Quyển Trung

Saturday, 15 June 20241:16 PM(View: 269)
Quyển Trung
ĐỊA TẠNG MẬT NGHĨA
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi Saigon Xuất Bản 1964
Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam-Hoa Kỳ Chùa Huệ Quang Tái Xuất Bản 1985

QUYỂN TRUNG


Phẩm V: Danh-Hiệu Địa-Ngục

Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Phổ-Hiền bạch với Bồ-tát Địa-Tạng, nói rằng: "Thưa Bồ-tát, xin ngài vì hàng Thiên, Long bát bộ [1], cùng tất cả chúng-sanh trong hiện-tại và vị-lai, giảng nói về việc nhận lãnh sự báo ứng của chúng-sanh tội lỗi ở thế-giới Ta-bà, cõi Diêm-phù-đề [2], tên hiệu các địa-ngục và những báo ứng chẳng lành, để cho chúng-sanh trong thời mạt pháp về sau biết những quả báo đó".

Địa-Tạng đáp: "Thưa Bồ-tát, tôi nay nương vào oai thần của Phật cùng sức mạnh của Bồ-tát, tóm tắt nói về tên hiệu của các địa-ngục, sự báo ứng của tội lỗi và những báo ứng chẳng lành.

Tên các địa-ngục:

"Thưa Bồ-tát, ở phương Đông châu Diêm-phù-đề có một ngọn núi tên là Thiết-Vi (3). Núi ấy tối thẩm, không mặt trời mặt trăng. Tại đó có một điạ ngục lớn tên là Cực Vô-gián (cực hình không lúc nào dừng), lại có địa ngục Đại-A-Tỳ (không ra khỏi). Lại có địa ngục tên là Tứ-giác (bốn góc). Lại có địa ngục tên là Phi-Đao (dao bay). Lại có địa ngục tên là Hỏa- tiển (tên lửa). Lại có địa ngục tên là Giáp-sơn (núi ép). Lại có địa ngục tên là Thông-thương (giáo nhọn đâm suốt). Lại có địa ngục tên là Thiết-xa (xe sắt). Lại có địa ngục tên là Thiết-sàng (giường sắt). Lại có địa ngục tên là Thiết-ngưu (bò sắt). Lại có địa ngục tên là Thiết-y (áo sắt). Lại có địa ngục tên là Thiên-nhẫn (ngàn mũi nhọn). Lại có địa ngục tên là Thiết-lư (lừa sắt). Lại có địa ngục tên là Dương-đồng (biển nước đồng sôi). Lại có địa ngục tên là Bảo-trụ (ôm cột đồng đỏ). Lại có địa ngục tên là Lưu-hỏa (lửa táp). Lại có địa ngục tên là Canh-thiệt (cày lưỡi). Lại có địa ngục tên là Tỏa-thủ (chặt đầu). Lại có địa ngục tên là Thiên-cước (đốt chân). Lại có địa ngục tên là Đạm-nhãn (móc mắt). Lại có địa ngục tên là Thiết-hòan (viên sắt). Lại có địa ngục tên là Thánh-luận (cải lẫy). Lại có địa ngục tên là Thiết-thù (trái cân sắt). Lại có địa ngục tên là Đa-sân (giận nhiều).

Bồ-tát Địa-Tạng nói: "Thưa Bồ-tát, trong núi Thiết-vi có những địa ngục như thế, số nhiều vô hạn. Lại có địa ngục Khiếu-hoán (kêu cứu), địa ngục Bạt-thiệt (kéo lưỡi), địa ngục Phẫn-niệu (cứt đái), địa ngục Đồng-tỏa (khóa đồng), địa ngục Hỏa-tượng (voi lửa), địa ngục Hỏa-cẩu (chó lửa), địa ngục Hỏa-mã (ngựa lửa), địa ngục Hỏa-sơn (núi lửa), địa ngục Hỏa-thạch (đá lửa), địa ngục Hỏa-sàng (giường lửa), địa ngục Hỏa-lương (rường nhà lửa), địa ngục Hỏa-ưng (chim ưng lửa), địa ngục Cứ-nha (cưa răng), địa ngục Bác-bì (lột da), địa ngục Ẩm-huyết (uống máu), địa ngục Thiêu-Thủ (đốt tay), địa ngục Thiêu-cước (đốt chân), địa ngục Đảo-thích (đâm ngược), địa ngục Hỏa-ốc (nhà lửa), địa ngục Thiết-ốc (nhà sắt), địa ngục Hỏa-lang (chó sói lửa). Địa ngục nhiều như thế, trong còn có những địa ngục nhỏ, hoặc một, hoặc hai, ba, bốn, cho đến trăm, ngàn, tên hiệu mỗi mỗi không giống nhau.

Bồ-tát Địa-Tạng bảo Bồ-tát Phổ-Hiền: "Thưa Bồ-tát đó đều là do chúng-sanh Nam-diêm Phù-đề làm ác mà tùy nghiệp cảm thọ như vầy. Sức mạnh của nghiệp rất lớn có thể sánh với núi Tu-di, sâu có thể sánh với biển cả, có thể ngăn đường lên Thánh. Bởi cớ, chúng-sanh chớ khinh điều ác nhỏ mà cho là không tội, chết rồi có sự báo ứng, mãy may cũng lãnh. Cha con là tình thân, nhưng tùy nghiệp mà ai đi đường nấy, giá có gặp lại nhau cũng không thể thay nhau mà chịu sự báo ứng được. Tôi nay, nương vào oai thần của Phật, tóm tắt việc báo ứng của tội khổ ở địa ngục xin Bồ-tát tạm nghe lời tôi như vậy".

Sự báo ứng tội ác.

Bồ-tát Phổ-Hiền đáp: "Từ lâu tôi đã nghe nói rồi về sự báo ứng của ba đường ác, nhưng mong Bồ-tát nói ra để cho tất cả chúng-sanh làm ác trong thời mạt-pháp đời sau nghe lời Bồ-tát mà quày đầu hướng về với Phật".

Bồ-tát Địa-Tạng bạch nói: "Thưa Bồ-tát, sự báo ứng của tội lỗi là như sau:

"Có địa ngục trong đó lưỡi của tội nhân bị kéo ra cho bò cày; có địa ngục thì lấy tim của tội nhân mà cho quỉ dạ-xoa ăn; có địa ngục lấy nước thật sôi luột thân tội nhân; có địa ngục đốt đỏ trụ đồng rồi bắt tội nhân ôm; có địa ngục lửa dậy tập vào người tội; có địa ngục băng giá lạnh lùng; có địa ngục chất chứa không biết bao nhiêu cứt đái; có địa ngục tên mũi nhọn bằng sắt bay đâm tội nhân; có địa ngục tội nhân bị đâm bằng giáo lửa bó lại; có địa ngục tội nhân chỉ bị đạp trên vai trên lưng; có địa ngục chỉ đốt tay chân; có địa ngục tội nhân bị rắn sắt quấn mình; có địa ngục tội nhân bị chó sắt đuổi cắn; có địa ngục tội nhân bị bắt ách vào xe với lừa sắt.

"Bồ-tát, những sự báo ứng là như thế. Trong mỗi mỗi ngục, có trăm ngàn thứ khí cụ hành phạt của nghiệp (bách thiên chủng nghiệp-đạo chi khí); không thứ nào là không bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa. Bốn thứ này là những cảm thọ do nghiệp gây ra. Nếu nói cho đầy đủ những tội báo ở địa ngục thì trong mỗi mỗi ngục còn trăm ngàn đau khổ khác hà huống trong nhiều ngục. Tôi nay nương vào oai thần của Phật và vì có lời hỏi của Bồ-tát, xin nói tóm tắt như vậy. Nếu nói rộng ra, trọn kiếp cũng không hết".

Mật nghĩa:

Tuy nhan đề " Địa-ngục danh hiệu", Phẩm thứ V thật ra hàm chứa hai phần:

1. Tên các địa ngục
2. Sự báo ứng hay hình phạt của các tội lỗi và ác nghiệp ở địa ngục

Tất cả các địa ngục kể không xiết ấy ở đâu?

Ở trong quả núi tên là Thiết-vi. Thiết là sắt, Vi là rào. Vậy thiết-vi có nghĩa là rào sắt. Núi ấy lại tối thẩm, không một ánh sáng mặt trời mặt trăng. Vậy là ám-chỉ sự tối-tăm (ténèbres) hay Vô-minh.

Tâm vô-minh hay ngu dốt đạo lý, không được một tia Chân-lý soi sáng, chất chứa tội lỗi như núi, do đây Kinh ví dụ mà nói là núi. Người mà tâm bị vô minh, khó mà ra khỏi vô-minh để chường mình trước ánh-sáng đạo-lý, cho nên ví như bị giam hảm trong chỗ bị rào sắt bao bọc, không thể thoát khỏi.

Cứ như trên thì ai sống trong vô-minh là sống trong địa ngục tối tăm, đau khổ.

* * *

Chúng-sanh vô số lượng, địa ngục hay vô-minh của chúng-sanh cũng vô số lượng. Giả kể tên các địa ngục lớn, thực ra là kể những cái ngu dốt, những cái tối tăm của con người.

Có cái vô-minh hết sức lớn lao và triền miên gọi là Cực Vô-gián; có cái vô-minh khó ra khỏi, gọi là A-tỳ; có cái vô-minh quay quần trong bốn thứ dục (Tình-dục, sắc dục, thực dục, dâm dục) gọi là Tứ-giác; có cái vô-minh đưa người vào chổ chém giết, dao gươm gọi là Phi-đao; có cái vô-minh làm cho con người đau nhức như bị tên lửa (hỏa tiển), như bị dồn ép (giáp sơn), như bị giáo đâm thủng (thông thương), như bị xe sắt cán (thiết xa), như nằm trên giường sắt vừa lạnh vừa không êm (thiết sàng), như mặc áp sắt ép ngực bó mình (thiết y), như bị ngàn mũi nhọn châm chích (thiên nhẫn), như bị bò sắt kéo cày vày thân (thiết ngưu), như bị lừa sắt dẫm lên mình (thiết lư), như bị bắt uống nước đồng sôi (dương đồng), như bị bặt ôm trụ đồng đốt đỏ (bảo trụ), như bị lửa táp (lưu hỏa), như bị rạch lưỡi (canh thiệt), như bị chặt đầu (tỏa thủ), như bị đốt chân (thiêu cước), như bị móc mắt vì quá xốn xang (đạm nhãn), như bị bắt nuốt những hòn sắt (thiết hoàn) - Tranh luận, xâu xé với nhau là một địa ngục, giận nóng lại là một địa ngục khác.

Vô-minh địa ngục là như thế đã nhiều rồi, mà chưa hết đâu. Kêu la hốt hoảng là địa ngục; nói ác, đâm thọc, chưởi rủa (bạt thiệt) là địa ngục; tâm hồn dơ bẩn như chứa cứt đái (phẩn niệu) là địa ngục; tâm trí bị kềm thúc như bị khóa (bồng tỏa) là địa ngục; trong lòng bị lửa tham giận, si-mê nung đốt hay đè nặng, bức bách, cắn xé, châm chích, cưa sắt, là địa ngục, v.v..

Đó là sơ lược những vô-minh lớn, ngoài ra còn biết bao nhiêu cái ngu muội nhỏ nửa, do đây Kinh nói "trong những ngục lớn đó, còn có những ngục nhỏ, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, cho đến trăm ngàn...

Trên đã kể những trường hợp vô-minh, nay Kinh nói đến những "hình-phạt" hay những đau khổ của người sống trong địa ngục vô-minh.

