80. Phẩm Thật Tế

Thứ Bảy, 27 Tháng Tám 20225:35 CH(Xem: 699)
80. Phẩm Thật Tế
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

80. PHẨM THẬT TẾ THỨ TÁM MƯƠI

Ngài Tu Bồ Đề bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh rốt ráo bất khả đắc thì Bồ Tát vì ai mà thật hành Bát nhã ba la mật?”.

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Bồ Tát vì thật tế mà hành Bát nhã ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Nếu thật tế cùng chúng sanh tế dị biệt thì Bồ Tát chẳng hành Bát nhã ba la mật. Nhưng do vì thật tế, chúng sanh tế chẳng dị biệt nên Đại Bồ Tát vì lợi ích chúng sanh mà hành Bát nhã ba la mật.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát vì chẳng phá hoại thật tế mà kiến lập chúng sanh trong thật tế.

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu thật tế tức là chúng sanh tế thì Bồ Tát kiến lập thật tế ở nơi thật tế.

Bạch đức Thế Tôn! Nếu kiến lập thật tế ở nơi thật tế thì là kiến lập tự tánh ở nơi tự tánh.

Bạch đức Thế Tôn! Chẳng được kiến lập tự tánh ở nơi tự tánh.

Bạch đức Thế Tôn! Tại sao lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát kiến lập chúng sanh ở nơi thật tế?

- Này Tu Bồ Đề! Thật tế chẳng thể kiến lập ở thật tế, tự tánh chẳng thể kiến lập ở tự tánh.

Nay Đại Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật vì sức phương tiện nên kiến lập chúng sanh ở thật tế.

Thật tế chẳng khác chúng sanh tế. Thật tế cùng chúng sanh tế không hai, không khác.

- Bạch đức Thế Tôn! Những gì là sức phương tiện của Đại Bồ Tát? Dùng sức phương tiện ấy, Đại Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật kiến lập chúng sanh ở thật tế, cũng chẳng phá hoại tướng thật tế.

- Này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát vì sức phương tiện nên kiến lập chúng sanh ở nơi bố thí. Kiến lập xong, Bồ Tát nói bố thí rốt ráo rỗng không: Bố thí như vậy trước, sau, chặng giữa đều rỗng không, người thí rỗng không, quả báo bố thí rỗng không, kẻ thọ nhận cũng rỗng không. Này các người! Trong thật tế, tất cả pháp ấy đều bất khả đắc. Các người chớ quan niệm bố thí khác, người thí khác, quả bố thí khác, kẻ thọ nhận khác. Nếu các người chẳng quan niệm dị biệt thì bố thí có thể đưa đến mùi cam lồ, được quả mùi vị cam lồ. Vì bố thí như thế nên các người chớ chấp trước sắc, chớ chấp trước thọ, tưởng, hành, thức. Tại sao? Bố thí ấy, tướng bố thí rỗng không. Người thí, người thí rỗng không. Quả báo thí, quả báo thí rỗng không. Kẻ thọ nhận, kẻ thọ nhận rỗng không. Trong rỗng không mà bố thí thì bố thí bất khả đắc, người thí bất khả đắc, quả báo thí bất khả đắc, kẻ thọ nhận bất khả đắc. Tại sao? Vì các pháp ấy rốt ráo tự tánh rỗng không vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát vì sức phương tiện nên dạy chúng sanh trì giới, bảo họ rằng các người trừ bỏ sát sanh nhẫn đến trừ bỏ tà kiến. Tại sao? Vì pháp mà các người phân biệt không có tánh như vậy. Các người nên suy nghĩ kỹ: những gì là chúng sanh mà muốn giết chết? Dùng những vật gì để giết chết? Nhẫn đến tà kiến cũng suy nghĩ kỹ như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát dùng sức phương tiện như vậy thành tựu chúng sanh.

Đại Bồ Tát này liền vì chúng sanh mà nói quả báo bố thí, trì giới. Quả báo bố thí, trì giới ấy tự tánh rỗng không.

