31. Phẩm Diệt Tránh

Thứ Năm, 25 Tháng Tám 202211:04 SA(Xem: 621)
31. Phẩm Diệt Tránh
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

31. PHẨM DIỆT TRÁNH THỨ BA MƯƠI MỐT

Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn thưa: “ Bạch đức Thế Tôn! Rất lạ lùng hi hữu, đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật! Nếu ai được nghe, thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm được công đức trong hiện đời như vậy, cũng thành tựu chúng sanh, tranh nghiêm thành tịnh cõi Phật, từ một Phật quốc đến một Phật quốc cúng dường chư Phật, muốn có đồ cúng dường liền tùy ý liền được Vô thượng Bồ đề trọn không giữa chừng quên sót. Đại Bồ Tát nầy cũng được gia thành tựu, mẫu thành tựu, sanh thành tựu, quyến thuộc thành tựu, tướng thành tựu, quang minh thành tựu, nhãn thành tựu, nhĩ thành tựu, tam muội thành tựu, đà la ni thành tựu.


Đại Bồ Tát nầy dùng phương tiện lực biến thân chư Phật, đến các quốc độ không Phật để tán dương lục ba la mật, tứ niệm xứ đến thập bát bất cộng pháp, dùng sức phương tiện mà thuyết pháp, dùng pháp Tam thừa để độ thoát chúng sanh, chính là Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa và Phật thừa.

Bạch đức Thế Tôn! Rất hi hữu! Thọ trì Bát nhã ba la mật là đã tổng nhiếp năm ba la mật đến mười tám pháp bất cộng, cũng là tổng nhiếp pháp Tu Đà Hoàn đến Phật đạo và nhứt thiết chủng trí”.


Đức Phật nói: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Thọ trì Bát nhã ba la mật là đã tổng nhiếp năm ba la mật đến nhứt thiết chủng trí.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Thiện nam, thiện nữ thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy hiện đời được công đức, nên nhứt tâm nghe kỹ”.


Thiên Đế thưa: “ Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi kính xin thọ giáo”.


Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Nếu có các ngoại đạo phạm chí, hoặc ma vương ma dân, hoặc kẻ tăng thượng mạn muốn chống trái, phá hoại tâm Bát nhã ba la mật của Bồ Tát, những kẻ ấy vừa sanh lòng ác thời liền diệt mất, trọn chẳng được theo ý muốn.


Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát thường thật hành sáu ba la mật.


Do các chúng sanh mãi mãi tham tránh nên đại Bồ Tát xã tất cả những nội vật, ngoại vật để an lập chúng sanh trong Đàn na ba la mật.


Do các chúng sanh mãi mãi đấu tranh nên đại Bồ Tát xã tất cả nội pháp, ngoại pháp để an lập chúng sanh nơi Nhẫn nhục ba la mật.


Do các chúng sanh mãi mãi giải đãi nên đại Bồ Tát xã tất cả nội pháp, ngoại pháp để an lập chúng sanh nơi Tinh tấn ba la mật.


Do các chúng sanh mãi mãi loại tâm nên đại Bồ Tát xả tất cả nội pháp, ngoại pháp để an lạp chúng sanh nơi Thiền na ba la mật.


Do các chúng sanh mãi mãi ngu si nên đại Bồ Tát xả tất cả nội pháp, ngoại pháp để an lập chúng sanh nơi Bát nhã ba la mật.


Do chúng sanh mãi mãi vì ái kiết mà luân chuyển sanh tử, nên đại Bồ Tát dùng sức phương tiện dứt ái kiết của chúng sanh, để an lập chúng sanh nơi tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ đến Phật đạo.


Trên đây là đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật được công đức trong đời hiện tại.


Công đức đời sau được Vô thượng Bồ đề, chuyển pháp luân, đầy đủ hạnh nguyện, nhập vô dư Niết Bàn.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn nghe, thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy, thời chỗ của người nầy ở, các hành ngoại đạo, ma vương, ma dân, kẻ tăng thượng mạn muốn kinh hủy, vấn nạn, phá hoại Bát nhã ba la mật trọn chẳng thành được. Ác tâm của người nầy lần giảm diệt mà công đức lần thêm lớn. Nhờ nghe Bát nhã ba la mật nầy nên lần lần do đạo Tam thừa đặng hết những sự khổ.


