- 1. Tập Hội
- 2. Phát Bồ Đề Tâm
- 3. Tâm Đại Bi
- 4. Giải Thoát
- 5. Ba Loại Bồ Đề
- 6. Tu Tập Thiện Nghiệp Ba Mươi Hai Tướng
- 7. Phát Nguyện
- 8. Bồ Tát Giả Danh Bồ Tát Thật
- 9. Tâm Kiên Cố của Bồ Tát Thật Nghĩa
- 10. Lợi Mình Lợi Người
- 11. Trang Nghiêm Mình và Người
- 12. Trang Nghiêm Phước Đức Trí Huệ
- 13. Thâu Phục Đệ Tử
- 14. Thọ Giới
- 15. Tịnh Giới
- 16. Trừ Ác
- 17. Cúng Dường Tam Bảo
- 18. Sáu Ba La Mật
- 19. Bố Thí Ba La Mật
- 20. Thanh Tịnh Tam Quy
- 21. Bát Quan Trai Giới
- 22. Ngũ Giới
- 23. Thi Ba La Mật
- 24. Nghiệp
- 25. Nhẫn Nhục Ba La Mật
- 26. Tinh Tiến Ba La Mật
- 27. Thiền Ba La Mật
- 28. Bát Nhã Ba La Mật
PHẨM THỨ NĂM
BA LOẠI BỒ ĐỀ
Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã nói, Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ đề có ba loại: Thanh văn Bồ đề, Duyên giác Bồ đề, và Phật Bồ đề. Nếu thành tựu Bồ đề gọi là Phật, tại sao Thanh văn, Bích chi phật không được gọi là Phật? Nếu người giác ngộ pháp tính được gọi là Phật, Thanh văn, Duyên giác cũng giác ngộ pháp tính, tại sao không được gọi là Phật? Nếu người chứng được Nhất thiết trí được gọi là Phật, Thanh văn, Duyên giác cũng chứng được Nhất thiết trí, tại sao không được gọi là Phật? Ở đây nói Nhất thiết trí tức là bốn Thánh đế.”
- Thiện nam tử! Bồ đề có ba loại: một là từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ; hai là từ sự suy tư mà chứng ngộ, ba là từ sự tu hành mà chứng ngộ. Thanh văn từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ, nên không gọi là Phật. Bích chi phật từ sự suy tư mà chứng ngộ ít phần, nên gọi là Bích chi phật. Chư Phật là bậc không thầy, cũng không nhờ nghe Pháp, hoặc suy tư, mà chỉ do sự tu hành mà giác ngộ tất cả, thế nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Vì thấu rõ pháp tính, nên gọi là Phật. Pháp tính có hai loại: một là tổng tướng, hai là biệt tướng. Hàng Thanh văn chỉ biết tổng tướng, nên không gọi là Phật. Bích chi phật, tuy đồng với Thanh văn biết tổng tướng, nhưng chẳng phải do sự nghe Pháp, nên gọi là Bích chi phật. Đức Như Lai Thế Tôn, thấu rõ tất cả tổng tướng, biệt tướng. Không do sự nghe Pháp, suy tư, không nương vào thầy, chỉ nương vào sự tu hành mà được giác ngộ.
Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp. Thanh văn, Duyên giác tuy biết rõ bốn Thánh đế, nhưng trí tuệ chưa viên mãn, do nghĩa nầy nên không gọi là Phật. Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp, nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Như ba con thú: thỏ, ngựa và hương tượng, lội qua sông Hằng. Chân thỏ không chạm đến đáy sông, nổi trên mặt nước mà bơi qua. Chân ngựa thì có lúc chạm đến đáy sông, có lúc không chạm. Chân hương tượng thì lúc nào cũng chạm đến đáy sông. Ở đây, sông Hằng tượng trưng dòng sông mười hai nhân duyên. Khi hàng Thanh văn vượt qua dòng sông mười hai nhân duyên, cũng giống như thỏ qua sông; khi hàng Duyên giác vượt qua, cũng giống như ngựa qua sông; khi Đức Như Lai vượt qua, cũng giống như loài hương tượng qua sông. Vì thế Đức Như Lai được gọi là Phật. Thanh văn, Duyên giác tuy đoạn phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí. Còn Đức Như Lai đã nhổ tận gốc của tất cả phiền não và tập khí, nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Sự nghi có hai loại: một là phiền não nghi, hai là vô ký nghi. Hàng Nhị thừa tuy đoạn được phiền não nghi, nhưng chưa đoạn được vô ký nghi. Như Lai đoạn hết cả hai sự nghi, nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Thanh văn chán sự nghe nhiều, Duyên giác nhàm sự nghĩ sâu, chỉ có Đức Phật, đối với hai việc nầy, tâm không nhàm chán, bởi thế nên gọi là Phật. Ví như vật sạch để trong đồ đựng sạch, trong ngoài đều sạch. Thanh văn, Duyên giác, trí tuệ tuy thanh tịnh, nhưng thân tâm không thanh tịnh. Như Lai không phải thế, trí tuệ và thân tâm đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Sự thanh tịnh có hai loại: một là trí tuệ thanh tịnh, hai là đức hạnh thanh tịnh. Thanh văn, Duyên giác tuy có trí tuệ thanh tịnh, nhưng đức hạnh không thanh tịnh. Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ, đức hạnh đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Công hạnh của Thanh văn, Duyên giác có giới hạn, còn công hạnh của Đức Như Lai Thế Tôn thì không có giới hạn, thế nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn, trong một niệm trừ diệt hai chướng: một là trí chướng, hai là giải thoát chướng, thế nên gọi là Phật. Đức Như Lai đầy đủ trí nhân và trí quả,[6] thế nên gọi là Phật.
