SỐ 226
KINH BÁT-NHÃ BA LA MẬT SAO
Hán dịch: Phù Tần, Thiên Trúc Sa môn Đàm-Ma-Ty và Trúc-Phật-Niệm
Dịch Hán ra Việt: Thích nữ Tâm Thường
(Ni viện Diệu Quang – Nha Trang)
Quyển thứ năm
Phẩm thứ mười hai: Thiện tri thức
Lại nữa, Tu Bồ Đề! Các Đại Bồ tát này muốn đắc Vô thượng Bồ đề nên gần gũi thầy tốt, cung kính vâng theo lời chỉ dạy và cùng làm việc.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
– Kính bạch Thiên Trung Thiên! thầy tốt của Bồ tát ở chỗ nào và làm sao để biết?
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Thiên Trung Thiên là thầy tốt của Bồ tát. Có thuyết giảng Trí độ, theo đó được nghe Trí độ, đây là vượt qua. Dạy người thâm nhập vào trong đó, nên biết như vậy là thầy tốt của Bồ tát. Lục ba la mật là Thắng trí thiện xảo, là đường đi, là trừ tối tăm, là nhà cao tột, là sáng suốt. Như Lai A-la-hán Đẳng chánh giác quá khứ đều từ Lục ba la mật mà ra. Các đức Như Lai A-la-hán Đẳng chánh giác vị lai đều từ Lục ba la mật mà ra, và các đức Như Lai A-la-hán Đẳng chánh giác trong vô lượng vô số các cõi nước hiện tại cũng đều từ Lục ba la mật mà ra, mà thành Nhứt thiết trí, đều từ sự bố thí tứ sự cho người:
- Bố thí
- Hoan hỷ
- Lợi ích
- Bình đẳng giúp cho tất cả.
Vậy nên, này Tu Bồ Đề! Thắng trí thiện xảo của Bồ tát là mẹ, là cha, là nhà, là nhà cao tột, là hộ trì, là nương tựa, là dẫn đường, đều là Lục ba la mật, là lợi ích cho tất cả mọi người. Đại Bồ tát Lục ba la mật là không giới hạn, muốn cắt đứt sự nghi ngờ của người, do vậy nên phải học Trí độ.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
– Kính bạch Thiên Trung Thiên! Tướng của Trí độ ở chỗ nào?
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Không ngăn ngại là tướng của Trí độ.
Tu Bồ Đề thưa:
– Như Thiên Trung Thiên đã dạy: đây là thật tướng của Trí độ, tướng như vậy là đắc các pháp.
Phật dạy:
– Đúng như vậy Tu Bồ Đề! Tướng như vậy là đắc Trí tuệ độ, tướng như vậy là đắc các pháp. Vì sao? – Này Tu Bồ Đề ! Vì các pháp đều vô thường, các pháp đều là Không.
Do vậy, nên này Tu Bồ Đề! Vô thường cùng không là tướng Trí độ. Tướng các pháp cũng vô thường, là không, là vô thường.
Tu Bồ Đề thưa:
– Thiên Trung Thiên thuyết các pháp đều vô thường, là không. Vì sao như thế? Con người muốn có sanh mà không muốn có chết, sự vô thường nên không có dục, vô thường nên không sanh. Không là không dục, không là không sanh. Vô thường cũng nói không, không phải Vô thượng Bồ đề, cũng không từ nơi pháp khác. Vô thường không đắc Vô thượng Bồ đề. Thế nào, kính bạch Thiên Trung Thiên! Có thể biết được điều Ngài đã dạy.
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Từ xa xưa người ta nghĩ rằng: là ngã sở hay chẳng phải ngã sở. Do như vậy nên đưa đến như vậy.
Tu Bồ Đề thưa:
– Đúng như vậy! Kính bạch Thiên Trung Thiên! Ngài đã dạy chính từ xa xưa con người nghĩ rằng là ngã sở hay chẳng phải là ngã sở.
Phật dạy:
– Thế nào Tu Bồ Đề! Là ngã sở hay là không phải?
Tu Bồ Đề thưa:
– Đúng là không. Kính bạch Thiên Trung Thiên.
Phật dạy:
– Thế nào Tu Bồ Đề! Chẳng phải ngã sở là không phải không?
