- Dẫn Nhập
- A. Chánh Văn - I. Lời Tiểu Dẫn
- A. Chánh Văn - II. Tựa
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - I. Lời Tiểu Dẫn
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 5)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 6)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 8)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 9)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 11)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 13)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 14)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 15)
- B. Giảng Giải - IV. Kệt Luận
A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
Hỏi: Hai ngôi Phật và pháp, ngôi nào trước, ngôi nào sau? Nếu nói Phật có trước, Phật này nương theo pháp nào mà được thành đạo nên gọi là Phật? Nếu bảo pháp có trước, pháp này do Phật nào nói nên gọi là pháp?
Lại hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau?
Đáp: Phật vốn có trước pháp, cũng có sau pháp.
Hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau?
Đáp: Nếu y cứ Chân như thật tế, thì chân Phật không hình, tròn đồng thái hư, đối diện ở trước mắt, lặng sáng không gì trên, đây là Phật thật không hình tướng, Phật có trước.
Lại nói:
Ta có một thân Phật,
Người đời ít kẻ biết.
Không một giọt tro bùn,
Không một điểm màu sắc.
Vàng ròng khó đúc thành,
Gỗ đá khó chạm khắc.
Thợ trời tạo chẳng nên,
Trộm đất trộm chẳng được.
Nước lửa chẳng can chi,
Nghiễm nhiên gió chẳng khác.
Lặng sáng đầy thái hư,
Đoan nghiêm rất kỳ đặc.
Tròn sáng có một thân,
Hóa thân ngàn trăm ức.
Âm:
Ngô hữu nhất khu Phật,
Thế nhân thiểu giả thức.
Vô nhất trích hôi nê,
Vô nhất điểm thái sắc.
Hoàn kim nan đào dung,
Mộc thạch nan tạc khắc.
Thiên công tạo bất thành,
Địa đạo thâu bất đắc.
Thủy hỏa bất thường can,
Nghiễm nhiên phong bất thắc.
Tịch quang mãn thái hư,
Đoan nghiêm thậm kỳ đặc.
Viên minh hữu nhất khu,
Hóa thân thiên bá ức.
Nên Thiền sư Xuyên Lão nói: “Phật vàng chẳng độ lò đúc, Phật gỗ chẳng độ lửa, Phật đất chẳng độ nước.”
Ba Phật hình nghi chẳng phải chân,
Con ngươi trong mắt trước mặt xem.
Nếu hay biết được trong nhà báu,
Hoa núi chim kêu một dáng xuân.
Ứng Phật, Hóa Phật, đều không thật,
Bóng hình muôn thứ thảy là quyền.
Cái gì có tướng đều hư vọng,
Chân Phật không hình vốn tự nhiên.
Âm:
Tam Phật hình nghi tổng bất chân,
Nhãn trung đồng tử tiền diện nhân.
Nhược năng thức đắc gia trung bảo,
Đề điểu sơn hoa nhất vạn xuân.
Ứng Phật, Hóa Phật giai vô thật,
Ảnh tượng thiên bang tổng thị quyền.
Phàm sở hữu tướng giai hư vọng,
Chân Phật vô hình bản tự nhiên.
Hỏi: Thế nào pháp có trước?
Đáp: Nếu y cứ Pháp tánh tịch diệt, thì chân kinh không quyển, rỗng trơn bặt dấu vết, nghĩa ấy như sao trời sáng rực, lặng lẽ quên lời, biển chân giáo sóng bủa mênh mông, bao la pháp giới, lặng lẽ sáng soi tự tại, suốt tột xưa nay, dọc ngang khắp trời đất, đây là chân kinh không quyển, pháp có trước. Nếu y cứ pháp tịch diệt, đó là pháp trước Phật sau.
Kinh nói:
Các pháp từ xưa nay,
Tướng thường tự vắng lặng.
Phật tử hành đạo rồi,
Đời sau được làm Phật.
Âm:
Chư pháp tùng bản lai,
Thường tự tịch diệt tướng.
Phật tử hành đạo dĩ,
Lai thế đắc tác Phật.
