31 Bài Thực Tập Thiền

Thứ Sáu, 29 Tháng Tư 20161:05 CH(Xem: 4163)
31 Bài Thực Tập Thiền
31 BÀI THỰC TẬP THIỀN
(Trích "Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức")
Thích Nhất Hạnh

1.Thực Tập Cười Hàm Tiếu

1a/ - Cười hàm tiếu khi mới thức dậy buổi sáng: Treo một cành lá hay bất cứ dấu hiệu nào, hoặc một chữ "Cười" trên trần   nhà hoặc trên nóc mùng để khi thức dậy buổi mai là có thể trông thấy. Khi trông thấy dấu hiệu đó lập tức mỉm cười, động thời nắm lấy hơi thở,   thở ra và hít vào ba hơi. Trong khi vẫn duy trì nụ cười hàm tiếu và   theo dõi hơi thở, thở ra nhẹ.

1b/ - Cười hàm tiếu trong lúc rỗi rảnh : Trong  phòng đợi, trên xe buýt hay đứng chờ ở bưu điện. Bất cứ ngồi hay  đứng,  nhìn vào một em bé, một ngọn lá, một bức tranh bất cứ một vật gì  ít di  động và mỉm cười trong khi thở ra và thở vào thật nhẹ ba lần.  Duy trì nụ  cười hàm tiếu trong suốt thời gian đó và nghĩ rằng em bé,  ngọn lá, bức  tranh hay vật gì mình đang nhìn chính là bản thân mình.

1c/ - Cười hàm tiếu trong khi nghe một bản nhạc : Nghe một bản nhạc hai hay ba phút, chú ý tới lời nhạc, tình, ý và tiết   tấu. Mỉm cười và thở ra, thở vào thật nhẹ trong suốt thời gian đó. 1d/ - Cười hàm tiếu trong khi bực bội.  Khi ý thức được mình đang bực bội, liền tức khắc nở ra nụ cười hàm   tiếu. Thở ra vào thật nhẹ, duy trì nụ cười suốt trong ba hơi thở ra vào.  

 

2.Tập buông thư

2a/ - Tập buông thư trong thế nằm. Nằm ngửa  trên mặt phẳng không có nệm, không có gối. Duỗi hai tay theo  thân thể,  duỗi hai chân. Mỉm cười hàm tiếu. Duy trì nụ cười hàm tiếu.  Thở ra, hít  vào thật nhẹ, chú ý tới hơi thở. Buông thả tất cả bắp thịt  trên toàn  thân thể. Tuồng như cục sáp thật mềm xuống, mềm như một tấm  lụa tẩm  sương. Buông thả hoàn toàn. Chỉ duy trì hơi thở và nụ cười hàm  tiếu.  Nghĩ tới một con mèo nằm xụ trong bếp, đụng tới thì êm như một  đám bông  gòn. Duy trì trong hai mươi hơi thở.

2b/ - Buông thư trong tư thế ngồi. Ngồi kiết  già, bán già, ngồi xếp bằng, ngồi trên hai bàn chân, hai gối  quỳ hoặc  ngồi trên ghế dựa buông thõng hai chân. Mỉm cười hàm tiếu.  Duy trì nụ  cười và buông thả như trong 2a.

 

3.Tập thở

3a/ - Thở bụng. Nằm xuôi  hai chân như trong tư  thế 2a. Thở đều và nhẹ bình thường. Chú ý đến  động tác của bụng. Bắt  đầu hít vào và phình bụng lên để đưa không khí  vào đầy phổi. Cho không  khí vào phần trên của phổi trong khi ngực lên  và bụng bắt đầu xuống.  Đừng thở hơi dài quá, sẽ mệt. Tập mười hơi thở  như vậy Hơi thở ra dài  hơn hoi thở vào.

