Phẩm 16: BỒ TÁT

Sunday, 18 August 202410:19 AM(View: 40)
Phẩm 16: BỒ TÁT
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông

PHẨM THỨ MƯỜI SÁU
BỒ TÁT

Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Này Thiện nam tử! Ánh sáng mặt trời mặt trăng sáng hơn hết trong các ánh sáng. Ánh sáng kinh Đại Bát Niết Bàn ưu việt đối với ánh sáng của các khế kinh. Ánh sáng kinh Đại Bát Niết Bàn chiếu vào tâm khảm của chúng sanh, thì dầu chúng sanh đó chưa phát tâm Bồ đề, nhưng kinh Đại Bát Niết Bàn này có thể làm nhân duyên cho tâm Bồ đề.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn! Ánh sáng kinh Đại Bát Niết Bàn chiếu vào tâm khảm của những người phạm tội tứ trọng, ngũ nghịch và chiếu vào người tu tập các pháp lành, trì giới thanh tịnh. Hai trường hợp này, đối với nhân Bồ đề có gì sai khác ?

Phật dạy: Thiện nam tử! Chỉ trừ hạng nhất xiển đề, còn những chúng sanh khác được nghe kinh Đại Bát Niết Bàn đều có thể làm nhân cho Bồ đề, không có gì sai khác. Ví như một căn nhà tối có đèn, một căn nhà tối không đèn, khi ánh mặt trời mọc chiếu sáng bình đẳng khắp nơi, bấy giờ ánh sáng của hai căn nhà như nhau không có hơn kém. Do nghĩa đó, ánh sáng của kinh Đại Niết Bàn làm nhân Bồ đề bình đẳng cho tất cả chúng sanh. Bởi lẽ người đã trồng sâu gốc rễ lành, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật mới được nghe kinh Đại Niết Bàn. Người căn lành kém ít, phước mỏng không thể nghe được kinh Đại Niết Bàn. Vì đây là một việc lớn, một nhân duyên trọng đại. Tại sao ? Tại vì đây chính là kho tàng bí mật rất sâu của chư Như Lai. Vì Đại Niết Bàn tức là Phật tánh vậy.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn! Những gì làm nhân Bồ đề cho người chưa phát tâm Bồ đề ?

Phật dạy: Thiện nam tử ! Nếu có người nghe kinh Đại Niết Bàn mà chưa phát khởi lòng tin, bỗng bị phải một biến cố cực kỳ sợ hãi, hoặc sự kiện khổ đau cùng cực, thậm chí trong cảnh chiêm bao. Trong cơn nguy biến hãi hùng, một niệm khởi tâm hướng về Tam bảo, nhớ những điều trong kinh dạy: Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ khởi niệm quy y. Nên biết, người này Bồ đề tâm đã nẩy mọng, nứt mầm, theo thời gian mà thành tựu nhân Bồ đề, và tương lai người này thẳng tiến trên đường Bồ tát đạo.

Do nghĩa trên, biết rằng oai thần của kinh Đại Niết Bàn, làm nhân Bồ đề cho người chưa phát tâm Bồ đề.

Này Thiện nam tử! Như bầu hư không bỗng nhiên vẩn đục, cuồn cuộn mây đen kéo đến tuôn mưa, nơi ruộng thấp đồng bằng, hoa màu, ruộng lúa đượm nhuần tươi tốt, ao hồ đầy nước, chúng sanh ở những nơi đó đều được lợi ích. Những nơi đất mô, đồi trọc, đỉnh núi gò cao, dù có mưa to nước cũng không đọng lại. Kinh Đại thừa Đại Niết Bàn vi diệu này có thể trưởng dưỡng nhuần khắp chúng sanh, làm nảy nở tâm Bồ đề. Chỉ có hàng Nhất xiển đề không nảy nở tâm Bồ đề, không được phần nào lợi ích. Như hạt giống đã cháy, dù có gặp mưa, cũng không sao nứt mộng sanh cây. Như núi cao, đồi nỏng không giữ nước, không thấm nhuần cho ruộng lúa vườn cây được.

Này Thiện nam tử! Ví như cây bạch đàn, cây trâm bầu, cây lòng mứt, dầu chặt nhánh, đốn cây, nhưng rồi đâm chồi mọc lên như cũ, không như cây cau, cây dừa đốn rồi, không thể mọc lại. Những chúng sanh được nghe kinh Đại Niết Bàn này dù phạm bốn tội trọng, năm tội vô gián, vẫn có thể sanh nhân Bồ đề. Hàng nhất xiển đề thì không như vậy. Dù được nghe kinh Niết Bàn vi diệu cũng không sanh nhân Bồ đề. Ví như muỗng múc chè, dù trải qua nhiều năm tháng, chè cũng không làm cho muỗng có vị ngọt.

Này Thiện nam tử! Ví như Lương y biết rành tám khoa trị bệnh, có thể trị lành tất cả các bệnh, nhưng không thể chữa trị cho người quyết định chết. Chư Phật, Bồ tát có thể cứu độ tất cả chúng sanh có tội lỗi, nhưng không thể cứu độ cho hạng nhất xiển đề!