Hoặc đau rát ở lưỡi như lưỡi bị cày, hoặc đau lói ở tim như tim bị moi, hoặc toàn thân nóng bức như bị bỏ vào vạc dầu sôi, hoặc ôm ấp những cái khổ mà không hay không biết, chẳng khác người ôm cột đồng cháy đỏ, hoặc nóng bừng cả mặt như lửa cháy cả mày, hoặc toàn thân cảm thấy cô đơn lạnh lẽo như nằm trên băng giá, hoặc cảm thấy mình thối tha dơ bẩn, như ở chỗ đầy cứt đái, hoặc như bị gai đâm phải nhảy nhổm, hoặc như bị nhiều ngọn giáo lửa thích vào thân, hoặc cảm thấy đôi vai nặng trĩu tội lỗi, hoặc tay làm không ngớt, chân chẳng đứng dừng, như bị thiêu đốt, hoặc bị người rình hảm hại như rắn cắn, hoặc bị kẻ dữ làm hại như bị chó cắn, hoặc gánh chịu những hậu quả nặng nề của nghiệp mình, ví như lừa bị đóng ách.

Nói tóm, ai hành động tối tăm ngu dốt (địa ngục), ai quá tham lam ích kỷ (ngạ quỉ), ai cư xử quá thấp hèn, để cho thú tánh sai sử (súc sanh), đều chịu những bức rức, nặng nề, đau khổ, nóng bức, như tự thân bị lửa đốt, đá đè, khí giới bằng đồng bằng sắt đâm chém.

Đó là do nghiệp chẳng lành mà con người cảm thọ những khổ ấy. Vậy địa ngục tự ta tạo và khổ não cũng tự ta dành cho ta. Và tất cả đều bắt nguồn từ tâm.

Phẩm VI: Như-Lai Tán Thán

Lúc bấy giờ, Thế-Tôn cất mình lên phóng ra ánh sáng lớn, chiếu khắp trăm ngàn muôn ức thế-giới chư Phật, nhiều như cát sông Hằng, xuất ra tiếng lớn, tuyên cáo với tất cả Đại Bồ-Tát cùng Thiên, Long, Quỉ, Thần, Người, loài chẳng phải người của các thế-giới chư Phật: "Hãy nghe ta hôm nay đề cao khen ngợi việc đại Bồ-Tát Địa-Tạng, nơi mười phương thế-giới, hiện sức mạnh từ-bi oai-thần không thể nghĩ bàn, cứu trợ và hộ vệ tất cả những tội khổ. Sau khi ta diệt độ rồi, Bồ-tát các ông cùng hàng Thiên, Long, Quỉ, Thần, v.v.. phải dùng nhiều phương chước gìn giữ Kinh này, khiến tất cả chúng-sanh lìa tất cả khổ não, chứng cảnh vui Niết-Bàn".

Phật nói xong, trong pháp-hội có một Bồ-tát tên là Phổ-Quảng, chấp tay cung kỉnh, bạch Phật nói rằng: "Hôm nay thấy Thế-Tôn khen ngợi Bồ-tát Địa-Tạng có oai-thần đức lớn đến không thể nghĩ bàn được như vậy, tôi cúi xin Thế-Tôn, vì chúng-sanh của đời mạt-pháp về sau, tuyên thuyết nguyên-nhân và kết quả của sự Bồ-tát Địa-Tạng làm lợi ích Trời và Người, để cho Thiên, Long tám bộ-chúng và chúng-sanh trong đời vị-lai kính lãnh lời Phật".

Khi ấy, Thế-Tôn bảo Bồ-tát Phổ-Quảng và bốn chúng: "Hãy nghe kỷ! Hãy nghe kỷ! Ta sẽ vì các ông mà nói sơ lược về sự Bồ-tát Địa-Tạng làm lợi ích cho hàng Trời, Người".

Phổ-Quảng bạch Phật nói: "Vâng, bạch Thế-Tôn, chúng tôi xin vui nghe".

Phật bảo Bồ-tát Phổ-Quảng: "Trong đời vị lai, nếu có người trai lành gái lành nào, nghe tên Đại Bồ-tát Địa-Tạng rồi hoặc chấp tay, hoặc khen ngợi, hoặc làm lễ, hoặc ái mộ quyến luyến, thì người ấy sẽ vượt khỏi ba mươi kiếp tội lỗi.

Này Phổ-Quảng, nếu có trai lành gái lành nào, hoặc họa vẽ hình của Bồ-tát Địa-Tạng, hoặc dùng đất, đá, keo, sơn, vàng, bạc, đồng, sắt đúc tượng Bồ-tát Địa-Tạng, rồi chỉ chiêm ngưỡng một lần, chỉ lễ bái một lần, thì người ấy sẽ được trăm lần sanh trở lại cảnh trời ba-mươi-ba (Đao-lợi thiên), không bao giờ rơi vào nẽo ác. Giả tỷ như hưởng phúc ở cảnh Thiên hết rồi, sanh xuống cõi Người, cũng còn được làm vua làm chúa, không mất lợi lớn.

Nếu có người nữ nào chán thân đàn bà, mà hết lòng cúng dường tượng vẽ cùng tượng đấp bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắg, v.v.. của Địa-Tạng Bồ-tát, như vậy ngày ngày không thối lui, thường dùng hoa, hương, món ăn, thức uống, quần áo, gấm lụa, tràng phan, tiền bạc, vật báu mà cúng dường, thì người nữ ấy, khi báo thân này đã hết không còn sanh lại ở thế-giới có đàn bà, hà huống thọ trở lại thân đàn bà. Trừ trường hợp vì nguyện-lực từ-bi cần phải lãnh thân đàn bà để độ thoát chúng-sanh (mới trở lại làm đàn bà). Nhờ sức mạnh của sự cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng cùng sức mạnh của công-đức bố-thí mà trăm ngàn muôn kiếp chẳng còn phải thọ sanh làm thân đàn bà nữa.

Lại nữa, này Bồ-tát Phổ-Quảng, nếu có người nữ, chán cái xấu xa, nhiều tật bệnh của mình, thì chỉ trước tượng Bồ-tát Địa-Tạng, hết lòng chiêm ngưỡng và lễ bái, trong một khoảng lâu bằng một bữa ăn, cũng đủ trong ngàn muôn kiếp, hoặc làm người, hoặc làm Thiên, được thọ sanh với một thân hình tướng mạo hoàn toàn, không mọi tật bệnh. Những người nữ xấu xa như thế, nếu chẳng nhàm chán thân đàn bà, thì trong trăm ngàn muôn ức đời sống, thường được làm con gái vua cho đến làm vợ vua, làm con gái nhà quan quyền danh tiếng, thọ sanh đoan chánh, tướng mạo hoàn toàn. Đó là nhở chiêm ngưỡng lễ bái Bồ-tát Địa-Tạng mà được phúc như vậy.

Lại nữa, này Phổ-Quảng, nếu co trai lành, gái lành nào mà năng, trước tượng Bồ-tát Địa-Tạng, dùng múa hát, ca vịnh, tán thán, hương hoa cúng dường, thâm chí khuyên một người hay nhiều người (cùng cúng dường như thế), thì những người trai lành gái lành ấy, trong đời hiện tại cùng trong đời vị-lai, thường được trăm ngàn quỉ thần che chở ngày đêm không để cho sự ác lọt thấu vào tai, hà uống để cho thân phải chịu tai họa.

Lại nữa, này Bồ-tát Phổ-Quảng, trong đời vị lai, nếu có người ác, thần ác, quỉ ác thấy hạng trai lành, gái lành qui kính, cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, rồi sanh lòng chê bai, gièm pha, cho làm như thế là không có công-đức và lợi ích, hoặc nhe răng cười chê, hoặc sau lưng chê là sái, hoặc xúi người cùng chê, hoặc một người, hoặc nhiều người, thậm chí có một ý-niệm kích bác, nói xấu, thì những người ác ấy, sau khi ngàn Phật của Hiền-kiếp[3] diệt độ rồi, sẽ vì tội kích bác, nói xấu, mà lãnh sự báo ứng cực kỳ nặng nề ở địa-ngục A-tỳ.

Hiền-kiếp qua rồi, chừng ấy thọ sanh làm quỉ đói. Lại trải qua ngàn kiếp thọ sanh làm súc-sanh. Lại trải qua ngàn kiếp nữa, mới trở lại làm người. Phỏng có được thân người đi nữa, vẫn là người nghèo khó, thấp hèn, các "căn" không đầy đủ, bị nhiều ác-nghiệp đúc kết thành thân, chẳng bao lâu lại rơi trở vào nẻo ác.

Bởi cớ, này Phổ-Quảng, gièm chê những người cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng còn gặt hái sự báo ứng như thế; hà huống riêng sanh ác kiến hủy phá sự cúng dường ấy.

Lại nữa, này Phổ-Quảng, nếu trong đời vị-lai có kẻ nam người nử nào lâu ngày chầy tháng, nằm liệt giường liệt chiếu, muốn sống không được mà muốn chết cũng không kham, hoặc đêm nằm mộng thấy ác quỉ hay thân nhân họ hàng, hoặc chiêm bao thấy đi nơi nguy hiểm, hoặc mê sảng mộng mị, cùng đi chơi với quỉ thần, ngày tháng lâu năm thành liệt nhược, trong giấc ngủ kêu la thảm thê, không vui chút nào, đó là trên con đường Nghiệp-báo, còn đương cân nhắc, chưa định nặng nhẹ, cho nên hoặc chưa bỏ được tuổi thọ (chết), hoặc chưa hết bệnh. Người nam kẻ nữ mắt phàm không phân biện được việc này. Gặp trường hợp như thế, thì chỉ nên đến trước tượng chư Phật, Bồ-tát, lớn tiếng đọc suốt kinh này một lần, hoặc lấy những vật của bệnh nhân mến nhất, hoặc quần áo, của quí, vường tượt, nhà cửa, rồi đứng trước bệnh nhân, to tiếng nói rằng: "Chúng tôi nay Mỗ, Giáp, vì người bệnh đây, xin trước Kinh, Tượng (chư Phật, Bồ-tát) bỏ hết tất cả những vật này để hoặc cúng dường Kinh, Tượng, hoặc tạo hình tượng chư Phật, Bồ-tát, hoặc xây chùa tháp, hoặc cúng dầu đốt đèn, hoặc bố-thí cho Thường-trú". Bạch như vậy ba lần, làm cho người bệnh nghe biết. Giả sử thần-thức của người bệnh đã phân tán, thậm chí hơi thở đã dứt, thì cứ hoặc trong một ngày, hai ngày, ba ngày cho chí bảy ngày, to tiếng đọc Kinh và bạch như trên, thì người bệnh, sau khi chết, bao nhiêu tai xưa tội nặng cho đến tội cực nặng đáng vào địa-ngục Vô-gián, cũng được giải thoát mãi mãi, thọ sanh về chỗ nào, thường biết đời trước của mình. Hà huống trai lành gái tốt tự tay viết Kinh này, hoặc bảo người chép, hoặc tự mình đấp vẽ hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng hay bảo người đấp vẽ, đối với những người như thế này, quả báo lợi lạc lớn lao vô cùng.

Bởi cớ, Phổ-Quảng, nếu thấy có người đọc tụng kinh này, thậm chí có một niệm khen ngợi Kinh này, hoặc cung kính Kinh này, ông nên bằng trăm ngàn phương-tiện, khuyến khích những người ấy nên siêng cần đừng thối chí. Khuyến khích như thế thì hưởng được, trong hiện tại và vị lai, trăm ngàn muôn ức công-đức nhiều không thể nghĩ bàn.

Lại nữa, này Phổ-Quảng, nếu trong đới sau, có chúng-sanh nào nằm ngủ chiêm bao, thấy các quỉ thần, thậm chí thấy những hình người hoặc đau khổ, hoặc khóc lóc, hoặc làm sầu não, than thở, sợ sệt, nên biết đó là cha mẹ, anh em, chị em, vợ chồng, bà con của một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời trong quá khứ, đang ở trong nẻo ác, chưa được ra khỏi và không được sức mạnh của việc làm phúc-đức cứu vớt khỏi sự khổ não. Họ đang mong tình cốt nhục đời xưa dùng nhiều phương tiện giúp họ xa lìa nẻo ác.

Này Phổ-Quảng, ngươi nên dùng thần lực, khiến bà con của những người tội khổ ấy, đến trước tượng chư Phật, Bồ-tát, hết lòng tự đọc Kinh này, hoặc mời người đọc, từ ba biến cho đến bảy biến. Được như vậy thì những bà con đang ở trong nẻo ác, sau khi nghe đủ số biến Kinh rồi, sẽ được giải thoát, (còn người sống) thì những mộng mị, trong giấc ngủ cũng không trở lại nữa.