3b/ - Thở trong khi đếm bước chân. Đi bộ từng  bước thong thả trong công viên, dọc bờ sông hay trên đường  làng, thở  bình thường. Đếm xem mỗi hơi thở ra và mỗi hơi thở vào bình  thường của  mình lâu được mấy bước. Thử đếm như vậy từ chín đến mười  lần. Bắt đầu  cho hơi thở ra dài thêm một bước. Khi hít vào, đừng kéo  dài hơi thở, cứ  để tự nhiên. Thử đếm xem hơi thở vào có thay đổi không ?  thở chừng mười  hơi ra vào như vậy. Bây giờ cho hơi thở ra dài thêm một  bước nữa là hai.  Để ý xem hơi thở vào có dài thêm một bước không...  chỉ kéo dài hơi thở  vào khi cảm thấy có nhu cầu phải làm như thế. Thở  mười hơi như vậy rồi  trở lại thở bình thường. Năm phút sau mới tiếp  tục. Hễ khi nào thấy hơi  mệt thì trở lại bình thường. Sau một vài tuần,  hơi thở ra vào có thể dài  bằng nhau. nhưng mỗi khi thở ra ngực và bụng  như nhau, chỉ nên thở từ  10 đến 20 lần rồi trở lại bình thường.

3c/ - Đếm hơi thở Ngồi  trong tư thế kiết già  hay bán già hay đi bộ. Khởi sự thở vào nhè nhẹ, ý  thức rằng đây là mình  đang thở vào hơi thở thứ nhất. Từ từ thở ra, ý  thức rằng đây là mình  đang thở ra hơi thở thứ nhất, hít vào và nhớ là  nên thở bụng. (3a) Khởi sự hít vào hơi thở thứ hai. Thở đến hơi thở  thứ mười hai thì bỏ và  đếm lại số một. Hoặc có thể đếm ngược từ 10 đến  1. Thở nửa chừng mà bị  loạn tưởng làm cho quên số thì bắt đầu trở lại.

3d/ - Theo dõi hơi thở trong khi nghe nhạc. Nghe một bản nhạc. Thở đều, nhẹ, dài, theo dõi hơi thở, làm chủ hơi  thở.  Trong khi vẫn nhận thức được tiết tấu và tình cảm của bản nhạc.  Không  bị tình tiết của bản nhạc ảnh hưởng đến hơi thở và quyền chủ động  của  mình.

3e/ - Theo dõi hơi trong khi nói chuyện.  Thở đều,  nhẹ và dài, theo dõi hơi thở trong khi nghe va tiếp chuyện  một người bạn  và trả lời những câu hỏi của người ấy, làm như ở 3d.

3f/ - Theo dõi hơi thở. Ngồi kiết già, bán già  hoặc đi bộ. Khởi sự thở vào nhè nhẹ (nhớ thở  bụng) một hơi thở bình  thường và quán niệm mình đang thở vào một hơi  thở bình thường. Thở ra và  quán niệm mình đang thở ra một hơi thở bình  thường. Thở ba lần như vậy.  Khởi sự hít vào một hơi thở dài hơn và quán  niệm : mình đang thở vào  một hơi thở khá dài. Thở ra và quán niệm :  mình đang thở ra một hơi thở  khá dài. Thở ba lần như vậy. Bây giờ khởi  sự theo dõi hơi thở của mình  một cách chăm chú, biết rõ động tác của  bụng và phổi và theo dõi sự ra  của không khí. Quán niệm : mình đang hít  vào và đang theo dõi từ đầu tới  cuối hơi thở vào. Mình đang thở ra và  đang theo dõi từ đầu tới cuối hơi  thở ra.  Thở như vậy 20 lần, trở  lại bình thường và sau năm phút,  tập lại như cú. Nhớ duy trì nụ cười  trong khi thở. Khi tập đã quen thì  chuyển sang 3g.