Biết quả báo bố thí, trì giới tự tánh rỗng không rồi, trong ấy chẳng chấp trước. Vì chẳng chấp trước nên tâm chẳng tán loạn hay sanh trí huệ. Dùng trí huệ ấy dứt diệt tất cả kiết sử phiền não, nhập vô dư Niết Bàn.

Trên đây là pháp thế tục, chẳng phải đệ nhứt thiệt nghĩa. Tại sao? Vì trong rỗng không, không có diệt, cũng không có kẻ diệt. Các pháp rốt ráo không chính đó là Niết Bàn.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát thấy chúng sanh tâm phiền não giận hờn bèn dạy rằng: Người lại đây! Người nên tu hạnh nhẫn nhục, làm người nhẫn nhục, người nên thích nhẫn nhục. Sân hận của người, tự tánh nó rỗng không.

Người nên suy nghĩ kỹ như vầy: Tôi ở trong pháp nào mà giận? Ai là người giận? Người bị giận là ai? Pháp ấy đều không. Pháp tánh không ấy không có lúc nào là chẳng rỗng không. Rỗng không ấy chẳng phải do Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật làm ra, cũng chẳng phải do chư Thiên hay quỷ thần làm ra.

Người nên suy nghĩ kỹ như vầy: Giận ai? Ai là người giận? Những gì là sự giận? Tất cả pháp ấy tự tánh rỗng không. Pháp rỗng không không có chỗ giận.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát dùng pháp nhơn duyên ấy kiến lập chúng sanh nơi tánh không, thứ lớp lần lần chỉ dạy cho họ được lợi ích vui mừng, cho họ được Vô Thượng Bồ Đề. Đây là pháp thế tục, chẳng phải đệ nhứt thiệt nghĩa. Tại sao? Vì trong tánh không ấy không có người được, không có pháp được, không có chỗ được.

Này Tu Bồ Đề! Đó gọi là pháp thật tế tánh không.

Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà hành pháp ấy.

Chúng sanh ấy cũng bất khả đắc. Tại sao? Vì tất cả pháp rời lìa tướng chúng sanh vậy.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát vì sức phương tiện nên thấy chúng sanh giải đãi dạy cho họ thân tinh tiến, tâm tinh tiến, bảo họ rằng: Này các người! Trong tánh không của các pháp không có giải đãi, không có người giải đãi, tánh của tất cả pháp này đều không, không gì vượt qua tánh không. Các người sanh thân tinh tiến, tâm tinh tiến. Vì sanh pháp lành nên chớ có giải đãi. Đây là pháp lành: hoặc bố thí, hoặc trì giới, hoặc nhẫn nhục, hoặc tinh tiến, hoặc thiền định, hoặc trí huệ, hoặc các thiền định giải thoát tam muội, hoặc tứ niệm xứ đến bát thánh đạo, hoặc không vô tướng, vô tác giải thoát môn đến mười tám pháp bất cộng. Chớ có giải đãi.

Này các người! Trong tánh không của tất cả pháp ấy phải biết không có tướng đối ngại. Trong pháp không đối ngại ấy, không có người giải đãi, không có pháp giải đãi.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát dạy chúng sanh cho họ an trụ tánh không, chẳng rơi vào pháp có hai. Tại sao? Vì trong tánh không ấy không có hai, không có dị biệt vậy. Pháp không hai ấy không có chỗ chấp trước được.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Lúc hành tánh không Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát dạy chúng sanh cho họ tinh tiến, bảo họ rằng: Này các người! Phải siêng năng tinh tiến hoặc bố thí, hoặc trì giới, hoặc nhẫn nhục, hoặc tinh tiến, hoặc thiền định, hoặc trí huệ, hoặc thiền định giải thoát tam muội, hoặc tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, hoặc không, vô tướng, vô tác giải thoát môn, hoặc Phật thập lực, hoặc tứ vô úy, hoặc tứ vô ngại trí, hoặc mười tám pháp bất cộng, hoặc đại từ, đại bi. Với các pháp ấy các người chớ quan niệm là tướng hai, cũng chớ quan niệm là tướng chẳng hai.

