ĐỨC A SÚC BỆ PHẬT AKSHOBYA
(ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ)

(ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ)

Đức Bất Động Phật A Súc Bệ an trụ trên bảo tòa được tám Tượng vương nâng đỡ, thân Ngài sắc xanh dương, an tọa trong tư thế kim cương, tay phải Ngài kết ấn Xúc địa, tay trái trong tư thế thiền định, trì giữ Chày Kim Cương năm chẽ. Ngài được trang hoàng bằng trang sức báo thân. Ngài hiện thân trong sắc tướng như vậy giống như trí tuệ bản lai Đại viên cảnh trí đã nằm sẵn trong tâm chúng ta.
Đức A Súc Bệ Phật có thân sắc xanh dương tượng trưng cho Thủy đại, và nước cũng có khả năng phản chiếu như một chiếc gương. Biểu tượng của Ngài là chày Kim Cương, tượng trưng cho cảnh giới giác ngộ, tính Phật sẵn có nơi mỗi người không thể phá hủy, không thể chia cắt, bất động và bất biến.
Ngài là hiện thân của tâm sân giận đã hoàn toàn được tịnh hóa. Sân giận là cảm xúc mãnh liệt thúc đẩy sự đối nghịch với những đối tượng mà ta không thích. Khi cơn tức giận nổi lên, chúng ta thường có những lời nói hoặc hành động nghiệt ngã làm đau lòng hoặc tổn thương người khác. Tuy vậy, tự tính thanh tịnh của trạng thái giận dữ đó thực ra chính là A Súc Bệ Phật. Sự tức giận khi được tịnh hóa và nhận biết sẽ trở thành Đại Viên Cảnh Trí. Với trí tuệ này, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật của mọi thứ một cách khách quan, không giả tạo.
Bất kể đối tượng là một bông hồng đỏ thắm hay một con dao găm nhuốm máu, chiếc gương trí tuệ này sẽ phản chiếu cả hai theo bản chất vốn có của chúng, không phán xét hay phân biệt hai màu đỏ, không cố gắng khen ngợi bông hồng hay quy kết chối bỏ con dao đầy máu, không khước từ và không bám chấp. Chiếc gương luôn giữ được vẻ điềm tĩnh, bất biến. Tâm chúng ta cũng nên như vậy cho dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi.
ĐỨC PHẬT BẢO SINH RATNASAMBHAVA
(BÌNH ĐẲNG TÍNH TRÍ)

Ngài an tọa trong tư thế Kim cương trên bảo tòa được tám Tuấn mã nâng đỡ, thân Ngài sắc vàng, tay phải Ngài trong thế ấn Thí nguyện, tay trái trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng bằng các trang sức Báo thân. Ngài trụ ở phương Nam.
Ngài biểu trưng cho công hạnh độ sinh và sự tịnh hóa tính kiêu mạn, có công hạnh bố thí siêu việt,tăng ích và làm giàu có thêm tất cả những gì quý giá nhất. Thân Ngài sắc vàng tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Viên ngọc như ý để ở luân xa tim có khả năng ban mọi điều mong nguyện trên thế gian và xuất thế gian. “Ratna” trong tiếng Phạn nghĩa là bảo báu, Ratnasambhava có nghĩa là “đản sinh từ bảo báu”.
Người ta tin rằng Đức Phật Bảo Sinh chuyển hóa tính kiêu mạn của con người thành Bình Đẳng Tính Trí. Loại trí tuệ này đưa ra những đặc điểm chung về sự trải nghiệm cảm xúc của con người giúp chúng ta thấu hiểu được nhân loại dưới hình tướng cả nam và nữ. Nó giúp chúng ta hiểu được dù bản thân là một cá thể nhưng về bản chất chúng ta vốn luôn hợp nhất chặt chẽ, không thể tách rời với phần còn lại của nhân loại. Trong cảnh giới giác ngộ này, không có sự thấp kém sang hèn tách biệt nhị nguyên do bản ngã phân biệt.
Đối với Ngài, tất cả chúng sinh đều quý giá như nhau. Bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, giới tính hay điều kiện sống, tất cả chúng ta đều được tạo ra từ đất. Ân đức của đức Phật Bảo Sinh rọi chiếu tất cả, từ cung điện nguy nga tráng lệ cho đến những vật nhơ bẩn nhất như đống phân. Thiền định về trí tuệ của Ngài giúp chúng ta trưởng dưỡng được sự đoàn kết, hòa hợp cho tất cả đồng loại, cả vô tình và hữu tình chúng sinh.
Trí tuệ Bình Đẳng Tính Trí ban tặng chúng ta tâm sáng rõ để quán chiếu một cách đúng đắn, theo đó tám trải nghiệm cảm xúc thế gian được sắp xếp thành bốn cặp luôn song hành: được- mất, vinh - nhục, khen - chê, khổ - vui. Nếu chúng ta theo đuổi một thứ thì nó sẽ mở ra con đường dẫn tới thứ còn lại. Ví dụ, nếu chúng ta đi tìm khoái lạc thì chắc chắn sẽ gặp đau khổ.
Đức Phật Bảo Sinh có sắc vàng, là màu của đất. Đức tính của đất là chứa đựng tất cả, rộng lượng và hào phóng, luôn sẵn lòng chia sẻ sự thịnh vượng của nó. Ngoài ra, đất cũng bố thí mà không mong chờ đáp trả. Giống như Trái đất, ánh sáng chói lọi của Đức Phật Bảo Sinh phá tan tất cả giới hạn về ta - người. Do đó, chúng ta có thể chia sẻ với người khác mà không có bất kỳ cảm giác liên quan tới việc cho, bởi vì cho là có bản ngã để cho và có người khác để nhận. ĐứcPhật Bảo Sinh nâng đỡ chúng ta vượt qua chấp thủ nhị nguyên ấy.
ĐỨC PHẬT BẤT KHÔNG THÀNH TỰU AMOGASIDDHI
(THÀNH SỞ TÁC TRÍ)