3g/ - Thở an định thân tâm để thực hiện hỷ lạc. Ngồi kiết già hay bán già. Mỉm cười hàm tiếu. Theo dõi hơi thở như 3e.   Khi tâm đã yên, khởi sự thở nhẹ và quán niệm : mình đang thở vào và làm   cho hơi thở lắng dịu, an tịnh. Mình đang thở ra và làm cho toàn thân   lắng dịu, an tịnh. Thở ba lần như vậy rồi quán niệm : mình đang thở vào   và thấy thân tâm an lành, mình đang thở ra và thấy thân tâm an lành.   Mình đang thở vào và thấy thân tâm thảnh thơi, an lạc, mình đang thở ra   và thấy thân tâm thành thơi, an lạc. Duy trì quán niệm từ năm phút tới   ba mươi phút hay một giờ, tùy khả năng và công phu luyện tập. Chú ý  khởi  sự tập và kết thúc thực tập phải rất thong thả nhẹ nhàng. Khi muốn  kết  thúc phải nhè nhẹ chuyển mình, lấy hai tay xoa nhè nhẹ lên mặt,  trên  mắt, xoa bóp các bắp thịt trên chân trước khi chuyển sang thế ngồi  bình  thường. Ngồi duỗi hai chân một lát rồi mới khởi sự đứng dậy.

 

4.Quán niệm tư thế của thân thể và động tác thân thể

4a/ - Quán niệm tư thế của thân thể. Có thể  thực hiện phép này bất cứ nơi đâu và lúc nào. Khởi sự chú ý đến  hơi thở,  thở nhẹ và sâu hơn bình thường. ý thức được tư thế của thân  thể mình :  đang đứng, nằm. ngồi. Ai ở đâu, đứng ở đâu, nằm ở đâu. ý  thức luôn chủ  đích hay sự không có chủ đích của những tư thế ấy. Ví dụ  mình biết mình  đang dừng trên một sườn đồi xanh để hóng mát hoặc để  thở, hoặc đứng chỉ  để là đứng không có chủ đích gì cả.

4b/ - Quán niệm khi pha trà. Nấu trà và pha  một bình mời khách hay để mình tự uống, cử dộng chậm  rãi và ý thức không  bỏ qua một chi tiết nào hay động tác nào của mình.  Biết là tay trái cầm  quai ấm, biết là tay phải đang múc nước đổ vào ấm.  Thở nhẹ, sâu hơn  bình thường và nắm lấy hơi thở mỗi khi có loạn tưởng.

4c/ - Quán niệm khi rửa bát. Rửa bát thật  thong thả, mỗi cái bát là một đối tượng của quán niệm.  Xem mỗi cái bát  quan trọng như chân như, như phật tánh. Theo dõi hơi  thở để đối trị loạn  tưởng. Tuyệt đối đừng có ước muốn rửa bát cho chóng  xong. Xem rửa bát  là việc quan trọng nhất trên đời. Rửa bát là thiền  quán. Nếu không rửa  bát trong thiền quán thì cũng không biết thiền quán  trong lúc ngồi.

4d/ - Quán niệm khi giặt áo. Đừng giặt một lần  nhiều áo quá. Lấy độ chừng ba bốn bộ đồ bà ba ra  giặt. Tìm tư thế đứng  hay ngồi thuận lợi nhất mà không mỏi lưng. Giặt  áo thong thả, chú ý tới  từng động tác của bàn tay, cánh tay. Chú ý bọt  xà phòng và nước. Giặt áo  và xả nước xong thì tâm tư cũng trong sạch  nhẹ nhàng như áo. Nhớ duy  trì nụ cười và nắm láy hơi thở khi tâm bị  loạn động.

4e/ - Quán niệm khi dọn nhà. Chia công việc  thành từng lớp. Thu xếp gọn đồ dạc và sách vở, lau chùi  cầu tiêu, lau  chùi phòng tắm, quét nhà, lau sạch bàn ghế và kệ tủ. Để  thật nhiều thì  giờ cho mỗi thứ lớp. Động tác chậm lại, chậm bằng ba lần  thường ngày.  Tập trung vào động tác và vào đối tượng động tác. Ví dụ  sau khi sắp một  cuốn sách vào chỗ của nó trong kệ sách. Nhìn cuốn sách,  biết cuốn sách  là cuốn gì, biết mình đang nhìn cuốn sách và đang muốn  sắp cuốn sách vào  chỗ của nó, biết tay mình đang đưa ra cầm cuốn sách,  biết tay mình đang  đặt cuốn sách vào chỗ của nó trên kệ sách. Tránh  những động tác mạnh và  liên tục làm cho mình mệt. Duy trì ý thức nơi  hơi thở, nhất là khi tâm  bị loạn động tìm về quá khứ hoặc vị lai.

