B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)

Wednesday, 11 January 20237:21 PM(View: 755)
B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ 

B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)

“Kiến Tánh Thành Phật” là liễu ngộ xưa nay không một vật. Nguồn linh rỗng lặng, trong sáng tròn đồng cả thái hư. Pháp tánh bao trùm, nghiễm nhiên ánh sáng soi suốt nơi sát hải, rõ ràng lồ lộ ngay trước mắt. Bản tánh Như Lai tự như mà ứng hiện trên trời dưới đất, nên hay tùy loại, tùy hình, hoặc cõi này phương khác thị hiện ra đời độ thoát quần sanh. Khai quyền thì phương tiện có muôn pháp, hiển thật thì hội ngộ về một tâm. Trỏ Phật quả Bồ-đề vô tướng, vốn rỗng lặng tròn đồng thái hư. Phó pháp ấn Tâm tông Bát-nhã lộ bày bốn mắt nhìn nhau. Trong kinh Lăng-già, quyển hai, đức Phật Thích-ca đã chỉ bày rành rõ. Hàng hậu học ai còn ngờ vực xin hãy mau tìm Kinh tra cứu, tự nhiên nghi ngờ hết sạch mà được chứng thật, đốn ngộ kiến tánh thành Phật. Cần biết diệu lý của Phật pháp, chẳng dính dáng gì đến văn tự ngôn ngữ, bặt hết mọi hí luận, bản tế trong lặng tròn đầy, ba đời chư Phật cuối cùng đành ngậm miệng không lời, nhiều đời Tổ sư rốt ráo cũng im hơi lặng tiếng. Nên đức Thế Tôn giơ cành hoa chỉ cho đại chúng, ngài Ma-ha Ca-diếp khế hội mỉm cười, thầy trò bốn mắt nhìn nhau, tuệ nhãn chiếu sáng lẫn nhau, thầm lặng ấn tâm, phó pháp truyền y nối vị Tổ.


*


Kiến tánh thành Phật là liễu ngộ xưa nay không một vật.


Mở đầu Ngài nói về lý do Kiến tánh thành Phật. Kiến tánh thành Phật là gì? Là liễu ngộ xưa nay không một vật. Người nào liễu ngộ xưa nay không một vật thì gọi người đó kiến tánh. Quí vị có nhớ ai liễu ngộ lý này không? Lư hành giả sau khi ngộ lý này, Ngài làm bài kệ trình Ngũ Tổ, câu thứ ba nói rất rõ lý này: “bản lai vô nhất vật” nghĩa là “xưa nay không một vật”. Đó là Ngài liễu ngộ hay kiến tánh. Tại sao thấy “xưa nay không một vật” mà gọi là kiến tánh? Vì cái gì chúng ta thấy được, sờ mó được đều là vật, như cái nhà, cái cây, cái bàn, cái ghế... Vậy, cái gì mắt thấy được tay sờ mó được đều là vật. Nếu là vật thì có hình tướng, vì có hình tướng nên sanh diệt vô thường, sanh diệt vô thường thì tạm bợ hư giả. Bản tánh thì không sanh diệt không bị vô thường chi phối, vì nó không phải là một vật. Nếu là một vật thì nó sanh diệt vô thường. Nhưng nó không phải một vật sao nói là tánh?


Trong đời này có những cái không phải là vật mà vẫn có. Nhà cửa núi sông... có hình tướng được gọi là vật, còn hư không có phải là vật không? Có ai thấy và sờ mó được hư không không? Hư không không hình tướng, chúng ta không thấy không sờ mó được, nhưng vẫn có hư không. Nhà cửa núi sông... có hình tướng nên bị vô thường chi phối. Còn hư không không hình tướng song lúc nào cũng có, mà không bị vô thường chi phối. Nhưng nói hư không quí vị sẽ hiểu lầm hư không là cái rỗng tuếch không có gì hết và Bản tánh chân thật không hình không tướng không có một vật cũng rỗng tuếch thì sai. Bản tánh hay Tánh giác của mỗi người tuy không có một vật, không hình không tướng, nhưng có cái biết chớ không rỗng tuếch. Bây giờ tôi nói chuyện gần nhất cho quí vị tự nghiệm. Khi chúng ta nghĩ về một vật hay một người, thì chúng ta biết về vật về người. Nhưng khi chúng ta không nghĩ gì hết chúng ta vẫn có biết, đâu đợi có vật có người mới có biết.