Nầy Kiều Thi Ca! Ví như có vị thuốc tên ma kỳ. Có rắn đói đi kiếm ăn thấy mồi muốn mổ ăn, con mồi chạy, đến chỗ vị thuốc ma kỳ. Do sức của hơi thuốc nên rắn không giám tiến lại mà phải trở lui. Vì sức thuốc có thể thắng sức độc vậy.


Nầy Kiều Thi Ca! Thiện nam, thiện nữ nầy nghe, thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy, nếu có những sự đấu tranh muốn đến phá hoại, do oai lực của Bát nhã ba la mật, ác sự liền tiêu mau diệt, người nầy liền sanh thiện tâm, thêm nhiều công đức.


Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật nầy có thể diệt những sự đấu tranh.


Những gì là sự đấu tranh? Chính là tham, sân, si, vô minh nhẫn đến những cái, kiết, sử, triền, nhóm khổ lớn, ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, đoạn kiến, thường kiến, cấu kiến, tịnh kiến, hữu kiến, vô kiến, xan tham, phạm giới, sân khuể, giải đãi, loạn ý, vô trí, thường tưởng, lạc tưởng, tịnh tưởng, ngã tưởng, chấp sắc, chấp thọ, tưởng, hành, thức, chấp Đàn na ba la mật nhẫn đến chấp nhứt thiết chủng trí, chấp Niết Bàn, những sự đấu tranh nầy đều có thể tiêu diệt không cho tăng trưởng.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Trong Đại Thiên thế giới, chư Thiên Vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên thường thủ hộ thiện nam, thiện nữ nào có thể nghe, thọ trì, Bát nhã ba la mật, cúng dường người đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật.

Hiện tại chư Phật mười phương cũng đồng ủng hộ thiện nam, thiện nữ nầy.


Các thiện nam tử, thiện nữ nầy dứt pháp ác, thêm lớn pháp lành, như là Đàn na ba la mật cùng tăng đến nhứt thiết chủng trí, càng tăng vì vô sở đắc vậy.

Các thiện nam, thiện nữ nầy có lời nói ra đều được lời tín thọ, hàng thân hữu bền chặt. Thiện nam, thiện nữ nầy không nói lời vô ích, chẳng bị sân khuể che đậy, chẳng bị kiêu mạn, xan tham, tật đố che đậy. Người nầy tự mình chẳng sát sanh, tán thán pháp chẳng sát sanh, cũng hoan hỷ tán thán người chẳng sát sanh. Người nầy tự mình xa lìa trộm cắp, dạy người chẳng trộm cắp, tán thán pháp chẳng trộm cắp, cũng hoan hỷ tán thán người chẳng trộm cắp.

Người nầy tự mình chẳng tà dâm, dạy người chẳng tà dâm, tán thán pháp chẳng tà dâm, cũng hoan hỷ tán thán người chẳng tà dâm. Người nầy tự mình chẳng vọng ngữ, dạy người chẳng vọng ngữ, tán thán pháp chẳng vọng ngữ, cũng hoan hỷ tán thán người chẳng vọng ngữ. Nơi chẳng lưỡng thiệt, chẳng ác khẩu và chẳng vô ích ngữ cũng như vậy.


Người nầy tự mình chẳng tham, dạy người chẳng tham, tán thán pháp chẳng tham, cũng hoan hỷ tán thán người chẳng tham. Nơi chẳng sân não và chẳng tà kiến cũng như vậy.


Người nầy tự thật hành Đàn na ba la mật, dạy người thật hành Đàn na ba la mật, dạy người thật hành Đàn na ba la mật, tán thán pháp Đàn na ba la mật, cũng hoan hỷ tán thán người thật hành Đàn na ba la mật. Nhẫn đến tự được nhứt thiết chủng trí, dạy người được nhứt thiết chủng trí, tán thán pháp nhứt thiết chủng trí, cũng hoan hỷ tán thán người được nhứt thiết chủng trí.


Đại Bồ Tát nầy lúc thật hành sáu ba la mật, có bố thí bao nhiêu đều cùng chúng sanh hồi hướng Vô thượng Bồ đề, vì vô sở đắc vậy.


Lúc thật hành lục ba la mật như vậy, thiện nam, thiện nữ nầy nghĩ rằng nếu không bố thí, tôi sẽ sanh nhà bần cùng, chẳng có thể thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, cũng chẳng có thể được nhứt thiết chủng trí.


Nếu không giữ giới, tôi sẽ sanh trong ba ác đạo, còn chẳng được nhơn thân huống là có thể thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được Vô thượng Bồ đề.