(THÀNH SỞ TÁC TRÍ)

Bất Không Thành tựu Phật an tọa trong tư thế Kim Cương trên Bảo tòa được tám Mệnh lệnh điểu nâng đỡ. Thân Ngài sắc xanh lục, nêu biểu sự an bình, vắng bặt mọi lo lắng sợ hãi. Tay phải Ngài kết ấn Hộ trì, tay trái trong tư thế Thiền định. Ngài được trang hoàng bằng trang sức Báo thân. Tật đố, ghen tị được chuyển hóa thành Thành Sở Tác Trí. Ngài nêu biểu cho công hạnh cứu khổ chúng sinh và trí tuệ thành tựu hết thảy mọi điều sở nguyện. Pháp khí biểu tượng của Ngài là chày Kim Cương kép.
Ngài an tọa trong tư thế Kim Cương trên Bảo tòa được tám Mệnh lệnh điểu nâng đỡ. Thân Ngài sắc xanh lục, nêu biểu sự an bình, vắng bặt mọi lo lắng sợ hãi. Tay phải Ngài kết ấn Hộ trì, tay trái trong tư thế Thiền định. Ngài được trang hoàng bằng trang sức Báo thân. Tật đố, ghen tị được chuyển hóa thành Thành Sở Tác Trí. Ngài nêu biểu cho công hạnh cứu khổ chúng sinh và trí tuệ thành tựu hết thảy mọi điều sở nguyện.Pháp khí biểu tượng của Ngài là chày Kim Cương kép.
Thế ấn Hộ trì của Đức Phật Bất Không Thành tựu nêu biểu sự hàng phục tật đố, tiêu trừ mọi chướng ngại, bảo vệ hết thảy chúng sinh. Theo lịch sử Phật giáo, em họ của Đức Phật là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) vì ganh tức với Đức Phật nên đã nhiều lần định ám hại Ngài. Trong một lần Đức Phật đi kinh hành, Đề Bà Đạt Đa đã thả một con Voi say chạy về hướng Đức Phật. Con Voi hung dữ đã dẫm nát mọi thứ trên đường đi, nhưng khi đến gần Đức Phật, Ngài kết thế ấn này khiến con voi ngay lập tức được hàng phục, bỗng trở nên hiền lành ngoan ngoãn.
Đức Phật Bất Không Thành Tựu an tọa trên tòa Mệnh Lệnh Điểu, là loài chim thần với thân nửa người nửa chim chuyên ăn rắn, nêu biểu sự hàng phục những tai ương, hiểm ngại. Với khả năng thiên phú có tầm nhìn xa, Mệnh Lệnh Điểu có thể nhận ra sự hiện diện của những si ám như mãng xà đang quấy nhiễu con người ngay từ khoảng cách rất xa. Ngoài ra, Mệnh Lệnh Điểu cũng có mối liên hệ với dãy Himalaya ở phương Bắc, đây cũng là phương trấn của Đức Phật Bất Không Thành Tựu. Đức Phật Bất Không Thành Tựu có mối liên kết đặc biệt với năng lượng Ngài được coi là chủ của Nghiệp Bộ. Là một Đức Phật hành động, Ngài biểu trưng cho thành tựu tu tập viên mãn, kết quả của việc vận dụng trí tuệ của bốn Đức Phật còn lại trong Ngũ Trí Phật. Chày Kim Cương kép của Ngài cũng là một biểu tượng thành tựu viên mãn tất cả mọi công hạnh. Đó là lý do tại sao sau khi hoàn tất nghi lễ yểm tâm và triệu thỉnh Phật dung nhập tượng, chày Kim Cương kép thường được khắc lên đáy bảo tòa của Đức Phật.
Người ta tin rằng Đức Lục Độ Phật mẫu Tara có xuất xứ từ Đức Phật Bất Không Thành Tựu, và Đức Lục Độ Mẫu cũng được tôn kính là Bản tôn hành động trong Phật giáo Kim Cương thừa. Đức Tara có sắc xanh lục, được mô tả trong tư thế chân phải duỗi ra thể hiện sự sẵn sàng hành động và cứu độ. Đức Phật Bất Không Thành Tựu chuyển hóa đố kỵ thành trí tuệ Thành Sở Tác Trí. Trong chừng mực nhất định, sự ghen tị là cảm xúc tích cực của con người để có sự cạnh tranh giúp chúng ta vươn tới tầm cao mới vĩ đại hơn. Nhưng ở phần tiêu cực, sự ghen tị khiến chúng ta trở nên ganh ghét mọi mục tiêu và đối tượng. Khi tiêu trừ được cảm xúc có liên hệ mật thiết với sự thù ghét này, đồng thời cũng quán chiếu được chủ thể của sự đố kỵ thì điều đó sẽ là phương tiện quý giá giúp chúng ta đạt được thiện nghiệp vĩ đại dẫn tới sự viên mãn cao cấp hơn, viên mãn thông điệp của Đức Phật Bất Không Thành Tựu.
ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ AMITABHA
(DIỆU QUAN SÁT TRÍ)