Tại sao? Vì tánh các pháp ấy đều không. Pháp tánh không này, chẳng nên dùng tướng hai để quan niệm, cũng chẳng nên dùng tướng chẳng hai để quan niệm.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát vì sức phương tiện nên thành tựu chúng sanh. Thành tựu chúng sanh xong, thứ đệ dạy cho họ được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, đạo Bích Chi Phật, nhập Bồ Tát vị, được Vô Thượng Bồ Đề.

Lại nữa, Này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát thấy chúng sanh loạn tâm bèn dùng sức phương tiện vì lợi ích chúng sanh nên bảo họ rằng: Này các người! Phải tu thiền định, các người chớ sanh loạn tưởng, phải sanh nhứt tâm. Tại sao? Tánh của các pháp ấy đều là tánh không. Trong tánh rỗng không ấy không có pháp để được, hoặc là loạn hoặc là nhứt tâm. Các người an trụ trong tam muội ấy, chỗ có những tác nghiệp hoặc là thân, là khẩu, là ý, hoặc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, hoặc siêng tinh tiến, hành thiền định, tu trí huệ, hoặc hành tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, hoặc hành các giải thoát, các định thứ đệ, hoặc hành Phật thập lực đến đại từ đại bi, hoặc hành ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, hoặc Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo, Phật đạo, hoặc quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, hoặc đạo Bích Chi Phật, hoặc nhứt thiết chủng trí, hoặc thành tựu chúng sanh, hoặc tịnh Phật quốc độ. Các người phải tùy theo sở nguyện của mình mà thật hành để được an trụ tánh không.

Như vậy, Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật dùng sức phương tiện vì làm lợi ích chúng sanh nên từ khi sơ phát tâm trọn chẳng lười bỏ, thường cầu pháp lành để lợi ích chúng sanh, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, theo chư Phật nghe pháp, bỏ thân thọ thân nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề trọn chẳng quên mất.

Chư Bồ Tát ấy thường được các đà là ni, các căn đầy đủ, đó là thân căn, ngữ căn và ý căn.

Tại sao? Vì Đại Bồ Tát này thường tu nhứt thiết chủng trí. Vì tu nhứt thiết chủng trí nên tất cả đạo hạnh đều tu, hoặc là đạo Thanh Văn, đạo Bích Chi Phật, hoặc là đạo Bồ Tát thần thông. Lúc hành đạo thần thông, Bồ Tát thường lợi ích chúng sanh, vào trong năm loài sanh tử mà trọn chẳng hao mất.

Như vậy, Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật an trụ tánh không dùng thiền định lợi ích chúng sanh.

Lại nữa, Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật an trụ tánh không, vì sức phương tiện nên lợi ích chúng sanh, bảo họ rằng: Này các người! Phải quán tất cả pháp tánh không. Các người nên làm các nghiệp: hoặc thân nghiệp, hoặc khẩu nghiệp, hoặc ý nghiệp hướng đến mùi vị cam lồ. Trong tánh không không có pháp thối lui, cũng không có người thối. Bởi tánh không chẳng phải là pháp. Ở trong pháp vô sở hữu sao lại có thối!

Này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát dạy bảo chúng sanh như vậy, thường chẳng lười bỏ.

Bồ Tát này tự thật hành thập thiện, cũng dạy người khác làm thập thiện. Với năm giới, bát giới trai cũng như vậy.

Bồ Tát này tự hành tứ thiền, cũng dạy người khác hành tứ thiền. Thường tự hành từ, bi, hỉ, xả, tự hành bốn định vô sắc, tự hành tứ niệm xứ đến tám phần thánh đạo, tự hành Phật thập lực đến mười tám pháp bất cộng, đến tám mươi tùy hình hảo, cũng dạy người khác hành từ tâm nhẫn đến hành tám mươi tùy hình hảo như vậy.

