Cuốn 1 (Phần 1-3)

Tuesday, 10 May 20163:12 PM(View: 6465)
Cuốn 1 (Phần 1-3)
KINH LƯƠNG HOÀNG SÁM
Việt dịch: Thích Trí Quang

Mở đầu vận dụng phương pháp sám hối của "đạo-tràng từ-bi", chúng con nhất tâm đem tánh mạng mà quy y và đảnh lễ chư Phật quá-khứ, hiện-tại và vị-lai:

Nam mô Quá Khứ Tì Bà Thi Phật
Nam mô Thi Khí Phật
Nam mô Tì Xá Phù Phật
Nam mô Câu Lưu Tôn Phật
Nam mô Câu Na Hàm Mâu Ni Phật
Nam mô Ca Diếp Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.

Mệnh danh bốn chữ "đạo tràng từ bi" là do mộng thấy Di lạc thế tôn, lòng từ bi đã bao trùm hiện tại, lại lan đến vị lai, theo năng lực ấy mà đặt tên, nên không dám thay đổi (4). Phương pháp sám hối này dựa vào năng lực từ bi hộ niệm ấy là để bảo vệ Tam bảo, tiêu diệt ma quân. Chế ngự những kẻ tự cao kiêu ngạo, làm cho ai chưa có thiện căn thì có, ai có rồi thì tăng thêm, ai cố chấp tà kiến thì thoát bỏ, ai ưa thích tiểu thừa thì chấp nhận đại thừa, ai chấp nhận đại thừa thì thấy thích thú. Lại nữa, từ bi là chúa tể của các điều thiện, là chỗ quay về mà nương tựa của mọi người. Như mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng soi tỏ ban đêm, đối với mọi người, từ bi là mắt, là hướng đạo, là cha mẹ, là anh em, đem mọi người qui về "đạo Giác ngộ", làm bạn hữu chân thực cho nhau. Sự thân thiết của từ bi hơn cả ruột thịt, bởi lẽ đời đời theo nhau, chết cũng không bỏ, nên được mệnh danh là tâm lý rộng lớn và đặt danh hiệu như trên.

Hôm nay, trong đạo tràng này, tất cả đại chúng, có mặt cũng như khuất mặt, theo phương pháp sám hối thì trước tiên phải cùng lập tâm chí vĩ đại. Tâm chí ấy có mười hai điều sau đây: Một là nguyện giáo hóa tất cả sáu đường, tâm không giới hạn. Hai là nguyện báo đáp ân đức từ bi, việc không giới hạn. Ba là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người không phá hủy đối với giới luật của Phật. Bốn là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người không khinh dễ đối với các bậc tôn trưởng. Năm là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người không tức giận đối với chỗ mình sinh sống. Sáu là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người không đố kỵ;ối với sắc tướng kẻ khác. Bảy là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người không tiếc lẫn đối với tài sản trong thân và ngoài thân. Tám là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người, thực hành bất cứ phước đức gì, không vì mình mà vì tất cả những kẻ không ai che chở. Chín là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người không vì bản thân mà thi hành bốn hạnh nhiếp hóa. Mười là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người biết cứu giúp và đem yên vui lại cho những kẻ cô độc, tù đày và bịnh khổ. Mười một là nguyện đem năng lực thiện hạnh này chiết phục những kẻ đáng chiết phục và nhiếp hóa những kẻ đáng nhiếp hóa. Mười hai là nguyện đem năng lực thiện hạnh này làm cho mọi người, sinh ra ở cảnh ngộ nào, cũng tự nhớ mà phát bồ đề tâm và làm cho tâm chí ấy liên tục. Ngữa mong các vị có mặt khuất mặt, hoặc phàm hoặc thánh, đồng che chở, đồng nhiếp thọ, làm cho chúng con thanh tịnh được những điều chúng con sám hối, thành tựu được những điều chúng con cầu nguyện, tâm bằng tâm chư Phật, nguyện bằng nguyện chư Phật, hết thảy lục đạo tứ sinh tiếp theo mà thỏa mãn chí nguyện mong cầu tuệ giác vô thượng.


Phẩm 1: Qui Y Tam Bảo

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, ai nấy đều phải đề khởi ý thức tỉnh ngộ. Hãy nhớ vũ trụ vô thường, thân hình chuyển biến. Trẻ và mạnh sẽ phải già và yếu. Đừng ỷ thị sắc đẹp mà tự trầm mình trong những hành động nhơ bẩn. Vạn vật biến động, tất cả đều qui về cái chết, trên trời dưới đất có ai còn được. Tuổi trẻ thì đẹp, thì tươi và thơm, nhưng, những thứ ấy đâu phải là sự bảo đảm cho thân mạng con người. Sự sống là bởi kết hợp thì tất phải rã mất. Sinh già bệnh chết đến không ước hẹn, ai là kẻ ngăn chận cho ta. Tai họa bất thần ai mà thoát khỏi. Bất kể sang hèn, chết là vì thế, và chết là sình và thối, không thể ngửi nổi. Như vậy, cưng dưỡng thân này một cách vô lối thì đâu có ích gì. Nếu không nỗ lực thực hiện việc làm vượt bậc thì không có cách gì làm cho thân này giải thoát.

Đệ tử chúng con tự nghĩ, thân như sương mai, mạng như nắng chiều. Cuộc đời nghèo nàn, không một ưu điểm đáng ca tụng. Trí không sáng suốt như vĩ nhân, thức không thấu triệt như thánh hiền. Lời nói không có cái hoa myՠcủa sự trung hòa nhân hiếu, việc làm không có cái tiết tấu của sự tiến thoái cao thấp. Do đó mà mạo muội lập chí nguyện sám hối và cảm phiền đến liệt vị nhân giả. Ngữa mong đại chúng hãy hổ thẹn và lo sợ. Vì lẽ đạo tràng này có kỳ hạn, sau tiếc cũng không kịp. Rồi đây lại còn từ biệt nhau nữa (5) . Vậy xin tất cả hãy nỗ lực, sớm tối nhất tâm, đích thân phụng hiến, tinh tiến gia tăng. Chỉ điều này là khoái thích. Kính xin đại chúng giữ chặt tâm mình, khoác cho nó áo giáp nhẫn nại để được bước vào cửa ngõ Phật pháp sâu xa.

