Phẩm 8: TỨ Y

Sunday, 18 August 202410:19 AM(View: 42)
Phẩm 8: TỨ Y
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông

PHẨM THỨ TÁM
TỨ Y

Phật dạy: Trong Đại Niết Bàn vi diệu này có bốn hạng người hay hộ trì chánh pháp, kiến lập chánh pháp. Những hạng người này có thể làm lợi ích và chỗ nương tựa cho thế gian.

Một là người phàm phu có ý chí xuất thế.
Hai là Tu Đà Hoàn và Tư Đà Hàm.
Ba là A Na Hàm.
Bốn là A La Hán.

Bốn hạng người trên đây là những người từng gieo trồng hạt giống Đại thừa, có khả năng nghe hiểu chánh pháp Đại thừa, hành chánh pháp và sống theo chánh pháp. Họ thường truyền bá chánh pháp đến mọi người, thường tán thán đời sống phạm hạnh thiểu dục tri túc, thường quở trách tội lỗi của đa dục. Xiển dương nếp sống "An bần lạc đạo", "Duy tuệ thị nghiệp"...Tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân.

Đấy là bốn hạng người xuất hiện nơi đời xót thương nhân thế làm nhiều lợi lạc cho thế gian, làm chỗ nương tựa cho trời người. Họ là những người đáng được tôn quý như tôn quý Phật vậy.

Ca Diếp bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Con nghĩ rằng không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào bốn hạng người mà Như Lai vừa dạy. Con còn nhớ trong kinh Cù Sư La, đức Phật từng dạy: Nếu có thiên ma phá hoại Phật pháp, chúng biến hiện hình Phật, đủ cả tướng tốt, vẻ đẹp trang nghiêm, hào quang sáng rỡ...cũng phải cảnh giác kiểm giảo là thiệt hay là giả, không được nhẹ dạ cả tin. Khi nhận diện chúng là ma thì dùng chánh giáo mà điều phục cho chúng cải tà quy chánh...Cứ theo lời dạy của Phật, con không thể tin tưởng lời nói của bốn hạng người trên và cũng không hy vọng họ là chỗ đáng nương tựa cho mình!

Phật dạy: Ca Diếp! Ý nghĩ của ông sáng suốt lắm đó.

Này Ca Diếp ! Dù cho lời nói của Như Lai mà nghe chưa hợp lý, có ý nghi ngờ còn không nên vội tin, tiếp nhận, thọ trì, huống là lời nói của bốn hạng người trên. Vì vậy, phải phân biệt rõ lời dạy đó lành hay không lành. Lợi ích hay không lợi ích. Nên làm hay không nên làm. Nguyên nhân của an lạc hay đó là nguyên nhân mang đến khổ đau. Phải cân nhắc kiểm tra rồi mới tin nghe và thực hành. Phải tu học như vậy mới đem lại sự giải thoát chân thật không biến hoại.

Này Ca Diếp! Sau Như Lai nhập Niết bàn hàng Bồ tát hộ trì chánh pháp, phương tiện giả đồng sự với các Tỳ kheo phá giới. Bồ tát hộ trì chánh pháp có thể thọ nhận của đàn việt, chứa để vật bất tịnh để cúng dường cho vị Tỳ kheo phá giới có khả năng tẩn xuất trừng trị các ác Tỳ kheo phỉ báng kinh điển Đại thừa.

Nhằm hộ trì chánh pháp Đại thừa, lợi lạc cho vô lượng nhân thiên, trong việc làm đó, Bồ tát không có tội lỗi.

Này Ca Diếp! Nếu có Tỳ kheo phạm giới mà tự kiêu mạn không sám hối, phải biết đó chính là người cố ý phạm giới và phá giới. Bồ tát dầu có lúc sai phạm, nhưng thấy rõ lỗi lầm, tự trách và nguyện sám hối tận đáy lòng nên không gọi là phá giới. Vì cớ ấy nên trong kinh khác, có lần Như Lai nói:

Có ai biết chánh pháp
Không luận già hay trẻ
Nên trân trọng cúng dường
Cung kính và lễ bái
Như hàng Bà la môn
Chí thành thờ thần lửa
Và như các thiên thần
Cung kính trời Đế thích

Lời kệ trên Như Lai vì các Bồ tát tu học Đại thừa mà nói, chẳng phải nói với hạng người học pháp Thanh văn.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Các Bồ tát đối với việc trì giới như vậy thì rất là huởn đãi. Vậy giới pháp của các vị ấy có bị tổn giảm gì chăng?

