Kinh Bốn Việc Không Thể Được

Thứ Sáu, 19 Tháng Tám 201611:51 CH(Xem: 3946)
Kinh Bốn Việc Không Thể Được
KINH BỐN VIỆC KHÔNG THỂ ĐƯỢC
Việt dịch: Thích Huyền Vi


Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ,Đức Thế Tôn ngự tại nước Xá-Vệ, trong rừng cây Thái Tử Jeta, vườn của đại thần Cấp-Cô-Độc, và các đại tỳ kheo, một nghìn hai trăm năm mươi vị, cùng với các đại Bồ-tát.


Ánh bình minh vừa xuất hiện, đức Thế Tôn đắp y mang bình bát vào trong thành Xá-Vệ, có các thượng túc đệ tử đi theo. Đồng thời chư thiên, long thần rải hoa trổi nhạc từ trên hư không. Đạo nhãn của Phật nhìn thấy bốn người đang ngồi suy tính về mạng sống. Các vị nầy đã xa gia đình, yên ở nơi rừng núi, tu hành kỹ lưỡng đã đạt được năm phép thần thông. Đều gọi là tiên nhân. Mỗi vị đang suy nghĩ thế nào cơn vô thường (sự chết) cũng đến, phải tìm cách nào để tránh. Bốn người ấy đều có thần túc thông, bay đi tự tại, không nơi nào mà chẳng đến được, thế mà cứ suy nghĩ làm cách nào để được tránh khỏi sự chết, tránh khỏi sự mất thân mạng và xa lìa nỗi hồi hộp lo âu! Mỗi người đều có một thiện kế khác nhau. Người thứ nhất nói rằng: “Tôi dùng thần thông, bay liệng giữa hư không, rồi tự tàng hình, con quỉ vô thường (chết) đâu biết chỗ tôi cư trú.” Người thứ hai thì cho rằng chỗ ồn ào đông người, chẳng hạn như vào trong thị tứ, phố phường quá rộng lớn bao la, con quỉ vô thường không biết ta ở đâu, làm gì tìm bắt ta được.


Người thứ ba nghĩ rằng, ta vào trong biển ca mênh mông, ba trăm ba mươi sáu muôn dặm, dưới chưa đến đáy biển, trên không đến mặt nước, lơ lửng giữa lòng biển thì con quỉ vô thường làm gì tìm ra ta?


Người thứ tư có kế hoặc rằng, phải vào trong núi lớn, những chỗ không có người đi đến, dùng thần lực chẻ đá thành hai mảnh, vào trong ấy rồi khép lại, con quỉ vô thường đâu biết chỗ ta ở, thế là an toàn.


Lúc bấy giờ, bốn người làm theo ý định một cách cẩn thận để cho thân mạng được sống còn; thế nhưng không làm sao thoát khỏi tử thần! Người ở giữa hư không đúng ngày giờ mãn nghiệp tự rơi xuống đất mà chết, chẳng khác nào như trái chín muồi rơi rụng. Người ở trong núi, ngày giờ đã điểm, thân hoại diệt, mạng sống không còn. Kẻ ở giữa biển, đến lúc mạng căn chấm dứt, các loài thủy tộc tranh nhau ăn nuốt. Người vào trong chỗ đông, đến giờ phút chót cũng bị tắt thở. Sự chết đến, đâu có chừa một ai!


Lúc ấy đức Thế Tôn quan sát các việc như thế cho rằng: trong bốn hạng người hãy còn ámmuội trên, chưa thông được lý giải thoát, ba độc chẳng trừ, con đường sanh tử chưa hề khai thông; xưa nay, ít có ai tránh được sự lo lắng trên. Đức Phật liền nói bài kệ sau đây:


“Dù muốn ẩn tàng giữa hư không,
Hoặc trong biển cả quá mênh mông,
Giả sử có người vào trong núi,
Muốn được tồn tại, lẩn (tránh) đám đông.
Tránh khỏi cảnh chết thật khó xong,
Cổ kim chưa từng được lường đong,
Cần phải hành đạo, tu tinhh tiến,
Không thân mới thoát cảnh tai biến.”


Đức Phật bảo các vị tỳ kheo: “Đời có bốn việc không thể được. Những gì là bốn?