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, hãy thiết tha và cẩn trọng mà phát động tâm chí dũng mãnh, tâm chí không phóng dật, tâm chí bất động, tâm chí bao la, tâm chí vượt bậc, tâm chí đại từ bi, tâm chí ưa thích điều thiện, tâm chí hoan hỷ, tâm chí báo đáp ân đức, tâm chí hóa độ tất cả, tâm chí che chở tất cả, tâm chí giúp đỡ tất cả, tâm chí đồng đẳng Bồ tát, tâm chí đồng đẳng Như lai, nhất tâm, chí ý, năm bộ phận của cả cơ thể đều gieo xuống sát đất, phụng vì nguyên thủ, tổ quốc, dân tộc, phụng vì cha mẹ, sư trưởng, các cấp tăng sĩ, bạn hiền, bạn dữ, phụng vì loài trời, loài tiên, bốn vị thiên vương hộ vệ thế gian, những vị thiện thần và long thần thuộc tám bộ loại hộ vệ những kẻ làm lành, trừng trị những kẻ làm ác, hộ vệ những người thọ trì kinh chú, rộng ra cho đến tất cả và hết thảy, hễ có tâm có thức, thì dầu ở dưới nước, ở trên đất, hay ở trong không, vô cùng trong thì gian và vô tận trong không gian, chúng con đều phụng vì họ mà:


Qui y tất cả Phật đà khắp cả mười phương, cùng tận không giới;

Qui y tất cả Phật pháp khắp cả mười phương, cùng tận không giới;

Qui y tất cả Thánh hiền khắp cả mười phương, cùng tận không giới.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, vì lý do nào mà chúng ta cần phải qui y Tam bảo? Chư Phật Bồ tát có cái tâm đại bi vô giới hạn độ thoát thế gian, có cái tâm đại từ vô giới hạn an ủi thế gian, coi hết thảy chúng sinh như đứa con một. Tâm đại từ bi ấy không bao giờ có sự chán nản, mỏi mệt. Thường tìm việc thiện ích lợi hết thảy. Thề diệt cái lửa tham sân si của chúng sinh, giáo hóa cho họ được tuệ giác vô thượng. Chúng sinh chưa thành Phật đà thì nguyện chưa nhận địa vị ấy. Vì lý do ấy mà nên qui y Phật. Lại nữa, chư Phật thương chúng sinh quá hơn cha mẹ, nên trong kinh có nói, cha mẹ thương con, lòng thương ấy chỉ một đời, còn Phật thương muôn loài thì lòng thương ấy vô tận. Cha mẹ thấy con vong ân bội nghĩa thì hờn thì giận, lòng thương mỏng và ít đi, còn chư Phật Bồ tát không phải cách đó: thấy những kẻ ấy lòng thương càng nặng, đến nỗi vào cả trong vùng lửa dữ dội của địa ngục vô gián mà thay họ chịu vô lượng khổ. Do đó mà biết chư Phật, chư đại Bồ tát, thương chúng sinh quá hơn cha mẹ thương con. Nhưng chúng sinh vì u mê che mất giác tuệ, vì phiền não mờ mất tâm tư, không biết quay về với các ngài. Các ngài thuyết pháp giáo hóa cũng không biết tín thọ. Đến nỗi phỉ báng thô lỗ, chưa bao giờ biết nghĩ đến hồng ân của chư Phật. Vì sự không biết tín thọ Phật pháp mà sa lạc điểa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, khắp trong lửa, máu và sắt mà chịu vô lượng khổ. Hết tội được ra, tạm sinh loài người thì thân thể được trang sức bằng sự thiếu các cơ quan. Không có nước thiền định, không có kiếm trí tuệ, những trở ngại như vậy là vì không biết tín thọ Phật pháp.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, nên hiểu cái tội không biết tín thọ Phật pháp đứng đầu mọi tội lỗi khác. Chính cái tội ấy làm cho chúng ta đã trường kỳ không được thấy Phật. Ngày nay, hãy cùng nhau quyết liệt mà bẻ gãy tình ý, nổi tâm tăng thượng, sinh lòng tàm quí, đảnh lễ, khẩn cầu, sám hối tội cũ. Tội hết thì thân tâm thanh tịnh, sau đó vận dụng trí tưởng mà nhập vào cửa ngõ của sự qui y tín thọ. Nếu không vận dụng tâm ý như vậy thì ngay bây giờ e đã cách tuyệt, bế tắc, và một khi mất hướng đi này thì sẽ mênh mang, không biết bao giờ mới quay trở lại được. Như vậy, mọi người há lại không như núi thái sơn đổ xuống, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, nhất tâm mà qui y tín thọ, không còn ý tưởng nghi ngờ?

Đệ tử chúng con ngày nay nhờ năng lực từ bi của chư Phật Bồ tát mới được tỉnh ngộ, lòng rất hổ thẹn. Những tội đã làm nguyện xin từ bỏ, những tội chưa phạm nguyện xin không dám. Từ nay sắp đi cho đến ngày thành tựu tuệ giác vô thượng, phát khởi đức tin kiên cố, không cho lay chuyển nữa. Thân này bỏ rồi, hoặc sinh địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, hoặc sinh loài người loài trời, trong tam giới sinh làm đàn ông, đàn bà hay trung tính, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc thăng hoặc trầm, chịu những sự bức bách khó chịu đến đâu, cũng thề không vì cái khổ ấy mà lay chuyển đức tin ngày nay. Thà là ngàn vạn đời kiếp chịu khổ đủ cách, thề không vì cái khổ ấy mà lùi bước, đánh mất đức tin bây giờ. Ngữa mong chư Phật, chư vị Bồ tát ở địa vị cao, đồng cứu hộ, đồng nhiếp thọ, làm cho đệ tử chúng con đức tin kiên cố, đồng đẳng với tâm của chư Phật, đồng đẳng với nguyện của chư Phật, ma quân ngoại đạo hết cách phá hoại. Toàn thể đại chúng hãy cùng nhau chí tâm, đồng một nỗi thống thiết, năm bộ phận của cả cơ thể đều gieo xuống sát đất mà:


Qui y tất cả Phật đà khắp cả mười phương, cùng tận không giới;

Qui y tất cả Phật pháp khắp cả mười phương, cùng tận không giới;

Qui y tất cả Thánh hiền khắp cả mười phương, cùng tận không giới.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, hãy tập trung tâm trí lại mà nghe những lời trình bày sau đây. Người trời toàn là ảo tượng, vũ trụ thực chất huyễn hóa. Là ảo tượng nên không có kết quả chân thật, là huyễn hóa nên biến chuyển vô cùng. Không có kết quả chân thật nên chìm mãi trong dòng sông sinh tử, biến chuyển vô cùng nên trôi hoài trong đại dương ái dục. Chúng sinh như vậy, thực nặng lòng thương tưởng cho các vì Thánh. Nên trong kinh Hoa từ bi có nói, các vị Bồ tát thành tựu địa vị Phật đà là mỗi ngài có một bản nguyện. Như đức Thích tôn không hiện ra làm kẻ sống lâu mà thúc đời sống lại cho ngắn, là vì cái bản nguyện thương chúng sinh trong thế giới này, chúng sinh mà sự sống chết xảy ra chỉ trong phút chốc, nhưng lại chìm mãi mà chưa bao giờ thoát khỏi khổ hải. Nên ngài ở ngay trong thế giới này để cứu độ những kẻ quá xấu. Trong sự giáo huấn, có khi ngài đã phải dùng đến những lời cứng cỏi, khắc khổ. Không từ lao khổ mà hóa độ chúng sinh, ngài chưa bao giờ từ bỏ cái tâm nguyện cứu thế vĩ đại áp dụng những phương tiện lợi ích. Vì thế mà kinh Tam muội có nói, tâm của chư Phật là đại từ bi, từ bi mà thương là thương chúng sinh đau khổ. Khi thấy chúng sinh đau khổ thì không khác gì tim bị bắn, mắt bị đâm, nên cảm thương, khắc khoải, tìm cách bạt nhổ khổ não, làm cho họ an lạc. Lại nữa, chư Phật vì tuệ giác như nhau nên sự giáo hóa cũng như nhau. Thế nhưng, riêng đức Thích tôn được ca tụng là đấng dũng mãnh, là vì ngài nhận chịu mọi thứ khổ não để độ thoát chúng ta. Chúng ta phải biết ân đức từ bi của đức Bổn sư thật là trọng đại. Ngài ở ngay trong chúng sinh đau khổ mà giáo huấn đủ cách, ích lợi hết thảy.


