Câu Hỏi 41-60

Thứ Bảy, 11 Tháng Sáu 20166:11 CH(Xem: 3181)
Câu Hỏi 41-60
100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP TẬP 1
Thích Phước Thái

41. Sau khi thọ bát về nhà nấu đồ ăn mặn có lỗi không?

 

HỏiNgày con đi thọ bát đến chiều về nhà. Khi về nhà, con làm thức ăn mặn cho con của con ăn. Xin hỏi: như thế có được hay không?

 

Đáp: Câu hỏi của Phật tử không nói rõ là khi Phật tử thọ Bát từ sáng đến chiều trong ngày chủ nhật, hay là thọ Bát ngày thứ bảy mà Phật tử không ngủ lại chùa, chiều lại về lo cơm nước cho con. Nếu Phật tử chỉ thọ Bát ngày chủ nhật, sáng thọ giới tu học đến chiều xả giới, thì việc nấu nướng của Phật tử không có gì sai trái.

 

Ngược lại, nếu Phật tử phát nguyện thọ Bát trong thời gian 24 tiếng đồng hồ, nghĩa là từ sáng thứ bảy cho đến sáng chủ nhật mới xả giới, thì việc về nhà nấu mặn của Phật tử, nó không đúng luật Phật chế. Vì Phật tử đã phát nguyện tịnh tu trọn một ngày đêm ở tại chùa, mà Phật tử về nhà ngủ nghỉ, như thế là đã trái với luật Phật chế cho người tại gia thọ Bát quan trai giới tập tu theo công hạnh của người xuất gia rồi. Như vậy, nếu Phật tử hỏi về việc thọ Bát trọn một ngày đêm, thì tôi thành thật khuyên Phật tử tốt hơn hết là nên sắp xếp việc nhà cho ổn thỏa, trước khi Phật tử đến chùa thọ Bát. Có như thế, thì cả hai mới được an vui, lợi ích.

42. Giải quyết thế nào giữa mẹ con được vui.

 

Hỏi: Nếu ngày thọ Bát, con của con cần đến con giúp một vài việc cần thiết, khi ấy, con không đến chùa thọ Bát được, thì lòng con cảm thấy bất an. Còn nếu con không nhận giúp cho con của con, thì nó không vui. Vậy xin hỏi: Phải giải quyết như thế nào cho cả hai đều được vui vẻ?

 

Đáp: Việc nầy thật khó giải quyết cho cả hai đều được lưỡng toàn. Vì ở đời, người ta thường nói: “Không ai có thể bắt cá hai tay”. Nếu cố tình bắt như thế, thì rốt lại chỉ là uổng công mà không được gì cả.

 

Trường hợp trên, chúng tôi chỉ xin thành thật khuyên nhắc Phật tử, nên mở rộng cõi lòng mà giúp cho con nó được vui vẻ. Bởi lẽ, Phật tử còn ở tại gia, đương nhiên là nó còn sự quan hệ mật thiết trong gia đình rất lớn. Nếu chỉ vì sự lợi ích cho riêng cá nhân mình, mà mình không nghĩ gì đến sự giúp đỡ cho kẻ khác, thì điều đó nó cũng chưa đúng ý nghĩa của sự tu hành. Hơn nữa, sự giúp đỡ đó, lại là giúp cho người thân ruột thịt của mình. Sự tu hành ở tại gia, Phật tử nên cố gắng giữ làm sao cho mình và người, nói chung là trong gia đình đều được thuận thảo trong ấm ngoài êm, như thế, mới thật là quý giá tốt đẹp. Bằng ngược lại, mình chưa thật sự cắt đứt mối giây liên hệ, thì làm sao lòng không áy náy buồn phiền khi mình làm theo ý mình.

 

Như vậy, cả hai đều mất vui. Giả như, ngày hôm ấy, Phật tử nhứt quyết là phải tới chùa thọ Bát, nhưng Phật tử nên tự tra vấn lại lòng mình, mình có thật sự an tâm tu học hay không? Hay là thân tuy ở trong chùa, mà tâm thì mãi bị ray rứt dày xéo khó chịu khi nghĩ đến mình không giúp được cho con mình.

 

Từ đó, mình cảm thấy hối hận buồn lòng cho chính mình. Như vậy, thì thử hỏi suốt ngày thọ Bát hôm đó, Phật tử có được yên tâm tu học với chúng bạn hay không? Và có được chút gì lợi lạc cho tâm hồn hay không? Chẳng những không được lợi lạc mà còn có tội nữa. Vậy tốt hơn hết, Phật tử nên giúp cho con của Phật tử và đồng thời tìm cách giải thích cho chúng nó biết về việc đi chùa thọ Bát, tu hành của phật tử. Mục đích là để cho chúng nó cảm thông mà sau nầy ít phải nhờ vả đến Phật tử. Như vậy, thì tình mẹ con không bị sứt mẻ và càng yêu thương nhiều hơn. Vì thỉnh thoảng chúng nó mới nhờ giúp giùm, chớ đâu phải nó nhờ mình hoài như thế.

 

Tóm lại, người Phật tử biết tu nên khéo léo linh động uyển chuyển trong việc tu hành, chớ đừng có cố chấp quá mà làm mất đi sự hòa khí trong gia đình, nhứt là tình mẹ con. Đó là điều trái với lẽ đạo và trái với sự tu hành của chúng ta. Cố gắng càng tập tu hạnh hỷ xả chừng nào, thì Phật tử càng được an lạc nhiều chừng ấy. Kính chúc Phật tử nên an nhẫn mà cố gắng tu tập.

43. Chỉ cạo tóc không xuất gia bị người lầm nhận xá chào có lỗi không ?

 

Hỏi: Con chưa xuất gia mà đã cạo tóc, nên người ta lầm tưởng con là người xuất gia, mỗi khi gặp con ai nấy cũng đều chắp tay kính cẩn xá chào, con cũng cung kính xá lại. Xin hỏi: Như thế, con có bị tổn phước hay không?

 

Đáp: Việc đó không có gì là tổn phước cả. Chẳng qua là người ta hiểu lầm mà thôi. Vả lại, Phật tử đâu có ý muốn như thế. Nhưng trong khi người ta xá chào Phật tử, thì Phật tử cũng xá chào lại. Điều đó, cả hai đều rất tốt. Bị tổn phước, với điều kiện là khi người ta cung kính chắp tay xá chào Phật tử mà Phật tử không cung kính xá chào đáp lại. Chẳng những thế, Phật tử lại còn có tâm đắc chí kiêu mạn, thích để người ta lầm tưởng mà cung kính tôn trọng mình, xem mình như người xuất gia. Nếu Phật tử có tâm như thế, thì không nên và sẽ bị tổn đức rất lớn. Bằng không, thì không có gì là tổn phước cả. Phật tử yên tâm không có gì phải lo sợ.

44. Sức khỏe kém muốn xuất gia ở nhà tu được không ?

 

Hỏi: Con có ý định xuất gia, nhưng vì lý do sức khỏe hay đau yếu bệnh hoạn, con không thể ở tại chùa được. Vậy xin hỏi: sau khi xuất gia con có thể ở tại nhà tu được không?

 

Đáp: Điều nầy chúng tôi không thể trả lời dứt khoát được. Nếu Phật tử có ý muốn như thế, thì tốt hơn hết là nên trình bày rõ cho vị thầy nào mà Phật tử định muốn thế phát xuất gia. Sau khi trình bày cặn kẻ, thì tùy vị thầy đó chỉ dạy và giải quyết cho Phật tử được mãn nguyện. Nhưng, theo ý tôi, Phật tử vì sức khỏe kém, hay đau yếu bịnh hoạn, tốt hơn là Phật tử nên giữ hình thức của người tu tại gia, và cố gắng tập tu theo bản nguyện của người xuất gia, là diệt trừ phiền não ra khỏi Tam giới, như thế, được phần nào thì tốt phần ấy.