Ví dụ, tôi ngồi chơi không nghĩ gì hết, gió thổi tôi cũng cảm giác mát, tiếng ở xa vang lại tôi vẫn nghe tiếng, người đi trước mặt tôi vẫn thấy người. Vậy thấy người, nghe tiếng, cảm giác mát có suy nghĩ không? - Không suy nghĩ mà vẫn biết. Vậy cái biết hình tướng ra sao? Khi suy nghĩ, tâm có niệm dấy động bám với hình tướng của pháp trần, hai cái này hợp lại thành tướng sanh diệt. Lúc không suy nghĩ thì nội tâm vắng lặng, cảnh vật bên ngoài đến liền có cảm giác biết cảnh vật mà không động; biết mà không động, không có tướng sanh diệt, không hình tướng mà thường biết. Cái đó gọi là Tánh giác, có sẵn nơi mình mà mình quên không nhớ. Nếu mình nhớ nó thì chắc cả ngày đi đứng nằm ngồi không nghĩ suy tính toán gì cả, giống như người khờ dại. Hiện tại thì chúng ta khôn quá thấy người thì phân biệt người đẹp xấu, cao thấp, trắng đen... Nghe tiếng thì phân biệt tiếng trầm bổng, êm dịu, cộc cằn, tiếng người, tiếng vật, nghĩ đủ thứ thành ra Tánh giác bị khuất lấp bị quên. Ai cũng có Tánh giác không động không tướng mạo mà hằng giác, nhưng không nhớ, chỉ nhớ chạy theo tướng sanh diệt duyên theo sáu trần cho đó là thật, là điều cần yếu để phân biệt. Do đó mà quên mất Tánh giác chân thật của mình, nên Phật Tổ thương xót nhắc nhở.


Nguồn linh rỗng lặng, trong sáng tròn đồng cả thái hư.


Nguồn linh là Tánh giác không có tướng mạo, không có một vật, nhưng sáng suốt thênh thang thanh tịnh tròn đồng như thái hư. Nói tròn là một lối nói, thái hư thì thênh thang không ngằn mé, nói tròn nói vuông gì cũng được. Từ xưa chúng ta có thói quen nói trời tròn, nói tròn là nói theo thói quen, chớ thái hư thì không tròn không vuông. Ví dụ hiện giờ chúng ta đang ngồi trong nhà giảng này, khoảng trống trong nhà giảng gọi là khoảng hư không. Khoảng hư không trong nhà giảng được giới hạn bởi bốn bức tường, chúng ta có thể đo chiều ngang, chiều dài, chiều cao thì tính được hư không trong nhà giảng này được bao nhiêu khối. Nhưng nếu phá vỡ bốn bức tường thì hư không không giới hạn không ngằn mé, vì nó không có tướng mạo nên hòa đồng với hư không trong bầu trời. Tâm thể của mỗi người cũng vậy, vì nó không có tướng mạo nên không có giới hạn. Vậy quí vị tưởng tượng coi tâm mình bao lớn? Có người nào ngoài tâm mình không? Vì tâm mình không giới hạn nên trùm khắp, tất cả muôn vật muôn người không ngoài tâm mình, mà mình cũng không ngoài tâm của muôn người muôn vật. Như vậy thì không có cái cách biệt, do chúng ta căn cứ vào thân tướng nhỏ nhoi ích kỷ này, mới phân chia nhân ngã bỉ thử, từ cái phân chia đó mà có muôn sự sai biệt rồi hơn thua với nhau.


Pháp tánh bao trùm, nghiễm nhiên ánh sáng soi suốt nơi sát hải, rõ ràng lồ lộ ngay trước mắt.


Pháp tánh có chỗ gọi là nguồn linh, có chỗ gọi là Bản tánh; đó chỉ là tiếng gọi khác, nhưng thể thì không khác. Pháp tánh trùm khắp, ánh sáng soi suốt nơi sát hải; sát là cõi, hải là biển, sát hải là cõi nước nhiều như biển cả. Nó thênh thang trùm khắp, lúc nào cũng lồ lộ ở trước mắt mỗi người, không ở đâu xa, khỏi cần tìm kiếm.