Này Thiện nam tử! Ví như có người ở trong biển lớn, ngồi thuyền muốn đi qua, nếu xuôi gió thuận buồm thì trong khoảnh khắc có thể qua được trăm nghìn dặm. Nếu chẳng có gió thuận buồm xuôi, dầu ngồi thuyền trải nhiều năm tháng cũng chẳng rời khỏi chỗ cũ, lại còn có lúc thuyền hư, lái gẫy, chìm đắm mà chết. Chúng sanh ở nơi biển lớn sanh tử ngu si, ngồi trên thuyền "công đức", nếu gặp gió mạnh Đại Niết Bàn thì có thể đến bờ giải thoát giác ngộ nhanh chóng. Bằng chẳng gặp kinh này sẽ phải luân chuyển mãi trong sanh tử ưu bi, hoặc có lúc phá hư thuyền "công đức", phải đọa tam đồ: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Thiện nam tử! Theo chỗ biết của ông: Con rắn khi lột xác, nó có chết chăng ?

-Bạch Thế Tôn! Rắn không chết.

- Này Thiện nam tử! Như Lai phương tiện thị hiện dứt bỏ cái thân hòa hợp bất an này, ai có thể nói: Rằng Như Lai vô thường diệt tận?

- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.

- Như Lai ở cõi Diêm Phù Đề thị hiện bỏ thân như rắn kia lột bỏ lớp da già suy thoái cũ. Người có trí nên hiểu Như Lai thường trụ như rắn kia lột da mà không có chết!

Này Thiện nam tử! Ví như người thợ kim hoàn, sử dụng vàng ròng, làm các món đồ trang sức tùy theo ý mình. Như Lai ở trong hai mươi lăm cõi, vì hóa độ chúng sanh khỏi dòng sanh tử, thị hiện các thứ sắc thân tùy ý tự tại. Vì vậy, Như Lai có đức hiệu VÔ BIÊN THÂN. Dù thị hiện các thứ sắc thân, nhưng Như Lai vẫn là thường trụ không biến đổi.

Này Thiện nam tử ! Như cây am la, một năm ba lần biến đổi. Có lúc trổ bông rực rỡ, có lúc thay lá xanh tươi, có lúc điêu tàn như khô chết. Nhưng thực ra cây am la không chết. Như Lai ở trong ba cõi hiện ba thứ sắc thân, tương tợ như vậy. Có lúc mới giáng sanh, có thời khôn lớn, đến lúc lại hiện nhập Niết bàn. Dù thấy vậy, nhưng thân Như Lai không có bị vô thường chi phối.

Ca Diếp Bồ tát tán thán: Lành thay! Lành thay! Đúng như lời Phật dạy: Như Lai thường trụ không biến đổi.

Này Thiện nam tử! Như Lai có mật ngữ rất sâu khó hiểu, như TIÊN ĐÀ BÀ là mật ngữ của nhà vua. Mật ngữ TIÊN ĐÀ BÀ chỉ bốn thứ: Muối, nước, chén và ngựa. Là quan hầu có trí, đắc lực của vua, phải hiểu rành mật ngữ ấy trong lúc vua cần:

Lúc vua muốn rửa tay, gọi "tiên đà bà": dâng nước.
Lúc vua ăn, gọi "tiên đà bà": dâng muối.
Lúc vua ăn xong, muốn uống nước, gọi "tiên đà bà": dâng chén.
Lúc vua muốn du hành, gọi "tiên đà bà" liền đem ngựa dâng vua.

Quan hầu có trí phải rành hiểu ý vua trong mỗi lúc. Hệ kinh điển Đại thừa cũng có bốn nghĩa "vô thường" như mật ngữ của nhà vua kia vậy.

Khi nói Như Lai sắp nhập Niết bàn. Người trí nên biết đây là Như Lai vì người chấp THƯỜNG mà nói, nhằm dạy cho các Tỳ kheo tu pháp quán VÔ THƯỜNG.

Khi nói chánh pháp rồi sẽ diệt mất. Người trí nên biết đây là Như Lai vì người chấp LẠC mà nói như vậy, nhằm dạy các đệ tử tu pháp quán KHỔ.

Có khi Như Lai nói: Nay Như Lai có bệnh và Như Lai đang khổ tâm, vì tăng chúng bất hòa. Người trí nên biết, đây là Như Lai vì người chấp NGÃ mà nói như vậy, nhằm dạy các đệ tử tại gia, xuất gia nên tu tập pháp quán VÔ NGÃ.

Khi Như Lai dạy: Là đệ tử Phật, hãy nên tu tập pháp "quán KHÔNG". Người trí nên biết đây là Như Lai muốn dạy: GIẢI THOÁT ĐÍCH THỰC là vượt ra ngoài hai mươi lăm cõi. Do nghĩa này, cho nên KHÔNG còn gọi là "bất động". Vì tướng giải thoát không có KHỔ, không có VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ….

