Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Bảo Đức Tạng Bát-Nhã-Ba-La-Mật

Sunday, 24 March 202412:51 PM(View: 702)
Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Bảo Đức Tạng Bát-Nhã-Ba-La-Mật
Số 229
Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Bảo Đức Tạng Bát-Nhã-Ba-La-Mật
Dịch Phạn sang Hán: Tam Tạng Pháp Hiền
Dịch Hán sang Việt: Linh Sơn Pháp  Bảo Đại Tạng Kinh
 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: HẠNH


Bấy giờ, vì muốn cho bốn chúng vui mừng và đạt được lợi ích, nên Đức Thế Tôn nói kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa này.

Phật nói kệ:


Có những Bồ-tát vì thế gian

Diệt trừ phiền não làm chướng ngại,

Phát tâm tịnh tính trụ tịch tĩnh

Thực hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa đến bờ giác.

Những dòng sông ở Diêm-phù-đề

Làm cho cây cỏ  được thắm nhuần,

Vua rồng sống tại ao Vô nhiệt

Dùng oai lực tạo các dòng sông.

Như hàng Thanh-văn, đệ tử Phật

Dùng phương tiện thuyết pháp độ sinh,

Vui hạnh thánh hiền cầu phước báo,

Chư Như Lai oai đức thù thắng.

Tại sao Phật nói pháp nhãn này

Khiến cho đệ tử học pháp Phật

Phương tiện tự chứng và dạy người

Do Phật lực, chẳng phải tự lực.

Bát-nhã tối thượng khó biết được

Phi tâm không thể biết bồ-đề

Thế nên nghe rồi, không kinh sợ

Bồ-tát thực hành biết trí Phật

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không

Không có chỗ để vướng bụi trần

Tất cả pháp thảy đều không trụ

Hành không thọ, tưởng đắc bồ-đề.

Bồ-tát nếu cầu trí xuất gia

Xét thấy năm uẩn tướng không thật

Do đó không cầu nơi tịch tĩnh

Đó là trí hạnh của Bồ-tát.

Lại nữa, làm sao đắc được trí

Soi thấy tất cả pháp đều không

Không kinh, không đắm khi xét thấy

Các vị Bồ-tát tự giác, giác tha.

Sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn

Uẩn này thấy làm mà không biết

Bồ-tát xét thấy uẩn đều không

Thực hành vô tướng không chấp trước,

Không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Không hành gọi là hành vô tướng

Nếu hành, chẳng đắc trí tối thượng

Vô tướng, tịch tĩnh, Tam-ma-địa.

Nếu Bồ-tát riêng hành tịch tĩnh

Chư Phật quá khứ đều thọ ký

Thân khổ vui không bị chi phối

Do biết bổn tánh pháp nhân quả,

Với pháp nếu hành chẳng thể đắc

Hành vậy mới là hành trí Phật

Hành không chỗ hành, biết rõ mình

Đó là hành bát-nhã tối thượng.

Hành vô sở hữu chẳng thể đắc

Ngu si nên chấp tướng có không

Hai pháp có không đều chẳng thật

Biết rõ việc này là Bồ-tát.

Nếu Bồ-tát biết việc huyễn hóa

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy

Tu tịch tĩnh xa lìa các tướng

Đó là hạnh bát-nhã tối thượng.

Bạn lành, phương tiện làm cho biết

Để nghe Phật mẫu chẳng sợ kinh

Bạn ác đồng hành mà giáo hóa

Như bình đựng nước không bền đâu.

Làm sao được gọi là Bồ-tát?

Tất cả việc vui đều không đắm

Cầu đạo Bồ-đề không chấp trước

Thế mới được gọi là Bồ-tát.

Vì sao gọi là Đại Bồ-tát?

Được nghĩa đệ nhất trong chúng sinh

Trừ các tà kiến cho chúng sinh

Vì thế gọi là Đại Bồ-tát.

Đại thí, đại tuệ, đại oai đức

Phụng hành được Phật thừa tối thượng

Phát tâm Bồ-đề độ chúng sinh

Vì thế gọi là  Đại Bồ-tát.

Như hóa vô số loài bốn chân

Và chặt đầu chúng trước mọi người

Thế gian cũng vậy đều huyễn hóa

Bồ-tát biết rồi, không sợ hãi,

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức trói buộc

Biết rõ không thật, không cầu thoát

Hành Bồ-đề, tâm không chấp trước

Đó là các vị Bồ-tát tối thượng.

Làm sao được gọi là Bồ-tát?

Phụng hành Đại thừa độ chúng sinh

Thể tướng Đại thừa như hư không

Do đó Bồ-tát được an vui.

Chiếc xe Đại thừa chẳng thể đắc

Mang theo Niết-bàn đến mọi nơi

Hành mà không thấy như lửa tắt

Vì thế gọi là nhập Niết-bàn

Việc làm Bồ-tát bất khả đắc

Tất cả ba đời đều sạch trong

Sạch trong, không sợ, không hý luận

Đó là hành Bát-nhã tối thượng.

Bồ-tát khi hành hạnh đại trí

Vì chúng sinh phát đại Từ bi

Làm rồi, không hiện tướng chúng sinh

Đó là hành Bát-nhã tối thượng.

Bồ-tát vì chúng sinh phát nguyện

Tu tập các hạnh có tướng khổ

Là có ngã tướng chúng sinh tướng

Không phải hạnh Bát-nhã tối thượng

Biết mình và biết các chúng sinh

Cho đến các pháp cũng y vậy

Sinh diệt, không hai, không phân biệt

Đó là hành Bát-nhã tối thượng,

Cho đến mọi thứ trên thế giới

Đều lìa tất cả pháp sinh diệt

Trí cam lồ tối thượng là đây

Vì thế được gọi là Bát-nhã.

Bồ-tát thực hành hạnh như vậy

Rõ biết phương tiện không mong cầu

Biết các pháp bổn tánh không thật

Đó là hành Bát-nhã tối thượng.

Nếu không trụ vào sắc và thọ

Cũng không trụ vào tưởng và hành

Không trụ thức lại trụ chánh pháp

Đó là hành Bát-nhã tối thượng.


Phẩm 2: ĐẾ THÍCH

Kệ Hoan hỷ địa nhiếp Bố-thí-ba-la-mật:

Thường cùng vô thường, các khổ, vui

Ngã và vô ngã thảy đều không

Không trụ hữu vi và vô vi

Trụ vô tướng, hành, Phật cũng vậy.

Nếu có cầu Thanh văn, Duyên giác

Cho đến Phật quả cũng như vậy,

Không trụ pháp nhẫn không thể được

Như qua sông lớn, không thấy bờ.

Người nghe pháp này chứng đắc định

Thành Chánh đẳng giác, chứng Niết-bàn,

Thất tất cả như là chính mình

Như Lai gọi họ là đại Trí.


Phật tử đang an trụ ở bốn (Bổ-đặc-già-la)

loài hữu tình do đó phải hành Đại trí hạnh:


Pháp lành chân thật.

Tâm không thoái lui.


Xứng đáng được người cúng dường, xa lìa 

cấu uế, không phiền não không mong cầu.


Bình đẳng với bạn lành.

Bồ-tát hành đại Trí như vậy

Không học Thanh văn và Duyên giác

Ưa học Nhất thiết trí Như Lai

Học mà không học gọi là học,

Học không nhận sắc, không tăng giảm

Cũng không học lại các thứ pháp

Nhiếp thọ lạc học Nhất thiết trí

Người nào có công đức xuất ly

Sắc chẳng có trí chẳng không trí

Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy,

Tự tánh tánh sắc như hư không

Bình đẳng không hai, không phân biệt

Bổn tánh vọng tưởng không tới bờ

Cảnh giới chúng sinh cũng như vậy.