Lại nữa, này Phổ-Quảng, nếu trong đời vị-lai, có những người thấp hèn, như hàng nô tỳ, những người không có tự-do, thức tỉnh mà biết nghiệp xưa của mình và biết cần phải sám hối, rồi hết lòng chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ-tát Địa-Tạng, thậm chí liên tiếp trong bảy ngày, niệm danh hiệu Bồ-tát đầy đủ một muôn lần, thì những người ấy, sau khi hết báo-thân này, sẽ được trong ngàn muôn đời sống, thường sanh làm người cao sang va không trải qua ba nẻo dữ nữa.

Lại nữa, này Phổ-Quảng, nếu trong đời sau, tại cõi Diêm-phù-đề (thế-giới này), bất luận trong hàng tướng sĩ, Bà-la-môn, đại phú gia, tiểu phú gia, nói tóm là trong các giai cấp kể luôn cả những chủng-tộc khác, nếu mới sanh con, hoặc nam hoặc nữ mà sớm biết, trong bảy ngày liên tiếp, đọc tụng Kinh khó thể nghĩ bàn này, lại vì những đứa trẻ mới sanh ấy mà niệm danh hiệu Bồ-tát cho đủ muôn lần, thì những đứa trẻ ấy, nếu vì tội trước mà có sự báo ứng tai-ương, sẽ được giải thoát, an vui, dễ nuôi, tuổi thọ tăng thêm. Nếu những đứa trẻ ấy là người nhờ phúc đức xưa mà tái sanh, thì sự an vui và thọ mệnh của chúng sẽ vì việc đọc Kinh, niệm danh hiệu Bồ-tát mà tăng thêm lên.

Lại nữa, này Phổ-Quảng, nếu trong đời vị lai, chúng sanh biết rằng những ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hai mươi ba, hai mươi bốn, hai mươi tám, hai mươi chín và ba mươi là những ngày các tội được qui tập để định sự nhẹ nặng, và biết rằng chúng sanh ở cõi Diêm-phù-đề, mỗi cử chỉ, mỗi tư tưởng, không cử chỉ tư tưởng nào là không gây nghiệp, là không tội lỗi, huống hồ buông lung sát hại, trộm cắp, tà dâm, nói láo, tạo trăm ngàn thứ tội. Biết như vậy rồi, nhân mười ngày trai giới kể trên, đến trước tượng chư Phật, Bồ-tát cùng Hiền Thánh, tụng đọc Kinh này một biến thì Đông, Tây, Nam, Bắc, trong vòngmột trăm do tuần, không phải bị một tai nạn nào. Đồng thời, còn làm cho những người cùng ở một nhà, dù lớn, dù nhỏ, hiện nay hay trăm ngàn năm trong vị lai, đều được vĩnh viễn xa lìa nẻo ác. Nếu trong mười ngày chay, mỗi ngày đọc được một biến Kinh này, thì ngay đời này, làm cho những người trong nhà khỏi các bịnh hoạn, tai họa, lại thêm ăn mặc dư giả.

Bởi cớ, này Phổ-Quảng, nên biết Bồ-tát Địa-Tạng có trăm ngàn muôn ức thần lực lớn lao không thể nghĩ bàn, thường làm lợi ích như vậy. Chúng-sanh ở cõi Diêm-phù-đề, có nhân duyên lớn với Bồ-tát. Chúng-sanh Diêm-phù-đề mà nghe được danh hiệu của Bồ-tát, thấy được tượng của Bồ-tát, chỉ nghe được năm ba chữ, một câu, một kệ của Kinh này, thì trong hiện tại được sự an vui lớn lao hơn hết, còn trong vị lai, trăm ngàn muôn đời sống, thường được làm người đoan chánh, sanh vào nhà sang cả".

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Phổ-Quảng nghe Phật đề cao và khen ngợi Bồ-tát Địa-Tạng xong rồi, quì xuống chấp tay bạch Phật nói rằng: "Bạch Thế-Tôn, đã lâu rồi tôi biết Bồ-tát Địa-Tạng có những thần lực không thể nghĩ bàn, và sức mạnh của ý chí cương quyết (thệ nguyện). Vì muốn cho chúng sanh trong vị lai biết sự lợi ích của thần lực và thệ- nguyện ấy cho nên mới kính hỏi Như-Lai. Tôi cúi xin vâng giữ".

"Bạch Thế-Tôn, nên đặt cho Kinh này tên gì và xin dạy chúng tôi phải lưu truyền thế nào?"

Phật bảo Bồ-tát Phổ-Quảng: "Kinh này gồm có ba tên: một là "Địa-Tạng Bổn-nguyện" cũng gọi là "Địa-Tạng Bổn-Hạnh", lại cũng gọi là " Địa-Tạng Bổn Thệ-lực". Bởi từ nhiều kiếp xa xưa đến nay, Bồ-tát đã phát nguyện trọng lớn là làm lợi ích chúng sanh, vậy các ông nên theo nguyện ấy mà lưu truyền Kinh này".

Bồ-tát Phổ-Quảng nghe xong tin lãnh, chấp tay cung kỉnh, lễ Phật rồi lui.

Mật nghĩa:

Phẩm thứ sáu ghi những lời Phật khen ngợi Địa-Tạng.

Đáp lại lời bạch của Bồ-tát Phổ-Quảng, đức Thế-Tôn đã nói về sự phước-đức làm lợi ích hàng trời, người của Địa-Tạng.

Phổ là khắp cùng (như nói phổ-biến); Quảng là rộng. Vậy Phổ-Quảng hỏi có nghĩa là: để phổ biến sâu rộng nguyên nhân và kết quả của Tâm làm lợi ích trời người, phải nói như thế nào?

Đức Phật đã trả lời câu hỏi ấy bằng cách vạch ra những kết-quả lợi ích của sự chiêm lễ, tán thán, niệm danh, cúng dường Địa-Tạng. Các hành động này là nguyên nhân của những lợi ích nói trong Kinh, như:

1. Tán thán, lễ bái, luyến mộ danh hiệu của Địa-Tạng thì vượt khỏi ba mươi tội lỗi.

2. Chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng thì được về cõi Thiên, không sa trở lại nẻo ác.

3. Nếu là đàn bà mà nhàm chán thân nữ nhân, những xấu xa, tật bệnh của nữ-nhi, muốn thoát khỏi cảnh ấy, thì phải biết chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường hình tượng Địa-Tạng.

4. Muốn được quỉ thần vệ hộ, tiếng ác không lọt vào tai, nên tán thán, cúng dường hình tượng Địa-Tạng.

5. Ai thấy người khác tán thán cúng dường hình tượng Địa-Tạng mà hủy báng, chê cười, người ấy sẽ đọa vào ngục A-tỳ, chịu nhiều cực khổ, có thọ sanh, thì sẽ sanh vào ngạ quỉ, súc sanh, hay người hèn hạ, khổ sở.

6. Ai đau ốm mà nghe hay tự đọc kinh Địa-Tạng thì sau khi chết, được giải thoát các trọng tội của kiếp trước.

7. Ai muốn đừng còn thấy vong linh cha mẹ, anh em, bà con hiện về trong giấc mộng kêu khóc thê thảm vì đang bị tội khổ, thì nên vì những vong linh ấy mà tụng từ ba đến bảy biến Kinh Địa-Tạng. Người chết sẽ được giải thoát còn người đọc sẽ hết chiêm bao.

8. Ai lâm vào cảnh hạ tiện, tôi đòi, mất tự-do (như ở tù, bị giam chẳng hạn) mà biết sám hối tội lỗi thì sẽ thoát ly hạ tiện, về sau được sanh trong cảnh tôn quí.

9. Ai có con mới sanh mà biết đọc Kinh và niệm danh hiệu Địa-Tạng thì đứa nhỏ được giải thoát nghiệp báo đời trước, an lạc, dễ nuôi, sống lâu.

10. Toàn gia đình sẽ xa lìa nẻo ác, không tai nạn, bệnh hoạn, cơm áo đầy đủ, nếu người trong nhà biết, trong mười ngày chay mỗi tháng, đọc tụng Kinh Địa-Tạng.

Nói tóm, biết chiêm ngưỡng, lễ bái, niệm danh hiệu Địa-Tạng, cúng dường Địa-Tạng, đọc Kinh Địa-Tạng thì được những lợi ích như vừa kể. Được các lợi ích như thế là vì Địa-Tạng có oai thần, nghĩa là có khả năng huyền diệu, làm cho người tin tưởng, kính trọng, dám hy sinh cho Địa-Tạng (cúng dường) và nghe được tiếng răn lời dạy của Địa-Tạng (tụng Kinh) được lìa khổ hưởng vui, từ thấp lên cao, hết ác thành thiện.

Đã nói Địa-Tạng là Tâm, vậy oai thần vừa nói là oai thần của Tâm. Ai biết quay về với Tâm, tôn trọng Tâm, nhớ tưởng đến Tâm, hy sinh tất cả cho Tâm, cố nghe cho được lời khuyên bảo, dạy dỗ của Tâm, người ấy nhất định sẽ thu hoạch được những lợi ích tinh thần luôn cả vật chất.

Muốn trở về Tâm, phải làm thế nào?

1) Phải có cái muốn cương quyết: đó là nghĩa của "Địa-Tạng bổn nguyện" (Lòng tự nguyện với lòng)

2) Phải thực hành lời nguyện của mình ngay trong Tâm: đó là nghĩa của "Địa-Tạng bổn hạnh".

3) Nhưng sợ nguyện, hành không đầy đủ cương quyết và dẽo dai, cho nên phải tự mình thề với mình, thề một cách trọng đại để cho lời thề ấy trở thành một sức mạnh thúc đẩy mình, khi mình dãi đãi lười biếng. Đó là "Địa-Tạng bổn thệ"

Cái sự thật, cái chân-lý trong lời Phật dạy xuyên qua câu chuyện Bồ-tát Địa-Tạng , với Địa-ngục thiết vi là như vậy. Do đây, Bồ-tát Phổ Quảng mới hỏi: Kinh này tên gì, với nghĩa: sự thật trong câu chuyện này là như thế nào?

Nên hiểu những việc chiêm lễ, niệm danh cúng dường, tụng kinh đều là những phương tiện bề ngoài dùng làm nhịp cầu "Tịnh Định, Xả Ly" để con người hướng nội, quày lại với Tâm. Bởi vậy, làm những việc trên mà thiếu cái "chí tâm" thì không có kết quả gì hết.

Phẩm VII : Lợi Ích Tồn Vong

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật nói: "Bạch Thế-Tôn, tôi quan sát thấy chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, trong mỗi tư-tưởng, không việc nào là chẳng tội lỗi. Vì vậy, dầu gặp những trường hợp có lợi cho điều lành, phần nhiều hay để cho cái tâm quyết làm lành trước kia thối lui, còn gặp duyên ác, thì lòng nghĩ việc ác lúc lúc tăng thêm. Bọn ngườI ấy chẳng khác kẻ vác đá nặng đi trên đất bùn lầy, càng khốn đốn càng thấy nặng, đôi chân thêm lút sâu. Nếu kẻ ấy gặp được bạn lành, thay họ chia sớt hoặc lãnh gánh hết gánh nặng, thì bạn lành ấy phải là người có nhiều sức mạnh. Chẳng những gánh thay mà bạn lành ấy lại còn dìu đỡ và lại khuyên người gánh nặng nên vững chân, rồi khi đến đất bằng, khuyên nên tu tỉnh mà đừng trở lại đi trên con đường nguy hiểm nữa.