Tất cả chư Phật đều nhân nơi Pháp tánh tịch diệt mà được thành Phật. Nên kinh Lăng-già nói: “Lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, dứt mọi hí luận, mới có thể chứng Phật.” Nên biết, Pháp tánh tịch diệt là thầy chư Phật, đây là pháp trước Phật sau. Vì vậy kinh nói: “Có Phật không Phật, Pháp tánh vẫn thường trụ. Có kinh không kinh, Pháp thân vẫn hằng như vậy.” Một pháp mà có ngàn tên, ứng với duyên mà lập hiệu, chân Phật, chân kinh, Pháp tánh Pháp thân vốn đồng một thể, không có tướng khác. Nếu có người tuệ lớn, trí bậc thượng, chóng ngộ chân không, Pháp tánh như vậy, chân Phật không hình, chân kinh không quyển, chân đạo không lý, chân pháp không lời, sẽ sớm được viên chứng quả Bồ-đề.
Pháp thân thanh tịnh Phật vô tướng,
Tịch quang tròn lặng đồng hư không.
Hình nghi chẳng mượn dùng tiếng cầu,
Dung mạo dính gì với sắc pháp.
Muôn pháp đồng về biển tánh chân,
Một trần chẳng nhiễm vốn nguồn linh.
Rành rành hiển hiện chân thân Phật,
Lồ lộ Như Lai đối mặt luôn.
Âm:
Thanh tịnh Pháp thân vô tướng Phật,
Tịch quang viên trạm đẳng hư không.
Hình nghi phi giả dĩ thanh cầu,
Dung mạo khởi quan ư sắc pháp.
Vạn tượng đồng qui chân tánh hải,
Nhất trần bất nhiễm bản linh nguyên.
Đường đường hiển hiện Phật chân thân,
Lộ lộ Như Lai thường đối diện.
Nếu luận về pháp văn tự đó là Phật trước, pháp sau. Vì sao? Bởi chư Phật lúc tột ban đầu tu hành, là tự chứng Căn bản trí tuệ, Pháp tánh tịch diệt mà được thành Phật. Đến khi thành Phật xong, mới nương nơi Hóa thân trăm ức ở cõi biến hóa, vận dụng thần thông, thị hiện mọi thứ, sau đó nói rộng các thứ ngôn từ, các thứ thí dụ, các thứ cơ quan, các thứ nghĩa lý, sắn bìm lá bối, kết tập văn tự, nương sự mà đặt tên, kinh này luận nọ, sắp xếp thứ tự rồi gom lại làm từng quyển, thành tạng kinh mười hai bộ, rồi để lại lời dặn dò, lưu truyền ở đời, mở rộng phương tiện chỉ đường, chỉ lối mà tiếp hóa chúng sanh. Chúng sanh ban đầu nương theo kinh giáo mà xuất gia học đạo, minh tâm kiến tánh, thành công chứng quả, đây là Phật trước pháp sau. Nếu người lượng cao, đủ đại trí tuệ, liền chóng ngộ trí tự nhiên, không Phật, không kinh, không thầy, Pháp thân vốn rỗng lặng, cùng Phật bình đẳng, quán Thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy. Bởi, quán Thật tướng của thân, tức là Pháp thân rỗng rang diệu hữu, Phật và ta đều vô tướng, trong lặng nhiệm mầu, nhất như, tròn đồng thái hư, chân không bình đẳng. Dù học ngàn kinh muôn luận, rốt ráo cũng không vượt ngoài lý này, cuối cùng là viên chứng Phật pháp thân.
Pháp giới bao trùm Cực Lạc đường,
Đến cùng biển giác sáng tròn chung.
Như như diệu trạm không thừa thiếu,
Bình đẳng Di-đà chiếu mười phương.
Âm:
Pháp giới hàm dung Cực Lạc đường,
Đáo đầu giác hải cộng viên quang.
Như như diệu trạm vô dư khiếm,
Bình đẳng Di-đà chiếu thập phương.
