32. Phẩm Bửu Pháp Đại Minh

Thursday, 25 August 202211:04 AM(View: 885)
32. Phẩm Bửu Pháp Đại Minh
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

32. PHẨM BỬU PHÁP ĐẠI MINH THỨ BA MƯƠI HAI

Đức Phật nói với Thiên Đế: “Nầy Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật nầy rồi thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm, chẳng rời tâm nhứt thiết trí, lúc lâm trận, do tụng Bát nhã ba la mật nên vào trong quân trận trọn chẳng mất mạng, đao tên không hại.

Tại sao vậy? Thiện nam, thiện nữ nầy mãi mãi thật hành sáu ba la mật, tự trừ đao tên dâm dục của mình, cũng trừ đao tên dâm dục của người khác, tự trừ đao tên sân khuể của mình, cũng trừ đao tên sân khuể của mình, cũng trừ đao tên sân khuể của người khác, tự trừ đao tên ngu si của mình, cũng trừ đao tên ngu si của người khác, tự trừ đao tên tà kiến của mình, cũng trừ đao tên tà kiến của người, tự trừ đao tên triền cấu, cũng trừ đao tên triền cấu của người, tự trừ đao tên kiết sử, cũng trừ đao tên kiết sử của người.


Nầy Kiều Thi Ca! Do nhơn duyên nầy, nên thiện nam, thiện nữ nầy chẳng bị đao tên làm hại.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật nầy thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm, chẳng rời tâm nhứt thiết trí, tất cả những độc, cổ độc, hầm lửa, nước sâu, dao chém đều không làm hại được.


Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật nầy là đại minh chú, là vô thượng chú.


Nếu thiện nam, thiện nữ học đại minh chú nầy thời chẳng tự não hại lấy thân mình, cũng chẳng não hại người khác, cũng chẳng não hại cả mình lẫn người.


Tại sao vậy? Vì thiện nam, thiện nữ nầy chẳng thấy có ngã, chẳng thấy có chúng sanh, nhẫn đến tri giả, kiến giả đều bất khả đắc. Chẳng thấy có sắc, nhẫn đến chẳng thấy có nhứt thiết chủng trí.


Vì chẳng thấy có, nên chẳng tự não hại thân mình, chẳng não hại người khác, cũng chẳng não hại lẫn mình cả người.


Vì học đại minh chú nầy nên được Vô thượng Bồ đề, quán tâm của tất cả chúng sanh mà tùy ý thuyết pháp.


Tại sao vậy? Vì quá khứ chư Phật học đại minh chú nầy đã được Vô thượng Bồ đề, vị lai chư Phật học đại minh chú nầy sẽ được Vô thượng Bồ đề, hiện tại chư Phật học đại minh chú nầy được Vô thượng Bồ đề.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Nếu có người chỉ biên chép quyển kinh Bát nhã ba la mật nầy mà thờ nơi nhà, chớ không thọ trì, không đọc tụng, chẳng giảng thuyết, chẳng chánh ức niệm, tất cả hành Nhơn, Phi Nhơn không thể phá hoại chỗ đó được.


Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật nầy được tất cả chư Thiên Vương, chư Phạm Vương cùng chư Thiên trong Đại Thiên thế giới và trong vô số vô lượng thế giới mười phương đồng ủng hộ.


Chỗ thờ Bát nhã ba la mật nầy, chư Thiên đều đến cúng dường, kính trọng, lễ lại rồi đi.


Chỉ có biên chép Bát nhã ba la mật để thờ tại nhà, mà thiện nam, thiện nữ ấy còn được công đức hiện đời như vậy.


Ví như hoặc có người hoặc có súc vật đến dưới cây bồ đề, thời hàng Nhơn, Phi Nhơn mang ác ý đến không làm hại được.


Tại sao vậy? Vì chỗ cây bồ đề nầy là nơi mà quá khứ chư Phật được Vô thượng Bồ đề, vị lai chư Phật và hiện tại chư Phật cũng ở nơi đó mà được Vô thượng Bồ đề. Khi được thành Phật rồi, đều bố thí sự không kinh sợ cho tất cả chúng sanh, làm cho vô lượng vô số chúng sanh được phước lạc trong Người trên Trời, cũng làm cho vô lượng vô số chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn đến quả Vô thượng Bồ đề.


Do oai lực của Bát nhã ba la mật, nên chỗ ấy được sự cung kính, lễ bái, cúng dường”.