KHÔNG ở đây chính là không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc. Vì vậy, giải thoát tức KHÔNG. KHÔNG tức giải thoát.

Cho nên GIẢI THOÁT còn gọi là THƯỜNG TRỤ, THANH LƯƠNG, BẤT BIẾN.

Đức Phật cũng dạy rằng: Tất cả chúng sanh đều có NHƯ LAI TÁNH, người trí nên biết đây là Như Lai dạy PHÁP THƯỜNG, muốn cho các Tỳ kheo tu tập pháp THƯỜNG. Các Tỳ kheo tùy thuận tu tập như vậy, nên biết người này thật là đệ tử của Phật, biết rành tạng Như Lai vi mật, như quan hầu có trí biết rành ý muốn của nhà vua.

Này Thiện nam tử! Nhà vua kia có mật ngữ như vậy, huống là Như Lai mà lại không có ! Vì vậy, cho nên giáo pháp vi mật của Như Lai khó mà biết được. Chỉ có người trí mới hiểu được rằng Phật pháp rất sâu xa vi diệu, chẳng phải hạng bạc địa phàm phu trong đời mà có thể hiểu được dễ dàng!

Này Thiện nam tử! Ví như cây Ba la xa, cây Ca ni ca, cây A thúc ca, gặp lúc nắng hạn thì không sanh hoa trái, nhẫn đến các sinh vật dưới nước, trên đất thảy đều khô héo và chết, vô phương cứu.

Với kinh Đại Niết Bàn cũng vậy. Sau khi Như Lai diệt độ, có những chúng sanh phước mỏng đức kém, không nhận biết được giá trị thậm thâm vi mật của kinh này. Họ không có lòng tôn trọng trân quí. Vì vậy, phước đức suy mòn như cây cỏ và sinh vật ở vào thời điểm đại hạn, không còn khả năng sinh trưởng.

Lúc chánh pháp sắp diệt, bấy giờ có ác hạnh Tỳ kheo chẳng biết kho tàng bí mật Như Lai, chễnh mảng, biếng nhác, chẳng đọc tụng thọ trì tuyên dương kinh Đại Niết Bàn, thật chẳng khác kẻ cướp ngu si, vất bỏ châu báu vàng ròng mà mang gánh lấy nồi nhôm, chảo sắt, lò đất, quả là bọn người đáng thương xót và buồn cười.

Chỉ có các Bồ tát, đối với kinh này, không chấp văn tự, tùy thuận nghĩa chân thật, vì chúng sanh mà giảng nói với tinh thần vô úy ở giữa cõi đời...

Này Thiện nam tử! Như đứa gái chăn bò bán sữa, vì muốn nhiều lợi nên thêm hai phần ba nước vào sữa, rồi bán cho đứa gái chăn bò khác. Đứa gái chăn bò kia lại thêm hai phần ba nước, rồi bán lại cho đứa gái ở ngoại thành. Đứa gái ở ngoại thành này, thêm hai phần ba nước nữa, rồi lại bán cho đứa gái ở trong thành. Đứa gái này lại thêm hai phần ba nước rồi đem ra chợ bán. Bấy giờ có người cần sữa tốt để đãi khách đến chợ để mua. Đứa gái bán sữa đòi giá đắt. Người mua nói sữa này pha nhiều nước quá lẽ ra không đến giá đó. Nhưng nay nhằm lúc tôi phải đãi tân khách nên phải đành mua. Mua xong, đem về nhà nấu cháo, không có chút mùi sữa nào! Dù không có chút mùi sữa nhưng cũng ngàn lần hơn vị chát, vị đắng hoặc hôi. Vì vị sữa hơn hết trong các vị.

Này Thiện nam tử ! Sau Như Lai nhập Niết bàn chánh pháp chưa dứt, kinh này sẽ lưu hành rộng rãi ở cõi Diêm Phù Đề. Lúc bấy giờ có các ác Tỳ kheo sao lược kinh này, thêm bớt làm mất mùi vị của chánh pháp. Những người này dù đọc tụng kinh, nhưng lại che dấu chất vị Đại thừa, lọc bỏ yếu nghĩa thâm mật của Như Lai, đem lời thế gian vô nghĩa, thêu dệt thêm thắt vào nhằm phục vụ ý đồ lợi dưỡng. Nên biết, các Tỳ kheo ác, họ là bè đảng của ma. Họ thọ dụng tám vật bất tịnh, cung phụng đời sống ô trọc khổ đau, còn tuyên bố phỉnh phờ rộng rãi với người đời: Rằng Như Lai cho chúng tôi nhận chứa...Như đứa gái chăn bò pha nhiều nước vào trong sữa. Cũng như vậy, các ác Tỳ kheo đem lời thế tục xen tạp vào kinh này, làm cho chúng sanh chẳng được nghe kinh điển chơn chánh, lời nói chơn chánh, chánh pháp vi diệu của Như Lai để tôn trọng, tán thán, cung kính cúng dường. Ác Tỳ kheo này, vì lợi dưỡng mà không lưu truyền rộng rãi kinh này. Dù có lưu truyền cũng chỉ được chút ít phần chánh pháp, như các đứa gái nọ xoay vần bán sữa. Để rồi nấu cháo sữa mà không có mùi vị sữa, của khổ chủ đáng thương kia.

