SỐ 243
KINH ĐẠI LẠC KIM CANG BẤT KHÔNG CHÂN THẬT TAM-MA-DA
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Sa-môn Bất Không.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Một thời, Đức Thế Tôn thành tựu trí Kim cang gia trì Tamma-da thù thắng của tất cả Như Lai, được mão báu quán đảnh của tất cả Như Lai, làm chủ ba cõi, đã chứng trí Nhất thiết trí Du-già tự tại của tất cả Như Lai, có thể làm tất cả các sự nghiệp ấn trí bình đẳng của tất cả Như Lai. Đối với vô tận vô biên, tất cả những ước nguyện của chúng sinh, Ngài đều thực hiện viên mãn. Trong suốt ba đời, thân, khẩu, ý nghiệp của Ngài lúc nào cũng trong suốt như Kim cương.
Đại Tỳ-lô-giá Như Lai an trụ trong cung vua cõi trời Tha hóa tự tại ở cõi Dục. Tất cả Như Lai đều đến đó, khen ngợi cung điện tốt đẹp. Cung điện làm bằng đại ma-ni, gió thổi nhẹ làm lay động các thứ chuông linh, cờ lọng lụa là, được trang trí vòng châu anh lạc chiếu sáng như ánh trăng rằm. Lại có đủ tám mươi câu-chi Bồ-tát như: Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ, Đại Bồ-tát Quán Tự tại, Đại Bồ-tát Hư Không Tạng, Đại Bồ-tát Kim Cang Quyền, Đại Bồ-tát Văn-thùsư-lợi, Đại Bồ-tát Tài Phát Tâm Chuyển Pháp Luân, Đại Bồ-tát Hư Không Khố, Đại Bồ-tát Tồi Nhất Thiết Ma. Các Đại Bồ-tát như vậy cung kính vây quanh nghe Phật thuyết pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, nghĩa lý sâu xa, văn từ khéo léo, viên mãn, trong suốt, thanh tịnh, thuần nhất. Phật đã nói lên ý nghĩa về tất cả pháp thanh tịnh. Nghĩa là: Vi diệu vui thích thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; mũi tên dục thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; xúc thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; ái phược thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; tất cả chủ tự tại thanh tịnh là địa vị Bồtát; kiến thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; vui thích thanh tịnh là địa vị Bồtát; ái thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; kiêu mạn thanh tịnh là địa vị Bồtát; trang nghiêm thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; ý được thấm nhuần là địa vị Bồ-tát; ánh sáng thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; thân an lạc thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; sắc thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; thanh thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; hương thanh tịnh là địa vị Bồ-tát; vị thanh tịnh là địa vị Bồ-tát. Tại vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Này Kim Cang Thủ! Nếu có người nào nghe về lý thú Bát-nhã xuất sinh thanh tịnh, cho đến khi ngồi Bồ-đề đạo tràng thì tất cả các chướng ngại ngăn che và phiền não chướng, pháp chướng, nghiệp chướng giả sử có tích chứa nhiều đi nữa vẫn không bị đọa vào các đường địa ngục; giả sử có tạo tội nặng đi nữa thì cũng diệt trừ không khó. Nếu ai có thể ngày ngày thọ trì, đọc tụng, để tâm tư duy thì ngay trong đời này chứng Tam-ma-địa Kim cang tất cả pháp bình đẳng, đối với các pháp sẽ được tự tại, thượng hưởng an lạc, vui vẻ, trải qua mười sáu đời làm Đại Bồ-tát rồi chứng đắc Như Lai và địa vị chấp Kim cang.