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ biên chép cúng dường Bát nhã ba la mật, hoặc có thiện nam, thiện nữ sau khi đức Phật nhập diệt xây tháp cúng dường Xá Lợi, hai người nầy ai được phước nhiều?”


Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Ta hỏi lại Ngài, tùy ý Ngài đáp.


Do học đạo gì mà Phật được Vô thượng Bồ đề thân tướng hảo nầy?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Do học trong Bát nhã ba la mật mà đức Phật được Vô thượng Bồ đề cùng thân tướng hảo trang nghiêm”.


Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Nầy Kiều Thi Ca! Đức Phật từ trong Bát nhã ba la mật mà học được nhứt thiết chủng trí.


Nầy Kiều Thi Ca! Chẳng phải do thân tướng hảo mà gọi là Phật. Chính là do được nhứt thiết chủng trí nên gọi là Phật.


Nầy Kiều Thi Ca! Nhứt thiết chủng trí của Phật sanh từ trong Bát nhã ba la mật.


Nầy Kiều Thi Ca! Thân của Phật đây là chỗ sở y của nhứt thiết chủng trí. Nhơn nơi thân nầy mà Phật được nhứt thiết chủng trí. Nên nghĩ rằng thân của đức
Phật đây là chỗ sở y của nhứt thiết chủng trí. Vì thế nên sau khi Phật nhập Niết Bàn, Xá Lợi sẽ được cúng dường.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật nầy rồi biên chép, thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán, thời tức là cúng dường nhứt thiết chủng trí.


Do cớ nầy nên thiện nam, thiện nữ nên biên chép Bát nhã ba la mật nầy, rồi hoặc thọ trì, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm, kính trọng, cúng dường, tán thán.


Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, nếu có thiện nam, thiện nữ xây tháp cúng dường Xá Lợi, kính lễ, tán thán.


Lại có thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì Bát nhã ba la mật nầy mà kính thọ, cúng dường, tán thán, thời được phước rất nhiều.


Tại sao vậy? Vì trong Bát nhã ba la mật nầy xuất sanh nội không đến vô pháp hữu pháp không, xuất sanh tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng, xuất sanh tất cả tam muội, tất cả thiền định, tất cả đà la ni. Thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ đều xuất phát từ trong Bát nhã ba la mật nầy. Bồ Tát thành tựu tất cả công hạnh cũng từ trong Bát nhã ba la mật nầy. Tất cả phước quả của loài Người cùng cõi Trời đến Sắc Cứu Cánh Thiên đều từ Bát nhã ba la mật nấy sanh. Những Thánh quả từ Tu Đà Hoàn đến chư Phật và nhứt thiết chủng trí của chư Phật đều từ trong Bát nhã ba la mật nầy xuất sanh”.


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Người Diêm Phù Đề chẳng cúng dường, tán thán Bát nhã ba la mật, phải chăng vì họ chẳng biết cúng dường thời được nhiều lợi ích?”


Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Trong Diêm Phù Đề, đối với Phật, Pháp và Tăng có bao nhiêu người có lòng tin bất hoại? Có bao nhiêu người không nghi?
Có bao nhiêu người quyết liễu?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đối với Phật, Pháp và Tăng, trong Diêm Phù Đề ít người có lòng tin bất hoại, cũng ít người không nghi và quyết liễu”.


Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Trong Diêm Phù Đề, có bao nhiêu người được ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, tám bội xả, chín thứ đệ định, bốn trí vô ngại, sáu thần thông?


Trong Diêm Phù Đề có bao nhiêu người dứt ba kiết sử, được đạo Tu Đà Hoàn? Bao nhiêu người dứt ba kiết sử cũng mõng tham, sân, si, được đạo Tư Đà Hàm? Bao nhiêu người dứt năm hạ phần kiết, được đạo A Na Hàm? Bao nhiêu người dứt năm hạ phần kiết, được đạo A La Hán? Bao nhiêu người cầu đạo
Bích Chi Phật? Bao nhiêu người phát tâm Vô thượng Bồ đề?”


Thiên Đế thưa: “Trong Diêm Phù Đề, ít người được ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nhẫn đến ít người phát tâm Vô thượng Bồ đề”.


Đức Phật nói: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Trong Diêm Phù Đề ít người đối với Phật, Pháp Tăng có lòng tin bất hoại, không nghi và quyết liễu. Cũng ít người được ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nhẫn đến ít người phát tâm Vô thượng Bồ đề.


Trong những người phát tâm nầy lại ít người thật hành Bồ Tát hạnh.