Bồ Tát này ở trong quả Tu Đà Hoàn sanh trí huệ nhưng chẳng an trụ trong quả ấy, cũng dạy người khác được quả Tu Đà hoàn, nhẫn đến A La Hán cũng vậy.

Bồ Tát này tự ở trong đạo Bích Chi Phật sanh trí huệ nhưng chẳng an trụ trong đó, cũng dạy người khác được đạo Bích Chi Phật.

Bồ Tát này tự mình đến đạo Vô Thượng Bồ Đề, cũng dạy người khác được đạo Vô Thượng Bồ Đề.

Như vậy, Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật vì sức phương tiện nên trọn chẳng lười bỏ”.

Ngài Tu Bồ Đề bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu tánh các pháp thường không. Trong tánh thường rỗng không ấy, chúng sanh bất khả đắc, pháp và phi pháp cũng bất khả đắc thì đại Bồ Tát thế nào cầu nhứt thiết chủng trí?”.

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Đúng như vậy. Đúng như lời ông nói, tánh các pháp đều không. Trong tánh không ấy, chúng sanh bất khả đắc, pháp và phi pháp cũng bất khả đắc.

Này Tu Bồ Đề! Nếu tất cả pháp tánh chẳng không thì Đại Bồ Tát chẳng Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý cứ tánh không thành Vô Thượng Bồ Đề và vì chúng sanh nói pháp tánh không.

Này Tu Bồ Đề! Sắc tánh rỗng không, thọ, tưởng, hành, thức tánh rỗng không. Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát nói pháp ngũ ấm tánh không, pháp thập nhị nhập tánh không, pháp thập bát giới tánh không, pháp tứ thiền, tứ tâm, tứ vô sắc định tánh không, pháp tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần tánh không, pháp ba môn giải thoát, tám bội xả, chín định thứ đệ, mười trí lực, bốn vô úy, bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo đều tánh không.

Đại Bồ Tát cũng nói những pháp Tu Đà Hoàn quả, Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm quả, A La Hán quả, Bích Chi Phật đạo, nhứt thiết chủng trí dứt tập chủng phiền não đều tánh không.

Này Tu Bồ Đề! Nếu nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không mà tánh chẳng không thì phá hoại tánh không.

Này Tu Bồ Đề! Tánh không ấy chẳng thường, chẳng đoạn. Tại sao? Vì tánh không ấy không chỗ trụ, cũng không chỗ từ đâu lại, cũng không chỗ từ đâu đi. Đây gọi là tướng pháp trụ. Trong đây không có pháp, không có trụ, không có tán, không có tăng, không có giảm, không có sanh, không có diệt, không có cấu, không có tịnh. Đây là các pháp tướng.

Đại Bồ Tát an trụ trong các pháp tướng ấy phát tâm Vô Thượng Bồ Đề chẳng thấy pháp có chỗ phát, không có phát, không có trụ. Đây gọi là tướng pháp trụ.

Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát ấy thấy tất cả pháp tánh không, chẳng thối chuyển Vô Thượng Bồ Đề. Tại sao? Vì Bồ Tát ấy chẳng thấy có pháp hay chướng ngại thì ở chỗ nào mà sanh nghi. Đây gọi là Vô Thượng Bồ Đề.

Tánh không ấy chẳng có chúng sanh, chẳng có ngã, chẳng có nhơn, chẳng có thọ, chẳng có mạng, nhẫn đến chẳng có tri giả, kiến giả.

Trong tánh không ấy, sắc bất khả đắc, thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc, nhẫn đến tám mươi tùy hình hảo bất khả đắc.