Khi ấy, Như Lai Thế Tôn nhất thiết thể hiện chứng tất cả Mạntrà-la tam-ma-da của Đại thừa Trì Kim cang thắng tát-đỏa ở trong ba cõi điều phục hết không còn gì, thành tựu tất cả các nghĩa. Đại Bồtát Kim Cang Thủ vì muốn làm rõ lại nghĩa này nên vui vẻ mỉm cười, tay trái kiết ấn Kim cang mạn, tay phải đưa lên đại Kim cang bản sơ, tạo tư thế hùng mạnh nói Đại lạc Kim cang bất không Tamma-da tâm:
“Hồng”.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn Tỳ-lô-giá-na Như Lai, lại nói về pháp tánh Tịch tĩnh của tất cả Như Lai hiện đẳng giác xuất sinh lý thú Bát-nha. Đó là, Kim cang bình đẳng hiện đẳng giác, vì đại Bồđề Kim cang kiên cố; nghĩa bình đẳng hiện đẳng giác, vì đại Bồ-đề nghĩa lợi ích nhất như; pháp bình đẳng hiện đẳng giác, vì tự tánh đại Bồ-đề thanh tịnh; tất cả nghiệp bình đẳng hiện đẳng giác, vì tánh của đại Bồ-đề gồm hết mọi sự phân biệt và không phân biệt.
Này Kim Cang Thủ! Nếu có người nào nghe bốn pháp xuất sinh này rồi lại đọc tụng, thọ trì, thì giả sử hiện tại người đó có tạo vô lượng tội vẫn có thể thoát khỏi các đường ác, cho đến được ngồi Bồ-đề đạo tràng, mau chứng quả Vô thượng Chánh đẳng giác.
Khi ấy Đức Thế Tôn nói lời này rồi, nhưng vì muốn làm rõ lại nghĩa này, nên Ngài vui vẻ mỉm cười kiết ấn Trí quyền nói: Tất cả pháp tánh tự bình đẳng tâm.
“Ác”.
Khi ấy Như Lai Điều Phục Nan Điều Thích-ca Mâu-ni lại nói pháp môn lý thú Bát-nhã xuất sinh tối thắng của tất cả pháp bình đẳng. Nghĩa là, vì dục không có tánh hý luận nên sinh không có tánh hý luận; vì sân không có tánh hý luận nên si không có tánh hý luận; vì si không có tánh hý luận nên tất cả pháp không có tánh hý luận; vì tất cả pháp không có tánh hý luận nên biết Bát-nhã ba-la-mật không có tánh hý luận.
Này Kim Cang Thủ! Nếu có người nào nghe pháp môn lý thú này rồi mà thọ trì, đọc tụng, thì giả sử người đó có giết hại tất cả chúng hữu tình trong ba cõi cũng không bị đọa vào đường ác. Bởi vì người ấy đã được điều phục mau chứng Vô thượng Chánh đẳng giác.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ muốn làm rõ lại nghĩa này nên kiết ấn Giáng tam thế như hoa sen chớm nở, hiện tướng thu phục, nhíu mày, trợn mắt, nhe răng nói: Kim cang hồng ca ra tâm.
“Hồng”.
Bấy giờ, Như Lai Thế Tôn Đắc Tự Tánh Thanh Tịnh Pháp
Tánh lại nói về tất cả pháp bình đẳng quán tự tại trí ẩn xuất sinh lý thú Bát-nhã. Nghĩa là, vì tất cả dục lạc của thế gian thanh tịnh thì tất cả sân thanh tịnh; tất cả cấu nhiễm thế gian thanh tịnh tức là tất cả tội thanh tịnh; tất cả pháp thế gian thanh tịnh tức là tất cả hữu tình thanh tịnh; tất cả trí nhất thiết của thế gian thanh tịnh tức là Bát-nhã ba-la-mật thanh tịnh.
Này Kim Cang Thủ! Nếu có người nào nghe chánh pháp môn lý thú này mà thọ trì, đọc tụng, chánh niệm, tư duy, thì giả sử người đó có ở trong các dục lạc cũng như hoa sen không bị các trần cấu làm ô nhiễm, mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Khi nghe Đức Thế Tôn nói, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại muốn làm rõ lại nghĩa này nên vui vẻ mỉm cười, hiện ra thế hoa sen nở, quán dục không nhiễm nói: Tất cả các sắc của chúng sinh tâm.
“Hột ngật-rị”.