Tại sao vậy? Vì những chúng sanh trong Diêm Phù Đề, đời trước của họ chẳng thấy Phật, chẳng nghe Pháp, chẳng cúng dường Tỳ Kheo Tăng, chẳng bố thí, chẳng trì giới, chẳng nhẫn nhục, chẳng tin tấn, chẳng thiền định, chẳng trí tuệ, chẳng nghe nội không đến vô pháp hữu pháp không, chẳng nghe, chẳng tu tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, chẳng nghe, chẳng tu những môn tam muội, những môn đà la ni, cũng chẳng tu nhứt thiết chủng trí.


Do cớ trên đây nên ít chúng sanh tin bất hoại nơi Tam Bảo, nhẫn đến ít người phát tâm Vô thượng Bồ đề.


Trong những người phát tâm lại ít người thật hành Bồ Tát đạo.


Trong những người thật hành Bồ Tát đạo lại ít người được Vô thượng Bồ đề.


Nầy Kiều Thi Ca! Ta dùng Phật nhãn thấy trong những thế giới phương Đông có vô lượng vô số chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, thật hành Bồ Tát đạo, nhưng vì xa lìa sức phương tiện Bát nhã ba la mật nên có rất ít người được an trụ bực bất thối chuyển, còn phần nhiều thời sa vào hàng Thanh Văn,
Bích Chi Phật. Trong chín phương kia cũng như vậy.


Vì thế nên thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề phải nghe Bát nhã ba la mật và phải thọ trì, thân cận, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm. Xong rồi lại phải biên chép, cung kính, tôn trọng, tán thán và cúng dường Bát nhã ba la mật.


Những thiện pháp khác vào trong Bát nhã ba la mật cũng phải nghe, thọ trì nhẫn đến cúng dường. Những gì là thiện pháp khác? Chính là Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật, nội không đến vô pháp hữu pháp không, những tam muội môn, đàn la ni môn, tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, đại từ đại bi.


Vô lượng thiện pháp như vậy đều vào trong Bát nhã ba la mật cũng phải nghe, thọ trì nhẫn đến chánh ức niệm và tán thán, cúng dường.

Thiện nam, thiện nữ phải nghĩ rằng lúc làm Bồ Tát, đức Phật học và thật hành Bát nhã ba la mật cùng vô lượng thiện pháp cũng như vậy.


Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật cùng vô lượng thiện pháp là chỗ tôn quý của tôi, là pháp ấn của chư Phật, cũng là pháp ấn của Thanh Văn, Bích Chi Phật.


Chư Phật do học Bát nhã ba la mật nhẫn đến nhứt thiết chủng trí mà được đến bỉ ngạn.


Chư Bích Chi Phật và Thanh Văn cũng học Bát nhã ba la mật nhẫn đến nhứt thiết trí mà đến bỉ ngạn.


Nầy Kiều Thi Ca! Thế nên thiện nam, thiện nữ, lúc Phật còn tại thế hoặc sau khi Phật nhập Niết Bàn, phải y chỉ Bát nhã ba la mật, Thiền na ba la mật, Nhẫn nhục ba la mật, Thi na ba la mật, Đàn na ba la mật, nhẫn đến phải y chỉ nhứt thiết chủng trí.


Tại sao vậy? Vì Bát nhã ba la mật nhẫn đến nhứt thiết chủng trí là chỗ mà chư Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chư Phật và tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la đều đáng y chỉ nơi đó.


Sau khi Phật nhập Niết Bàn, nếu thiện nam, thiện nữ, vì cúng dường Phật mà xây tháp bảy báu cao một do tuần, dùng hoa hương, an lạc, phan cái, kỹ nhạc cõi Trời để cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán.


Nầy Kiều Thi Ca! Do nhơn duyên nầy, thiện nam, thiện nữ ấy được phước nhiều chăng?”


Thiên Đế nói: “Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều, rất nhiều!”


Đức Phật nói: “Nhưng vẫn không bằng phước của thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật nầy và biên chép, thọ trì, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm, chẳng rời tâm tát bà nhã, cùng cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường.


Nầy Kiều Thi Ca! Chẳng luận một tháp bảy báu. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, vì cúng dường Phật nên thiện nam, thiện nữ xây tháp bảy báu khắp Diêm Phù Đề cũng đều cao một do tuần, dùng hoa hương, anh lạc, phan cái, kỹ nhạc cõi Trời để cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán. Thiện nam, thiện nữ ấy
được phước nhiều chăng?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Phước của thiện nam, thiện nữ ấy rất nhiều”.


Đức Phật nói: “Nhưng vẫn chẳng bằng phước của thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật nhẫn đến cúng dường, kính trọng, tán thán.


