Cuốn 7 (Phần 10-16)

Tuesday, 10 May 20163:59 PM(View: 4383)
Cuốn 7 (Phần 10-16)

Phẩm 10: Tự Mừng Cho Mình

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải biết, tuy lý tánh tuyệt đối vốn siêu việt ngôn thuyết, nhưng ngôn thuyết vẫn là sự diễn tả của lý tánh, nghĩa là đường nẻo của bản thể, thềm bậc của chân lý, dẫn đạo của thánh hiền. Nên phải nhờ ngôn thuyết mà biểu lộ lý tánh, lý tánh biểu lộ thì siêu việt ngôn thuyết. Lý tánh do ngôn thuyết mà rõ rệt, ngôn thuyết không vượt giới hạn lý tánh, nên lý tánh với ngôn thuyết tuy khác nhau như thiện với ác, nhưng ảnh hưởng vẫn tương phù, chưa hề sai chậy hoặc lầm lẫn. Những kẻ bắt đầu tu học thì phải nhờ ngôn thuyết mà thể nghiệm lý tánh, đến như những kẻ tu học hoàn thành thì thể nghiệm lý lánh là quên bỏ ngôn thuyết. Kẻ viết sám văn này tự nghĩ mình vốn là phàm phu ngu độn, tội chướng về dốt nát và sai lầm quả thật quá nặng, nên đối với chánh pháp chưa thể xả bỏ ngôn thuyết. Lại vì biết còn cạn nên nói không hết chỗ vi diệu của chánh pháp, thấy quá nông nên diễn không cùng lý tuyệt đối của chánh pháp. Huống chi nói thì vẫn dễ, làm mới thật khó, duy Phật với Phật mới nói và làm toàn vẹn.

Do đó mà có kẻ chất vấn, tự ông chưa sửa mình được thì làm sao sửa ai? Chính ông ba nghiệp nhơ bẩn thì làm sao khuyến cáo kẻ khác trong sạch? Bản thân nhơ bẩn mà làm cho người khác trong sạch là điều không thể có. Mình không bền chí thì lấy gì khuyên người? Nói đối chiếu với làm, thì thấy ông chỉ nói suông, như vậy là hóa ra ông làm phiền người khác: người khác đã phiền thì sao ông không thôi đi? Đối chiếu cứu xét như vậy mà ông không tự thẹn? Tôi là thiện tri thức mới nói như thế. Kẻ viết sám văn này xin sửa y áo, giữ sắc diện, bái tạ mà không dám đối đáp. Nghe lời khuyên bảo của thiện tri thức, lòng tôi thật thẹn, tự giác lỗi nặng, không dám khi trá thánh hiền, ẩn khuất lỗi mình. Tôi muốn hủy bỏ bản văn đã soạn, nhưng ngại rằng có thể có người nhờ nó mà thêm phước. Còn muốn lưu giữ thì e rằng có thể có kẻ vì nó mà mang tội phỉ báng. Tiến thoái phân vân, tôi không biết chọn điều nào. Thôi thì hãy nghĩ rằng cái tâm thiết lập sám pháp vốn là một điều thiện, mà điều thiện thì vốn vô ngại. Vậy xin đại chúng chỉ nên nỗ lực sám hối, không cần quan tâm kẻ soạn sám văn này. Phần tôi, tôi chỉ xin bằng vào sự che chở nhiếp thọ của các đấng Đại từ bi phụ mà soạn sám văn, nên không nỡ hủy bỏ, mặc dầu lòng rất tự thẹn. Nguyện xin đại chúng đừng phiền đừng não. Nếu sám văn này có chút nào phù hợp chánh pháp, thì cùng nhau nhờ đó mà cải hối quá khứ và tu tỉnh tương lai, làm thiện tri thức cho nhau. Nếu sám văn này không thích hợp chúng ý, thì cúi xin đạichúng ban cho người soạn sựhoan hỷ tha thứ, để đừng thànhác tri thức mà vẫn làm "bà con giác ngộ" với nhau.

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, từ lúc mở đầu cho đến nay đây, nhờ sự qui y Tam bảo mà biết có chỗ chí đức khả dĩ y cứ, nhờ sự diệt trừ nghi hoặc và sự chí thành sám hối mà thắc mắc và tội lỗi đều loại bỏ, nhờ sự phát bồ đề tâm mà khuyến cáo và tưởng lệ đều thi hành, nhờ sự giải tỏa oán kết mà thanh thoát vô ngại : như vậy mà ai nấy không vui mừng được sao. Nhưng cái điều tự mừng cho mình được, ở đây, nên diễn tả ý nghĩa của nó. Kinh nói có tám tai nạn, là đọa địa ngục, đọa ngạ quỉ, đọa súc sinh, sinh biên địa, sinh cõi trời Trường thọ, dẫu được làm người mà bịnh tật đủ thứ, hoặc sinh vào nhà tà kiến, hoặc sinh trước hay sau Phật. Vì tám tai nạn ấy mà chúng sinh không thể thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ngày nay, chúng ta cùng nhau được sinh vào thời kỳ tượng pháp của Phật, tuy không gặp Ngài, nhưng sự vui mừng còn nhiều lắm (23) . Từ ngữ tai nạn chỉ là cái tội của tâm. Tâm mà nghi hoặc thì không phải tai nạn cũng biến thành tai nạn, tâm không nghi hoặc thì tai nạn cũng hóa thành không phải tai nạn. Làm sao biết được điều đó? Thí dụ, tai nạn thứ tám nói rằng sinh trước hay sau Phật nên gọi là tai nạn, nhưng câu chuyện bà già phía đông hoàng thành là kẻ sinh nhằm đời Phật, suốt đời ở chung một xứ với Phật, vậy mà vẫn không thấy Ngài. Do đó mà biết hễ tâm nghi hoặc mới là tai nạn, vị tất sinh khác đời Phật mà gọi là tai nạn hết thảy. Câu chuyện ma vương Ba tuần vì ác ý nên phải đọa địa ngục khi đang sống, còn câu chuyện Long nữ nghe pháp là ngộ đạo liền, như vậy bất tất phải sinh trong loài người và loài trời mới cho rằng không phải tai nạn. Tâm mà ác thì ở đâu và lúc nào quả báo cũng không khác nhau. Sáu tầng trời thuộc dục giới tuy sang cả mà kết cuộc lại rơi xuống địa ngục, còn súc sinh như Long nữ tuy kém hèn mà vượt bậc, bước ngay lên trường giác ngộ. Như vậy đủ biết tâm tà thì tai nạn nhỏ biến thành tai nạn lớn, tâm chính thì tai nạn lớn lại hóa ra vô ngại.