Đức Phật A Di Đà có sắc đỏ. Trong Phật giáo Kim Cương thừa, màu đỏ là màu của tình yêu thương, lòng bi mẫn và năng lượng cảm xúc. Biểu tượng của Ngài là hoa sen, nêu biểu cho sự thanh tịnh và vô nhiễm.
Đức Phật A Di Đà an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Khổng tước nâng đỡ, thân Ngài sắc đỏ, hai tay Ngài trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng với tất cả những trang sức Báo thân. Ngài là sự thể hiện của trí tuệ bản lai Diệu quan sát trí liên tục hiển diện trong dòng tâm thức chúng ta.
Đức Phật A Di Đà là đức Phật được biết tới nhiều nhất và phổ biến nhất trong Ngũ Trí Phật. Ngài chuyển hóa tham ái bám chấp thành Diệu Quan Sát Trí. Tham ái hay ham muốn là sự khát khao chiếm hữu với đối tượng mà ta bám chấp. Ước muốn này dày vò bức bối tâm can và có thể khiến ta đau khổ. Ham muốn đôi khi còn bị hiểu nhầm là niềm vui và tình yêu đích thực. Bằng cách quán chiếu và thấu hiểu tự tính của cảm xúc ham muốn, chúng ta sẽ trải nghiệm Diệu Quan Sát Trí và nhận ra đó chính là Đức Phật A Di Đà. Khi đó, ta có thể nhận ra đối tượng bám chấp không tách biệt với chúng ta, mà thực sự nó là một phần của chính chúng ta cũng như chúng ta là một phần của đối tượng đó.
ĐỨC PHẬT ĐẠI NHẬT NHƯ LAI VAIROCANA
(PHÁP GIỚI THỂ TÍNH TRÍ)

Đức Phật Đại Nhật Như Lai (Tỳ Lư Giá Na) tịnh hóa hoàn toàn được vô minh ảo tưởng. Vô minh hay hiểu biết sai lầm chính là sự tin tưởng một cách tuyệt đối, cho rằng vạn pháp đều đang tồn tại chắc thực như cách chúng ta nhận biết.
Đức Phật Đại Nhật Như Lai an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Sư tử nâng đỡ, thân ngài sắc trắng, Ngài bắt ấn chuyển pháp luân có biểu tượng là bánh xe pháp. Thân Ngài được trang hoàng bằng các trang sức Báo thân.
Đức Phật Đại Nhật Như Lai (Tỳ Lô Giá Na) tịnh hóa hoàn toàn được vô minh ảo tưởng. Vô minh hay hiểu biết sai lầm chính là sự tin tưởng một cách tuyệt đối, cho rằng vạn pháp đều đang tồn tại chắc thực như cách chúng ta nhận biết. Điều này cũng giống như việc ta nhìn thấy một sợi dây thừng trong bóng tối và cảm thấy vô cùng sợ hãi vì tưởng lầm đó là một con rắn. Theo nghĩa này thì từ lúc sinh ra, từng phút, từng giây, mọi hành động và suy nghĩ của chúng ta đều bị chi phối bởi vô minh. Chính nhận thức phân biệt mê lầm này đã kéo theo một chuỗi các hoạt động tiêu cực và kết quả là ta phải chịu đau khổ.
Cùng với sự chấm dứt của vô minh, chúng ta sẽ nhận ra Pháp Giới Thể Tính Trí và Đức Phật Đại Nhật Như Lai nơi tự tâm mình. Khi đó, toàn bộ thế giới vô minh ảo tưởng sẽ tan biến và ta có thể nhận biết vạn pháp theo đúng bản chất thật của chúng. Về ý nghĩa, Đức Đại Nhật Như Lai được nhắc tới như là tinh túy và hợp nhất tất cả phẩm hạnh của Ngũ Trí Phật. Do vậy Ngài có sắc trắng thuần tịnh, bởi sắc trắng bao gồm tất cả các màu sắc khác. Biểu tượng của Đức Đại Nhật Như Lai là Pháp luân tượng trưng cho sự ban trải giáo pháp tỏa sáng như mặt trời xua tan bóng đêm vô minh che chướng bản tâm nguyên sơ thanh tịnh của chúng sinh.
Send comment