Bài Tụng 46-50

Thursday, 21 April 201611:24 PM(View: 3251)
Bài Tụng 46-50
Bài tụng 46: Nhận diện đơn thuần                

Nhận diện để chuyển hóa.
Nội kết và tùy miên.
Khi tập khí không còn
Quả chuyển y hiển hiện.

 

Nhận diện sự có mặt của một hiện tượng được bắt đầu bằng chánh niệm.  Nhờ có chánh niệm chúng ta thấy rõ từng tâm hành đang diễn tiến trong  ta.

Nhận diện đơn thuần: Sự nhận diện này không mang tính chất  trách móc hay chào đón vui vẻ. Nhận diện mà không khen, không chê và  không phán xét. Đây chỉ là một sự nhận diện đơn thuần, tức là 'biết nó  có mặt' mà thôi, không kèm theo sự vồ vập hay xua đuổi. Nhận diện đơn  thuần cũng được gọi là nhận diện vô tư (mere recognition).

Ví dụ khi mình giận và nếu có chánh niệm thì mình nhận diện: "A! Mình  đang giận đây". Đó là công việc đầu tiên của chánh niệm. Nó phát xuất  từ cái nhìn bất nhị. Tại vì đối tượng của sự nhận diện đó không phải là  ai khác mà là chính mình. Tôi thở vào biết rằng tôi đang thở vào và biết  rằng hơi thở vào có đó. Tôi thở ra biết rằng tôi đang thở ra và biết  rằng hơi thở ra có đó. Nếu cho là hơi thở ngắn quá hay dài quá, và cố  làm cho hơi thở ngắn hơn hay dài hơn thì đó là nhận diện không đơn  thuần.

Nhận diện thân, thọ, tâm, pháp:

Tất cả những tâm hành và nhận thức của mình mình phải nhận diện hết,  không để cho bất cứ tâm hành hay sự kiện nào trong cơ thể lọt khỏi chánh  niệm cả. Trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, tức là Kinh Tứ Niệm Xứ  ta  thấy có bốn lãnh vực để tu tập. Đó là các lãnh vực thân, thọ, tâm, pháp.  Chúng ta thực tập quán thân trong thân, quán thọ trong thọ, quán tâm  trong tâm và quán pháp trong pháp. Bốn lãnh vực quán niệm này tương tức,  tất cả đều có tương quan với nhau. Một lãnh vực chứa đựng ba lãnh vực  kia, không thể chia cắt độc lập. Vậy thì bất cứ hiện tượng nào dù thuộc  thân, thọ, tâm hay pháp mà xảy ra trong hiện tại chúng ta phải nhận diện  hết.

Hộ trì sáu căn

Công việc của nhận diện là công việc của người lính gác cửa. Hễ có  người đi vào là biết người đó đi vào. Hễ có người đi ra là biết người đó  đi ra. Biết nhưng không ngăn cản.

Chúng ta có sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu cửa đó nếu  chúng ta không cho lính gác thì thành trì sẽ bị xâm nhập. Cần phải thắp  lên ngọn đèn chánh niệm để soi sáng sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi,  thân, ý và nhận diện: "A, tôi thấy cái đó", "A, tôi nghe cái đó", "A,  tôi nếm cái đó". Như vậy nhờ ánh sáng chánh niệm trấn giữ sáu cửa ải mà  chúng ta được an ninh. Chúng ta có bài hát Hộ trì nhãn căn:

"Mắt là đại dương sâu, với những đợt sóng ngầm, với những loài thủy quái, với những trận cuồng phong. Thuyền tôi đi trong chánh niệm xin nguyện nắm vững tay chèo để không đắm chìm trong biển sắc mênh mông... "Cùng hơi thở nhiệm mầu Tôi hộ trì nhãn căn, Giữ gìn cho anh và cho tôi, Để cho ngày hôm nay vẫn còn tươi sáng Và để ngày mai chúng ta vẫn còn có nhau."

Tai, mũi, lưỡi cũng vậy, thân cũng vậy, ý cũng vậy,  là những đại  dương sâu với những đợt sóng ngầm, với những loài thủy quái, với những  trận cuồng phong. . . Đó là những căn mà ta phải luôn luôn hộ trì. Tu là  biết hộ trì sáu căn

Hộ trì sáu căn là một phương pháp mầu nhiệm mà Bụt nói đi nói lại  hoài. Người tu mà không biết thắp sáng chánh niệm để hộ trì sáu căn thì  không phải là người tu. Ngày xưa, anh Võ Đình Cường có viết một bài  trong báo Giác Ngộ: "Một ông thầy tu không tu", tức là ông thầy tu không  hộ trì sáu căn. Vậy khi đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo già-lê, làm việc,  nấu cơm, rửa bát mà có chánh niệm, mà nhận diện được những gì đang xảy  ra trong thân thể thì có thể nói rằng chúng ta đang "quán thân trong  thân". Còn nếu đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, nấu cơm, rửa bát mà không  biết là mình đang làm gì thì chúng ta là một ông thầy tu không tu.

