71. Phẩm Đạo Thọ

Saturday, 27 August 20225:35 PM(View: 914)
71. Phẩm Đạo Thọ
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

71. PHẨM ĐẠO THỌ THỨ BẢY MƯƠI MỐT

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “ Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật này rất sâu. Chư đại Bồ Tát chẳng thấy có chúng sanh mà vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề, đây là rất khó. Như người muốn trồng cây giữa hư không thì rất khó.

Bạch đức Thế Tôn! Cũng vậy, đại Bồ Tát vì chúng sanh mà cầu Vô Thượng Bồ Đề, chúng sanh cũng bất khả đắc”.

Đức Phật phán dạy: “Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Chỗ làm của chư đại Bồ Tát rất khó: vì chúng sinh mà cầu Vô Thượng Bồ Đề, cứu độ những chúng sanh điên đảo chấp ngô, chấp ngã.

Này Tu Bồ Đề! Như người trồng cây chẳng biết gốc, thân, cành, lá, bông, trái mà yêu quí vun bón xới tưới, cây lớn dần hoa, lá, trái, hột đều thành tựu mà được hưởng thọ.

Cũng vậy, chư đại Bồ Tát vì chúng sanh cầu Vô Thượng Bồ Đề, lần lần hành sáu ba la mật, được nhứt thiết chủng trí, thành tựu Phật thọ, đem hoa, lá, trái, hột lợi ích chúng sanh.

Này Tu Bồ Đề! Thế nào là lá cây lợi ích chúng sanh?

Chúng sanh nhờ nơi đại Bồ Tát mà được lìa khỏi ba ác đạo, đó là lợi ích.

Thế nào là hoa lợi ích chúng sanh?

Nhờ nơi đại Bồ Tát mà chúng sanh được sanh làm người dòng sang quý, được sanh cõi Trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến cõi Trời Phi Phi Tưởng, đó là hoa lợi ích.

Thế nào là quả lợi ích chúng sanh?

Đại Bồ Tát đó được nhứt thiết chủng trí làm cho chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Phật, chúng sanh này lần lần dùng pháp ba thừa nhập nơi vô dư Đại Niết Bàn, đó là quả lợi ích chúng sanh.

Đại Bồ Tát đó chẳng thấy có thiệt chúng sanh mà độ chúng sanh khiến lìa chấp ngã điên đảo. Đại Bồ Tát nghĩ rằng: Trong tất cả pháp không có chúng sanh, ta vì chúng sanh mà cầu nhứt thiết chủng trí, chúng sanh đó thiệt bất khả đắc”.

- Bạch đức Thế Tôn! Phải biết rằng Bồ Tát đó như là Phật.

Tại sao vậy?

Vì do nơi Bồ Tát đó mà dứt tất cả mầm giống Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, dứt tất cả mầm giống các nạn, bần cùng hạ tiện, dứt tất cả mầm giống cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc.

- Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Phải biết rằng Bồ Tát đó như là Phật.

Này Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát chẳng phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề thì thế gian không có chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, thế gian cũng không có Bích Chi Phật, A La Hán, A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn. Cũng không lúc nào dứt ba ác đạo và ba cõi.

Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời người nói, đại Bồ Tát đó như là Phật.

Tại sao vậy? Vì do như mà gọi là Như Lai. Vì do như mà gọi là Bích Chi Phật, A La Hán và tất cả Hiền Thánh. Vì do như mà gọi là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Vì do như mà gọi là tất cả pháp nhẫn đến tánh hữu vi, tánh vô vi. Những như đó đều như thiệt không sai khác, vì thế mà gọi là như.

Chư đại Bồ Tát học như đó được nhứt thiết chủng trí, được gọi là Như Lai.

Do nhân duyên đó, do hành tướng đó mà nói rằng phải biết đại Bồ Tát như là Phật. Vì là tướng như.

Này Tu Bồ Đề! Thế nên đại Bồ Tát phải học như Bát nhã ba la mật.

Bồ Tát học như Bát nhã ba la mật thì có thể học tất cả pháp như. Học tất cả pháp như thì được đầy đủ tất cả pháp như. Được đầy đủ tất cả pháp như rồi thì trụ tất cả pháp như được tự tại. Trụ tất cả pháp như, được tự tại rồi thì khéo biết căn của tất cả chúng sanh. Khéo biết căn của tất cả chúng sanh rồi thì khéo biết căn cụ túc của tất cả chúng sanh và khéo biết nghiệp nhơn duyên của tất cả chúng sanh.