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải biết chính vì tâm mình chướng ngại nên đụng đâu cũng thành tai nạn. Tâm mà chân chính được thì tai nạn không còn là tai nạn nữa. Nội một điều đó cũng đủ để ở đâu và lúc nào cũng tuân theo được cả. Nên trước Phật hay sau Phật đều như thời kỳ chánh pháp, súc sinh hay biên địa đều là nơi chỗ hành đạo. Tâm mà chân chính thì tám nạn không thành vấn đề, tâm mà nghi hoặc thì tai nạn hóa ra vô số. Như vậy, những điều có thể tự mừng cho mình, thực sự không ít. Vì là sự dụng hằng ngày nên đại chúng khó thấy hiệu năng của những điều ấy. Nay xin trình bày một cách tổng quát theo chỗ thiển kiến để nêu lên những điều đáng tự mừng cho mình. Vì lẽ nếu biết được những điều đáng tự mừng cho mình thì lại cảm thấy càng phải phấn khởi hơn lên trong việc tu luyện cái tâm siêu việt thế gian.

Những điều đáng tự mừng cho mình là gì? Phật dạy địa ngục khó thoát, vậy mà ngày nay chúng ta đã thoát khỏi cái khổ dữ dội ấy : đó là điều đáng tự mừng số một. Ngạ quỉ khó khỏi, vây mà ngày nay chúng ta đã giã từ nỗi khổ bi thảm ấy : đó là điều đáng tự mừng thứ hai. Súc sinh khó tránh, vây mà ngày nay chúng ta đã hết chịu tội báo của loài ấy: đó là điều đáng tự mừng thứ ba. Sinh ở biên địa là nhân nghĩa cũng không biết, vậy mà ngày nay chúng ta được ở trung quốc (24) là nơi đạo pháp lưu hành và chúng ta lại được đích thân tiếp nhận diệu chỉ của đạo pháp ấy: đó là điều đáng tự mừng thứ tư. Sinh cõi trời Trường thọ thì hết biết gieo trồng phước đức, vậy mà ngày nay chúng ta lại được gieo trồng hạt giống tốt đẹp của phước đức ấy: đó là điều đáng tự mừng thứ năm. Thân người khó được, nhưng một khi mất đi thì rất khó mà hy vọng phục hồi, vậy mà ngày nay chúng ta ai nấy đều có được thân thể loài người: đó là điều đáng tự mừng thứ sáu. Sáu giác quan không hoàn bị thì hết dự được vào việc lành, vậy mà ngày nay chúng ta đã được sự minh mẫn của sáu giác quan ấy và cùng hướng vào chánh pháp sâu xa : đó là điều đáng tự mừng thứ bảy. Thế trí biện bác thông minh là đảo lại thành ra một thứ tai nạn, vậy mà ngày nay chúng ta lại nhất tâm qui hướng, y cứ vào chánh pháp mà thôi: đó là điều đáng tự mừng thứ tám. Trước Phật hay sau Phật gọi là tai nạn, hơn nữa, đồng thời với Phật mà lại không được diện kiến tôn nhan của Ngài, điều ấy thật là một tai nạn lớn lao. Nhưng ngày nay chúng ta đã có thể phát đại thiện nguyện, là từ nay cho đến ngày cùng tận biên cương của thì gian, thề cứu vớt chúng sinh. Như vậy thì không còn cho cái việc không thấy Phật là một tai nạn nữa. Chỉ cần được nhìn thánh tượng của Ngài một lát hay được nghe chánh pháp của Ngài một lần, là cũng như người xưa đã trực tiếp thấy và nghe Phật vận chuyển bánh xe chánh pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc uyển. Vì lẽ việc quí ở chỗ diệt tội sinh phước. Như vậy không nên cho sự không thấy Phật là một tai nạn. Do đó, Phật dạy thấy Phật là việc rất khó, nhưng ngày nay chúng ta đang được chiêm ngưỡng thánh tượng của Ngài: đó là điều đáng tự mừng thứ chín. Phật nói nghe được Phật pháp là việc càng khó hơn, vậy mà ngày nay chúng ta đã được hấp thụ "cam lộ vị" : đó là điều đáng tự mừng thứ mười. Phật dạy xuất gia là việc rất khó, vậy mà ngày nay chúng ta đã cùng nhau từ biệt thân thuộc, cắt bỏ ân ái, qui hướng nhập đạo: đó là điều đáng tự mừng thứ mười một. Phật dạy tự lợi thì dễ, lợi tha mới khó, vậy mà ngày nay chúng ta dầu một chiêm ngưỡng hay một lễ bái đều khắp vì hồi hướng cho hết thảy mười phương: đó là điều đáng tự mừng thứ mười hai. Phật dạy nhẫn khổ chịu nhọc là việc rất khó, vậy mà ngày nay chúng ta ai nấy đều tự nỗ lực một cách chân thành mà làm lành một cách không nản: đó là điều đáng tự mừng thứ mười ba. Phật dạy được đọc tụng khế kinh là việc rất khó, vậy mà ngày nay chúng ta luôn luôn được mở mà xem mà tụng: đó là điều đáng tự mừng thứ mười bốn. Phật dạy ngồi Thiền được là việc rất khó, vậy mà ngày nay chúng ta vẫn hiện có những người đình chỉ vọng tưởng,chuyên nhất tâm trí: đó là điều đáng tự mừng thứ mười lăm.