Phật dạy: Vì lợi ích chúng sanh, nhằm hộ trì chánh pháp Đại thừa, tẩn xuất các ác Tỳ kheo ra khỏi thanh tịnh Tăng, Bồ tát đồng sự, hợp tác vị Tỳ kheo phá giới, việc làm của Bồ tát này không được xem là có tội lỗi. Vì vậy giới pháp của Bồ tát đã thọ không bị khiếm khuyết. Vả lại, khi thấy mình có lỗi thì Bồ tát thành tâm sám hối, vun bồi thiện pháp tránh sự lỗi lầm. Vì vậy mà giới pháp của Bồ tát không bị tổn giảm. Ví như bờ đê có mội thì nước trong ruộng bị thoát đi. Nếu biết bờ mội trám nó đi thì nước trong ruộng không còn thất thoát nữa.

Này Ca Diếp! Đối với "thừa" mà huởn đãi mới gọi là huởn đãi. Với "giới" huởn đãi, không quan trọng lắm nên không gọi là huởn đãi. Các Bồ tát không trễ nải đối với chánh pháp Đại thừa đấy mới gọi là trì giới căn bản. Bồ tát hộ trì chánh pháp dùng nước Đại thừa mà tự tắm gội. Vì vậy, nên Bồ tát dầu hiện ra tướng phá giới nhưng không phạm phải sai lầm nên không gọi là huởn đãi.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Trong chúng Tăng có bốn hạng người như trái Am ma la khó phân biệt trái chín trái sống. Làm sao để biết được người trì giới và người phá giới?

Phật dạy: Dựa trên kinh Đại thừa vi diệu có thể nhận biết dễ dàng. Cùng một hành động nhìn qua tương tợ như nhau, nhưng Tỳ kheo nào nói rằng Phật cho Tỳ kheo tích trữ tám vật bất tịnh (vàng, bạc, nô tỳ, trâu dê, kho lẫm, kinh doanh, nông nghiệp, tự tạo tài sản) thì đó là Tỳ kheo phá giới. Tỳ kheo không tích trữ tám vật bất tịnh là Tỳ kheo giữ giới trọn vẹn dầu có khi trông như hủy phạm.

Này Ca Diếp! Như rừng Ca la ca rậm rạp rất nhiều cây. Trong rừng này chỉ có một cây Trấn đầu ca. Trái của hai cây này rất giống nhau, khó mà phân biệt được. Đến mùa trái chín một thiếu nữ lượm cả hai thứ, một phần trái Trấn đầu ca, mười phần trái Ca la ca đem ra chợ bán. Các trẻ nít ngu dại mua lầm trái Ca la ca, ăn xong trúng độc mà chết. Hàng thức giả nghe được việc ấy, hỏi thiếu nữ lượm những thứ trái cây ấy ở nơi nào ? Thiếu nữ nói là lượm ở rừng Ca la ca. Thức giả bảo: trong rừng ấy toàn là cây Ca la ca, chỉ có một cây Trấn đầu ca thôi, mọi người biết rõ đều chê rồi bỏ đi.

Này Ca Diếp! Tám pháp bất tịnh ở trong chư Tăng cũng như vậy. Trong chư Tăng phần đông đều thọ dụng tám thứ bất tịnh ấy. Chỉ có một người trì giới thanh tịnh không thọ và biết đại chúng thọ dụng tám thứ bất tịnh là phi pháp nhưng vẫn đồng sự không xa lánh, như cây Trấn đầu ca trong rừng Ca la ca vậy. Có Ưu bà tắc, Ưu bà di thấy phần đông Tăng chúng sống phi pháp nên không cung kính cúng dường kể cả vị Tăng thanh tịnh này. Nếu muốn cúng dường vị Tăng thanh tịnh thì nên đem tám pháp bất tịnh của Phật dạy ra hỏi.

