SỐ 226
KINH BÁT-NHÃ BA LA MẬT SAO
Hán dịch: Phù Tần, Thiên Trúc Sa môn Đàm-Ma-Ty và Trúc-Phật-Niệm
Dịch Hán ra Việt: Thích nữ Tâm Thường
(Ni viện Diệu Quang – Nha Trang)
Quyển thứ nhất
Phẩm thứ hai: Hỏi về Đại Bát-nhã Ba la mật
Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhơn cùng với bốn vạn chư Thiên đồng đến nhóm họp. Tứ thiên vương cùng với hai vạn chư Thiên đồng đến nhóm họp. Phạm Ca Di Thiên cùng với một vạn chư Thiên đồng đến nhóm họp. Thủ Đà Hội Thiên cùng năm nghìn chư Thiên đồng đến nhóm họp. Các chư Thiên có phước đức ở đời trước được sức oai thần của Phật, nên ánh sáng của họ chiếu sáng rực rỡ, làm cho ánh sáng của chư Thiên khác không hiện ra được.
Thích Đề Hoàn Nhơn bạch với ngài Tu-Bồ-Đề:
– Có vô số ngàn vạn chư Thiên trong đại hội này muốn được nghe ngài thuyết Trí độ. Thế nào là Đại Bồ tát trụ trong Trí độ?
Tu-Bồ-Đề bảo Thích Đề Hoàn Nhơn:
– Câu Dực! Vô số ngàn vạn chư Thiên ưa thích được nghe Trí độ. Ta sẽ nương oai thần của Phật rộng thuyết Trí độ cho tất cả chư Thiên. Chư Thiên nào chưa phát tâm Bồ đề thì nay nên phát. Người đã đắc Tu-đà-hoàn thì không trở lại đắc Bồ tát. Vì sao? – Vì đã đóng bít đường sanh tử. Ví như những hạng người này cầu Bồ tát đạo thì ta cũng sẽ khuyến trợ làm cho công đức của họ không bị chấm dứt, làm cho họ nhận được phần cao quý nhất trong pháp đó.
Phật dạy:
– Lành thay! Lành thay! Tu-Bồ-Đề, thầy khuyến trợ chư Thiên ưa thích việc học đến như vậy.
Tu-Bồ-Đề bạch Phật:
– Kính bạch Thế tôn! Con phải đền ơn, không thể không đền ơn.Vì sao? – Thuở quá khứ Như Lai có dạy tất cả đệ tử vì các Bồ tát thuyết Trí độ. Bấy giờ Như Lai cũng ở trong pháp học đó, và trong pháp học đó Như Lai tự mình đạt thành Phật đạo.
Kính bạch Thiên Trung Thiên! Vì lẽ đó nên con phải đền ơn, nên nay con xin thuyết lại Trí độ. Bồ tát cũng sẽ nhận lại pháp của Bồ tát. Con cũng sẽ khuyến trợ họ ưa thích Đại Bồ tát để mau được thành Phật.
Tu-Bồ-Đề bảo với Câu Dực:
– Tôi sẽ hỏi, ông hãy lắng nghe câu hỏi: Đại Bồ tát tu Trí độ như thế nào ? Đại Bồ tát lấy “không trụ” để trụ Trí độ. Đại Bồ tát với đại thệ nguyện hướng đến đại thừa không trụ vào trong sắc nào cả. Không trụ vào sắc, thọ tưởng, hành, thức nào cả. Không trụ vào trong Tu-đà-hoàn nào cả. Không trụ vào trong Tư-đà-hàm nào cả. Không trụ vào trong A-na-hàm nào cả. Không trụ vào trong A-la-hán nào cả. Không trụ vào trong Bích Chi Phật nào cả. Không trụ vào trong Phật nào cả. Có sắc nhưng không trụ vào trong sắc nào cả. Có thọ, tưởng,hành, thức nhưng không trụ vào trong thọ, tưởng, hành, thức nào cả. Có Tu-đà-hoàn nhưng không trụ trong Tu-đà-hoàn nào cả. Có Tư-đà-hàm, không trụ Tư-đà-hàm nào cả. Có A-na-hàm, không trụ trong A-na-hàm nào cả. Có a-la-hán, Bích Chi Phật, Phật nhưng không trụ trong A-la-hán, Bích Chi Phật, Phật nào cả. Không trụ vào trong sắc thường, vô thường nào cả. Không trụ vào trong thọ, tưởng, hành, thức thường, vô thường nào cả. Không trụ vào trong sắc lạc, sắc khổ nào cả. Không trụ vào trong thọ, tưởng, hành, thức lạc khổ nào cả. Không trụ vào trong sắc không bất không nào cả. Không trụ vào trong thọ, tưởng, hành, thức không bất không nào cả. Không trụ vào trong sắc ngã sở, phi ngã sở nào cả. Không trụ vào trong thọ, tưởng, hành, thức ngã phi ngã sở nào cả.