Này Tu Bồ Đề! Ví như đức Phật hóa làm tứ chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu bà Di, rồi thường vì tứ chúng này mà thuyết pháp ngàn vạn ức kiếp chẳng dứt. Ý của ông nghĩ sao, hóa chúng ấy sẽ được quả Tu Đà Hoàn, nhẫn đến sẽ được Vô Thượng Bồ Đề chăng?”.

- Bạch đức Thế Tôn! Không. Tại sao? Vì các hóa chúng ấy không có căn bổn thiệt sự. Tất cả pháp tánh không, cũng không có căn bổn thiệt sự, thì có những chúng sanh nào được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến được thọ ký Vô Thượng Bồ Đề?

- Này Tu Bồ Đề! Cũng như vậy, Đại Bồ Tát vì chúng sanh nói pháp tánh không. Chúng sanh ấy thiệt bất khả đắc. Vì chúng sanh rơi vào trong điên đảo nên cứu vớt chúng sanh, khiến họ an trụ nơi chẳng điên đảo.

Điên đảo tức là không điên đảo.

Điên đảo và không điên đảo đều là một tướng mà có nhiều điên đảo, có ít chẳng điên đảo.

Trong chỗ không điên đảo thì không có ngã, không có chúng sanh, nhẫn đến không có tri giả, kiến giả.

Trong chỗ không điên đảo cũng không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mười hai nhập, nhẫn đến không có Vô Thượng Bồ Đề.

Đây gọi là các pháp tánh không.

Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát an trụ trong đây, ở nơi trong tướng chúng sanh điên đảo mà cứu vớt chúng sanh.

Đó là trong tướng không chúng sanh, có chúng sanh mà cứu vớt ra. Nhẫn đến trong tướng tri giả, kiến giả mà cứu vớt ra. Ở trong tướng không sắc, thọ, tưởng, hành, thức, có sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà cứu vớt chúng sanh. Mười hai nhập, mười tám giới nhẫn đến tất cả pháp hữu lậu cũng như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Cũng có các pháp vô lậu. Đó là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần. Các páp ấy đều là pháp vô lậu, cũng chẳng bằng tướng đệ nhứt nghĩa.

Tướng đệ nhứt nghĩa ấy vô tác, vô vi, vô sanh, vô tướng, vô thuyết. Đây gọi là đệ nhứt nghĩa, cũng gọi là tánh không, cũng gọi là Phật đạo. Trong ấy chúng sanh bất khả đắc, nhẫn đến tri giả, kiến giả bất khả đắc, sắc, thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc nhẫn đến tám mươi tùy hình hảo bất khả đắc.

Tại sao vậy?

Vì Đại Bồ Tát chẳng phải vì đạo pháp mà cầu Vô Thượng Bồ Đề. Đại Bồ Tát vì chư pháp thiệt tướng tánh không mà cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Tánh không ấy, tiền tế, hậu tế và trung tế đều tánh không! Thường là tánh không, chẳng có lúc nào là chẳng tánh rỗng không. Đại Bồ Tát hành tánh không Bát nhã ba la mật ấy, vì những chúng sanh chấp trước tướng chúng sanh, muốn cứu vớt họ mà cầu đạo chủng trí.

Lúc cầu đạo chủng trí, Đại Bồ Tát thật hành khắp tất cả đạo như là Thanh Văn đạo, Bích Chi Phật đạo. Đại Bồ Tát ấy đầy đủ tất cả đạo, cứu vớt chúng sanh ra khỏi là tưởng, chấp trước. Thanh tịnh cõi Phật xong, tùy theo thọ mạng được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Thuở quá khứ, đạo của chư Phật mười phương là tánh không. Thuở vị lai, thuở hiện tại, đạo của chư Phật mười phương là tánh không. Rời tánh không, thế gian không có đạo, không có quả. Cần phải gần gũi chư Phật nghe dạy các pháp tánh không này. Hành pháp này chẳng mất nhứt thiết chủng trí.