Những chư Tăng nói Phật không cho Tỳ kheo tích trữ tám vật bất tịnh, Tỳ kheo nào chứa tám vật bất tịnh thì không cùng ở chung, không cùng thuyết giới Bồ tát, Tự tứ, Yết ma, và không uống nước một dòng sông...Nếu chung cùng, cộng sự với những người phi luật phá giới sẽ đọa địa ngục như người ăn lầm trái Ca la ca.

Này Ca Diếp! Ví như có người bán thuốc ở chỗ chợ đông, họ bán có cả thuốc quý Tuyết sơn cùng nhiều thứ thuốc bổi khác, mùi vị đều giống nhau. Người mua không biết mặt thuốc, hỏi mua thuốc Tuyết sơn. Người bán dối trá lấy các thứ thuốc bổi đưa ra. Người mua nhận lầm tưởng là thuốc Tuyết sơn thật. Trả tiền mang đi và mừng thầm rằng, đã mua được thuốc quý Tuyết sơn!

Này Ca Diếp! Trong Tăng chúng Thanh văn có giả danh Tăng, có chân thật Tăng và hoà hợp Tăng, hoặc có trì giới, hoặc có phá giới. Đối với đại chúng như vậy nên bình đẳng cúng dường, vì với nhục nhãn hàng Ưu bà tắc chẳng phân biệt được vị nào là chân thật Tăng, vị nào là giả danh Tăng, vị nào trì giới, vị nào phá giới, như người mua thuốc khó phân biệt được thuốc quý Tuyết sơn. Chỉ người có thiên nhãn mới có thể biết rõ.

Này Ca Diếp! Nếu biết là Tỳ kheo phá giới hay Tỳ kheo chứa tám vật bất tịnh thì không nên cung kính cúng dường. Bởi lẽ người Ưu bà tắc, Ưu bà di, cư sĩ sẽ không được nhờ cậy, học hỏi gì ở nơi họ trên bước đường giải thoát giác ngộ…

Bạch Thế Tôn! Ca Diếp thưa: Lời Phật dạy chân thật không hư. Con sẽ trân trọng tuân hành, xem như bảo vật Kim cang. Con cung kính phụng hành lời Phật dạy: các Tỳ kheo phải dựa trên pháp Tứ y mà tu học.

Một, Y pháp không Y người
Hai, Y nghĩa không Y lời
Ba, Y trí không y thức
Bốn, Y kinh liễu nghĩa, không Y kinh bất liễu nghĩa

* Y pháp không Y người là thế nào?