Thành tựu trọn vẹn Tu-đà-hoàn đạo, cũng không trụ vào trong đó. Thành tựu xong Tu-đà-hoàn đạo cũng không trụ vào trong đó. Vì sao? – Tu-đà-hoàn còn bảy lần sanh bảy lần tử liền vượt qua nên không trụ vào trong Tu-đà-hoàn đạo nào cả.
Thành tựu trọn vẹn Tư-đà-hàm đạo, cũng không trụ vào trong đó. Thành tựu xong Tư-đà-hàm đạo cũng không trụ vào trong đó. Vì sao? – Vì Tư-đà-hàm còn một lần sanh một lần tử liền vượt qua, thế nên không trụ vào trong Tư-đà-hàm đạo nào cả.
Thành tựu trọn vẹn A-na-hàm đạo cũng không trụ vào trong đó. Tnành tựu xong A-na-hàm đạo liền ở trên trời Bát Niết-bàn. Thế nên không trụ vào trong
A-na-hàm đạo nào cả.
Thành tựu trọn vẹn A-la-hán đạo cũng không trụ vào trong đó. Vì sao? – Thành tựu xong A-la-hán đạo liền dứt hết tất cả. Ngay nơi đó không còn có Bát Niết-bàn nào để Bát Niết-bàn. Thế nên không trụ vào trong A-la-hán đạo nào cả.
Thành tựu trọn vẹn Bích Chi Phật đạo cũng không trụ vào trong đó. Thành tựu xong Bích Chi Phật đạo, vượt qua Thanh văn, không tiến đến Phật đạo mà Niết-bàn nửa chừng, thế nên không trụ vào trong Bích Chi Phật đạo nào cả mà thành Phật, làm thầy dạy cho vô lượng vô số người đều Bát Niết-bàn. Làm xong công việc của Phật làm rồi sẽ Bát Niết-bàn mà không trụ vào trong đó.
Xá-Lợi-Phất nghĩ: “Vậy thì Bồ tát trụ vào chỗ nào?”.
Tu-Bồ-Đề biết ý nghĩ của Xá-Lợi-Phất, thưa:
– Thế nào, thưa ngài Xá-Lợi-Phất! Phật trụ ở chỗ nào?
Xá-Lợi-Phất thưa:
– Phật không trụ chỗ nào cả. Tâm Như Lai không trụ vào chỗ nào, cũng không trụ ở chỗ bất động, cũng không trụ ở chỗ vô động.
Tu-Bồ-Đề thưa:
– Đại Bồ tát nên học như vậy. Học giống như Như Lai. Không trụ cũng không bất trụ, cũng không vô trụ. Nên học trụ như vậy.
Chư Thiên nghe như vậy đều nghĩ: “Các Duyệt-xoa dù lớn hay nhỏ, nói ra điều gì chúng ta đều có thể hiểu rõ. Còn những gì tôn giả Tu-Bồ-Đề nói ta hoàn toàn không thể hiểu”.
Tu-Bồ-Đề biết ý nghĩ của chư Thiên, liền thưa:
– Lời nói này khó hiểu, khó hiểu cũng không thể nghe, cũng không thể biết.
Trong tâm chư Thiên, mỗi người lại nghĩ: “ Lời nói này phải hiểu, phải hiểu. Nay chỗ hiểu biết của tôn giả Tu-Bồ-Đề đã thâm nhập, thâm nhập”.
Tu-Bồ-Đề biết ý nghĩ của chư Thiên nên nói với chư Thiên rằng:
– Muốn đạt được Tu-đà-hoàn đạo, khi đạt được Tu-đà-hoàn đạo rồi thì không trụ trong đó mới vượt qua. Muốn đạt được Tư-đà-hàm đạo, khi đạt được Tư-đà-hàm đạo rồi thì không trụ trong đó mới vượt qua. Muốn đạt được A-na-hàm đạo, khi đạt được A-na-hàm đạo rồi thì không trụ vào trong đó mơi vượt qua. Muốn đạt được A-la-hán đạo, khi đạt được A-la-hán đạo rồi thì không trụ vào trong đó mới vượt qua. Muốn đạt được Bích Chi Phật đạo, khi đạt được Bích Chi Phật đạo rồi thì không trụ vào trong đó mới vượt qua. Muốn đạt được Phật đạo, khi đạt được Phật đạo rồi thì không trụ vào trong đó mới vượt qua.
