B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)

Thứ Tư, 11 Tháng Giêng 20237:21 CH(Xem: 618)
B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ 

B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)

Kệ rằng:


I-

Ngàn kinh muôn luận trỏ tâm tông,
Bốn mắt trừng nhau mắt tuệ thông.
Ba thuở Như Lai truyền pháp ấn,
Một tâm là Phật sẵn vậy đồng.


Âm:


Thiên kinh vạn luận chỉ tâm tông,
Tứ mục trừng giao tuệ nhãn thông.
Tam thế Như Lai truyền pháp ấn,
Nhất tâm thị Phật bản nhiên đồng.


Ngàn kinh muôn luận trỏ tâm tông, bốn mắt trừng nhau mắt tuệ thông.


Ngài nói kinh luận nào cũng chỉ tâm mình là Phật và bốn mắt nhìn nhau là Phật hiện tiền, nếu biết được như thế là mắt tuệ thông suốt.


Ba thuở Như Lai truyền pháp ấn, một tâm là Phật sẵn vậy đồng.


Ba đời chư Phật truyền pháp ấn là chỉ cho chúng ta biết tâm mình là Phật, ai cũng có sẵn, chớ không riêng người nào.


II-


Ngộ tâm thành Phật không thừa pháp,
Mê tánh bôn ba kiếm ngoài tâm.
Một niệm rỗng thênh siêu bản tế,
Giống hệt rửa chân lên mũi thuyền.        


Âm:


Ngộ tâm thành Phật vô dư pháp,
Mê tánh bôn ba tâm ngoại cầu.
Nhất niệm khuếch nhiên siêu bản tế,
Hoàn như tẩy cước thướng thuyền đầu.


Ngộ tâm thành Phật không thừa pháp, mê tánh bôn ba kiếm ngoài tâm.


Nếu chúng ta ngộ tâm mình là Phật thì không còn pháp nào ngoài pháp này nữa. Nếu mê, quên Bản tánh của mình thì mới chạy ra ngoài tìm kiếm, người ngộ thì ngay nơi tâm mà sống chớ không tìm kiếm bên ngoài.


Một niệm rỗng thênh siêu bản tế, giống hệt rửa chân lên mũi thuyền.


Nếu không còn một niệm dấy khởi che đậy, tâm rỗng thênh thang thì vượt hết mọi bờ mé xưa cũ. Giống như người rửa chân bước lên mũi thuyền, đơn giản và nhẹ nhàng như vậy. Hình ảnh này chỉ có những người ở miền Tây mới dễ thông cảm. Như chúng ta muốn đi thuyền, bước xuống cây cầu rửa chân cho sạch rồi bước lên thuyền, việc làm rất gần gũi dễ dàng, không có gì khó khăn xa lạ. Cũng vậy trong tâm không khởi một niệm thì tất cả những mê lầm từ ngàn xưa đều rũ sạch.


III-


Che trời che đất đây tâm báu,
Không cổ không kim Tự tánh châu.
Giá trị càn khôn chưa dễ trả,
Sáng ngời pháp giới vẫn hằng như.


Âm:


Cái thiên cái địa ngô tâm bảo,
Vô cổ vô kim Tự tánh châu.
Giá trọng càn khôn thù vị đắc,
Linh quang pháp giới nghiễm nhiên như.


Che trời che đất đây tâm báu, không cổ không kim Tự tánh châu.


Tâm chân thật của chúng ta che khắp trời đất, và không bị thời gian xưa nay chi phối. Hay nói cách khác là Tâm thể chân thật quí báu của chúng ta không bị không gian hạn chế, không bị thời gian chi phối.


Giá trị càn khôn chưa dễ trả, sáng ngời pháp giới vẫn hằng như.


Giá trị quí báu của Tâm chân thật đem cả càn khôn so sánh cũng không so sánh được. Tức là giá trị của Tâm chân thật hơn cả giá trị của càn khôn. Nó sáng ngời cả pháp giới mà hằng chân thật như như. Ý bài kệ này đánh giá người ngộ được Tâm chân thật của chính mình thì thoát khỏi sự hạn chế của không gian, lớn nhỏ trong ngoài. Thoát khỏi sự chi phối của thời gian quá khứ hiện tại đều không thật và đem cả càn khôn để so sánh với Tâm thể này cũng không sánh được. Như vậy chúng ta sống giữa thế gian này có cái gì để tính toán? Ví dụ có người kiếm được ít thoi vàng cho là quí, nhưng đem vàng cả càn khôn này dồn lại chừng bao nhiêu? Thế mà mình chỉ có ít thoi vàng lại cho là quí và quên cả cái Tâm chân thật quí báu của mình. Cho nên người thấy đạo rồi thì sống với cái Tâm thể chân thật quí báu của chính mình là hơn hết.