Ngày nay mà chúng ta chưa được giải thoát, bước tới không được nghe tiếng nói diễn đạt về Nhất thừa, bước lui không thấy được hào quang ẩn khuất nơi Song thọ, là vì nghiệp lực trở ngại, làm cho tâm niệm của ta cách biệt với từ bi của Phật. Chúng ta hãy nghĩ mà cảm mộ ơn Phật. Chính sự cảm mộ này sẽ làm cho lòng tốt dày và đậm hơn lên. Ngay trong cảnh khổ mà chúng ta đã biết tưởng nhớ ơn Phật, nức nở, bùi ngùi, buồn tủi, cảm động, thì hãy cùng một nỗi thống thiết như nhau, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà chí tâm phụng vì nguyên thủ, tổ quốc, dân tộc, phụng vì cha mẹ, sư trưởng, thí chủ, bạn hiền, bạn ác, phụng vì loài trời, loài tiên, những vị thiện thần thông minh chính trực ở khắp trên trời, dưới đất, hay trong hư không, bốn vị thiên vương hộ vệ thế gian, long thần tám bộ hộ vệ những người làm lành và trừng trị những kẻ làm ác, hộ vệ những người thọ trì kinh chú, nói tóm, phụng vì tất cả và hết thảy chúng sinh vô tận trong không gian và vô cùng trong thì gian mà:


Qui y tất cả Phật đà khắp cả mười phương, cùng tận không giới;

Qui y tất cả Phật pháp khắp cả mười phương, cùng tận không giới;

Qui y tất cả Thánh hiền khắp cả mười phương, cùng tận không giới.


Cùng nhau quì xuống, chắp tay, lòng nghĩ, miệng nói, những lời sau đây:


Chư Phật Thế tôn,

là đấng đại thánh,

giác ngộ các pháp

một cách cùng tận,

bậc thầy vô thượng

của cả trời người,

vì vậy chúng con

hết lòng qui y.

Tất cả Phật pháp

thường trú bất diệt,

kinh luật thanh tịnh

diễn đạt pháp ấy,

thật có năng lực

trừ bịnh thân tâm,

vì vậy chúng con

hết lòng qui y.

Các vị Bồ tát

chứng địa vị cao,

bốn quả Sa môn

đã được giải thoát,

là người thật có

năng lực cứu khổ,

vì vậy chúng con

hết lòng qui y.

Tất cả Tam bảo

cứu độ thế gian,

chúng con chí thành

cúi đầu đảnh lễ.

Chúng con nguyện vì

lục đạo chúng sinh,

qui y đảnh lễ

Tam bảo vô thượng.

Lòng đại từ bi

che chở hết thảy,

làm cho hết thảy

yên vui lợi lạc:

các đấng thương xót

chúng sinh như vậy.

chúng con cùng nhau

hết lòng qui y.


Tất cả đại chúng hãy gieo xuống đất năm bộ phận của cả cơ thể, cùng tâm niệm mà bạch rằng, nguyện xin hết thảy Tam bảo trong mười phương thế giới, dùng năng lực từ bi, năng lực bản nguyện, năng lực đại thần thông, năng lực bất tư nghị, năng lực đại tự tại, nặng lực cứu độ chúng sinh, năng lực che chở chúng sinh, năng lực an ủi chúng sinh, mà làm cho hết thảy chúng sinh biết rõ rằng, hôm nay chúng con đang vì họ mà qui y Tam bảo. Nguyện nhờ năng lực của công đức này mà làm cho hết thảy chúng sinh thỏa mãn được nguyện vọng của họ: Nếu họ ở trong loài trời và loài tiên thì làm cho họ hết sạch phiền não. Nếu họ thuộc loài tu la thì bỏ được thói kiêu ngạo. Nếu họ ở trong loài người thì không còn khổ sở. Nếu họ ở trong địa ngục, ngạ quỉ hay súc sinh thì tức khắc thoát khỏi. Chúng con lại nguyện rằng, hôm nay, các loài chúng sinh, nghe hay không nghe được danh hiệu Tam bảo, hết thảy đều nhờ thần lực của Phật mà đồng được giải thoát, cứu cánh thành tựu tuệ giác vô thượng, cùng với các vị Bồ tát bước lên địa vị Đại giác.