4f/ - Quán niệm khi tắm. Để ra từ nửa giờ đến  45 phút để tắm. Đừng có một giây nào hối hả. Từ  lúc sửa soạn bồn tắm cho  đến lúc mặc xong áo
quần sạch lên mình, giữ  cho động tác thật nhẹ nhàng  chậm rãi. Để ý tới mọi phần vị trên cơ thể,  không phân biệt và e ngại,  chú ý tới từng gáo nước trên cơ thể. Theo  dõi hơi thở. Thấy rằng bồn tắm  cũng mát và thơm như một hồ sen mùa hạ  thơm mát và tinh khiết.

4g/ - Quán niệm về hạt sỏi. Ngồi tư thế kiết  hay bán già, điều phục hơi thở như ở bài tập 3e. Sau  khi điều phục hơi  thở, khởi sự buông thư tất cả các bắp thịt và duy trì  nụ cười hàm tiếu  như ở bài tập 2a. Tưởng mình là một hạt sỏi đang rơi  thật nhẹ nhàng  trong một dòng sông, không cần có chú ý tới động tác và  vẫn rơi xuống  tìm chỗ an nghỉ hoàn toàn nơi đáy sông có cát mịn. Quán  tưởng như thế  nào cho đến khi thân tâm hoàn toàn an ổn như hạt sỏi đã  đạt tới đáy sông  và đang nằm an nghỉ trên cát mịn. Duy trì trạng thái  an lạc này trong  nửa giờ, trong khi vẫn không rời nụ cười và hơi thở.  Không một tư tưởng  nào về quá khứ hay về tương lai lôi kéo được mình ra  khỏi sự an ổn thanh  tịnh của hiện tại. Kể cả ước muốn thành Phật hay  cứu độ chúng sanh. Vũ  trụ đang tôn trọng giờ phút hiện tại vì biết  trong sự thành Phật và cứu  độ chúng sanh chỉ có thể thực hiện trên căn  bản của tâm trạng bình an,  vô ưu tư hiện tại.

4h/ - Tổ chức ngày quán niệm. Chọn một ngày  trong tuần, thứ bảy hay chủ nhật, tùy hoàn cảnh. Bỏ tất  cả mọi công việc  trong tuần, không hội họp, không tiếp khách, chỉ làm  mọi việc trong nhà  như dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, lau chùi theo  phương pháp chỉ dẫn ở  phần 4e. Tiếp theo là pha trà (4b) và uống trà.  Có thể đọc kinh, viết  thư cho người thân hay đi bộ. Sau đó tập thở (3b,  3c, 3e). Trong trường  hợp đọc kinh hay viết thư hãy nên chú ý, đừng để  kinh và thư kéo mình  đi. Quán niệm để giữ chủ quyền của tâm ý. Đọc  kinh và ý thức được mình  đang đọc gì, viết thư và ý thức được mình đang  viết gì. Cũng như trong  trường hợp nghe nhạc hay tiếp chuyện (xem 3d  và 3e). Buổi chiều tự làm  lấy thức án, ăn rất nhẹ hay chỉ ăn vài trái  cây hoặc uống nước trái cây.  Thiền tọa một giờ trước khi ngủ. áp dụng  bài tập 4g hay 3e hoặc 3g.

Trong ngày nên đi bộ hai lần, mồi lằn  từ nửa giờ tới 45 phút. Buổi  tối đừng đọc sách trước khi ngủ. Thay vì  đọc sách, tập buông thư như 2a  trong 15 phút, chú ý tới hơi thở. Thở  nhẹ và đừng dài quá. Theo dõi sự  lan xuống của bụng và ngực, mắt nhắm.

Mỗi động tác trong ngày phải chậm hơn thường nhật ít ra là hai lần.