- Y pháp tức là phải học hỏi về PHÁP TÁNH. Pháp tánh là tánh thanh tịnh bản nhiên của vạn pháp. Tánh thanh tịnh đó cũng chính là Phật tánh, là Như Lai. Vì vậy Như Lai là pháp THƯỜNG TRỤ. Pháp thường trụ chính là Phật tánh. Phật tánh tức Như Lai. Người y chỉ pháp tánh không bao giờ có ý niệm Như Lai vô thường, không bao giờ tuyên thuyết rằng Như Lai vô thường, biến đổi.
- Không y người, tức là không y chỉ nương tựa với hàng Thanh văn, vì Thanh văn chưa rời khỏi ý niệm hữu vi. Thanh văn còn có ý niệm Như Lai vô thường, mà chân lý đích thực thì Như Lai thường trụ.
Này Ca Diếp! Chỉ có Tỳ kheo phá giới, Tỳ kheo vì lợi dưỡng nói Như Lai vô thường biến đổi. Người có trí không nên y, không nương tựa với những người đó.
* Y nghĩa không Y lời là thế nào?
- NGHĨA tức GIÁC LIỄU. NGỮ tức NGÔN TỪ. Lời nói có thể ứng dụng đem lại hiệu quả đích thực gọi đó là Nghĩa. Lời nói không thể ứng dụng, hoặc ứng dụng đem lại hiệu quả nhỏ nhen, thậm chí không có hiệu quả gì gọi đó là Ngữ. Nếu Tỳ kheo tuyên thuyết Phật, Pháp, Tăng thường trụ không biến đổi thì nên y theo. Đó là người y Nghĩa.
- Nếu có những kinh điển tà ngụy nhằm mục đích tham cầu lợi dưỡng, trau chuốt ngôn từ hoa mỹ, phục dịch cho bạch y, lập lờ đánh lận: Rằng đức Phật cho các Tỳ kheo được tích lũy sự nghiệp tiền tài, tự tiện khẳng định: Như Lai vô thường, Pháp, Tăng cũng vô thường biến đổi...Đó là "Ngữ ngôn" không có GIÁC LIỄU không nên y theo.
* Y trí không y thức là thế nào ?
- Này Ca Diếp ! Nếu thầy Tỳ kheo hiểu rằng: Như Lai tức Phật tánh. Phật tánh tức Pháp thân thường trụ không biến đổi. Hiểu như vậy là TRÍ, đó là Chơn Trí nên y theo.
- Nếu có hàng Thanh văn không biết công đức Như Lai, bằng nhục nhãn của mình nhìn thấy Ứng hóa thân phương tiện của Như Lai, rồi cho rằng thân Như Lai vẫn là thân hòa hợp bởi ngũ ấm, lục nhập, thập bát giới..Thân Như Lai cũng do sự ăn uống mà được sống còn. Hiểu biết như thế là hiểu biết bằng THỨC, sự hiểu biết của nhục nhãn phàm phu không nên y theo.
* Thế nào là Y kinh liễu nghĩa, không Y kinh bất liễu nghĩa?
Này Ca Diếp! Trí của hàng Thanh văn chỉ có thể tiếp thu kinh điển bán tự, giáo lý phương tiện của Như Lai. Đấy gọi là bất liễu nghĩa. Trí của hàng Đại Bồ tát tiếp nhận trọn vẹn những giáo lý thậm thâm vi diệu tối thượng Đại thừa. Đấy gọi là Liễu nghĩa.
- Lại nữa, Thanh văn thừa là không liễu nghĩa.
- Tối thượng Đại thừa là Liễu nghĩa.
- Nói Như Lai vô thường biến đổi là không liễu nghĩa.
- Nói Như Lai thường trụ không biến đổi là liễu nghĩa.
- Học hiểu với lời dạy của hàng Thanh văn là không liễu nghĩa.
- Học hiểu với lời dạy của Bồ tát là liễu nghĩa.
- Nếu nói Như Lai nhập Niết bàn ở Ta La Song thọ, nhưng Như Lai thường trụ không biến đổi. Đấy là lời nói liễu nghĩa.
- Nói Như Lai nhập Niết bàn như củi hết lửa tắt. Đấy là lời nói không liễu nghĩa.
- Nói Như Lai nhập Niết bàn là hòa quang với Pháp tánh, hội nhập bản thể chân như, tùy thuận với Pháp thân. Những hiểu biết như vậy, lời nói như vậy, kinh điển như vậy đều thuộc hệ Liễu nghĩa thượng thừa nên y theo.

Này Ca Diếp! Giáo pháp Như Lai dạy cho Thanh văn thừa là bán tự giáo. Ví như nhà nông mới cày xới trồng tỉa chưa có hoa trái. Vì vậy gọi là Bất liễu nghĩa. Phải nương tựa học pháp Đại thừa của Bồ tát là giáo pháp Liễu nghĩa cần phải nên "Y theo". Đó là chỗ nương tựa vững chắc.

Đấy là "bốn điều nên Y theo" phải tu học.

