Bộ Kinh ĐẠI BẢO TÍCH VÔ LƯỢNG THỌ NHƯ LAI HỘI

Wednesday, 14 August 20242:55 PM(View: 89)
Bộ Kinh ĐẠI BẢO TÍCH VÔ LƯỢNG THỌ NHƯ LAI HỘI
Bộ Kinh ĐẠI BẢO TÍCH VÔ LƯỢNG THỌ NHƯ LAI HỘI
Khóa dạy Phật Pháp tại chùa Diệu Pháp
ở Monterey Park và ở San Gabriel California, USA


Đức Phật nói với Ananda: “Bất cứ lúc nào, chư Bồ Tát sinh nơi nước An Lạc có thể thuyết pháp thì các vị ấy tuyên thuyết Chính Pháp, thuận theo Trí Huệ, chẳng hề sai và đều hoàn bị.”

Chúng ta phải hiểu câu nói của Đức Phật như thế nào? Phải hiểu như thế này thì ý nghĩa mới mở ra trọn vẹn: Ở cõi Sa Hà, cõi Ta Bà này (sahāloka-dhātu) gồm cả tỉ triệu thế giới, mỗi lúc những bậc Bồ Tát thuyết pháp thường khi dễ bị sai thất, chỉ trừ khi bậc Bồ Tát đã chứng vô sinh pháp nhẫn (anutpattikadharma-kṣānti): Tất cả các pháp đều không sinh khởi, đều không diệt; không có cái gì khởi, không có cái gì diệt.

Có ba cái nhẫn cần nhớ:

- Âm hưởng nhẫn (ghoṣānugā-kṣānti), nghe pháp một cách cởi mở;

- Nhu thuận nhẫn (ānulomika-kṣānti), chấp nhận pháp một cách thoải mái trong lòng;

- Vô sinh pháp nhẫn (anutpattikadharma-kṣānti), nhận hiểu rằng tất cả pháp đều không sinh khởi, tức là chỉ khi nào bậc Bồ Tát đã được “bất thối chuyển” (avaivartika: bất thối), đã đạt tới bát địa, bất động địa, trở lên tới pháp vân địa.

Đó là lý do để giải thích tại sao có những bậc chân tu đức hạnh vẹn toàn, thể hiện Bồ Tát hạnh một cách đáng kính trọng, rất nhiều ở cõi Ta Bà này, nhiều nhất hiện nay ở Việt Nam và trong cộng đồng Việt Nam ở thế giới, lại phải bị thối chuyển, hay cao nhất bị “thai sinh” trong thai hoa (thay vì hóa sinh ngồi kiết già trên hoa sen ở cõi Cực Lạc, được bất thối chuyển và “nhất sinh bổ xứ”), phải mất 500 năm … chẳng thấy Phật, chẳng được nghe Kinh, nghe Pháp, chẳng thấy chúng Thanh văn và chẳng thấy những bậc Bồ Tát.

Tại sao? Việc này xảy ra vì họ có lòng nghi ngờ về Phật Trí, Bất Tư Nghị Trí, Bất Khả Xưng Trí, Đại Thừa Quảng trí, Vô Đẳng Luân Tối Thượng Thắng Trí. Đó là những vị Bồ Tát đã tin nhân quả, tội phước, đã tu tập thiện hạnh và đã cầu nguyện được sinh về cõi An Lạc của Đức Phật A Di Đà, của Đức Vô Lượng Thọ Phật, mà còn bị “thai sinh”, hà huống những vị chân tu vẹn toàn, cả đời sống trong sạch, đầy đủ giới hạnh đáng tôn kính, lại đâm nghi ngờ cả cõi An Lạc hay cõi Cực Lạc, nghi ngờ việc “chấp trì danh hiệu Đức Phật A Di Đà” ngờ vực phỉ báng kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, đây là tình trạng đáng buồn nhất của Phật Giáo Việt Nam hiện nay.

Chỉ có trường hợp đặc biệt phi thường và vô cùng diệu thường, đó là những bậc Bồ Tát “bất thối chuyển” đã lập đại thệ nguyện ở lại những thế giới đầy ngũ trược để tế độ chúng sinh. Chính họ là những Đại Bồ Tát thường xuyên niệm Phật và thường lễ kính và xưng tán Đức Phật A Di Đà hay Đức Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật. Họ không vội vãng sinh cõi Cực Lạc vì họ thực hành một cách triệt để Đại Hạnh của Ngài Phổ Hiền ở lại cõi Ta Bà này và ở những thế giới ác độc khác để giải thoát tất cả chúng sinh tận hư không giới.