 

5.Quán niệm về duyên khởi

5a/ - Quán niệm về ngũ uẩn. Tìm một hình ảnh  của mình hồi còn thơ ấu. Ngồi lại trong tư thế kiết  già hay bán già.  Khởi sự theo dõi hơi thở theo 5c. Sau khi thở được hai  mươi lần. Khởi sự  chú ý vào tấm hình trước mặt. Sử dụng ký ức làm sống  dậy những hình ảnh  ngũ uẩn của tự thân trong thời gián bé thơ, thời  gian của tấm hình,  những hình ảnh về sắc thân, cảm thọ, suy tư, hà nh  nghiệp và nhận thức  của mình trong thời gian đó. Tiếp tục duy trì hơi  thở, đừng để kỷ niệm  lôi kéo và che lấp chánh niệm. Duy trì quán niệm  trong 15 phút, duy trì  nụ cười hàm tiếu rồi khởi sự đi vào quán niệm tự  thân : ý thức về sầc  thân, cảm thọ, suy tư, hành nghiệp và nhận thức  của mình trong giai đoạn  hiện tại. Thấy rõ hợp thể ngũ uẩn của mình rồi  đặt câu hỏi : Ta là ai?  vững chãi trong tự thân như vùi một hạt giống  tốt trong đất mịn có tưới  tắm. Câu hỏi "Ta là ai?" không giao cho trí  năng giải đáp bằng suy luận  mà giao cho toàn thể của hợp thể ngũ uẩn ôm  ấp. Đừng thúc đẩy trí nàng  đi tìm giải đáp suy luận. Chỉ bằng lòng với  câu hỏi thận trọng, nghiêm  mật và tha thiết trong tự thân. Quán niệm  trong 15 phút, duy trì hơi thở  nhẹ và khá sâu để đừng bị lôi cuốn theo  suy tư triết học.

5b/ - Quán niệm về ta : Ngồi trong đêm tối,  trong phòng riêng hay bên bờ sông, trên đồi cỏ hay  bất cứ nơi nào vắng  người, khởi sự nắm lấy hơi thở theo 3e, quán niệm :  "Ta sẽ dùng ngón tay  trỏ chỉ vào ta" và thay vì dùng ngón tay trỏ chỉ  vào sắc thân mình thì  dùng ngón tay trỏ chỉ ra ngoài.

Quán niệm để thấy được "ta" ngoài sắc  thân ta. Quán niệm để thấy  sắc thân ta có mặt ngay phía trước mặt trong  rừng cây, trong lá cỏ, nơi  dòng sông. Quán niệm để thấy được ta trong  vũ trụ và vũ trụ trong ta,  có vũ trụ nên có ta, có ta nên có vũ trụ,  không có sự sanh ra cũng không  có sự chết đi. Duy trì nu cười hàm tiếu,  nắm vững hơi thở. Quán niệm từ  10 - 20 phút

5c/ - Quán niệm bộ xương của chính ta. Nằm  trên giường, trên sàn .nhà hay trên cỏ trong tư thế ưa thích, đừng  dùng  gối. Khởi sự nắm lấy hơi thở. Quán niệm sắc thân mình chỉ còn là  một bộ  xương trắng nằm phơi trên mặt đất. Duy trì nụ cười hàm tiếu và  tiếp tục  nắm lấy hơi thở. Quán niệm thịt da mình đã tan rã hết, rằng  sắc thân  mình đang có là sắc thân của 80 mươi năm về sau. Dĩ nhiên là  một bộ  xương trắng nằm trong lòng đất hay trên mặt đất. Thấy rõ xương  đầu,  xương vai, xương sườn. xương sống, xương quai sanh, xương ống  chân, từng  đốt ngón chân, xương cánh tay, xương ngón tay từng đốt. Duy  trì nụ  cười, thở thật nhẹ, tâm hồn bình tĩnh. thấy bộ xương không phải  là ta,  sắc thân không phải là ta đồng nhất với sự sống.  Sự sống  vĩnh cửu  nơi cỏ cây, nơi con người, nơi chim thú, nơi khí trời, nơi  sóng biển,  nơi các vì sao. Bộ xương chỉ là một phần nhỏ của ta. Ta có  mặt mọi nơi  và mọi lúc. Ta không phải chỉ là sắc thân, cảm thọ, suy tư,  hành nghiệp  và nhận thức. Duy trì quán niệm từ 20 phút đến nửa giờ.