Biết nghiệp nhơn duyên của tất cả chúng sanh rồi thì được nguyện trí đầy đủ.

Được nguyện trí đầy đủ rồi thì tam thế huệ thanh tịnh.

Tam thế huệ thanh tịnh rồi thì lợi ích tất cả chúng sanh.

Lợi ích tất cả chúng sanh rồi thì thanh tịnh Phật quốc độ.

Thanh tịnh Phật quốc độ rồi thì được nhứt thiết chủng trí.

Được nhứt thiết chủng trí rồi thì chuyển pháp luân.

Chuyển pháp luân rồi thì an lập chúng sanh nơi ba thừa khiến nhập vô dư y Niết Bàn.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát muốn được tất cả công đức lợi mình lợi người thì phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

- Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát có thể hành Bát nhã ba la mật sâu xa đúng như lời, tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la phải nên đảnh lễ.

- Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Đại Bồ Tát có thể hành Bát nhã ba la mật sâu xa đúng như lời, tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la phải nên đảnh lễ.

- Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát mới phát tâm vì chúng sanh mà cầu Vô Thượng Bồ Đề được bao nhiêu phước đức?

- Này Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh trong Tiểu Thiên quốc độ đều phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, theo ý ngươi thế nào, phước của họ có nhiều chăng?

- Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều vô lượng.

- Này Tu Bồ Đề! Phước của họ sánh với phước của Bồ Tát mới phát tâm chẳng bằng phần trăm, phần ngàn, phần muôn ức, nhẫn đến toán số thí dụ cũng vẫn không bằng được.

Tại sao? Vì phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật đều do Bồ Tát mà ra. Còn Bồ Tát trọn không do Thanh Văn, Bích Chi Phật mà ra.

Đến Trung Thiên nhị thiên quốc độ và Đại Thiên tam thiên quốc độ so sánh cũng như vậy.

Và để chúng sanh trong Đại Thiên tam thiên quốc độ phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật lại. Cứ như chúng sanh trong Đại Thiên tam thiên quốc độ đều trụ bực Càn Huệ địa, bực Tánh địa, bực Bát Nhơn địa, bực Kiến địa, bực Bạc địa, bực Ly dục địa, bực Dĩ Biên địa, bực Bích Chi Phật địa, tất cả phước đức đó nếu muốn đem sánh với Bồ Tát mới phát tâm thì vẫn chẳng bằng phần trăm, phần ngàn, phần muôn ức, nhẫn đến toán số thí dụ đều chẳng bằng được.

Này Tu Bồ Đề! Chư đại Bồ Tát mới phát tâm trong Đại Thiên quốc độ chẳng bằng Bồ Tát nhập pháp vị. Chư đại Bồ Tát nhập pháp vị trong Đại Thiên quốc độ chẳng bằng Bồ Tát hướng Phật đạo. Chư Bồ Tát hướng Phật đạo trong Đại Thiên quốc độ chẳng bằng công đức của Phật, một phần trăm, phần ngàn, phần muôn ức, nhẫn đến toán số thí dụ đều chẳng bằng được.

- Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát mới phát tâm nên niệm nhớ những pháp gì?

- Này Tu Bồ Đề! Nên niệm nhớ nhứt thiết chủng trí.

- Bạch đức Thế Tôn! Những gì là nhứt thiết chủng trí? Những duyên gì, tăng thượng gì, hành loại gì, tướng mạo gì của nhứt thiết chủng trí?

- Này Tu Bồ Đề! Nhứt thiết chủng trí không chỗ có, không niệm, không sanh, không hiển thị.

Như Tu Bồ Đề hỏi những duyên, những tăng thượng, những hành, những tướng của nhứt thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Nhứt thiết chủng trí không có pháp, duyên niệm làm tăng thượng, tịch diệt làm hành, vô tướng làm hướng. Đó gọi là duyên, tăng thượng, hành và tướng của nhứt thiết chủng trí.

- Bạch đức Thế Tôn! Chỉ có nhứt thiết chủng trí không pháp, hay là sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến hữu vi tướng, vô vi tướng cũng không pháp?

- Này Tu Bồ Đề! Sắc nhẫn đến hữu vi tướng, vô vi tướng cũng không pháp.