Chư Thiên nghĩ: “Tôn giả Tu-Bồ-Đề thuyết như vậy thì ai là người sẽ nghe, sẽ lãnh thọ pháp này?”.
Tu-Bồ-Đề biết ý nghĩ của chư Thiên nên nói với chư Thiên:
– Người huyễn sẽ nghe pháp huyễn của ta, sẽ nhận pháp huyễn của ta. Vì sao? – Người theo ta nghe pháp xong rồi cũng không chứng đắc.
Chư Thiên lại nghĩ: “Sao gọi là người huyễn nghe pháp cùng với mọi người giống nhau không khác?”.
Tu-Bồ-Đề biết ý của chư Thiên nên nói với chư Thiên:
– Huyễn như người, người như huyễn.
Tu-Bồ-Đề bảo:
– Ta nói Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích Chi Phật đạo cũng như huyễn. Ngay như Phật đạo ta nói cũng như huyễn.
Chư Thiên thưa:
– Cho đến Phật đạo ngài nói cũng như huyễn sao?
Tu-Bồ-Đề bảo với chư Thiên:
– Cho đến Niết-bàn cũng như huyễn.
Chư Thiên hỏi Tu-Bồ-Đề:
– Cho đến Niết-bàn cũng như huyễn là thế nào?
Tu-Bồ-Đề bảo:
– Này chư Thiên! Giả sử có pháp sanh ra Niết-bàn, pháp ấy cũng như huyễn. Vì sao? – Làm cho người huyễn Niết-bàn thì cũng như không có.
Xá-Lợi-Phất, Phần Mạn Đà Ni Phất, Ma Ha Câu Hy La, Ma Ha Ca Chiên Diên.v.v…. cùng thưa Tu-Bồ-Đề:
– Trí độ thật rất sâu xa. Những người nào sẽ lãnh thọ pháp này?
Hiền giả A-Nan cũng hỏi như vậy.
Tu-Bồ-Đề thưa với các Tỳ kheo:
– Bồ tát Bất thối hoặc là người thành tựu A-la-hán sẽ lãnh thọ pháp này. Lại có pháp này nhưng không có người thọ trì. Vì sao? – Trí độ thuyết tướng của nó như vậy, trong đó không sanh ra. Vì sao? – Vì trong pháp đó vốn không có pháp, không có người nghe, không có người đắc. Pháp này xét ra không có người nghe pháp, không có người đắc pháp, vì trong pháp đó không có chỗ lãnh thọ.
Thích Đề Hoàn Nhơn nghĩ: “Tôn giả Tu-Bồ-Đề đã thuyết pháp mưa báu. Ta đâu không hóa làm hoa để đem dâng cúng lên tôn giả”. Thích Đề Hoàn Nhơn liền hóa làm hoa dâng lên tôn giả Tu-Bồ-Đề. Tu-Bồ-Đề bảo:
– Hoa này chẳng phải sanh ra trên trời Đao Lợi. Ta từng thấy hoa này từ huyễn hóa sanh ra. Thích Đề Hoàn Nhơn đã hóa ra và dâng lên cúng ta là từ cây tâm mà sanh ra, không phải từ cây gỗ sanh ra. Hoa này là từ cây tâm sanh ra.
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Như tôn giả dạy: hoa này là từ cây tâm sanh ra.
Tu-Bồ-Đề bảo:
– Đúng như vậy, Câu Dực!
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Cũng chẳng phải từ cây tâm sanh ra.
Tu-Bồ-Đề bảo:
– Bởi vậy nên chẳng phải là hoa.
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Thưa tôn giả Tu-Bồ-Đề! Trí tuệ ngài đạt được thật là sâu xa. Những lời ngài thuyết không thêm không bớt, thuyết đúng như pháp. Như ngài đã dạy, các
Đại Bồ tát nên học như vậy.