- Bạch đức Thế Tôn! Rất là hi hữu. Chư Đại Bồ Tát có hành pháp tánh không ấy mà cũng chẳng phá hoại tướng tánh không. Đó là sắc khác với tánh không, thọ, tưởng, hành, thức khác với tánh không, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề khác với tánh không.

- Này Tu Bồ Đề! Sắc tức là tánh không, tánh không tức là sắc. Nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề tức là tánh không, tánh không tức là Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Nếu sắc khác với tánh không, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề khác với tánh không thì Đại Bồ Tát chẳng thể được nhứt thiết chủng trí.

Nay sắc chẳng khác tánh không, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề chẳng khác tánh không. Vì thế nên Đại Bồ Tát biết tất cả pháp tánh không, phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Tại sao? Vì trong ấy không có pháp nào hoặc là thiệt hoặc là thường, chỉ vì hành phàm phu chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức, có tâm chấp ngã trước nội pháp ngoại pháp, nên thọ lấy thân ngũ ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức kế sau. Vì lẽ ấy mà chẳng thoát được sanh, già, bệnh, chất, sầu bi khổ não, qua lại năm loài.

Vì cớ sự ấy nên Đại Bồ Tát hành tánh không Bát nhã ba la mật, chẳng phá hoại các pháp tướng sắc, thọ v.v… hoặc không hoặc bất không.

Tại sao? Vì tướng sắc tánh không chẳng phá hoại sắc, đó là sắc, là không, là thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng như vậy.

Ví như hư không chẳng phá hoại hư không. Nội hư không chẳng phá hoại ngoại hư không, ngoại hư không chẳng phá hoại nội hư không.

Như vậy, Này Tu Bồ Đề! Sắc chẳng phá hoại sắc tướng không. Tướng sắc không chẳng phá hoại sắc. Tại sao? Vì hai pháp ấy không có tánh có thể có bị phá hoại, đó là không, là chẳng phải không.

Nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng như vậy.

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp rỗng không vô phân biệt, tại sao Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm đến nay phát nguyện rằng tôi sẽ được Vô Thượng Bồ Đề?

Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp vô phân biệt, tại sao Bồ Tát phát tâm rằng tôi sẽ được Vô Thượng Bồ Đề?

Bạch đức Thế Tôn! Nếu phân biệt các pháp chẳng thể được Vô Thượng Bồ Đề.

- Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát hành hai tướng thì không có Vô Thượng Bồ Đề. Nếu phân biệt làm hai phần thì không có Vô Thượng Bồ Đề. Nếu chẳng hai, chẳng phân biệt các pháp thì là Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Đề là tướng bất nhị, là tướng bất hoại.

Này Tu Bồ Đề! Bồ Đề ấy chẳng hành trong sắc, chẳng hành trong thọ, tưởng, hành, thức. Nhẫn đến Bồ Đề chẳng hành trong Bồ Đề.

Tại sao? Vì sắc tức là Bồ Đề, Bồ Đề tức là sắc, chẳng hai, chẳng phân biệt. Nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng như vậy.

Bồ Đề ấy chẳng thấy vì lấy mà hành, chẳng phải vì bỏ mà hành.

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát, Bồ Đề chẳng phải vì lấy mà hành, chẳng phải vì bỏ mà hành, vậy Đại Bồ Tát, Bồ Đề chỗ nào mà hành?

- Này Tu Bồ Đề! Như ý ông nghĩ sao? Như hóa nhơn của đức Phật biến hóa ra hành tại chỗ nào, là hành trong lấy, là hành trong bỏ?

- Bạch đức Thế Tôn! Chẳng phải hành trong lấy, chẳng phải hành trong bỏ.

- Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát, Bồ Đề cũng như vậy, chẳng phải hành trong lấy, chẳng phải hành trong bỏ.

Này Tu Bồ Đề! Như ý ông nghĩ sao? A La Hán trong chiêm bao, Bồ Đề hành chỗ nào? Là hành trong lấy, là hành trong bỏ?