Khi có một cảm thọ hoặc vui hoặc buồn, giận, sợ, ghét hoặc cau có thì  chúng ta phải nhận diện ngay khi chúng vừa mới phát hiện. Nếu không bị  phát giác và nhận diện thì chúng có thể hoành hành mà ta không biết. (ví  dụ ta trở thành người cau có gắt gỏng, la anh, la em, nói nặng nhẹ với  người mình thương mà không biết). Nếu chúng được nhận diện thì chúng sẽ  nằm yên hoặc không tăng trưởng và đi theo chiều hướng có thể chuyển hóa.  Biết như vậy thì không bao giờ chúng ta than phiền là ta không có thì  giờ để tu. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, nấu cơm rửa bát đều có thể làm  lớn chánh niệm, nghĩa là phát triển khả năng nhận diện. Nhận diện tất  cả những hiện tượng về thân, thọ, tâm, pháp, đó là biết tu.

Có một hôm, một nhà triết học tới hỏi Bụt rằng "Các Thầy trong tu  viện của Bụt tu học như thế nào?" Bụt trả lời: "Chúng tôi đi, đứng, nằm,  ngồi, ăn cơm, rửa bát". Nhà triết học nói: "Vậy thì có khác gì người  thường đâu! Người không tu cũng đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, rửa bát như  các Thầy vậy". Bụt nói: "Có khác chứ, khi chúng tôi làm những chuyện  đó, chúng tôi có chánh niệm, chúng tôi biết nhận diện và hộ trì sáu  căn". Câu nói thật đơn sơ mà cũng thật căn bản.

Cho nên, đừng có ngại tu ở trong chùa phải làm việc nhiều quá và  không có thì giờ tu tập. Nếu làm việc với chánh niệm và có sự thanh thản  đó là tu. Chỉ sợ làm việc quá mau và muốn làm cho mau xong việc nên  đánh mất chánh niệm mà thôi.

 

Nhận diện để chuyển hóa:

Sự chuyển hóa chỉ có thể xảy ra khi có sự nhận diện. Có nhiều loại  chuyển hóa.  Có khi chuyển hóa để tâm hành lớn mạnh hơn. Khi ngắm một  cây tùng, ta có được một niềm vui nhờ màu xanh tươi mát của cây tùng.  Nhưng nếu ta tăng cường chánh niệm trong khi ngắm cây tùng thì niềm vui  đó, lạc thọ đó sẽ tăng gấp bội. Nhận diện cây tùng đồng thời nhận diện  lạc thọ của ta đối với cây tùng, tự nhiên cây tùng sáng rỡ lên, hiện rõ  hơn và lạc thọ theo đó cũng lớn mạnh thêm. Đó là chuyển hóa theo chiều  hướng tích cực.

Cùng đi ngắm lá đẹp rừng thu với nhau nhưng lá đẹp nhiều hay ít, niềm  vui lớn hay nhỏ tùy người mà khác nhau. Trong một đại chúng tu tập,  cùng một khung trời, cùng một số tiện nghi phòng ốc nhưng mức độ an lạc  nhiều hay ít cũng tùy người mà khác nhau. Lý do là tùy theo khả năng  chánh niệm, tùy theo trình độ thanh thản và tự do của mỗi người.

Có khi chuyển hóa để tâm hành trở thành lợi lạc hơn. Chánh niệm là  căn bản, và chánh niệm trước hết là để nhận diện. Khi nhận diện rồi thì  tự khắc biết phân biệt, biết những gì đang xẩy ra là lợi lạc, là thiện  (wholesome) hay không lợi lạc, là bất thiện (unwholesome). Ví dụ khi có  một nỗi buồn dâng lên, ta nhận diện: "Đây là nỗi buồn" và ta mỉm cười  với nỗi buồn của ta. Mỉm cười là đủ rồi vì nụ cười đó chứng tỏ rằng ta  đã nhận diện nỗi buồn và biết rằng nỗi buồn đó có thể là không lợi lạc,  có khi lại là lợi lạc. Nỗi buồn không hẳn lúc nào cũng là điều không lợi  lạc. Tùy theo cách sử dụng nỗi buồn có thể trở thành chất liệu của niềm  vui về sau. Ví như khi đi ngoài lạnh ta thấy cái lạnh không dễ chịu,  nhưng khi vào bếp thì cái ấm sẽ dễ chịu hơn nhiều. Nhờ cái lạnh ngoài  trời mà ta tiếp nhận hơi ấm trong nhà bếp rất sâu sắc. Mùa xuân, mùa hè  nhà bếp rất ấm mà ta đâu có biết quý gì mấy?  Cái lạnh sau lưng làm cho  ta trân quý cái ấm.

Nội kết và tùy miên:

Nội kết là kết tụ của vui buồn, thương ghét, khổ đau, là những gút  thắt trong tâm. Tham, sân, si, mạn, nghi, kiến đều là những nội kết,  cũng còn gọi là sáu thứ tùy miên (anuśaya, latent tendencies) tức là sáu  phiền não căn bản. Kiến là một trong những căn bản phiền não. Chúng ta  phân biệt thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ kiến.  Thân kiến là thói quen nhận cái thân này là mình. Chỉ cái thân này là  mình.

Biên kiến là cho phe bên này là mình, bên kia không phải là mình. Tà  kiến là những cái nhìn sai lạc. Kiến thủ là nắm chặt cái thấy, cái biết,  cái nghe của mình. Cho rằng mình đã nắm được sự thật.

Giới cấm thủ là kẹt vào giới, là vướng vào hình thức và không nắm  được bản chất của giới. Những tập tục lâu đời, những "taboos" là những  hình thức giới cấm thủ. Bụt dạy rằng nếu không hộ trì sáu căn thì sẽ  vướng mắc, sẽ có nội kết. Nội kết tới từ từ và thường thì chúng ta không  biết là ta bị nội kết từ bao giờ.