Tự tánh hư không không khác gì

Trí tuệ thế gian biết cũng vậy

Trí tuệ vô sắc Phật đã nói

Lìa tất cả tưởng đến bờ kia

Người nào lìa được các tưởng rồi

Ý lời người đó trụ chân như

Người đó sống lâu hằng sa kiếp

Không nghe Phật nói tiếng chúng sinh

Chúng sinh không sinh tánh thanh tịnh

Đó là hành Bát-nhã tối thượng.

Phật thuyết ra đủ các ngôn ngữ

Gồm đủ nghĩa Bát-nhã tối thượng

Phật quá khứ thọ ký cho ta

Đời vị lai chứng quả Bồ-đề.


Phẩm 3: XÂY THÁP ĐƯỢC CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG


Kệ Vô cấu địa nhiếp Trì giới ba-la-mật:

Người nào thường thọ trì Bát-nhã

Việc làm thích hợp với chư Phật

Dao, kiếm, thuốc độc, nước và lửa

Cho đến các ma không thể hại,

Người nào sau khi Phật diệt độ

Lập tháp bảy báu để cúng dường

Đầy khắp ngàn câu-chi như vậy

Tháp Phật ở hằng sa thế giới,

Vô số ngàn câu-chi chúng sinh

Dùng các thứ hương hoa vi diệu

Cúng dường vô số Phật ba đời

Vô lượng công đức đã đạt được,

Cũng không bằng viết kinh Bát-nhã

Chư Phật do đấy mà sinh ra

Người thọ trì đọc tụng cúng dường

Công đức bội phần cúng tháp Phật.

Đại Minh Bát-nhã, Mẹ chư Phật

Hay trừ khổ não khắp thế gian

Mười phương chư Phật trong ba đời

Học Bát-nhã được Vô thượng sư,

Hành Bát-nhã làm lợi chúng sinh

Học đại Trí chứng quả Bồ-đề

Các niềm vui hữu vi, vô vi

Tất cả vui từ Bát-nhã sinh.

Như gieo các giống trên mặt đất

Được hòa hợp nên sinh nhiều màu

Năm Ba-la-mật và Bồ-đề

Đều từ Bát-nhã mà sinh ra,

Như vua chuyển luân khi xuất hành

Dẫn đường là bảy báu, bốn binh

Nương theo hạnh Bát-nhã tối thượng

Tất cả pháp công đức nhóm hợp.


Phẩm 4: CÔNG ĐỨC


Kệ Pháp quang địa nhiếp Nhẫn nhục Ba-la-mật:


Đế thích nghi ngờ bạch Phật rằng:

Hằng hà sa số cõi nước Phật

Cõi Phật vô số như hạt cải.

Lực Bát-nhã rõ hết cõi Phật

Hiểu rõ Bát-nhã như vậy rồi,

Làm sao không cúng dường cõi Phật.

Ví như vua được người kính trọng

Người trụ Bát-nhã cũng như vậy,

Công đức Bát-nhã ở cõi Phật

Ngọc ma-ni giá trị không bằng,

Cúng dường tủ kinh, nơi để kinh

Sẽ được phước đức quý vô lượng.

Phật diệt độ, cúng dường xá lợi

Không bằng cúng dường Bát-nhã kinh,

Người nào ưa thọ trì cúng dường

Người đó sẽ mau được giải thoát

Trước hành Bố-thí ba-la-mật

Kế là Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền định,

Thọ trì thiện pháp không thể hoại

Chắc chắn sinh ra tất cả pháp

Như các loại cây cõi Diêm-phù

Với nhiều màu sắc, hình khác nhau,

Tuy bóng mỗi cây có sai khác

Bát-nhã ba-la cùng một tên,

Tất cả hồi hướng quả Bồ-đề

Đồng quy về một vị giác ngộ.


Phẩm 5: PHƯỚC LƯỢNG


Kệ Diễm tuệ địa nhiếp Tinh tấn ba-la-mật:


Các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Bồ-tát xét thấy đều vô thường

Mỗi mỗi hiện hành mà không biết

Người trí thấy không pháp, không sinh.

Không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Pháp này không đắc cũng không sinh

Biết rõ tất cả pháp đều không

Đó là hành Bát-nhã tối thượng,

Như hóa hiện hằng sa cõi Phật

Các chúng sinh chứng quả La-hán

Nếu có ghi chép kinh Bát-nhã

Bảo người thọ trì được công đức,

Làm sao tu học hạnh của Phật

Dốc tin Bát-nhã các pháp không

Mau chứng Thanh văn và Duyên giác

Cho đến đạo Vô thượng Bồ-đề.

Thế gian không giống, không sinh cây

Cành lá hoa quả đều không có

Không Phật, ai chỉ tâm Bồ-đề

Không Phạm-thiên, Đế Thích, Thanh văn

Như mặt trời chiếu khắp chư Thiên

Làm cho thành tựu các thứ nghiệp.

Phật trí tâm Bồ-đề cũng vậy

Các pháp công đức từ trí sinh,

Nếu ao Vô nhiệt không có rồng

Thì cõi Diêm-phù không có sông

Không có sông, hoa quả không sinh

Không có các báu trong biển lớn.

Thế gian không Phật không đại Trí

Không trí, công đức không tăng trưởng,

Cũng không Phập pháp để trang nghiêm

Không châu báu trong biển Bồ-đề.

Như đom đóm sáng ở thế gian

Tất cả đều hợp lại một chỗ,

So ánh mặt trời chiếu thế gian

Không bằng một phần số vi trần.


Phẩm 6: TÙY HỶ CÔNG ĐỨC


Kệ Nan thắng địa nhiếp Thiền ba-la-mật


Lại có công đức của Thanh văn

Hành bố thí, trì giới quán chiếu

Không bằng Bồ-tát phát nhất tâm

Tùy hỷ chút ít phần tích phước.

Lại có vô số na-do-tha

Vô biên hằng sa các cõi Phật

Quá khứ, hiện tại Phật đã nói

Pháp bảo đoạn trừ tất cả khổ,

Từ khi phát tâm Vô thượng giác

Cho đến thành Phật và nhập diệt

Nếu có bao nhiêu công đức Phật

Đều thành phương tiện Ba-la-mật.

Thanh văn, Hữu học và vô học

Các pháp lành hữu lậu, vô lậu

Bồ-tát hồi hướng khắp tất cả

Nên vì thế gian chứng Bồ-đề.

Bồ-tát bố thí tâm không trụ

Trụ tâm chính là tướng chúng sinh,

Có thấy, có niệm là chấp trước

Chẳng phải hồi hướng, thí Bồ-tát.

Như vậy chẳng phải thí vô tướng

Nên biết pháp này có diệt tận

Việc chi pháp chẳng phải tâm thí

Mới được gọi là hồi hướng thí.

Có tướng thí chẳng phải chân thí

Hồi hướng vô tướng chứng Bồ-đề,

Như thức ăn ngon có thuốc độc

Pháp tự chấp tướng cũng như vậy.

Cho nên hồi, thí cần phải học

Chúng lành của Phật đều nên biết,

Là sinh, là tướng, là oai lực

Thảy đều tùy hỷ hồi hướng thí.

Đem công đức hồi hướng Bồ-đề,

Bồ-tát bố thí đều vô tướng

Bố thí như vậy Phật ấn chứng

Vậy mới gọi là dũng mãnh thí.


Phẩm 7: ĐỊA NGỤC


Kệ Hiện tiền địa nhiếp Trí tuệ ba-la-mật


Vô số người mù không thấy đường

Không một người nào vào được thành

Tu hành sáu độ thiếu Bát-nhã

Không có năng lực để giác ngộ,

Ví như vẽ tượng, không vẽ mắt

Do không có mắt không sinh động.