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, đã thấy những việc đáng tự mừng cho mình thật không phải ít, không phải sự trình bày kém cỏi nêu lên hết được. Con người ở đời khổ nhiều vui ít. Một chút vui mừng còn không thể có cho hả dạ, huống chi chúng ta lại có quá nhiều những điều vô ngại. Những điều ấy mà có được, phải là nhờ oai lực mười phương Tam bảo. Để hoài niệm ân đức ấy, đại chúng hãy khuynh tận lòng chí thành, đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì quốc chúa, tổ quốc, nhân dân, phụng vì cha mẹ, sư trưởng, phụng vì các vị thượng tọa, trung tọa và hạ tọa, phụng vì thí chủ, bạn hiền, bạn ác, phụng vì chư thiên, chư tiên, bốn vị thiên vương hộ vệ thế gian, các vị thiện thần thông minh chính trực ở trên trời, ở mặt đất hay ở trong không, các vị long vương và long thần tám bộ hộ vệ những kẻ làm lành, trừng trị những kẻ làm ác và hộ vệ những người thọ trì kinh chú, các vị đại ma, đại ma vương, ma vương, các vị diêm vương, chúa ngục, và tất cả thuộc hạ của họ, rộng ra, phụng vì tam giới lục đạo, vô cùng vô tận hết thảy các loài có tâm thức giác tánh, mà chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Nguyện xin Tam bảo đem tâm đại từ bi mà đồng gia nhiếp thọ, đem thần lực siêu việt mà che chở cứu vớt, làm cho hết thảy và tất cả, từ nay sắp đi, vượt bể sinh tử mà đến bờ bên kia, hạnh nguyện sớm đủ để đồng lên thập địa, nhập Kim cang tâm mà thành Chánh biến giác.

Phẩm 11: Tưởng Niệm Tam Bảo

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, ai nấy lại phải tăng thêm hơn lên sự tưởng niệm Tam bảo, một cách thiết tha và liên tục. Tại sao phải làm như vậy? Vì nếu không biết tưởng niệm Tam bảo thì làm sao phát động lòng đại từ thương xót hết thảy, làm sao phát khởi lòng đại bi cứu vớt tất cả, làm sao thực hiện lòng bình đẳng coi thân thù là một? Nếu không biết tưởng niệm Tam bảo thì làm sao tu tập trí tuệ nhiệm mầu để thực hiện tuệ giác vô thượng, làm sao thấu triệt chân không để phát hiện thực tướng siêu việt? Phật dạy thân người khó được mà nay chúng ta đã được, tín tâm khó có mà nay chúng ta đã có, chính là nhờ qui y Tam bảo. Cũng chính nhờ qui y Tam bảo mà ngày nay chúng ta mắt không thấy cái sắc rút lưỡi phun lửa của địa ngục ngạ quỉ, tai không nghe cái tiếng đau đớn nóng bức của địa ngục ngạ quỉ, mũi không ngửi cái hơi lột xé máu mủ của địa ngục ngạ quỉ, lưỡi không nếm cái mùi thối bẩn rã nát của địa ngục ngạ quỉ, thân không chạm vạc sôi lò đỏ băng lạnh của địa ngục ngạ quỉ. Quan trọng hơn nữa là ý lại biết Phật là đức cha từ bi vô thượng, làm vị y sĩ vĩ đại, biết Phật pháp là thần dược của bịnh tật chúng sinh, biết Hiền thánh là những bà mẹ khán hộ cho bịnh tật ấy. Ý còn luôn luôn tự cảnh tỉnh lấy mình hoài niệm cái ân cứu hộ thế gian của Tam bảo. Chỗ mà Tam bảo hộ niệm, ý cũng biết được (25) . Ngày nay chúng ta tuy không gặp Phật, sinh nhằm thời kỳ mạt pháp, nhưng tín tâm có đủ, giác quan mẫn tiệp, không khổ cực, được nhàn nhã, đủ tự do, tất cả quả báo vượt bậc này đều do năng lực của sự tưởng niệm ân đức Tam bảo trong đời trước mà có. Lại chính năng lực ấy đã làm cho chúng ta đời này được phát bồ đề tâm: ích lợi như vậy không thể tả nổi, làm sao mọi người có thể không báo đáp cúng dường Tam-bảo.

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải biết trong hết thảy công đức, công đức cúng dường là tối thượng. Trong kinh có nói:

Tự nghĩ nhớ lại

Trong đời kiếp trước,

Làm việc cúng dường

Chỉ chút ít thôi,
Những mong báo đáp,
Ân Phật lâu xa,
Nay nhờ phước ấy,

Được gặp Thế tôn.