Tu Bồ Đề thưa:
– Đúng là không, kính bạch Thiên Trung Thiên.
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Con người do đây nên nghĩ là ngã sở hay không là ngã sở. Do đây nên ở mãi trong sanh tử không lúc nào ra khỏi.
Tu Bồ Đề thưa:
– Đúng như vậy, kính bạch Thiên Trung Thiên. Con người do đây nên ở mãi trong sanh tử không lúc nào ra khỏi.
Phật dạy:
– Vậy nên này Tu Bồ Đề! Con người do dục nên chấp trước vào con người, nên biết như vậy, không có mong cầu nên không chấp trước. Thật ra, này Tu Bồ
Đề! Có lợi ích thì không nên nghĩ đó là ngã sở hay không phải là ngã sở. Như vậy là thực hành Trí tuệ độ.
Do đó, này Tu Bồ Đề! Điều đã sanh sau đó không sanh nữa. Đại Bồ tát này là người thực hành Trí tuệ độ.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
– Kính bạch Thiên Trung Thiên! Người thực hành như vậy là không hành sắc, không hành thọ tưởng hành thức. Người thực hành như vậy, kính bạch Thiên Trung Thiên, đại Bồ tát nghĩ là thực hành theo thế tục, đó là Đại Bồ tát hành.
Kính bạch Thiên Trung Thiên, không sánh bằng. Việc vị ấy làm vượt qua rất xa. Thanh văn, Bích Chi Phật và tất cả mọi người không sánh bằng chỗ sở đắc của vị ấy. Đó là chỗ cùng tột của đại Bồ tát.
Kính bạch Thiên Trung Thiên! Người nghĩ như vậy là Trí độ. Đại Bồ tát ngày đêm thực hành như vậy, như chỗ đã thực hành mau được gần Vô thượng Chánh giác.
Phật dạy:
– Thế nào, Tu Bồ Đề! Người trong Diêm Phù Lợi và tất cả Bồ tát đều làm người, đều thực hành Vô thượng Bồ đề, phát tâm cầu thành Phật. Mỗi người trọn đời làm việc bố thí, đem việc bố thí này hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Đại Bồ tát này làm việc bố thí như vậy, phước đó có nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa:
– Rất nhiều! Rất nhiều! Kính bạch Thiên Trung Thiên.
Phật dạy:
– Không bằng Đại Bồ tát chuyên nghĩ đến Trí tuệ độ và thực hành trong một ngày, phước của người này nhiều hơn phước của người trên kia. Hoặc Bồ tát luôn nghĩ đến Trí tuệ độ, thực hành theo đó. Người như vậy là người rất tôn quý trong chúng. Vì sao? – Vì người khác không có lòng từ này. Trừ chư Phật, không có đại Bồ tát hữu học nào bằng, chỗ thâm nhập của thiện nam tử này rất là thậm thâm, hiểu rõ tất cả tri kiến ở thế gian. Người này rất thương xót, nhìn thấy thấu suốt tất cả mọi người không phân biệt. Muốn thấy tất cả, không khi nào bỏ qua. Nghĩ đến tất cả mọi người nhưng không phát khởi tưởng, cũng không khác.
Do đó, này Tu Bồ Đề! Đó là sáng suốt của Đại Bồ tát. Tuy chưa thành Vô thượng Chánh giác nhưng người này đã làm việc làm rất tôn quý, vượt lên trên thế gian, đối với Vô thượng Chánh giác chắc chắn không còn thối lui. Nhận đầy đủ tất cả y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc thang, tuy thế nhưng vẫn trụ vào Trí tuệ độ, vẫn thanh tịnh, nhờ phước đức đã tạo làm cho được gần Nhứt thiết trí.
Vậy nên, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ tát có ăn uống cũng không có lỗi, vì muốn làm lợi ích cho tất cả mọi người, muốn chỉ dạy đạo pháp cho tất cả mọi người. Người đó có sự sáng suốt, muốn làm việc cứu hộ rộng lớn không bờ bến, muốn độ thoát hết những người trong lao ngục, muốn làm cho mắt của tất cả mọi người đều thanh tịnh. Đó là ý niệm theo Trí tuệ độ. Người thực hành theo lời chỉ dạy nghĩ đến Trí tuệ độ, có như vậy tức là không thay đổi. Vì sao? – Vì người thay đổi nghĩ rằng có “tưởng”, liền trái với Trí tuệ độ. Như vậy là trái với sự hộ trì, nên làm như Trí tuệ độ, ngày đêm thực hành và nghĩ đến.