Tu-Bồ-Đề bảo Thích Đề Hoàn Nhơn:
– Lời Câu Dực rất đúng. Đó là chỗ học của Đại Bồ tát. Đại Bồ tát nên học như vậy. Vì không học Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích Chi Phật đạo là Bồ tát học Nhứt thiết trí. Người học như vậy là học vô lượng vô số pháp, không học về sắc sanh, cũng không học về thọ, tưởng, hành, thức sanh. Không học về sắc thọ, cũng không học về thọ, tưởng, hành, thức thọ. Không học về pháp lạc thọ tưởng và khi bị mất cũng không lệ thuộc. Học như vậy là học Nhứt thiết trí, là đồng như Nhứt thiết trí.
Xá-Lợi-Phất hỏi Tu-Bồ-Đề:
– Người học như vậy cũng không lãnh thọ Nhứt thiết trí, cũng không thất học, vì học Nhứt thiết trí là đồng với Nhứt thiết trí.
Tu-Bồ-Đề thưa:
– Học như vậy cũng không lãnh thọ Nhứt thiết trí, cũng không thất học, đó là học Nhứt thiết trí, là đồng như Nhứt thiết trí.
Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi Xá-Lợi-Phất:
– Đại Bồ tát sẽ cầu Trí độ như thế nào?
Xá Lợi Phật thưa:
– Nên hỏi tôn giả Tu-Bồ-Đề.
Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi tôn giả Tu-Bồ-Đề:
– Sẽ nương vào oai thần ân đức gì để học?
Tu-Bồ-Đề thưa:
– Chỗ học được đều là nhờ vào oai thần ân đức của Phật.
Chúc Câu Dực hỏi:
– Đại Bồ tát nên cầu Trí độ như thế nào? Cũng không thể từ nơi sắc mà tìm cầu. Cũng không thể lìa sắc để tìm. Cũng không thể từ thọ, tưởng, hành, thức mà tìm. Cũng không thể lìa thọ, tưởng, hành, thức để tìm. Vì sao? – Trí độ cũng chẳng phải sắc, cũng chẳng phải lìa sắc. Trí độ chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng lìa thọ, tưởng, hành, thức.
Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi Tu-Bồ-Đề:
– Đại Trí độ không có giới hạn. Đại Trí độ không có bến bờ?
Tu-Bồ-Đề bảo Câu Dực:
– Đại Trí độ không có giới hạn. Đại Trí độ không có bến bờ. Đại Trí độ không có ranh giới, hoàn toàn không thể thấy bến bờ. Đại Trí độ hoàn toàn không có bến bờ. Người không có giới hạn, Trí độ cũng không giới hạn.
Câu Dực! Như vậy thì sẽ làm sao để cầu Trí độ? Đối với pháp không có giới hạn, không có bến bờ, không có trung gian thì cũng không thể đạt được giới hạn. Trí độ cũng như vậy.
Lại nữa Câu Dực! Pháp không giới hạn, không bến bờ, không ranh giới, không có trung gian nên không ai có thể đắc.
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Thế nào, thưa tôn giả Tu-Bồ-Đề! Người không giới hạn, Trí độ cũng không giới hạn?
Tu Bồ Đề thưa:
– Hoàn toàn không thể nghĩ bàn. Giả sử người nhiều lại càng nhiều thêm, cùng không có giới hạn, Trí độ cũng không có giới hạn.
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Do nguyên nhân gì người không giới hạn, Trí Độ cũng không giới hạn?
Tu-Bồ-Đề thưa:
– Câu Dực! Ý ông thế nào? Trong pháp nào nói về người, nguồn gốc của người?
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Không có thuyết ra pháp nào, cũng không bỏ qua pháp nào. Giả sử có nói ra thì đó cũng chỉ là nêu cái tên thôi.
Tu-Bồ-Đề bảo:
– Thích Đề Hoàn Nhơn, ông nghĩ thế nào? Có thể có người để thấy được người đó không?
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Không thể thấy được.
Tu-Bồ-Đề bảo:
– Không có tác giả làm sao có người? Giả sử Như Lai Đẳng Chánh Giác tuổi thọ và kiếp số nhiều như cát sông Hằng để nói về việc có người sanh, có ngườøi diệt, ông nghĩ thế nào?
Thích Đề Hoàn Nhơn thưa:
– Cũng không có người sanh người diệt. Vì sao? – Bổn nguyên thanh tịnh vậy.
Như vậy, này Câu Dực! Người không giới hạn nên niệm về Trí độ như vậy.