 

Nếu Phật tử xuất gia mà không học hỏi và hành trì đúng theo hạnh nguyện của người xuất gia, thì chỉ càng thêm tội mà thôi. Chi bằng Phật tử cứ tu tại gia, (vì lớn tuổi yếu đuối không tu học ở trong chùa được) gắng công chí thành niệm Phật, cầu vãng sanh, như thế, theo tôi, thì có lẽ tốt hơn. Trên hình thức, Phật tử tuy ở tại gia, nhưng xét về tánh, thì Phật tử đang hướng về xuất gia. Bởi xuất gia có 3 nghĩa: 1. Xuất thế tục gia. 2. Xuất phiền não gia. 3. Xuất Tam giới gia. Về 3 nghĩa nầy, nếu Phật tử ở tại gia mà có ý hướng xuất gia, quyết chí tu tập để ra khỏi nhà phiền não và tiến lên là ra khỏi nhà Tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) Được như thế, thì thân tướng tuy ở tại gia mà tâm tánh thì đã xuất gia rồi vậy.

 

Mong Phật tử suy xét lại cho thật kỹ trước khi quyết định một vấn đề rất hệ trọng cho đời tu của mình. Đó là lời khuyên thành thật của chúng tôi. Kính chúc Phật tử luôn được an vui mạnh khỏe và luôn tinh tấn tu hành.

45. Ăn chay trường nấu mặn có tội không ?

 

Hỏi: Con ăn chay trường, nhưng vì hoàn cảnh con phải nấu thức ăn mặn, phải xắt thịt cá để nấu ăn, như vậy con có mang tội hay không?

 

Đáp: Việc ăn chay trường là chuyện phát nguyện riêng của Phật tử. Điều đó rất tốt. Nhưng không vì thế, mà Phật tử không nghĩ và lo đến những người khác trong gia đình. Đó là hoàn cảnh bắt buộc. Bởi lẽ, Phật tử còn ở tại gia, chỉ ở trong phạm vi tu nhơn thừa, chưa phải là người tu hạnh xuất thế. Nên việc nấu nướng cho gia đình, đó là bổn phận của Phật tử.

 

Việc xắt thịt cá, nấu đồ ăn mặn, thì không có tội lỗi gì cả. Có tội lỗi là khi nào Phật tử mua những con vật còn sống, rồi chính Phật tử ra tay giết hại chúng nó để nấu cho gia đình ăn, thì điều đó là Phật tử đã phạm tội sát sanh. Đã thế, thì việc ăn chay trường của Phật tử chỉ là vô ích mà thôi. Vì trái với lương tâm và bản nguyện cũng như đã phạm giới sát.

 

Ngoài ra, nếu Phật tử nấu ăn mà không có trực tiếp sát hại sanh vật, thì Phật tử yên tâm không có gì là tội lỗi cả.

46. Ăn chay trường mà mua thịt cá nấu cho gia đình ăn có tội không?

 

Hỏi: Con ăn chay trường, thường ngày, sáng con tụng kinh Pháp Hoa và chiều lại niệm Phật công cứ. Nhưng khi đi chợ, thấy thịt cá tươi ngon, con thường mua về nấu cho con của con ăn. Xin hỏi: Như vậy con có tội hay không?

 

Đáp: Việc ăn chay trường và giữ đúng thời khóa tụng niệm của Phật tử, thật là điều rất tốt và quý giá. Nhưng Phật tử nên nhớ, Phật tử vẫn còn là người tu tại gia, tức tu theo nhơn thừa. Mà tu nhơn thừa, thì Phật dạy người Phật tử giữ gìn 5 giới cấm căn bản. Việc giữ giới, tùy theo mỗi người gìn giữ nghiêm nhặt hay không nghiêm nhặt và tùy theo nghiệp sát hại nặng nhẹ mà quả báo có sai khác. Mặc dù Phật tử ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật, nhưng, vì còn sống trong gia đình, nên việc lo cho gia đình hay con cái ăn uống là chuyện không sao tránh khỏi. Nói rõ hơn, đó là chuyện sinh hoạt bình thường.

47. Thờ Phật Thích Ca mà niệm Di Đà.

 

Hỏi: Tại sao trong chùa trên chánh điện thì thờ Phật Thích Ca, mà khi tu thì người Phật tử lại niệm Phật Di Đà?

 

Đáp: Thờ Phật Thích Ca, vì Ngài là giáo chủ cõi Ta bà nầy. Chúng ta ngày nay biết đến và tu theo Đạo Phật, cũng nhờ sự thuyết giáo chỉ dạy của Ngài. Nên chúng ta tôn thờ Ngài là để một mặt, nhớ đến công ơn giáo hóa của Ngài, mặt khác, cũng để noi gương học hỏi và làm theo những điều Ngài đã thật hành được giác ngộ, giải thoát.

 

Còn tại sao phật tử khi tu lại niệm Phật Di Đà? Không phải người Phật tử nào khi tu cũng trì niệm danh hiệu Phật Di Đà hết. Sở dĩ chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lý do, là vì chúng ta là những người đang tu theo pháp môn Tịnh Độ. (Và chỉ có những người tu theo pháp môn Tịnh độ). Mà pháp môn Tịnh độ lấy sự trì danh niệm Phật làm tiêu đích chính. Do đó, nên Đức Phật Thích Ca khuyên chúng ta nên cố gắng niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà. Nếu chúng ta thiết thiệt niệm danh hiệu Ngài, chẳng những hiện đời chúng ta được an lạc mà tương lai cũng được an lạc.

 

Ngoài ra, chúng ta, vì căn cứ theo bản nguyện của Đức Phật Di Đà, trong 48 điều đại nguyện của Ngài, nguyện nào Ngài cũng muốn tiếp dẫn chúng sanh về cõi nước của Ngài. Nếu như có chúng sanh nào thành tâm tha thiết ngày đêm tưởng niệm đến danh hiệu Ngài, thì khi lâm chung, Ngài sẽ phóng quang tiếp dẫn về cõi nước Cực Lạc của Ngài. Bởi thế, nên người tu Tịnh độ đều hết lòng niệm danh hiệu Ngài để được vãng sanh về Cực lạc. Ngược lại, những người tu theo các pháp môn khác, thì không có niệm danh hiệu Ngài. Đó là tùy theo căn cơ trình độ và sở thích của mỗi người.

48. Tại sao cha mẹ chết, người xuất gia không lạy?

 

Hỏi: Tại sao người xuất gia, khi cha mẹ mất mà không lạy lúc tẩn liệm cũng như lúc thiêu hay chôn? Như thế, thì có phạm tội bất hiếu hay không?