5d/ - Quán niệm về người thân yêu mới chết. Trên ghế hay trên giường, ngồi hay nằm trong tư thế ưa thích. Khởi sự   nắm lấy hơi thở theo 3c. Quán niệm về thân thể người mình thương yêu đã   chết cách đây mấy tháng hay đã hai ba năm. Biết rõ thịt da của chính   mình đang còn. Biết rõ nơi mình còn đủ sự hội tụ của sắc thân, cảm thọ,   tư duy, hành nghiệp và nhận thức.  Quán thông về sự liên hệ giữa   mình với người ấy ngày xưa và trong giờ phút này. Duy trì nụ cười hàm   tiếu và nắm lấy hơi thở. Quán niệm trong mười lăm phút.

5e/ - Quán niệm về "không". Ngồi trong tư thế  kiết già hay bán già, tập thở cho điều hòa như trong  3c và 3g. Quán niệm  về tính cách vô thường của hợp thể ngũ uẩn. Sắc  thân, cảm thọ. tư duy,  hành nghiệp và nhận thức. Xét từng uẩn một, từ  uẩn này sang uẩn khác.  Thấy được tất cả đều chuyển biến vô thường và vô  ngã. Sự tụ họp của ngũ  uẩn cũng như sự tụ họp của mỗi hiện tượng đều  vâng theo định luật duyên  khởi. Sự họp tan cũng giống như sự họp tan  của những đám mây trên đỉnh  núi. Quán niệm để đừng bám vào hợp thể ngũ  uẩn. Biết rằng yêu thích hay  chán ghét cũng là những hiện tượng thuộc  hợp thể ngũ uẩn. Quán niệm để  thấy rõ ngũ uẩn là vô thường, vô ngã và  trống rỗng ("không"). Nhưng ngũ  uẩn cũng rất là mầu nhiệm như bất cứ  hiện tượng nào trong vũ trụ, mầu  nhiệm như sự sống có mặt khắp mọi nơi.  Quán niệm để thấy được ngũ uẩn  không thực sự sinh diệt, còn mất vì ngũ  uẩn cũng là chân như. Quán  niệm để thấy vô thường là một khái  niệm, vô ngã cũng là một khái niệm.  "không" cũng là một khái niệm để  không bị ràng buộc bởi vô thường, vô  ngã và "không". Quán niệm để thấy  được không, cũng để thấy được chân như  của "không" cũng không khác với  chân như của ngũ uẩn. Phép quán này nên  tập sau khi đã thuần thục các  phép quán 5a, 5b, 5c và 5d. Thời gian tùy  vào nhu yếu của người thực  tập, có thể một giờ, có thể 2 giờ.

 

6a/ Quán niệm về người mình oán ghét nhất. Ngồi trong tư thế kiết già hay bán già. Thở và duy trì nụ cười hàm tiếu   như trong 2b. Tìm trong ký ức hình bóng của người mình thường nghĩ đã   làm mình khổ đau nhiều nhất. Lấy hình bóng người ấy làm đối tượng quán   niệm. Quán niệm về sắc thân, cảm thọ, tư duy, hành nghiệp và nhận thức   của người ấy. Quán từng nét sắc thân người ấy, quán niệm những nét mà   mình cho là dễ ghét, độc địa nhất. Quán về cảm thọ, quán niệm xem người   đó sung sướng thế nào và đau khổ thế nào trong đời sống hàng ngày. Quán   về tư duy, quán niệm xem người đó tư duy theo khuôn khổ nào. Quán về   hành nghiệp, quán niệm xem những động lực đá thúc đẩy người đó ước muốn   và hành động. Quán về nhận thức, quán niệm xem những nhận định của  người  ấy có cởi mở tự do không, có bị ảnh hưởng bởi thành kiến, sự bưng  bít.  sự giận hờn và tình trang mất tự chủ hay không. Quán niệm  như thế  cho đến khi cảm thấy sự thương xót nảy sinh trong tâm như một  giếng nước  ngọt mới đào được và giận hờn nơi mình tan biến. Lập lại bài  tập nhiều  lần.