“Một là lúc còn xuân sanh, nhan sắc tươi đẹp, xinh xắn, tóc đen, răng trắng, hình mạo trẻ trung vui vẻ, khí lực kiên cường, đi đứng cử chỉ khoan thai, ra vào rất là thuận tiện; lên xe, xuống ngựa, mọi người kính ái. Đến lúc tuổi già, đầu bạc răng long, mắt lờ, tai điếc, đi đâu phải nhừ chiếc gậy chống đở! Người đời muốn trẻ trung mãi đừng già yếu là việc không bao giờ được.”


“Hai là thân thể khỏe mạnh, xương tủy cứng chắc, đi bước vững vàng, ăn uống dễ bề tiêu hóa, trang sức trên đầu, xem qua lộng lẫy. Trương cung, bắn tên, tay cầm binh khí tối tân, lắm lúc có sự nguy hại, không xét các sở trường, sở đoản, mắng nhiếc ác khẩu, cho là hào quý cang cường. Tự cho rằng ta không bao giờ suy hao kém thiếu, nhưng rồi sự đau ốm đưa đến, nằm trên giường bệnh, thân thể khó bề lay động, nỗi đau đớn như cá dần trên thớt; tai mũi mắt miệng không tiếp được thơm, mỹ, vị; ngồi dậy phải có người dìu đỡ, thân nằm trên các sự khổ đau hoạn nạn. Giả sử có người muốn yên thân không đau ốm, không bao giờ có được.”


“Ba là muốn cầu sống lâu mãi mãi đối với mạng căn bệnh chết rất ngắn của con người, trong lòng lo nghĩ kế hoạc muôn năm; nhưng sống lâu thì ít, buồn chán lại nhiều, không chịu xét ngũ dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy) phóng túng phi thường, buông lòng lung ý, giết hại trộm cắp, dâm loạn, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói dối, nói lời thêu dệt, tham lam, tà kiến, bất hiếu với cha mẹ, không thuận cùng thầy bạn, khi dễ các bậc tôn trưởng, phản nghịch, làm chuyện vô đạo để cầu mong sự giàu sang cầu lên địa vị, cầu được trường cưủ. Họ chê bai thánh đạo, tin tà đảo kiến, dối trời, gạt người, để cầu sự vinh hoa phú quí! Không biết nguyên nhân cấu tạo trời đất, họ không rõ nhân duyên bốn đại hợp thành cũng như huyễn hóa, không nhận xét sự đời suy thịnh. Xưa nay, không biết con người từ đâu đến, và chết sẽ về đâu, vọng tâm suy nghĩ bao la; khi vô thường đến cũng như gió mạnh thổi mây! Ai mà muốn mạng người trường sanh mãi mãi, muôn vật thường còn, điều đó không thể nào được vậy.”


“Bốn là nói đến cha mẹ, anh em, gia thất thân tộc, bạn bè trí thức, ân ái, vinh lạc, tài vật giàu sang, quan tước bổng lộc, xe cộ ngựa voi, thê thiếp, dâu rể, buông lòng kiêu mạn, ăn uống muốn được khoái khẩu, có nhiều kẻ hầu người hạ, sai khiến mọi người, khinh miệt dân chúng, cho mình là cao thượng tài trí hơn người. Đối xử những kẻ giúp việc, mắng nhiếc chưởi rủa như loài súc sinh, ra vào tự viện, không có tư cách trước sau, không bao giờ xét nét. Bắt buộc thân quyến và mọi người phải làm theo ý họ mong muốn. Tâm niệm luôn luôn cầu được như trên, họ không nghĩ hơi thở tắt rồi, thần hồn đơn độc, dù có cha mẹ anh em, vợ con thân tộc, bằng hữu tri thức, ân ái tình nghĩa đều phải chia lìa; quan tước tài vật, kẻ giúp việc, người làm công, rồi phải ly tán không sao tránh khỏi. Ai mong cầu không chết là không bao giờ được vậy.”


Đức Phật bảo các vị tỳ kheo: “Từ khi khai thiên lập địa đến nay, không một ai khỏi lo bốn sự khổ nạn nầy. Vì bốn khổ nạn nầy nên Như Lai mới ra đời; nếu không khổ nạn nầy thì không bao giờ hiện thân tướng tìm mọi cách giáo hóa quần sinh. Cũng như bốn phương có núi hồng thạch, rộng lớn cao vút, cỏ cây hoa quả cùng các loài dược thảo được sinhh trưởng trên đó. Bỗng nhiên lửa phát cháy bốn phía núi rừng, sự tàn phá núi rừng nhanh hơn mặt trời đi. Có người chạy báo với chánh quyền địa phương: “Tại sao không tìm cách cứu vãn việc nầy?”