 

Đáp: Xin thưa ngay là không có gì phạm tội bất hiếu cả. Vì người xuất gia, trước khi vào chùa cạo tóc, đã có xin phép cha mẹ và được cha mẹ đồng ý. Và trước khi làm lễ thế phát xuất gia, người con lạy cha mẹ 3 lạy. Ba lạy đó, nói lên lòng biết ơn cha mẹ và cũng để trả hiếu đáp đền lại công ơn giáo dưỡng sâu dầy của cha mẹ. Từ đó về sau, người xuất gia không còn lạy cha mẹ nữa. Lý do, là vì sợ cha mẹ bị tổn đức. Bởi người xuất gia, tuy hình hài là do cha mẹ sanh ra, nhưng huệ mạng là do giới luật của Phật làm tăng trưởng. Mà “pháp thân huệ mạng” đối với người xuất gia thật rất quan trọng. Nên sau khi thọ giới luật rồi, người xuất gia phải gìn giữ một cách rất nghiêm nhặt. Nhứt là sau khi thọ giới Tỳ kheo, tức Đại giới hay Cụ túc giới, thì người xuất gia càng phải thận trọng gìn giữ nhiều hơn nữa. Do đó, nên giới đức ngày càng tăng trưởng.

 

Trong khi đó, thì cha mẹ là người tại gia, chỉ gìn giữ 5 giới cấm, cho nên xét về giới đức thì kém hơn rất nhiều. Do đó, theo luật Phật dạy, thì cha mẹ kỉnh Phật phải trọng Tăng. Dù ngày xưa là con, nhưng bây giờ là người của đạo pháp, sống trong hàng ngũ Tăng già, nên cha mẹ cũng phải kính trọng như bao nhiêu vị Tăng khác. Đã kính trọng như thế, thì làm sao cha mẹ dám để cho người xuất gia lạy mình.

 

Tóm lại, vì sợ cha mẹ bị tổn đức mà không lạy, chớ không phải có ý xem thường hay bất hiếu như người đời lầm tưởng. Hơn nữa, sự báo hiếu của người xuất gia không phải chỉ có hình thức lễ lạy bề ngoài như người thế gian, mà những vị đó thường đem những lời Phật Tổ dạy để khuyến nhắc cha mẹ, hầu để cha mẹ thức tỉnh mà lo tu hành để được an vui giải thoát. Đó mới thật sự là báo ân cho cha mẹ vậy.

49. Thế nào mới là phạm ăn phi thời ?

 

Hỏi: Trong những ngày tu, con lãnh phần nấu cơm, khi con giở cơm nguội ra, để lấy nồi nấu cơm mới. Khi rửa nồi, thấy trong nồi còn dính vài hạt cơm, con sợ bỏ thì tội, nên con đã bốc ăn. Vậy xin hỏi: Con có phạm giới ăn phi thời không?

 

Đáp: Nếu bảo rằng phạm giới ăn phi thời, thì Phật tử đã phạm. Đúng luật Phật dạy, thì quá giờ ngọ những người xuất gia không được ăn. Phật tử đến chùa thọ Bát quan trai giới, coi như quý vị tập tu theo hạnh người xuất gia một ngày, hay nhiều ngày cũng thế.

 

Tuy nhiên, cũng trong luật nói: chư Tổ xét thấy, người đời nay cơ thể yếu đuối hay sanh đau yếu bịnh hoạn, nên các Ngài tạm cho người xuất gia ăn chiều gọi là Dược thạch. Chữ dược thạch có ý nghĩa là ngày xưa người ta lấy đá mài thành kim để chích trị bịnh. Từ đó, trong thiền môn dùng hai chữ nầy để nói lên người tu khi dùng cơm chiều chẳng khác nào như là uống thuốc để trị bịnh (bịnh đói) nên trong khi ăn không được sanh vọng tâm tham đắm.

 

Và cũng trong luật, Tổ nhắc nhở là khi ăn, chúng ta phải sanh lòng hổ thẹn. Như vậy, chư Tổ tạm cho, nhưng khi ăn phải biết hổ thẹn, rằng, mình không giữ đúng như lời Phật dạy.

 

Như vậy, thì việc ăn vài hạt cơm của Phật tử là đã phạm phi thời trong phi thời. Nghĩa là Phật tử đã ăn thêm sau giờ ăn chiều, dù chỉ là vài hạt cơm thôi. Tuy nhiên, dù sao Phật tử cũng có lòng sợ tội, đối với những hạt cơm do Đàn na thí chủ dâng cúng. Đó là điều đáng khen. Nhưng lần sau, nếu khi rửa nồi mà nó còn dính những hạt cơm trong nồi như thế, thì tốt hơn hết là Phật tử nên để vào vật gì đó cho chim ăn. Đó cũng là điều bố thí cho chúng sanh. Như thế, thì được vẹn toàn cả hai vậy.

50. Người chết sau 49 ngày tiếp tục cầu siêu được không ?

 

Hỏi: Trong gia đình, nếu có người thân qua đời, con cháu cúng cầu siêu trong 49 ngày, niệm Phật mỗi đêm trước bàn Phật. Nhưng sau 49 ngày, thì còn cầu siêu bằng cách niệm Phật tiếp tục nữa không?

 

Đáp: Việc con cháu tụng kinh niệm Phật cho người thân của mình trong vòng thời gian 49 ngày, đó là điều rất quý kính. Đây cũng là noi theo trong kinh dạy mà Phật tử làm theo. Như thế, thì rất đúng không có gì là sai trái cả. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tụng niệm, mọi người phải thành tâm tha thiết, đem hết lòng thành để tụng niệm cầu nguyện. Được thế, thì người tụng niệm được lợi lạc mà hương linh cũng được phần nào lợi lạc.

 

Theo kinh Địa Tạng nói: người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong linh của người mất, tùy nghiệp mà thọ sanh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sanh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp thiện ác, mà thọ sanh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi. Cũng chính theo lời dạy nầy, mà Phật tử thường hay cúng Trai Tăng vào ngày chung thất.

 

Mục đích là nhờ sức chú nguyện của chư Tăng Ni, gọi là đức chúng như hải, mà hương linh thác sanh về cảnh lành. Tuy nhiên, nếu luận theo ý nghĩa của hai chữ cầu siêu, thì không phải chỉ trong 49 ngày thôi. Vì cầu siêu có nghĩa là cầu mong vượt qua: “từ cảnh giới tối tăm xấu ác, vượt qua đến cảnh giới tốt đẹp an lành”. Hiểu theo nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu, cầu siêu cho chính bản thân ta, đồng thời cũng cầu siêu cho mọi người luôn luôn được sống trong an lành.

 

Theo ý nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu cho ta và cho người mãi mãi thoát khỏi khổ đau để được an vui giải thoát, chớ không phải chỉ trong phạm vi 49 ngày thôi.

 

Vì thế, sau 49 ngày, phật tử và những thân nhân trong gia đình tiếp tục tụng kinh niệm Phật, thì đó là điều rất tốt. Dù cầu siêu hay không, người Phật tử cũng nên tụng kinh niệm Phật để cho hiện đời mình được an lạc và đời sau cũng được an lạc. Và sau mỗi lần tụng kinh niệm Phật như thế, thì Phật tử cũng nên cầu nguyện cho hương linh thân nhân của mình, cũng như cho những vong hồn khác, rộng ra là cho cả pháp giới chúng sanh hữu tình vô tình đều trọn thành Phật đạo. Đây là thể hiện tấm lòng từ bi vị tha của người Phật tử, như thế, cũng rất là tốt đẹp vậy.

51. Làm lành chết bất đắc kỳ tử có được siêu không?

 

Hỏi: Hiện đời nầy, con vâng theo lời Phật dạy làm lành lánh dữ, như làm phước, niệm Phật v.v.. nhưng một hôm nào đó, con bị tai nạn chết bất ngờ, như khi đang tắm biển bị sóng thần cuốn mất. Như vậy, thì thần thức của con sẽ đi về đâu? Có được về cõi Cực lạc không?