6b/ - Quán niệm về khổ đau do vô minh tạo ra. Ngồi lại trong tư thế kiết già hay bán già. Khởi sự điều hòa hơi thở   theo 3e. Chọn trường hợp của một người, một gia đình hay một xã hội đau   khổ nhất mà mình biết để làm một đối tượng quán niệm. Trong trường hợp   lấy một người để quán thấy nguồn gốc của tất cả những đau khổ thì có  thể  bắt đầu từ những đau khổ sắc thân (bệnh tật, nghèo khổ, đói, đau  đớn  xác thân) đến những đau khổ cảm thọ (ray rứt, sợ hãi, ganh tị, căm  thù,  dằn vặt), rồi những đau khổ tư duy (bi quan, xoay quanh những đối  tượng  đen tối, nhỏ hẹp). Những đau khổ hành nghiệp (thúc đẩy bởi sợ  hãi, chán  nản, tuyệt vọng, căm thù) và đau khổ nhận thức (bưng bít bởi  hoàn cảnh,  bởi sự khổ đau, bởi người xung quanh, bởi giáo dục, tuyên  truyền, bởi sự  thiếu tự chủ của tâm ý). Quán niệm đến khi sự xót thương  nảy sinh trong  tâm như một giếng nước ngọt, thấy rằng người ấy khổ đau  vì bị hoàn cảnh  và vô minh che lấp, từ đó phát tâm giúp đỡ người ấy  thoát khỏi tâm  trạng và hoàn cảnh hiện tại bằng những phương tiện im  lặng và tế nhị  nhất.

Trong trường hợp lấy một gia đình để  quán thì cũng theo phương pháp  trên, nhưng quán niệm từng cá nhân một,  hết cá nhân này đến cá nhân  khác. Thấy được sự đau khổ của họ là sự đau  khổ của chính mình. Thấy  rằng mình không trách móc ai trong cộng đồng  đó. Thấy rằng mình phải  giúp họ thoát khỏi tình trạng bằng những phương  tiện im lặng và tế nhị  nhất.

Trong trường hợp lấy xã hội để quán, ví  dụ cuộc chiến tranh Việt Nam  thì quán niệm để thấy rằng hầu hết những  người Việt Nam tham dự cuộc  chiến đều là nạn nhân dù họ thuộc phía nào.  Thấy được rằng mỗi người ở  cả hai phía đều sung sướng khi thấy cuộc  chiến chấm dứt. Thấy được rằng  các ý thức hệ chống đối nhau đều là sản  phẩm của tư tưởng Tây Phương.  Súng đạn, vũ khí hai bên sử dụng cũng là  sản phẩm và tặng phẩm của Tây  Phương. Thấy rằng chiến tranh Việt Nam là  do sự tranh chấp của các cường  quốc, do kỹ nghệ vũ khí Tây Phương, do  hệ thống kinh tế đế quốc và do  sự thiếu thức tỉnh, thiếu khôn khéo của  người Việt Nam mà còn tiếp diễn.  Thấy rằng quyền sống của con người là  quyền căn bản, sự giết nhau không  giải quyết được gì. Kinh Duy Ma Cật  nói : "Vào thời đại đao binh - Phát  khởi tâm từ bi - Giáo hóa cho mọi  người - Đừng giữ tâm thù nghịch - Khi  có giao tranh lớn - Dùng uy lực  của mình - Làm sức hai bên ngang -  Thuyết phục để hòa giải".

Quán niệm cho tới khi mọi trách móc căm  thù tan biến, lòng thương  phát smh như một giếng ngọt trong tâm, phát  nguyện làm công việc tỉnh  thức và hòa giải đồng bào bằng những phương  tiện vô tướng và tế nhị  nhất.