Kinh nói: “Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng.” Ứng Phật, Hóa Phật, ba mươi hai tướng, trăm ức hóa thân, cho đến các duyên cảnh giới trang nghiêm, tất cả Như Lai thần thông thị hiện, quyền bày phương tiện tiếp dẫn chúng sanh, đều chẳng phải lý thật. Bởi lý rốt ráo chân thật tức là hư không, hư không tức là Như Lai, Như lai tức là không tịch, không tịch tức là Pháp thân, Pháp thân tức là Phật thân. Đây chính là thân Phật, người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành.
Ứng, Hóa chư tôn chưa ra đời,
Pháp thân rỗng lặng sẵn vậy thôi.
Tự giác giác tha gọi là Phật,
Từ bi thuyết pháp lợi trời người.
Suốt tột xưa nay vốn như như,
Trong ánh tịch quang rực thái hư.
Trang trọng vượt lên danh tướng pháp,
Chân không đó Phật tự an cư.
Âm:
Ứng, Hóa chư tôn vị xuất tiền,
Pháp thân không tịch bản như nhiên.
Tự giác giác tha danh viết Phật,
Từ bi thuyết pháp lợi nhân thiên.
Cùng kim tuyên cổ bản như như,
Thường tịch quang trung thước thái hư.
Nghiễm hĩ việt siêu danh tướng pháp,
Chân không thị Phật tự an cư.
Vì vậy trong Chứng Đạo Ca của Đại sư Vô Tướng ở Vĩnh Gia nói:
Rành rành thấy không một vật,
Cũng không người, cũng không Phật.
Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,
Tất cả Thánh Hiền như điện chớp.
Âm:
Liễu liễu kiến vô nhất vật,
Dã vô nhân dã vô Phật.
Đại thiên sa giới hải trung âu,
Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất.
Chư Phật hiện ra đời là ứng hóa chẳng phải thật, chúng sanh huyễn khởi có danh tướng đều hư dối, phổ thỉnh đạo tràng thủy nguyệt, tỏ ngộ Phật sự không hoa. Thế nào là Phật sự không hoa? Dạy rằng: Tướng không là Thật tướng, thân không tức Pháp thân, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, không một vật, không thể nắm bắt, nếu gọi là một vật, lại chẳng trúng lý.
Có nói đều thành báng,
Không lời cũng chẳng dung.
Vì anh thông một lối,
Trời mọc núi đông hồng.
Âm:
Hữu thuyết giai thành báng,
Vô ngôn diệc bất dung.
Vị bỉ thông nhất tuyến,
Nhật xuất lãnh đông hồng.
Chư Phật giáo hóa chúng sanh, ví như bà dạy cháu, tùy cơ mà ẩn hiện. Phương tiện có nhiều thứ. Cho nên nuôi cơm là thương con trẻ, nước uống là ngừa nó khát. Gượng gọi tên là Phật, là Tổ, là Thiền tông, là chỉ thú, là hư không Pháp thân, là Thật tướng vô tướng. Thật tướng vô tướng, là vượt lên tên gọi và hình tượng, thể vốn vô sanh, nhưng vì gượng nêu tên để chỉ bày cho người sau. Vì vậy nói: Pháp thân lồ lộ, Thật tướng rành rành, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, bao gồm cả trời đất, suốt thấu cả núi sông, đối diện ngay trước mặt, chân thật rỗng rang mênh mông, viên dung cả pháp giới, trong lặng như như, không tướng không tên, không lời không nói, chẳng sanh chẳng diệt, không đến không đi, ứng vật hiện hình như trăng trong nước. Tùy duyên ứng ra hình chất, thì mượn sắc mà thành hình; nương theo loại mà hóa thân, thì quán âm thanh nói rộng giáo pháp. Nói năng bày tỏ nơi lá bối, là chân ngôn mà chẳng phải chân ngôn; tướng hiển hiện nơi hoa sen, nếu có tướng thì đâu từng có tướng. Xưng Phật xưng Tổ, trị kẻ dưới mà tạm mượn tên; rất diệu rất huyền, tối thượng vô tướng; thường lạc ngã tịnh, tột