Lại nữa này Ca Diếp! Tất cả pháp là PHÁP. Pháp tánh cũng là PHÁP. Phật tánh cũng tức là Pháp tánh. Pháp thân Tỳ Lô Giá Na cũng là PHÁP. Đại Niết Bàn cũng là PHÁP. Tất cả đều thường trụ bất tư nghì, chẳng cầm nắm được, chẳng buộc, chẳng nhốt được. Nhưng tất cả đều CHỨNG BIẾT được. Nếu có kẻ nào nói: KHÔNG THỂ CHỨNG BIẾT ĐƯỢC PHÁP thì không nên theo kẻ đó. Vì vậy mà Y PHÁP không Y NGƯỜI.

Nếu có người chỉ biết tuyên nói lý vô thường, vô ngã...một cách tự tin và quyết định, không nên y theo. Vì thế Y Nghĩa mà không Y theo Lời (Ngữ).

Nếu người nhận biết rõ: Phật, Pháp, Tăng thường trụ không biến đổi và kiên cố chấp trì lời Phật dạy: Rằng một Tỳ kheo đệ tử Phật không được tích lũy tám thứ vật bất tịnh. Đấy là Y Trí không Y Thức.

Liễu nghĩa còn có nghĩa là tri túc. Người thọ trì liễu nghĩa kinh không bao giờ dối hiện oai nghi. Đời sống thanh bạch, không kiêu mạn tự cao, không tham cầu lợi dưỡng. Đối với giáo pháp của Như Lai biết rõ lời dạy nào phương tiện, lời dạy nào cứu kính liễu nghĩa không nghi ngờ, không chấp dính và thắc mắc. Nếu người nào an trụ được những điều đó, phải biết người đó đã an trụ ĐỆ NHẤT NGHĨA, là người Y KINH LIỄU NGHĨA. Trái lại, người chỉ biết nói: Tất cả đều phừng cháy, tất cả đều vô thường, vô ngã và bất tịnh...Đấy gọi là người chỉ mới tiếp thu pháp BẤT LIỄU NGHĨA, dễ khiến chúng sanh đọa địa ngục A tỳ, vì không hiểu chân lý, không hiểu sự thật.

Này Ca Diếp ! Nếu có người nói: Như Lai vì thương xót chúng sanh, khéo biết thời nghi, khéo dùng phương tiện, nên có lúc Như Lai nói nhẹ là nặng, hoặc nói nặng là nhẹ. Đối với tám thứ vật bất tịnh cũng vậy, có lúc Như Lai cấm tuyệt đối rồi có lúc Như Lai không cấm tuyệt đối, với điều kiện tri túc kèm theo.

Đấy là pháp TỨ Y, người đệ tử Phật nên y theo. Nếu có các kinh, luật, luận nào không trái với tiêu chuẩn tứ y cũng nên y theo, vì cũng lợi ích trên đường hành đạo...giải thoát...

TRỰC CHỈ

Y có nghĩa là chỗ nương tựa. Dân nương chính phủ. Con nương cha mẹ. Phi công, thuyền trưởng nương la bàn. Tất cả ngành, nghề sinh hoạt trong cuộc sống đều phải có chỗ nương tựa, chỉ khác nhau ở đối tượng nương tựa mà thôi. Người đệ tử Phật cũng vậy. Đối tượng nương tựa của người đệ tử Phật là "Y". Là "Tam Quy Y". là "Tứ Y".

Tam Quy Y thông thường của mọi Phật tử quy y đó là cái lẽ "xin vào ngôi nhà Phật" và được mời vào nhà Phật vậy thôi. Có được uống nước trà, dự tiệc hay không còn là việc ở hồi sau.

Học phẩm Tứ Y, hành theo giáo lý phẩm Tứ Y mới là đích thực Phật tử, được thọ dụng hết những tiện nghi an lạc giải thoát trong ngôi nhà Phật ấy.

Người phát tâm đi vào con đường Phật nên chọn người mà tôn kính làm thầy cho mình. Vị thầy để cho người trí Quy y không cần hình thức bề ngoài, bất cứ dạng, dáng vẻ thế nào, mà chỉ nên quan sát , tìm hiểu CHỦNG TÁNH qua hành động, ngữ ngôn, qua sự sinh hoạt, giáo hóa của vị ấy.