Nếu không tu nhẫn nhục, thân tôi sẽ hủy hoại các căn, sắc lực sẽ không đầy đủ, chẳng thể được sắc thân toàn vẹn của Bồ Tát mà chúng sanh ngó thấy ắt thêm lớn căn lành mãi đến Vô thượng Bồ đề, cũng không thể thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được nhứt thiết chủng trí.


Nếu giải đãi, tôi chẳng thể được Bồ Tát đạo thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được nhứt thiết chủng trí.


Nếu loạn tâm, tôi sẽ chẳng sanh được các thiền định, cũng chẳng thể thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được nhứt thiết chủng trí.


Nếu tôi vô trí, không được phương tiện trí thời không thể vượt hơn bực Thanh Văn, Bích Chi Phật để thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được nhứt thiết chủng trí.


Đại Bồ Tát nầy lại nghĩ rằng tôi chẳng nên vì tùy xan tham và chẳng đầy đủ Đàn na ba la mật, chẳng nên vì tùy phạm giới mà chẳng đầy đủ Thi na ba la mật, chẳng nên vì tùy sân khuể mà chẳng đầy đủ Nhẫn nhục ba la mật, chẳng nên vì tùy giải đãi mà chẳng đầy đủ Tinh tấn ba la mật, chẳng nên vì tùy loạn ý mà chẳng đầy đủ Thiền na ba la mật, chẳng nên vì tùy si tâm mà chẳng đầy đủ Bát nhã ba la mật.


Nếu chẳng đầy đủ sáu ba la mật, thời tôi trọn chẳng thể thành tựu nhứt thiết chủng trí.


Thiện nam, thiện nữ nầy thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật như vậy cũng chẳng rời tâm nhứt thiết chủng trí, được những công đức đời nầy và đời sau”.


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Hi hữu thay, đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật, vì hồi hướng tâm nhứt thiết chủng trí, cũng vì chẳng cao tâm”.


Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Thế nào là đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật vì hồi hướng tâm nhứt thiết trí, cũng vì chẳng cao tâm?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát nếu thật hành thế gian Đàn na ba la mật bố thí cho chư Phật, Bích Chi Phật, Thanh Văn và người nghèo cùng khốn khổ, vì không phương tiện lực nên sanh cao tâm.


Nếu thật hành thế gian Thi na ba la mật, nghĩ rằng tôi thật hành trì giới, tôi có thể đầy đủ Giới ba la mật, vì không phương tiện nên sanh cao tâm.

Nhẫn đến thật hành thế gian Bát nhã ba la mật, nghĩ rằng tôi thật hành Bát nhã ba la mật, tôi tu Bát nhã ba la mật, vì không phương tiện nên sanh cao tâm.


Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát lúc tu thế gian tứ niệm xứ, tự nghĩ rằng tôi tu tứ niệm xứ, tôi đầy đủ tứ niệm xứ, vì không phương tiện nên sanh cao tâm.


Nhẫn đến mười tám pháp bất cộng đến nhứt thiết chủng trí, nghĩ rằng tôi tu pháp bất cộng, tôi sẽ thành tựu chúng sanh, tôi sẽ thanh tịnh Phật độ, tôi sẽ được nhứt thiết chủng trí. Vì còn có ngô ngã không phương tiện nên sanh cao tâm.


Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát thật hành thế gian thiện pháp như vậy, vì thấy có ngô ngã nên sanh cao tâm.


Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát thật hành xuất thế gian Đàn na ba la mật chẳng thấy có người thí, chẳng thấy có kẻ nhận, chẳng thấy có vật bố thí. Thật hành xuất thế gian Đàn na ba la mật như vậy thì hồi hướng nhứt thiết chủng trí cũng chẳng sanh cao tâm.


Thật hành Thi na ba la mật, Thi na ba la mật bất khả đắc.


Thật hành Tinh tấn ba la mật, Tinh tấn ba la mật bất khả đắc.


Thật hành Thiền na ba la mật, Thiền na ba la mật bất khả đắc.


Thật hành Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật bất khả đắc.


Tu tứ niệm xứ, tứ niệm xứ bất khả đắc.


Nhẫn đến tu nhứt thiết chủng trí, nhứt thiết chủng trí bất khả đắc.


Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật như vậy, vì hồi hướng nhứt thiết chủng trí, vì chẳng sanh cao tâm”.


***