Có thọ hành đối với trí tuệ

Gọi là có mắt và có sức.

Pháp trắng đen hữu vi, vô vi

Giống như vi trần không thể được

Trí tuệ quán chiếu như hư không

Gọi là Bát-nhã xuất thế gian.

Bồ-tát tin chắc vào hạnh Phật

Cứu độ vô số khổ chúng sinh

Nếu còn chấp trước tướng chúng sinh

Chẳng phải hành Bát-nhã tối thượng.

Bồ-tát nếu hành hạnh tối thượng

Quá khứ chưa từng cầu đại Trí

Nay nghe Bát-nhã tưởng như Phật

Mau chứng tịch tĩnh đạo Bồ-đề

Quá khứ vô số kiếp tin Phật,

Không tin Bát-nhã ba-la-mật

Mà lại không tin Bát-nhã ba-la-mật

Hoặc sinh tâm sân hận, phỉ báng

Là người ngu si đọa A-tỳ.

Người nào muốn chứng các trí Phật

Mà không tôn trọng pháp Bát-nhã

Như người buôn vào biển cầu báu

Mất hướng đi đành phải trở về.

Phẩm 8: THANH TỊNH

 

(Phẩm này bao gồm Phẩm 9 - KHEN NGỢI)

 

Kệ Viễn hành địa nhiếp Phương tiện ba-la-mật:

 

Sắc thanh tịnh nên quả thanh tịnh

Sắc quả đều đồng Nhất thiết trí

Nếu khi Nhất thiết trí thanh tịnh

Như cõi hư không, không hư hoại.

Bồ-tát vượt ra khỏi ba cõi

Đoạn hết phiền não mà hiện sinh

Không già, bệnh, chết, hiện diệt độ

Đó tức là hành hạnh Bát-nhã.

Thế gian chìm đắm trong sắc dục

Người ngu như trong cơn gió lốc

Như nai chạy quanh ở trong chuồng

Người trí như chim bay trên không.

Không chấp trước sắc, không thọ, tưởng

Cũng không hành, thức là thanh tịnh

Lìa được phiền não nhơ như vậy

Giải thoát là hành đại Trí´ Phật.

Bồ-tát hành đại Trí như vậy

Được lìa các tướng, thoát luân hồi

Như mặt trời thoát khỏi nhật thực

Ánh sáng chiếu xa khắp thế gian,

Lửa đốt cây cỏ và rừng núi

Như tất cả pháp tánh thanh tịnh

Quán như vậy cũng không phải quán

Đó là hành Bát-nhã tối thượng.

 

Phẩm 10: XƯNG TÁN CÔNG ĐỨC

Kệ Bất động địa nhiếp Nguyện ba-la-mật và Thiện tuệ địa nhiếp Lực Ba-la-mật:

 

Đế Thích thiên chủ bạch Phật rằng:

 

Tại sao Bồ-tát hành trí tuệ?

Phật đáp uẩn giới số vi trần

Bồ-tát không có uẩn giới này.

Bồ-tát hành lân nên biết được

Tạo thắng duyên với vô số Phật

Người mới học nghe liền nghi ngờ

Hoặc không mong cầu mà không học,

Như người đi sâu vào đường hiểm

Bỗng thấy mục đồng ở cuối đường

Tâm an ổn không lo sợ giặc

Biết gần đến thành không còn xa.

Nếu nghe Bát-nhã tối thượng rồi

Lại mong cầu được quả Bồ-đề

Như được an ổn không sợ hãi

Tâm vượt La-Hán, Duyên giác địa.

Ví như người đến xem biển lớn

Trước thấy núi rừng và cây lớn

Thấy cảnh tốt đẹp đáng mến này

Biết gần đến biển chẳng còn xa,

Nếu Bồ-tát phát tâm vô thượng

Nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa này

Tuy rằng chưa được Phật thọ ký

Nhưng quả Bồ-đề cũng không xa.

Như mùa xuân cây cỏ sinh trưởng

Biết không lâu sẽ có hoa quả

Nếu người thọ trì được Bát-nhã

Không bao lâu sẽ chứng Bồ-đề,

Cũng như người nữ đã mang thai

Đủ mười tháng ắt đến ngày sinh

Nếu Bồ-tát nghe Bảo Đức Tạng

Là điềm lành báo mau thành Phật.

Người hành Bát-nhã ba-la-mật

Thấy sắc không tăng cũng không giảm

Thấy pháp, phi pháp như pháp giới

Không cầu tịch tĩnh tức Bát-nhã.

Người thực hành không nghĩ Phật pháp

Không nghĩ đủ lực và tịch tĩnh

Hành vô tướng: lìa nghĩ, không nghĩ

Là hành hạnh Bát-nhã tối thượng.

 

Phẩm 11: MA

 

Kệ Pháp vân địa nhiếp Trí tuệ - bờ bên kia:

 

Phật bảo Thiện Hiện hãy lắng nghe!

Phàm phu, Thanh văn và Duyên giác

Đó gọi là địa vị Như Lai.

Nếu tất cả như nhau không ngại

Có khen ngợi nhưng lìa lời nói

Dựa vào mà quán chiếu Như Lai

Cho đến đạt thành Sở tác trí,

Trụ giữ Phật địa đại kim cang

Quán sát vô tướng trụ hư không

Nên biết không lìa giống của Phật.

Thiện Hiện lại bạch Đức Thế Tôn:

Thế nào là ma sự Bồ-tát?

Phật bảo việc ma ấy rất nhiều,

Nay ta lược nói cho ông rõ.

Ma có vô lượng sự biến hóa

Nên khi chép Bát-nhã tối thượng

Mau lìa cung trời như điện chớp

Đến với thế gian làm việc ma,

Hoặc thị hiện thích nói điều muốn

Hoặc không nghe nhận, lại sân hận

Không nói tên họ và dòng dõi 

Việc ma như vậy cần nên biết.

Ngu si không trí, không phương tiện

Không rễ làm sao có là cành

Nghe Bát-nhã rồi cầu kinh khác

Như bỏ cả voi chỉ lấy chân;

Như người đã được trăm món ăn

Mà lại cho cơm là ngon nhất

Bồ-tát đã được Bát-nhã rồi

Lại bỏ mong cầu quả La-hán;

Hoặc là ưa cầu được lợi dưỡng

Chấp trước dòng họ, lưu dấu vết

Xả bỏ chánh pháp, làm phi pháp

Đó là ma dẫn vào tà đạo.

Người nào nghe pháp tối tượng này

Đối với Pháp sư nên tin trọng. Biết ma,

Pháp sư không chấp trước

Dầu thân có vui hay không vui.

Lại có vô số các thứ ma

Nhiễu loạn vô số chúng Bí-sô

Mong cầu trì tụng Bát-nhã này

Không thể được, bảo vật vô giá,

Trí tuệ Phật mẫu thật khó được

Bồ-tát sơ tâm muốn mong cầu

Mười phương chư Phật đều hộ vệ

Tất cả các ma không thể hại.

 

QUYỂN TRUNG

Phẩm 12:  HIỆN THẾ

 

Như mẹ thương con lúc tật bệnh

Thương làm cho cha mẹ sầu lo

Mười phương Phật từ Bát-nhã sinh

Bát-nhã thâu nhiếp cũng như vậy.

Tất cả chư Phật trong ba đời

Đến khắp mười phương cũng như vậy

Đều từ Phật mẫu Bát-nhã sinh

Bảo hộ cả tâm hạnh chúng sinh.

