24. Phẩm Hội Tông

Thứ Năm, 25 Tháng Tám 202211:04 SA(Xem: 662)
24. Phẩm Hội Tông
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

24. PHẨM HỘI TÔNG THỨ HAI MƯƠI BỐN

Bấy giờ Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật sai Ngài Tu Bồ Đề vì chư đại Bồ Tát giải thuyết Bát nhã ba la mật. Nay sao lại nói Đại thừa làm chi?”


Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Con nói Đại thừa có rời Bát nhã ba la mật chăng?”


Đức Phật nói: “Tu Bồ Đề nói Đại thừa không rời Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì tất cả pháp thiện, pháp trợ đạo, Thanh Văn pháp hoặc Bích Chi Phật pháp, hoặc Bồ Tát pháp, hoặc Phật pháp đều nhiếp vào trong Bát nhã ba la mật”.


Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Những thiện pháp, trợ đạo pháp, Thanh Văn pháp, Bích Chi Phật pháp, Bồ Tát pháp, Phật pháp nào đều nhiếp vào trong Bát nhã ba la mật?”


Đức Phật nói: “Những lục ba la mật, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần, ba giải thoát môn, thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, đại từ đại bi, mười tám pháp bất cộng đây và và những thiện pháp, trợ đạo pháp khác, hoặc Thanh Văn pháp, hoặc Bích Chi Phật pháp, hoặc Bồ Tát pháp, hoặc Phật pháp đều nhiếp vào trong Bát nhã ba la mật.


Nầy Tu Bồ Đề! Hoặc đại Bồ Tát Đại thừa, hoặc sáu môn ba la mật, hoặc ngũ ấm đến ý xúc, nhơn duyên, danh thọ, hoặc sáu đại chủng, hoặc tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, ba môn giải thoát và những thiện pháp, hoặc hữu lậu, vô lậu, hoặc hữu vi, vô vi, hoặc tứ đế, hoặc tam giới, hoặc thập bát không, hoặc các môn tam muội, các môn đà la ni đến mười tám pháp bất cộng, hoặc Phật, Phật pháp, Phật tánh, Phật như, thiệt tế, bất khả tư nghì tánh, Niết Bàn, tất cả những pháp nầy đều chẳng hiệp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, không ngại, không đẳng một tướng, chính là vô tướng.


Nầy Tu Bồ Đề! Do nhơn duyên đây nên Đại thừa của ông nói tùy thuận với Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì Đại thừa chẳng khác Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật chẳng khác Đại thừa, Bát nhã ba la mật cùng Đại thừa không hai không khác. Năm ba la mật kia cũng như vậy.


Nầy Tu Bồ Đề! Tứ niệm xứ chẳng khác Đại thừa, Đại thừa chẳng khác tứ niệm xứ, Đại thừa cùng tứ niệm xứ không hai, không khác. Tứ chánh cần đến mười tám pháp bất cộng cũng như vậy.


Do nhơn duyên đây nên Tu Bồ Đề nói Đại thừa chính là nói Bát nhã ba la mật”.


***