lý mà chứng biết; Pháp thân vô vi, vượt lên trên Phật Tổ; tên Phật hiệu Tổ cũng là giả danh; Pháp tánh chân không, trọn không một vật. Người học tham Thiền thấu đến tột cùng, nên nói đã thấu đến chỗ ruộng đất cố hương, đã được chỗ an thân lập mạng, chỗ thường lạc ngã tịnh, chỗ sanh tử chẳng dính dáng. Ruộng đất cố hương, là chỗ rỗng thênh bát ngát, đến ruộng đất ấy, thì một chữ Phật cũng là vật ở bên ngoài căn trần. Như vậy, Phật còn không đắm trước, huống nữa là Chân như Phật tánh, Bồ-đề Niết-bàn, chỗ nào có được? Thấu tột, thấu tột rành rành không một vật, thì không phàm Thánh, không thứ lớp, không danh tướng, không thềm bực, không số kiếp, không giờ khắc, không tôn ti, không xưa không nay, không được không mất, không một không hai, không phải không quấy, không tịnh không loạn, không sanh không tử, không Phật không chúng sanh, không bờ mé không làm ra, không tu không chứng; không thường không trụ và chẳng không thường trụ, vốn không Niết-bàn, chẳng phải chẳng không Niết-bàn, vốn không thành Phật và chẳng không thành Phật; cũng không tỏ rõ trong cái tỏ rõ, cũng không trong lặng trong cái trong lặng, cũng không cái thể trong lặng, cũng không cái dụng trong lặng; cũng không thế ấy nói cái trong lặng, cũng không thế ấy thọ cái trong lặng; ba cái không đều không, chỉ một cái trong lặng tròn đầy, mà một cũng chẳng một, nguồn trở lại nguồn.
Nên biết trong không vốn chẳng hoa,
Vì kẻ mê, quyền hiện Thích-ca.
Đem sắc thanh cầu trọn chẳng thấy,
Xưa nay chân thật tự nơi ta.
Âm:
Tu tri không lý bản vô hoa,
Quyền vị mê lưu hiện Thích-ca.
Dĩ sắc thanh cầu chung bất kiến,
Nguyên lai chân Phật bản phi tha.
*
Vốn tự nhiên thành chẳng tạc điêu,
Chống trời chỏi đất mặc tiêu diêu.
Xưa nay Chánh giác không một vật,
Toàn thân chẳng dính mảy tơ hào.
Âm:
Bản tự viên thành bất giả điêu,
Trú thiên trú địa nhậm tiêu diêu.
Chánh giác bản lai vô nhất vật,
Thông thân bất quải nhất ty hào.
*
Giơ hoa niêm cú gạt người thôi,
Muôn pháp không hoa chẳng kéo lôi.
Tông, giáo cùng quên đều chẳng đắm,
Nguồn linh tự tại mặc thảnh thơi.
Âm:
Niêm hoa niêm cú cộng tha man,
Vạn pháp không hoa tổng bất can.
Tông, giáo lưỡng vong câu bất nịch,
Linh nguyên tự tại nhậm thanh nhàn.
*
Theo rỗng tiếp vang đều chẳng thật,
Không hoa mắt bệnh tùy vọng sanh.
Cội nguồn diệu thể không chỗ trụ,
Chân như tự tại mặc tung hoành.
Âm:
Thừa hư tiếp hưởng giai phi thật,
Bệnh nhãn không hoa trục vọng sanh.
Diệu thể bản nguyên vô sở trụ,
Chân như tự tại nhậm tung hoành.
*
Trên đảnh Tỳ-lô vui quá chừ,
Trong ánh tịch quang không vật dư.
Tức sắc tức không thật rành rõ,
Chẳng tâm chẳng Phật tự như như.
Âm:
Tỳ-lô đảnh thượng lạc vô dư,
Thường tịch quang trung nhất vật vô.
Tức sắc tức không chân liễu liễu,
Phi tâm phi Phật tự như như.
*
Chư Tôn ứng hóa thảy vọng duyên,
Pháp thân thanh tịnh rộng vô biên.
Ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt,
Muôn dặm không mây muôn dặm thiên.
Âm:
Ứng hóa chư Tôn đẳng vọng duyên,
Pháp thân thanh tịnh quảng vô biên.
Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
Pháp kệ: Xem phá sắc tướng của Tam giáo
Chẳng Nho chẳng Phật cũng chẳng Tiên,
Vò lại một viên rỗng lặng tròn.