Trong Kinh lại nói, muốn báo đáp ân Phật thì nên kiến thiết tinh xá, dùng ánh sáng, hương hoa, đồ trang hoàng và đồ nhu dụng mà cúng dường, đời sau sẽ hưởng được phước đức cúng dường ấy. Tuy nhiên, việc cúng dường như vậy chưa phải báo đáp ân Phật. Muốn báo đáp ân Phật thì chỉ có mỗi một việc xứng đáng nhất, là phát bồ đề tâm, nghĩa là lập bốn điều thệ nguyện rộng lớn như Phật mà tạo vô lượng phước và tu vô lượng trí, để trang nghiêm sắc thân, trang nghiêm quốc độ: đó là cái cách mà trí giả làm để thực hiện lòng biết ơn trả ơn.

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải biết ân đức từ bi của chư Phật thật khó mà báo đáp. Bồ tát đại sĩ nát thân hình ra mà vẫn chưa thể nào báo đáp được một trong muôn phần, huống chi chúng ta là những kẻ phàm phu mà có thể báo đáp được? Duy còn một cách, là đại chúng hãy y như trong Kinh đã huấn thị, lấy việc lợi người làm điều tối thượng, và chí thành mà gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, khắp vì mười phương vô cùng vô tận lục đạo chúng sinh mà qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:

Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Đức bảo phật,

Nam mô Ứng danh xưng phật

Nam mô Hoa thân phật,

Nam mô Đại âm thanh phật,

Nam mô Biện tài tán phật,

Nam mô Kim cang châu Phật,

Nam mô Vô lượng thọ phật,

Nam mô Châu trangnghiêm phật,

Nam mô Đại vương phật,

Nam mô Đức cao hạnh phật,

Nam mô Cao danh phật,

Nam mô Bách quang phật,

Nam mô Hỷ duyệt phật,

Nam mô Long bộ phật,

Nam mô Ý nguyện phật,

Nam mô Bảo nguyệt phật,

Nam mô Diệt kỷ phật,

Nam mô Hỷ vương phật,

Nam mô Điều ngự phật,

Nam mô Hỷ tự tại phật,

Nam mô Bảo kế phật,

Nam mô Ly úy phật,

Nam mô Bảo tạng phật,

Nam mô Nguyệt diện phật,

Nam mô Tịnh danh phật,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.

Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới.

 

Phẩm 12: Cảm Tạ Đại Chúng

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, đã được cùng nhau phát sinh đức tin kiên cố và phát tâm cần cầu tuệ giác bồ đề, lại thề không thoái bước, thì đó là cái chí siêu việt tư nghị. Tâm đó chí đó, chư Phật ca tụng. Bây giờ hãy bày tỏ với nhau sự tùy hỷ sâu xa. Nguyện cầu đời sau lại được hội ngộ. Bỏ thân hay thọ thân, nguyện đừng rời nhau. Cho đến ngày toàn giác, nguyện vĩnh viễn làm thân thuộc chánh pháp với nhau, làm bà con từ bi cho nhau. Thiết lập sám pháp này là muốn để nhờ pháp Phật mà được thấy Phật (26) . Nhưng tự nghĩ trí thì không lý giải thấu triệt, thân thì chưa thật hành xứng đáng, vậy mà dám phát tâm thiết lập sám pháp thì thật làm kinh hoảng cho người thấy kẻ nghe. Bản thân thì hèn mà công việc lại trọng, lòng vừa chán nản vừa nhiệt thành. Nhưng thiết nghĩ, nếu không nhờ cái nhân mạnh mẽ thì không được cái quả vượt bậc. Nên thành thực tự biết là việc làm mạo muội mà lòng lại không dám bỏ mất việc lành. Vì vậy, tôi thiết tha mong nhờ năng lực hộ niệm của đại chúng, cùng làm thân quyến từ bi cho nhau. Cúi xin đại chúng hạ thấp cái đức của mình xuống mà tham dự đạo tràng này. Hãy nghĩ rằng thì giờ không đứng lại nên thoáng cái là già yếu bịnh tật. Huống chi còn bị duyên sự lôi kéo thì cơ hội tối thượng này khó mong hoàn thành hay gặp lại. Vì vậy, đại chúng hãy nỗ lực theo thì khóa để tự lợi và lợi người. Hãy siêu quần bạt tục, đừng để hối hận về sau. Âm thanh chánh pháp lướt qua thính giác là hiệu năng vang lại miên man đời kiếp, nhất niệm thiện pháp cũng vĩnh viễn giúp ích bản thân. Hễ duy nhất đường hướng và duy nhất ý chí thì không có thệ nguyện nào không thực hiện. Đại chúng hãy cùng nhau khuynh tận chân thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể mà qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Oai đức tịch diệt phật,

Nam mô Thọ tướng phật,

Nam mô Đa thiên phật,

Nam mô Tu diệm ma phật,

Nam mô Thiên ái phật,

Nam mô Bảo chúng phật,

Nam mô Bảo bộ phật,

Nam mô Sư tử phần phật,

Nam mô Cực cao hạnh phật,

Nam mô Nhân vương phật,

Nam mô Thiện ý phật,

Nam mô Thế minh phật,

Nam mô Bảo oai đức phật,

Nam mô Đức thừa phật,

Nam mô Giác tưởng phật,

Nam mô Hỷ trang nghiêm phật,

Nam mô Hương tế phật,

Nam mô Hương tượng phật,

Nam mô Chúng diệm phật,

Nam mô Từ tướng phật,

Nam mô Diệu hương phật,

Nam mô Kiên khải phật,

Nam mô Oai đức mãnh phật,

Nam mô Châu khải phật,

Nam mô Nhân hiền phật,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.

Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới.

 

Phẩm 13: Tổng Phát Đại Nguyện

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, lại nên đem công đức sám hối và phát tâm mà cầu nguyện cho chúa tể chư thiên, chư thiên và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho chúa tể chư tiên, chư tiên và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho Phạn vương, Đế thích, bốn vị Thiên vương hộ vệ thế gian, vương tướng và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho các thiện thần thông minh chính trực, ở trên trời, mặt đất hay không gian, hộ vệ kẻ làm lành, trừng trị kẻ làm ác, hộ trì những người thọ trì kinh chú, vương tướng và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho Diệu hóa long vương, Đầu hóa long vương và long vương năm phương hướng, tám bộ loại long thần, vương tướng và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho chúa tể A tu la, vương tướng và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho nhân loại, chúa tể của nhân loại, nhân dân, vương tướng và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho mười phương tỷ kheo, tỷ kheo ni, thức xoa ma na, sa di, sa di ni và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho Diêm vương, Diêm vương bảy điện, năm đạo đại thần, mười tám chúa ngục, vương tướng và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh trong địa ngục, tất cả chúng sinh trong ngạ quỉ, tất cả chúng sinh trong súc sinh, và những người liên hệ của họ; cầu nguyện cho khắp không gian, cùng thì gian, toàn thể chúng sinh hoặc lớn hoặc nhỏ, và những người liên hệ của họ ; đặc biệt là cầu nguyện cho những ai sau này, chí nguyện và tâm nguyện khác biệt, đều biết nhập cả vào trong bể cả đại nguyện, để mong ai nấy đều hoàn bị cả hai mặt phước đức và trí tuệ - Như vậy, hoặc trong phạm vi tam giới, hoặc ngoài phạm vi tam giới, hết thảy chúng sinh vô cùng trong thì gian và vô tận trong không gian, hễ thuộc "danh sắc" và có giác tánh, thì ngày nay chúng con ngước lên mà cầu nguyện hết thảy chư Phật, chư vị Bồ tát ở địa vị cao và chư vị Hiền thánh trong mười phương cùng tận không giới, đồng đem năng lực đại từ bi, năng lực bản thệ nguyện, năng lực tuệ giác vô lượng vô tận, năng lực công đức vô lượng vô tận, năng lực thần thông tự tại, năng lực che chở cứu hộ chúng sinh, năng lực an ủi chúng sinh, năng lực diệt sạch phiền não chư thiên chư tiên, năng lực nhiếp hóa hết thảy thiện thần, năng lực cứu vớt chúng sinh địa ngục, nănglực cứu độ hết thảy ngạ quỉ, năng lực giải thoát tất cả súc sinh, đem tất cả năng lực như vậy mà làm cho tất cả và hết thảy mọi loài chúng sinh đều được như nguyện.

