Tín Hành

Monday, 24 June 20249:17 PM(View: 261)
Tín Hành
TÍN HÀNH
 
Tác giả: Paul Breiter
Việt dịch: Thích Viên Thông

Ajahn Chah Thiền sư luôn khai phóng những gì trước đây mọi người cho là khuôn khổ giới hạn. Sự rèn luyện trong tu viện của ngài không phải lúc nào cũng tuân thủ theo những gì được xem là hợp lý và công phu hằng nhật luôn thay đổi. Thỉnh thoảng ngài thuật lại những điều khó khăn gặp phải trong tu tập, quyết tâm khắc phục chúng và tự khích lệ.


“Trước khi bắt đầu thực hành, tôi tự nghĩ: “Đạo Phật ngay tại đây, có giá trị cho tất cả mọi người, nhưng tại sao chỉ có vài người thực hành? Nếu có thực hành đi chăng nữa, họ chỉ thực hành trong một thời gian ngắn rồi cũng buông bỏ. Những người không từ bỏ vẫn không nhục chí khuất phục và nỗ lực thực hành Đạo Phật. Vì sao vậy? Tôi tự giải quyết: Vâng, đời nay tôi sẽ buông bỏ thân tâm và trọn đời nỗ lực noi theo lời dạy của Đức Phật. Tôi sẽ đạt được tuệ giác trong đời này, nếu không như vậy tôi sẽ mãi bị đắm chìm trong biển khổ bi thống. Tôi buông bỏ tất cả và nỗ lực quyết tâm. Dù cho sự khó khăn hay đau khổ đến mức nào đi nữa tôi kiên nhẫn chịu đựng. Nếu không như vậy, tôi vẫn còn mãi sự hồ nghi.”


Suy nghĩ như vậy, tôi hạ thủ công phu. Tôi phải cam chịu mọi khó khăn vất vả và rèn luyện tu tập. Tôi tuệ quán sâu vào cuộc đời mình như thể nó ở trong một ngày một đêm. Tôi buông bỏ. Tôi noi theo lời dạy của Đức Phật và thực hành giáo pháp để nhận biết vì sao cuộc đời nầy quá nhiều nỗi bất hạnh. Tôi muốn nhận biết sự thật, vì vậy trở lại thực hành giáo pháp.”


Ngài luôn thể hiện từ tâm khoan dung tha thứ mọi lỗi lầm sai sót và mong muốn người đệ tử nỗ lực cố gắng tu tập nhiều hơn nữa ở trong mọi điều kiện có thể, chỉ vì mục đích giải thoát khỏi nanh vuốt của Mara - Tâm đen tối tội lỗi - mà nó giam hãm chúng ta trong ngục tù khổ đau. Loại trừ tâm vô minh đen tối không phải là điều dễ dàng hoàn thiện được nhưng đó là điều giá trí quý báu cần phải kiên nhẫn rèn luyện trong kiếp sống nhân sinh như ngài thường dạy bảo: “Nếu sự tu tập giáo pháp quá dễ dàng thì mọi người đã thực hành được hết.”


Nếp sống con người thường đầy ắp sự mưu sinh, sự khắc khoải lo âu và những lạc thú trong nhu cầu theo đuổi vô tận suối nguồn hạnh phúc và cố gắng né tránh sự buồn chán. Nhưng, tâm càng xao động bất an thì tâm càng mệt mỏi, lo âu buồn chán. Khi một người cam chịu sự rèn luyện theo giới luật của Đức Phật, tâm họ bắt đầu giải thoát mọi vọng động điên đảo. Đây có thể là một tiến trình tôi luyện đầy cam go vất vả và đôi khi chán nản thất vọng, như những thói quen đã được huân tập, hy vọng và sợ hãi bắt đầu xuất hiện trong một tâm nhu nhuyến, rộng rãi, sáng suốt. Ngài Ajahn Chah phủ bác quan điểm của nhiều người cho rằng nếp sống tu sĩ là một loại chạy trốn; nhưng với những ai thực sự trải qua rèn luyện tu tập, lần đầu tiên trực diện với chính mình mới nhận ra rằng không nơi nào che giấu được như đang đối diện với dòng chuyển biến tâm thức mãnh liệt.