Kinh Đại thừa Đại Niết Bàn này có thể sẽ cũng như vậy, lần lượt giáo nghĩa sâu xa cũng sẽ mờ nhạt lạt lẽo không còn khí vị. Dù không khí vị vẫn hơn những kinh điển khác cả vạn lần, như cháo không mùi sữa vẫn hơn ngàn lần vị chát, đắng...Vì kinh Đại thừa Đại Niết Bàn là đứng đầu đối với kinh điển Như Lai dạy cho hàng Thanh văn trong chín bộ kinh. Như vị của sữa bò hơn hết trong các vị. Vì nghĩa đó, kinh này tên gọi: ĐẠI THỪA ĐẠI NIẾT BÀN.

Này Thiện nam tử! Người tiếp nhận vui vẻ tư tưởng kinh Đại thừa Đại Niết Bàn là người trượng phu có ý chí trượng phu. Vì kinh này có tướng trượng phu, tức là chỉ rõ về Phật tánh của mọi người. Người không nhận biết được Phật tánh của mình, Như Lai nói đây là người không có nam tánh, không có tướng trượng phu. Trái lại, nếu người nữ biết rõ mình có Phật tánh. Chính mình đủ tư cách tu hành thành Phật. Nên biết người đó dù là người nữ mà Như Lai nói người đó là trượng phu, nam tử!

Kinh Đại thừa Đại Niết Bàn này chứa nhóm vô lượng vô biên công đức lành, chẳng thể nghĩ bàn, vì kinh này nói rõ tạng bí mật của Như Lai. Thế nên, người đệ tử Phật chơn chánh hãy nên siêng năng tu tập kinh này.

Lúc bấy giờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tô! Nay ông Thuần Đà còn có tâm nghi mà chưa dám hỏi Phật. Ngưỡng mong Như Lai vì ông giảng giải.

Phật dạy: Tâm nghi của Thuần Đà thế nào, hãy trình bày rõ ra, Như Lai sẽ vì các ông mà dạy rõ !

Văn Thù Sư Lợi thưa: Ông Thuần Đà nghĩ rằng: "NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ" là do sức tri kiến thấy biết được Phật tánh. Nếu do thấy biết Phật tánh mà được THƯỜNG TRỤ thì lúc trước chưa thấy biết lẽ ra là VÔ THƯỜNG. Nếu lúc trước là VÔ THƯỜNG thì lúc sau cũng vô thường. Như những vật trong đời trước không , nay có, có rồi trở thành không. Những vật như vậy đều là vô thường. Do nghĩa đó, cho nên có thể biết: Chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn không sai khác gì nhau! (ý nói đều vô thường tất cả).

Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Trước có nay không
Trước không nay có
Không có nghĩa chơn thực
Ba đời đều có

Này Thiện nam tử! Do nghĩa như vậy, chư Phật, Bồ tát Duyên Giác, Thanh Văn cũng có sai khác, cũng không sai khác.

Văn Thù Sư Lợi vui mừng tán thán: Thật rất thâm sâu! Đúng như lời Như Lai dạy. Nay con mới biết rõ chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn cũng có sai khác mà cũng không sai khác.

Ca Diếp Bồ tát bạch: Thế Tôn ! Cúi mong Thế Tôn dạy rõ về ý nghĩa: Có sai khác và không sai khác ấy, để chúng sanh được lợi ích, an lạc.

Phật dạy: Thiện nam tử! Hãy lóng nghe và suy nghĩ chín chắn. Như Lai sẽ vì ông mà nói nghĩa ấy.

Này Thiện nam tử ! Ví như nhà ông trưởng giả nuôi nhiều bò sữa đủ các màu lông, sai một người chăn nuôi chăm sóc. Nhà có việc cần sữa, người chăn nuôi vắt sữa của tất cả con bò, đựng chung trong một thùng. Người này thấy sữa đồng một màu trắng, lấy làm lạ, suy nghĩ rằng: Bầy bò mỗi con đều khác màu nhau, sao sữa của chúng đều đồng màu ? Người ấy suy gẫm kỹ, và kết luận rằng: tất cả đều do nhân duyên, phước báu của chúng sanh, khiến cho sữa kia có cùng một màu, đồng một vị.