Bấy giờ, Như Lai Thế Tôn Nhất Thiết Tam Giới Chủ lại nói lý thú Bát-nhã trí tạng quán đảnh của tất cả Như Lai. Nghĩa là, do bố thí quán đảnh nên có thể được ngôi Pháp vương trong ba cõi; do bố thí lợi nên được viên mãn tất cả điều mong muốn; do bố thí pháp nên được viên mãn tất cả pháp; do bố thí vật dụng sinh sống nên được tất cả thân, khẩu, ý nghiệp an lạc.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Hư Không Tạng vì muốn làm rõ lại nghĩa này, nên vui vẻ mỉm cười, dùng thần lực Kim cang tụ ở đỉnh đầu và nói mật chú: Nhất thiết quán đảnh Tam-ma-da bảo tâm.
“Đát lãm”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Đắc Nhất Thiết Như Lai Trí Ấn nói pháp lý thú Bát-nhã được trí ấn của tất cả Như Lai gia trì. Nghĩa là, giữ gìn thân ấn của tất cả Như Lai tức làm thân của tất cả Như Lai; giữ gìn ngữ ấn của tất cả Như Lai tức là được pháp của tất cả Như Lai; giữ gìn tâm ấn của tất cả Như Lai tức chứng được Tam-ma-địa của tất cả Như Lai; giữ gìn Kim cang ấn của tất cả Như Lai tức thành tựu được nghiệp thân, khẩu, ý tối thắng rốt ráo của tất cả Như Lai.
–Này Kim Cang Thủ! Nếu có người nào nghe pháp môn lý thú này mà thọ trì, đọc tụng, chánh niệm, tư duy thì người đó được tất cả tự tại, được Nhất thiết trí tất cả sự nghiệp đều được thành tựu, được tất cả tánh Kim cang của thân, khẩu, ý, tất cả tất địa, mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Khi ấy, Đức Thế Tôn vì muốn làm rõ lại nghĩa này, nên vui vẻ mỉm cười, trí ấn Kim cang quyền đại Tam-ma-da nói: Tất cả Kim cang ấn kiến cố, tất cả địa Tam-ma-da lực chân tâm.
“Ố”.
Khi ấy, Như Lai Thế Tôn Nhất Thiết Vô Hý Luận lại nói pháp lý thú Bát-nhã chuyển tự luân. Nghĩa là, tất cả các pháp là không, vì nó tương ưng với tự tánh không; tất cả các pháp là vô tướng, vì nó tương ưng với các tánh vô tướng; tất cả các pháp là vô nguyện, vì nó tương ưng với tướng của tánh vô nguyện; tất cả các pháp đều sáng suốt, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa vốn thanh tịnh.
Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi đồng chân muốn làm rõ lại nghĩa này nên vui vẻ cười, dùng kiếm chặt đứt phiền não của tất cả Như Lai nói: Bát-nhã ba-la-mật-đa tối thắng tâm.
“Án”.
Bấy giờ, Thế Tôn Như Lai nhập đại luân của tất cả Như Lai lại nói pháp lý thú Bát-nhã nhập đại luân. Nghĩa là, nhập Kim cang bình đẳng tức là nhập pháp luân của tất cả Như Lai; nhập nghĩa bình đẳng tức là nhập pháp luân của Đại Bồ-tát; nhập tất cả pháp bình đẳng tức là nhập bánh xe diệu pháp; nhập tất cả nghiệp bình đẳng tức là nhập bánh xe của tất cả sự nghiệp.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Tài Phát Tâm Chuyển Pháp Luân vì muốn làm rõ lại nghĩa trên, nên vui vẻ mỉm cười chuyển Kim cang luân nói: Tất cả Kim cang tam-ma-da tâm.
“Hồng”.