Nầy Kiều Thi Ca! Chẳng luận xây tháp khắp một Diêm Phù Đề. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, thiện nam, thiện nữ vì cúng dường Phật nên xây tháp bảy báu đều cao một do tuần khắp bốn châu thiên hạ.


Thiện nam, thiện nữ nầy được phước nhiều chăng?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều”.


Đức Phật nói: “Nhưng vẫn chẳng bằng phước của thiện nam, thiện nữ biên chép đến cúng dường Bát nhã ba la mật.


Nầy Kiều Thi Ca! Lại chẳng luận xây tháp bảy báu khắp bốn châu thiên hạ.


Sau khi Phật nhập Niết Bàn, thiện nam, thiện nữ vì cúng dường Phật nên xây tháp bảy báu đều cao một do tuần khắp Tiểu Thiên thế giới. Thiện nam, thiện nữ nầy được phước nhiều chăng?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều”.


Đức Phật nói: “Nhưng vẫn chẳng bằng phước của thiện nam, thiện nữ biên chép đến cúng dường Bát nhã ba la mật.


Nầy Kiều Thi Ca! Lại chẳng luận xây tháp bảy báu khắp Tiểu Thiên thế giới.


Sau khi Phật nhập Niết Bàn, thiện nam, thiện nữ vì cúng dường Phật nên xây tháp bảy báu đều cao một do tuần khắp Trung Thiên thế giới. Thiện nam, thiện nữ nầy được phước nhiều chăng?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều”.


Đức Phật nói: “Nhưng vẫn chưa nhiều bằng phước của thiện nam, thiện nữ cúng dường Bát nhã ba la mật.


Nầy Kiều Thi Ca! Lại chẳng luận xây tháp bảy báu đầy Trung Thiên thế giới.


Sau khi Phật nhập Niết Bàn, thiện nam, thiện nữ vì cúng dường Phật nên xây tháp bảy báu đều cao một do tuần khắp Đại Thiên thế giới, rồi cúng dường trọn đời. Thiện nam, thiện nữ nầy phước nhiều chăng?”


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều, rất nhiều”.


Đức Phật nói: “Nhưng vẫn chẳng bằng phước của thiện nam, thiện nữ biên chép Bát nhã ba la mật nầy, rồi thọ trì, cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường.


Nầy Kiều Thi Ca! Lại chẳng luận xây tháp bảy báu đầy Đại Thiên thế giới.


Sau khi Phật nhập Niết Bàn, vì cúng dường Phật nên mỗi mỗi chúng sanh trong Đại Thiên thế giới đều xây tháp bảy báu và đều cúng dường trọn đời, vẫn chẳng bằng phước của thiện nam, thiện nữ biên chép, thọ trì Bát nhã ba la mật nhẫn đến chánh ức niệm, chẳng rời tâm nhứt thiết trí, và cũng cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường”.


Thích Đề Hoàn Nhơn thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đúng như vậy, nếu có ai cúng dường, tôn trọng, tán thán Bát nhã ba la mật nầy, thời là cúng dường chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.


Bạch đức Thế Tôn! Sau khi Phật nhập Niết Bàn, nếu mỗi mỗi chúng sanh trong hằng sa quốc độ mười phương, vì cúng dường đức Phật nên xây tháp bảy báu cao một do tuần, rồi cúng dường bửu tháp, hoặc một kiếp hoặc dưới một kiếp.


Bạch đức Thế Tôn! Những người cúng dường như vậy, có được phước nhiều chăng?”

Đức Phật nói: “Rất nhiều”.


Thiên Đế thưa: “Nếu có thiện nam, thiện nữ biên chép Bát nhã ba la mật nầy nhẫn đến chánh ức niệm, cung kính, tôn trọng, tán thán và cúng dường thời được phước lại nhiều lới hơn. Tại sao vậy? Vì tất cả pháp lành đều nhập vào trong Bát nhã ba la mật. Như là những pháp lành thập thiện đạo, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ba môn giải thoát, tứ đế, sáu thần thông, tám bội xả, chín thứ đề định, sáu ba la mật, mười tám không, những tam muội môn, những đà la ni môn, mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, đại từ đại bi, mười tám pháp bất cộng, nhứt thiết trí, đạo chủng trí, nhứt thiết chủng trí.


Bạch đức Thế Tôn! Đây gọi là pháp ấn của tất cả chư Phật. Trong pháp nầy, tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật và tam thế chư Phật do học pháp nầy mà được đến bỉ ngạn”.


***