Nội kết thường là không lành mạnh, không lợi lạc, không êm ái. Nhưng  cũng có những nội kết gọi là nội kết êm ái. Hút một điếu thuốc hay uống  một ly bia đem lại cho ta một cảm thọ êm ái. Nội kết len lén đi vào. Nội  kết êm ái đi vào trong ta lúc nào mà ta không biết. Nhưng mà nội kết êm  ái luôn luôn đưa tới những chuyện không êm ái. Nếu không có chánh niệm  thì ta tiếp tục với những cảm thọ êm ái đó, ta sẽ bị vướng mắc và nội  kết hình thành. Đến khi giật mình thì nội kết đã quá lớn và ta đã thành  một người nghiện rượu, nghiện bia!

Kiết sử:

Danh từ nội kết được dịch từ tiếng Phạn saṃyojana. Saṃyojana cũng  được dịch là  kiết sử. Sử có nghĩa là sai sử, sai khiến. "Ma đưa lối,  quỷ dẫn đường, lại tìm  những chốn đoạn trường mà đi" (Nguyễn Du). Ma  quỷ không có ở ngoài. Ma quỷ nằm trong A-lại-gia thức, dưới hình thức  của nội kết và thỉnh thoảng phát hiện. Khi phát hiện thì chúng đã có khả  năng sai sử chúng ta. Chúng ta hành xử, nói năng như những tên nô lệ  cho những kiết sử ấy. "C'est plus fort  que moi!; It is stronger than  me! Trời ơi, nó mạnh hơn tôi!..." Nó là ai?  Nó là những kiết sử.

Gặp một người mới lần đầu mà đã thấy ghét liền. Nếu không có chánh  niệm, mình sẽ trôi lăn theo cảm thọ ghét đó. Nhưng nếu có chánh niệm thì  mình có cơ hội nhận diện và nhìn sâu vào cảm thọ đó và khám phá ra rằng  người đó hơi giống với một người đã từng gây đau khổ cho mình trong quá  khứ. Con ma nội kết ở đây chính là người đã từng gây đau khổ cho mình  trong quá khứ.  Thấy được điều đó ta được giải thoát liền lập tức. Mặc  dầu đây chỉ là một giải thoát nhỏ nhưng sự giải thoát đó là do công phu  nhận diện.

Tóm lại, sự nhận diện sẽ giúp cho mình hộ trì sáu căn, giúp cho mình  giữ được tự do độc lập của mình, không để cho những nội kết 'len chèn'  xâm chiếm, sai sử mình, dù cho là thương hay là ghét.

Bài tụng 47: Hiện Pháp Lạc Trú                 

Phút hiện tại thu nhiếp
Quá khứ và vị lai
Bí quyết của chuyển y
Nằm trong giây hiện tại.

 

Phút hiện tại thu nhiếp quá khứ và vị lai là giáo lý của Hoa Nghiêm.

Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta được học rằng: "Cái một chứa đựng cái  tất cả và thời gian chứa đựng không gian". Giây phút hiện tại là "cái  một". Nó nằm trong tầm tay của chúng ta. Đây là một điều căn bản mà tất  cả chúng ta đều có thể thấy rõ. Và khi chúng ta tiếp xúc được với giây  phút hiện tại thì ta có thể tiếp xúc với tất cả mọi giây phút trong đó  có những giây phút quá khứ và những giây phút tương lai. Tại vì giây  phút hiện tại thu nhiếp được cả quá khứ và tương lai. Hơn thế nữa, nếu  thời gian chứa đựng không gian, như giáo lý Hoa Nghiêm đã dạy, thì giây  phút hiện tại chứa đựng được không gian ở tại đây và khắp nơi khác. Cho  nên, tuy đứng ở tại Loubès-Bernac (thị xã cư trú của Làng Mai) mà ta có  thể tiếp xúc với cả Âu Châu, với cả quả địa cầu rộng lớn.

Bí quyết của chuyển y. Chuyển là chuyển hóa, Y  ở đây là A-lại-gia thức.

Những đau khổ, những vô minh trong A-lại-gia thức nằm ngay trong giây  phút hiện tại. Phương pháp tu học hay nhất là phương pháp xử lý hiện  tại. Nghĩa là nắm lấy giây phút hiện tại, tiếp xúc với giây phút hiện  tại, làm cho nó mát, làm cho nó đẹp, chuyển hóa nó.

Không nên nói rằng hôm nay khổ cực, ngày mai mới có an lạc. Đừng có  nói rằng chốn của mình không phải là ở đây mà là ở bên Tây phương cực  lạc thế giới, chỗ này là chỗ mình phải bỏ, chỗ kia là chỗ mình phải tới.  Nói như vậy là mình chỉ mơ tưởng vào tương lai, hay chìm đắm trong quá  khứ. Mơ tưởng vào tương lai, hay chìm đắm trong quá khứ không phải là  những điều Bụt dạy. Kinh Người Biết Sống Một Mình là một bản văn xưa  nhất của nhân loại dạy chúng ta an trú trong hiện tại. Đạo Bụt dạy rằng  giây phút trong tầm tay chúng ta là giây phút hiện tại và chúng ta phải  sống giây phút đó cho sâu sắc. Sống như thế nào để được an lạc hạnh  phúc. Sống như thế nào để cho những đau khổ có thể được chuyển hóa trong  giây phút hiện tại. Bụt đã nhiều lần dạy rằng nếu hiện tại mà an lạc  thì tương lai tự nhiên sẽ được an lạc.

