21. Phẩm Xuất Đáo

Thứ Năm, 25 Tháng Tám 202211:04 SA(Xem: 641)
21. Phẩm Xuất Đáo
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

21. PHẨM XUẤT ĐÁO THỨ HAI MƯƠI MỐT

“Nầy Tu Bồ Đề! Ông hỏi Đại thừa nầy từ chỗ nào phát xuất và đến an trụ chỗ nào?

Nầy Tu Bồ Đề! Đại thừa nầy phát xuất từ trong tam giới đến an trụ trong nhứt thiết trí, vì là pháp bất nhị vậy.

Tại sao vậy?

Đại thừa và nhứt thiết trí là hai pháp chẳng hiệp, chẳng tan, chẳng sắc, không hình, không đối là nhứt tướng, chính là vô tướng.

Nếu có người muốn cho thiệt tế phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Nếu có người muốn cho pháp như, pháp tánh, bất tư nghì tánh phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Nếu có người muốn cho sắc không, thọ, tưởng, hành, thức không phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Tại sao vậy?

Nầy Tu Bồ Đề! Tướng không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng ra từ tam giới cũng chẳng an trụ nhứt thiết trí, vì sắc sắc tướng rỗng không, thọ, tưởng, hành, thức thức tướng rỗng không vậy.

Nếu có người muốn cho nhãn không phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Nếu có người muốn cho nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý không phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Nếu có người muốn cho sắc không, thanh không nhẫn đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ không phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Tại sao vậy?

Nầy Tu Bồ Đề! Nhãn không nhẫn đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ không chẳng ra từ tam giới cũng chẳng an trụ nhứt thiết trí, vì nhãn nhãn tướng rỗng không nhẫn đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ, ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ tướng rỗng không vậy.

Nếu có người muốn cho mộng, ảo, diệm, hưởng, ảnh và hóa phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Tại sao vậy?

Nầy Tu Bồ Đề! Mộng tướng nhẫn đến hóa tướng chẳng ra từ tam giới cũng chẳng an trụ trong nhứt thiết trí, vì mộng mộng tướng rỗng không nhẫn đến hóa hóa tướng rỗng không vậy

Nếu có người muốn cho Đàn na ba la mật phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Nếu có người muốn cho Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật, Thiền na ba la mật, Bát nhã ba la mật phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Tại sao vậy?

Nầy Tu Bồ Đề! Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật chẳng ra từ tam giới cũng chẳng an trụ trong nhứt thiết trí, vì Đàn na Đàn na tướng rỗng không nhẫn đến Bát nhã Bát nhã tướng rỗng không vậy.

Nếu có ngươi muốn nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Tại sao vậy?

Nầy Tu Bồ Đề! Nội không tướng đến vô pháp hữu pháp không tướng chẳng ra từ tam giới cũng chẳng an trụ trong nhứt thiết trí, vì nội không nội không tánh rỗng không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không vô pháp hữu pháp không tánhrỗng không vậy.

Nếu có người muốn cho tứ niệm xứ đến thập bát bất cộng pháp phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Tại sao vậy?

Nầy Tu Bồ Đề! Tứ niệm xứ tánh đến thập bát bất cộng pháp tánh chẳng ra từ tam giới cũng chẳng an trụ trong nhứt thiết trí, vì tứ niệm xứ tứ niệm xứ tánh rỗng không nhẫn đến bất cộng pháp bất cộng pháp tánh rỗng không vậy.

Nếu có người muốn cho A La hán phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Nếu có người muốn cho Bích Chi Phật phát xuất thời là muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Nếu có người muốn cho Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác phát xuất thời là người muốn cho pháp vô tướng phát xuất.

Tại sao vậy?