Bản tánh Như Lai tự như mà ứng hiện trên trời dưới đất, nên hay tùy loại, tùy hình, hoặc cõi này phương khác thị hiện ra đời độ thoát quần sanh.

Đứng về Bản tánh Như Lai thì Bản tánh đó như như, từ cái như như đó mà tùy duyên ứng hiện. Hoặc ứng hiện lên cõi trời, hoặc ứng hiện dưới nhân gian, tùy theo hình tướng của mỗi loài ở mỗi cõi mà dùng phương tiện giáo hóa độ cho được giải thoát. Nói cách khác Bản tánh Như Lai hay Phật pháp thân thì trùm khắp, nhưng tùy duyên tùy loài mà ứng thân để giáo hóa.


Khai quyền thì phương tiện có muôn pháp, hiển thật thì hội ngộ về một tâm.


Khai quyền là tạm thời khai mở phương tiện. Khi giáo hóa Phật tùy căn cơ chúng sanh mở bày phương tiện nói đến tám muôn bốn ngàn pháp môn. Hiển thật là chỉ cho cái chân thật, Phật phương tiện nói tám muôn bốn ngàn pháp môn, được kết tập lại thành Tam tạng Thánh điển rất là nhiều, nhưng tất cả đều để phá dẹp vô minh phiền não tham, sân, si v.v... Khi phiền não hết, vô minh sạch thì trở về một Bản tâm, không có cái gì khác.


Trỏ Phật quả Bồ-đề vô tướng, vốn rỗng lặng tròn đồng thái hư.


Phật chỉ cho mọi người thấy quả Bồ-đề vốn không có hình tướng, nó rỗng rang thanh tịnh tròn đồng như thái hư.


Phó pháp ấn Tâm tông Bát-nhã lộ bày bốn mắt nhìn nhau.


Phó pháp là trao cho hay ấn chứng. Phó pháp hay ấn chứng Tâm tông đều ở chỗ bốn mắt nhìn nhau. Ngài Chân Nguyên ngộ từ bốn mắt nhìn; thầy Ngài là
Thiền sư Minh Lương nhìn Ngài, Ngài nhìn lại, liền cảm ngộ rồi lấy cái đó làm chuẩn. Xưa đức Phật Thích-ca và ngài Ma-ha Ca-diếp cũng từ bốn mắt nhìn nhau mà làm chuẩn. Tại sao trong nhà Thiền hay dùng giai thoại “bốn mắt nhìn”? Vì mắt là cái hay thấy, mà thấy tức là biết. Người đời thường nói suy nghĩ mới biết. Bây giờ chúng ta nhìn người nhìn vật, mà không khởi niệm suy nghĩ phân biệt, lúc đó thấy người thấy vật mà có biết không? Cái gì biết? Đó là chỗ mà trong đây chỉ rất rõ ràng không giấu giếm. Ở hội Linh Sơn đức Phật đưa cành hoa sen lên, mắt Ngài nhìn đại chúng, Ma-ha Ca-diếp nhìn lại Ngài, hai thầy trò cảm thông liền. Vậy Phật và Ma-ha Ca-diếp cảm thông cái gì? - Phật thấy Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-diếp thấy Phật, hai thầy trò không khởi niệm nghĩ suy ngay đó là truyền pháp. Ngày nay chúng ta vừa thấy là khởi niệm, do đó cái thấy ban đầu bị ẩn mất, nên đây dẫn kinh:


Trong kinh Lăng-già, quyển hai, đức Phật Thích-ca đã chỉ bày rành rõ. Hàng hậu học ai còn ngờ vực xin hãy mau tìm Kinh tra cứu, tự nhiên nghi ngờ hết sạch mà được chứng thật, đốn ngộ kiến tánh thành Phật.


Trong kinh Lăng-già có đoạn nói, không phải dùng ngôn ngữ mới là nói pháp, mà một cái nhìn, một cái thấy là đã nói pháp rồi.