Này Thiện nam tử! Hàng Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn đồng có một Phật tánh như sữa của bầy bò đồng có một màu. Vì ba bậc người ấy đồng diệt sạch hết phiền não như nhau. Nhưng các chúng sanh thì nghĩ rằng: Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn ắt phải có sai khác. Lại cũng có hàng phàm phu và người Thanh văn tự suy nghĩ: Rằng đã có ba thừa, sao lại không có sai khác ? Rồi trong một phút giây "hốt giác" tuệ giác phát sanh, người này tự hiểu rằng: Thừa dù có ba, nhưng tất cả ba thừa đồng một Phật tánh, như người chăn bò đã hiểu: "màu sữa đồng một, là do nhân duyên phước báo của chúng sanh !"

Này Thiện nam tử! Ví như quặng vàng nấu lọc tiêu vong hết tạp chất, còn lại vàng ròng, thì giá trị của nó không có thứ kim loại nào bằng. Hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều thành tựu một mục đích đến: PHẬT TÁNH, vì đoạn trừ hết phiền não, như quặng vàng loại trừ hết tạp chất còn lại một tánh chất duy nhất: vàng ròng. Do nghĩa đó, suy biết tất cả chúng sanh đồng một Phật tánh không có sai khác.

Ca Diếp Bồ tát bạch: Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vậy Phật cùng chúng sanh có gì sai khác ? Vả lại, nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vì cớ gì ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên...hàng A La Hán, nói chung, đều nhập Niết bàn bậc TIỂU ? Hàng Duyên giác thì nhập Niết bàn bậc TRUNG. Các hàng Bồ tát thì được nhập Đại Niết Bàn ? Ba hạng người như vậy, nếu đồng một Phật tánh cớ sao lại chẳng đồng nhập Đại Niết Bàn vô thượng như chư Phật Thế Tôn ?

Này Thiện nam tử! Niết Bàn của chư Phật Thế Tôn, chẳng phải quả chứng của Thanh văn, Duyên giác đạt đến được. Do nghĩa đó, cho nên nhập Đại Niết Bàn gọi là THUẦN THIỆN, cũng gọi là VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN. Tiểu và trung hai thứ Niết bàn này, lúc thế gian trống rỗng, không có Phật ra đời, người Thanh văn, Duyên giác vẫn có chứng nhập hai thứ Niết Bàn bậc Tiểu và bậc Trung ấy.

Gọi là có sai khác, vì Niết Bàn bậc Tiểu và bậc Trung, chưa đủ chất "thuần thiện", cho nên đối với nghĩa Niết bàn còn có dư thừa (Hữu dư y Niết bàn).

Không sai khác, vì tánh Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát, tương lai cùng đến một đích: Vô Thượng Niết Bàn, như nước các dòng: khe, lạch, sông, hồ đều chảy về biển.

Do nghĩa đó, Như Lai nói: Tánh của Tam thừa cũng sai khác, cũng không sai khác. Bởi vì tánh Thanh văn ví như sữa, Duyên giác như "ya-ua", Bồ tát như "pho mát", Phật ví như "bơ". Tên và hương vị khác nhau, nhưng tất cả cùng có tánh dinh dưỡng và từ chất sữa của một con bò. Riêng tánh của chúng sanh phàm phu thì vô minh và Phật tánh còn trong thời kỳ lẫn lộn chưa tách phân rõ ràng hai tướng. Ví như bò cái mới sanh: máu biến thành sữa, sữa sanh từ máu, máu sữa chưa có tướng trắng, đỏ phân minh.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Trong thành Câu Thi Na có gã Chiên đà la tên là Hoan Hỉ. Theo lời Phật dạy: Người này đã được thọ ký sớm thành Phật, một trong ngàn Phật ở thế giới Ta bà. Chỉ một lần phát khởi tín tâm mà thành quả lớn lao như thế! Cớ sao Như Lai không thọ ký cho Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Mục Kiền Liên mau thành Phật đạo ?

Này Thiện nam tử! Sự thọ ký của Như Lai: Mau thành hay lâu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, không có giá trị hơn kém, cũng không có ý nghĩa hên xui. Có người phát tâm cầu thành Phật, Như Lai thọ ký cho họ sớm thành. Có hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, phát nguyện mãi mãi hộ trì chánh pháp, như ông A Nan chẳng hạn, đã phát nguyện:

"Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
"Như nhất chúng sanh vị thành Phật
"Chung bất ư thử thủ nê hoàn..."

Do nghĩa đó, được thọ ký mau thành Phật không phải là một cơ may "vinh dự" hay một thành tích đáng "hãnh diện" như chúng sanh phàm phu lầm tưởng!

Này Thiện nam tử! Ví như đại thương gia đem ngọc trân châu ra chợ bán, những đứa ngu si thấy ngọc không biết, xem rẻ và khinh cười. Thương gia truyền trao, cho biết về giá trị của ngọc. Bọn ngu nghe càng khinh cười chế diễu, bảo nhau: Đó không phải trân châu hay pha lê thì có gì gọi là quí hiếm ! Cũng tương tợ như vậy, hàng Thanh văn, phàm phu nếu nghe thọ ký mau thành Phật, họ sẽ giải đãi xem thường, như bọn ngu không biết giá trị của trân châu.