Khi ấy, Như Lai Thế Tôn chỉ bày các nghi thức cúng dường rộng lớn của tất cả các Như Lai, lại nói lý thú Bát-nhã xuất sinh tối thắng của tất cả sự cúng dường. Nghĩa là, phát tâm Bồ-đề tức là cúng dường rộng lớn các Đức Như Lai; cứu tất cả chúng sinh tức là cúng dường rộng lớn các Đức Như Lai; thọ trì kinh điển tức là cúng dường rộng lớn các Đức Như Lai; đối với Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng, tự mình ghi chép, dạy người ghi chép, tư duy tu tập, cúng dường các thứ, tức là cúng dường rộng lớn cho các Như Lai.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Hư Không Khố muốn làm rõ lại nghĩa này, nên vui vẻ mỉm cười nói: Tất cả sự nghiệp bất không Tam-ma-da nhất thiết Kim cang tâm.
“Án”.
Khi ấy, Như Lai Thế Tôn Năng Điều Trì Trí Quyền lại nói pháp tất cả trí tạng điều phục lý thú Bát-nhã. Nghĩa là, tất cả hữu tình bình đẳng nên sự giận dữ bình đẳng; điều phục tất cả hữu tình nên điều phục giận dữ; tất cả hữu tình có pháp tánh nên giận dữ cũng có pháp tánh; tất cả hữu tình có tánh Kim cang nên sự giận dữ cũng có tánh Kim cang.
Vì sao? Vì điều phục tất cả hữu tình tức Bồ-đề.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Tồi Nhất Thiết Ma muốn làm rõ lại nghĩa này, nên vui vẻ mỉm cười với hình tướng Kim cang Dược-xoa, lộ răng Kim cang để khủng bố của tất cả Như Lai nói: Kim cang phẫn nộ đại tiếu tâm.
“Hác”.
Khi ấy, Như Lai Thế Tôn Nhất Thiết Bình Đẳng Kiến Lập lại nói pháp lý thú Bát-nhã xuất sinh tất cả pháp Tam-ma-da tối thắng. Nghĩa là, tất cả pháp tánh bình đẳng nên Bát-nhã ba-la-mật-đa tánh bình đẳng; tất cả các pháp tánh có ý nghĩa lợi ích nên Bát-nhã ba-lamật-đa tánh có ý nghĩa lợi ích; tất cả có tánh pháp nên Bát-nhã bala-mật-đa có tánh pháp; tất cả có tánh sự nghiệp nên Bát-nhã ba-lamật có tánh sự nghiệp. Nên biết như vậy.
Khi ấy, Bồ-tát Kim Cang Thủ nhập vào Tam-ma-địa gia trì Tam-ma-da Bồ-tát của tất cả Như Lai nói: Tất cả tam-ma-da bất không tâm.
“Hồng”.
Khi ấy, Như Lai Thế Tôn nói pháp lý thú Bát-nhã gia trì tất cả hữu tình. Nghĩa là, tất cả hữu tình là Như Lai tạng, vì tất cả là ngã của Bồ-tát Phổ Hiền; tất cả hữu tình là Kim cang tạng, vì là quán đảnh của Kim cang tạng; tất cả hữu tình là Diệu pháp tạng, vì có thể chuyển tất cả ngôn ngữ; tất cả hữu tình là Yết-ma tạng, vì tương đương với tánh năng tác sở tác.
Khi ấy, Ngoại Kim Cang Bộ muốn làm rõ lại nghĩa này, nên vui vẻ nói: “Kim cang tự tại tự tâm chân thật.
“Đác lại”.
Khi ấy, có bảy Thiên nữ đảnh lễ dưới chân Phật, dâng Câu triệu bao gồm nhân tâm năng sát năng thành Tam-ma-da chân thật: “Tỳ dục”.
Khi ấy, có ba anh em Mạc-độ-la-ca thiên đích thân lễ dưới chân Phật, dâng chân ngôn tự tâm:
“Sa phạ”.
Lúc ấy, có bốn chị em Thiên nữ dâng chân ngôn tự tâm:
“Ngàm”.
Khi ấy, Đức Thế Tôn Như Lai Vô Lượng Vô Biên Cứu Cánh vì muốn gia trì lời dạy cứu cánh viên mãn này, nên thuyết lý thú Bátnhã xuất sinh Kim cang bình đẳng. Nghĩa là, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa là vô lượng nên tất cả Như Lai là vô lượng, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa là vô biên nên tất cả Như Lai là vô biên; vì tất cả pháp là tánh nhất như nên Bát-nhã ba-la-mật-đa là tánh nhất như; vì tất cả pháp là cứu cánh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa là cứu cánh.