Thiền sư thường giảng nói về cách sống cẩu thả thiếu tỉnh giác, kết hợp với những tiện nghi của cuộc sống. Những điều nầy vẫn còn tiềm ẩn cho đến khi nào một người bắt đầu làm tất cả mọi công việc với tâm giác ngộ. Cuộc sống êm dịu giản dị có khuynh hướng tạo cho tâm mềm mỏng dịu dàng. Ngài kể về nếp sống giản dị vào ngày xưa không xa lắm tại Thailand: “Trước khi đất nước chưa phát triển, mọi người xây nhà vệ sinh cách xa nhà ở, thường ở trong rừng và bạn phải đi đến đó sử dụng. Nhưng bây giờ, nhà vệ sinh phải ở trong nhà. Người sống trong thành phố phải có nó ngay trong phòng ngủ. Thật buồn cười làm sao! Mọi người nghĩ tưởng điều đó sẽ làm cho hó càng thêm hạnh phúc và tiện nghi, nhưng nó thật sự không đem lại một chút hạnh phúc nào mà còn tăng thêm thói quen lười nhác…”


Phương pháp của ngài không phải trải qua những cuộc thử thách. Khi thấy người đệ tử nỗ lực cố gắng một cách máy móc thiếu tập trung thì ngài nhắc nhở họ. Ngài sáng suốt thấy rõ điểm quan trọng nằm ở tại đâu. Sau nhiều năm tu khổ hạnh không đem lại kết quả giác ngộ, Đức Phật mới trực nhận rằng con đường dẫn đến giải thoát tối hậu nằm ở tại tâm. Thân xác thuộc về vật chất hữu hình không có khả năng giác ngộ nhưng nó không phải là một vật gì ngăn cản sự tiến triển tâm linh và cần phải khổ hạnh ép xác. Đây là quan điểm sai lầm cũng giống như cố gắng tô điểm thân xác và tìm kiếm hạnh phúc qua dục lạc và khuôn mẫu xã hội. Vì vậy, vai trò khổ hạnh là tạo nên tính giản dị mộc mạc và không sai lầm thủ trước thì không mất đi sự lợi ích của nó. Những câu nói như “hủy bỏ thân thể, phá hủy thế giới" không có nghĩa chỉ cho sự tự tử hay vũ khí hạt nhân, nhưng, trong ngữ cảnh thiền định và trong những phương pháp giảng dạy sinh động của thiền sư Ajahn Chad, chỉ cho sự diệt trừ tâm chấp thủ vào thân thể và thế giới.


Một đêm, Ajahn Chad đón chào một vị cư sĩ tu hành thuần tín. Ngài ban cho anh ta một bài pháp mộc mạc rời rạc, những kinh nghiệm tu tập thực hành và tuệ quán giáo pháp. Ngài kể lại chuyến du lịch về Tudong, truyền thống thực hành khổ hạnh du hành khất thực ở vùng thôn quê và những nơi hoang dã, tìm kiếm sự tĩnh lặng nơi núi rừng và chiêm bái các vị thiền sư. “Đôi khi một ngày tôi đi bộ 40km, không phải tôi khỏe mạnh nhưng tôi có năng lực tinh thần; ngay cả những người lính không thể diễu hành như thế được. Có ngày tôi khất thực và không thọ nhận gì cả ngoài trừ cơm trắng. Đó là lúc thật sự an lạc nhẹ nhàng quán chiếu dòng tâm thức khi tôi ăn cơm. Tôi suy nghĩ giá như tôi có được một vài hạt muối! Ai có thể nghĩ rằng bạn đạt được tuệ giác từ việc ăn cơm trắng?


Ajahn Chad không e ngại thử thách những phương pháp mạnh mẽ trong cách rèn luyện tu tập và ngài nhận thấy rằng chính kinh nghiệm nầy như là phương pháp hướng dẫn cho chính mình. Đôi khi ngài đặt mọi người vào khuôn khổ hết sức khó khăn và vượt ngoài khả năng. Những phương pháp như vậy phải chịu đựng cam go khổ nhọc nhưng khi hành giả nhận thấy tâm mình trụ trước và giới hạn vào chỗ nào thì sẽ nhận biết rằng những nỗi khổ đau bất hạnh của cuộc đời phát sinh từ tâm chấp thủ, sợ hãi và định kiến.


Ngài không khuyến khích kiên cữ ăn uống, hạnh tịnh khẩu không nói năng hay tránh xa sự tiếp xúc với người khác. Ngài dạy, “Chúng ta rèn luyện tu tập với cặp mắt mở rộng. Nếu trốn tránh sự tiếp xúc với mọi người là phương pháp đưa đến giác ngộ thì người đui, người điếc đã giác ngộ.” Tuệ giác chỉ được tìm thấy trong cảnh giới trần tục. Thế giới siêu việt bằng sự nhận thức thế giới, không phải bằng sự chạy trốn thế giới. Sống thân thiện gần gũi mọi người trong mọi công việc hằng ngày, đó cũng là nếp sống trong thiền viện của ngài, có thể biểu lộ rất nhiều tập khí của con người và cách mà con người tự tạo đau khổ cho chính mình. Ngài thường dạy nếu ở trong môi trường khó khăn khắc khổ, đó chính là nơi tốt nhất cho chúng ta hành đạo. 

Chân Nguyên
Tạp chí Văn Nghệ và Tư Tưởng Triết Học Tây Phương
số 45 & 46, 01/2007