Chánh quyền trả lời: “Khó mà cứu vãn, trừ phi ai đủ đạo lực thần thông mới có thể cứu giúp được.”


Đức Phật dạy; “Mỗi người đều có tâm, ý và thức, nhưng không hiểu sâu huệ đức chơn không, vọng tâm nhơn ngã, thường bị năm ấm ràng buộc, sáu món suy tướng nó thường cuống hoặc! Người muốn không già chết, giải trừ các việc lo lắng ác độc nầy, khó mà thực hiện được, trừ khi nào trở thành (pháp thân) thì các ấm, suy mới chấm dứt; lúc ấy không còn trong ngoài, tiếnt thối tự tại, mới được tránh khỏi các sự lo lắng của nhiều nạn khổ trên! Cũng như mùa xuân gieo lúa mà bảo mùa thu đừng chín thì không thể nào được. Đã trồng nhơn già, bệnh, chết mà không chịu quả già, bệnh, chết là điều vô lý. Cũng như cây có trái chín mà bảo đừng rơi rụng là không thể được. Giống như kẻ uống rượu nhiều mà bảo đừng say là việc trái đời. Đã gieo trồng các hạt giống mà bảo không nên mọc là việc không bao giờ có. Cũng như người uống thuốc độc mà bảo phải được sống lâu là kẻ điên rồ. Người không gieo giống mà muốn có cây trái là việc khác đời. Cũng như kẻ vào nhà xí mà muốn không bị hôi thối là bọn ngu si. Người đời không nhận biết bốn cảnh khổ nầy rồi buông lung hành động bị chìm đắm trong năm đường khổ, cũng như bánh xe không thể nào lìa đất bằng. Buồn thương kêu la rồi trở lại ái mộ luyến thương không chịu chấm dứt, cũng như kẻ khùng điên lõa hình mà đi, hoảng hốt dối trá, cho là chơn ngữ. Đau đớn thay! Ai rõ được các cảnh khổ trên, chỉ có hạng hiểu đạo lý mới biết rõ mà thôi.” Các Tỳ-Kheo bạcy Phật rằng: “Làm thế nào để giúp cho người đời khỏi các khổ nạn nói trên?”


Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thường cầu con đường giải thoát, dứt hẳn vô minh tội lỗi. Thế nào gọi là giải thoát?”


Đức Phật dạy thêm: “Giữ gìn thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp thanh tịnh, lúc đầu, khoảng giữa cũng như cuối cùng; không nên hành theo hạnh Thinh-Văn, thân không phạm ba tội, miệng không phạm bốn lỗi và ý không không nghĩ ba điều ác, lúc đầu, khoảng giữa cũng như cuối cùng. Lại nữa, lời nói, ý nghĩ và việc làm hòa với sự qui hướng ngôi Tam Bảo để diệt trừ ba độc để đi vào ba pháp: không, vô tướng, vô nguyện. Hướng về ba cửa giải thoát, đức tính ấy giữ lúc đầu, khoảng giữa cũng như cuối cùng vậy. Ba cõi đều khổ não, sinh, già, bệnh, chết, xem thân thể như sự oán thù, phải thànhh thật hành bốn vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, hộ, nhưng không làm theo chiều hướng thế gian, làm thế nào để đi đến Niết Bàn, nhưng không phải là Niết Bàn của A-La-Hán, không đến mười phương dạo chơi, mặc dù được khỏi bốn sự lo sợ, nhưng vì còn ngăn ngại tính giác diệu minh.”


Đức Phật nói: “Phát tâm Bồ-tát, khiến cho chúg sinh thường tuân theo hạnh lục độ không cùng cực, ban đầu, chặng giữa và cuối cùng đều thật hành hạnh ấy đúng mức. Đó là người phát tâm Bồ tát. Ban đầu làm việc thiện là thế nào? Nghĩa là xem tất cả mọi người như cha, như mẹ, như chính thân mình, bình đẳng không sai khác. Chặng giữa làm việc thiện là sao? Tức là không sợ gian khổ, nhiều kiếp ở trong đường sinh tử, không bao giờ từ chối các việc mệt nhọc! Thế nào gọi là cuối cùng cũng làm việc thiện? Ấy là phân biệt thông huệ, không cố chấp nhân, ngã của ta vậy.”