"Thế-Tôn, chúng-sanh quen thói làm ác, luôn luôn bắt từ chỗ ác mảy-mún mà đi tới chỗ ác không lường. Khi những chúng-sanh có thói quen làm ác như thế sắp chết, thì người trong thân quyến bất luận nam nữ, nên vì người sắp chết mà làm việc phúc-đức, để như cung cấp lộ phí cho họ. Việc phúc đức ấy là: hoặc treo phan cái, cúng dầu cúng đèn, hoặc tụng đọc Kinh quí, hoặc cúng dường tượng Phật, luôn cả việc niệm danh hiệu chư Phật, Bồ-tát và Bích-chi-Phật, làm sao cho một tên, một hiệu lọt được vào lỗ tai của người sắp chết hay thần-thức của họ nghe được (nếu đã chết rồi). Cứ theo ác nghiệp đã tạo và quả báo phải cảm chịu, người sắp chết phải sa vào ba nẻo dữ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), nhưng nhờ quyến thuộc gieo những nhân lành sạch kể trên, bao nhiêu tội lỗi đều được tiêu diệt. Nếu sau khi người ấy chết rồi thân quyến còn, trong vòng 49 ngày, rộng làm điều thiện vì người chết, thì có thể làm cho người này vĩnh viễn xa lìa ba nẻo ác, được sanh làm người, hay lên trời, hưởng nhiều vui sướng, còn quyến thuộc còn sống được không biết bao nhiêu là lợi ích.

Bởi các lẽ trên, hôm nay trước Phật cùng Thiên, Long tám chúng, hàng người trời, tôi có lời khuyên chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề trong ngày lâm chung (của người thân), chẳng nên giết chóc cùng tạo duyên ác cúng tế quỉ thần, cầu xin ma quái. Tại sao vậy? Tại vì giết chóc và cúng tế như thế không đem lại cho vong linh người chết mảy may lợi ích nào, mà chỉ kết thêm tội duyên làm sâu nặng mà thôi. Giả như trong đời về sau, hoặc trong đời này vì nhờ được một phần nào trong sạch, đáng được sanh vào hàng trời người, nhưng vì khi chết quyến thuộc lại gây nhân ác, thì người mạng chung phải liên lụy chịu sự tai ương, bị đem ra xét xử mà chậm sanh về nơi thiện. Đối với người lành còn thế, hà huống đối với người lúc sanh tiền chưa từng có một rễ lành cỏn-con nào, và như vậy thì mỗi người phải theo nghiệp mình mà tự lãnh một trong ba nẻo ác. Làm sao nhẫn tâm tăng thêm nghiệp ác ho bà con của mình?! Thí dụ có một người từ xa đến, vai gánh trăm cân lại thêm ba ngày hết lương, gặp người hàng xóm bắt vác thêm một ít vật, thì cái khốn khổ của người gánh nặng có phải nặng nề thêm lên không?

"Thế-Tôn, quán sát chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, tôi thấy nếu họ năng theo lời Phật dạy, chỉ làm việc lành bằng sợi lông, giọt nước, hột cát, hột bụi, thì họ tự được sự lợi ích".

Lúc Bồ-tát Địa-Tạng nói mấy lời ấy, trong hội có một trưởng giả tên là Đại-Biện, là người từ lâu xưa đã chứng "Vô-sinh", hóa độ chúng-sanh trong mười phương, nay hiện thân trưởng-giả. Đại-Biện chấp tay cung kính hỏi Bồ-tát Địa-Tạng: "Bạch Bồ-tát, ở cõi Nam Diêm-phù-đề, chúng-sanh nào chết rồi mà thân quyến lớn nhỏ vì họ làm nhiều công đức cho đến thiết lễ trai Tăng, tạo nhiều nhân lành, vậy người chết có được nhiều lợi ích cùng được giải thoát không?".

Bồ-tát Địa-Tạng đáp: "Trưởng-giả, tôi nay xin vì tất cả chúng-sanh trong hiện tại và vị lai, sơ lược nói về việc ấy. Này Trưởng-giả, trong hiện tại cũng như trong vị lai, chúng-sanh nào mà ngày lâm chung, nghe được một danh hiệu của Phật, của Bồ-tát, của Bích-chi-Phật, thì chúng-sanh ấy, bất luận có tội hay không tội, ắt được giải thoát. Dù nam, dù nữ, lúc còn sống mà không gieo nhân lành, tạo nhiều tội lỗi nhưng sau khi chết lại được quyến thuộc lớn nhỏ vì họ mà tạo phúc lợi, bằng tất cả những việc làm lành sạch, thì trong bảy phần công-đức, người chết lượm được một, còn kẻ sống hưởng được sáu. Bởi lẽ này, trai lành gái tốt trong hiện tại, vị lai, nghe lời tôi rồi, nên cố gắng tự tu thì mười phần hưởng trọn.

"Khi quỉ Vô-thường không hẹn mà đến, thì thần hồn người chết vơ vẫn trong chỗ mịt-mờ, chưa biết là có tội hay được phúc. Trong khoảng 49 ngày, thần-hồn như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để chịu sự biện luận về nghiệp quả. Sau khi được xét xử xong, là theo nghiệp mà thọ sanh. Trong lúc chưa lường được, đã chịu ngàn muôn sấu khổ, hà huống đọa vào ba nẻo dữ. Người chết ấy, lúc chưa được thọ sanh, trong khoảng bốn mươi chín ngày, lúc lúc đều mong người cùng máu mủ bà con tạo phúc để cứu vớt họ. Qua 49 ngày rồi thì tùy nghiệp mà thọ báo. Nếu là người có tội, thì phải trải qua trăm ngàn năm mà không có ngày giải thoát. Nếu là người phạm năm tội vô-gián (tội trọng), thì phải sa vào địa-ngục ngàn kiếp, muôn kiếp, chịu nhiều khổ não vĩnh viễn.

Lại nữa, này Trưởng-giả, nếu quyến thuộc cốt nhục vì người tội lỗi mà làm lễ trai-tăng, tư trợ nghiệp-đạo của họ, sau lúc họ mạng chung, thì lúc thiết lễ chưa xong cùng lúc đang làm lễ, chớ đem nước gạo, lá rau, vứt dưới đất, còn các thức ăn, nếu chưa dâng lên Phật và chư Tăng, thì chớ nên ăn trước. Trái lời mà ăn, cùng chẳng tinh sạch ân cần, thì người chết không hưởng được phúc lục cứu bạt nào cả. Nếu tinh cần, giữ gìn trong sạch trong việc dâng cúng Phật Tăng, thì người chết, trong bảy phần phúc đức, hưởng được một phần.

Bởi cớ, này Trưởng-giả, chúng-sanh Diêm-phù, nếu năng vì cha mẹ, bà con mạng chung, thiết lễ trai-tăng cúng dường, hết lòng cầu khẩn, thì đôi đàng, kẻ sống người chết đều được lợi ích".

Lúc Bồ-tát Địa-Tạng nói mấy lời này, tại cung trời Đao-lợi, có trăm ngàn muôn ức na-do-tha quỉ thần cõi Diêm-phù phát tâm Bồ-đề vô lượng.

Trưởng-giả Đại-Biện vui mừng, nhận lãnh lời dạy của Bồ-tát Địa-Tạng, làm lễ rồi lui.

Mật nghĩa:

"Lợi ích tồn vong" có nghĩa là kẻ còn người chết đều được lợi ích.

Phẩm thứ bảy này chia làm hai phần. Phần thứ nhất nói về bổn phận của người sống đối với thân nhân mệnh chung. Nhưng không phải Phật dạy mà Bồ-tát Địa-Tạng bạch. Vậy chúng ta có thể hiểu: cứ lấy tâm mà suy xét thì thấy cái lẽ đừng tạo thêm nghiệp làm nặng gánh cho người quá vãng.

Hễ là chúng-sinh thì sống trong vô-minh, không một tư-tưởng nào mà không trái với Chân-lý (cử tâm động niệm, vô phi thị tội). Vì vậy cho nên, dù gặp duyên lành, phát tâm tu sửa, chẳng bao lâu rồi cũng thối lui, không giữ vững cái nguyện ban sơ; trái lại, gặp dịp làm ác thì xuôi theo mà làm ác càng ngày càng nhiều, chẳng khác người gánh nặng mà đi dưới bùn lầy, càng đi càng lún.

Người gánh nặng sa lầy gặp duyên lành là được người hoặc chia sớt hoặc thay mình mà gánh lại dìu đở cho ra khỏi chỗ nguy. Một khi khỏi nguy rồi, đừng trở lại chỗ bùn lầy nữa.

Người làm ác gặp duyên lành là gặp hàng bạn tốt chỉ việc tu hành, rồi cũng phải như người gánh nặng mà đừng trở lại lối cũ nữa.

Đến lúc gần chết nếu người ác trước không gặp duyên may như nói ở trên, thì thân quyến phải cố tạo phúc để làm nhẹ gánh nghiệp báo của kẻ lâm chung.

Sau khi người ác chết, nếu muốn họ nhẹ gánh nữa, thì nên thiết lễ trai tăng, tụng Kinh, để thần hồn họ nghe lời Phật mà cải hối, chớ đừng giết trâu mỗ lợn cúng tế, khiến cho gánh nghiệp báo của họ đã nặng lại nặng thêm, chẳng khác người đi xa, hành lý nặng nề lại thêm tuyệt thực mà phải gánh thêm một ít vật nữa.

Những lẽ trên đây, nói ra rất dễ hiểu dễ nhận. Nhưng phải là Địa-Tạng Bồ-tát mới nói rõ được, nghĩa là phải những người có Tâm sáng- suốt (minh châu) và cương quyết giải thoát (kim tích) mới nói được. Do đây mà Kinh đặt vào miệng Bồ-tát Địa-Tạng, tượng trưng cho tâm ấy, những lời vừa tóm tắt lại.

Phần thứ hai là câu chuyện đối đáp giữa Trưởng-giả Đại-biện và Bồ-tát Địa-Tạng.

Đại-biện là biện luận rộng ra thêm thông nghĩa lý. Và điểm đem ra biện luận ở đây là : Vì người chết mà tu các công đức, người chết sẽ được lợi ích gì và có được giải thoát không?

Sau đây là lời đáp:

Người ác lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của Phật, của Bồ-tát, thì được giải thoát.

Chết rồi mà thân nhân làm việc phúc đức thì người chết cũng hưởng nhưng trong 7 phần có một, còn 6 phần về người sống - Ở đây, phải chăng ý Phật muốn dạy khéo người sống nên lo tu bồi công đức, vì nếu đợi đến chết mới hưởng công-đức của thân nhân, thì chẳng có bao nhiêu.

Tuy trong 7 phần hưởng được có 1, sự hưởng thọ này còn tùy tâm chí thành chỉ khẩn của quyến thuộc.

Vì người chết mà làm việc phúc đức, người chết hưởng mà kẻ sống cũng hưởng, cho nên gọi là lợi ích tồn vong.

Phẩm VIII: Diêm-La Vương Chúng Tán Thán

Lúc bấy giờ, trong núi Thiết-vi, có vô lượng vua quỉ và vua Diêm La đồng lên cung trời Đao-Lợi, đến chổ đức Phật ở. Các vua quỉ ấy tên là: Ác-Độc quỉ-vương, Đa-Ác quỉ-vương, Đại-Tránh quỉ-vương, Bạch-Hổ quỉ-vương, Huyết-Hổ quỉ-vương, Xích-Hổ quỉ-vương, Tán-Ương quỉ-vương, Phi-Thân quỉ-vương, Điện-Quang quỉ-vương, Lang-Nha quỉ-vương, Đạm-Thú quỉ-vương, Phụ-Thạch quỉ-vương, Chủ-Hao quỉ-vương, Chủ-Họa quỉ-vương, Chủ-Phước quỉ-vương, Chủ-Thực quỉ-vương, Chủ-Tài quỉ-vương, Chủ-Súc quỉ-vương, Chủ-Cầm quỉ-vương, Chủ-Thú quỉ-vương, Chủ-Mỵ quỉ-vương, Chủ-Sản quỉ-vương, Chủ-Mạng quỉ-vương, Chủ-Tật quỉ-vương, Chủ-Hiển quỉ-vương, Tam-Mục quỉ-vương, Tứ-Mục quỉ-vương, Ngũ-Mục quỉ-vương, Kỳ-Lợi quỉ-vương, Đại-kỳ-Lợi-thất-vương, Kỳ-Lợi xoa-vương, Đại-kỳ-Lợi xoa-vương, A-Na-Trá vương, Đại A-Na-Trá vương.