 

Đáp: Luận về nghiệp báo, trong kinh Phật dạy có nhiều loại nghiệp. Trong số những loại nghiệp đó, thì có 2 loại nghiệp báo mà người Phật tử thường nghe nói đến nhiều nhứt. Đó là: “Tích lũy nghiệp và Cận tử nghiệp”. Về Tích lũy nghiệp, tích lũy nó có nghĩa là cất chứa chồng chất thêm lên, còn nghiệp là hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, Phật giáo gọi đó là nghiệp. Như vậy, hiện đời, nếu Phật tử thường tạo những nghiệp lành, như đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, bố thí, cúng dường v.v… thì những nghiệp lành nầy càng ngày càng nhiều, nó được cất chứa vào trong kho A Lại Da Thức hay Tàng thức. Chắc chắn là không bao giờ mất. Trái lại, tạo nghiệp ác cũng như thế. Đó gọi là Tích lũy nghiệp.

 

Còn Cận tử nghiệp thì sao? Cận là gần, tử là chết, nghĩa là cái nghiệp gần với cái chết. Trong khi sắp chết, trong tâm ta khởi lên nghiệp lành hoặc nghiệp dữ, thì lúc đó ta tắt thở, tất nhiên là ta sẽ đi theo cái nghiệp mà mình khởi lên trong khi sắp tắt thở. Cái nghiệp khởi lên rất mạnh.

 

Thí dụ như người nào đó làm cho ta phải bực mình, nổi sân hận lên, hoặc ta nhớ lại một hình ảnh nào đó quá sâu đậm, như thương hoặc ghét người nào hoặc là món đồ nào, liền khi đó ta tắt thở, thì thần thức sẽ theo cái nghiệp thức nầy mà thọ sanh vào cảnh đó. Đó là đi theo Cận tử nghiệp ác. Ngược lại, khi gần chết, bỗng có người niệm Phật làm ta nhớ đến Phật, hoặc giả hằng ngày ta thường xuyên niệm Phật, tuy lúc đó không có người niệm Phật, nhưng nhờ cái thói quen niệm Phật hằng ngày, nên lúc sắp chết ta trực nhớ đến Phật, ngay lúc đó tắt thở, thì chắc chắn là ta sẽ đi theo Phật. Đó là Cận tử nghiệp lành.

 

Như vậy, nếu hằng ngày ta tu tạo những điều lành, mà lúc sắp chết ta khởi nghiệp dữ, hoặc lưu luyến thương tiếc điều gì, khi nhắm mắt, phải theo Cận tử nghiệp dữ mà thọ báo. Tuy nhiên, trong lúc thọ báo của Cận tử nghiệp, thì cái Tích lũy nghiệp thiện ác kia không bao giờ mất. Khi trả hết Cận tử nghiệp, tùy thời gian lâu mau không nhứt định, thì ta trở lại thụ hưởng cái Tích lũy nghiệp mà hiện đời ta đã gây tạo. Nếu là nghiệp lành, thì ta hưởng cảnh lành, như làm người được có địa vị cao trong xã hội. Hay giàu sang tột bực v.v… Ngược lại, thì chiêu cảm trả quả ác .

 

Tóm lại, Phật tử đừng có lo sợ, khi hiện đời mình làm lành, tu tạo nhiều phước đức, bất thần bị tai nạn chết, gọi là: “chết bất đắc kỳ tử”, thì thần thức không biết đi đâu. Nghĩa là sớm hay muộn gì, nó cũng đi theo con đường mà mình đã chọn khi còn mạnh khỏe. Điều quan trọng là trong khi còn mạnh khỏe, ta nên cố gắng tu tạo nhiều nghiệp lành, để sau khi nhắm mắt ta thác sanh về cảnh lành. Như cây ngã, thì sẽ ngã theo chiều mà nó đã nghiêng sẵn. Điều quan trọng là hằng ngày ta nên cố tạo cho mình có một chiều nghiêng sẵn về những điều lành cho thật mạnh, thì khi nhắm mắt ta sẽ ngã theo chiều nghiêng điều lành đó.

52. Khi chấp tác nhổ cỏ làm chết những con vật nhỏ có tội không?

 

Hỏi: Khi chúng con thọ giới Bát quan trai, trong 8 giới, thì giới không sát sanh lại đứng đầu. Tuy nhiên, khi chấp tác, chúng con làm vệ sinh hay tảo địa… chúng con quét đi rất nhiều con vật nhỏ, nhứt là kiến, nhện, cuốn chiếu v.v… Chúng con cố gắng tránh mà cũng không khỏi. Như vậy, xin hỏi: đối với giới sát và luật nhân quả chúng con có phạm tội và có phải trả quả báo hay không?

 

Đáp: Căn cứ vào giới bất sát cũng như luật nhân quả, thì việc làm của Phật tử đương nhiên là đã phạm và phải trả quả. Tuy nhiên, vấn đề nặng nhẹ có khác. Nếu luận về tội, thì dù cố ý hay vô tình, thì cũng giết những sinh vật khác, dù là sinh vật rất nhỏ nhít như con kiến, con trùng v.v… Đã có giết, tất nhiên là đã thành tội. Song có điều, ta cũng cần nên hiểu thêm, giới sát sanh mà Phật cấm, chủ yếu là Phật cấm giết người. Vì mạng sống của con người quý giá hơn hết. Rồi từ đó cứ hạ thấp dần xuống, như trâu, bò, ngựa, chó v.v… những sinh vật mà chúng nó có ân nghĩa với loài người chúng ta, thì Phật dạy người phật tử nên mở rộng lòng thương không nên cố ý giết hại chúng nó.

 

Đối với những loài sinh vật nhỏ hơn, ta cố giữ được chừng nào, thì tốt chừng ấy. Luận cho cùng, thì thử hỏi trong đời có mấy ai giữ trọn vẹn giới bất sát sanh nầy. Vì bảo vệ mạng sống, khi bịnh chúng ta uống thuốc cũng đã giết chết biết bao vi trùng trong cơ thể chúng ta. Cho nên, Phật khuyên loài người nên tôn trọng sinh mạng trên hết là loài người, chỉ cần cả nhơn loại biết yêu thương và tôn trọng mạng sống con người lẫn nhau, không nên ra tay sát hại nhau, giữ được ngần ấy, thì lo gì thế giới không hòa bình. Nhưng ngặt gì nhơn loại không giữ được cái giới không giết người nầy, nên nhơn loại luôn luôn sống trong khổ đau. Giết người là mạng sống lớn mà con người còn không giữ được, thì nói chi đến những loài sinh vật nhỏ nhít khác.

 

Đối với người Phật tử, Phật cấm chúng ta chẳng những không được giết người mà còn phải thương yêu tất cả muôn loài vạn vật khác. Đó là thể hiện lòng từ bi. Nhứt là tránh được quả báo oán thù.

 

Tóm lại, qua hành động sát hại sinh vật của Phật tử như trong câu hỏi của Phật tử nêu ra, theo tôi, thì y cứ luật nhân quả hễ có gây nhân dù là rất nhỏ, cũng đều có quả, không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, trong nhân quả đó, nó còn có nhiều yếu tố phụ thuộc khác của cái nhân trong khi gây tạo, do đó, mà kết quả có nặng nhẹ sai khác nhau.

 

Trường hợp của Phật tử, thật ra, không phải tự ý Phật tử đi tìm nó để giết hại. Việc làm của Phật tử là do quý thầy và đại chúng công cử, sai bảo, chớ không phải Phật tử tự ý đứng ra làm việc đó. Nên, nếu có tội là tội chung, chớ không phải chỉ riêng một mình Phật tử lãnh chịu. Thứ hai, là chủ tâm của Phật tử làm là quét dọn chung quanh sân chùa cho được sạch sẽ, chớ Phật tử đâu có chủ tâm tìm chúng để giết.