Chùy nhọn thân hùng thông một điểm,
Kiếm sắc huơi rơi rõ tam huyền. (Phật, Nho, Tiên)
Trong mơ hòn bọt chia ranh giới,
Giữa luồng điện chớp bày Thánh Hiền.
Muôn pháp ngàn tông đều là huyễn,
Một thoi nát sạch Tổ sư Thiền.
Thân đồng cõi hư không,
Bày pháp bằng hư không.
Khi chứng được hư không,
Không pháp không phi pháp.
Pháp kệ: Lãm phá Tam giáo sắc tướng
Phi Nho phi Phật diệc phi Tiên,
Niết tựu nhất đoàn không tịch viên.
Chùy dĩnh hùng thân thông nhất điểm,
Kiếm mang huy lạc liễu tam huyền.
Phù âu mộng lý phân cương giới,
Thiểm điển quang trung liệt Thánh Hiền.
Vạn pháp thiên tông đô thị huyễn,
Nhất kình phá tận Tổ sư Thiền.
Thân đồng hư không giới,
Thị đẳng hư không pháp.
Chứng đắc hư không thời,
Vô thị vô phi pháp.
Hỏi: Thế nào là trên trời dưới đất, trong cõi nhân gian, quần sanh muôn loài, hết lòng cung kính, tôn xưng chư Phật, gọi là Giác Hoàng?
Đáp: Phật là bậc thầy trong ba cõi, cha lành nơi bốn loài, đức to vòi vọi, hùng tôn bát ngát, quả chứng ba vô số kiếp, ân thấm cả chín loài, ba thân tròn hiển, mười hiệu cùng bày, đến Thánh thì làm vua trong muôn Thánh, làm Phật thì sáu thông tự tại, chín loài tối tăm đều được thấm nhuần, ba cõi đều tôn quí, đại bi đại nguyện, đại lực đại hạnh, khắp tiếp cả trời người, sang hèn đều dẫn dắt, ứng hóa trên trời, cõi người, cứu độ cõi này phương khác, quần sanh đều lợi lạc, tất cả đều nương về, vì vậy tôn Phật là “Giác Hoàng”.
Bởi vì sao? Vì nhân tu rộng lớn nên trăm ngàn công đức đã trang nghiêm, quả chứng chí tôn thì ở trên cả trăm ức hóa thân. Đại nguyện của chư Phật, khi ra đời thường thị hiện làm vua. Làm Phật thì ba cõi đều tôn kính, làm vua thì muôn nước đều qui phục, là thảy do công phu tu hành từ nhiều kiếp, và nhân duyên phước tuệ, lo cứu giúp cho mọi người.
Lại hội lý rằng:
Giác là rất to, rất rộng, Pháp tánh tròn sáng, chánh giác Bồ-đề. Hoàng là rất tôn, rất quí, ngôi vị độc tôn hết mức, là bậc đế vương trang trọng. Trong các kinh vẫn thấy Phật Phật hiện làm vua, việc xưa cũng truyền nghe vua vua thành Phật. Nên biết, chư Phật số cát sông Hằng, mỗi vị cũng thường thị hiện làm thân đế vương. Và nên biết, ở cung vua mà ứng ra đời trong cửa Phật, thì nước Việt lại thấy triều Lê, niên hiệu Chính Hòa, Đức Giác Hoàng trí Phật thiên nhiên, biển tuệ tròn sáng, trang trọng ngự giữa đài hoa mà hiển dương Phật pháp. Cây bồ-đề lớn cao, bóng che mát cả mười phương, hoa ưu-bát nở ra, sáng rực đến muôn đời. Quần sanh đều được độ, khắp nơi thấm ơn sâu, đời tôn xưng là chân Phật Hoàng.
Rỗng toang Phật tánh tợ hư không,
Thị hiện thân vua thể cũng đồng.
Quyền thật sáng ngời gồm mọi lý,
Mở mang Phật pháp độ quần mông.
Âm:
Hoát nhiên Phật tánh đẳng hư không,
Thị hiện vương thân thể diệc đồng.
Quyền thật tinh quang bao chúng lý,
Hiển khai Phật pháp độ quần mông.