Những đại quỉ-vương như trên, mỗi mỗi cùng trăm ngàn tiểu quỉ-vương, hết thảy đều ở cõi Diêm-phù-đề, mỗi mỗi đều có "sở chấp", "sở trụ". Các quỉ-vương ấy cùng vua Diêm-La, nương oai thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng, đồng đến cung trời Đao-Lợi đứng qua một bên.

Lúc ấy, vua Diêm-La, quì gối chấp tay, bạch Phật nói rằng: "Thế-Tôn! Tôi hôm nay, cùng các vua quỉ, nhờ oai thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng, mới đến được cung trời Đao-Lợi này, và cũng vì chúng tôi đã gặt được lợi lành vậy. Tôi hôm nay có điều nghi nhỏ, dám hỏi Thế-Tôn từ bi giải nói cho chúng tôi nghe".

Phật nói với vua Diêm-la: "Ông hãy nói đi, tôi sẽ vì ông mà nói".

Lúc bấy giờ, vua Diêm-la chiêm ngưỡng lễ bái đức Thế-Tôn, cùng quày lại ngó Bồ-tát Địa-Tạng, rồi bạch Phật: "Bạch Thế-Tôn, tôi xét thấy Bồ-tát Địa-Tạng, tại sáu đường luân hồi, dùng trăm ngàn phương tiện cứu độ chúng-sanh tội khổ, không từ mõi mệt. Thật Địa-Tạng Bồ-tát có những thần thông không thể nghĩ bàn vậy. Thế mà các chúng-sanh thoát khỏi tội báo không bao lâu, lại sa vào nẻo ác. Bạch Thế-Tôn, Bồ-tát Địa-Tạng có thần-lực cứu độ không thể nghĩ bàn như thế, tại sao chúng-sanh không dừng bước ở yên trên đường lành, vĩnh viễn nắm lấy sự giải thoát? Cúi xin Thế-Tôn giải nói cho tôi nghe".

Phật bảo vua Diêm-la: "Chúng-sanh cõi Nam-diêm Phù-đề, cứng đầu cứng cổ, khó dạy khó sửa. Trong trăm ngàn kiếp, Bồ-tát Địa-Tạng hằng lo cứu nhổ tội khổ cho những chúng-sanh ấy để chúng sớm được giải thoát. Thậm chí những kẻ vì tội báo sa vào nẻo ác lớn, Bồ-tát cũng dùng sức phương tiện, nhổ tận gốc rễ nghiệp-duyên, khiến chúng tỉnh thức mà biết những việc của các đời trước. Chính vì chúng-sanh Diêm-phù thói ác kết hợp nặng nề cho nên mới có việc hết ra rồi lại vào, ra vào quay mòng, làm cho Bồ-tát phải mệt lo, trải qua nhiều kiếp, mới độ thoát được. Thí dụ như có người lầm đường về nhà, đi vào một con đường nguy hiểm, nơi ấy có nào quỉ dạ-xoa, nào cọp, sói, sư-tử, rắn rít, bọ cạp. Trong con đường nguy hiểm ấy, người lạc đường kia không bao lâu ắt sẽ ngộ độc. Có một người hiểu biết nhiều pháp thuật lạ, có thể trừ quỉ giải độc, chợt gặp người lầm đường trong lúc người này muốn sấn bước vào nẻo hiểm. Ông ta bèn kêu nói: "Bác kia ơi! Làm gì mà đi vào đường ấy? Bác có phép thuật nào trừ được các thứ độc mà lại dám đi vào đó?"

"Người lầm đường, bổng nghe lời hỏi, mới hay la mình sắp đi vào con đường nguy hiểm, bèn lập tức lui bước để ra khỏi chốn ấy. Khách sáng-biết liền nắm tay người lầm đường dẫn ra khỏi nơi nguy hiểm để khỏi bị hại, thậm chí còn đưa đến đường tốt để được bình an, vui sướng, và nói rằng: "Này ông bạn mê muội ơi! Từ nay về sau, đừng đi trên con đường ấy nữa nhé! Đi vào đấy thì khó mà ra khỏi, lại con tổn thất tánh mạng nữa". Người lầm đường nghe dặn, lòng hết sức cảm động. Lúc từ giã nhau, khách sáng-biết lại dặn: "Có thấy người quen biết, thân quyến cùng kẻ đi đường, bất luận nam nữ, anh nên báo cho họ biết rằng trong đường ấy có nhiều ác độc, có thể làm mất tánh mạng, để họ khỏi tự chuốt cái chết".

Bởi Bồ-tát Địa-Tạng đầy đức đại từ bi, cho nên Bồ-tát cứu nhổ tội khổ cho chúng-sanh, mong cho chúng-sanh được sanh về cõi Nhân, Thiên, hưởng sự sung sướng huyền diệu. Chúng-sanh nào biết rằng đi trên con đường ác nghiệp là khổ, thì khi thoát khỏi nẻo ấy, vĩnh viễn không trở lại. Cũng như kẻ lầm đường, vào nơi nguy hiểm, gặp người sáng-biết, dắt dẫn ra khỏi, vĩnh viễn không vào trở lại, rồi khi gặp người khác, lại khuyên người chớ bén mảng nơi ấy. Tự nhiên mà lìa cái nguyên-nhân mê-muội lạc đường, rồi không còn trở lại nữa. Nếu còn trở lại đi trên con đường ấy là còn mê lầm, chẳng thức tỉnh việc đã qua, quên mất con đường hiểm đã phải sa vào hoặc cái nạn gần mất tánh mạng. Những chúng-sanh đã rơi vào nẻo ác, nếu đã được sanh về cõi Nhân Thiên mà còn trở lại đường ác, nghiệp chướng nặng nề, thì phải ở địa-ngục mãi không lúc nào ra khỏi".

Lúc bấy giờ, vua quỉ Ác-Độc, chấp tay cung kính bạch Phật: "Bạch Thế-Tôn, chúng tôi, vua quỉ, đông không thể biết số, tại cõi Diêm-phù, hoặc làm lợi ích, hoặc làm tổn hại loài người, không việc làm của quỉ vương nào giống quỉ vương nào. Nhưng vì nghiệp-báo sai sử cho nên dòng họ tôi mới đi khắp thế-giới nhiều dữ ít lành. Đi qua sân nhà người, hoặc thành, ấp, xóm làng, trại vườn, buồng, nhà, gặp đàn ông, đàn bà nào làm được một việc lành bằng đường tơ kẽ tóc, cho đến treo một lá phan, một bảo cái, dâng một cây hương con, dùng một đóa hoa nhỏ cúng dường tượng Phật và Bồ-tát, hoặc đọc tụng Kinh quí, đốt hương cúng dường một bài kệ, chúng vua quỉ chúng tôi kính lễ những người ấy như kính lễ chư Phật trong ba đời hiện tại, vị lai và quá khứ. Chúng tôi còn ra lệnh cho các quỉ nhỏ, mỗi quỉ đều có sức mạnh lớn, cùng các thần thổ-địa che chở cho những người ấy, chẳng cho việc dữ, tai nạn, bệnh ngặt, bệnh thình lình và những việc không vừa ý đến gần nhà họ ở, đừng nói là vào cửa".

Phật khen vua quỉ: "Hay lắm! Hay lắm! Chúng ngươi và các vua Diêm-la mà năng ủng hộ những trai lành, gái lành như vậy thì ta sẽ ra lệnh cho Phạm-vương, Đế-Thích che chở các ngươi".

Lúc Phật nói mấy lời này, trong hội có một vua quỉ tên là Chủ-mạng (chủ mạng sống) bạch Phật rằng: "Thế-Tôn, nghiệp-duyên căn bản của tôi là làm chủ mạng sống của loài người ở cõi Diêm-phù-đề, giờ sanh, giờ chết của loài người đều do tôi định đoạt. Ai theo đúng lời nguyện căn-bản của tôi thì được lợi ích lớn. Nhưng tại vì chúng-sanh không thầm hiểu được ý tôi cho nên tự làm cho lúc sanh cũng như khi chết đều không được an. Tại sao thế? Người cõi Diêm-phù này, lúc mới sanh ra, bất luận trai gái, hoặc lúc sắp sanh, chỉ nên làm việc lành để thêm sự lợi ích cho nhà cửa và khiến cho thổ-địa vui mừng khôn xiết, ủng hộ cả mẹ lẩn con được nhiều an vui và làm lợi ích cho bà con. Hoặc khi sanh con rồi, chớ nên sát hại (thú vật) để lấy phần ngon tươi cung cấp cho người mẹ, cũng chớ nên mời bà con đông đảo, rượu thịt khoản đãi, đờn ca xướng hát mà làm cho mẹ con chẳng đặng an vui. Tại sao vậy? Vì lúc sanh sản khó khăn, có vô số quỉ ác và ma quỉ chực ăn huyết đỏ. Do đây tôi mớI sớm ra lệnh cho các thần trong nhà, trong cuộc đất, bảo hộ người mẹ và đứa trẻ mới sanh cho được an vui và lợi ích. Nhừng người ấy, được an vui như thế, thì nên làm phước làm lành đáp ơn thổ-địa. Trái lại, nếu sát hại thú vật, tụ hội bà con chè chén thì đó là tự mình gây tội lỗi phải tự chịu tai ương, mẹ con đứa trẻ sơ sanh phải có điều tổn hại.

"Lại nữa, đối với người cõi Diêm-phù bất luận hiền dữ, hễ họ đến lúc sắp chết, tôi đều muốn cho họ, sau khi chết rồi, không sa vào nẻo ác. Nếu là người đã tự tu căn lành, thì sức cứu độ của tôi được tăng thêm biết bao.

"Dầu là người làm lành của cõi Diêm-phù-đề, đến giờ mạng chung, còn có trăm ngàn quỉ thần của nẻo ác, hoặc biếm làm cha mẹ, hoặc biến làm bà con, dắt dẫn vong linh người chết vào nơi nẻo ác. Người lành mà còn bị dắt dẫn như thế hà huống người lúc sống vốn quen làm ác.

"Bạch Thế-Tôn, kẻ nam người nữ cõi Diêm-phù-đề, khi giờ chết sắp đến, thần-thức mê muội, chẳng phân biệt được thiện ác, còn mắt tai thì không còn nghe thấy nữa. Bà con lúc ấy nên thiết lễ cúng dường lớn lao, đọc tụng Kinh báu, niệm danh hiệu chư Phật, Bồ-tát. Tạo được thiện duyên này thì làm cho vong linh xa lìa ác đạo được, các ma, quỉ, thần, đều phải thối lui và giải tán.

"Bạch Thế-Tôn, tất cả chúng-sanh, nếu lúc sắp chết mà nghe được một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ-tát, hoặc nghe được một câu, một kệ của Kinh-điển Đại-thừa, thì theo chỗ tôi xét thấy, ngoại trừ 5 tội trọng, đều được giải thoát các ác nghiệp nhỏ mà lẽ ra phải làm cho họ sa đọa vào ác đạo".

Phật bảo Quỉ-vương Chủ-Mạng: "Người có lòng từ lớn lắm mới phát được nguyện to như thế, là trong chổ sanh tử, ủng hộ tất cả chúng-sanh. Vậy trong đời vị lai, ngươi chớ nên thối bước trong hạnh nguyện ấy, để cho chúng-sanh, đến giờ sanh cũng như đến giờ chết, đều được giải thoát và an vui mãi mãi".

Chủ-Mạng Quỉ-vương bạch Phật: "Xin Thế-Tôn chớ lo, cho đến hết thân này, tôi luôn luôn ủng hộ chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, khiến cho họ, lúc sống, lúc chết đều được an vui. Chỉ nguyện có một điều, là lúc sống, lúc chết, chúng-sanh tin giữ lời tôi, thì không bao giờ mà chẳng đặng giải thoát và thâu lượm nhiều sự lợi ích".

Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Địa-Tạng: "Quỉ-vương này là người làm chủ mạng sống; ông ta từng trải qua trăm ngàn đời làm Đại Quỉ-vương để ủng hộ chúng-sanh trong lúc sống cũng như trong lúc chết. Thật ra đó là một vị Bồ-tát, vì lời nguyện từ bi, hiện thân Đại quỉ để hộ chúng-sanh, chớ không phải quỉ vậy. Về sau, quá một trăm bảy chục kiếp, Bồ-tát ấy sẽ thành Phật, hiệu là Vô-Tướng Như-Lai, kiếp tên An-Lạc, thế-giới gọi là Tịnh-Trụ. Phật Vô-Tướng sống lâu không biết bao nhiêu kiếp mà kể. - Này Bồ-tát Địa-Tạng, sự tích của Đại Quỉ-vương là như vậy, không làm sao nghĩ bàn cho được. Những hàng Trời, người được Quỉ-vương độ đông cũng không biết bao nhiêu mà nói".

Mật nghĩa:

"Diêm-la vương chúng tán thán" nghĩa là: Các vua cõi Diêm-la (âm phủ) khen ngợi. - Khen ngợi ai, khen ngợi điều gì? Khen ngợi người làm lành, người biết cúng dường Phật-bảo, Pháp-bảo.

Những Quỉ-vương (vua quỉ) nói trong phần đầu phẩm thứ tám, không phải những ma quỉ tin tưởng ở thế-gian, mà là những tư tưởng, ý niệm của chúng ta, hay nói cho đúng là của những chúng-sanh sống trong đen tối của ngu dốt đạo-lý (vô-minh) mà Kinh ví như địa-ngục trong núi Thiết-vi. Toàn những tư tưởng, ý niệm của một người hợp thành tâm của người ấy. Tâm ai ác độc là người ấy có Ác-độc Quỉ-vương, tâm ai có nhiều ác là Đa-ác Quỉ-vương, tâm ai hay tranh chấp là có Đại-tránh Quỉ-vương, tâm ai muốn ăn tươi nuốt sống kẻ nghịch kẻ thù của mình, là có Bạch-hổ, có Huyết-hổ Quỉ-vương. Tâm ai ưa xâu xé, là có Lang-nha Quỉ-vương (Quỉ-vương có răng của chó sói); tâm ai chỉ nghĩ đến việc ăn uống, là có Chủ-thực Quỉ-vương; tâm ai chỉ hướng về chổ tiền bạc, là có Chủ-tài Quỉ-vương; tâm ai hay thèm, hay tìm ngó, là có con quỉ ba mắt, bốn mắt trong lòng (Tam-mục, Tứ-mục Quỉ-vương)...

Quỉ thì phải ở địa-ngục; tư tưởng ác xấu phải ở trong vô-minh, trong địa-ngục vô-minh. Cớ sao quỉ lại lên cõi trời Đao-lợi là nơi dành cho bậc lành sạch được?

Kinh dạy: Lên được là nhờ oai-thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng.

Phật là Giác, vậy nhờ oai-thần của Phật là nhờ sự Giác-ngộ. Địa-Tạng, tượng trưng cho Tâm, vậy nhờ sức mạnh của Địa-Tạng, là nhờ sức cương quyết giải-thoát và sự sáng suốt của Tâm.

Vậy nghĩa kín của đoạn Kinh này là: Nhờ sự cương quyết giải thoát của tự tâm mỗi người (Đia-Tạng Bồ-Tát lực) và sự Giác-ngộ, những "tư tưởng ác độc vì ngu muội" có thể đăng thiên, nghĩa là trở nên lành, và người có những tư tưởng ấy có thể góp mặt với đám người thuần thiện.

Nhưng tâm ai không có những cơn ăn năn hối ngộ, cớ sao vừa ăn năm lỗi mình đó, rồi lại phạm tội nữa? Đó là nghĩa ẩn của câu hỏi: "Tai sao Bồ-tát Địa-Tạng hết sức cứu độ chúng-sanh, mà chúng-sanh, một khi đã được giải thoát tội lỗi, không chịu đứng yên trong đường lành, mà lại trở vào nẻo dữ?"

Phật giải: Ấy tại vì chúng-sanh cứng đầu cứng cổ, khó dạy, khó bảo. Và sở dĩ chúng-sanh cứng đầu cứng cổ là vì đã nhiều đời nhiều kiếp kết nối nhiều tập quán làm ác làm sai. Bởi lẽ này, Bồ-tát Địa-Tạng phải dày công hóa độ nhiều kiếp mới giải thoát được. Nghĩa là chúng-sanh phải tự mình cương quyết giải thoát và tu hành nhiều đời nhiều kiếp mới có kết quả.

Trong thí-dụ người lạc đường, người này tiêu biểu cho chúng-sanh lạc lối, lẽ phải đi trên con đường êm đẹp của thiện nghiệp lại lầm vào nẻo ác, có nhiều độc hại. Gặp hàng tri-thức (người biết đạo lý, sáng suốt, hoặc thầy, hoặc bạn, hoặc kinh, hoặc sách) chỉ cho thấy những độc hại ấy thì nên theo sự dìu dắt sáng suốt của tri-thức mà ra khỏi mê-đồ, đừng tái nhập mà bị hại. Chẳng những thế, một khi ra khỏi chổ nguy, nên ngăn bảo những người khác, quen biết cũng như không quen biết, đừng để họ lầm lẫn như mình trước kia.

Ra khỏi đường nguy mà còn trở lại rồi tật nào nghiệp nấy, vô minh thêm sâu dày thì khó mà ra khỏi sự hắc ám này.

Nhưng tư tưởng, ý niệm của chúng ta đâu có cố định là thiện hay là ác. Tùy ta mà những quỉ làm hại sẽ trở thành những quỉ ủng hộ. Nói một cách khác, tùy ta mà những tư-tưởng, ý niệm của chúng ta, trước dữ độc, sau trở nên hiền lành, không chiêu họa mà gọi sự phước đức đến với ta. Tùy ở chổ chúng ta quày về với cái Thiện, với đạo-đức: chỉ làm được một việc lành bằng sợi tơ sợi tóc, chỉ biết đốt một cây hương nhỏ, chỉ biết cúng Phật một đóa hoa con, cũng đủ rồi. Nhưng đó mới là kính trọng Phật-bảo. Còn phải biết kính trọng Pháp-bảo, là đọc tụng và kính trọng Kinh điển là lời Phật dạy, để biết, để hiểu mà theo đó tu hành ăn năn sửa lỗi.

Lại nữa, người đời ai không muốn "sanh thuận tử an". Muốn được như lòng, thì đừng làm việc ác độc, giết gà mỗ lợn ăn mừng ngày sanh, vì làm như thế là tạo nghiệp ác cho đứa trẻ mới sanh. Khi chết, cũng đừng vật trâu ngã bò cúng tế mà làm nặng gánh kẻ ra đi mà nên tụng kinh niệm Phật cho vong-linh thức tỉnh mà xa lìa nẻo ác.

Phẩm IX: Xưng Phật Danh Hiệu

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật nói rằng: "Bạch Thế-Tôn, tôi nay xin vì chúng-sanh trong đời vị-lai, nói về sự lợi ích của sự xưng danh hiệu Phật, để trong chỗ sanh, tử, họ được lợi ích lớn. Cúi xin Thế-Tôn nghe lời tôi nói".

Phật bảo Bồ-tát Địa-Tạng: "Ông nay muốn dấy từ bi cứu bạt tất cả chúng-sanh tội khổ trong sáu đường mà nói sự khó nghĩ bàn, htì bây giờ đây chính là lúc nên nói. Vậy hãy nói mau đi, (vì) ta sắp vào Niết-bàn, để cho ông sớm tròn nguyện của ông, còn ta cũng khỏi lo âu cho tất cả chúng-sanh trong hiện-tại và vị-lai".

Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật nói rằng: "Bạch Thế-Tôn, trong quá khứ cách nay vô lượng vô số kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Vô-Biên-Thân Như-Lai. Nếu có kẻ nam, người nữ nào, nghe danh Phật, tạm sanh lòng cung kỉnh, thì liền được thoát khỏi tội nặng của bốn mươi kiếp sanh-tử, hà huống đấp, vẽ hình tượng Phật rồi cúng dường, khen ngợi, thì phúc đức thu lượm được vô lượng vô biên.

"Lại nữa, trong thời xưa cách nay một số kiếp nhiều như cát sông Hằng, có một đức Phật ra đời, hiệu là Bảo-Thắng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh hiệu của đức Phật này và trong khoảnh khắc phát tâm quy-y, thì người ấy, trên đường Vô-thượng- giác, vĩnh-viễn không hề lui bước.

"Lại nữa, trong thời xưa, có một đức Phật xuất thế, hiệu Ba-Đầu Ma-Thắng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào được danh hiệu của Phật lọt vào tai, thì người ấy sẽ được sanh trở về cõi trời Lục-Dục một ngàn lần, hà huống hết lòng xưng niệm.

"Lại nữa, trong thời xa xưa không thể nói là cách nay bao nhiêu vô lượng kiếp, có một đức Phật xuất thế, hiệu là Sư-Tử-Hống Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật rồi một lòng qui-y, thì người ấy gặp được vô lượng chư Phật xoa đầu thọ ký.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có một đức Phật xuất thế, hiệu là Câu-Lưu-Tôn. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, hết lòng chiêm ngưỡng và lễ bái hoặc tán thán (khen ngợi) thì người ấy trong Kiếp Hiền ngàn Phật ra đời được làm Phạm-vương và được thọ ký quả Phật.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, hiệu là Tỳ-Bà Thi. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật thì vĩnh viễn không rơi vào ác-đạo mà thường sanh về cõi Người, cõi Trời, hưởng sự khoái lạc huyền diệu và tốt đẹp hơn hết.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, cách nay vô lượng vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng, có một đức Phật ra đời, hiệu là Đa-Bảo Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, thì cuối cùng không đọa vào nẻo ác, thường ở cõi Trời hưởng sự vui sướng nhiệm mầu hơn hết.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có một đức Phật ra đời, hiệu Bảo-Tướng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe được danh Phật, sanh lòng cung kính, thì người ấy không bao lâu được quả A-la-hán.

"Lại nữa, trong thời xa xưa, cách nay vô lượng kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Ca-sa-Tràng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, thì thoát khỏi tội lỗi của một trăm đại kiếp sanh tử.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có một đức Phật ra đời, hiệu là Đại-Thông-Sơn-Vương Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, thì người đó gặp chư Phật nhiều như cát sông Hằng vì họ mà rộng nói Pháp, nhờ đó mà người ấy thành quả Bồ-đề (trở thành giác-ngộ).

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có Phật Tinh-Nguyệt, Phật Sơn-Vương, Phật Trí-Thắng, Phật Tịnh-Danh-Vương, Phật Trí Thành-Tựu, Phật Vô-Thượng, Phật Diệu-Thanh, Phật Mãn-Nguyệt, Phật Nguyệt-Diện, v.v.. nhiều Phật như vậy không thể kể xiết. Tất cả chúng-sanh trong hiện tại, vị-lai, hoặc Trời, hoặc người, hoặc nam, hoặc nữ, nếu chỉ niệm được danh hiệu của một Phật, thì được công-đức vô-lượng, hà huống niệm nhiều danh Phật. Những chúng-sanh ấy, lúc sanh, lúc chết, tự được lợi ích lớn, rốt cuộc chẳng đọa vào nẻo ác.

"Nếu đến lúc gần chết mà trong nhà quyến thuộc, dầu là một người thôi, vì người bệnh hấp hối, lớn tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì người sắp chết trừ được tội lớn Ngũ-vô gián, còn dư bao nhiêu nghiệp báo khác cũng được tiêu diệt. Năm tội lớn vô-gián ấy, tuy hết sức là nặng nề, dầu trải ức kiếp vẫn không ra khỏi, sẽ lần hồi tiêu diệt, nhờ lúc sắp chết có người niệm danh hiệu Phật. Gần chết, nhờ người niệm Phật mà còn được đại lợi như thế, hà huống tự mình xưng danh Phật, tự mình nhớ nghĩ đến Phật, trong trường hợp này thì được vô lượng phúc đức, diệt trừ vô-lượng tội khổ.