Các Đức Như Lai trong thế gian

Cho đến Duyên giác và La-hán

Kịp đến Bát-nhã ba-la-mật

Chỉ một vị pháp: lìa phân biệt.

Trí Bồ-tát quá khứ, hiện tại

Nhất nhất đều trú, hành pháp không

Các Bồ-tát hành đúng như thật

Vì thế Như Lai gọi là Phật.

Vườn Bát-nhã hoa trái sum suê

Phật nhờ Bát-nhã nên vui vẻ

Mười lực các căn đều thanh tịnh

Chúng sanh mười phương cùng tịnh chúng,

Cho đến chúng Thanh văn vây quanh

Núi cao Bát-nhã ba-la-mật

Mười phương chư Phật đều nương tựa

Chúng sinh ba đường được cứu hộ.

Độ rồi không sinh tướng chúng sinh

Sư tử ở núi rống tiếng lớn

Các thú nghe tiếng đều kinh sợ

Như mặt trời chiếu trên hư không

Các tướng hiện bày khắp mặt đất

Vua pháp trụ Bát-nhã cũng vậy,

Thuyết diệu pháp vượt qua sông ái

Sắc vô tướng, thọ cũng vô tướng

Khởi thấy tướng chúng sinh, hư không

Hư không: vô tướng, không thể đắc

Phật thuyết các pháp không tương ưng

Không thuyết tướng chẳng không, chẳng có.

 

Phẩm 13: CHẲNG NGHĨ BÀN

 

Nếu thấy tất cả pháp như vậy

Tất cả ngã kiến thảy đều bỏ

Thực hành pháp Phật, pháp Thanh văn

Đều từ Bát-nhã mà thành tựu.

Như vua không làm trong thành ấp

Nhưng khi có việc tự hoàn thành

Bồ-tát lìa tướng nương Bát-nhã

Tự nhiên được pháp công đức Phật.

 

Phẩm 14: THÍ DỤ

 

Nếu Bồ-tát phát tâm kiên cố

Tu hành hạnh Bát-nhã tối thượng

Sẽ vượt qua Thanh văn, Duyên giác

Mau chứng được đạo quả Bồ-đề.

Như người muốn vượt qua biển lớn

Mả thuyền tàu đang bị vỡ tan

Không nhờ gỗ ván, không toàn mạng

Nếu bám vào sẽ đến bờ kia.

Người nào không phát tâm kiên cố

Nương vào Bát-nhã cầu giải thoát

Chìm biển luân hồi không lúc ra

Nơi ấy khổ não; sinh, già, chết.

Nếu có lòng tin trì Bát-nhã

Hiểu tánh hữu vô, thấy chân như

Là người được tài lộc, phước trí

Mau chứng quả Bồ-đề tối thượng.

Như người gánh nước bằng thùng đất

Biết không bền chắc, mau hư hoại

Nếu dùng thùng bền chắc đựng nước

Sẽ không hư hoại, không sợ lo.

Những Bồ-tát không đủ lòng tin

Xa lìa Bát-nhã cầu thoái lui.

Còn phát lòng tin trì Bát-nhã

Sẽ vượt Thanh văn, chứng Bồ-đề

Chưa có người buôn nào đi biển

Mà không làm thuyền lớn kiên cố,

Đi thuyền kiên cố không lo sợ

Được châu báu, được  đến bờ kia

Bồ-tát tín tâm cũng như vậy

Lìa hạnh Bát-nhã, xa Bồ-đề.

Người tu hành đại Trí tối thượng

Sẽ được quả Vô thượng Bồ-đề

Như người trăm tuổi bị bệnh hoạn

Không thể tự mình đi đứng được,

Nếu có hai người dìu hai bên

Tùy ý đi đứng không sợ sệt.

Bồ-tát mà lực Bát-nhã kém

Thì không thể đến bờ giác ngộ

Phải thực hành phương tiện tối thượng

Để được quả Bồ-đề không ngại.

 

Phẩm 15: THIÊN

 

Có Bồ-tát trụ vào Sơ địa

Phát lòng tin hành hạnh Bát-nhã

 Để cầu quả Vô thượng Bồ-đề

Gần gũi bạn lành và bậc Trí.

Làm sao được công đức đại Trí

Nên từ Bát-nhã ba-la-mật

Tất cả các pháp Phật như vậy

Có được công đức nhờ bạn lành,

Tu hành sáu độ hạnh Bát-nhã

Tất cả hồi hướng quả Bồ-đề

Phật uẩn không có, không thể cầu

Chớ nói vậy cho hàng Sơ địa.

Bồ-tát tu hành biển công đức

Cứu vô số người ở thế gian

Cầu Bồ-đề, tâm lìa điên đảo

Thuyết pháp tối thượng sáng như điện,

Nếu phát tâm Bồ-đề vô thượng

Không cầu tiếng khen, không sân giận

Lìa uẩn, thức, giới và ba thừa

Không thoái, không động, không chấp thủ,

Pháp hành như vậy được vô ngại

Thông đạt lý mầu, lìa vọng tưởng

Tin nghe Bát-nhã rồi giáo hóa

Biết Bồ-tát này trụ bất thoái.

Phật pháp rộng sâu khó biết được

Không có người chứng, không thể đắc

Vì lợi ích, nên chứng Bồ-đề

Chẳng phải phát sơ tâm đã biết,

Chúng sinh ngu si lại mê muội

Ưa sống ở đời cầu cảnh giới

Mà pháp không trụ không có đắc

Từ không chỗ trụ sinh thế gian.

 

Phẩm 16: NHƯ THẬT

 

Cõi phương Đông hư không vô biên

Phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy

Cho đến trên dưới và bốn góc,

Hoàn toàn không tướng, không phân biệt,

Quá khứ, vị lai và hiện tại

Tất cả pháp Phật và Thanh văn

Đều như thật, không thể nắm bắt

Không nắm bắt nên không phân biệt.

Bồ-tát ưa cầu pháp như vậy

Nên hành hạnh Bát-nhã phương tiện

Lìa hết tướng tức Bồ-đề

Bồ-tát nếu lìa lấy đâu chứng.

Như chim bay được trăm do-tuần

Gãy cánh không bay được một nửa

Trời Đao-lợi và người thế gian

Quên mất Bát-nhã nên tự đọa,

Tuy hành năm Ba-la mật trước

Trải qua rất nhiều vô số kiếp

Lại dùng nguyện lớn để nuôi dưỡng

Lìa phương tiện liền đọa Thanh văn,

Ưa hành Phật trí tâm bình đẳng

Giống như cha mẹ vì tất cả

Mà làm lợi ích và từ bi

Thường khéo nói giáo pháp vi diệu.

 

Phẩm 17: ĐIỀM TỐT LÀNH Ở ĐỊA VỊ KHÔNG THOÁI CHUYỂN

 

Phẩm này thu nhiếp khắp ánh sáng Phật địa:

 

Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật:

 

Bồ-tát bất thoái rất thù thắng

Lìa tướng nói nghe, làm sao thuyết

Xin Phật giảng nói tạng công đức,

Không trụ Sa-môn, Bà-la-môn

Hành mười đìều thiện, xa ba đường

Bật Đại Trí lìa tất cả tướng

Như tiếng vọng từ trong hang núi,

Nếu muốn giáo hóa pháp vô ngại

Thì luôn khéo nói các giáo pháp

Bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi

Một niệm quán tâm đều thông đạt.

