Bốn Yếu Quyết Đưa Đến Sự Thành Công

Thứ Tư, 27 Tháng Tư 20169:38 SA(Xem: 3074)
Bốn Yếu Quyết Đưa Đến Sự Thành Công

Bốn Yếu Quyết Đưa Đến Sự Thành Công

Trích Chuẩn Bị Cho Cái Chết
Thích Nguyên Liên



Theo đại sư Cổ côn (đời Thanh), người niệm Phật muốn được thành công phải nắm vững bốn yếu quyết sau:

1. Người niệm Phật không cần tham cầu Tịnh cảnh

Xưa nay, có một số vị khi phát tâm niệm Phật chỉ lo ham cầu tịnh cảnh (như cầu thấy Phật hiện thân, cầu thấy cảnh giới Tịnh độ…), chứ không đặt nặng vào việc cầu vãng sanh Tịnh độ, đây quả thật là đại bịnh. Bởi cầu tịnh cảnh mà không cầu vãng sanh Tây Phương, kẻ niệm Phật đó chẳng khác cầu cát mà bỏ vàng, niệm Phật với tâm như thế không phù hợp với ý Phật “chấp trì danh hiệu Phật, một lòng cầu nguyện vãng sanh” (kinh A Di Đà), không thể đạt thành công đức vô lượng và không thể vãng sanh.

2. Người niệm Phật không cần tham thoại đầu “ niệm Phật là ai ?”

Người niệm Phật lấy cái tâm thanh tịnh bản lai của mình mà niệm đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương, rồi nhờ đức Phật A Di Đà hiển lộ cái tâm bản lai thanh tịnh của mình. Mỗi khi khởi tâm niệm Phật là tâm ta hướng về tâm Phật, tâm Phật hướng về tâm ta. Tâm ta và tâm Phật rõ ràng, tâm ta và tâm Phật là một, lý cảm ứng đạo giao bất khả tư nghì. Vì thế đương lúc niệm Phật mà đi hỏi niệm Phật là ai, tức là trên cái đầu của mình lại đặt thêm một cái đầu nữa, cỡi lừa mà lại đi tìm lừa.

3. Người niệm Phật không cần dứt trừ vọng tưởng

Ngày nay có nhiều người tu các pháp môn khác, thấy ai niệm Phật họ bèn khởi tâm chê bai : “ Người niệm Phật mà còn vọng tưởng thì không đạt thành kết quả”. Nhưng họ không biết rằng, người niệm Phật tuy còn vọng tưởng vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh. Ngài Linh Phong dạy: “kẻ tín thâm nguyện thiết mà tâm còn nhiều vọng tưởng thì kẻ đó sẽ được Hạ phẩm hạ sanh. Tuy là Hạ phẩm hạ sanh nhưng chẳng ngại gì, vì đồng được bậc thiện nhân câu hội chung một chỗ, cùng thọ dụng pháp lạc, há không phải là đại dụng hay sao ?”.

4. Người niệm Phật không cần cầu nhất tâm

Người tán tâm niệm Phật thường ngày niệm không thoái chuyển, lâu ngày tự nhiên sẽ thành tựu sự nhất tâm. Như thế nhất tâm bất loạn là do tán niệm định số mà thành. Chúng ta niệm Phật tuy không cần cầu nhất tâm nhưng cứ tương tục niệm Phật thì nhất tâm bất loạn sẽ hiển bày.

Trái lại người nào niệm Phật chỉ lo cầu nhất tâm mà bỏ qua pháp tán niệm định số, thì chẳng khác nào kẻ không nấu cơm mà cầu có cơm ăn, không chịu khó học mà muốn thành tài giỏi… là điều không thể xảy ra.

Cho nên, đối với các bậc hữu duyên của tông Tịnh độ, chúng ta chỉ cần lập chí quyết định trì danh niệm Phật mà không cần phải tham cầu tịnh cảnh, không cần xem câu niệm Phật như một câu khán thoại đầu; không cần nghĩ đến chuyện còn vọng tưởng hay không vọng tưởng, không cần phải cầu nhất tâm bất loạn. Mà chúng ta thường ngày cứ chuyên trì Thánh hiệu Phật A Di Đà “đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật”, từ đây cho đến khi chết, chúng ta quyết định sẽ được vãng sanh.