Phẩm 2: Diệt Trừ Nghi Hoặc 

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, hãy nhất tâm nghe kyծ Nguyên lý nhân quả là ảnh hưởng lẫn nhau, cảm ứng với nhau, phát sinh cho nhau. Đó là lẽ tất nhiên, là luật nhất định. Nhưng các loài chúng sinh hành vi bất nhất, thiện ác hỗn tạp. Vì sự hỗn tạp ấy mà quả báo có tinh có thô, nghĩa là có sang có hèn, có hiền có dữ, ngàn sai muôn biệt. Vì sự sai biệt ấy mà không còn biết nổi hành vi đã tạo. Vì sự không biết ấy mà nghi hoặc nổi lên: Tinh tiến giữ giới, lẽ đáng trường sinh, sao lại yểu tử? Đồ tể tàn hại, lẽ đáng chết yểu, sao lại sống lâu ? Thanh liêm thì giàu sang mới phải, sao lại nghèo khổ? Tham lam trộm cướp, lẽ đáng khốn cùng, sao lại thấy sung túc hơn lên? Những nỗi nghi hoặc như vậy, ai mà không than, không nghĩ? Đâu có biết rằng nguyên nhân là vì hành vi cũ. Nên trong kinh Kim cang bát nhã có nói, ai thọ trì kinh này mà bị người khinh dễ, là vì kẻ ấy đời trước có những ác nghiệp đáng lẽ đời sau phải sa đọa ác đạo, nhưng đời này bị khinh dễ thì ác nghiệp ấy liền được tiêu diệt. Nguyên nhân làm cho có kẻ không thâm tín lời giáo huấn ấy trong kinh, nghi hoặc nổi lên như trên, là vì vô minh mê hoặc, làm cho suy tư điên đảo. Họ cũng không tin ở trong tam giới là khổ, thoát ngoài tam giới là vui. Họ đắm say cuộc đời, cho toàn là lạc thú. Nhưng, nếu là lạc thú thì vì ý gì mà ngay trong đó lại phát sinh cảm giác đau khổ? Ăn uống quá độ là thở khó, bụng sình. Y phục lại còn mệt hơn: lạnh mà lụa mỏng đã oán, nóng mà nhung dày đã than, bảo là vui, vì sao lại khổ? Vì thế mà biết ăn mặc thực chất không phải lạc thú. Nếu cho thân quyến là lạc thú thì lẽ đáng vui mãi với nhau, tiếng hát giọng cười không tắt, vì lý do nào mà phút chốc ly tan, mới có đó mà đã không rồi, kêu trời trách đất, đứt ruột đứt gan? Thêm nữa, không biết sinh ra là từ đầu mà đến, chết rồi sẽ đi về ở đâu. Chỉ biết ngậm buồn mà đưa nhau đến huyệt, một lần chia tay là từ biệt đến cả vạn đại. Những hiện tượng như vậy khổ não vô cùng, con người nhìn bằng con mắt mê mờ nên cho là lạc thú. Còn sự xuất thế mới chính là nguyên nhân đem lại an lạc thì họ lại cho là khổ sở. Thấy ăn thì thô sơ, hạn chế, đúng ngọ, mặc thì khước từ đồ nhẹ và mịn, chỉ dùng vải gai chắp vá, liền bảo những kẻ làm như thế là tự hành hạ, đâu có biết đó là đạo giải thoát? Thấy ai bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, kinh hành, lễ bái và tụng tập, một cách thành khẩn, cần cù, thì họ cho toàn là tự làm khổ lấy mình, đâu có biết được chính những người này đang thực hành tâm xuất thế. Thoảng như có người bịnh mà chết thì nghi ngờ phỉ báng, bảo rằng suốt ngày hành hạ thân tâm không nghỉ, khí lực con người làm sao chịu thấu, nếu không lao nhọc thì đâu đến nỗi, chỉ phí tính mạng chứ đâu có ích gì. Lại còn cố chấp ý kiến của mình, cho là hợp lý, đúng việc. Nhưng thật ra là vì không biết cứu xét sự phức tạp của nguyên lý nhân quả mà tự tạo cho mình những sự ngộ nhận như vậy. Rồi may ra gặp bạn hiền thì ngộ nhận ấy hết được, không may mà gặp bạn ác thì đã ngờ lại còn ngu thêm. Vì ngu và ngờ mà đọa lạc trong ba ác đạo. Trong ba ác đạo thì còn hối hận sao kịp?


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, nên biết những sự nghi hoặc như vậy xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân. Huống chi cái tập quán nghi hoặc, ra khỏi tam giới vẫn chưa bỏ hết, thì đời này làm sao hết ngay cho được. Thế nhưng, đời này mà không trừ bỏ thì đời sau lại tăng thêm lên. Chúng ta cùng nhau mới bước vào đường dài, tự nguyện khổ hạnh, thì phải y theo giáo huấn của Phật mà như thực tu hành. Đừng nghi hoặc, đừng từ mệt nhọc. Chư Phật thánh nhân mà ra khỏi sinh tử, vượt qua bờ bến bên kia, là do công phu tích chứa thiện hạnh mới được vô ngại, tự tại giải thoát. Còn chúng ta ngày nay, sinh tử chưa thoát là đã phải tự xót xa rồi, sao lại còn dung túng mình ham ở mãi trong thế giới ác? May cho chúng ta là bốn đại chủng chưa suy, năm phước đức còn đủ (6) , đi đứng tự nhiên, cử động tùy ý, vậy mà không chịu nỗ lực thì còn muốn chờ gì? Quá khứ đã phí một đời nên đã không thấy chân lý, hiện tại đời này nếu lại vất đi, vẫn không một chút tu chứng, thì vị lai lấy gì để tự độ? Tự suy luận phê phán như vậy mới thấy đau lòng. Vì thế mà chúng ta ngày nay duy có mỗi một việc, là tinh tiến sám hối, nỗ lực tu hành. Không còn được phép nói rằng hãy nghỉ ngơi đã, Phật đạo lâu dài đâu phải một ngày mà hoàn tất (7) . Bởi vì như thế thì ngày này đi qua là còn đi qua ngày khác nữa, biết đến bao giờ mới được cái địa vị "hoàn thành công việc"? Nay, có kẻ tụng kinh ngồi thiền, siêng năng khổ hạnh mà bịnh hoạn chút ít, liền cho bịnh hoạn do công phu ấy gây ra. Nhưng họ không tự biết, nếu không có công phu ấy thì đáng ra đã chết tự bao giờ. Chính nhờ công phu ấy mới còn đến ngày nay. Huống chi bốn đại chủng lúc thịnh lúc suy, thì bịnh hoạn là việc rất thường. Già với chết còn không thể tránh được. Vì lẽ đời sống con người đã do kết hợp thì sẽ phải tan rã. Nên muốn được giác ngộ thì phải y theo giáo huấn của Phật. Trái với giáo huấn ấy mà được là điều không thể có. Mọi loài chúng sinh vì trái giáo huấn của Phật mà luân chuyển tam đồ ác đạo, nhận đủ khổ sở. Nếu đúng với giáo huấn của Phật thì không còn mơ ước nghỉ ngơi, mà phải nỗ lực thực hành Phật pháp, cấp bách như cứu đầu mình đang cháy, đừng để một đời không được một ích lợi nào cả. Đại chúng hãy cùng nhau đồng một nỗi thống thiết, như núi thái sơn đổ xuống, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì từ vô thỉ đến ngày nay, cha mẹ nhiều kiếp, thân quyến nhiều đời, liệt vị hòa thượng, qụ phạm sư, tôn chứng, thượng tọa, trung tọa, hạ tọa, thí chủ, bạn hiền, bạn dữ, chư thiên, chư tiên, bốn vị thiên vương hộ vệ thế gian, những vị thiện thần long thần thuộc tám bộ loại bộ vệ người làm lành, trừng trị kẻ làm ác, và hộ vệ những người thọ trì kinh chú, rộng ra nữa là hết thảy chúng sinh khắp trong mười phương, vô cùng vô tận, đại chúng hãy phụng vì họ mà qui y mà đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian (8) .


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Duy vệ phật,

Nam mô Thức khí phật,

Nam mô Tùy diệp phật,

Nam mô Câu lưu tần phật,

Nam mô Câu na hàm phật,

Nam mô Ca diếp phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.


Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Nguyện xin Tam bảo đem năng lực đại từ bi mà thương xót nhiếp thọ chúng con, đem năng lực đại thần thông mà cứu vớt che chở chúng con, làm cho chúng con từ nay cho đến ngày được tuệ giác vô thượng, bốn vô lượng tâm và sáu ba la mật biểu hiện thường trực, bốn vô ngại trí và sáu thần thông lực tự tại như ý, thực hành công hạnh Bồ tát, chứng nhập tuệ giác Phật đà, giáo hóa mười phương đồng thành chánh giác.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, một lần nữa, hãy chí thành, tập trung tâm niệm. Chúng ta đã cùng nhau vào được trong cửa ngõ của sự qui y tín thọ, thì chỉ còn mỗi một việc là cố thủ ý chí, lấy sự bước tới mà kỳ hạn cho mình, đừng còn tỏ ra khó khăn luyến tiếc đối với những thứ trong thân và ngoài thân. Phước nghiệp của mình, nếu mình ngu mà không làm, thì thấy người khác làm phước hãy tận tình khuyến khích, chắp tay kính trọng, sáng suốt mà làm tiến triển cho công đức của họ. Không được manh tâm trở ngại, làm cho họ thoái chí. Nếu chí họ không thoái, vẫn bước tới như thường, thì họ không mất gì mà mình tự hại không ít. Vô cớ thị phi, ích gì cho mình? Với điều thiện, ai không trở ngại thì người đó đáng ca tụng là bậc vĩ nhân có sức mạnh hợp với đạo pháp. Đời này trở ngại điều thiện thì đời sau làm sao thông suốt tuệ giác của Phật đà? Theo lẽ mà xét thì thấy tai hại thật nặng. Trở ngại điều thiện của người, tội thật không nhỏ. Vì thế mà kinh Thận trọng miệng lưỡi có thuật, một ngạ quỉ hình thù xấu và dữ, ai thấy cũng phải rợn người, khiếp hãi. Thân bốc lửa ngọn, dữ dội như đống lửa thật. Miệng xuất sâu dòi, nhiều đến vô tận. Cả mình trang sức bằng máu mủ và những thứ tương tự. Mùi hôi xông lên, không ai gần nổi. Miệng có lúc phun ra lửa ngọn, cùng lúc, các bộ phận và khớp xương cũng bốc cháy. Ngạ quỉ ấy rống lên, thét gào, chạy qua đảo lại. Mãn túc la hán hỏi ngạ quỉ, đời trước làm tội gì mà đời này chịu khổ đến nỗi như vầy? Ngạ quỉ thưa ngài, xưa kia, chính con cũng là một tu sĩ, nhưng ham hố và tiếc lẫn mọi thứ vật dụng, không giữ cử động, nói năng thô lỗ. Thấy ai giữ giới, tinh tiến, thì nhục mạ, nhìn một cách ác cảm. Tự thị cường tráng, cho mình lâu chết, tạo nên vô số gốc rễ ác độc. Ngày nay nhớ lại, hối hận cũng vô bổ. Vì thế mà thà là lấy dao sắc tự cắt lưỡi đi, cắt từ đời này đến kiếp khác cũng cố cam tâm mà chịu đau đớn, không nên dùng một lời một tiếng mà phỉ báng điều thiện của người. Khi trở về Diêm phù, xin tôn giả đem cái hình thù con đây mà răn dạy xuất gia cũng như tại gia, phải chú ý mà giữ gìn cái lỗi của miệng lưỡi, đừng nói năng một cách thiếu thận trọng. Thấy ai giữ giới hay phá giới, chỉ nhớ mà nêu lên cái tốt của họ. Con chịu cái thân ngạ quỉ này đến hàng ngàn kiếp, suốt ngày suốt đêm lãnh đủ khổ sở khốc liệt. Hết ác báo này lại còn phải vào địa ngục nữa. Ngạ quỉ nói rồi, cất tiếng thét gào, vật mình xuống đất như núi lớn sụp đổ. Ngày nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, nghe lời trong kinh thuật lại như vậy mới thấy đáng sợ. Vì chỉ tội lỗi của miệng lưỡi mà ác báo đã dữ dội và lâu xa như vậy, huống chi những ác nghiệp căn bản khác. Bỏ thân này hay chịu thân khác, tất cả đều do nghiệp lực. Không gây nhân thì đâu có chịu quả. Nhân đã gây ra thì quả không bao giờ mất. Tội phước không xa xôi gì, thân mình tự đương lấy cả. Như bóng theo hình, như vang theo tiếng, không thể thoát được. Nên do vô minh mà sinh, cũng do vô minh mà chết. Quá khứ, vị lai cũng như hiện tại, những kẻ phóng túng chưa thấy một ai giải thoát, còn những kẻ biết giữ gìn thì phước báo vộ tận.


Hôm nay, tất cả đại chúng nên dùng sự hổ thẹn mà gột rửa thân thể và tâm trí, sám hối lỗi cũ. Làm cho hết lỗi cũ và không gây lỗi mới, đó là điều mà chư Phật ca tụng. Vì vậy, từ nay sắp đi, khi thấy điều thiện của người, đừng nghĩ thành hay không, lâu hay mau, mà phải biết, dầu chỉ một thoáng, một giây, một phút, một giờ, một ngày, một tháng, nửa năm hay một năm, điều thiện ấy cũng đã làm cho họ vượt lên trên những kẻ không làm. Pháp hoa có nói, dầu tâm tư tản mác mà bước vào chùa tháp niệm một tiếng nam mô Phật, thì kẻ ấy cũng đã hoàn thành Phật đạo, huống chi những kẻ có tâm chí lớn, nỗ lực đối với điều thiện? Vậy mà không biết tùy hỷ thì đó là kẻ mà Phật phải thương xót nhất. Đệ tủ chúng con tự nghĩ, vô thỉ đến giờ, tất nhiên đã có vô số ác tâm làm trở ngại điều thiện của người. Làm sao biết được như vậy? Vì nếu không như vậy thì tại sao ngày nay đối với điều thiện phần nhiều trắc trở. Thiền định không thể tập. Trí tuệ không thể tu. Lễ bái một chút là than quá khổ. Mới cầm cuốn kinh đã chán và mệt. Vậy mà đối với điều ác thì suốt ngày chịu khó chịu nhọc mà làm. Làm cho thân này hết mong giải thoát, như tằm nhả tơ làm kén để tự cuốn tự buộc, như những con thiêu thân tự nhào vào lửa đốt tan xác mình. Những sự trở ngại như vậy vô lượng vô biên, trở ngại bồ đề tâm, trở ngại bồ đề nguyện, trở ngại bồ đề hạnh, và tất cả đều do ác tâm phỉ báng điều thiện của người mà ra. Ngày nay mới biết, nên chúng con rất hổ thẹn, chí thành đảnh lễ, khẩn cầu sám hối tội ấy. Nguyện xin chư Phật, chư vị Bồ tát ở địa vị cao, đem tâm từ bi mà đồng gia thần lực, làm cho chúng con trừ diệt sạch sẽ được những điều chúng con chí thành sám hối. Hết thảy mọi sự trở ngại và vô lượng ác nghiệp, nhờ sự sám hối ngày nay mà sạch sẽ hoàn toàn. Đại chúng hãy cùng nhau đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Thiện đức phật,

Nam mô Vô ưu đức phật,

Nam mô Chiên đàn đức phật,

Nam mô Bảo thí phật,

Nam mô Vô lượng minh phật,

Nam mô Hoa đức phật,

Nam mô Tướng đức phật,

Nam mô Tam thừa hạnh phật,

Nam mô Quảng chúng đức phật

Nam mô Minh đức phật,

Nam mô Sư tử du hý bồ tát,

Nam mô Sư tử phấn tấn bồ tát,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.


Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Tất cả, hãy cùng nhau quì xuống, chắp tay, tâm niệm và miệng nói: Đệ tử chúng con từ vô thỉ đến ngày nay, chưa được tuệ giác giải thoát, vẫn chịu thân quả báo này, vậy mà đối với đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm và thuốc thang, chưa bao giờ phóng xả. Ham hố, giận dữ và đố kﬠba độc tố ấy bùng lên liên miên, gây ra đủ thứ ác nghiệp. Thấy người bố thí trì giới, mình đã không làm được mà cũng không biết tùy hỷ. Thấy người nhẫn nhục tinh tiến, mình đã không làm được mà cũng không biết tùy hỷ. Thấy người ngồi Thiền tu Tuệ, mình đã không làm được mà cũng không biết tùy hỷ. Những tội như vậy, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành sám hối, nguyện xin trừ diệt.


Lại nữa, vô thỉ đến giờ, thấy người làm lành, tu đức, không thể tùy hỷ. Đi đứng nằm ngồi, trong tất cả cử động ấy không biết hàm súc một chút hổ thẹn. Kiêu ngạo, biếng nhác, chẳng thiết quan tâm đến đạo lý vô thường. Không biết bỏ thân này rồi có thể đọa vào địa ngục, nên đối với thân hình và nhan sắc của kẻ khác, lòng xấu đủ cách. Trở ngại người khác xây dựng Tam bảo, chí thành cúng dường. Trở ngại người khác thực tập mọi thứ công đức. Những tội như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành sám hối, khẩn cầu tiêu diệt.


Lại nữa, vô thỉ đến giờ, không tin Tam bảo là chỗ con người quay về mà nương tựa. Trở ngại người khác xuất gia. Trở ngại người khác giữ giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tiến. Trở ngại người khác ngồi Thiền, tụng Kinh, chép Kinh, trai Tăng, tạo Tượng. Trở ngại người khác cúng dường, khổ hạnh, hành đạo. Đến nỗi điều thiện của người chỉ bằng mảy lông, cũng manh tâm trở ngại. Không tin xuất gia là hạnh giải thoát. Không tin nhẫn nhục là hạnh an lạc. Không biết bình đẳng là hạnhbồ đề. Không biết chế ngự vọng tưởng là hạnh xuất thế. Đến nỗi tự làm cho mình sinh ra ở đâu cũng phần nhiều bị đủ thứ trở ngại. Những tội lỗi về sự trở ngại như vậy, thật vô lượng vô biên, duy chư Phật Bồ tát mới thấy và biết hết. Như cái số lượng nhiều ít của tội lỗi mà chư Phật Bồ tát đã thấy biết, ngày nay chúng con vô cùng hổ thẹn, phát lộ mà sám hối, hết thảy tội lỗi và quả báo của tội lỗi ấy đều nguyện xin tiêu diệt.

Từ nay sắp đi cho đến ngày hoàn thành tuệ giác vô thượng, chúng con nguyện thực tập bồ táthạnh, không chán không mệt. Sự bố thí về tài sản cũng như sự bố thí về chánh pháp, chúng con nguyện không bao giờ cùng tận. Tuệ giác phối hợp với phương tiện, làm cho công việc có hiệu quả. Kẻ thấy người nghe đều giải thoát cả. Chúng con chí thành gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, ngữa mong mười phương chư Phật, chư vị Bồ tát ở địa vị cao, chư vị Thánh hiền, đem tâm đại từ bi mà đồng gia thần lực, làm cho lục đạo chúng sinh nhờ sự sám hối này mà thống khổ dứt tuyệt, thoát ly những tương quan thác loạn, chấmdứt những tư tưởng bất hảo,bỏ cái nghiệp ác đạo mà đượcsinh ra bằng tuệ giác, thực hành bồ tát hạnh một cách liên tục không ngừng, làm cho hạnh nguyện sớm được viên mãn, sớm bước lên Thập địa, nhập Kim cangtâm mà thành Chánh biến giác.


Phẩm 3: Chí Thành Sám Hối

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, hãy nghe Kinh dạy, ở phàm phu gọi là buộc, ở thánh giả gọi là mở. Buộc là điều ác sản xuất từ ba nghiệp, mở là điều thiện viên dung của ba nghiệp. Hết thảy thánh giả ký thác tâm tưởng nơi điều thiện ấy, nên thần lực và tuệ giác phối hợp với phương tiện, sản xuất vô lượng pháp môn, thấu triệt hết thảy thiện nghiệp ác nghiệp của chúng sinh. Có năng lực đem một thân thể biến thành vô lượng thân thể, đem một hình tướng biến thành vô lượng hình tướng. Có năng lực thúc một kiếp thành một ngày, kéo một ngày thành một kiếp. Muốn lưu sự sống thì thấy bất diệt, muốn hiện vô thường thì thấy niết bàn. Thần thông đi đôi tuệ giác nên ẩn hiện tự tại, đi bay tùy ý, nằm ngồi trong không gian, đi dưới nước như đi trên đất, không thấy một chút trở ngại hay nguy hiểm. Lấy "thực thể tuyệt đối siêu việt "làm chỗ qui túc, nên thấu triệt vạn hữu, có và không đều giác ngộ. Thành tựu tài biện luận và tuệ giác vô ngại. Hết thảy diệu dụng như vậy đâu có phát sinh từ ác nghiệp, đâu có phát sinh từ tham lam giận dữ và đố kﬠđâu có phát sinh từ sự ngu si, từ sự thấy biết và chủ trương đều sai lạc, đâu có phát sinh từ lười và nhác, từ kiêu ngạo và tự cao? Mà những diệu dụng ấy chỉ duy phát sinh bởi sự thận trọng không làm ác, bởi sự nỗ lực cố làm lành. Có bao giờ và ở đâu thấy những người làm theo lời Phật mà bần cùng, xấu xí, bịnh tật, mà bị khinh, bị ngờ đến nỗi nói gì cũng không ai tín dụng? Nay xin đem bản thân mà thệ nguyện làm chứng: Nếu ai theo lời Phật dạy, làm lành một cách không vì ích kỷ mà lại bị ác báo, thì thà để thân tôi vào vô gián địa ngục chịu vô lượng thống khổ, còn để những người như vậy chịu ác báo thì thực vô lý.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, nếu muốn rời bỏ cương vị phàm phu mà bước vào đời sống thánh giả, thì phải y theo giáo huấn của Phật mà chính xác tu tập. Đừng từ chối cái kổ nhỏ nhặt, manh tâm biếng nhác. Hãy tự nỗ lực mà sám hối, hủy diệt tội ác. Kinh nói, tội lỗi do những mối tương quan mà phát sinh thì cũng do những mối tương quan mà tiêu diệt. Chưa ra khỏi cương vị phàm phu thì phần nhiều đụng đâu ngu đó, phi nhờ nỗ lực sám hối, hết cách thoát ly. Ngày nay, đại chúng hãy cùng nhau lập chí dũng mãnh, phát tâm sám hối. Vì lẽ năng lực sám hối siêu việt trên mọi sự nghĩ và bàn. Làm sao biết được? A xà thế vương có tội đại nghịch, vậy mà hổ thẹn, tự trách mà sám hối, thì quả báo nặng biến thành nhẹ. Thêm nữa, phương pháp sám hối có cái năng lực làm cho người hành đạo được cái vui của sự yên ổn. Nếu tự đặt cho mình thời khóa nhất định, rồi nỗ lực, phơi trải lòng thành, chí tâm đảnh lễ, sám hối và qui y, kỳ hạn cho mình cứu cánh mới thôi, vậy mà không cảm đến chư Phật là điều chưa có. Ác nghiệp và khổ báo ảnh hưởng với nhau rất sát. Phải kinh sợ, thống thiết cùng cực mà sám hối. Tất cả đại chúng hãy cùng một nỗi thống thiết ấy mà gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, tâm niệm, miệng nói, tác bạch như sau đây, thỉnh cầu chư Phật từ bi gia hộ:


Chúng con thống khổ,

nguyện xin cứu độ,

nguyện xin che chở

bằng tâm đại bi;

hào quang thanh tịnh

chiếu soi tất cả,

làm cho tan biến

hắc ám ngu si.

Xin thương chúng con

và các loài khác,

hễ vừa sa vào

địa ngục thống khổ,

các ngài đã biết,

đến với chúng con,

ban cho chúng con

được sự an lạc.

Nghe niệm danh hiệu,

là đến cứu vớt,

chúng con đảnh lễ

các đấng như vậy;

chúng con đảnh lễ

tất cả các đấng

Đại từ bi phụ

của cả thế gian:

Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Kinh cang bất hoại phật,

Nam mô Bảo quang phật,

Nam mô Long tôn vương phật,

Nam mô Tinh tiến quânphật,

Nam mô Tinh tiến hỷ phật,

Nam mô Bảo hỏa phật,

Nam mô Bảo nguyệt quang phật,

Nam mô Hiện vô ngu phật,

Nam mô Bảo nguyệt phật,

Nam mô Vô cấu phật,

Nam mô Ly cấu phật,

Nam mô Sư tử phan bồ tát,

Nam mô Sư tử tác bồ tát,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.


Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp ca mười phương, cùng tận không giới.


"Nguyện xin các ngài

đến với chúng con,

thương lấy cái khổ

xuất từ tam độc,

ban cho chúng con

hưởng được an lạc,

làm cho chúng con

được đại niết bàn."