Như vậy thì không còn gì để nghi ngờ. Hiện Pháp Lạc Trú (có khi gọi  là Hiện Pháp Lạc Cư) là danh từ ta luôn luôn phải nhớ. Hiện là bây giờ,  là có thể thấy được, có thể tiếp xúc được. Pháp là những hiện tượng. Lạc  là hạnh phúc. Trú là ở.

Xét cho kỹ, chúng ta thấy rằng trong hiện tại sẵn có những điều kiện  nội tại và ngoại tại đủ cho chúng ta có hạnh phúc. Cố nhiên là cũng có  những yếu tố nội tại và ngoại tại của khổ đau. Tuy nhiên điều đó không  có nghĩa là những điều kiện của hạnh phúc không có mặt. Nếu suốt ngày  tiếp xúc với những yếu tố bệnh tật, khổ đau thôi thì chúng ta sẽ gầy  mòn, sẽ chết từ từ.

Có người tự mình giam hãm trong thế giới bệnh hoạn, sầu khổ. Thấy cái  gì cũng đau buồn hết. Và những người như vậy không sống sót được. Nhưng  người như thế ta phải tìm cách giúp họ làm thế nào để tiếp xúc với  những gì lành mạnh, vui tươi xung quanh họ. Có người than phiền rằng cây  rừng đã bị đốn hết, không có gì vui tươi hết. Những người đó không thấy  rằng vẫn còn có những cây đẹp, còn có những khu rừng đẹp và mình phải  biết thưởng thức những cây đẹp, những khu rừng đẹp đó. Mà càng thưởng  thức, càng thấy những cây đó đẹp, những khu rừng đó quý, mình lại có sức  mạnh để bảo vệ những cây khác, những khu rừng khác đang bị giết chết.

Tiếp xúc với đau khổ chưa đủ, phải tiếp xúc với những mầu nhiệm, lành  mạnh. Có một điều chúng ta thấy rõ là trong truyền thống Nam tông,  người ta nói nhiều quá về đau khổ (duḥkham). Cứ nói cái gì cũng khổ hết.  Nói một hồi người ta khổ thêm. Trong khi đó thì đạo Bụt Bắc tông, đạo  Bụt đại thừa, muốn sửa lại sai lầm đó, đã chỉ cho chúng ta tiếp xúc với  những gì mang lại hạnh phúc (sukham). Do đó, trong truyền thống đại thừa  chúng ta thấy có các thiền sư làm thơ ca ngợi hoa vàng, trúc biếc, bạch  vân, minh nguyệt. Họ ca ngợi pháp thân bất diệt, nghĩa là họ nói tới  chân như duyên khởi chứ không phải chỉ nói tới vô minh duyên khởi. Chân  như duyên khởi luôn luôn biểu hiện ra những gì tươi đẹp.

Vai trò của tăng thân

Cố nhiên trong cuộc sống có nhiều cái đẹp cho ta thưởng thức, nhưng  nếu con người mà bị kìm kẹp quá nhiều trong một thế giới khổ đau thì  cũng khó lòng mà tiếp xúc được với những cái đẹp. Thấy hoa đẹp, thấy  trời xanh huy hoàng mà không tiếp xúc được là vì nỗi sầu đau quá lớn. Có  một cái gì như một bức tường ngăn cách không cho ta tiếp xúc được những  mầu nhiệm của thiên nhiên. Trong trường hợp đó ta cần phải tới với tăng  thân. Chúng ta phải ở trong một tăng thân mà trong đó có những người có  thể mỉm cười được, có thể bước những bước chân thảnh thơi, có thể cầm  lấy tay ta bằng trìu mến, để có thể hiểu được ta, để cùng ta chia sẻ, và  ta có thể được kéo ra khỏi thế giới u buồn, đen tối. Cho nên Tăng Thân  là một môi trường rất quan trọng.

Chú thích:

(1). Hiện Pháp Lạc Trú tiếng Phạn là dṛṣṭa-dharma-sukha-vihārin.  Dharma là pháp, là thấy được, là sờ mó được, chứng nghiệm được ngay bây  giờ. Sukha là an lạc, ngược lại với duḥkha là khổ. Vihārin là trú, là  cư. Vihāra có nghĩa là tu viện, là chỗ ở, chỗ giải trí. Có vẻ thảnh  thơi, vui thú cũng gọi là vihāra.

Bài tụng 48: Nương tựa Tăng đoàn                


Tu tập và chuyển hóa
Trong đời sống hàng ngày
Nương tựa vào Tăng Đoàn
Công phu mau nhìn thấy.

 

Sống đời sống hằng ngày một cách bình thường chúng ta vẫn có thể tu  tập và chuyển hóa. Tu tập ở đây có nghĩa là thực tập chỉ (śamatha -  Stopping) và quán (vipaśyana - Looking deeply).

