Phẩm 11: TỨ ĐẢO

Sunday, 18 August 202410:19 AM(View: 188)
Phẩm 11: TỨ ĐẢO
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông

PHẨM THỨ MƯỜI MỘT
TỨ ĐẢO

Phật dạy: Này Ca Diếp ! Có bốn thứ điên đảo tương quan mật thiết trong sinh hoạt của chúng sanh. Bốn thứ điên đảo này, hàng phàm phu thường mắc phải, bọn ngoại đạo thì không sao biết được.

Một, không khổ khởi tưởng cho là khổ.
Hai, Vô thường khởi tưởng thường. Thường tưởng là vô thường.
Ba, Vô ngã khởi tưởng ngã. Ngã tưởng là vô ngã.
Bốn, Bất tịnh khởi tưởng tịnh. Tịnh tưởng là bất tịnh.

Này Ca Diếp! Như Lai là thường. Như Lai là bất động, như như.

Như Lai dù có nhập Niết bàn ở rừng Ta La song thọ, nhưng không phải như củi hết lửa tắt. Như Lai thường trụ vì Như Lai không phải hữu vi. Như Lai dù có bỏ thân ngũ uẩn, thất đại, nhưng đó là ứng thân thị hiện tùy thuận pháp tướng để hóa độ chúng sanh, cho nên không vì có "bỏ thân" mà tưởng Như Lai vô thường!

Này Ca Diếp ! Khởi tưởng Như Lai vô thường; Tưởng Như Lai nhập Niết bàn giống như củi hết lửa tắt; Tưởng Như Lai bỏ thân ngũ uẩn là Như Lai không còn gì ! Nên biết ! Như Lai không hề tương quan và phải chịu sự chi phối như vậy. Như Lai không có khổ. Thế mà khởi tưởng KHỔ. Đó là món điên đảo thứ nhất.

Vô thường tưởng thường. Thường tưởng là vô thường. Đấy là điên đảo.

Người không tu pháp KHÔNG, không biết được "thực tướng" các pháp. Cho nên họ chỉ thấy sự sinh diệt vô thường, sự thọ mạng ngắn ngủi trong một khoảng thời gian nhất định. Người tu pháp KHÔNG, nhận thức được "thực tướng" các pháp, biết rõ nguyên ủy của các pháp là chân thường không gì phá hoại được.

Vậy mà có người cho rằng không nên tu pháp KHÔNG. Họ không hiểu rằng chân lý vô thường ở trong tánh thường. Tánh chân thường lưu xuất vô thường. Những pháp hiện có là sự duyên khởi hình thành bởi vô lượng vô số pháp không. Sự hiểu biết nông cạn sai lầm là món điên đảo thứ hai.

Vô ngã tưởng ngã. Ngã tưởng là vô ngã.

Phàm phu nói có ngã, Phật pháp cũng nói có ngã. Phàm phu nói "ngã", nhưng không biết Phật tánh. Thế là ở nơi pháp "vô ngã" tưởng là "ngã". Đấy là điên đảo. Phật pháp nói "ngã" tức là "Phật tánh". Phàm phu lập luận rằng: vì trong Phật pháp không có "ngã", cho nên Phật dạy chân lý "vô ngã" cho các đệ tử mình. Hiểu biết và lý luận như thế, tức là điên đảo. "Ngã" tưởng "vô ngã", "vô ngã" tưởng là "ngã". Đó là món điên đảo thứ ba.

Tịnh tưởng bất tịnh. Bất tịnh tưởng là tịnh.

TỊNH, có nghĩa là phải hiểu NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ. Thân Như Lai chẳng phải thân tạp thực; chẳng phải thân phiền não; chẳng phải thân huyết nhục; chẳng phải thân "phát, mao, trảo, xỉ...", chẳng phải thân bì, phu, cốt nhục..." giả hợp hình thành. Thân Như Lai chính là PHÁP THÂN thường trụ; Thân Như Lai "Biến Nhất Thiết Xứ". Nếu có người hiểu rằng : Như Lai vô thường, thân Như Lai là thân tạp thực, là thân bì, phu, cốt, nhục, cân, mạch, can, đảm, tràng, vị, tỳ, thận, tâm, phế...giả hợp hình thành. Rồi họ cũng cho rằng: Pháp, Tăng và Giải thoát cũng đều là pháp có diệt tận. Đó là nhận thức của người không trí tuệ, ở nơi pháp Tịnh mà tưởng là Bất tịnh. Đó là món điên đảo thứ tư

Ca Diếp Bồ tát bạch: Thế Tôn ! Nhờ nghe kinh Đại Bát Niết Bàn, từ nay con mới có được chánh kiến!