 

Như vậy, chúng bị chết, chẳng qua đó cũng là cái nghiệp quả của chúng mà thôi. Chả lẽ vì sợ chúng chết, rồi mặc cho cỏ rác mọc um tùm và tràn ngập cả sân chùa, cứ để vậy mà chịu sao? Nếu thế, thì tại sao có bài kệ được đề cao việc quét dọn sân chùa:

 

Thường tảo già lam địa

Thời thời phước huệ sanh

Tuy vô nhơn khách chí

Diệc hữu Thánh nhơn hành.

 

Nghĩa là:

 

Thường quét đất sân chùa

Phước huệ luôn luôn sanh trưởng

Tuy không du khách đến viếng

Cũng có Thánh nhơn đi qua.

 

Như vậy, Phật tử cũng đừng lo sợ, nếu có tội là tội chung chớ không phải một mình Phật tử. Vì Phật tử làm là do đại chúng sai bảo vậy.

53. Tạo tội như núi cả …

 

Hỏi: Trong phần nghi thức tụng kinh Pháp Hoa, có bài kệ khen ngợi kinh, trong đó có 2 câu:

 

“Dù cho tạo tội hơn núi cả

Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng”.

 

Xin hỏi: Có phải người dù tạo tội to như núi Tu Di đi nữa, chỉ cần tụng vài hàng trong kinh Pháp Hoa, thì tất cả tội chướng đều tiêu tan hết phải không?

 

Đáp: Xin chớ hiểu lầm ý của bài kệ nói. Không có chuyện ngược đời như vậy được. Nếu như thế, thì tu hành chi cho mệt sức. Trong khi sống, cứ tha hồ tạo tội, đến khi bệnh nặng chỉ cần tụng vài ba hàng kinh Pháp Hoa là xong ngay, bao nhiêu tội chướng chất chồng đều tiêu tan hết. Nếu hiểu như thế, thì chắc là cả thế gian nầy đại loạn mất. Cuộc sống sẽ trở thành hỗn độn, không còn ai biết lo sợ nhân quả báo ứng gì cả.

 

Ý của hai câu đó, theo chỗ chúng tôi hiểu là như vầy: Đây là bài khen ngợi kinh, mà chủ yếu của kinh Pháp Hoa là Phật dạy không ngoài bốn chữ: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập”. Bốn chữ nầy nhằm một mục đích chính mà Phật muốn chỉ bày cho tất cả chúng sanh nhận ra và sống được với cái “Thể tánh thanh tịnh sáng suốt” mà mỗi người đều sẵn có, trong kinh gọi là: “Phật tri kiến”. Nếu người nào nhận ra và sống đúng trọn vẹn với thể tánh thanh tịnh bản nhiên sáng suốt nầy, thì dù cho bao nhiêu tội lỗi đã có cũng đều tiêu tan hết. Lý do tại sao? Bởi vì tội tánh vốn không.

 

Trong Chứng Đạo Ca Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói: “Chứng Thật tướng vô nhơn pháp, sát na diệt khước A tỳ nghiệp”. Hay “Vô minh thật tánh tức Phật tánh, ảo hóa không thân, tức Pháp thân. Pháp thân giác liễu Vô Nhứt Vật….” Khi chứng Thật tướng, tức là “Tướng Không” của muôn pháp, thì nhơn và pháp sẽ không còn. Thật tướng là tên khác của Tri kiến Phật. Khi chưa chứng được Thật tướng hay chưa chứng thật Tri kiến Phật, thì nhơn ngã bỉ thử, tức là mọi vọng chấp đều có đủ. Nhưng khi chứng ngộ rồi, thì mọi thứ đều tan biến hết. Vì vô minh nó không có thật thể. Dụ như bóng tối nó không có thật thể cố định. Như trong một căn phòng, ban đêm tối đen như mực, bỗng có ánh sáng chiếu vào, tất nhiên bóng tối kia không còn, nó tan biến một cách rất nhanh chóng. Dù bóng tối đó trải qua hằng mấy trăm năm cũng thế.

 

Tại sao nó tan biến nhanh như vậy? Tại vì nó không có thật thể cố định. Như vậy, bóng tối là dụ cho vô minh hay tội lỗi, vì tội lỗi có ra là gốc từ vô minh, mà gốc không có thì làm gì cái ngọn có? Như vậy, hai câu kệ trên ý nói: Khi chúng ta nhận được cái Diệu Pháp, (tức tên khác của Phật tri kiến), và sống trọn vẹn với cái Diệu Pháp đó, thì không cần phải nhọc công tụng đọc, dù chỉ là vài hàng thôi, thì bao nhiêu tội lỗi cũng không còn. Ngược lại, dù chúng ta khổ công tụng không biết bao nhiêu bộ, trải qua không biết bao nhiêu lần, rốt lại tội lỗi vẫn còn nguyên vẹn. Lý do tại sao vậy? Tại vì chúng ta tụng đọc suông trên văn tự chữ nghĩa, hay tụng cho có phước. Thế thôi! Chúng ta không nhận được ý kinh Phật dạy.

 

Tụng hết năm nầy đến năm khác, nhìn lại, phiền não tham, sân, si vẫn không tiêu mòn chút nào. Thử hỏi tụng đọc như vậy, thì làm sao tiêu tội cho được?! Muốn hết tội, phải thấy Tánh (Diệu Pháp) và phải hằng sống với cái Tánh thể đó, thì tội gì cũng không còn. Như mặt trời hiển hiện chiếu sáng, thì tất cả mây mù đều tan biến hết. Điều quan trọng là làm sao cho mặt trời Trí Huệ hiển hiện…Chính đó mới là điều quan trọng

54. Có phải vì bệnh làm phiền trong chúng…

 

Hỏi: Mỗi lần nhập chúng tu học, vì cơ thể già nua yếu đuối, nên dễ sanh bệnh. Cứ mỗi lần bệnh làm phiền đến những người khác phải quan tâm lo lắng. Vậy xin hỏi: Như vậy, con có mắc cái tội làm động chúng không? Và con có mất công đức tu học không?

 

Đáp: Bệnh là một trong bốn nỗi khổ lớn của con người: sanh, già, bệnh, chết. Đã là quy luật chung thì không ai tránh khỏi. Tuy nhiên, bệnh trạng nặng nhẹ, còn tùy thuộc vào nghiệp lực của mỗi người mà có nặng nhẹ khác nhau.

 

Trường hợp của Phật tử, không có gì là mang tội làm động chúng cả. Tội động chúng là khi nào tới giờ ngủ nghỉ mà Phật tử không chịu nằm yên để ngủ, hoặc vì ngủ không được, nên Phật tử đi đứng gây tiếng động làm ồn những người khác không ngủ được, như thế, thì Phật tử mang tội làm động chúng. Vì trong thời gian tu học, mọi người rất cần đến sức khỏe để hành trì giữ đúng theo thời khóa, mà Phật tử không tôn trọng giờ giấc ngủ nghỉ của những người khác, như vậy, Phật tử vừa phạm nội quy mà cũng vừa làm động chúng nữa. Đây là điều mà mọi người dự tu trong những khóa tu ngắn hay dài hạn do chùa tổ chức, cần nên chú ý để tránh những lỗi lầm nầy. Còn trường hợp của Phật tử có khác. Vì bệnh là ngoài ý muốn của Phật tử.