6c/ - Quán niệm về hành động vô tướng. Ngồi lại  trong tư thế kiết già hay bán già. Khởi sự điều hòa hơi thở  theo 3c.  Chọn một dự án phát triển nông thôn hay bất cứ dự án phụng sự  nào mà  mình cho là quan trọng để làm đối tượng quán niệm. Quán niệm về  chủ  đích, phương pháp và nhân sự của công tác. Về chủ đích, quán niệm  để  biết ràng công tác là để lợi sinh, để làm bớt khổ đau, để đáp ứng từ  bi,  mà không phải là để thỏa mãn ước muốn được ngợi khen. Về phương  pháp,  quán niệm để thấy đây là sự cộng tác giữa người và người, không  phải là  hành động ban bố tùy sở thích người làm. Về nhân sự, quán sát  để thấy  rằng trong công tác, nếu mình còn thấy mình là kẻ phụng sự và  những  người kia được phụng sự thì mình vẫn còn là hành động vì mình mà  không  thật sự vì người. Kinh Bát Nhã nói : "Bồ Tát độ chúng sanh mà  thực ra  không có chúng sanh nào được độ cả". Đó là Phát tâm làm việc  theo tinh  thần vô tướng của Bát Nhã.

6d/ - Quán niệm về hành xả : Ngồi lại trong tư  thế kiết già hay bán già. Khởi sự điều phục hơi thở  theo 3c. Hồi tưởng  những thành tích đáng kể trong đời mình, những gì  mình đã thực hiện được  và lần lượt quán niệm về từng thành tích một.  Quán niệm về tài năng  mình, về đức độ mình, về sự hội tụ những điều  kiện đã khiến mình thành  công. Quán niệm để thấy những khinh xuất,  những ngã mạn đã từng phát  sinh từ ý niệm mình có công trạng. Quán niệm  duyên khởi để thấy đó không  phải là những công trình của mình mà là sự  hội tụ của nhiều nhân duyên.  Quán niệm để thấy rằng mình không tự  chuyên chở được những thành tích  ấy, thành tích ấy không phải là cái ta  của mình. Quán niệm để thấy mình  tự do. không bị ràng buộc vào chúng,  chỉ khi nào buông thả được chúng  mình mới thật sự thanh thoát và không  còn bị chúng xoay chuyển. Hồi  tưởng những thất bại, những chua cay nhất  trong đời mình và lần lượt  quán niệm về từng thất bại một. Quán niệm  về tài năng của mình, đức độ  của mình, sự thiếu thốn những điều kiện  khiến mình thất bại. Quán niệm  để thấy những e ngại, những mặc cảm đã  phát smh từ ý niệm mình thua kém  trong sự thực hiện những điều đó. Quán  niệm duyên khởi để thấy đó không  phải thực sự là sự kém cỏi của mình  mà là sự thiếu thốn những điều kiện  thuận lợi. Quán niệm để thấy riêng  mình không chuyên chở được nhưng thất  bại ấy và những thất bại ấy không  phải là cái ta của mình. Quán niệm  thấy mình tự do, không bị ràng buộc  vào chúng, rằng chỉ khi nào buông  thả được chúng, mình mới thật sự  thanh thoát và mới không còn bị chúng  đè nén.

6e/ - Quán niệm về bất xả. Ngồi lại trong tư  thế kiết già hay bán già. Khởi sự điều phục hơi thở  theo 3c. Thực tập  một trong những phép quán 5a, 5b, 5c, 5d và 5e. Quán  niệm để thấy rõ vạn  vật vô thường, vô ngã, sinh diệt biến hoại trong  từng giây từng phút.  Quán niệm để thấy rằng tuy vạn vật là vô thường,  vô ngã, sinh diệt biến  hoại trong từng giây từng phút, nhưng vạn vật  vẫn là mầu nhiệm, không bị  ràng buộc vào hữu vi mà cũng không bị ràng  buộc vào vô vi. Quán niệm để  thấy rằng Bồ Tát tuy không vướng mắc vào  ngủ uẩn và vạn pháp, nhưng  cũng không trốn tránh ngũ uẩn và vạn pháp.  Tuy có thể buông thả ngũ uẩn  và vạn pháp như buông thả tro nguội, nhưng  vẫn an trú được trên ngũ uẩn  và vạn pháp mà không bị chìm đắm bởi ngũ  uẩn và vạn pháp. Cũng như nước  trong những làn sóng không bị những làn  sóng làm chìm đắm. Quan niệm để  thấy được rằng người giác ngộ tuy không  bị nô lệ bởi công tác độ sinh  nhưng vẫn không khi nào rời công tác độ  sinh.