Cần biết diệu lý của Phật pháp, chẳng dính dáng gì đến văn tự ngôn ngữ, bặt hết mọi hí luận, bản tế trong lặng tròn đầy, ba đời chư Phật cuối cùng đành ngậm miệng không lời, nhiều đời Tổ sư rốt ráo cũng im hơi lặng tiếng.


Diệu lý của Phật pháp thì chẳng có dính dáng gì đến văn tự ngôn ngữ, bặt hết mọi hí luận. Muốn biết nó không thể dùng văn tự ngôn ngữ, hay hí luận mà có thể biết được. Văn tự ngôn ngữ hay hí luận chỉ là trò đùa bàn luận cho vui, chớ không có lẽ thật. Vì bản tế của diệu lý vốn tròn đầy thanh tịnh sáng suốt, Phật còn không nói được, đành phải ngậm miệng không lời, chư Tổ cũng không nói được, nên Thiền tăng hỏi “thế nào là diệu lý của Phật pháp” các ngài chỉ hét hoặc đánh cho một gậy, chớ không nói, vì nói cái gì cũng trật hết. Phật ngậm miệng không lời, sao Phật giảng đến bốn mươi chín năm, kết tập thành Tam tạng giáo điển? - Những lời thuyết giảng của Phật chỉ là phương tiện, không đến được chỗ cứu kính đó. Vì là phương tiện nên kinh nói giáo lý Phật dạy là ngón tay chỉ mặt trăng. Người muốn thấy mặt trăng phải khéo nương ngón tay mới thấy mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng và ngón tay không thể chỉ đến tận mặt trăng, nó chỉ là một phương tiện nhỏ thôi. Ngôn ngữ trong Tam tạng giáo điển cũng vậy. Người tu nếu lấy kinh điển làm cứu kính, học thuộc, tụng nhiều cho là ngộ đạo thì chưa phải. Đó chỉ là phương tiện, bám vào phương tiện mà cho là cứu kính thì sai, phải biết nương phương tiện để tu tiến đến cứu kính, mới là người hiểu và ứng dụng được lời Phật Tổ dạy.


Nên đức Thế Tôn giơ cành hoa chỉ cho đại chúng, ngài Ma-ha Ca-diếp khế hội mỉm cười, thầy trò bốn mắt nhìn nhau, 

tuệ nhãn chiếu sáng lẫn nhau, thầm lặng ấn tâm, phó pháp truyền y nối vị Tổ.


Phật đưa cành hoa lên, nhìn khắp đại chúng mà không nói một lời. Ngài Ma-ha Ca-diếp thấy Phật nhìn tới mình, Ngài nhìn lại mỉm cười. Thầy trò thông cảm rồi phó pháp truyền y, dễ như trở bàn tay không khó khăn gì cả. Theo quan niệm thông thường thì nói mới dễ hiểu, không nói mà hiểu thì đâu có dễ! Nhưng, chỉ nhìn mà được ấn tâm phó pháp truyền y kế thừa Tổ vị, không cực khổ nhọc nhằn không dễ là gì? Thật ra, khó thì cũng khó tột đỉnh, dễ thì cũng dễ quá tưởng tượng của con người. Chỗ phó pháp truyền y của Phật cho ngài Ma-ha Ca-diếp là hiện tượng bốn mắt nhìn nhau. Bởi vì mắt nhìn nhau mới cảm thông được, tai thì không nhìn nhau được. Lẽ ra tai cũng có quyền nhận ra diệu lý, nhưng làm sao truyền cảm bằng mắt? Chỉ có tiếng nói tai mới nghe. Còn mắt thì cảm được, cho nên ngay nơi mắt thấy liền nhận ra.


Tâm ấn Bát-nhã tròn đồng cả thái hư chân không tỏ rõ, xưa nay vẫn như thế. Từ hai mươi tám vị Tổ Tây thiên truyền đến sáu vị Tổ Đông độ, chỉ thẳng nối tiếp nhau, bốn mắt nhìn nhau, im lặng nhìn trừng trừng, gượng gọi là tâm ấn mà phó chúc đó thôi.