“Lại nữa, lúc đầu làm việc thiện là sao? Tức là phát tâm rộng lớn, nguyện giúp tất cả mọi người, không vì tư lợi riêng cho mình. Giai đoạn giữa cũng làm việc thiện là thế nào? Nghĩa là thực hành tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, hộ. Cuối cùng cũng làm thiện là thế nào? Tức là lòng từ mở rộng, muốn dắt dẫn quần sinh đang bị các não loạn vây quanh. Người lúc đầu làm việc thiện phải quán thân tứ đại vốn không hòa hợp, do vin níu các chất liệu tạm bợ. Kế khoảng giữa làm việc thiện phải rõ không có ngã, không có nhân, không thọ, không mạng. Tuy nhiên, có bốn chất liệu nầy mới thọ xác thân tứ đại vậy. Không vin, không níu thì do đâu mà được có; giống như xây cất ngôi nhà phải có gỗ, có đất, có nước, có đá... bốn chất ấy đã rời nhau, thì không thành ngôi nhà, khi dù vật liệu xây nên, rồi đặt tên nó là các nhà. So với bốn yếu tố trong thân cũng lại như thế. Mỗi người mang nặng tính chất cố chấp cho là có thật ngã, nhân, thọ mạng, bốn đại hợp thành, gọi là con người.”


“Người cuối cùng cũng làm việc thiện là phải rõ biết không có thiệt thân tồn tại trong tam giới, tất cả đều giả có. Tiến lên một tầng nữa, người lúc đầu làm việc thiện phải hướng dẫn đúng mức, thật hành các việc bố thí, tri giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm và trí huệ. Chặng giữa làm việc thiện phải rõ biết các pháp lục thông, đi vào pháp kiên nhẫn nhu thuận. Ai cuối cùng làm việc thiện phải biết thân mạng tự nhiên, các pháp tự nhiên, nhân vật tự nhiên, tất cả như hóa, như huyễn, chung kết đều không vĩnh cửu. Cao xa hơn, người lúc đầu làm việc chí thiện tức là phát ý vô thượng chánh chân, khoảng giữa làm việc chí thiện, giải rõ âm hưởng trí huệ, hiểu rõ lý tánh không chỗ từ đâu sinh ra, không khởi pháp nhẫn, cuối cùng cũng làm việc phước thiện, luôn theo trạng thái dõng mãnh, một đời bố xứ, độ tận muôn loài chúng sinh, không phân biệt thân sơ, ân oán, cũng như mặt trời chiếu sáng, không nơi nào mà chẳng khắp soi. Ấy là các tâm hồn Bồ tát ban đầu, khoảng giữa và cuối cùng đều thật hành chí thiện vậy.”


Đức Phật nói thêm: “Thật hành con đường Bồ tát, phần nhiều chúng sinh đều được độ thoát, cũng như mặt trăng sáng chiếu trong bầu trời sao nhạt, nhưng một khi ánh sáng của mặt trời xuất hiện thì ánh sáng của mặt trăng, sao trở thành lu mờ. Ánh sáng của đuốc để nhờ chiếu soi; lành được các bệnh là nhờ có thuốc hay; đưa được các người qua biển khổ là nhờ thuyền trưởng, cõi nước được yên ổn là nhờ vị quốc chủ khôn ngoan; hàng phục được các loài thú là nhờ có mặt sư tử. Tâm người hành đạo, hóa đạo phải như hư không, thật hành bình đẳng như quả đất liền; tẩy trừ các cấu uế như nước thuỷ triều; đốt hết tội lỗi như ngọn lửa hừng, du hóa vô ngại như luồng gió đông. Ấy là đường hướng của các vị Bồ Tát sơ, trung, hậu đều hành chí thiện. Do đó là con đường rốt ráo vậy.” Đức Phật giảng pháp như trên, chư vị Bồ Tát cùng các chúng tỳ-kheo, cũng như thiên long, bát bộ v.v... nghe xong, ai nấy đều rất hoan hỷ, đồng chí thành đảnh lễ Đức Thế Tôn.


(Dịch từ Đại Tạng Kinh, số 770)