Bất Chơn Không

Wednesday, 21 September 201610:51 PM(View: 4550)
Bất Chơn Không
TRIỆU LUẬN
Tăng Triệu

BẤT CHƠN KHÔNG


Vạn vật là pháp hữu vi, do nhân duyên sanh nên không có tự tính vì vậy tánh vốn không. Vì giả có mà thực không nên gọi là “Diệu Hữu”.


Vạn vật vốn từ “tánh không” lưu xuất, mà tánh không là chơn tâm, chẳng phải là không có nên còn là “Diệu không“. Vậy xét về thực thể của vạn vật, vốn “chẳng phải có, chẳng phải không” nên gọi là Trung Đạo. Đó là ý nghĩa của Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế.


Nếu ta luôn luôn quán sát vạn vật như thực tánh của nó (tức có mà chẳng có, không mà chẳng không) thì tâm sẽ không bị vướng mắc vào sự, không bị nhiễm ô. Gặp cảnh nào cũng tự do, tự tại. Nếu chấp sự là có liền bị vật chuyển. Nếu chấp sự là không liền bị pháp chuyển (Pháp đoạn diệt).


Tánh của vạn vật do nhân duyên sanh nên chẳng phải thực có, do tánh chơn khởi nên chẳng phải thực không. Vì vậy mọi vật “tức giả, tức chơn”. Hay nói cách khác “Tánh của sắc vốn không“ chẳng phải đợi sắc hoại rồi mới thành không. Nghĩa là “Sắc, Không bất nhị“ sắc và không chẳng phải hai, nên Tâm kinh nói “Sắc tức thị không”.


Vì vật không có tự tánh, do nhân duyên mà giả có nên nó vốn không. Do đó tên của vật cũng là gượng đặt để gọi, vì khi gọi không biết để chỉ cái gì trong đống nhân duyên hỗn độn ấy.


Vậy vật cũng giả mà tên cũng giả, thì không biết vạn vật ở đâu?


Vật vốn không thực nên chẳng thể nói nó có bỉ, thử. Bỉ, thử do kiến chấp của con người tạo ra. Giả sử có một vật đặt ở giữa hai người. Một người đứng đàng đông, một người đứng đàng tây.. Người đứng đàng đông thì nói vật ở đàng tây. Còn người đứng đàng tây thì nói vật ở đàng đông. Vật vốn không có đông, tây mà do kiến chấp của con người mà thành ra có đông, tây.


Cũng vậy, các pháp không có tự có tha, mà người mê lầm thành chấp có, chấp không.


Nếu khéo được ý quên lời, ngay đó mà khế cơ, khế lý thì sự chấp bỉ, thử đâu còn, lời thị phi cũng sạch thì đâu còn pháp nào dính dáng đến tình cảm, không còn vướng mắc điều gì cả.


Vì vậy kinh nói


“Lạ quá Thế Tôn! Ngay chỗ bất động chơn tâm mà kiến lập vạn pháp”


“Chẳng phải lìa chơn tâm mà có chỗ kiến lập”


“Ngay chỗ kiến lập tức là chơn tâm vậy”.


Như thế đạo đâu có xa. Sự tiếp xúc nào cũng là chơn đạo.


Thánh đâu có xa. Thể hội được việc trước mắt tức là bậc thánh vậy.