Địa-Tạng bổn hạnh
Thệ nguyện hoằng thâm
Minh châu, Tích trượng độ chúng sanh
Địa-ngục khổ vô cùng
Tinh tấn kiền thành
Miển đọa khổ trầm luân
Nam-mô Thường-trú thập phương Pháp
Hạnh riêng của Địa-Tạng
Là lời thệ nguyện rộng sâu
Gậy vàng ngọc sáng, độ chúng sanh
Khổ ở địa-ngục không cùng
Vậy nên tinh tấn, kiền thành
Để khỏi đọa vào biển khổ nổi chìm
Nam-mô Thường trú Thập phương Pháp

Mật nghĩa:

Tên của phẩm thứ chín là: Xưng Phật danh hiệu. Nghĩa: Xưng tên của chư Phật.

Tất cả chư Phật nói trong Kinh đều thuộc về thời xưa và cách nay không biết bao nhiêu triệu ức năm mà nói. Vậy nên hiểu là không phải những Phật có lịch-sử, mà toàn là những danh hiệu tượng trưng.

Ai nghe danh hiệu của Phật là người ấy đã biết có cái Vô-biên, tức là cái Tuyệt-đối hay Đạo. Biết Đạo rồi thì phải nghĩ đến cái quí của Đạo, một cái quí mà không bảo vật nào ở thế-gian bằng. Đó là nghĩa cửa Bảo-Thắng. Ba-đấu-ma là phiên âm cửa Phạn-ngữ Padma, nghĩa là hoa sen đỏ. Nhớ Đạo, quí Đạo, tất phải giữ giới và được thanh tịnh, tiêu biểu bởi hoa sen. Làm được người thanh tịnh rồi, thì trong hàng chúng-sanh, đó là một sư-tử, với nghĩa là có sức mạnh tinh thần hơn người. Rồi theo gương các Phật xưa (Câu-Lưu-Tôn, Tỳ-Bà-Thi) mà tu thiện nghiệp, sẽ được nhiều đức tánh (Đa-Bảo). Tâm thanh tịnh lại thêm nhiều đức hạnh, thân tướng sẽ đổi, con người tu hành trong giai đoạn này sẽ "phát tướng" (Bảo-Tướng), kế đó xuất gia, khoát áo ca-sa (Ca-sa-Tràng).

Với sức tiến tu, trí huệ khai mở (Đai-Thông Sơn Vương) và lần lượt mà được tâm yên tịnh như vầng nguyệt sáng, tâm an định (Sơn vương), trí huệ hơn người (Trí-Thắng), không còn bị danh-tướng mê hoặc (Tịnh-Danh), trí huệ giúp cho thành tựu quả giác ngộ giải thoát (Trí Thành-Tựu), đạt đến sự Giác ngộ vô thượng, nghe được tiếng huyền diệu của chân Tâm (Diệu Thanh) và rốt hết đến chổ Hoàn-Toàn (la Perfection) mà Kinh tượng trưng bằng Mản-Nguyệt, Diện-nguyệ: Mặt trăng đầy, Mặt trăng tròn. Đầy và tròn là Hoàn-toàn vậy.

Ý Kinh ở đây dạy chúng-sanh phải bỏ những nhớ nghĩ của thế gian mà nhớ nghĩ đến Đạo và những hạnh cần phải tu tập để đạt đến sự Giác-ngộ, Thanh-tịnh và Giải-thoát hoàn toàn.

Phẩm VII : Lợi Ích Tồn Vong

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật nói: "Bạch Thế-Tôn, tôi quan sát thấy chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, trong mỗi tư-tưởng, không việc nào là chẳng tội lỗi. Vì vậy, dầu gặp những trường hợp có lợi cho điều lành, phần nhiều hay để cho cái tâm quyết làm lành trước kia thối lui, còn gặp duyên ác, thì lòng nghĩ việc ác lúc lúc tăng thêm. Bọn ngườI ấy chẳng khác kẻ vác đá nặng đi trên đất bùn lầy, càng khốn đốn càng thấy nặng, đôi chân thêm lút sâu. Nếu kẻ ấy gặp được bạn lành, thay họ chia sớt hoặc lãnh gánh hết gánh nặng, thì bạn lành ấy phải là người có nhiều sức mạnh. Chẳng những gánh thay mà bạn lành ấy lại còn dìu đỡ và lại khuyên người gánh nặng nên vững chân, rồi khi đến đất bằng, khuyên nên tu tỉnh mà đừng trở lại đi trên con đường nguy hiểm nữa.

"Thế-Tôn, chúng-sanh quen thói làm ác, luôn luôn bắt từ chỗ ác mảy-mún mà đi tới chỗ ác không lường. Khi những chúng-sanh có thói quen làm ác như thế sắp chết, thì người trong thân quyến bất luận nam nữ, nên vì người sắp chết mà làm việc phúc-đức, để như cung cấp lộ phí cho họ. Việc phúc đức ấy là: hoặc treo phan cái, cúng dầu cúng đèn, hoặc tụng đọc Kinh quí, hoặc cúng dường tượng Phật, luôn cả việc niệm danh hiệu chư Phật, Bồ-tát và Bích-chi-Phật, làm sao cho một tên, một hiệu lọt được vào lỗ tai của người sắp chết hay thần-thức của họ nghe được (nếu đã chết rồi). Cứ theo ác nghiệp đã tạo và quả báo phải cảm chịu, người sắp chết phải sa vào ba nẻo dữ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), nhưng nhờ quyến thuộc gieo những nhân lành sạch kể trên, bao nhiêu tội lỗi đều được tiêu diệt. Nếu sau khi người ấy chết rồi thân quyến còn, trong vòng 49 ngày, rộng làm điều thiện vì người chết, thì có thể làm cho người này vĩnh viễn xa lìa ba nẻo ác, được sanh làm người, hay lên trời, hưởng nhiều vui sướng, còn quyến thuộc còn sống được không biết bao nhiêu là lợi ích.

Bởi các lẽ trên, hôm nay trước Phật cùng Thiên, Long tám chúng, hàng người trời, tôi có lời khuyên chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề trong ngày lâm chung (của người thân), chẳng nên giết chóc cùng tạo duyên ác cúng tế quỉ thần, cầu xin ma quái. Tại sao vậy? Tại vì giết chóc và cúng tế như thế không đem lại cho vong linh người chết mảy may lợi ích nào, mà chỉ kết thêm tội duyên làm sâu nặng mà thôi. Giả như trong đời về sau, hoặc trong đời này vì nhờ được một phần nào trong sạch, đáng được sanh vào hàng trời người, nhưng vì khi chết quyến thuộc lại gây nhân ác, thì người mạng chung phải liên lụy chịu sự tai ương, bị đem ra xét xử mà chậm sanh về nơi thiện. Đối với người lành còn thế, hà huống đối với người lúc sanh tiền chưa từng có một rễ lành cỏn-con nào, và như vậy thì mỗi người phải theo nghiệp mình mà tự lãnh một trong ba nẻo ác. Làm sao nhẫn tâm tăng thêm nghiệp ác ho bà con của mình?! Thí dụ có một người từ xa đến, vai gánh trăm cân lại thêm ba ngày hết lương, gặp người hàng xóm bắt vác thêm một ít vật, thì cái khốn khổ của người gánh nặng có phải nặng nề thêm lên không?

"Thế-Tôn, quán sát chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, tôi thấy nếu họ năng theo lời Phật dạy, chỉ làm việc lành bằng sợi lông, giọt nước, hột cát, hột bụi, thì họ tự được sự lợi ích".

Lúc Bồ-tát Địa-Tạng nói mấy lời ấy, trong hội có một trưởng giả tên là Đại-Biện, là người từ lâu xưa đã chứng "Vô-sinh", hóa độ chúng-sanh trong mười phương, nay hiện thân trưởng-giả. Đại-Biện chấp tay cung kính hỏi Bồ-tát Địa-Tạng: "Bạch Bồ-tát, ở cõi Nam Diêm-phù-đề, chúng-sanh nào chết rồi mà thân quyến lớn nhỏ vì họ làm nhiều công đức cho đến thiết lễ trai Tăng, tạo nhiều nhân lành, vậy người chết có được nhiều lợi ích cùng được giải thoát không?".

Bồ-tát Địa-Tạng đáp: "Trưởng-giả, tôi nay xin vì tất cả chúng-sanh trong hiện tại và vị lai, sơ lược nói về việc ấy. Này Trưởng-giả, trong hiện tại cũng như trong vị lai, chúng-sanh nào mà ngày lâm chung, nghe được một danh hiệu của Phật, của Bồ-tát, của Bích-chi-Phật, thì chúng-sanh ấy, bất luận có tội hay không tội, ắt được giải thoát. Dù nam, dù nữ, lúc còn sống mà không gieo nhân lành, tạo nhiều tội lỗi nhưng sau khi chết lại được quyến thuộc lớn nhỏ vì họ mà tạo phúc lợi, bằng tất cả những việc làm lành sạch, thì trong bảy phần công-đức, người chết lượm được một, còn kẻ sống hưởng được sáu. Bởi lẽ này, trai lành gái tốt trong hiện tại, vị lai, nghe lời tôi rồi, nên cố gắng tự tu thì mười phần hưởng trọn.

"Khi quỉ Vô-thường không hẹn mà đến, thì thần hồn người chết vơ vẫn trong chỗ mịt-mờ, chưa biết là có tội hay được phúc. Trong khoảng 49 ngày, thần-hồn như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để chịu sự biện luận về nghiệp quả. Sau khi được xét xử xong, là theo nghiệp mà thọ sanh. Trong lúc chưa lường được, đã chịu ngàn muôn sấu khổ, hà huống đọa vào ba nẻo dữ. Người chết ấy, lúc chưa được thọ sanh, trong khoảng bốn mươi chín ngày, lúc lúc đều mong người cùng máu mủ bà con tạo phúc để cứu vớt họ. Qua 49 ngày rồi thì tùy nghiệp mà thọ báo. Nếu là người có tội, thì phải trải qua trăm ngàn năm mà không có ngày giải thoát. Nếu là người phạm năm tội vô-gián (tội trọng), thì phải sa vào địa-ngục ngàn kiếp, muôn kiếp, chịu nhiều khổ não vĩnh viễn.

Lại nữa, này Trưởng-giả, nếu quyến thuộc cốt nhục vì người tội lỗi mà làm lễ trai-tăng, tư trợ nghiệp-đạo của họ, sau lúc họ mạng chung, thì lúc thiết lễ chưa xong cùng lúc đang làm lễ, chớ đem nước gạo, lá rau, vứt dưới đất, còn các thức ăn, nếu chưa dâng lên Phật và chư Tăng, thì chớ nên ăn trước. Trái lời mà ăn, cùng chẳng tinh sạch ân cần, thì người chết không hưởng được phúc lục cứu bạt nào cả. Nếu tinh cần, giữ gìn trong sạch trong việc dâng cúng Phật Tăng, thì người chết, trong bảy phần phúc đức, hưởng được một phần.

Bởi cớ, này Trưởng-giả, chúng-sanh Diêm-phù, nếu năng vì cha mẹ, bà con mạng chung, thiết lễ trai-tăng cúng dường, hết lòng cầu khẩn, thì đôi đàng, kẻ sống người chết đều được lợi ích".

Lúc Bồ-tát Địa-Tạng nói mấy lời này, tại cung trời Đao-lợi, có trăm ngàn muôn ức na-do-tha quỉ thần cõi Diêm-phù phát tâm Bồ-đề vô lượng.

Trưởng-giả Đại-Biện vui mừng, nhận lãnh lời dạy của Bồ-tát Địa-Tạng, làm lễ rồi lui.

Mật nghĩa:

"Lợi ích tồn vong" có nghĩa là kẻ còn người chết đều được lợi ích.