Này Kim Cang Thủ! Nếu có người nào nghe pháp môn lý thú này mà thọ trì, đọc tụng, tư duy nghĩa lý, thì người đó đối với hạnh của chư Phật, Bồ-tát đều được viên mãn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn Tỳ-lô-giá-na Như Lai đắc tất cả pháp tánh bí mật không hý luận, nói lý thú Bát-nhã pháp tánh Kim cang đại lạc, Kim cang bất không Tam-ma-da không có đầu, giữa, cuối tối thắng.
Nghĩa là, vì Đại Bồ-tát thành tựu đại dục chân thật tối thắng, nên thàng tựu được đại lạc chân thật tối thắng; vì Đại Bồ-tát thành tựu đại lạc chân thật tối thắng, nên được thành tựu đại Bồ-đề tối thắng của tất cả các Như Lai; vì Đại Bồ-tát thành tựu đại Bồ-đề tối thắng của tất cả Như Lai, nên được thành tựu diệt trừ ma quân tối thắng của tất cả Như Lai; vì Đại Bồ-tát thành tựu diệt trừ ma quân tối thắng của tất cả Như Lai, nên được thành tựu tự tại, làm chủ khắp ba cõi; vì Đại Bồ-tát được thành tựu tự tại làm chủ khắp ba cõi, nên được trừ sạch các chấp trước lưu chuyển của tất cả hữu hình trong các cõi, dùng sự tinh tấn, nên thường ở trong sinh tử, cứu giúp làm lợi ích an lạc cho tất cả đều được thành tựu viên mãn tối thắng. Vì sao?
Bồ-tát tuệ thù thắng
Cho đến hết sinh tử
Thường làm lợi chúng sinh
Mà không hướng Niết-bàn.
Bát-nhã và phương tiện
Trí tuệ đều gia trì
Các pháp và chúng sinh
Tất cả đều thanh tịnh.
Dục khống chế thế gian
Đều bị diệt trừ hết
Hữu đảnh đến đường ác
Điều phục hết các cõi.
Như bản thể hoa sen
Không bị cấu làm nhiễm
Tánh các dục cũng vậy
Không nhiễm, làm lợi sinh.
Đại dục được thanh tịnh
Tăng thêm đại an lạc
Tự tại trong ba cõi
Hay làm lợi kiên cố.
Này Kim Cang Thủ! Nếu người nào nghe được lý thú ban đầu của Bát-nhã này, hằng ngày vào lúc sáng sớm hay đọc tụng, hoặc lắng nghe, thì người đó được thành tựu tất cả địa đại lạc Kim cang bất không Tam-ma-da an vui cứu cánh, đời hiện tại được tất cả các pháp tự an vui, trải qua mười sáu đời làm Đại Bồ-tát, và sẽ được ngôi vị chấp Kim cang của Như Lai.
“Hồng”.
Bấy giờ, tất cả Như Lai, Đại Bồ-tát Trì Kim Cang Thủ và tất cả hội chúng có mặt, vì muốn khiến cho pháp Bất không vô ngại này mau được thành tựu nên đã cùng nhau xưng tán. Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cang Thủ nói kệ rằng:
Lành thay! Lành thay đại Bồ-đề!
Lành thay! Lành thay đại an lạc!
Lành thay! Lành thay phát Đại thừa!
Lành thay! Lành thay trí tuệ lớn!
Hay khéo giảng thuyết giáo pháp này
Lực gia trì của kinh Kim Cang
Thọ trì pháp môn tối thắng này
Không bị tất cả ma phá hoại,
Được bậc Bồ-tát, Phật tối thắng
Không bao lâu thành tựu tất địa
Tất cả Như Lai và Bồ-tát
Đều nói pháp môn tối thắng này
Làm cho người trí mau thành tựu
Đều rất vui vẻ, tín, thọ, hành.