"Chỉ" tức là ngưng lại. Một câu hỏi được đặt ra ngay là  "Ngưng cái gì?". Câu trả lời là "Ngưng sự phóng thể, ngưng chạy như ma  đuổi". Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta bị lôi kéo như một nạn nhân  bởi những người và hoàn cảnh xung quanh, bởi những suy nghĩ mông lung,  những tâm tư buồn giận. Chúng ta không có đời sống cho chính chúng ta.  Vì vậy cần phải dừng lại. Có người không cưỡng lại được những sự lôi kéo  đó cho đến khi bị tai nạn phải nằm bệnh viện và bắt buộc phải nằm yên  một thời gian lâu và nhờ đó mới có cơ hội nhìn lại cuộc đời của mình.  Đây là trường hợp bắt buộc phải chỉ.

"Chỉ" trong sự thực tập của chúng ta là tự mình ngưng lại. Và năng  lượng giúp chúng ta ngưng lại là chánh niệm. Có những phương tiện giúp  chúng ta ngưng lại như tiếng đồng hồ điểm giờ hay tiếng chuông. Đang suy  nghĩ miên man, đang buồn, đang giận mà nghe đồng hồ điểm giờ hay tiếng  chuông thỉnh lên, chúng ta ngưng lại, thở và mỉm cười: "A, ta đang phiêu  lưu!" Chúng ta phiêu lưu theo buồn giận. Chúng ta phiêu lưu trên dòng  quên lãng. Chúng ta tự đánh mất chúng ta. Cho nên tiếng chuông là tiếng  gọi của Bụt. Bụt ở đây là Bụt trong tự tâm đang gọi chúng ta trở về.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm. (Listen, listen, this wonderful sound brings me back to my true home.)

True home - căn nhà của mình, có nghĩa là nơi mình an trú, nơi hiện  pháp lạc trú. Chúng ta là những đứa con hoang. Nghe tiếng chuông thì  phải trở về căn nhà của chúng ta, nơi giờ phút hiện tại, nơi có an lạc,  có hạnh phúc, có giác ngộ. Vì vậy cho nên chỉ là phép tu của  tất cả chúng ta. Khi đi thiền hành là thực tập chỉ. Đi mà không cần  tới. Khi quét nhà, rửa nồi là thực tập chỉ. Chúng ta sống sâu sắc, sống  đích thực trong những giây phút đó.

"Anh đã làm gì đời anh?" Ta đã làm gì đời ta trong mấy chục năm qua?  Tại vì ta không biết dừng lại, tại vì chúng ta không biết tu chỉ, năm  tháng đã đi qua như một giấc mộng. Ta chưa từng sống được những giây  phút sâu sắc, chưa bao giờ đứng lại để ngắm một ngôi sao hay nâng một  cành hoa trên tay. Cuộc sống như vậy là quá uổng.

Vậy thì, tu chỉ có nghĩa là ngưng lại sự phiêu lưu và trở về nhà,  sống an lạc, không tìm cầu, không mơ ước. Chỉ cần an trú trong hiện tại.  An trú trong hiện tại như vậy thì chánh niệm càng mạnh và hạnh phúc  càng lớn.

Đang gọt cà rốt trong bếp mà nghe Thầy hỏi "Con đang làm gì đó?" thì  phải hiểu rằng đó là một tiếng chuông chánh niệm mà Thầy trao cho mình.   Nếu trả lời "Thưa Thầy con đang gọt cà rốt" là hỏng, là không hiểu ý  câu hỏi của Thầy. Thầy dư biết mình đang gọt cà rốt. Có thể mình đang  phiêu lưu trong khi gọt cà rốt, và câu hỏi của Thầy là để giúp mình dừng  lại, giúp mình trở về nhà, trở về nơi an lạc. Nếu mà thông minh thì chỉ  cần mỉm cười thôi. Ban đầu chúng ta cần tiếng chuông, tiếng đồng hồ,  tiếng điện thoại để giúp chúng ta ngưng lại. Rồi chúng ta nhờ sự có mặt  của sư anh, sư chị, sư em. Sự hiện diện của những bạn đồng tu đang thực  tập chỉ sẽ giúp cho chúng ngưng lại dễ dàng. Bởi vì một người đang thực  tập chỉ sẽ giúp tạo ra không khí chỉ xung quanh mình.

Theo nguyên tắc thì phải an trú ít nhất là ba hơi thở trong khi thực  tập chỉ. Nếu thực tập giỏi hơn thì có thể ngưng lại lâu hơn, trong mấy  chục phút. Trong mấy chục phút đó, chúng ta ở trong một tình trạng gọi  là định - tam muội (samādhi). Tam muội càng nhiều thì chánh niệm càng  vững. Trong tam muội cái nhìn của chúng ta, như một luồng ánh sáng quét  lên sự vật, sẽ sâu sắc hơn. Cũng như cây đèn pin. Pin càng mạnh thì đèn  chiếu càng rõ.

Khi biết dừng lại (chỉ) lâu dài và năng lượng chánh niệm vững mạnh  thì chúng ta không những nhận diện mà còn có thể nhìn sâu, thấy rõ. Đó  gọi là quán. Chỉ và quán không thể rời nhau được. Trong chỉ đã  có một ít quán rồi. Ngưng lại và nhận diện là đã thấy rồi. Và khi đã có  quán, có thấy rồi thì nhất định phải có chỉ. Không thể có quán mà không  có chỉ. Khi mà mình có "cái thấy" (insight), mình hiểu thấu cội nguồn,  tức là có chỉ. Cho nên tu tập, chuyển hóa trong đời sống hằng ngày phải  tu tập chỉ và quán.