Thiện nam tử! Như Lai nói Pháp, không có hai lời, cũng không lầm lẫn, trí tuệ vô ngại, biện tài vô ngại, đầy đủ nhân trí, thời trí, tướng trí.[7] Như Lai không có che dấu, không cần ai che chở, cũng không ai có thể nói lỗi. Như Lai biết hết phiền não của chúng sinh, nhân duyên khởi phiền não, cùng nhân duyên diệt phiền não. Như Lai không bị tám pháp thế gian[8] làm ô nhiễm, và có lòng thương thấm thiết, cứu vớt chúng sinh khổ não. Như Lai đầy đủ mười Lực, bốn pháp Vô úy, tâm Đại bi, ba Niệm, cùng sức lực của thân tâm thảy đều viên mãn.
Thiện nam tử! Sức lực của thân tâm đều viên mãn là thế nào? Ví như trời Đao Lợi có một thành lớn tên là Thiện Kiến. Thành ấy bề rộng mười vạn dặm, có trăm vạn cung điện. Số các vị trời ở trong thành có đến mười triệu sáu trăm sáu mươi sáu ngàn sáu trăm sáu mươi sáu. Trong ba tháng mùa hạ, vua Đế Thích muốn đến rừng Ba Lợi Chất Đa du ngoạn. Trên núi Kiền Đà, có con hương tượng bảy đầu tên là Y La Bát Na. Vua Đế Thích vừa động niệm, thì voi kia đã biết, và liền đến chỗ Đế Thích. Tất cả các vị trời trong thành đều ngồi trên đầu của voi mà đến rừng Ba Lợi Chất Đa, cách thành khoảng năm mươi do tuần, du ngoạn. Sức mạnh của voi Y La Bát Na hơn tất cả các hương tượng. Giả sử tụ tập một vạn tám ngàn thớt voi như Y La Bát Na, sức mạnh đó chẳng qua chỉ bằng sức lực của một lóng tay của đức Phật. Phải nên biết rằng, sức mạnh của thân Phật mạnh hơn tất cả sức lực của chúng sinh. Thế giới không ngằn mé, chúng sinh không ngằn mé, tâm lực của Đức Như Lai cũng không ngằn mé. Bởi vậy chỉ có Đức Như Lai được tôn xưng là Phật, mà chẳng phải hàng Nhị thừa có thể được xưng là Phật.
Và cũng vì thế mà Đức Như Lai được tôn xưng là bậc Vô Thượng Sư, bậc Đại Trượng Phu; là Hương Tượng, Sư Tử, Long Vương trong loài người; là bậc Điều Ngự, bậc Đạo Sư, bậc Đại Thuyền Sư, bậc Đại Y Sư, là vua trong loài Đại Ngưu, là Ngưu Vương trong loài người, cũng gọi là Liên Hoa Thanh Tịnh, là bậc Không Thầy Tự Ngộ, làm Nhãn Mục cho chúng sinh. Lại cũng gọi là bậc Đại Thí Chủ, Đại Sa Môn, Đại Bà La Môn. Là bậc trì giới, tâm trí tịch tĩnh, tinh tiến tu hành, đã đến bờ bên kia, và đạt đến giải thoát.
Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác tuy đã được Bồ đề, đều không được những việc như trên. Bởi thế, chỉ có những bậc đầy đủ đức hạnh như trên mới được tôn xưng là Phật.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia phân biệt ba loại Bồ đề không khó. Bồ tát tại gia phân biệt ba loại Bồ đề, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc
Chú thích
[6] Trí nhân, tức là Bồ đề tâm, v.v.., trí quả, tức là Phật quả.
[7] Nhân trí là trí biết rõ tâm hành của chúng sinh, thời trí là trí biết rõ thời gian, tướng trí là trí biết rõ tất cả tướng nhân, tướng quả, tướng sai biệt, v.v...
[8] Tám pháp thế gian, còn gọi là bát phong, tức là lợi, suy, hủy, dự, xưng, ky, khổ, lạc.