Ba nghiệp trong sạch như vải trắng

Không vì lợi dưỡng nên vui pháp 

Trừ cảnh giới ma, giáo hóa người

Quán Tứ thiền mà không an trụ,

Không cầu tiếng khen, không sân hận

Cho đến không ô nhiễm bụi trần

Hoặc là giàu sang và thoát mạng

Không nhiễm chút gì của dục trần,

Xưa nay vắng lặng đều không có

Qua lại nhau đều có nghiệp duyên

Nếu cầu thanh tịnh, không thoái chuyển

Nên hành hạnh Bát-nhã tối thượng

Cầu chánh biến tri, tâm nhún nhường

Không cầu Nhị thừa, lìa biên địa

Vì pháp xả thân như Tu-di

Đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Phẩm 18: KHÔNG

 

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thâm sâu

Xưa nay vắng lặng không hình tướng

Như biển sâu gậy không dò được

Đắc Bát-nhã uẩn cũng như vậy.

Bồ-tát biết pháp thậm thâm này

An trụ chân như không thể nhiễm

Sáu trần, mười hai giới, thể không

Không uẩn làm sao có được phước,

Như người nghĩ đến cảnh dục nhiễm

Tâm đắm nữ sắc như mắt thấy

Cho đến mỗi ngày luôn nhớ nghĩ

Bồ-tát nghĩ hiểu cũng như vậy.

Nếu trải qua nhiều kiếp bố thí

Người trì giới, La-hán, Duyên giác

Không bằng nói, hành pháp Bát-nhã

Trăm ngàn vạn phần không bằng một,

Nếu Bồ-tát quán lý Bát-nhã

An trụ thuyết pháp mà không tướng

Hồi hướng tất cả chứng Bồ-đề

Làm Thầy ba cõi mà không có

Nói pháp thành tựu mà vô tướng

Chẳng không, chẳng thật, chẳng thể đắc

Thực hành như vậy là giác trí

Thành tựu được nghĩa lý vô biên

Trong một niệm biết tất cả pháp

Tin lời Phật dạy và người giảng

Trong vô số kiếp những điều thuyết.

Pháp giới không tăng cũng không giảm

Gọi là Ba-la-mật của Phật

Bồ-tát nương Bát-nhã thuyết pháp

Tâm không đắm trước vào tiếng tăm

Cũng không nói: chứng Vô thượng giác.

 

Phẩm 19: NGANG NGA THIÊN TỶ

 

Ví như đèn sáng do các duyên

Nhờ dầu, mỡ, tim đèn và lửa

Ánh sáng chẳng từ tim, lửa, dầu

Không lửa, không tim, đèn không sáng.

Nếu có Bồ-tát mới phát tâm 

Không cầu quả Vô thượng Chánh giác

Làm sao chứng được quả Bồ-đề

Do đó cũng không được tịch tĩnh.

Từ hạt giống sinh cây, hoa, quả

Không có giống hoa quả đều không

Phát tâm không cầu quả Bồ-đề

Tu hành rốt cuộc không đắc quả,

Từ hạt giống sinh ra thóc lúa

Quả kia chẳng có cũng chẳng không

Đạo quả Bồ-đề cũng như huyễn

Xa lìa hữu tánh và vô tánh.

Vì như những giọt nước rất nhỏ

Dần dần cũng chảy đầy bồn lớn

Sơ tâm mong cầu quả Vô thượng

Hành chánh pháp lâu ngày ắt chứng,

Thực hành không, Vô tướng, Vô nguyện

Không cầu tịch tĩnh, không hình tướng

Như người lái đò khéo qua sông

Không tấp hai bên, chẳng giữa dòng.

Bồ-tát tu hành không chấp trước

Mới được Phật thọ ký Bồ-đề,

Nếu biết Bồ-đề không chỗ có

Đó là thực hành Bát-nhã Phật.

Như đường đi nhiều bệnh, đói khát

Bồ-tát đi vào không lo sợ

Người sau biết rồi liền qua lại

Không chịu chút xíu khổ não nào.

 

Phẩm 20: THIỆN GIẢI PHƯƠNG TIỆN

 

Bồ-tát vâng giữ Bát-nhã Phật

Biết uẩn xưa nay vốn không sinh

Phật pháp, cõi chúng sinh đều không

Dùng Không, Tam-muội, phát Bi, Trí,

Như người có đức, sức hơn hết

Hiểu rõ tất cả pháp huyễn hóa

Cho đến binh khí, người thợ khéo

Có thể một lòng vì thế gian,

Cha mẹ, vợ con của người đó

Trên đường dạo chơi gặp kẻ thù

Nhiều người biết người dũng mãnh vậy,

Họ an vui về, không lo sợ.

Bồ-tát đại Trí vì chúng sinh

An trụ vào Thiền định thứ nhất

Hàng phục bốn ma, lìa Nhị thừa

Cũng không mong cầu quả Bồ-đề.

Ví như hư không, không chỗ có

Đất, nước, gió, lửa đều nương đó

Chúng sinh ở đời được an vui

Hư không: không ý trụ, chẳng trụ,

Bồ-tát trụ không cũng như vậy

Các thứ tướng hiện ở thế gian

Do trí nguyện lực của chúng sinh

Chẳng phải tịch tĩnh, chẳng phải không.

Bồ-tát lúc thực hành đại Trí

Trụ vào thiền định, không, tịch tĩnh

Trong đó không thất tất cả tướng

Cũng lại không thấy không có tướng,

Bồ-tát hành pháp môn giải thoát

Không cầu tịch tĩnh, không hành tướng

Như chim bay qua lại hư không

Không trụ hư không, không trụ đất,

Cũng như có người tập bắn tên

Kiên trì luyện tập qua nhiều năm

Luyện tập lâu ngày được thành thạo

Bắn mỗi mũi tên đều trúng đích.

Hành Bát-nhã tối thượng cũng vậy

Tu tập trí tuệ và phương tiện

Thẳng đến điều thiện được viên mãn

Mới được thần thông, lực tối thượng.

Nếu Bí-sô chứng thần thông lực

Trụ hư không, biến hóa thần thông

Bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi

Trải nhiều kiếp không hề mỏi mệt.

Bồ-tát trụ vào không cũng vậy

Thực hành vô tướng đến bờ giác

Thực hành các hạnh ở thế gian

Trải qua nhiều kiếp thấm mỏi mệt,

Như vào đường hiểm gặp gió lớn

Chú tâm hai tay nắm chặt dù

Người này lo sợ không đi được

Mãi tới gió lặn mới dám đi.

Bồ-tát đại Trí trụ đại Bi

Phương tiện trí tuệ là hai tay

Cầm dù Không, Vô tướng, Vô nguyện

Thấy pháp không trụ nơi tịch tĩnh,

Như người tìm báu đến được nơi

Lấy được, an vui trở về nhà

Người ấy thỏa mãn tâm an vui

Quyến thuộc nào mang lòng khổ não.

Đến đảo báu không này cũng vậy

Đắc được báu: Căn, Lực, Thiền định

Bồ-tát không trụ tâm hoan hỷ

Làm các chúng sinh lìa khổ não,

Người buôn muốn lợi ích nên đi

Đến ngõ hẻm, xóm làng, thành ấp

Tuy được của báu cũng không ở

Trí lớn biết đường nên trở về.

Bồ-tát đại Trí đều biết rõ

Trí giải thoát Thanh văn, Duyên giác

Cho đến Phật trí cũng không trụ

Huống là thực hành đạo hữu vi.

Bồ-tát đại trí vì thế gian

Trụ định: Không, Vô tướng, Vô nguyện

Nếu được thanh tịnh, không chấp trước

Mới có thể biết được vô vi.

Như chưa nói tên, người chưa biết

Nói ra rồi, mọi người đều biết

Bồ-tát thực hành môn giải thoát

Được nghe bạn lành dạy pháp này.

Bồ-tát nghe pháp thâm sâu đó

Đối với các căn đều thông suốt

Trụ pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện

Không thoái không nghĩ, không thọ ký.