Nương tựa vào tăng đoàn, công phu mau nhìn thấy. Tu tập mà  không có tăng đoàn rất là khó, nhất là khi mình bị giam hãm trong thế  giới đau thương, đen tối, không có khả năng tiếp xúc với những gì lành  mạnh, tươi vui, trị liệu ở trong mình và xung quanh mình.

Chúng ta thường ca ngợi những người tu một mình, lên núi đóng cửa  lại, sống một mình. Chúng ta cho đó là những người tu duy nhất, những  người tu thiệt. Nhưng kỳ thực, tu mà không có tăng đoàn khó lắm.

Có những trung tâm tu học mà trong đó không có sự liên hệ giữa những  người cùng tu. Mỗi người một mình hạ thủ công phu gắt gao, tu cho thật  rục mà không có chuyển hóa gì cả. Tại vì tăng đoàn ở đó không hẳn là một  tăng đoàn.

Tăng đoàn phải mang ý nghĩa nâng đỡ lẫn nhau. Chùa chiền ở các quốc  gia Á Châu được tổ chức như một gia đình trong đó Thầy được coi như là  một người cha, người mẹ, còn người sư huynh là một người anh, sư đệ là  một người em. Còn có sư bác, sư chú, sư cô, sư dì. Và như vậy trong  truyền thống của chúng ta, môi trường của tăng thân rất là quan trọng.  Nếu tăng thân không được thiết lập như một gia đình tâm linh, trong đó  mỗi người là một thành phần của gia đình thì công phu tu tập khó thành  đạt lắm.

Ở Tây phương thường có những người đến với tăng thân từ một gia đình  đổ vỡ, từ một xã hội thác loạn và những người đó không có gốc rễ. Tăng  thân đó được thành lập như một sự tụ họp của những hòn đảo riêng biệt,  không có tình người, không có không khí ấm áp của gia đình và các thiền  sinh của tăng thân đó dù tu tập mười năm, hai mươi năm cũng không có kết  quả. Những người đó ở trong gia đình không có gốc rễ, ra ngoài xã hội  cũng không có gốc rễ, và đi vào một tăng thân mà lạnh lẽo thì không thể  nào có gốc rễ được. Cho nên tăng thân phải được tổ chức như một gia đình  trong đó có sự ấm áp, có hạnh phúc, có sự hòa hợp, trong đó mọi người  tiếp nhận nhau như anh em, chị em và như thế mỗi thiền sinh mới có cơ  hội mọc ra những cái rễ đầu tiên trong cuộc đời mình. Do đó,tăng đoàn  phải giúp cho những người mất gốc rễ gia đình cảm nhận được sự hiện diện  của một gia đình trong tăng đoàn và cắm được những gốc rễ đầu tiên.

Vấn đề này rất quan trọng ở Tây phương. Những năm vừa qua, trong khi  đi giảng dạy, tác giả luôn luôn kêu gọi các trung tâm tu học nên tổ chức  những tăng thân có tính cách gia đình. Những người mất gốc khi tới với  một tăng thân mà không có không khí đầm ấm thì sẽ mất cơ hội cuối cùng  của họ. Ngược lại, khi họ đã mọc rễ và chấp nhận tăng thân như là một  gia đình thì họ sẽ trở thành bình thường và họ có thể vui được, hạnh  phúc được, và sự tu tập của họ có thể đi xa hơn.

Một vị Thầy dù cho giỏi cách mấy, một vị Đạo sư có giỏi cách mấy mà không có tăng thân thì cũng khó làm được gì nhiều.

Xây dựng Tăng Thân

Ngày xưa, tăng thân của Bụt thỉnh thoảng cũng có vấn đề lớn, đôi khi  chia rẽ, có khi chia làm hai. Nhưng mà biết làm sao hơn, con người nó là  như vậy. Tại Kosambi, tăng thân chia làm đôi, Bụt can thiệp vào cũng  không giải quyết được, Bụt phải bỏ đi. Ở thành Vương Xá, Đề Bà Đạt Đa tổ  chức giáo hội mới. Nhưng những khó khăn đó giáo đoàn đã vượt qua được.

Tăng thân của Bụt có uy tín nhờ phương pháp hành trì giáo lý của Bụt  đã gây được niềm tin nơi quần chúng. Vua Ba Tư Nặc, vua nước Kosala, có  một lần chắp tay lạy mà thưa với Bụt rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, nhìn cách  các vị khất sĩ đi qua, đi lại, ngồi xuống, đứng lên, thực tập, con có  đức tin nơi Thế Tôn". Câu nói này đã được ghi lại trong kinh.

Nhìn một tăng thân, ta có thể thấy khả năng của một vị đạo sư của  tăng thân ấy. Cho nên một trong những điều mà chúng ta phải học trong  thời gian thụ huấn là môn học xây dựng tăng thân hay dựng chúng  (community building, sangha building).

Một vị đạo sư mà không có tăng thân thì cũng như một nghệ sĩ không có  tư liệu, một nhạc sĩ không có đàn, một chiến sĩ không có súng. Và vì  vậy tăng thân rất quan trọng. Nếu trong tăng thân mà có được một ít yếu  tố của sự hòa hợp, của hạnh phúc thì một người mới tới với tăng thân tuy  chưa tu mà đã bắt đầu hưởng lợi rồi. Xây dựng tăng thân là một công  trình quan trọng nhất của sự tu tập.