Tu Bồ Đề! Ví như có kẻ nam tử ngọc ma-ni để ngay trước mặt nhưng không biết, sau nhận được vui mừng hớn hở. Nhưng khi được ngọc ma-ni rồi lại quên ngọc, quên dùng, nên lại rất lo buồn sầu khổ, đứng ngồi không yên nhưng không hiểu.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ tát muốn cầu trân bảo luôn luôn giữ tâm vững chãi, không được làm mất niệm Nhứt thiết trí.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
– Tất cả việc nghĩ đều là lìa tự nhiên. Thế nào là Đại Bồ tát niệm Nhứt thiết trí không lìa niệm?
Phật bảo Tu Bồ Đề :
– Giả sử Đại Bồ tát biết như vậy là không mất Trí độ. Vì sao? – Này Tu Bồ Đề! Vì Trí độ là không, không tăng không giảm.
Tu Bồ Đề thưa:
– Trí độ, kính bạch Thiên Trung Thiên! Chính thật là không, vì sao Đại Bồ tát đối với Trí tuệ độ thành tựu hạnh được gần Vô thượng Chánh giác?
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Đại Bồ tát cũng không tăng, cũng không giảm, khi thuyết thì không sợ hãi, nên biết thiện nam tử này là người đã thực hành Trí tuệ độ.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
– Kính bạch Thế tôn! Hành Trí tuệ độ là hành không phải không?
Đáp:
– Này Tu Bồ Đề! Không phải vậy.
– Kính bạch Thế tôn! Hay có không nào khác để hành Trí tuệ độ?
– Này Tu Bồ Đề! Không phải.
– Đây là sắc hành?
– Tu Bồ Đề! Không phải.
– Đây là thọ – tưởng – hành – thức hành?
– Tu Bồ Đề! Không phải.
– Hay có hành theo sắc khác?
– Tu Bồ Đề! Không phải.
– Hay có hành theo thọ, tưởng hành, thức hành khác?
– Tu Bồ Đề! Không phải.
– Vì sao, kính bạch Thiên Trung Thiên, gọi là Đại Bồ tát hành Trí tuệ độ?
Phật dạy:
– Thế nào, Tu Bồ Đề! Vì thấy có pháp thực hành pháp Trí tuệ độ phải không?
Tu Bồ Đề thưa:
– Không thấy, kính bạch Thiên Trung Thiên!
Phật dạy:
– Thế nào, Tu Bồ Đề! Đại Bồ tát có thấy mình luôn thực hành Trí tuệ độ không?
Tu Bồ Đề thưa:
– Không thấy, kính bạch Thiên Trung Thiên!
Phật dạy:
– Thế nào Tu Bồ Đề! Có thể thấy có chỗ sanh ra pháp không?
Tu Bồ Đề thưa:
– Thưa không thấy, kính bạch Thiên Trung Thiên.
Phật bảo Tu Bồ Đề :
– Đó là Vô sanh pháp nhẫn của Đại Bồ tát. Người như vậy là được thọ ký Vô thượng Chánh giác, được Vô sở úy của Như Lai A-la-hán Đẳng Chánh giác. Hành động của Đại Bồ tát đó là do lực này được đạt đến Trí tuệ Phật, là trí tuệ rộng lớn, là trí tuệ tự tại, là trí tuệ Nhứt thiết trí, là Trí tuệ Như Lai. Người ấy làm tất cả việc gì mình muốn.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
– Các pháp do thọ ký mà được Vô thượng chánh đẳng chánh giác phải không?
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Không phải.
Tu Bồ Đề bạch Phật:
– Vậy thì vì lẽ gì Thiên Trung Thiên thọ ký cho Bồ tát đắc Vô thượng Chánh giác?
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Có thể thấy pháp trao thọ ký thành Vô thượng Chánh giác không?
Tu Bồ Đề thưa:
– Con không thấy có pháp sẽ tạo thành Vô thượng Chánh giác.
Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Các pháp không thể đắc. Người nghĩ như vậy là thành tựu pháp Chánh giác. Người không nghĩ như vậy không tự đạt đến Chánh giác.