Quán ba cõi giống như mộng ảo

Không cầu-quả Thanh văn, Duyên giác

Như Phật vì thế gian nói pháp

Nên thọ ký ngôi vị bất thoái.

Biết chúng sinh đọa trong ba đường

Phát nguyện luôn luôn diệt trừ ác

Đem lực chân thật diệt lửa uẩn

Nên thọ ký ngôi vị bất thoái.

Các sao xấu ác và quỷ thần

Tạo các thứ tật bịnh thế gian

Nguyện lực chân thật đều diệt trừ

Bậc vô ngã cũng nên thọ ký.

 

Phẩm 21: MA NGHIỆP

Ta được thọ ký không năng, sở

Nguyện lực chân thật được tăng trưởng

Nếu thấy thọ ký và năng sở

Đó là chấp trước và trí nhỏ.

Bồ-tát chấp trước, ma liền biết

Hiện ra chấp trước, ma liền biết

Hiện ra bạn thân đến khuấy nhiễu

Hoặc làm cha mẹ trong bảy đời

Nói ông được thọ ký tên đó.

Ma hiện ra làm vô số tướng

Đều nói thương, làm lợi cho ông

Bồ-tát nghe rồi sinh vui mừng

Đó là trí nhỏ chấp việc ma.

Hoặc ở thành thị hay xóm làng

Nơi vắng bẻ núi rừng hoang dã

Tự khen đức mình, chê bai người

Trí nhỏ nên biết bị ma xúi,

Dù ở trong thành thị, xóm làng

Không cầu chứng Thanh văn, Duyên giác

Tâm này chỉ vì độ chúng sinh

Nên ta gọi đó là Bồ-tát.

Ở núi sâu năm trăm do-tuần

Cùng loài thú dữ sống nhiều năm

Hoặc kiêu mạn, chấp ngã, bức bách

Hoặc không phân biệt biết Bồ-tát

Bồ-tát ở đó vì thế gian

Chứng đắc lực thiền định, giải thoát

Hạnh tịch tĩnh chấp gì sơn dã

Nên biết đó là việc của ma.

Tuy ở thành thị hay rừng núi

Thích quả Bồ-đề, lìa hai thừa

Tu hạnh này, lợi ích thế gian

Nhất tâm bình đẳng là Bồ-tát.

 

Phẩm 22: THIỆN HỮU

 

Có bậc Đại trí, nương thầy học

Mau chứng đắc quả Vô thượng giác

Cũng như thầy thuốc chữa các bệnh

Theo học bạn lành, tâm không ngờ.

Bồ-tát thực hành, hạnh Bồ-đề

Nương vào bạn lành Ba-la-mật

Quả tối thượng có thể điều phục

Làm hai việc chứng quả Bồ-đề.

Quá khứ, vị lai, mười phương Phật

Thực hành chánh đạo, không đường khác

Thực hành hạnh Bồ-đề tối thượng

Thuyết Ba-la-mật như điện chớp,

Như Bát-nhã Không, Vô tướng

Biết tướng các pháp cũng như vậy

Biết tất cả pháp thảy đều không

Đó gọi là hành Bát-nhã Phật.

Đắm say sắc dục và ăn uống

Thường bị luân hồi chẳng nghĩ ngừng

Người ngu si đều kiến điên đảo

Pháp không thật tưởng cho là thật,

Như nghi có độc trong thức ăn

Người ngu vọng tâm, sinh ngã tưởng

Do ngã tưởng này nên có sinh tử.

Cũng như thường nói các phiền não

Đối với phiền não, không chấp tướng

Phiền não, thanh tịnh đều không có

Vậy Bồ-tát này biết Bát-nhã.

Như chúng sinh trong cõi Diêm-phù

Đều phát tâm Bồ-đề vô thượng

Bố thí trải qua hàng trăm kiếp

Hồi hướng tất cả chứng Bồ-đề.

Nếu như có người trong một ngày

Thực hành hạnh Bát-nhã tối thượng

Bố thí ngàn kiếp không bằng một

Công đức của người hành Bát-nhã.

Bồ-tát đại Bi hành Bát-nhã

Vì độ chúng sinh không khởi tưởng

Thường hành hạnh khất thực trong nước

Chứng đắc tất cả danh đại Trí,

Bồ-tát muốn độ thoát trời người

Cho đến các khổ trong ba đường

Làm cho mau đến bờ giác ngộ

Siêng năng hành Bát-nhã ngày đêm.

Như người mong cầu báu vô giá

Phải vượt qua biển lớn, hiểm nạn

Không sợ hãi thì mới đạt được

Dứt trừ buồn lo, được an vui,

Cầu vật báu Bồ-đề cũng vậy

Siêng thực hành công đức Bát-nhã

Được báu vô thượng, không chấp xả

Bồ-tát mau chứng quả Bồ-đề.

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 23: PHÁP VƯƠNG

 

Mặt trời chiếu sáng khắp thế gian

Xua tan mây, che, diệt bóng tối

Ánh sáng đom đóm và các sao

Cho đến trăng tròn đều bị khuất.

Bồ tát trụ không, vô tướng, nguyện

Thực hành hạnh đại Trí tối thượng

Vượt qua La-hán và Duyên giác

Phá trừ tất cả các tà kiến

Như vương tử bố thí vật báu

Tự tại làm lợi ích chúng sinh

Chúng sinh vui vẻ đều thuận theo

Không lo có người nối ngôi vua

Bồ-tát siêng năng hành đại Trí

Thí pháp cam lồ lợi quần sinh

Tất cả trời người đều yêu thích

Nhất định sẽ chứng ngôi Pháp vương.

Phẩm 24: NGÃ

 

Ma sợ Bồ-tát đắc Pháp vương

Tuy ở Thiên cung cũng thường sợ

Phóng lửa, sấm sét, hiện các tướng,

Muốn làm cho Bồ-tát thoái tâm

Bồ-tát đại Trí, tâm không động,

Ngày đêm thường quán nghĩa

Bát-nhã Như chim trên không, tâm thư thái,

Tất cả việc ma đều không sợ.

Nếu Bồ-tát khởi tâm sân giận

Ngày đêm chia rẽ hoặc đấu tranh

Thì ma hoan hỷ và phấn chấn

Bởi Bồ-tát này lìa Phật trí

Bồ-tát sân hận hoặc tranh cãi

Quỷ Tỳ-xá-tả sẽ tìm cách

Nhật trong thân tâm Bồ-tát ấy

Ma làm Bồ-tát thoái, Bồ-đề.

Bồ-tát đã hoặc chưa thọ ký

Hoặc khởi sân hận hoặc tranh cãi

Cho đến tâm niệm điều sai quấy

Biết rồi lại càng siêng tu hành

Bồ-tát nghĩ nhớ đến chư Phật

Đều từ nhẫn nhục chứng Bồ-đề

Pháp sám hối giữ gìn chánh hạnh

Là pháp Phật dạy để tu hành.

 

Phẩm 25: GIỚI

 

Nếu học giới pháp có chấp tướng

Với giới pháp mà không khéo học

Giới và phi giới, không hai tướng

Như vậy mới là học Phật pháp.

Nếu có Bồ-tát trụ vô tướng

Thọ trì không lìa gọi trì giới

Vui vẻ phụng hành học Phật pháp

Gọi là khéo học, không chấp trước

Bật Đại trí tu học như vậy

Tâm vĩnh viễn không sinh pháp ác

Như mặt trời qua lại hư không

Phóng ngàn ánh sáng phá tăm tối.

Nếu học Bát-nhã, trụ vô vi

Bao gồm tất cả Ba-la-mật

Thân kiến nhiếp sáu mươi hai kiến

Bát-nhã thọ giữ cũng như vậy.