Ngày xưa, bây giờ cũng vậy, có nhiều người chán các Thầy, giận các  Thầy rồi nói rằng: "Tôi chỉ quy y nhị bảo thôi, là Phật Bảo và Pháp Bảo,  Tăng Bảo tôi không thích". Có nhiều người nói tôi chỉ quy y Thánh Tăng  thôi, tức là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Văn Thù, Phổ Hiền thôi, còn mấy  thầy mấy sư cô đang sống ở đây chưa phải là Thánh Tăng. Nói như vậy  không đúng. Tại vì cái tăng thân mà ta có thể hưởng được là tăng thân  này, tức là phàm tăng. Giá trị của tăng thân là do ta xây dựng nên chứ  không phải tự nhiên mà có. Tăng thân là một đoàn thể trong đó mọi người  đều có ý chí tu học. Còn tu học thành hay không thành, thành công tới  mức nào là còn do nghệ thuật tu học nữa chứ không phải có thiện chí mà  được. Có thiện chí chưa đủ. Cũng như muốn thương chưa chắc đã thương  được.

Tăng thân không cần phải hoàn hảo. Chỉ cần phàm tăng thôi chứ chưa  cần tới thánh tăng mà đã hưởng được nhiều lợi lạc rồi. Nếu mỗi cá nhân  của tăng thân có ý thức cần nương tựa vào tăng thân để tu học, thì phải  biết rằng tăng thân đó phải do tự mình xây dựng cho tốt đẹp. Nếu tăng  thân chưa tốt đẹp như mình muốn thì phải làm cho tốt đẹp. Phương pháp  làm cho tăng thân tốt đẹp là trước hết phải làm cho mình tốt đẹp, vì  mình là một phần tử của tăng thân. Phần tử của tăng thân trong tầm tay  mình nhất, gần mình nhất chính là mình. Cho nên, mỉm một nụ cười, thở  một hơi thở, đó là làm cho cả tăng thân. Đi thiền hành cho đàng hoàng là  phục vụ tăng thân, chứ đừng cho rằng phải dạy cho người này, dạy cho  người kia mới là phục vụ tăng thân.

Vậy thì, xây dựng tăng thân trước hết là phải mỉm cười, là phải thiền  hành, là phải thực tập chỉ, là phải an trú trong hiện tại. Căn cứ trên  cơ bản đó mới giúp được một sư anh, một sư chị, một sư em. Nếu không căn  cứ trên cơ bản đó thì có xây dựng cách mấy cũng không đi tới đâu cả.

Một tăng thân mà có hạnh phúc quan trọng vô cùng. Nó nuôi dưỡng và  làm cho chúng ta thêm vững chãi. Tại vì cá nhân có khi lên, khi xuống  nhưng nguyên một tăng thân thì không đến nỗi như vậy. Khi có một người  này ngã xuống thì luôn luôn có những người kia nâng dậy. Chị ngã em  nâng. Đó là sự quan trọng của tăng thân.

Cho nên con về nương tựa Tăng không phải là một vấn đề tín ngưỡng,  không phải là vấn đề đức tin. Chúng ta đọc Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y  Tăng như là một sự tỏ lộ niềm tin, nhưng Quy Y Tăng không phải là vấn  đề đức tin. Đó là một vấn đề thực tập. Quy Y Phật cũng vậy. Đó là một  vấn đề thực tập. Quy Y Phật tức là luôn luôn sống trong chánh niệm.  Chánh niệm tức là Phật soi sáng cho mình.

Một thiền sinh giỏi, có tương lai là một thiền sinh biết xây dựng  tăng thân. Đừng đợi khi tốt nghiệp rồi mới ra xây dựng tăng thân, lúc đó  sẽ không thành công đâu. Phải sống cho hòa hợp, hạnh phúc, phải xây  dựng tăng thân ngay trong giây phút hiện tại. Con về nương tựa Tăng là  vấn đề thực tập, không phải là vấn đề tín ngưỡng.

Bài tụng 49: Vượt thoát sinh tử                

Không sinh cũng không diệt
Sinh tử là niết Bàn
Sở đắc là vô đắc
Không nắm cũng không buông.

 

Nếu bài tụng 48 nói về nhân, tức là chính sự tu học thì bài tụng này  nói về kết quả của sự tu học, về sở đắc của sự tu học. Cũng có thể nói  rằng bài tụng 48 nói về tích môn và bài tụng này nói về bản môn.

Không sinh cũng không diệt tức là Niết Bàn. Niết bàn là sự chấm dứt,  là sự vượt thoát sinh tử. Sự chấm dứt đó không có nghĩa của một sự loại  trừ sinh tử. Tại vì sinh tử là niết bàn, là Bản Môn. Tuy nói rằng có  đắc, nhưng kỳ thực mình có đắc gì đâu? Nói rằng sóng nắm được nước,  nhưng mà sóng đâu cần nắm nước nữa. Tại vì sóng là nước rồi.

Chúng ta nói một cách buồn cười là sóng tiếp xúc với nước. Nhưng mà  sóng là nước rồi, đâu cần phải tiếp xúc nữa. Cũng như sống trong thế  giới của sinh-diệt, của có-không, của còn-mất, của đi-tới mà nói tiếp  xúc được với Niết Bàn, thì cũng buồn cười như vậy. Niết bàn là chân như,  là tự tánh của chúng ta. "We have been in the Nirvana for a long time,  already. Chúng ta có mặt trong niết bàn đã từ lâu rồi". Cũng như sóng là  nước từ vạn kiếp rồi. Thành ra có cái gì để đắc đâu?