- Bạch đức Thế Tôn! Không. Chẳng phải hành trong lấy, chẳng phải hành trong bỏ. Tại sao? Vì A La Hán rốt ráo không ngủ thì thế nào trong chiêm bao, Bồ Đề là hành trong lấy, là hành trong bỏ.

- Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát, Vô Thượng Bồ Đề cũng như vậy. Chẳng phải hành trong lấy, chẳng phải hành trong bỏ, chỗ gọi là hành trong sắc, nhẫn đến hành trong nhứt thiết chủng trí.

- Bạch đức Thế Tôn! Phải chăng Đại Bồ Tát chẳng hành thập địa, chẳng hành sáu ba la mật, chẳng hành ba mươi bảy pháp trợ đạo, chẳng hành mười tám không, chẳng hành các thiền giải thoát tam muội, chẳng hành mười trí lực, nhẫn đến chẳng hànht ám mươi tùy hình hảo, trụ năm thần thông, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, được Vô Thượng Bồ Đề?

- Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói. Nay Bồ Tát dầu Bồ Đề không chỗ hành, nếu chẳng đầy đủ thập địa, sáu ba la mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, nhẫn đến tám mươi tù hình hảo, hạnh thường xả, pháp chẳng hư Luống, pháp chẳng sai lầm, nếu chẳng đầy đủ những pháp ấy thì trọn chẳng được Vô Thượng Bồ Đề.

Đại Bồ Tát ấy trụ trong tướng sắc, trụ trong tướng thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến trụ trong tướng Vô Thượng Bồ Đề, có thể đầy đủ thập địa, nhẫn đến được Vô Thượng Bồ Đề.

Tướng ấy thường tịch diệt, không có pháp hay tăng, hay giảm, hay sanh, hay diệt, hay cấu, hay tịnh, có thể đắc đạo, có thể đắc quả.

Vì pháp thế tục đế mà Bồ Tát được Vô Thượng Bồ Đề chớ chẳng phải đệ nhứt thiệt nghĩa. Tại sao? Vì trong đệ nhứt nghĩa không có sắc, nhẫn đến không có Vô Thượng Bồ Đề, cũng không có người hành Vô Thượng Bồ Đề. Tất cả pháp ấy đều vì thế tục mà nói, chớ chẳng phải đệ nhứt nghĩa.

Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm đến nay hành Vô Thượng Bồ Đề, Bồ Đề cũng chẳng tăng thêm, chúng sanh cũng chẳng giảm bớt, Bồ Tát cũng không tăng giảm.

Này Tu Bồ Đề! Như ý ông nghĩ sao? Nếu người lúc ban sơ đắc đạo trụ vô gián tam muội, được căn vô lậu thành tựu, hoặc quả Tu Đà Hoàn, hoặc quả Tư Đà Hàm, hoặc quả A Na Hàm, hoặc quả A La Hán. Lúc bấy giờ ông có sở đắc, hoặc là mộng, hoặc là tâm, hoặc là đạo, hoặc đạo quả chăng?

- Bạch đức Thế Tôn! Không có chỗ được.

- Này Tu Bồ Đề! Làm thế nào biết người được đạo A La Hán?

- Bạch đức Thế Tôn! Vì thế tục đế nên phân biệt gọi là đạo A La Hán.

- Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Vì thế tục đế nên gọi là Bồ Tát, nên gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến nhứt thiết chủng trí.

Trong Bồ Đề ấy không có pháp để được hoặc tăng, hoặc giảm. Bởi vì các pháp tánh không vậy.

Các pháp tánh không còn là bất khả đắc, huống là có được tâm sơ địa nhẫn đến tam thập địa, huống là có sáu ba la mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo nhẫn đến tất cả Phật pháp!

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Vô Thượng Bồ Đề được pháp Vô Thượng Bồ Đề lợi ích chúng sanh như vậy”.