp cho con!
Phật dạy đại đức A Nan:
– Thầy nghe nhiều hiểu rộng, nhưng chưa dứt hết các lậu hoặc. Trong tâm chỉ biết suông cái nhân điên đảo, mà cái điên đảo thật sự ở trước mặt thì chưa biết rõ. Như Lai muốn nói thẳng, chỉ sợ chưa đủ tâm thành tin phục; cho nên bây giờ, Như Lai sẽ đem những việc thông thường của thế tục để giải trừ mối nghi hoặc của thầy.
Bấy giờ đức Phật bảo đại đức La Hầu La thỉnh một tiếng chuông, rồi hỏi đại đức A Nan:
– Thầy có nghe không?
Đại đức A Nan cùng đại chúng đồng thưa:
– Dạ, chúng con có nghe.
Giây lát tiếng chuông im bặt, đức Phật lại hỏi:
– Bây giờ thầy có nghe không?
Đại đức A Nan cùng đại chúng đồng thưa:
– Dạ, không nghe.
Đại đức La Hầu Lai lại thỉnh một tiếng chuông, và đức Phật lại hỏi:
– Bây giờ thầy có nghe không?
Đại đức A Nan cùng đại chúng lại thưa:
– Dạ, có nghe.
Đức Phật hỏi đại đức A Nan:
– Thế nào thì thầy có nghe? Thế nào thì thầy không nghe?
Đại đức A Nan cùng đại chúng đồng bạch Phật rằng:
– Tiếng chuông được thỉnh lên thì chúng con có nghe; giây lát tiếng chuông dứt, âm vang không còn nữa, chúng con nói là “không nghe”.
Đức Phật lại bảo đại đức La Hầu La thỉnh chuông, rồi hỏi đại đức A Nan:
– Theo thầy thì bây giờ có tiếng không?
Đại đức A Nan cùng đại chúng đồng thưa:
– Dạ, có tiếng.
Giây lát tiếng chuông im bặt, Phật lại hỏi:
– Theo thầy thì bây giờ có tiếng không?
Đại đức A Nan cùng đại chúng đồng thưa:
– Dạ, không có tiếng.
Giây lát sau đại đức La Hầu La lại thỉnh chuông, và đức Phật lại hỏi:
– Theo thầy, bây giờ có tiếng không?
Đại đức A Nan cùng đại chúng đồng thưa:
– Dạ, có tiếng.
Phật hỏi đại đức A Nan:
– Thế nào thầy gọi là có tiếng? Thế nào thầy gọi là không có tiếng?
Đại đức A Nan cùng đại chúng đồng thưa:
– Tiếng chuông được thỉnh lên, gọi là có tiếng; một chập sau tiếng chuông dứt, âm vang không còn, gọi là không có tiếng.
Phật bảo đại đức A Nan cùng đại chúng:
– Sao hôm nay quí thầy nói năng lộn xộn như thế?
Đại chúng cùng đại đức A Nan đồng bạch Phật:
– Chúng con nói năng lộn xộn như thế nào?
Phật dạy:
– Như Lai hỏi thầy về nghe, thì thầy nói là nghe; hỏi thầy về tiếng thì thầy nói là tiếng! Chỉ có cái nghe và cái tiếng mà thầy trả lời không nhất định, như thế không phải là nói năng lộn xộn hay sao? Này A Nan! Tiếng chuông tiêu mất không còn âm vang, thầy nói là không nghe; nếu quả thật không nghe, thì cái tánh nghe đã diệt mất, đồng như cây khô, vậy khi tiếng chuông được thỉnh trở lại thì làm sao thầy biết được? Biết có biết không là tự nơi cái tiếng hoặc có hoặc không, chứ đâu phải cái tánh nghe kia vì sự sinh diệt của tiếng chuông của thầy mà thành có, thành không! Nếu tánh nghe quả thật không còn, thì lấy gì để biết là không có tiếng? Vì vậy, này A Nan! Cái tiếng đối với tánh nghe, thì tiếng có sinh có diệt; nhưng không phải vì sự sinh diệt của tiếng mà làm cho tánh nghe của thầy cũng theo đó mà thành có thành không. Thầy còn lẫn lộn, lầm cho cái tiếng là cái nghe; thảo nào mà thầy chẳng mê mờ, cho cái thường hằng là cái đoạn diệt! Tóm lại, thầy không nên lầm tưởng rằng, lìa ngoài các tướng động tĩnh, thông bít, đóng mở, vân vân thì không có tánh nghe. Như người ngủ mê, nằm trên giường, lúc đó trong nhà có người giã gạo. Người ấy, ở trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, bèn cho đó là một thứ tiếng gì khác, hoặc là tiếng trống, hoặc là tiếng chuông; rồi thì cũng ở ngay trong giấc chiêm bao đó, người ấy tự lấy làm lạ rằng: “Tại sao tiếng trống lại vang lên như tiếng cây, tiếng đá?”! Ngay lúc đó người ấy thức giấc, liền biết là tiếng chày giã gạo, bèn nói với người nhà rằng: “Trong chiêm bao tôi đã lầm tiếng chày này là tiếng trống!” Này A Nan! Người kia ở trong mộng đâu có nhớ những thứ động tĩnh, thông bít, đóng mở; thân hình tuy ngủ nhưng tánh nghe chẳng mờ. Dù cho hình hài thầy tiêu tan, mạng sống dời đổi, thì cái tánh nghe cũng không vì vậy mà tiêu diệt mất.
Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, vì đeo đuổi thanh sắc, chạy theo vọng niệm, mà mãi mãi lưu chuyển, chưa từng tỏ ngộ bản tánh chân thường, thanh tịnh, nhiệm mầu. Không thuận theo cái tánh chân thường ấy, mà chỉ chạy đuổi theo các thứ sinh diệt. Bởi vậy, đời đời kiếp kiếp cứ phải trôi nổi quẩn quanh trong vòng tạp nhiễm sinh tử. Nếu biết từ bỏ những thứ sinh diệt, chỉ giữ lấy tánh chân thường, thì trí tuệ sáng suốt bản nhiên nơi chân tâm thường trú liền phát hiện, còn căn, trần và tâm thức thì tiêu vong tức khắc! Trần là tướng của vọng tưởng, cấu là vọng tình phân biệt. Xa lìa hẳn hai thứ trần, cấu ấy thì pháp nhãn của thầy lập tức trong sáng; làm sao mà không trở thành bậc Vô thượng Chánh giác!