Mặt khác, còn có một sự thật khó nói ra: Đời vị lai có hàng Tỳ kheo không thể siêng năng tu tập pháp lành. Vì nghèo cùng khốn khổ mà xuất gia, để mưu cầu lợi dưỡng. Thân tâm khinh tháo tà mạn, siễm cuống. Hạng người này nếu nghe Như Lai thọ ký hàng Thanh văn mau thành Phật, họ sẽ cả cười khinh mạng chê bai. Đây là hạng người phá giới ngụy tu, thường tự khoe mình chứng thánh, hơn người. Vì lẽ đó, cho nên Như lai tùy người, tùy nguyện mà thọ ký hoặc mau hoặc lâu thành Phật đó thôi.

Này Thiện nam tử! Như Lai vì chúng sanh, làm cha mẹ cho tất cả chúng sanh, qua các chủng loại, thân hình: hai chân, bốn chân, nhiều chân, không chân. Hai cánh, bốn cánh, lông mao, lông vũ...kể cả chúng sanh thủy tộc...Như Lai dùng một âm thanh vì chúng mà thuyết pháp. Những loài chúng sanh khác nhau kia đều tự tiếp thu và nhận hiểu qua cái hiểu của chính mình...và đều tán thán: Như Lai hôm nay vì tôi mà thuyết pháp. Đó là ý nghĩa "Như Lai là cha mẹ" tất cả chúng sanh.

Này Thiện nam tử! Như Lai tùy thuận mọi loài khiến cho chúng sanh an trụ trong chánh pháp. Thuận theo cái thấy biết của chúng sanh mà thị hiện các hình tướng. Nhưng không vì vậy mà Như Lai có thêm bớt, sanh diệt...đồng với pháp hữu vi!

Là đệ tử Phật, không phải hạng sanh manh, người có trí phải hiểu: NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ.

Người mà biết được NHƯ LAI THƯỜNG TRỤ là người từ lâu đã tu tập kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn rồi. Người này dù là nhục nhãn, Phật nói chính người này đã sử dụng cái thấy của thiên nhãn . Thấy biết PHẬT THƯỜNG TRỤ, PHÁP THƯỜNG TRỤ, TĂNG THƯỜNG TRỤ, là cái thấy biết của Bồ tát hiện ở cõi đời.

TRỰC CHỈ

Là một Bồ tát, không thể không tu tập kinh Đại thừa Đại Niết Bàn. Nói cách khác, không biết kinh Đại Niết Bàn, không tu học theo kinh Đại Niết Bàn thì không có chủng tử Đại thừa, không có chất liệu Bồ tát, tâm hành Bồ tát không có thì không là Bồ tát được.

Bởi vì Bồ tát có nghĩa là:

Đại đạo tâm thành tựu chúng sanh.
Hữu tình giác.
Giác hữu tình.

Thế cho nên, nếu không tu học kinh Đại thừa Đại Niết Bàn thì ba đức tánh của một Bồ tát không do đâu có được.

*Kinh Đại Niết Bàn là kho tàng bí mật của Như Lai, Phật dạy những điều mà ba bốn mươi năm trước, không thể đem ra dạy phổ cập cho mọi hạng người. Những giáo lý:

Phật tánh thường trụ.
Pháp tánh thường trụ.
Tăng tánh thường trụ.

Tam bảo thường trụ là thứ giáo lý trước đây Phật chưa hề đề cập.

Pháp thân Như Lai thường trụ.
Niết bàn thường trụ.

Đó cũng là thứ giáo lý bốn mươi lăm năm trước Như Lai vẫn cất dấu kín trong kho tàng bí mật cho đến ngày nay.

Sau mấy mươi năm giáo hóa, đào tạo một số người có khả năng tiếp thu nghe hiểu, tin nhận và tu học giáo lý Đại thừa phương đẳng, Như Lai mới mở kho tàng bí mật đem nguồn giáo lý Đại thừa Đại Niết Bàn trao dạy cho những hạng người chủng tánh Đại thừa, căn cơ Đại thừa, có khả năng thẳng tiến trên con đường BỒ TÁT HIỆN Ở CÕI ĐỜI.

*Nghe hiểu, tin nhận, dù công hạnh tu tập chưa sâu, người này đã gieo rắm hạt nhân Bồ đề rồi.

Thậm chí ở vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, trong môi trường hổn loạn khổ đau mà nhớ: Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ, khởi một niệm "quay về", coi như hạt nhân Bồ đề của người này được gieo xuống đất. Nhân duyên thời tiết thuận lợi, hạt giống ấy sẽ nẩy mọng lên thành cây.

*Ngược lại, ở kinh Đại thừa Đại Niết Bàn, có thể nói từ đầu kinh đến chấm dứt lời dạy cuối cùng, đức Thế Tôn ân cần khuyên răn, nhắc nhở gần như tột ý cạn lời: Rằng NHẤT XIỂN ĐỀ là một bệnh tật, nếu mắc phải rồi thì đấng Vô thượng y vương cũng vô phương cứu chữa.

