15. Tịnh Giới

Thursday, 06 July 20238:23 PM(View: 513)
15. Tịnh Giới
TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH
Thích Pháp Chánh dịch

PHẨM MƯỜI LĂM
TỊNH GIỚI

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi thọ giới rồi, làm thế nào để giữ giới thanh tịnh?”


Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Có ba pháp làm cho giới hạnh thanh tịnh: Một là tin Phật, Pháp, Tăng; hai là tin sâu nhơn quả; ba là có tâm hiểu biết.


Lại có bốn pháp: Một là tâm từ; hai là tâm bi; ba là tâm không tham lam; bốn là làm ơn cho những người chưa làm ơn cho mình.


Lại có năm pháp: Một là đem điều thiện làm lợi ích cho kẻ oán thù; hai là thấy người lâm nạn, tìm cách cứu vớt; ba là vui vẻ bố thí dù người xin chưa hỏi; bốn là bố thí bình đẳng không phân biệt; năm là từ bi đối với tất cả, không phân biệt thân sơ.


Lại có bốn pháp: Một là không bao giờ tự khinh, cho rằng mình không thể được quả Bồ đề; hai là tâm ý kiên cố tu hành Phật đạo; ba là siêng năng tinh tiến tu tất cả thiện pháp; bốn là làm những việc lớn không bao giờ biết mỏi mệt hoặc hối tiếc.


Lại có bốn pháp: Một là tự học pháp lành, học xong đem dạy cho người khác; hai là xa lìa pháp ác, lại dạy cho người khác xa lìa; ba là khéo phân biệt các pháp thiện ác; bốn là đối với tất cả pháp, không sinh chấp trước.


Lại có bốn pháp: Một là biết tất cả pháp đều không có ngã và ngã sở; hai là biết tất cả nghiệp đều có quả báo; ba là biết pháp hữu vi đều là vô thường; bốn là biết từ khổ sinh lạc, từ lạc sinh khổ.


Lại có ba pháp: một là đối với chúng sinh, tâm không chấp trước; hai là dùng tâm bình đẳng ban sự vui cho chúng sinh; ba là làm đúng như lời mình nói.


Lại có ba pháp: một là có thể bố thí nhân của sự vui cho chúng sinh; hai là việc làm không cầu sự trả ơn; ba là tự biết mình quyết định sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.


Lại có ba pháp: một là vì chúng sinh mà nhận chịu rất nhiều khổ não; hai là chịu khổ cho chúng sinh theo thứ lớp; ba là chịu khổ cho chúng sinh không gián đoạn. Tuy nhận chịu sự khổ như vậy, tâm không bao giờ hối tiếc.


Lại có ba pháp: một là tuy chưa trừ được tâm tham, mà có thể bố thí vật mình yêu thích; hai là tuy chưa trừ được tâm sân, mà có thể nhẫn chịu sự ác độc của người khác; ba là tuy chưa trừ được tâm si, mà có thể phân biệt được pháp thiện ác.


Lại có ba pháp: một là biết rành phương tiện dạy dỗ chúng sinh, làm họ xa lìa pháp ác; hai là biết rành phương tiện dạy dỗ chúng sinh, làm họ tu hành pháp thiện; ba là dạy dỗ chúng sinh không bao giờ nhàm mỏi, hối tiếc.


Lại có ba pháp: một là khi giúp cho chúng sinh xa lìa thân khổ, không hề luyến tiếc thân mạng mình; hai là khi giúp chúng sinh xa lìa tâm khổ, không hề luyến tiếc thân mạng mình; ba là khi giúp chúng sinh tu hành pháp thiện, không hề luyến tiếc thân mạng mình.


Lại có ba pháp: một là lo việc người trước việc mình; hai là lo việc người, không quản ngày giờ; ba là khi lo việc người không lo lắng, sợ hãi.


Lại có ba pháp: một là tâm không đố kỵ; hai là thấy người khác sung sướng, tâm sinh vui mừng; ba là tâm lành tương tục không đoạn tuyệt.


Lại có ba pháp: một là thấy việc lành của người dù ít, tâm không bao giờ quên; hai là nhận ơn của người dù ít, mong đền trả thật nhiều; ba là trong vô lượng đời, thọ nhận vô lượng khổ, nhưng tâm vẫn kiên cố, không có ý thối lui.


Lại có ba pháp: một là tuy biết rõ nẽo sinh tử nhiều hiểm nạn, nhưng vẫn không xả bỏ tất cả những sự nghiệp cứu độ chúng sinh; hai là làm nơi nương tựa cho những chúng sinh chưa có nơi nương tựa; ba là thấy chúng sinh ác, lòng sinh thương xót, không phiền trách lỗi lầm.


Lại có ba pháp: một là gần gũi bạn lành; hai là nghe pháp không nhàm chán; ba là hết lòng học hỏi những điều mà thiện tri thức dạy bảo.


Lại có chín pháp: xa lìa ba pháp; trong ba thời không hối tiếc; bố thí bình đẳng cho ba loại chúng sinh.[17]


Lại có bốn pháp, tức là từ, bi, hỷ, xả.


Thiện nam tử! Nếu Bồ tát muốn dùng pháp lành như trên để thanh lọc tâm mình, cần phải ở trong hai thời: một là lúc Phật ra đời, hai là lúc Duyên giác ra đời.


Thiện nam tử! Pháp lành của chúng sinh, sinh từ ba nơi: một là nghe Chánh pháp, hai là tư duy Chánh pháp, ba là tu tập Chánh pháp. Pháp lành sinh ra do sự nghe và tư duy Chánh pháp, cần phải ở trong hai thời,[18] còn pháp lành sinh ra do sự tu tập, không cần phải như thế.


Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia thanh tịnh giới hạnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia thanh tịnh giới hạnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
____________

[17] Ba pháp, tức là tham sân si; ba thời, tức là quá khứ, hiện tại, vị lai; ba loại chúng sinh, tức là thiện, ác, không thiện không ác.

[18] Hai thời, tức là lúc Đức Phật ra đời, và lúc Duyên giác ra đời.