- Bạch đức Thế Tôn! Do nhơn duyên gì mà nhứt thiết chủng trí không pháp, sắc đến hữu vi tướng, vô vi tướng không pháp?

- Này Tu Bồ Đề! Vì nhứt thiết chủng trí tự tánh không, nếu pháp tự tánh không thì gọi là không pháp. Sắc nhẫn đến hữu vi tướng, vô vi tướng cũng như vậy.

- Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà các pháp tự tánh không?

- Này Tu Bồ Đề! Các pháp hòa hiệp nhơn duyên sanh, trong pháp không tự tánh, nếu không tự tánh thì gọi là không pháp.

Vì thế nên đại Bồ Tát phải biết tất cả pháp không tánh. Tại sao vậy? Vì tất cả pháp tánh không vậy.

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp không tánh, Bồ Tát mới phát tâm dùng sức phương tiện gì để có thể hành Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, để có thể hành tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, nội không đến vô pháp hữu pháp không, tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, tam tam muội, bát bội xả, cửu thứ đệ định, Phật thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, nhứt thiết chủng trí, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh?

- Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát có thể học các pháp không tánh, cũng có thể tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, biết quốc độ và chúng sanh cũng không tánh, đó chính là sức phương tiện.

- Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đó hành sáu ba la mật tu học Phật đạo, nhẫn đến hành nhứt thiết chủng trí tu học Phật đạo, cũng biết Phật đạo không tánh. Đại Bồ Tát này hành sáu ba la mật tu học Phật đạo, nhẫn đến chưa thành tựu Phật thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, nhứt thiết chủng trí, đó là tu học Phật đạo, khi đã đầy đủ Phật đạo nhơn duyên rồi, dùng một niệm tương ứng huệ được nhứt thiết chủng trí, đồng thời tất cả phiền não tập khí dứt hẳn, vì chẳng sanh vậy.

Bấy giờ dùng Phật nhãn nhìn xem Đại Thiên quốc độ, pháp không còn là bất khả đắc, huống là pháp có.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải hành không tánh Bát nhã ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Đây gọi là sức phương tiện của đại Bồ Tát, pháp không còn là bất khả đắc, huống lá pháp có.

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát này lúc bố thí: bố thí, người thọ và Bồ Tát tâm, pháp không còn chẳng biết được, huống là pháp có. Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí: người được, pháp được và chỗ được, pháp không còn chẳng biết được, huống là pháp có.

Tại sao? Vì tất cả pháp bổn tánh như vậy. Chẳng phải do Phật làm, chẳng phải do Thanh Văn, Bích Chi Phật hay người khác làm. Vì tất cả pháp không có tác giả.

- Bạch đức Thế Tôn! Các pháp tánh các pháp ly chăng?

- Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Các pháp tánh các pháp ly.

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu các pháp tánh các pháp ly, thì làm sao pháp ly lại biết được pháp ly, hoặc là có hoặc là không?

Tại sao? Vì pháp không chẳng biết được pháp không, pháp có chẳng biết được pháp có, pháp không chẳng biết được pháp có, pháp có chẳng biết được pháp không.

Bạch đức Thế Tôn! Như vậy thì tất cả các pháp không có tướng, tại sao đại Bồ Tát lại phân biệt pháp đó là có hay không?

- Này Tu Bồ Đề! Do nơi thế tục đế mà đại Bồ Tát vì chúng sanh nói hoặc có hoặc không, chớ chẳng phải là đệ nhứt nghĩa đế.

- Bạch đức Thế Tôn! Thế tục đế cùng đệ nhứt nghĩa đế khác nhau chăng?

- Này Tu Bồ Đề! Thế đế cùng đệ nhứt nghĩa đế không khác. Tại sao? Vì thế đế như tức là đệ nhứt nghĩa như. Bởi chúng sanh chẳng thấy, chẳng biết như này nên đại Bồ Tát dùng thế đế dạy chúng sanh mà nói hoặc có hoặc không.

Lại này Tu Bồ Đề! Vì chúng sanh đối trong năm ấm có chấp lấy tướng mà chẳng biết là vô sở hữu. Vì dạy chúng sanh đó mà đại Bồ Tát nói hoặc có hoặc không, khiến chúng sanh biết vô sở hữu.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải nên hành Bát nhã ba la mật như vậy”.