Vậy, "nhất xiển đề" là ai?

Nhất xiển đề là người không có đức tin đối với Tam bảo. Hoặc có đức tin, nhưng đức tin phi chân lý. Không phù hợp chánh pháp.

Nhất xiển đề đối với nhân Bồ đề, ví như hạt giống bị rang không còn khả năng nẩy mọng lên cây. Hoặc như hạt giống gieo trên núi đá, trên đồi cao không có mưa sương mà bị hạn hán.

Vì vậy, nhân Bồ đề của hạng người nhất xiển đề không có điều kiện sanh và phát triển. Nhất xiển đề đối với nhân Bồ đề, kinh thường ví dụ quở trách: "Hạt giống bị rang, mầm mọng bị thối”!. Do nghĩa đó, người đệ tử Phật là người hữu duyên, hữu phúc, là người đã từng gieo sâu hạt giống Bồ đề trong đất tốt, phân hoại, mới bình an thẳng tiến trên đường giải thoát giác ngộ, chớ không phải ngẫu nhiên mà có được!

Tuy nhiên, là đệ tử chân chánh của Phật không được hiểu lầm Phật, phải học và hiểu kỹ đức Bổn sư của mình. Đức Phật không hề loại bỏ hàng nhất xiển đề ra ngoài "khả năng thành Phật". Bởi vì lời dạy của Như Lai là chân lý. Mà chân lý thì không có ngoại lệ đối với bất cứ ai. Như Lai từng tuyên cáo trước nhân loại: Rằng tẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH, thì nhất xiển đề cũng được hưởng quyền lợi PHẬT TÁNH của mình. Do vậy, nhất xiển đề vẫn có Phật tánh, vẫn có nhân Bồ đề, vẫn có khả năng thành Phật.

Thực lý mà nói, nhất xiển đề không có cái "tự tánh nhất xiển đề" riêng để cho một người nào. Lý do trở thành nhất xiển đề chỉ là người chưa phát khởi đức tin, hoặc phát khởi đức tin sai đối tượng, đức tin không có chân lý, trở thành mê tín huyển hoặc, chỉ có huyền thoại mà không có sự thật. Nhất xiển đề đối với quả giải thoát giác ngộ của Phật đạo, họ là người gieo lầm giống, chớ không phải không có hạt giống. Họ gieo giống không đúng chỗ, không hợp thời và khiến cho hạt giống khô cháy vì hạn, ung thối vì ngập lụt mà mất đi giống Bồ đề đấy thôi.

*Là đệ tử Phật hãy tư duy, quán chiếu thấy Như Lai qua PHÁP THÂN THƯỜNG TRỤ mới gọi là người đệ tử Phật, thấy được Phật. Thấy Như Lai qua ứng thân thị hiện, là chưa đích thực thấy Phật Như Lai.

Ứng thân thị hiện đó, kinh Đại Niết Bàn, Phật nói đó là một trong VÔ BIÊN THÂN của Như Lai. Còn đích thực Như Lai, phải là CHÂN NHƯ THÂN, bất sanh bất diệt...Đại thừa Khởi tín luận gọi đó là: "NHẤT PHÁP GIỚI ĐẠI TỔNG TƯỚNG PHÁP MÔN THỂ". Thế cho nên Như Lai không có già chết. Dù nhục nhãn của mọi người ai cũng thấy Như Lai có nhập Niết bàn !

*Nhà vua có mật ngữ "Tiên đà bà". Chỉ một mật ngữ thôi, thế mà có bề tôi giỏi, nhà vua vẫn toại ý vừa lòng.

Như Lai có bốn mật ngữ: VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, KHỔ, KHÔNG, Như Lai cũng cần có những người đệ tử thông minh, trí tuệ, để tự mình thọ dụng cái thành quả của sự hiểu biết chân chánh, trong tiến trình tu tập và truyền bá chánh kiến cho mọi người. Người đệ tử chân chánh của Phật phải hiểu mật ngữ của Phật. Làm được việc đó Phật mới an lòng, cũng như nhà vua vừa lòng, có được quan hầu hiểu rõ mật ngữ của vua.

VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, KHỔ, KHÔNG là bốn thang thuốc trị bốn chứng bệnh chấp: THƯỜNG, NGÃ, LẠC, HỮU của chúng sanh khi còn học lớp "Bán tự giáo".

Khi kiến thức của đệ tử trưởng thành, Như Lai dạy: "bốn mật ngữ" ấy nay đã lỗi thời, không nên ứng dụng nữa...phải bỏ nó đi!

Người quí tộc, người trí, uống sữa, người ta uống sữa nguyên chất, không uống những thứ sữa bị pha loãng. Bởi lẽ sữa pha loãng chất dinh dưỡng còn lại chẳng được bao nhiêu, chưa nói: còn có thể bị ngộ độc.

Kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn là hệ giáo lý "mãn tự", cô đọng tất cả nghĩa lý thậm thâm vi diệu trong kinh này, vì đây là kho tàng bí mật của Như Lai ! Kinh Đại Bát Niết Bàn là tinh hoa, cốt tủy của tất cả khế kinh, là sữa nguyên chất đối với tất cả sữa.

Người trí uống sữa Đại Niết Bàn, các thứ sữa khác dù có đủ, nhưng để cho hạng khách...chịu uống sữa pha...của cô gái...nọ!

*Hiện tượng thì vô thường, Bản thể thì chân thường. Hiện tượng là "tướng" tùy duyên. Bản thể là thể "bất biến". Thể chân thường bất biến duyên khởi sanh ra hiện tượng tùy duyên. Hiện tượng tùy duyên, mà không bao giờ tách rời ngoài bản thể bất biến. Cho nên Như Lai dạy:

"Trước có nay không
"Trước không nay có"

Ý nghĩ đó của nhiều người nghĩ, không có chân lý. Đó chỉ là cái thấy thiển cận. Nó như cái thứ "lý lịch trích ngang". Dựa vào "lý lịch trích ngang" của ai đó để rồi nhận xét đánh giá tư cách phẩm hạnh đạo đức của con người đó, chắc chắn là không chính xác, không trung thực với cái "gen" trong người anh ta vốn có.

Theo giáo lý đạo Phật. Phật dạy: "Ba đời đều có"

Có nghĩa là sự hiện hữu tồn tại khách quan của hiện tượng vạn hữu, của vũ trụ nhân sinh là hiện hữu tồn tại: VÔ THỈ VÔ CHUNG. Dựa trên lý lịch trích ngang là hoàn toàn sai sự thật.

Do nghĩa đó, người trí phải hiểu:

PHẬT THƯỜNG TRỤ. PHÁP THƯỜNG TRỤ. TĂNG THƯỜNG TRỤ. NIẾT BÀN THƯỜNG TRỤ. Không nghe được vậy, không hiểu như vậy là hạt giống cháy, mầm thối, trở thành hạng "Nhất xiển đề".

*Vô Thượng Bồ Đề. Vô Thượng Niết Bàn: Đích đến là một. Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, ba thừa, hành trình thì có ba hạng người. Không sai khác khi "đến đích". Có sai khác trên lộ trình đi. Vì vậy, Như Lai dạy:

Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật "cũng sai khác", mà cũng "không sai khác". Nhân tu, kẻ tu trước, người tu sau, kẻ tu cao, người tu thấp. Vì vậy, sự sai khác đó là lý tất nhiên. Còn PHẬT TÁNH, tất cả mọi người đều có thì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là thành quả chung của những ai đạt đến tột đỉnh cao GIÁC NGỘ thì đương nhiên thọ dụng như nhau. Vì vậy, Như Lai nói: "cũng không sai khác".

* Niết bàn của Thanh văn Tiểu thừa. Niết bàn của Duyên giác Trung thừa. Niết bàn của Bồ tát Đại thừa Hữu thượng. Niết bàn của Phật Thế Tôn Vô thượng. Nhìn qua nhục nhãn ai cũng thấy rõ "giai cấp" tôn ti để rồi hoặc đề bạt khen thưởng, hoặc cảnh cáo rồi "đì" theo kiểu nhà binh chịu "hệ thống quân giai" ấy. Mà trái lại, đó là biểu hiện tánh công bình, dân chủ đạt đến đỉnh cao:

"Làm theo năng lực, hưởng theo lao động”

Dựa trên khả năng tu hành giác ngộ, giải thoát của mỗi người. Niết Bàn trong Phật giáo không ai có sẵn để ban tặng cho ai!

*Việc Như Lai thọ ký, không phải một ân huệ Như lai ban tặng cho ai, mà là Như lai nói lên một sự thật. Không phải Như Lai có "thọ ký" ai đó mới được thành Phật. Như Lai không "thọ ký" thì ai đó tu hành không được thành Phật. Không phải vậy, Giáo lý của đạo Phật trước sau như một, phủ nhận cái "tánh thiêng liêng bọt mép" của đấng vô hình vĩnh cửu không bao giờ hiện thực, không giúp ích được gì đối với con người và cuộc sống của con người.

Thọ ký của Như Lai, nói lên sự thật dựa trên khả năng, hành động của con người và Như Lai "tùy thuận" thiện nguyện của con người ấy mà nói lên sự thật ấy.

*Người tiếp nhận và thâm nhập nguồn giáo lý "nhật một hoàn chiếu" của kinh Đại thừa Đại Niết Bàn rồi, vấn đề thành Phật sớm, thành Phật muộn không còn được đặt ra. Bởi vì, tự biết rõ:

"...Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn..."
"...Tùy sở trụ xứ thường an lạc..."

"...Phật pháp tại thế gian"
"...Bất ly thế gian giác..."

"Lô sơn vân vũ Chiết Giang triều
"Vị đáo thiên ban hận bất tiêu
"Đáo dĩ hoàn lai vô biệt sự
"Lô sơn vân vũ Chiết Giang triều" ./.