Chúng ta hãy nhớ lại Tam Pháp Ấn, chìa khóa mở cửa 50 Bài tụng Duy  Biểu. Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh đồng bạc cắc. Đồng bạc cắc có mặt  sấp, mặt ngửa và chất kim loại làm ra nó. Chúng ta sờ vào mặt sấp của  đồng bạc cắc tức là đồng thời ta sờ vào chất kim loại của đồng bạc cắc.  Chúng ta sờ vào mặt ngửa của đồng bạc cắc, tức là đồng thời ta sờ vào  chất kim loại của đồng bạc cắc. Thế giới của hiện tượng là thế giới của  bản thể. "Thuyền hiện tượng quay về bản thể" (thơ Nhất Hạnh), nhưng kỳ  thực là khỏi quay về bản thể.

Vì sống trong ý niệm về thường, về ngã cho nên từ đó chúng ta có  những ý niệm về có, về không, về một, về nhiều, về tới, về đi, về sinh,  về diệt. Tám ý niệm có, không, một, nhiều, tới, đi, sinh, diệt đó là do  hai ý niệm thường và ngã mà ra. Cho nên, Tam Pháp Ấn khai thị cho chúng  ta về niết bàn. Vô thường và vô ngã là đứng về phương diện hiện tượng,  tức là sóng, mà nói. Chúng ta xét tính chất vô thường và vô ngã để thấy  bản chất của vạn sự, vạn vật cũng như chúng ta nhìn vào sóng để thấy cái  bản chất của nước. Và đó là phương thức để chúng ta vượt khỏi những ý  niệm có-không, một-nhiều, tới-đi, sinh-diệt.

Pháp ấn thứ ba là niết bàn, tức là chấm dứt tất cả mọi khái niệm,  trong đó có khái niệm về vô thường và vô ngã. Tại vì khái niệm về vô  thường và vô ngã được đưa ra để giúp chúng ta vượt thoát khái niệm về  thường và ngã. Nhưng khái niệm về vô thường và vô ngã vẫn là khái niệm.  Niết bàn vượt thoát khái niệm thường mà cũng vượt thoát khái niệm vô  thường, vượt thoát khái niệm ngã mà cũng vượt thoát khái niệm vô ngã.

Nhưng nếu không có vô thường và vô ngã thì chúng ta có tiếp xúc với  niết bàn được không? Đứng về phương diện Ba Tự Tánh chúng ta nói như thế  này:  Thực tại trong cái nhìn của thường, của ngã là thực tại biến kế  chấp. Thực tại trong cái nhìn của vô thường, vô ngã là thực tại y tha  khởi. Y tha khởi tháo gỡ chúng ta khỏi biến kế chấp và giúp ta tiếp xúc  được với niết bàn vốn là viên thành thật. Khi chạm vào vô thường, thật  sự chạm vào vô thường chứ không phải chạm vào khái niệm vô thường, tức  là chạm vào niết bàn. Chạm vào sóng tức là chạm vào nước. Cho nên nói  rằng có đắc nhưng kỳ thực có đắc gì đâu! Không có cái gì phải nắm hết,  không có cái gì phải buông hết. Có gì mà tôi phải nắm lấy đâu? Có gì mà  tôi phải bỏ ra đâu? Đó gọi là vô đắc, vô thủ, vô xả. Nắm là thủ. Buông  là xả. Khi mà còn nắm lấy một cái, buông một cái, tức là còn nhị nguyên  (dualism).

Bài tụng 50: Vô úy                

Lướt trên sóng sinh tử
Thuyền từ dạo biển mê,
Nụ cười vô úy nở
Phiền não tức Bồ đề.

 

Ban đầu cũng trôi lăn trong biển sinh tử, thường ngã,  nhưng nhờ thực tập vô thường quán, vô ngã quán cho nên từ thế giới của  hiện tượng các vị Bồ Tát tiếp xúc được với thế giới của bản thể, của niết bàn. Và  khi tiếp xúc được với niết bàn thì sẽ đạt được tự do, vượt thoát được sự  sợ hãi do những ý niệm có-không, một-nhiều, tới-đi, sinh-diệt gây ra,  sẽ lướt trên sóng sinh tử mà đi. Lướt trên sóng sinh tử nghĩa là trở về  với thế giới của sóng mà vẫn an trú trong nước.

Thuyền từ dạo biển mê nghĩa là các vị Bồ Tát sau khi chứng  ngộ rồi, sau khi hết sợ rồi, hết chìm đắm rồi thì trở về với thế giới  sinh tử mà không thấy có sinh tử. "Thuyền từ dạo biển mê" mô tả những vị  Bồ Tát đang hành đạo trong cuộc đời này như Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát  Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Diệu Âm mà  chúng ta thấy trong kinh Pháp Hoa.

Nụ cười vô úy nở, trong thế giới đầy đau thương, đầy sầu não  mà vẫn nở nụ cười vô úy vì đã tiếp xúc được với Niết Bàn. Không còn  thấy sinh. Không còn thấy tử.

Phiền não tức Bồ đề, thấy tính bất nhị giữa phiền não và Bồ  đề. Khi đã thấy rồi thì không còn sợ hãi. Khi không còn sợ hãi thì bơi  lội một cách an nhiên trong thế giới của sinh tử mà không còn thấy có  sinh tử.