Đệ tử chúng con hôm nay lại cầu nguyện nhờ năng lực đạo tràng từ bi, năng lực qui y Tam bảo, năng lực diệt trừ nghi hoặc phát sinh tín tâm, năng lực sám hối tội lỗi phát bồ đề tâm, năng lực giải tỏa oán kết, năng lực tự mừng cho mình, năng lực phấn khởi chân thành, năng lực phát nguyện hồi hướng tất cả thiện sự cho chúng sinh, nguyện nhờ những năng lực như vậy mà làmcho tất cả và hết thảy mọi loài chúng sinh đều được như nguyện. Đệ tử chúng con hôm nay lại cầu nguyện nhờ năng lực tâm đại từ của bảy đức Phật, năng lực tâm đại bi của các đức Phật trong mười phương, năng lực diệt trừ phiền não của ba mươi lăm đức Phật, năng lực hàng phục ma quân của năm mươi ba đức Phật, năng lực cứu độ chúng sinh của một trăm bảy mươi đức Phật, năng lực nhiếp thọ chúng sinh của một ngàn đức Phật, năng lực che chở chúng sinh của mười hai Bồ tát, năng lực phổ biến phương pháp sám hối của Vô biên thân bồ tát và Quan thế âm bồ tát, nguyện nhờ những năng lực như vậy mà làm cho hết thảy mọi loài chúng sinh trong tất cả không gian và tất cả thì gian, bất kể lớn nhỏ hay thăng trầm, hễ thuộc danh sắc và có giác tánh, thì từ nay, sau khi sám hối tội lỗi, sinh ra bất cứ chỗ nào, đều thực hiện được "thân bất tư nghị" bao gồm trí tuệ rộng lớn và thần lực vô tận của chư Phật và chư vị Bồ tát ở địa vị cao, tức là thân lục độ chính hướng bồ đề, thân tứ nhiếp không bỏ tất cả, thân đại bi cứu khổ tất cả, thân đại từ cho vui tất cả, thân công đức ích lợi tất cả, thân trí tuệ thuyết pháp vô cùng, thân kim cang không thể phá hoại, thân thanh tịnh siêu việt sinh tử, thân phương tiện biểu hiện năng lực tự tại, thân bồ đề tùy thời biểu hiện tuệ giácthanh văn, tuệ giác duyên giác và tuệ giác vô thượng - cầu nguyện tứ sinh lục đạo hết thảy chúng sinh hoàn bị tất cả những thân như vậy, nói tóm là thành tựu đầy đủ thân tuệ giác vô thượng vĩ đại của chư Phật. Lại cầu nguyện mười phương ba đời tất cả và hết thảy mọi loài chúng sinh, từ nay sắp đi, sinh ra ở đâu cũng thực hiện được "miệng bất tư nghị" bao gồm mọi thứ công đức của chư Phật và chư vị Bồ tát ở địa vị cao, tức là miệng từ hòa: làm yên vui tất cả, miệng cam lộ: làm trong mát hết thảy, miệng không dối: nói chánh pháp chân thật, miệng như thật: cho đến trong mộng cũng không nói dối, miệng tôn trọng: tất cả chư thiên cung kính tôn trọng, miệng sâu xa: biểu thị pháp tánh, miệng kiên cố: nói pháp bất thoái, miệng chính trực: đầy đủ biện tài, miệng trang nghiêm: tùy thời cơ tùy nghiệp báo mà thị hiện đủ cả, miệng nhất thế trí : tùy nghi mà hóa độ tất cả - cầu nguyện tứ sinh lục đạo hết thảy chúng sinh đều hoàn bị được khẩu nghiệp thanh tịnh như vậy của chư Phật Bồ tát. Lại cầu nguyện mười phương ba đời hết thảy và tất cả mọi loài chúng sinh, từ ngày nay sắp đi, sinh ra ở đâu cũng thực hiện được "tâm bất tư nghị" bao gồm tuệ giác vĩ đại của chư Phật Bồ tát, để luôn luôn có tâm thoát ly phiền não, tâm sắc mạnh, tâm kiên cường, tâm kim cang, tâm bất thoái, tâm thanh tịnh, tâm thấu triệt, tâm cầu lành, tâm trang nghiêm, tâm quảng đại, có năng lực trí tuệ vĩ đại nghe chánh pháp là tức khắc tự ngộ, đem từ bi mà hướng về mọi người để giải tỏa oán kết, trú ẩn trong sự hổ thẹn nên không rời đức tính tàm quí, không chấp nhân ngã bỉ thử nên đồng làm thiện tri thức cho nhau, thấy ai thực hành lục độ thì hoan hỷ tất cả, thân thù như một, tuyệt hết kiêu ngạo, không nói việc tốt việc xấu hay sở trường sở đoản của người, không tuyên truyền ly gián đôi bên mà hòa hợp mọi sự chia rẽ, nói thì từ hòa chứ không xuất ra lời ác, ca tụng công đức của Phật và thích học kinh điển sâu xa, thương giúp chúng sinh như bản thân mình, thấy ai làm phước thì mình không làm cái việc phỉ báng, vận dụng từ tâm mà hòa đồng với nhau như sự hòa đồng của các vì Thánh, đồng đẳng với các vị Bồ tát mà đồng thành Chánh giác.

 

Phẩm 14: Lạy Cho Chư Thiên


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải biết chư thiên, chư tiên, chư vị thiện thần, đối với chúng sinh, có những ân đức vô lường và siêu việt, hành động theo chí nguyện làm cho chúng sinh duy trì mãi mãi sự an lạc của họ, ân cần hộ vệ chúng sinh làm cho họ chỉ khuynh hướng theo điều thiện. Làm sao biết được như vậy? Vì chính đức Phật đã khuyến cáo bốn vị Thiên-vương hãy đem tâm nguyện từ bi mà hộ vệ những kẻ thọ trì kinh pháp, làm cho những kẻ ấy, dầu chỉ mới nghe được cái danh hiệu từ bi mà thôi, cũng được hộ vệ như là vua chúa được quần thần hộ vệ: khuyến cáo các vị Long-vương đem tâm nguyện từ bi mà hộ vệ những kẻ thọ trì kinh pháp như là giữ gìn con mắt hay con mình sanh ra, cả ngày liền đêm không rời bỏ họ; khuyế́n cáo các vị La-sát và Long-thần hãy đêm tâm nguyện từ bi mà hộ vệ những kẻ thọ trì kinh pháp như là giữ gìn não bộ đỉnh đầu, không được động chạm: lại đặc biệt khuyến cáo các vị Thiên-vương phía nam hãy đem tâm nguyện từ bi mà hộ vệ những kẻ thọ trì kinh pháp như là cha mẹ thương con, lòng không chán mệt, ngày đêm chăm sóc, đi đứng theo sát; và đặc biệt khuyến cáo các vị Long-vương thuộc quyền vị Thiên-vương phía tây hãy đem tâm nguyện từ bi mà hộ vệ những kẻ thọ trì kinh pháp, cung kính cúng dường và đảnh lễ sát chân, như chư thiên tôn thờ Đế-thích hay hiếu tử phụng sự cha mẹ. "Đạo tràng từ bi" đem an lạc lại cho chúng sanh, bằng cách giáo dục và khuyến khích họ kết làm bà con chánh pháp với nhau, để đời sau được sanh trước mặt chư Phật và thực hiện các tam muội môn, trọn vẹn được sự không thoái chuyển; những ai nghe được danh hiệu của chư Phật, của Vô-Biên-Thân-Bồ-Tát và Quán-Thế-Âm-Bồ-Tát, đều tiêu trừ ba thứ chướng ngại bằng cách sạch hế́t mọi thứ tội ác, hoàn bị năm thứ con mắt mà thực hiện tuệ giác bồ-đề: Chính chư thiên và thần vương đã thương tưởng tất cả, luôn luôn gia hộ, khuyến khích va trợ giúp oai thần vào công việc này.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này,p hải biết chư thiên và thần vương có những ân đức đến như thế đó, trong việc che chở chúng sinh. Nhưng chúng sinh thì chưa bao giờ biết nhớ ơn và trả ơn. Người xưa cảm bội ân huệ một bữa ăn mà còn không tiếc tính mạng, huống chi chư thiên, thiện thần, thần tướng tám bộ, đối với chúng sinh đã có những ân đức như vậy? Ân đó đức đó, thật không có biên cương. Chúng ta ngày nay mà sám hối hay phát tâm đây là cũng do thiên vương mật thêm sức thần, tưởng lệ trợ giúp những kẻ biết tu tập, làm cho thành tựu tâm chí. Nếu không có sự gia hộ và trợ giúp đó thì tâm chí chúng ta có thể đã lui mất. Chính vì lý do này mà bồ tát đại sĩ đã thường ca tụng thiệntri thức là yếu tố lớn nhất làm cho ta bước lên tuệ giác vô thượng. Nếu không có thiện tri thức thì làm sao chúng ta được thấy chư Phật? Nên hy sinh thân thể cũng không đủ báo đáp lòng thương bao la, xả bỏ tính mạng cũng khó mà trang trải ân đức sâu nặng. Bồ tát đại sĩ mà còn nói như vậy, huống chi những kẻ dưới các ngài mà không nghĩ đến sự đáp trả. Ngày nay đại chúng chưa thể tan xương nát thịt thì phải nỗ lực mà tu hành một cách cần cù khó nhọc. Đó cũng là sự trả ơn tuần tự. Đại chúng hãy tăng thêm tột độ sự vận dụng tâm chí để thực hiện sự biết ơn trả ơn. Đừngđể đời mình trôi đâu thì trôi, để rồi hết cách quay lại. Những sự tự mừng đã nói trước kia, được lại là việc rất khó. Khó được mà nay ta có cả thì còn muốn chờ gì? Bỏ mất cơ hội này thì có biết sẽ bị quay lại trong loài nào đâu. Nên đại chúng chỉ còn mỗi một việc, là dũng mãnh, quên mình vì người. Sự đời có thành là có bại, như thì gian đã có mùa xuân là có mùa đông. Thì giờ không đợi chờ ai cả, mạng sống làm sao lâu được? Hãy nghĩ rằng, từ đây, một khi từ biệt nhau thì sự gặp lại khó mà hẹn trước. Hãy nghĩ như vậy để ai nấy phải tự nỗ lực, đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì hết thảy chúa tể chư thiên, chư thiên và thân thuộc của họ trong mười hương, cùng tận không giới, mà qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Thiện thệ nguyệt phật,