Nhưng đứng trên bình diện không bình diện, một cách tuyệt đối thì tất cả đều là Tịnh Độ, tất cả các pháp đều thanh tịnh, một Đức Phật là tất cả chư Phật; tất cả chư Phật là một Đức Phật.

Chúng ta hãy trở lại thế giới hàng ngày: Dù mình xuất gia từ lúc hãy còn thơ ấu và sống tu hành thanh tịnh cho đến 100 tuổi, mà lại không niệm Phật, không tin cõi Cực Lạc, không tin vãng sinh, không tin Phật A Di Đà, không tin 48 thệ nguyện của Đức Vô Lượng Quang hay Vô Lượng Thọ, không tin, không hiểu kinh A Di Đà hay kinh Vô Lượng Thọ và cả Quán Vô Lượng Thọ, thì có thể nói dứt khoát rằng mình chưa hiểu Phật Pháp gì cả và chưa hiểu bất cứ quyển kinh Phật nào cả trong Tam Tạng Kinh Điển trên 200.000 trang chữ nhỏ chi chít; điều cao nhất khi mình chết thì được lên trời cõi Dục, rồi lại hết phước báo thì rớt xuống ba cõi xấu. Nhưng chư Phật và chư Đại Bồ Tát rất đại từ bi: dù có người chẳng tin gì cả, mà lúc một giây trước khi chết lại chỉ kêu dù một lần Nam Mô A Di Đà Phật thì cũng được vãng sinh, không phải hóa sinh mà thai sinh, và một trăm năm lang thang vô định ở cõi thế gian này được hay bị trở thành năm trăm năm trong ngục thất thất bảo, ở cách đây bao nhiêu tỷ triệu vô số thiên hà xa xôi…

Bây giờ chúng ta hãy bỏ trái đất này để bay lên hay bay về cõi Cực Lạc để chiêm ngưỡng Đức Phật A Di Đà và tu học Tự Lợi và Lợi Tha của Bồ Tát hạnh thắng diệu của chư Đại Bồ Tát ở cõi Cực Lạc và sau cùng chúng ta trở về mặt đất để tự nhìn ngó chúng ta đã sống lăng nhăng lỗi nhịp như thế nào trên cái thế giới quạnh hiu hiện nay.

Ở cõi Cực Lạc phải như thế này, nhưng ngay ở đời chúng ta hiện nay ở mặt đất thì cũng phải như thế mới sống cái đời sống có ý nghĩa tuyệt vời phi thường:

1. Đối với bất cứ cái gì xuất hiện ở trước mặt và trước mắt mình, đừng có bao giờ nghĩ rằng người đó, cái đó thuộc về mình, cái đó hay người đó của mình (“Trong nước An Lạc, chư Bồ Tát không có tâm Ngã Sở đối với vạn vật”).

Không có cái gì thuộc về mình trên cõi đời, dù là thân thể mình hay cái gọi là lý trí, ý thức hay thần thức. Chỉ có nghiệp (thân, khẩu, ý) là thuộc về cái tạm gọi là “mình”, ba cái này đưa mình đi lên hay đi xuống, cái gọi là “mình” chỉ là một hơi thở, thở ra và thở vô. Thọ mệnh mình kéo dài chỉ bằng một hơi thở xuất nhập. Cái gọi là “thần thức” để đi đầu thai sáu cõi chỉ là giả danh để gọi một cái gì giống như một làn gió, thổi qua hoa thơm cỏ dại hay thổi qua đống phân, mang mùi thơm hay mùi hôi thúi đi đây, đi đó, xa gần; gió nhẹ ấy có thể trở thành bão tố xô nát tất cả mọi sự.

“Nam mô A Di Đà Phật” là một hơi thở, một làn gió đẩy mình vãng sinh Cực Lạc, một khoảnh khắc rất ngắn trước khi tắt thở ở mặt đất.

2. Đối với vạn vật, không có ý tưởng đeo dính bám chặt, kéo níu, ôm giữ, “không có tâm NHIỄM TRƯỚC” (không có ý gắn bó, quyến luyến, buộc, dán, ghì lấy, chụp, nắm (un-Begriffe, nicht begreifen = vô niệm)

3. “Họ đến và đi, đứng và tiến tới, và tâm thức, tinh thần không bị trói buộc” (đi đứng, tâm không hệ lụy).

4. “Tùy ý/tự tại”. Tất cả mọi sự xảy ra theo ý muốn của mình (tùy ý). Được tự do và tự chủ tinh thần, những gì không làm mình thích thú thì không bao giờ xảy đến cho mình.

5. Thành tựu trọn vẹn Thất Giác Phần: Niệm, Trạch Pháp, Tinh Tấn, Hỷ, Khinh An, Định và Xả.