Ví như có người đủ các căn

Mạng sống diệt nên các căn diệt

Các Bồ-tát thực hành đại Trí

Cũng hành tất cả Ba-la-mật

Các công đức Thanh văn, Duyên giác

Bồ-tát -đại Trí đều nên học

Tuy học, nhưng chẳng trụ chẳng cầu

Là nghĩa phải học của sự học.

 

Phẩm 26: HUYỄN HÓA

 

Ai phát chí nguyện mà vui theo

Bồ-đề tối thượng không thoái chuyển.

Ba ngàn Tu-di nặng không lường

Tùy hỷ pháp lành còn nặng hơn

Chúng sinh vì cầu pháp giải thoát

Tất cả tùy hỷ tạo chứa phước

Pháp công đức Phật là hồi hướng

Cho khắp thế gian dứt hết khổ

Bồ-tát không chấp các pháp không

Hiểu rõ vô tướng, vô quái ngại

Nội tâm chẳng cầu trí giác ngộ

Là hành Ba-la-mật tối thượng

Như cõi hư không, không chướng ngại

Không được gì cũng không có gì

Bồ-tát đại Trí cũng như vậy

Trụ hạnh tịch tĩnh như hư không

Như nhà ảo thuật tạo hóa nhân

Mọi người thấy trò huyễn đều vui

Người huyễn tuy biểu diễn các tướng

Tên họ thân tâm đều không thật

Hành Bát-nhã hạnh cũng như vậy

Vì thế gian nói chứng Bồ-đề

Cho đến các sự việc tạo tác

Như huyễn sư, hiện mà không chấp

Chư Phật hóa hiện các Phật sự

Tạo tác đều không có ngã tướng

Bồ-tát đại Trí hành như vậy

Tất cả hiện hành như huyễn hóa

Như người thợ mộc khéo tay nghề

Một cây gỗ tạo nhiều hình tướng,

Bồ-tát đại Trí cũng như vậy

Trí không chấp, hành tất cả hạnh.

 

Phẩm 27: DIỆU NGHĨA

 

Bồ-tát đại Trí hành như vậy

Trời người chắp tay, cung kính lễ

Cho đến cõi Phật trong mười phương

Được vô số công đức cúng dường.

Giả sử hằng hà sa cõi Phật

Có các chúng sinh đều làm ma

Mỗi sợi lông biến vô biên tướng

Không thể quấy nhiễu được Bồ-tát

Bồ-tát đại Trí có bổn lực

Bốn ma không thể làm lay động

Thực hành không, không bỏ chúng sinh

Bồ-tát từ bi lợi lạc khắp

Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật

Bồ-tát hiểu rõ càng tin trọng

Trong tâm chân thật mà phụng hành

Nên biết là hành Nhất thiết trí.

Pháp giới như thật, chẳng thể đắc

Giống như hư không, không xứ sở

Như chúng sinh nghĩ đến Thiên cung

Như loài chim nghĩ đến cây trái

Bồ-tát đại Trí hành như vậy

An trụ vào công đức tịch tĩnh

Pháp không thể thấy cũng không nói

Bồ-đề chẳng đắc chẳng không đắc

Có các Thanh văn và Duyên giác

Chuyên tu hành chánh định tịch tĩnh

Ưa vui tịch tĩnh, được giải thoát

Chỉ có Phật vượt qua tất cả

Bồ-tát nương thiên đến bờ kia

Không trụ tịch tĩnh, hành như không

Như chim bay, cánh không chạm đất

Như cá bơi tự do trong nước,

Nếu Bồ-tát vì các chúng sinh

Nên cầu Phật trí chưa từng có

Bố thí pháp: tối thượng đệ nhất

Đó là người hành hạnh tối thượng.

 

Phẩm 28: TÁN HOA

 

Như Lai nói Giới ba-la-mật

Là đệ nhất trong tất cả giới

Người trí muốn giữ tất cả giới 

Nên học Phật Giới ba-la-mật.

Pháp tạng này là mẹ chư Phật

Đó là pháp an vui thứ nhất

Mười phương chư Phật trong ba đời

Không ngừng sinh vào pháp giới này.

Tất cả cây cối và hoa quả

Đến từ nơi đất mà sinh trưởng

Đất không chán ghét, không ôm giữ

Không giảm, không tă

ng, không mỏi mệt.

Phật và các Thanh văn, Duyên giác

Pháp an ổn cho trời và người

Đều từ Bát-nhã mà sinh ra

Bát-nhã không tăng, cũng không giảm

Các loài chúng sinh trong thế gian

Tất cả đều từ vô minh sinh

Nhân duyên hòa hợp, có thân khổ

Vô minh không tăng, cũng không giảm.

Bồ-tát hiểu rõ mười hai duyên

Cho đến Bát-nhã không tăng giảm

Như mặt trời trong mây chiếu sáng

Phá tan vô minh chứng Bồ-đề.

 

Phẩm 29: TỤ TẬP

 

Đại Bồ-tát tu bốn Thiền định

Vào nơi dục lạc mà không trụ

Lại không trụ vào bốn Thiền định

Sẽ được quả Bồ-đề tối thượng.

Đắc Bát-nhã, an trụ thiền định

Vào chánh định của bốn Vô sắc

Chứng đắc đại thiền định tối thượng

Mà lại không học các lậu tận.

Tạng công đức này chưa từng có

Thực hành chánh định, không chấp tướng

An trụ không, phá trừ ngã kiến

Tâm tưởng muốn sinh vào Dục giới.

Ví như người cõi Diêm-phù-đề

Chưa sinh chư Thiên, sinh Bắc châu

Thấy cảnh giới ấy muốn sinh đến

Đã được sinh rồi lại trở về,

Bồ-tát tu tập các công đức

Tương ưng với thực hành chánh định

Tuy cùng phàm phu trụ Dục giới

Phải như hoa sen không dính nước.

Bồ-tát độ thoát các chúng sinh

Viên mãn Tịnh độ ba-la-mật

Không cầu sinh vào cõi Vô sắc

Mà cầu Bồ-đề ba-la-mật.

Ví như trời người được kho báu

Tuy được nhưng tâm không ưa thích

Hoặc là trời người có sinh tâm

Muốn thư lại bái: không thể được.

Bồ-tát đại Trí không thích trụ

Bốn thiền, tịch tĩnh, Tam-ma-địa

Ra khỏi chánh định, tịch tĩnh ấy

Vì thế gian mà vào cõi Dục.

Nếu Bồ-tát thực hành chánh định

Không thích La-hán và Duyên giác

Cho đến tâm tán loạn, hung ác

Không biết mê loạn, không công đức

Năm dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc

Và các hàng Duyên giác, Thanh văn

Pháp như vậy đều nên lìa bỏ

Thiền định không rời tâm Bồ-đề

Bồ-tát một lòng vì chúng sinh

Tu hành Tinh tấn ba-la-mật

Cũng như người làm việc cho chủ

Làm lợi ích chúng sinh cũng vậy

Dốc hết lòng chuyên tâm làm việc

Tuy bị trách cứ mà không giận

Lúc nghĩ, lúc làm thường để tâm

Chỉ sợ chủ của mình quở trách.

Bồ-tát vì cầu quả Bồ-đề

Làm lợi chúng sinh, như người ở

Đã chứng đắc Vô thượng Bồ-đề

Lợi sinh như lửa đốt cỏ cây,

Ngày đêm siêng hành hạnh lợi tha

Làm rồi, trong tâm không ngã tướng

Như mẹ thương con thường bảo hộ

Nóng lạnh, tuy khổ tâm không mệt.