Nam mô Phạn tự tại vương phật,

Nam mô Sư tử nguyệt phật,

Nam mô Phước oai đức phật,

Nam mô Chánh sanh phật,

Nam mô Vô thắng phật,

Nam mô Nhật quán phật.

Nam mô Bảo danh phật,

Nam mô Đại tinh tiến phật,

Nam mô Sơn quang vương phật,

Nam mô Thi minh phật,

Nam mô Điện đức phật,

Nam mô Đức tụ vương phật,

Nam mô Cúng dường danh phật,

Nam mô Pháp tán phật,

Nam mô Thật ngữ phật,

Nam mô Cứu mạng phật,

Nam mô Thiện giới phật,

Nam mô Thiện chúng phật,

Nam mô Định ý phật,

Nam mô Hỷ thắng vương phật,

Nam mô Sư tử quang phật,

Nam mô Phá hữu ám phật,

Nam mô Chiếu minh phật,

Nam mô Thượng danh phật,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.

Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà đồng gia nhiếp thọ, làm cho khắp cả mười phương, cùng tận pháp giới, hết thảy chúa tể chư thiên, chư thiên và thân thuộc của họ, tuệ giác bình đẳng biểu hiện thường trực, phương tiện tuệ giác mở đạo thanh tịnh, hạnh nguyện thập địa quang đãng tất cả, lục độ thì tu dưỡng tâm tánh, tứ đẳng thì giáo hóa hết thảy, thực hành bồ tát hạnh để đi vào chỗ đi của Phật, bốn đại thệ nguyện không rời bỏ chúng sinh, biện tài bất tận nên thuyết pháp vô cùng, dùng phương tiện khéo léo mà tiếp hóa nên ích lợi tất cả tứ sinh lục đạo, đồng lên Pháp vân địa mà thực hiện quả vị Thường trú quả.

 

Phẩm 15: Lạy Cho Chư Tiên

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, ai nấy hãy chí tâm, đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì tất cả chúa tể chư tiên, chư tiên và thân thuộc của họ khắp cả mười phương, cùng tận không giới, mà qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Lợi tuệ vương phật,

Nam mô Châu nguyệt quang phật,

Nam mô Oai quang phật,

Nam mô Bất phá luận phật,

Nam mô Quang minh vương phật,

Nam mô Châu luân phật,

Nam mô Thế sư phật,

Nam mô Cát thủ phật,

Nam mô Thiện nguyệt phật,

Nam mô Bảo diệm phật,

Nam mô La hầu thủ phật,

Nam mô Nhạo bồ đề phật

Nam mô Đẳng quang phật,

Nam mô Chí tịch diệt phật,

Nam mô Thế tối diệu phật,

Nam mô Vô ưu phật,

Nam mô Thập thế lực phật,

Nam mô Hỷ lực vương phật,

Nam mô Đức thế lực phật,

Nam mô Đức thế phật,

Nam mô Đại thế lực phật,

Nam mô Công đức tạng phật,

Nam mô Chân hạnh phật,

Nam mô Thượng an phật,

Nam mô Đề sa phật,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.

Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà đồng gia nhiếp thọ, làm cho tất cả chúa tể chư tiên, chư tiên và thân thuộc của họ, giải thoát phiền não bằng cách thanh tịnh chướng duyên (28) , sắc tướng đoan nghiêm như sắc tướng của Phật, bốn vô lượng tâm và sáu ba la mật biểu hiện thường trực, bốn vô ngại trí và sáu thần thông lực tự tại như ý, xuất nhập gì cũng đi vào cảnh giới của Bồ tát, lên Pháp vân địa mà nhập Kim cang tâm, đem năng lực bất tư nghị mà trở lại tiếp độ tất cả.

 

Phẩm 16: Lạy Cho Phạn Vương


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, hãy tăng thêm lòng chí thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì Phạn vương, Đế thích, bốn vị Thiên vương hộ vệ thế gian, và những kẻ liên hệ của họ, mà qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Đại quang phật,

Nam mô Điện minh phật,

Nam mô Quảng đức phật,

Nam mô Trân bảo phật,

Nam mô Phước đức minh phật,

Nam mô Tạo khải phật,

Nam mô Thành thủ phật,

Nam mô Thiện hoa phật,

Nam mô Tập bảo phật,

Nam mô Đại hải phật,

Nam mô Trì địa phật,

Nam mô Nghĩa ý phật,

Nam mô Thiện tư duy phật,

Nam mô Đức luân phât,

Nam mô Bảo quang phật,

Nam mô Lợi ích phật,

Nam mô Thế nguyệt phật,

Nam mô Mỹ âm phật,

Nam mô Phạn tướng phật,

Nam mô Chúng sư thủ phật,

Nam mô Sư tử hạnh phật,

Nam mô Nan thi phật,

Nam mô ứng cúng phật,

Nam mô Minh oai đức phật,

Nam mô Đại quang vương phật,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.


Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà đồng gia nhiếp thọ Phạn vương, Đế thích, bốn vị Thiên vương hộ vệ thế gian và những kẻ liên hệ của họ, làm cho họ tứ đẳng lục độ ngày đêm thêm sáng, bốn thứ biện tài thuyết pháp bất tận, đủ tám tự tại và được sáu thần thông, các tam muội môn cũng như các tổng trì môn ứng theo ý nghĩ mà biểu hiện, lòng Từ che chở tất cả mười phương lục đạo, trăm phước trang nghiêm và vạn thiện cùng cực, tam minh thì quán triệt và ngũ nhãn thì biến chiếu, làm vị "pháp luân vương" mà nhiếp hóa hết thảy lục đạo.


Phẩm 17: Lạy Cho Thiện Thần


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, hãy tăng lòng chí thành, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì cùng mười phương, khắp pháp giới, tất cả chúa tể Tu la, Tu la và những kẻ thân thuộc của họ, phụng vì cùng mười phương, khắp pháp giới, hết thảy Thiện thần thông minh chính trực, ở trên trời, dưới đất hay trong không, giúp người lành, trị kẻ dữ, hộ vệ những người thọ trì kinh chú, phụng vì chúa tể và chỉ huy của tám bộ, rộng ra cho đến trong hay ngoài, gần hay xa, cùng mười phương và khắp pháp giới, hết thảy những vị có thần thông và uy đức tương tự. Hết thảy chúa tể và chỉ huy của tám bộ, cùng thân thuộc của họ, khắp cả mười phương, cùng trong pháp giới như vậy, đại chúng đều phụng vì họ mà qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Bảo danh phật,

Nam mô Chúng thanh tịnh phật,

Nam mô Vô biên danh phật,

Nam mô Bất hư quang phật,

Nam mô Thánh thiên phật,

Nam mô Trí vương phật,

Nam mô Kim cang chúng phật,

Nam mô Thiện chướng phật,

Nam mô Kiến từ phật,

Nam mô Hoa quốc phật,

Nam mô Pháp ý phật,

Nam mô Phong hạnh phật,

Nam mô Thiện tư danh phật,

Nam mô Đa minh phật,

Nam mô Mật chúng phật,

Nam mô Công đức thủ phật,

Nam mô Lợi ý phật,

Nam mô Vô cụ phật,

Nam mô Kiên quán phât,

Nam mô Trú pháp phật,

Nam mô Châu túc phật,

Nam mô Giải thoát đức phật,

Nam mô Diệu thân phật,

Nam mô Thiện ý phật,

Nam mô Phổ đức phật,

Nam mô Quang vương phật,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.


Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà đồng gia nhiếp thọ, làm cho hết thảy chúa tể Tu la, Tu la và thân thuộc của họ, làm cho hết thảy Thiện thần thông minh chính trực, ở trên trời dưới đất và trong không, giúp đỡ người làm lành, trừng trị kẻ làm ác và hộ vệ người thọ trì kinh chú, làm cho chúa tể và chỉ huy của tám bộ, cùng thân thuộc của họ, tất cả đều giải thoát phiền não bằng cách thanh tịnh chướng duyên, phát tâm đại thừa mà hành đạo vô ngại, bốn vô lượng tâm và sáu ba la mật biểu hiện thường trực, bốn vô ngại biện và sáu thần thông lực tự tại như ý, vĩnh viễn vận dụng đức Từ mà cứu hộ chúng sinh, thực hành hạnh nguyện Bồ tát để thể nhập tuệ giác Phật đà, vượt lên Kim cang tâm mà thành Chánh biến giác.