Từ xưa đến nay Phật truyền tâm ấn cho Tổ, hoặc Tổ Tổ truyền nhau chỉ truyền cái chân thật sẵn có của mình, qua hiện tượng bốn mắt nhìn nhau, im lặng nhìn trừng trừng.


Đến các Tổ đời sau ứng hiện ra đời, giúp nêu cao việc giáo hóa, diễn rộng pháp môn, mở rộng phương tiện. Việc ứng duyên đã xong, nguyện lực còn để lại,
Ngữ lục chợt hưng thạnh, đều lập thành công án, khai sơn dạy chúng, gậy hét dạy đuổi, câu câu về nơi tông, cơ cơ chung một lý.


Đoạn này nói đến chư Tổ đời sau theo nguyện lực ứng hiện ra đời nêu cao việc giáo hóa. Các ngài dùng nhiều phương tiện hướng dẫn người sau, bằng cách tùy theo căn cơ mà nói ra những lời chỉ dạy để đánh thức. Những lời nói đó của chư Tổ được ghi chép để lại gọi là Ngữ lục. Khi Ngữ lục thạnh hành thì những câu nói khó hiểu đều được lập thành công án. Khai sơn nghĩa là mở núi, chỉ cho các Thiền sư lên núi đốn cây phá rừng, để cất cốc tu hoặc cất chùa giáo hóa môn đồ. Thế nên người đầu tiên lên núi phá rừng cất chùa giáo hóa gọi là Tổ khai sơn. Danh từ này quen dùng, nên về sau vị thầy đầu tiên đào đất đắp nền xây dựng chùa, giáo hóa ở đất bằng cũng gọi là Tổ khai sơn. Chư Tổ giáo hóa còn dùng gậy đánh, hoặc hét. Thiền tăng đến tham vấn, vừa hỏi một câu là bị ăn gậy hoặc nghe hét điếc tai. Các ngài không trả lời chỉ đánh hoặc hét. Có một Thiền tăng đến hỏi Tổ Hoàng Bá “thế nào là đại ý Phật pháp”, Ngài không nói mà đánh cho một gậy. Tổ Lâm Tế cũng vậy, Thiền tăng đến hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp”, Ngài không nói liền hét một tiếng. Chư Tổ chẳng những đánh hoặc hét, mà còn nói những câu dường như vô nghĩa lý, nhưng tất cả đều tùy theo căn cơ của người thưa hỏi, mà chỉ chỗ tột cùng để cho họ xoay lại Thể chân thật của mình.


Hàng thượng căn lãnh ngộ thì được cơ đại hành đại dụng, bậc cao sĩ biết suốt thì rõ pháp vô trụ vô vi. Song người người xuất gia theo Phật, kẻ kẻ học đạo tham thiền, phải xét rõ tinh tường Kinh điển của Phật, Ngữ lục của Tổ, muôn đuốc ngàn đèn chỉ một ngọn lửa. Nếu người căn cơ bén nhạy bậc thượng thì hội thông muôn pháp thảy ở nguồn tâm. Nếu người bậc hạ chấp nghiêng lệch một bên thì thích theo phép thức tình phân biệt, luống mở to cửa ngõ, tình còn hơn thua, thức chứa nghĩ suy, kẹt tâm hữu lậu, trái với ý chỉ vô sanh.