Bạch Thế Tôn ! Từ trước đến giờ chúng con đều là bọn người tà kiến ! Vậy mà chúng con tưởng mình đã hiểu được chánh pháp nhiều rồi!

TRỰC CHỈ

Căn cơ chủng tánh Tiểu thừa, tu học giáo pháp "BÁN TỰ": VÔ THƯÒNG, KHỔ, VÔ NGÃ và BẤT TỊNH là bốn chân lý phải luôn luôn quán chiếu tư duy, cho đến khi tự mình thực chứng, tự mình thể nhập: Rằng đó là sự thực bằng trí tuệ, bằng cái thấy của chính mình. Từ bốn chân lý vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh này làm cơ sở để tiến lên nhận thức bốn chân lý: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO; gọi chung với cái tên: TỨ ĐẾ, TỨ DIỆU ĐẾ, TỨ CHƠN ĐẾ, TỨ THÁNH ĐẾ là giáo lý tu học để được quả giải thoát, xuất ly tam giới: A LA HÁN. Do vậy, mà hàng Phật tử tại gia có, xuất gia cũng có, nói được tên, nhận thức qua loa rằng: đời là "vô thường", đời là "khổ"...Rồi tưởng mình đã hiểu đạo Phật khá rồi . Sự thực, học hiểu ngang đó chưa khá. "Học, học nữa và học mãi". Nhà lãnh tụ thiên tài Le Nin khuyên thế. Bởi vì học bốn chân lý "vô thường"...Bốn chân lý "Tứ đế" chỉ là người mới học "bán tự giáo", học pháp tu của Tiểu thừa, của người A La Hán, của địa vị chứng đắc "Hóa thành". Đối với Đại thừa "Bảo sở" hãy còn phải nổ lực mà đi, sẽ thấy được ánh bình minh rực rỡ, soi vọng lưng trời và một chân trời trong sáng chói chang muôn hồng nghìn lục, lung linh rạng rỡ của ánh hoàng hôn: NHẬT MỘT HOÀNG CHIẾU !

Thế cho nên học chân lý "vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh" chưa đủ. Mà phải học hiểu Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, cũng bằng trí tuệ đích thực, do công phu tư duy quán chiếu của chính mình. Nếu không tu học được như vậy, bốn chân lý lại trở thành bốn thứ điên đảo, bốn ý niệm lộn sòng: Cái "Thường" tưởng "Vô thường". Cái "Vô thường" lại tưởng "Thường". "Tịnh" lại cho là "Bất tịnh". Cái "Bất tịnh" tưởng là "Tịnh". Đó là lý do, là điều kiện mà nhà văn Kim Dung sáng tạo cho sự sai lầm ấy qua cái từ "Tẩu hỏa nhập ma" ! Tức là tu luyện không đúng chánh pháp , tu sai lạc thành "khùng" !

Tóm lại phẩm TỨ ĐẢO ở kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đinh ninh dạy rõ rằng: Ngoài chân lý "vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh" còn phải học bốn chân lý "THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH" nữa. Chưa hết. Khi đã có ý thức để nhận thức KHỔ, LẠC; THƯỜNG, VÔ THƯỜNG; NGÃ, VÔ NGÃ; TỊNH, BẤT TỊNH" còn phải áp dụng GIỚI học, ĐỊNH học, TUỆ học; còn phải hành xử VĂN, TƯ, TU để quán chiếu, tư duy thì mới đem lại cho người đệ tử Phật kết quả an vui, giác ngộ, giải thoát bất tư nghì hiện ở cõi đời này./.