Phẩm Tứ Y trong kinh Đại Bát Niết Bàn nầy, Phật nêu bốn hạng người có thể làm chỗ Quy y:

Hạng người thứ nhất. Có thể là Phàm phu tăng mà có ý chí xuất thế, có chủng tánh Đại thừa, người này làm chỗ Quy y được. Quy y với người này có được nhờ cậy, có cơ hội tiến lên trên đường xa rộng của giải thoát giác ngộ.

Hạng người thứ hai, Tu Đà Hoàm và Tư Đà Hàm quả.
Hạng người thứ ba, A Na Hàm quả.
Hạng người thứ tư, A La Hán quả.

Bốn hạng người trên có thể làm chỗ quy y, người đệ tử Phật nên quy y với họ, nên tôn trọng các bậc ấy làm thầy hướng dẫn sự tu học của mình.

Nguyên tắc, lý lẽ là vậy, người đệ tử Phật muốn vào đạo Phật cần phải "Quy y". Nhưng để vững chắc không gì làm lay chuyển được đạo tâm, đạo hạnh của ta, còn phải đề cao cảnh giác với bốn bậc người trên. Họ phải là người thuộc chủng tánh Đại thừa. Hiện tại danh nghĩa của họ là Thanh Văn nhưng phải là Thanh Văn TUỆ TÁNH. Thanh văn cầu tiến hướng thượng đối với quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì mới nên Y theo. Họ phải hiểu kỹ về Pháp thân Phật, về Báo thân Phật. Thế nào là Ứng thân Phật, Thế nào là thiên bách ức Hóa thân Phật. Phải hiểu rõ Phật là Phật tánh, thường trụ bất biến..

Hàng TUỆ TÁNH THANH VĂN hiểu rõ rằng pháp Phật nói ra cũng như tất cả vạn pháp cùng có chung một tánh thanh tịnh bản nhiên. Tánh thanh tịnh đó gọi là PHÁP TÁNH. Pháp tánh không phải pháp riêng của Phật, càng không phải cái độc quyền đặc lợi của một "siêu nhân", "siêu nhiên" với bất cứ một danh nghĩa nào. Vì vậy, bậc nương tựa của người, trời, phải hiểu và dạy rõ: Pháp thường trụ không biến hoại.

TĂNG THÂN biểu hiện qua con người cụ thể: ngũ uẩn, thất đại.

TĂNG TÁNH là tánh thanh tịnh bản nhiên, là trí tuệ nhận thức PHẬT TÁNH và PHÁP TÁNH một cách chính xác và đích thực: Rằng Phật tánh và Pháp tánh "không hai".

PHẬT TÁNH là tánh thanh tịnh bản nhiên của chúng sanh HỮU TÌNH.

PHÁP TÁNH là tánh thanh tịnh bản nhiên của chúng sanh VÔ TÌNH

Danh thì hai, nghĩa thì một. Đó là ý nghĩa HÒA HỢP TÁNH của Tăng. Vì vậy, Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng cũng thường trụ.

Hiểu được vậy, là hiểu được chân lý THẬP PHƯƠNG PHÁP GIỚI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO. Hiểu như vậy, mới là người mà người và trời nên nương tựa làm chỗ Quy Y. Quy Y như vậy, là Quy y NHẤT THỂ TAM BẢO mười phương. Không rườm rà, khỏi sắm lễ lộc, miễn "tác bạch" dài dòng, lượm thượm lôi thôi.

Còn nữa! Thông thường người ta mượn đá để biết tuổi vàng. Với bốn hạng người có thể làm chỗ nương tựa để ta Quy y, Phật dạy hãy mượn tám pháp bất tịnh để thử chất liệu thanh tịnh hay không của đối tượng khả kính mà mình sắp quy y. Dựa vào tám pháp bất tịnh trắc nghiệm nhơn tâm "khả kính" sẽ biết trái nào là Ca la ca, trái nào là Trấn đầu ca để mà "chọn mặt gởi vàng"./.