IV-


Tâm ta, tâm Phật vốn không hai,
Nhiều kiếp nổi chìm chỉ tại mê.
Nay đã tỏ tường mình tự nhận,
Linh quang lặng chiếu ấy Bồ-đề.


Âm:


Ngã tâm bản dữ Phật tâm tề,
Lịch kiếp phiêu trầm chỉ vị mê.
Kim nhật phân minh tương tự nhận,
Linh quang tịch chiếu thị Bồ-đề.


Tâm ta, tâm Phật vốn không hai, nhiều kiếp nổi chìm chỉ tại mê.


Tâm ta và tâm của Phật không khác, Phật trở về với tâm Phật còn chúng ta thì quên tâm Phật nên làm chúng sanh. Nếu trở về tâm Phật thì Phật cũng như ta và ta cũng như Phật. Bởi ta quên tâm mình là Phật nên nhiều kiếp trôi lăn trong sanh tử chìm nổi khổ đau.


Nay đã tỏ tường mình tự nhận, linh quang lặng chiếu ấy Bồ-đề.


Ngày nay chúng ta nhận ra tâm mình là Phật thì cái sáng suốt chiếu soi trong lặng đó là Bồ-đề tức là tâm Phật chớ không có gì khác lạ. Như vậy ý toàn bài kệ là tâm ta đồng với tâm Phật, vì mê nên phải luân hồi sanh tử khổ đau. Nếu tự nhận tâm mình là Phật thì cái sáng suốt trong lặng nó hiện tiền đó là Bồ-đề, khỏi kiếm Bồ-đề ở đâu xa.


V-


Gượng gọi là Phật, gượng nói tâm,
Pháp tánh sáng tròn suốt cổ kim.
Thượng trí siêu quần xoay tự ngộ,
Như vầy mới hiểu đạo cao thâm.


Âm:


Cưỡng danh vi Phật cưỡng xưng tâm,
Pháp tánh viên minh tuyên cổ kim.
Thượng trí siêu quần hồi tự ngộ,
Năng như thị giải đạo cao thâm.


Gượng gọi là Phật, gượng nói tâm, Pháp tánh sáng tròn suốt cổ kim.


Cái Tâm thể không tên, tự trong sáng nhưng đối với chúng sanh mê thì tạm gọi là Phật, hoặc nói là tâm, ấy là nói gượng chớ không phải thật. Pháp tánh nó tròn sáng xuyên suốt từ xưa đến nay không bị giới hạn bởi thời gian.


Thượng trí siêu quần xoay tự ngộ, như vầy mới hiểu đạo cao thâm.


Bậc thượng trí siêu quần bạt tụy chỉ cần xoay lại là nhận ra, người như vậy mới là người thấy được chỗ cao thâm của đạo. Cao thâm là chỉ cái thể thênh thang không bị thời gian, không gian chi phối, giới hạn đó là cái gốc không gì bì kịp sánh nổi cho nên gọi là cao thâm.