 

Vả lại, trong tinh thần sống chung hòa hợp của một tập thể, thì cần phải thể hiện tinh thần tương trợ cho nhau, nhứt là trong khi có một người nào đó đau yếu bệnh hoạn. Nên việc những người khác giúp cho Phật tử, đó là chuyện bình thường và rất tốt, không có gì là động chúng cả. Như vậy, hai trường hợp khác nhau rất xa. Phật tử yên tâm không có gì là mang tội. Phật tử cũng không có mất công đức tu học. Tuy nhiên, như trên chúng tôi có nói, bệnh là nghiệp quả của mỗi người, nhứt là trong khi tu học mà Phật tử lại bị bệnh, như vậy, thì nghiệp của mình hơi nặng. Phật tử nên thành tâm sám hối cho tiêu bớt nghiệp. Nếu trong khi bệnh, nhưng mọi thời khóa tu học, Phật tử vẫn giữ đều đặn, thì không có gì là mất công đức.

 

Ngược lại, nếu Phật tử vì bệnh mà không theo đúng thời khóa cùng với đại chúng, thì đương nhiên, Phật tử sẽ bị thua thiệt hơn người ta. Nhưng, nếu trong lúc bệnh nằm trong phòng không đi tụng niệm được, mà Phật tử vẫn cố gắng nhiếp tâm niệm Phật, được như thế, thì không có gì phải mất công đức cả. Mất công đức là khi nào, Phật tử khỏe mạnh, mà tìm cách lẩn trốn thời khóa không đi tụng niệm cùng với đại chúng, đó mới là mất công đức. Chẳng những thế, mà còn mang thêm tội thọ dụng của Đàn na thí chủ nữa. Vì những người nầy, họ bỏ công sức ra lo nấu nướng cho mình ăn mà mình không lo tu và thêm cái tội sống không hòa chúng. Trường hợp nầy, khi tu học cùng với đại chúng, thì không nên có. Ngoài ra, Phật tử yên tâm không sao cả. Không ai chấp nhứt những người thật sự bệnh hoạn như Phật tử đâu.

55. Ý nghĩa câu tình dữ vô tình…

 

Hỏi: Trong bài phục nguyện cũng như trong bài sám có câu: tình dữ vô tình giai cộng thành Phật đạo. Hoặc tình dữ vô tình đồng viên chủng trí. Xin hỏi: ý nghĩa của hai câu nầy như thế nào?

 

Đáp: Muốn hiểu ý nghĩa của hai câu nầy, trước hết, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của những từ ngữ: “Phật đạo và Chủng trí”. Phật đạo ở đây không có nghĩa là chỉ cho Phật quả. Mà ta có thể hiểu là chỉ cho Tánh giác. Còn danh từ “chủng trí” cũng là tên khác của Tánh giác mà thôi. Bởi trong kinh có nói đến 3 loại trí: 1. Nhứt thiết trí là trí của hàng Thanh Văn. 2. Đạo chủng trí là trí của Bồ tát. 3. Nhứt thiết chủng trí là trí của Phật. Như vậy, chủng trí nói cho đủ là “Nhứt thiết chủng trí”, tức cái trí biết tất cả chủng loại. Còn tình, nói đủ là hữu tình, tức chỉ cho những loài có tri giác tình thức phân biệt. Còn vô tình là những loài không có tri giác. Mà những loài không có tri giác, thì làm sao biết tu hành thành Phật được.

 

Cho nên, nếu chúng ta hiểu hai chữ Phật đạo là Phật quả, thì không làm sao giải nghĩa được hai câu trên. Còn nếu chúng ta hiểu Phật đạo hay chủng trí ở nơi cái Tánh thể, thì mới giải thích được. Lý do tại sao? Bởi vì tất cả các loài hữu tình hay vô tình đều có chung một Tánh thể. Vạn vật đồng nhứt thể. Dụ như muôn ngàn lượn sóng to nhỏ có khác nhau, nhưng tất cả đều từ nước mà có. Sóng tuy có khác mà nước thì chỉ có một. Nước là thể mà sóng là tướng và dụng của nước vậy.

 

Tánh thể nầy là tánh thanh tịnh bản nhiên của muôn vật. Ở nơi loài hữu tình, thì gọi nó là Phật tánh; ở nơi loài vô tình, thì gọi nó là Pháp tánh. Như vậy, giữa Phật tánh và Pháp tánh, danh từ tuy khác, nhưng Thể không hai. Tuy nhiên, nếu ta nói một cũng không đúng. Tại sao? Vì tánh thể nầy khi tác dụng ở nơi loài hữu tình, tiêu biểu như loài người, thì gọi đó là trí huệ và dùng trí huệ nầy nhận ra được tánh thể của muôn loài, thì gọi đó là pháp tánh. Người nào nhận ra và sống trọn vẹn với cái tánh thể đó, thì gọi người đó là Phật hay bậc Đại giác. Như vậy là hai mà không hai, (trong kinh thường gọi là Pháp môn bất nhị), vì giác ngộ việc đó nên thành phật thì Phật cũng không ngoài Pháp tánh. Nói chung, hữu tình và vô tình đều có chung một bản thể sáng suốt thanh tịnh, nên nói là đồng thành Phật đạo hay đồng viên chủng trí cũng thế.

56. Kiến Tư hoặc Và Trần sa hoặc khác nhau thế nào?

 

Hỏi: Kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc, ba thứ hoặc nầy giống nhau và khác nhau như thế nào?

 

Đáp: Ba thứ nầy có điểm giống nhau và cũng có những điểm khác nhau. Giống nhau ở chỗ, ba thứ nầy đều là vô minh phiền não, đều có tác dụng làm cho chúng sanh mãi bị trầm luân trong sanh tử. Tuy nhiên, chúng cũng có những điểm khác nhau. Trước hết xin nói sự khác biệt giữa kiến hoặc và tư hoặc, rồi sau mới nói đến khác biệt với trần sa hoặc.

 

 Kiến hoặc là gì? Kiến hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Lý. Chúng gồm có 5 thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. Còn tư hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Sự. Chúng cũng gồm có 5 thứ: tham, sân, si, mạn, nghi. Gọi chung 10 thứ nầy là 10 thứ căn bản phiền não. Vì chúng là cội gốc gây ra bao nhiêu sự khổ đau mà con người luôn luôn hứng chịu. Mười thứ nầy, tuy cũng là gốc phiền não, nhưng cường độ sâu, cạn, hay mạnh, yếu của chúng có khác nhau. Nhà Duy thức chia chúng ra làm hai loại:“ngũ độn sử và ngũ lợi sử”.

 

Đối với 5 món: tham, sân, si, mạn, nghi, hành tướng của chúng rất sâu và mạnh, nên gọi chúng là độn (chậm lụt và khó trừ). Ngược lại, 5 thứ kia: thân kiến, biên kiến… thì hành tướng của chúng yếu hơn, nên gọi là lợi sử. Sử có nghĩa là sai khiến, chúng sai khiến người ta phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Đối với 5 thứ trước, hành giả phải tu đến địa vị “Tu đạo” mới trừ được. Còn 5 món sau, vì tánh cách mê lý cạn cợt, nên hành giả tu hành đến địa vị “Kiến đạo” (thấy rõ chân lý và tin chắc lý nhân quả) thì trừ được chúng.

 

 Nói chung, hai thứ nầy, khác nhau về cường độ mạnh yếu và hành tướng chậm lụt cũng như nhạy bén có sai khác. Và khi đoạn trừ, cũng có sự khác nhau ở địa vị tu chứng. Đó là đại khái sự khác nhau giữa Kiến, Tư hoặc là như thế.