Nầy Tu Bồ Đề! A La Hán tánh, Bích Chi Phật tánh và Phật tánh chẳng ra từ tam giới cũng chẳng an trụ trong nhứt thiết trí, vì A La Hán A La Hán tánh rỗng không, Bích Chi Phật Bích Chi Phật tánh rỗng không, Phật tánh rỗng không vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! Do nhơn duyên trên đây nên Đại thừa nầy phát xuất từ trong tam giới đến an trụ trong nhứt thiết trí, vì bất động vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! Ông hỏi Đại thừa nầy đến an trụ chỗ nào?

Nầy Tu Bồ Đề! Đại thừa nầy không chỗ an trụ, vì tất cả pháp không có tướng an trụ vậy. Đại thừa nầy nếu có an trụ thời là chẳng phải an trụ.

Nầy Tu Bồ Đề! Ví như pháp tánh bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, vô khởi, vô tác, chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ vì pháp tánh pháp tánh tướng rỗng không vậy, nhẫn đến vì vô tác vô tác tánh rỗng không vậy.

Như pháp tánh, các pháp khác cũng như vậy, chẳng phải trụ, chẳng phả chẳng trụ.

Đại thừa nầy cũng như vậy, chẳng phải trụ, chẳng phải chẳng trụ.

Nầy Tu Bồ Đề! Do nhơn duyên như thế nên Đại thừa nầy không chỗ an trụ, vì là pháp bất trụ, là pháp bất cộng vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! Ông hỏi ai ngồi Đại thừa nầy để phát xuất?

Nầy Tu Bồ Đề! Không có ai ngồi Đại thừa nầy để phát xuất. Tại sao vậy? Vì Đại thừa nầy cùng người phát xuất và pháp bị sử dụng cùng thời gian phát xuất đều vô sở hữu cả.

Nếu tất cả pháp đều vô sở hữu thời dùng pháp gì để phát xuất?

Tại sao vậy?

Ngã bất khả đắc nhẫn đến tri giả, kiến giả bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Bát khả tư nghì tánh bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Nội không đến vô pháp hữu pháp không bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tu Đà Hoàn đến Bồ Tát, chư Phật bật khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tu Đà Hoàn quả đến nhứt thiết chủng trí bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, vô khởi, vô tác bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Quá khứ thế, vị lai thế, hiện tại thế, sanh, trụ, diệt bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Tăng, giảm bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Vì những pháp gì bất khả đắc nên là bất khả đắc?

Nầy Tu Bồ Đề! Vì pháp tánh bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Vì như thiệt tế, bất khả tư nghì tánh, pháp tướng, pháp vị bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Vì Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Vì nội không đến vô pháp hữu pháp không bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Vì tứ niệm xứ đến bất cộng pháp bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Vì Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, chư Phật bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Vì Tu Đà Hoàn quả, Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm quả, A La Hán quả, Bích Chi Phật đạo, Phật đạo bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Vì bất sanh, bất diệt đến vô khởi, vô tác bất khả đắc nên là bất khả đắc.

Lại vì sơ địa đến thập địa bất khả đắc nên là bất khả đắc, vì rốt ráo vậy.

Thế nào là sơ địa đến thập địa? Chính là càn huệ địa, tánh địa, bát nhơn địa, kiến địa, bạc địa, ly dục địa, dĩ tác địa, Bích Chi Phật địa, Bồ Tát địa và Phật địa.

Trong nội không đến vô pháp hữu pháp không chẳng có thể được sơ địa đến thập địa.

Tại sao vậy? Vì sơ địa chẳng phải được chẳng phải chẳng được, nhẫn đến thập địa chẳng phải được chẳng phải chẳng được, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Trong nội không đến vô pháp hữu pháp không, thành tựu chúng sanh bất khả đắc, tịnh Phật quốc độ bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Trong nội không đến vô pháp hữu pháp không, ngũ nhãn bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! vì thế nên đại Bồ Tát do nơi tất cả pháp bất khả đắc mà ngồi Đại thừa nầy từ tam giới phát xuất an trụ trong nhứt thiết trí”.

***