Trước khi học bài kệ mới tôi xin nhắc qua vài điều cần thiết để cho Tăng Ni và Phật tử nhớ. Chúng ta thật là người có phước mới được nghe và nhận được những lời chân thật của Phật Tổ chỉ bày. Thế nên Thiền sư Chân Nguyên sau khi kiến tánh, Ngài vận dụng phương tiện truyền đạt chỉ bày cho chúng ta bằng những bài kệ, để chúng ta nhận ra Bản tánh của chính mình. Ngày xưa các Thiền sư Trung Hoa thì dùng phương tiện đánh, hét, giơ phất tử... để chỉ cho người nhận ra Phật tánh nơi mình. Người nào lanh lẹ thì nhận ra, còn người căn cơ cạn mỏng thì không làm sao hiểu được chỗ sâu kín của nhà Thiền, rồi đâm ra ngờ vực. Thiền du nhập vào Việt Nam, từ đời Trần cho tới đời Lê, các Thiền sư Việt Nam không dùng phương tiện đánh hét... mà các ngài giải thích qua các bài thơ kệ để cho chúng ta đọc rồi nhận ra được Phật tánh nơi mình, thì đủ niềm tin để tu cho đến khi chứng ngộ. Nếu dùng những thủ thuật đánh hét thì e chúng ta khó lãnh hội, không lãnh hội thì không tin, không tin thì không tu được. Cho nên các ngài dùng phương tiện nói trắng chỉ thẳng. Tuy nhiên, nói trắng thì dễ hiểu mà không có những trường hợp đặc biệt ngộ sâu và nhớ hoài không quên. Như trường hợp ngài Nghĩa Huyền ba lần thưa hỏi ba lần bị ăn đòn, không được thầy giải thích một câu, cho nên sau khi ngộ rồi Ngài nhớ hoài không quên. Còn bây giờ chúng ta giải thích hằng ngày, nếu có nhận ra nhưng rồi cũng quên, vì cái nhận đó không sâu không có kỷ niệm chết sống nên dễ quên. Ở đây tôi muốn quí vị có một kỷ niệm chết sống, cho nên bắt ngồi thiền mấy tiếng đồng hồ, ngồi cho thật lâu cho thật đau chân điếng người để tỉnh ra. Chính nhờ cái đau thấu xương đó làm cho chúng ta khó quên, khó quên trong cái thầm lặng. Còn các Thiền sư Trung Hoa thì dùng bạo lực dồn người tham vấn vào thế bí cùng cực, sau đó có ai khơi lại thì nhận ra đời đời không quên. Ở đây tôi bắt quí vị ngồi thiền ngày sáu giờ mỗi lần hai giờ, đối với những vị mới tập thì rất là cay đắng khổ sở. Nhưng khổ cực cay đắng để làm gì? Để tỉnh nhiều hơn mê, trong một ngày tỉnh táo nhiều giờ như thế mới sực nhớ ra ông Phật của mình mà lâu nay mình quên. Khi ấy quí vị mới vỡ lẽ rằng: À! Lâu nay ông thầy bắt mình ngồi nhiều là để cho mình tỉnh, mình nhớ. Nhờ nghe lý thuyết rồi thực hành mà nhớ, nhớ rồi thì không quên. Nếu chúng tôi chỉ giảng nói cho quí vị nghe, rồi để cho quí vị tha hồ rong chơi, không nhốt quí vị lại thì chắc không bao giờ có người lóe sáng. Vì quí vị nghe có hiểu nhưng không thực hành thì không bao giờ ngộ. Tóm lại phương tiện tuy có khác, nhưng mục đích cùng đưa hành giả đến chỗ cứu kính là nhận ra Phật tánh nơi mình. Các Thiền sư Trung Hoa thì dồn người học đạo tới chỗ bí có khi khóc có khi muốn liều chết, nhưng khi nhận ra thì nhớ đời không quên. Còn ở đây tôi giảng để quí vị hiểu nhưng bắt quí vị ngồi thiền, ngồi cho đến lúc lặng hết vọng tưởng rồi bừng ngộ thì cũng ngộ sâu và không quên. Như vậy phương tiện tuy khác nhưng đều đưa hành giả đến chỗ ngộ sâu và nhớ mãi không quên.


VI-


Đạt-ma Tây đến một chữ không,
Toàn y tâm địa để dụng công.
Chín năm ngó vách không lời nói,
Một sớm truyền tâm Huệ Khả thông.


Âm:


Đạt-ma Tây lai nhất tự vô,
Toàn bằng tâm địa dụng công phu.
Cửu niên diện bích vô ngôn thuyết,
Nhất đán truyền tâm Huệ Khả sư.  


Đạt-ma Tây đến một chữ không, toàn y tâm địa để dụng công.


Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa không truyền dạy một chữ, nên nói một chữ không, Ngài chỉ nương nơi pháp môn tâm địa để chỉ dạy người dụng công tu. Trong nhà Phật thường nói tâm địa, tâm là tâm con người, địa là đất. Tâm địa chỉ cho Tâm chân thật của chúng ta giống như mặt đất, tất cả người vật trên thế gian đều nương nơi đất mà đứng vững sanh tồn. Cũng thế tất cả những điều thấy nghe, hiểu biết cũng đều lưu xuất từ tâm, tâm tạo thành tất cả cho nên nói là tâm địa.


Chín năm ngó vách không lời nói, một sớm truyền tâm Huệ Khả thông.


Suốt chín năm ở chùa Thiếu Lâm Tổ ngồi ngó vách không nói một lời, một hôm ngài Thần Quang tìm tới cầu chỉ dạy, Tổ truyền cho pháp an tâm, Ngài ngộ cho nên được đổi tên là Huệ Khả, nên nói Huệ Khả thông. Thần Quang trước khi gặp Tổ đã dụng công tu hành đáng kể, nhưng chưa ngộ. Nghe Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang ở tại chùa Thiếu Lâm, bèn đến yết kiến. Thần Quang đã đủ lễ nghi mà Tổ vẫn ngồi lặng yên ngó mặt vào vách không màng đến. Ngài tự nghĩ: “Người xưa cầu đạo chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của các ngài.” Hôm ấy nhằm tiết Đông nên tuyết rơi nhiều, Thần Quang vẫn đứng yên ngoài tuyết chấp tay hướng về Tổ. Đến sáng tuyết ngập đến đầu gối mà gương mặt Ngài vẫn thản nhiên. Tổ thấy thế thương tình, xoay ra hỏi:


- Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết ý muốn cầu việc gì?