 

Còn đối với trần sa hoặc thì có khác. Bởi trần sa hoặc không phải là thứ phiền não của các vị A la hán. Vì những vị A la hán đã đoạn hết kiến, Tư hoặc, nhưng các ngài bị chướng ngại ở nơi hoặc lậu (phiền não) của chúng sanh. Nghĩa là các ngài thấy phiền não của chúng sanh nhiều như là cát bụi (trần sa). Do đó, các ngài không dám ra độ sanh như các vị Bồ tát. Như vậy, sự khác biệt giữa kiến, Tư hoặc và trần sa hoặc là như thế.

57. Thọ Tam quy không sanh về cảnh giới ác…

 

Hỏi: Trong kinh nói: quy y Phật bất đọa địa ngục, quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ, quy y Tăng bất đọa bàng sanh. Người Phật tử sau khi quy y, không còn đọa vào các loài nầy nữa, tức không đọa vào Tam đồ, tất nhiên sẽ sanh vào cảnh giới an vui. Như thế, thì tại sao người Phật tử sau khi chết lại thỉnh chư Tăng Ni tụng kinh cầu siêu? Như vậy có chống trái hay không?

 

Đáp: Thật ra không có gì là chống trái. Trong kinh nói về Tam quy y ở trên, không có nghĩa là ám chỉ cho con người sau khi chết mới không bị sa đọa. Nếu chúng ta hiểu như thế, mới là chống trái lại với ý kinh. Kinh nói rất rõ. Muốn hiểu được nghĩa lý trên, chúng ta cần phải hiểu rõ về ý nghĩa của từng câu một.

 

Tại sao quy y Phật không đọa vào địa ngục? Quy y có nghĩa là trở về nương tựa, còn Phật nghĩa là giác ngộ, sáng suốt. Như vậy quy y Phật, nghĩa là trở về nương tựa với một bậc giác ngộ sáng suốt. Qua câu nầy, nếu chúng ta chỉ hiểu đơn sơ ở phần sự tướng bề ngoài, thì không đúng. Bởi vì, hiện tại có lắm người sau khi quy y Tam Bảo rồi , họ tạo nghiệp bất thiện như cướp của, giết người v.v… Họ lại bị bắt nhốt trong lao ngục. Như thế, thì ta thử hỏi tại sao họ đã quy y Tam Bảo rồi mà họ còn phải bị đọa như vậy? Đó có phải là vì họ chỉ quy y suông, chớ họ không có gìn giữ giới cấm hay thật sự trở về với Phật.

 

Một người, sau khi quy y Tam Bảo, chỉ cần biết nương theo Tam Bảo thế gian, rồi cố gắng làm lành theo những lời Phật dạy, thì làm gì có xảy ra cảnh tù tội giam cầm. Đó là nói quy y theo nghĩa cạn cợt hình tướng mà còn được lợi ích như thế, hà tất gì quy y ở nơi phần lý tánh. Cho nên, người phật tử khi quy y phải biết quy y có hai phần: “Sự quy y và Lý quy y”.

 

Ý nghĩa trong kinh nói về Tam quy ở trên, không phải nói về Sự quy y mà nói về Lý quy y. Lý quy y là sao? Lý là lý thể, tức chỉ cho phần tánh giác sáng suốt của mỗi người sẵn có. Mỗi người chỉ cần trở về nương tựa (đấy là một cách nói theo ngôn ngữ) với tánh giác sáng suốt, thì làm gì có rơi vào địa ngục. Bởi địa ngục là nơi tối tăm (nghĩa đen) nghĩa bóng là chỉ cho tâm hồn của chúng ta bị phiền não cấu nhiễm nổi lên làm bức bách khó chịu. Đó là trạng thái bị rơi vào địa ngục. Hễ có tối tăm, thì không có sáng suốt, hay ngược lại cũng thế.

 

Còn ngạ quỷ là loài quỷ đói, do nhân bỏn xẻn mà có ra cái quả đau khổ đó. Nếu một người đã thật sự trở về nương tựa với chánh pháp, với tánh thể bình đẳng, trải rộng lòng từ bi thương yêu muôn loài, không có tâm keo kiết bỏn xẻn, luôn giúp đỡ cho mọi người thoát khổ được vui. Người có tâm như thế, thì làm gì đọa vào loài quỷ đói.

 

Còn súc sanh cũng thế, một tâm hồn si mê u tối, sống không có luân thường đạo đức, không phân biệt phải trái, tốt xấu, hành động càn bướng, đó là nếp sống của loài súc sanh. Ngược lại, người có tâm hồn sáng suốt thanh tịnh, sống theo chân lý, không chút tà tâm sái quấy, thì làm gì đọa vào súc sanh hay bàng sanh.

 

Nói tóm lại, người Phật tử đã thật sự quy y Tam bảo cả Sự lẫn Lý, đúng theo ý nghĩa quy y, thì bảo đảm người đó hiện đời sẽ không đọa vào tam đồ ác đạo như đã nói ở trên. Đã thế, thì sau khi họ chết, có cầu siêu hay không, không thành vấn đề. Vì hiện đời họ đã siêu rồi, tức họ đã vượt qua cảnh giới khổ đau rồi. Nhân đã như thế, thì quả cũng phải như thế. Không thể quả trái ngược lại nhân. Cho nên việc cầu siêu đó, chẳng qua làm theo lệ thường tình mà thôi. Như vậy, có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Hiểu như vậy, thì không có gì là chống trái cả.

58. Tụng Kinh cầu siêu có thật sự siêu hay không?

 

Hỏi: Việc tụng kinh cầu siêu cho người chết có thật sự siêu hay không?

 

Đáp: Vấn đề nầy, thú thật chúng tôi không thể nào trả lời một cách quả quyết dứt khoát được. Bởi không thấy, không biết, thì làm sao dám nói quả quyết. Tuy nhiên, theo chỗ học hiểu của chúng tôi, thì người Phật tử hay không phải Phật tử, tốt hơn hết là mình nên cầu siêu cho chính mình lúc còn sống.

 

Cầu siêu lúc còn sống là sao? Bởi vì hai chữ cầu siêu, nó có nghĩa là mong mỏi vượt qua mọi khổ đau. Nhưng nếu chúng ta chỉ cầu siêu suông bằng cách nói như thế, thì ngàn đời cũng không thể nào vượt qua khỏi khổ đau được. Muốn vượt qua khỏi khổ đau, thì chúng ta cần phải tu. Nghĩa là chúng ta cần phải làm lành lánh dữ. Điều gì xấu ác, không lợi cho bản thân và tha nhân, thì chúng ta quyết định không làm. Như người Phật tử, sau khi quy y thọ ngũ giới rồi, quyết tâm gìn giữ không phạm, được thế, thì hiện đời đã siêu rồi, còn nói gì đến đời sau. Ngược lại, điều xấu ác luôn làm, thì làm sao tránh khỏi quả báo khổ đau.

 

Có người vì quá tham lam, sân hận, gây ra thảm cảnh cướp của giết người. Có người vì nghiện ngập cờ bạc, rượu chè say sưa, hút xách, không kiềm chế được tánh xấu, nên đã gây ra nhiều tội phạm, bị pháp luật trừng trị hình phạt tương xứng theo nhân mà họ đã gây tạo, như bị đánh đập tra khảo tù đày v.v…

 

Như thế, thì làm sao chúng ta có thể cầu cho người đó siêu được? Không thể người nầy ăn, người khác lại no, hay người nầy học, người kia biết chữ. Làm gì có chuyện ngược đời như thế. Như vậy là phản với luật nhân quả. Cũng thế, khi một người tạo tội đã bị giam cầm hình phạt, thì ta không thể tối ngày cầu nguyện nói rằng: Xin cho người đó hết tội! xin cho người đó hết tội! 

