(THẬP NHỊ BỘ KINH)
* Nếu dựa trên phạm vi vĩ mô thì giáo lý mà Phật nói trong 49 năm được chia thành 3 tạng kinh điển là:
1) Kinh tạng
2) Luật tạng
3) Luận tạng
* Nếu dựa theo thời gian thuyết pháp thì giáo lý Phật nói được chia thành 5 thời, gọi là "Ngũ thời giáo":
1) Thời Hoa Nghiêm
2) Thời A Hàm
3) Thời Phương Đẳng
4) Thời Bát Nhã
5) Thời Pháp Hoa, Niết Bàn
* Nếu dựa theo cấp độ cao thấp về ý nghĩa thì giáo lý Phật nói được chia thành 5 cấp độ, gọi là "Ngũ thừa". Mỗi "thừa" phù hợp với một tầng lớp căn cơ từ thấp đến cao:
1) Nhân thừa
2) Thiên thừa
3) Thanh Văn thừa
4) Duyên Giác thừa
5) Bồ tát thừa, Đại thừa hay Phật thừa
* Nếu dựa theo phạm vi ý nghĩa chi tiết của kinh điển thì giáo lý Phật giáo được chia thành 12 chủng loại, gọi là "Thập nhị bộ kinh".
1) Kinh (Khế kinh): những bài kinh chính căn bản Phật nói bằng văn xuôi, ngắn gọn, súc tích, khế cơ và khế lý tức là những lời Phật dạy khế hợp với chân lý với từng căn cơ của chúng sinh.
2) Trùng tụng (Ứng tụng): những bài kinh hoặc kệ tụng được đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các đệ tử ngài thuộc lòng.
3) Thụ ký: kinh Phật thụ ký, chứng nhận quả vị cho những đệ tử và những việc xảy ra về sau.
4) Ký chú (Phúng tụng): những bài kinh thuộc thể thơ ca không diễn xuôi
5) Tự thuyết (Tán thán): bài pháp Phật thuyết không cần sự thưa thỉnh
6) Nhân duyên (Quảng thuyết): kinh nói về nhân duyên pháp hội, nhân duyên của nhân sinh và vũ trụ.
7) Thí dụ (Diễn thuyết giải ngộ): kinh Phật dùng thí dụ để giảng thuyết những giáo lý cao thâm cho dễ hiểu.
8) Bản sự kinh (Như thị pháp hiện): kinh Phật nói “tu nhân, chứng quả” của hàng đệ tử trong quá khứ và vị lai.
9) Bản sinh kinh: kinh Phật nói về tiền thân của Phật và hàng Bồ tát dẫn đến câu chuyện của đời hiện tại, sự liên hệ giữa tiền kiếp và hậu kiếp…
10) Phương quảng (Phương đẳng): kinh điển đại thừa, nói về pháp tu rốt ráo
11) Hy pháp (Vị tằng hữu): kinh Phật nói về thần lực của Phật và hàng thánh đệ tử, nói về cảnh giới vi diệu của quả tu.
12) Nghị luận (Cận sự thỉnh vấn): kinh vấn đáp, biện luận giữa Phật và hàng đệ tử hoặc giữa các hàng đệ tử với nhau để lý giải rốt ráo chính tà…