Ngài Thần Quang thưa:


- Cúi xin Tổ từ bi mở cửa cam lồ rộng độ chúng con.


Tổ quở:


- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm việc khó làm, hay nhẫn điều khó nhẫn, còn không thể được, huống là dùng một chút khó nhọc này mà cầu được sao?


Thần Quang nghe dạy lén lấy con dao chặt cánh tay để trước Tổ tỏ lòng thiết tha cầu đạo của mình. Tổ khen:


- Chư Phật xưa vì pháp quên thân mạng, nay ngươi chặt cánh tay để cầu pháp, tâm cầu đạo như thế cũng khá đó. Tổ nhận làm đệ tử và đặt tên là Huệ Khả.

Câu chuyện Thần Quang chặt tay cầu đạo thật hư chúng ta chưa kiểm chứng được. Nhưng hình ảnh đứng trong tuyết lạnh thấu xương, quên thân cầu đạo của Ngài là tấm gương sáng cho kẻ hậu sanh như chúng ta noi theo. Ngài quên thân cầu đạo mới ngộ, do đó mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền tâm ấn cho Ngài làm Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Hoa. Câu cuối bài kệ là muốn nhắc lại lịch sử truyền thừa Tổ vị này.


VII-


Một điểm đèn tâm đuốc tuệ sanh,
Truyền nhau bốn mắt đã phân rành.
Nối hương tiếp lửa luôn sáng mãi,
Soi khắp đất trời độ hữu tình.


Âm:


Nhất điểm tâm đăng tuệ cự sanh,
Tương truyền tứ mục thái phân minh.
Liên phương tục diệm quang vô tận,
Phổ chiếu càn khôn độ hữu tình.


Một điểm đèn tâm đuốc tuệ sanh, truyền nhau bốn mắt đã phân rành.


Ở trên nói Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả làm vị Tổ đầu tiên ở Trung Hoa, cho nên khi được truyền tâm ấn ngài Huệ Khả suy tôn Tổ Đạt-ma là Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa. Sự truyền tâm đó tượng trưng bằng ngọn đèn hay cây đuốc. Đèn tâm, đuốc trí tuệ cho nên câu đầu nói “một điểm đèn tâm đuốc tuệ sanh”. Tuy nhiên người nào ngộ cũng được thắp sáng đèn tâm, đuốc tuệ chớ không riêng gì ngài Huệ Khả. Đèn tâm đuốc tuệ được truyền bằng bốn mắt nhìn nhau. Khi xưa, ở hội Linh Sơn Phật đưa cành hoa sen lên nhìn khắp đại chúng, nhìn tới Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-diếp nhìn Phật mỉm cười, liền được truyền tâm, sau này Thiền sư Chân Nguyên hỏi: “bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao”, Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Ngài, Ngài nhìn lại, liền cảm ngộ, được truyền tâm. Còn bây giờ thầy trò nhìn nhau hoài sao chẳng được truyền tâm? Lỗi đó tại đâu? Tại cây đuốc của chúng ta chưa cháy, tại tâm nghĩ suy của chúng ta chưa dừng.


Nối hương tiếp lửa luôn sáng mãi, soi khắp đất trời độ hữu tình.


Người ngộ được Bản tâm rồi đem cái thấy cái ngộ của mình tiếp nối chỉ dạy cho người sau, cho nên gọi là nối hương tiếp lửa. Bởi vì đạo đức ví như mùi hương, mùi hương đạo đức không bị gió thổi cuốn theo chiều gió. Cho nên trong kinh nói mùi hương của thế gian thì theo gió thổi đi, còn mùi hương của đạo đức thì gió hướng nào cũng không ngại hết, mùi hương đức hạnh dù ngược gió mà vẫn bay khắp cả muôn phương. Như vậy chỉ có hương đạo đức là không ngại gió, nối hương là nối mùi hương đạo đức. Tiếp lửa là mồi đèn tiếp đuốc để cho nó sáng mãi ở cõi nhân gian. Vì đạo Phật lấy sự giác ngộ làm chủ yếu, và ví ánh sáng giác ngộ như ánh sáng của ngọn đuốc, của mặt trời mặt trăng. Cho nên thế gian này có người giác ngộ thì thế gian có ánh sáng, nếu không người giác ngộ thì thế gian sẽ tối tăm. Do đó bổn phận của người tu là phải tu cho sáng đạo, rồi chỉ dạy mọi người để đèn trí tuệ luôn luôn được thắp sáng ở cõi thế gian nhiều tăm tối này. Nên nói ánh sáng trí tuệ soi khắp để độ chúng hữu tình.