 

Phẩm 30: THƯỜNG HOAN HỶ

 

Bồ-tát ưa lợi lạc chúng sinh

Sửa sang cõi Phật, làm thanh tịnh

Thường hành tinh tấn ba-la-mật

Không như tâm nhỏ nhặt mỏi mệt,

Bồ-tát đại Trí, vô số kiếp

Vì Bồ-đề, tu hành khổ hạnh

Không lìa Tinh tấn ba-la-mật

Tâm không giải đãi, chắc chứng được

Lúc mới phát tâm vì Bồ-đề

Cho đến khi chứng đắc tịch tĩnh

Ngày đêm thường thực hành tinh tấn

Bồ-tát đại trí nê như vậy

Có người nói phá núi Tu-di

Mới chứng quả Vô thượng Chánh giác

Nghe vậy, tâm giải đãi, thoái lui

Đó là lỗi của Bồ-tát ấy.

Cho núi Tu-di là rất nhỏ

Trong một niệm có thể phá hoại

Cũng không trụ, chứng quả Bồ-đề,

Thân, tâm, lời nói, hành tinh tấn

Độ thoát thế gian làm lợi lớn

Hoặc chấp tướng, ngã, sinh giải đãi

Mà không thể chứng quả Bồ-đề.

Không tướng thân tâm, không chúng sinh

Lìa các tướng, trụ pháp không hai

Vì cầu quả Vô thượng Bồ-đề

Thực hành Tinh Tấn ba-la-mật

Bồ-tát đại Trí làm lợi lạc

Làm cho người nghe được hoan hỷ

Thuyết pháp, không thuyết, không người nghe,

Là Nhẫn ba-la-mật tối thượng

Như châu báu đầy ba ngàn cõi,

Cúng dường Phật, Duyên giác, La-hán

Không bằng biết công đức Pháp nhẫn,

Trăm ngàn vạn phần không bằng một

Bồ-tát hành nhẫn được thanh tịnh

Ba mươi hai tướng, đến bờ kia

Tất cả chúng sinh đều ưa thích

Nghe pháp tin nhận mà điều phục

Hoặc có chúng sinh dùng Chiên-đàn,

Xoa thân Bồ-tát để cúng dường

Hoặc bị lửa thiêu đốt thân mình,

Tâm vẫn bình đẳng không sân giận

Bồ-tát đại Trí trì nhẫn này

Hoặc vì Duyên giác và Thanh văn

Cho đến chúng sinh trong thế gian

Đều hồi hướng quả Phật Bồ-đề

Ví như tham năm dục thế gian

Cam chịu khổ đau trong ba đường

Bồ-tát vì cầu quả Bồ-đề

Tại sao không siêng hành nhẫn nhục,

Bị cắt đứt đầu, chân, mũi, tai

Chịu các khổ tra khảo trói buộc

Khổ não như vậy đều nhẫn được

Đó là trụ Nhẫn ba-la-mật.

 

Phẩm 31: XUẤT PHÁP

 

Trì giới sẽ được danh tiếng tốt

Lại cũng chứng được Tam-ma-địa

Trì giới, làm lợi cho chúng sinh

Sau sẽ chứng đắc quả Bồ-đề.

Tâm trọng Duyên giác và Thanh văn

Thấy người phá giới, nói lỗi họ

Tuy thật trì giới cầu Bồ-đề

Nhưng là trì giới theo năm dục.

Muốn chứng pháp công đức Bồ-đề

Trì giới đầy đủ, làm lợi lạc

Còn như phá hủy các giới luật

Tức là hoại diệt quả Bồ-đề

Bồ-tát tuy thích thọ năm dục

Quy y Phật, Pháp và Thánh chúng Nghĩ:

Ta sẽ chứng Nhất thiết trí

Đó là trụ Giới ba-la-mật.

Bồ-tát trải qua vô số kiếp

Không ngừng vâng giữ mười điều thiện

Tâm ưa Duyên giác và La-hán

Làm phạm trọng tội Ba-la-di

Trì giới hồi hướng quả Bồ-đề

Mà không mong cầu lợi cho mình

Chỉ nghĩ lợi ích cho chúng sinh

Đó là Trì giới ba-la-mật.

Nếu Bồ-tát thực hành Phật đạo

Đối chúng sinh khuyên lìa các tướng

Không còn thấy các lỗi phá giới

Đó là khéo trì giới tối thượng.

Bồ-tát cần phải lìa các tướng

Không ngã, không nhân và thọ mạng

Không chấp giới tướng và hành tướng

Đó là sự trì giới thù thắng.

Như vậy là trì giới đầy đủ

Tất cả không ngại, không phân biệt

Cho đầu, mắt, tay, chân không tiếc

Những điều ưa thích, đều không đắm

Hiểu rõ pháp vốn không, vô ngã

Nên không còn tham luyến thân này

Huống chi tài vật sao không bỏ

Và chẳng của mình cũng ghét ghen.

Thí cả trong ngoài, sinh ngã mạn

Là bệnh Bồ-tát, chẳng phải cho

Nếu khởi ganh ghét, sinh loài quỷ

Hoặc sinh làm người thì nghèo khổ

Biết nguyên nhân nghèo của chúng sinh

Bồ-tát thường phát tâm bố thí

Cho nhiều như cây cỏ bốn châu

Rộng lớn như vậy cũng vô tướng

Bồ-tát đại Trí bố thí rồi

Nghĩ đến chúng sinh trong ba cõi.

Bồ-tát cũng vì các chúng sinh

Thảy đều hồi hướng quả Bồ-đề

Bố thí như vậy, không chấp trước

Cũng không mong cầu được phước báo

Các bậc Đại trí vì tất cả

Nhân cho tuy ít, quả không lường

Cho đến chúng sinh trong ba cõi

Tất cả đều tôn trọng của cho

Như công đức cúng dường chư Phật

Cùng Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn

Bồ-tát đại trí dùng phương tiện

Đem phước đức bố thí, hồi hướng

Cho tất cả các loài chúng sinh

Đều chứng quả Vô thượng Chánh giác.

Như rất nhiều ngọc lưu ly giả

Không bằng viên ngọc lưu ly thật

Hồi hướng chúng sinh trong thế gian

Không bằng hồi hướng Vô thượng giác.

Bồ-tát bố thí cho thế gian

Không ngã mạn và không tham ái

Tu hành lại được tăng trưởng nhanh

Như mặt trăng ra khỏi đám mây.

 

Phẩm 32: THIỆN HỘ

 

Bồ-tát bố thí, giúp người nghèo

Làm cho thoát khổ, được giàu có

Vĩnh viễn không đọa vào ngạ quỷ

Và dứt trừ được các phiền não

Trì giới, xa lìa đường súc sinh

Bỏ tám tà niệm, được chánh niệm

Nhẫn nhục sẽ được sắc đẹp nhất

Như vàng thế gian đều ưa thích

Pháp lành tinh tấn được vô biên

Có nhiều công đức không cùng tận.

Tu hành thiền định lìa năm dục

Do đó chứng đắc các thần thông

Được hiểu vô biên Phật pháp tạng

Rõ nguyên nhân các pháp xưa nay.

Phật biết các lỗi trong ba cõi

Nên Chuyển pháp luân để diệt khổ

Pháp này, Bồ-tát được viên mãn

Cõi Phật thanh tịnh, chúng sinh tịnh

Thọ trì hạt giống Phật và Pháp

Hạt giống Thánh chúng và các pháp

Vị thầy thuốc tối thượng thế gian

Dùng phương thuốc tuệ nói Bồ-đề

Tạng bảo đức có các thứ dược

Làm cho chúng sinh đều chứng đạo.

 

---oo000oo---