Người căn cơ bậc thượng hoặc nghe một câu, hoặc nghe tiếng hét, hoặc bị đánh một gậy liền ngộ thì được đại hành đại dụng. Tại sao chỉ nghe hét hoặc bị đánh lại được đại hành đại dụng? Ngài Nghĩa Huyền nếu không bị Tổ Hoàng Bá đánh ba lần thì không được đại hành đại dụng. Ngài hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp” liền bị Tổ Hoàng Bá đánh cho một gậy, ba lần hỏi ba lần bị đánh. Vì Thể chân thật nếu Tổ có cố gắng dùng ngôn ngữ giải thích cho Ngài lóe thấy chút chút, thì không nhớ, giống như tia chớp xẹt qua rồi mất, không có ấn tượng mạnh nên dễ quên. Nhưng Tổ đặc biệt không nói, mà dùng hành động coi như tàn bạo, để cho Ngài dồn hết tâm lực vào chỗ mà Ngài muốn biết, đến khi Thiền sư Đại Ngu khơi lên một chút, Ngài liền bật ngộ, thì muôn đời không quên. Đó là đại hành đại dụng. Đại hành của người trước quá đặc biệt thù thắng, nên người sau nhớ đời không quên. Vì vậy mà Thiền của Tổ Lâm Tế truyền từ trước tới nay hơn một ngàn năm vẫn còn. Chúng ta ngày nay nghe giảng thì lóe hiểu, nhưng một lúc lại quên hết. Đó là tại cơ nhỏ nên hành cũng nhỏ, dụng cũng nhỏ. Thế nên chúng ta có lóe sáng một chút thì phải tiếp tục dụng công, cái thấy mới sâu, lòng tin mới vững. Chớ còn lóe sáng chút chút mà tự mãn, thấy đã đủ rồi thì từ từ nó mất đi, ban đầu thì nói đạo lý, dần dần sẽ nói chuyện thế tục, không còn gì là Phật pháp nữa. Nghe mà nhận được đã hay rồi, nhưng nhận được phải hằng sống mới là viên mãn. Còn nhận được mà chưa sống được thì chưa phải là viên mãn. Đó là chỗ hết sức quan trọng. Ngài Lâm Tế khi nhận được Thể chân thật rồi, từ đó về sau không còn bình dị phàm tục nữa, mà phong cách Ngài rất kỳ đặc khác thường. Vì cơ duyên ngộ đạo của Ngài quá đặc biệt nên Ngài sống cũng quá đặc biệt. Ngày nay chúng ta nhờ nghe giảng rồi nhận ra, dễ quá nên không có gì đặc biệt lắm. Thế nên phải đại hành mới đại dụng. Và khi các ngài thấu suốt rồi thì rõ được pháp vô trụ vô vi.

Song người người xuất gia theo Phật, kẻ kẻ học đạo tham thiền, phải xét rõ tinh tường Kinh điển của Phật, Ngữ lục của Tổ, muôn đuốc ngàn đèn chỉ một ngọn lửa.

Chúng ta ngày nay tu học phải hiểu rõ kinh Phật, thấu suốt lời dạy của Tổ. Kinh Phật nói hay Ngữ lục Tổ nói, chỉ có một mục đích là giải khổ cho chúng sanh, giống như muôn đuốc ngàn đèn chỉ là lửa, chớ không có gì khác. Phải thấy rõ hiểu suốt như vậy, đừng nói kinh này khác với kinh kia, ngữ lục của Tổ này khác với ngữ lục của Tổ kia, rồi đem ra tranh cãi chống đối với nhau. Làm như thế là chưa thấu triệt được lời dạy của Phật Tổ.

Nếu người căn cơ bén nhạy bậc thượng thì hội thông muôn pháp thảy ở nguồn tâm.

Nếu là người căn cơ bén nhạy thì thấy tất cả pháp đều gốc ở nguồn tâm. Như tất cả lời Phật nói kết tập thành Tạng kinh, đều dạy lóng lặng vọng tưởng, để trở về Bản tâm chân thật của chính mình. Rồi bao nhiêu Ngữ lục của chư Tổ cũng dạy dừng vọng tưởng trở về Tâm chân thật của mình, chớ không dạy cái gì khác. Như vậy mới thấy người thấu suốt lý đạo, không cố chấp văn tự ngôn ngữ khác biệt, mà một bề quay về Chân tâm của mình thôi.

Nếu người bậc hạ chấp nghiêng lệch một bên thì thích theo phép thức tình phân biệt, luống mở to cửa ngõ, tình còn hơn thua, thức chứa nghĩ suy, kẹt tâm hữu lậu, trái với ý chỉ vô sanh.

Người căn cơ thấp kém thì chấp nghiêng lệch hoặc bên này hoặc bên kia, theo thức tình phân biệt rồi cho cái này hơn cái kia kém. Suy gẫm chất chứa kẹt trong tâm hữu lậu, vì vậy mà trái với ý chỉ vô sanh. Thế nên người học Phật mà lý luận nhiều tranh chấp nhiều, rốt cuộc chỉ là người mê chấp chớ tu chưa đến đâu.