Khẩn cầu Tam bảo lấy nước đại bi gột rửa cho chúng con những tội lỗi dơ bẩn, làm cho chúng con thực hiện tuệ giác vô thượng và thanh tịnh tuyệt đối. Lục đạo tứ sinh, ai có tội lỗi như chúng con cũng được diệt sạch, hoàn thành tuệ giác vô thượng và giải thoát cứu cánh. Tất cả đại chúng hãy cùng nhau chí tâm, đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, tâm niệm, miệng nói, đệ tử chúng con từ vô thỉ đến ngày nay, vì vô minh che khuất, vì ái dục bao vây, vì giận dữ thắt buộc, mà sa vào cái lưới ngu mê, lăn lóc khắp cả ba cõi, lưu chuyển đủ cả sáu đường, trầm mình trong bể khổ mà không thể tự cứu. Không biết hành vi quá khứ, tức nghiệp nhân đã qua, nên tự hủy cách sống thanh tịnh của mình và phá hủy cách sống thanh tịnh của người, tự hủy hành vi thanh tịnh của mình và phá hủy hành vi thanh tịnh của người, tự hủy giới hạnh thanh tịnh của mình và phá hủy giới hạnh thanh tịnh của người. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành khẩn cầu sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại chí thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, do thân khẩu ý mà làm đủ mười thứ ác nghiệp. Thân thì sát sinh, trộm cướp và dâm dục, miệng thì nói dối trá, nói thêu dệt, nói hai lưỡi và nói thô ác, ý thì tham lam, giận dữ và ngu si. Tự mình làm mười thứ ác nghiệp, khuyến khích kẻ khác làm mười thứ ác nghiệp, ca tụng mười thứ ác nghiệp, ca tụng những kẻ làm mười thứ ác nghiệp. Như vậy, ngay trong một niệm mà có đến bốn mươi tội lỗi. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành khẩn cầu sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại chí thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, do lục căn mà phát lục thức và duyên lục trần: mắt thích sắc đẹp, tai thích tiếng hay, mũi thích hương thơm, lưỡi thích mùi khoái, thân thích láng mịn, ý thích ấn tượng của năm thứ này, tạo ra đủ thứ ác nghiệp, đến nỗi dệt thành tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành khẩn cầu sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại chí thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, những sự bất bình đẳng xuất từ thân miệng ý: Chỉ biết thân mình mà không biết thân ai. Chỉ biết nỗi khổ của bản thân mà không biết nỗi khổ của kẻ khác. Chỉ biết mình cần an lạc mà không biết ai cũng cần như thế. Chỉ biết mình cầu giải thoát mà không biết ai cũng cầu như vậy. Chỉ biết gia đình và thân thích của mình mà không biết ai cũng có gia đình và thân thích. Chỉ biết thân mình động một chút là đau một chút, không thể chịu nổi, nhưng hành hạ đánh đập thân ai thì lại sợ không khổ đau tột bậc. Chỉ biết lo sợ cho thân này những cái khổ vụn vặt, mà không biết lo sợ rằng, hễ làm ác thì thân này chết rồi sẽ phải đọa vào địa ngục, và ở đó thì lãnh đủ thống khổ khốc liệt. Cũng không biết lo sợ cả đến cái khổ đủ mặt ở ngạ quỉ, súc sinh và tu la, ở loài người và loài trời. Chính vì sự bất bình đẳng mà lòng đầy bỉ ngã, ý rộn thân thù, dó đó mà oán đối biến khắp lục đạo. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành sám hối, khẩn cầu tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại hết lòng chí thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, do tâm tư thác loạn, tưởng tượng thác loạn và kiến thức thác loạn mà xa bạn hiền, thích bạn ác, quay lưng con đường bát chánh mà đi theo con đường bát tà, tà pháp nói là chánh mà chánh pháp lại cho là tà, ác nói là thiện mà thiện lại cho là ác, dựng lên lá cờ kiêu ngạo, căng thẳng cánh buồm ngu si, băng theo thác nước vô minh mà nhập vào bể ca sinh tử. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại cùng cực thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, vì ba gốc bất thiện mà nổi bốn thứ điên đảo, tạo năm thứ tội nghịch và làm mười thứ ác nghiệp, làm cho ba độc bùng lên, tám khổ lớn mãi, tạo thành cái nhân của tám thứ điạ ngục về lạnh và tám thứ địa ngục về nóng, cùng hàng vạn những ngục tùy thuộc, tạo thành cái nhân của các loài súc sinh và các loài ngạ quỉ, tạo thành cái nhân sinh lão bịnh tử và mọi thứ khổ não khác của loài người loài trời, làm cho chúng con chịu vô lượng ác báo khắp trong lục đạo, những ác báo khó mà chịu đựng, khó mà dám nhìn và dám nghe. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại cùng cực thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, vì cái gốc rễ ba độc mà, trong ba cõi, chúng con phải lưu chuyển khắp cả hai mươi lăm chỗ. Chỗ nào cũng gây ra đủ thứ tội ác, cuốn theo gió nghiệp mà không tự biết, trở ngại người khác giữ giới, tập thiền, tu tuệ, tu tập công đức, tu tập thần thông. Những tội lỗi và sự trở ngại của tội lỗi như vậy, làm trở ngại bồ đề tâm, trở ngại bồ đề nguyện, trở ngại bồ đề hạnh. Ngày nay chúng con khẩn cầu sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại cùng cực thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, vì sự tham lam cấu kết với sự giận dữ mà tạo ra việc lục thức cuốn theo lục trần, xuất phát vô lượng tội lỗi -- những tội lỗi khi thì có đối với các loài có tâm thức, khi thì có đối với các loại không tâm thức, khi thì có đối với các vị giải thoát, khi thì có đối với các pháp giải thoát. Tội lỗi của tham lam và giận dữ như vậy, ngày nay chúng con chí thành sám hối, nguyện xin tiêu diệt. Còn sự ngu si thì vì nó mà nổi lên bao nhiêu hành động thác loạn. Tin theo những người xướng ra các chủ thuyết tà ngụy, lại tin theo các chủ thuyết ấy. Cho rằng chết rồi mất hẳn, cho rằng chết rồi y nguyên. Cho rằng bản ngã là thực tại, cho rằng thuyết mình là độc nhất. Tùy theo ngu si mà hoạt động, tạo nên vô lượng tội ác. Tội ác như vậy trở ngại bồ đề tâm, trở ngại bồ đề nguyện, trở ngại bồ đề hạnh. Ngày nay chúng con khẩn cầu sám hối, nguyên xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại cùng cực thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, ba ác nghiệp của thân, bốn ác nghiệp của miệng và ba ác nghiệp của ý, là xuất phát từ phiền não của vô minh trú địa, từ phiền não như cát Hằng hà, từ phiền não tác hại chỉ quán, từ phiền não thuộc bốn trú địa, từ cái loại phiền não thuộc ba độc, bốn thủ, năm cái, sáu ái, bảy lậu, tám cấu, chín kiết, mười sử (9) . Tất cả phiền não như vậy, vô lượng vô biên, trở ngại bồ đề tâm, trở ngại bồ đề nguyện, trở ngại bồ đề hạnh. Ngày nay chúng con khẩn cầu sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại chí thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, không thể thực tập từ bi hỷ xả, không thể thực tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ, không thể thực tập các pháp hỗ trợ tuệ giác bồ đề. Sự không có phương tiện và không có tuệ giác như vậy, trở ngại bồ đề tâm, trở ngại bồ đề nguyện, trở ngại bồ đề hạnh. Ngày nay chúng con chí thành khẩn cầu sám hối, nguyện xin tiêu diệt.


Đệ tử chúng con lại tăng lòng chí thành lên đến tột độ, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, lưu chuyển tam giới, luân hồi lục đạo, thọ thân tứ sinh, thuộc nam tính, nữ tính, hay trung tính, cùng khắp mọi nơi tạo vô lượng tội. Hoặc làm loài thân lớn, hoặc làm loài thân nhỏ, thân nào cũng nhai nuốt lẫn nhau. Nghiệp sát sinh như vậy vô lượng vô biên, trở ngại bồ đề tâm, trở ngại bồ đề nguyện, trở ngại bồ đề hạnh. Ngày nay chúng con chí thành sám hối, nguyện xin tiêu diệt. Đệ tử chúng con lại chí thành, gieo xuống đất cả năm bộ phận của cơ thể mà khẩn cầu sám hối, từ vô thỉ đến ngày nay, luân hồi lục đạo, thọ thân tứ sinh, trung gian tạo ra tội lỗi thật vô cùng tận. Tội lỗi như vậy, duy mười phương chư Phật, chư vị Bồ tát ở địa vị cao, mới thấy biết hết được. Như cái số lượng nhiều ít của tội lỗi mà chư Phật Bồ tát đã thấy biết, ngày nay chúng con chí thành, khẩn cầu, hổ thẹn mà sám hối, tội lỗi đã làm thì nguyện tận tiêu diệt, tội lỗi chưa có thì nguyện không dám làm. Ngữa mong mười phương chư Phật đem tâm đại từ nhận cho chúng con sự sám hối ngày nay, đem nước đại bi gột rửa cho chúng con tất cả tội lỗi nhơ bẩn làm trở ngại tuệ giác bồ đề, để chúng con có thể đạt đến tuệ giác ấy, thực hiện sự thanh tịnh tuyệt đối. Chúng con lại nguyện xin mười phương chư Phật đem năng lực bất tư nghị, năng lực đại thệ nguyện, năng lực cứu thoát chúng sinh, năng lực che chở chúng sinh, làm cho cái chí nguyện mong cầu tuệ giác bồ đề mà ngày nay chúng con thề nguyền lập ra, từ nay sắp đi cho đến ngày hoàn thành tuệ giác ấy, tuyệt đối vững vàng, không hề thoái chuyển, bao nhiêu thệ nguyện đều đồng đẳng với thệ nguyện của Bồ tát. Ngữa mong mười phương chư Phật, chư vị Bồ tát ở địa vị cao, đem tâm từ bi mà nhiếp thọ chúng con, làm cho chúng con thành tựu sở nguyện, nghĩa là thỏa mãn chí nguyện mong cầu tuệ giác bồ đề, và tất cả chúng sinh cùng hoàn thành và thỏa mãn chí nguyện ấy.