 

Thử hỏi cầu nguyện như thế người đó có hết tội hay không? Hay là chính do người đó phải cải hối ăn năn qua những hành động mình đã làm và phải thể hiện những hành động cụ thể cho người có trách nhiệm trông coi mình, biết mình có thật tâm cải thiện. Chừng đó, người ta mới xét đến mà ân xá hoặc tha cho.

 

Còn những lời cầu nguyện van xin kia, chỉ có tánh cách giúp cho tội nhân kia cảm động mà hồi tâm cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh, chuyển đổi ở nơi tâm thức và hành động. Chớ nó không có một thần lực nào cứu vớt người đó khỏi tội được. Như vậy, việc cầu siêu chỉ là một trợ duyên thôi. Tất cả đều tùy thuộc vào đương sự. Khổ vui chính do người đó tự quyết định lấy.

 

Hiểu theo ý nghĩa cầu siêu như thế, thì người Phật tử không còn ỷ lại vào chư Tăng, Ni tụng kinh cầu siêu nữa. Bởi thực tế, thì chư Tăng Ni cũng phải cầu siêu cho chính họ. Và khi tụng thì tụng theo xưa bày nay làm, chớ thật sự không có một vị Tăng Ni nào dám quả quyết là siêu hay không siêu. Vì có thấy biết đâu mà dám nói càn. Thực tế là như thế.

 

Tóm lại, tự mỗi người phải lo tu, đừng bao giờ ỷ lại vào bất cứ ai kể cả Phật, Bồ tát, vì các Ngài cũng không thể cứu vớt chúng ta, bằng thần lực hay đưa tay cứu khổ. Các Ngài chỉ cứu khổ cho chúng sanh bằng cách chỉ dạy qua những lời được kết tập trong kinh điển. Nếu chúng ta y cứ vào đó mà hành trì, thì đó là chính ta tự cứu lấy ta vậy. Và như thế mới là thượng sách và mới đúng với ý nghĩa cầu siêu. Bằng ngược lại, thì chúng ta sẽ chuốc khổ dài dài đi mãi trong vòng luân hồi khổ đau bất tận. Kính mong mọi người nên tự xét lấy!

59. Giản biệt giữa tu phước và tu huệ.

 

Hỏi: Xin giản biệt giữa tu phước và tu huệ khác nhau như thế nào ?

 

Đáp: Tu phước và tu huệ khác nhau trên ý niệm và trên kết quả. Thế nào khác nhau trên ý niệm? Như chúng ta thấy một người nghèo khổ, động lòng từ bi, chúng ta tìm cách giúp đỡ cho họ. Từ đó, chúng ta bố thí cho họ tiền bạc, của cải v.v… để cho họ được no cơm ấm áo. Đó là chúng ta khởi niệm tu phước.

 

Còn khởi niệm tu huệ là sao? Khi chúng ta khởi nghĩ đi đến chùa để học hỏi nghe giáo lý Phật dạy, liền đó chúng ta đi ngay. Và khi đến chùa, chúng ta vào lớp học để nghe quý thầy giảng dạy. Trong khi nghe, chúng ta chăm chú nghe từng lời nói của vị giảng sư rồi chúng ta suy nghĩ thật chính chắn qua từng lời nói, sau đó, chúng ta đem ra ứng dụng thật hành để được lợi lạc cho bản thân ta.

 

Như vậy, giữa hai ý niệm khác nhau, một đàng là chúng ta khởi niệm muốn giúp đỡ người khác để chúng ta được có phước. Ngược lại, đằng nầy, chúng ta khởi nghĩ học hỏi chánh pháp để trau dồi trí năng của chúng ta, ngày thêm được sáng suốt hơn. Như vậy, rõ ràng có sự khác biệt ở nơi cái nhân của Ý Niệm. Và khi kết quả cũng có khác nhau. Kết quả của sự bố thí, cúng dường, thì chúng ta hưởng được phước báo giàu sang, an vui. Ngược lại, kết quả của sự trau dồi học hỏi qua 3 phương pháp: “Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ”, kết quả, chúng ta sẽ được trí huệ sáng suốt.

 

Như thế, tu phước, thì xuất phát từ lòng từ bi, vì có thương người, thương vật nên chúng ta mới thi ân giúp đỡ. Còn tu huệ, thì xuất phát từ lý trí, biện biệt được lẽ chánh tà chân ngụy. Trong kinh Phật dạy, người Phật tử cần phải gia công tu tập cả hai: “Phước trí lưỡng toàn mới phương tác Phật”. Chúng ta không nên chỉ tu nghiêng một bên. Nếu chỉ đặt nặng một bên, thì chẳng những không đạt được kết quả tốt đẹp lợi lạc, mà còn gây ra nhiều tai hại nữa. Nếu chỉ có từ bi mà không có trí huệ đi kèm, thì từ bi đó dễ trở thành mù quáng. Ngược lại, chỉ có biết tu huệ không thôi, thì đó là trí huệ khô, chẳng làm lợi lạc cho ai. Vì vậy, người Phật tử cần phải tu hết cả hai vậy.

60. Vô thường có phải là chủ thuyết bi quan không?

 

Hỏi: Vô thường có phải là chủ thuyết bi quan không?

 

Đáp: Vô thường không phải là chủ thuyết bi quan, mà trái lại, nó là chủ thuyết lạc quan. Lý do tại sao? Bởi vì, mọi vật trên đời nầy, nhờ vô thường nên chúng luôn luôn đổi mới. Như dòng nước trôi chảy không bao giờ đứng yên một chỗ. Nhờ có sự thay đổi đó, mà xã hội luôn luôn tiến bộ. Nếu mọi vật đứng yên một chỗ, thì cuộc đời nầy vô cùng buồn tẻ, và có lẽ, cũng không còn ai tha thiết muốn sống.

 

Như chúng ta trồng một cây kiểng, nếu cây kiểng đó, tự nó không có sự biến chuyển thay đổi, thì làm gì nó trở nên tươi đẹp. Dù chúng ta có ra công chăm sóc tới đâu đi nữa, thì nó cũng không bao giờ thay đổi. Cũng như dòng nước trong xanh tươi mát kia, sở dĩ nó được trong xanh như thế, là vì nhờ nó luôn luôn trôi chảy không dừng, nó cuốn phăng đi những thứ rác rến, nhơ nhớp, không bị tù hảm thành dơ bẩn. Một thí dụ khác, như khi chúng ta dùng thực phẩm hằng ngày, nếu không vô thường, thì thực phẩm kia làm sao tiêu hóa. Nếu không tiêu hóa, vật nào nguyên vẹn vật đó, thì làm sao chúng ta có thể sống được?

 

Tóm lại, sự đời nhờ vô thường mà cuộc sống luôn luôn đổi mới, thú vị, yêu đời. Hiểu như thế, thì chúng ta nên khéo lợi dụng sự vô thường đó mà luôn luôn đổi mới thân tâm của chúng ta theo chiều hướng tốt đẹp để làm thăng hoa trong cuộc sống. Đó là một thái độ khôn ngoan và luôn luôn lạc quan, yêu đời vui sống. Như vậy, theo lý vô thường, tự nó sẽ đào thải tất cả những gì lỗi thời không phù hợp thích nghi với nền văn minh tiến bộ của nhơn loại mỗi ngày mỗi đổi mới.