Phẩm thứ bảy này chia làm hai phần. Phần thứ nhất nói về bổn phận của người sống đối với thân nhân mệnh chung. Nhưng không phải Phật dạy mà Bồ-tát Địa-Tạng bạch. Vậy chúng ta có thể hiểu: cứ lấy tâm mà suy xét thì thấy cái lẽ đừng tạo thêm nghiệp làm nặng gánh cho người quá vãng.

Hễ là chúng-sinh thì sống trong vô-minh, không một tư-tưởng nào mà không trái với Chân-lý (cử tâm động niệm, vô phi thị tội). Vì vậy cho nên, dù gặp duyên lành, phát tâm tu sửa, chẳng bao lâu rồi cũng thối lui, không giữ vững cái nguyện ban sơ; trái lại, gặp dịp làm ác thì xuôi theo mà làm ác càng ngày càng nhiều, chẳng khác người gánh nặng mà đi dưới bùn lầy, càng đi càng lún.

Người gánh nặng sa lầy gặp duyên lành là được người hoặc chia sớt hoặc thay mình mà gánh lại dìu đở cho ra khỏi chỗ nguy. Một khi khỏi nguy rồi, đừng trở lại chỗ bùn lầy nữa.

Người làm ác gặp duyên lành là gặp hàng bạn tốt chỉ việc tu hành, rồi cũng phải như người gánh nặng mà đừng trở lại lối cũ nữa.

Đến lúc gần chết nếu người ác trước không gặp duyên may như nói ở trên, thì thân quyến phải cố tạo phúc để làm nhẹ gánh nghiệp báo của kẻ lâm chung.

Sau khi người ác chết, nếu muốn họ nhẹ gánh nữa, thì nên thiết lễ trai tăng, tụng Kinh, để thần hồn họ nghe lời Phật mà cải hối, chớ đừng giết trâu mỗ lợn cúng tế, khiến cho gánh nghiệp báo của họ đã nặng lại nặng thêm, chẳng khác người đi xa, hành lý nặng nề lại thêm tuyệt thực mà phải gánh thêm một ít vật nữa.

Những lẽ trên đây, nói ra rất dễ hiểu dễ nhận. Nhưng phải là Địa-Tạng Bồ-tát mới nói rõ được, nghĩa là phải những người có Tâm sáng- suốt (minh châu) và cương quyết giải thoát (kim tích) mới nói được. Do đây mà Kinh đặt vào miệng Bồ-tát Địa-Tạng, tượng trưng cho tâm ấy, những lời vừa tóm tắt lại.

Phần thứ hai là câu chuyện đối đáp giữa Trưởng-giả Đại-biện và Bồ-tát Địa-Tạng.

Đại-biện là biện luận rộng ra thêm thông nghĩa lý. Và điểm đem ra biện luận ở đây là : Vì người chết mà tu các công đức, người chết sẽ được lợi ích gì và có được giải thoát không?

Sau đây là lời đáp:

Người ác lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của Phật, của Bồ-tát, thì được giải thoát.

Chết rồi mà thân nhân làm việc phúc đức thì người chết cũng hưởng nhưng trong 7 phần có một, còn 6 phần về người sống - Ở đây, phải chăng ý Phật muốn dạy khéo người sống nên lo tu bồi công đức, vì nếu đợi đến chết mới hưởng công-đức của thân nhân, thì chẳng có bao nhiêu.

Tuy trong 7 phần hưởng được có 1, sự hưởng thọ này còn tùy tâm chí thành chỉ khẩn của quyến thuộc.

Vì người chết mà làm việc phúc đức, người chết hưởng mà kẻ sống cũng hưởng, cho nên gọi là lợi ích tồn vong.

Phẩm VIII: Diêm-La Vương Chúng Tán Thán

Lúc bấy giờ, trong núi Thiết-vi, có vô lượng vua quỉ và vua Diêm La đồng lên cung trời Đao-Lợi, đến chổ đức Phật ở. Các vua quỉ ấy tên là: Ác-Độc quỉ-vương, Đa-Ác quỉ-vương, Đại-Tránh quỉ-vương, Bạch-Hổ quỉ-vương, Huyết-Hổ quỉ-vương, Xích-Hổ quỉ-vương, Tán-Ương quỉ-vương, Phi-Thân quỉ-vương, Điện-Quang quỉ-vương, Lang-Nha quỉ-vương, Đạm-Thú quỉ-vương, Phụ-Thạch quỉ-vương, Chủ-Hao quỉ-vương, Chủ-Họa quỉ-vương, Chủ-Phước quỉ-vương, Chủ-Thực quỉ-vương, Chủ-Tài quỉ-vương, Chủ-Súc quỉ-vương, Chủ-Cầm quỉ-vương, Chủ-Thú quỉ-vương, Chủ-Mỵ quỉ-vương, Chủ-Sản quỉ-vương, Chủ-Mạng quỉ-vương, Chủ-Tật quỉ-vương, Chủ-Hiển quỉ-vương, Tam-Mục quỉ-vương, Tứ-Mục quỉ-vương, Ngũ-Mục quỉ-vương, Kỳ-Lợi quỉ-vương, Đại-kỳ-Lợi-thất-vương, Kỳ-Lợi xoa-vương, Đại-kỳ-Lợi xoa-vương, A-Na-Trá vương, Đại A-Na-Trá vương.

Những đại quỉ-vương như trên, mỗi mỗi cùng trăm ngàn tiểu quỉ-vương, hết thảy đều ở cõi Diêm-phù-đề, mỗi mỗi đều có "sở chấp", "sở trụ". Các quỉ-vương ấy cùng vua Diêm-La, nương oai thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng, đồng đến cung trời Đao-Lợi đứng qua một bên.

Lúc ấy, vua Diêm-La, quì gối chấp tay, bạch Phật nói rằng: "Thế-Tôn! Tôi hôm nay, cùng các vua quỉ, nhờ oai thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng, mới đến được cung trời Đao-Lợi này, và cũng vì chúng tôi đã gặt được lợi lành vậy. Tôi hôm nay có điều nghi nhỏ, dám hỏi Thế-Tôn từ bi giải nói cho chúng tôi nghe".

Phật nói với vua Diêm-la: "Ông hãy nói đi, tôi sẽ vì ông mà nói".

Lúc bấy giờ, vua Diêm-la chiêm ngưỡng lễ bái đức Thế-Tôn, cùng quày lại ngó Bồ-tát Địa-Tạng, rồi bạch Phật: "Bạch Thế-Tôn, tôi xét thấy Bồ-tát Địa-Tạng, tại sáu đường luân hồi, dùng trăm ngàn phương tiện cứu độ chúng-sanh tội khổ, không từ mõi mệt. Thật Địa-Tạng Bồ-tát có những thần thông không thể nghĩ bàn vậy. Thế mà các chúng-sanh thoát khỏi tội báo không bao lâu, lại sa vào nẻo ác. Bạch Thế-Tôn, Bồ-tát Địa-Tạng có thần-lực cứu độ không thể nghĩ bàn như thế, tại sao chúng-sanh không dừng bước ở yên trên đường lành, vĩnh viễn nắm lấy sự giải thoát? Cúi xin Thế-Tôn giải nói cho tôi nghe".

Phật bảo vua Diêm-la: "Chúng-sanh cõi Nam-diêm Phù-đề, cứng đầu cứng cổ, khó dạy khó sửa. Trong trăm ngàn kiếp, Bồ-tát Địa-Tạng hằng lo cứu nhổ tội khổ cho những chúng-sanh ấy để chúng sớm được giải thoát. Thậm chí những kẻ vì tội báo sa vào nẻo ác lớn, Bồ-tát cũng dùng sức phương tiện, nhổ tận gốc rễ nghiệp-duyên, khiến chúng tỉnh thức mà biết những việc của các đời trước. Chính vì chúng-sanh Diêm-phù thói ác kết hợp nặng nề cho nên mới có việc hết ra rồi lại vào, ra vào quay mòng, làm cho Bồ-tát phải mệt lo, trải qua nhiều kiếp, mới độ thoát được. Thí dụ như có người lầm đường về nhà, đi vào một con đường nguy hiểm, nơi ấy có nào quỉ dạ-xoa, nào cọp, sói, sư-tử, rắn rít, bọ cạp. Trong con đường nguy hiểm ấy, người lạc đường kia không bao lâu ắt sẽ ngộ độc. Có một người hiểu biết nhiều pháp thuật lạ, có thể trừ quỉ giải độc, chợt gặp người lầm đường trong lúc người này muốn sấn bước vào nẻo hiểm. Ông ta bèn kêu nói: "Bác kia ơi! Làm gì mà đi vào đường ấy? Bác có phép thuật nào trừ được các thứ độc mà lại dám đi vào đó?"

"Người lầm đường, bổng nghe lời hỏi, mới hay la mình sắp đi vào con đường nguy hiểm, bèn lập tức lui bước để ra khỏi chốn ấy. Khách sáng-biết liền nắm tay người lầm đường dẫn ra khỏi nơi nguy hiểm để khỏi bị hại, thậm chí còn đưa đến đường tốt để được bình an, vui sướng, và nói rằng: "Này ông bạn mê muội ơi! Từ nay về sau, đừng đi trên con đường ấy nữa nhé! Đi vào đấy thì khó mà ra khỏi, lại con tổn thất tánh mạng nữa". Người lầm đường nghe dặn, lòng hết sức cảm động. Lúc từ giã nhau, khách sáng-biết lại dặn: "Có thấy người quen biết, thân quyến cùng kẻ đi đường, bất luận nam nữ, anh nên báo cho họ biết rằng trong đường ấy có nhiều ác độc, có thể làm mất tánh mạng, để họ khỏi tự chuốt cái chết".

Bởi Bồ-tát Địa-Tạng đầy đức đại từ bi, cho nên Bồ-tát cứu nhổ tội khổ cho chúng-sanh, mong cho chúng-sanh được sanh về cõi Nhân, Thiên, hưởng sự sung sướng huyền diệu. Chúng-sanh nào biết rằng đi trên con đường ác nghiệp là khổ, thì khi thoát khỏi nẻo ấy, vĩnh viễn không trở lại. Cũng như kẻ lầm đường, vào nơi nguy hiểm, gặp người sáng-biết, dắt dẫn ra khỏi, vĩnh viễn không vào trở lại, rồi khi gặp người khác, lại khuyên người chớ bén mảng nơi ấy. Tự nhiên mà lìa cái nguyên-nhân mê-muội lạc đường, rồi không còn trở lại nữa. Nếu còn trở lại đi trên con đường ấy là còn mê lầm, chẳng thức tỉnh việc đã qua, quên mất con đường hiểm đã phải sa vào hoặc cái nạn gần mất tánh mạng. Những chúng-sanh đã rơi vào nẻo ác, nếu đã được sanh về cõi Nhân Thiên mà còn trở lại đường ác, nghiệp chướng nặng nề, thì phải ở địa-ngục mãi không lúc nào ra khỏi".

Lúc bấy giờ, vua quỉ Ác-Độc, chấp tay cung kính bạch Phật: "Bạch Thế-Tôn, chúng tôi, vua quỉ, đông không thể biết số, tại cõi Diêm-phù, hoặc làm lợi ích, hoặc làm tổn hại loài người, không việc làm của quỉ vương nào giống quỉ vương nào. Nhưng vì nghiệp-báo sai sử cho nên dòng họ tôi mới đi khắp thế-giới nhiều dữ ít lành. Đi qua sân nhà người, hoặc thành, ấp, xóm làng, trại vườn, buồng, nhà, gặp đàn ông, đàn bà nào làm được một việc lành bằng đường tơ kẽ tóc, cho đến treo một lá phan, một bảo cái, dâng một cây hương con, dùng một đóa hoa nhỏ cúng dường tượng Phật và Bồ-tát, hoặc đọc tụng Kinh quí, đốt hương cúng dường một bài kệ, chúng vua quỉ chúng tôi kính lễ những người ấy như kính lễ chư Phật trong ba đời hiện tại, vị lai và quá khứ. Chúng tôi còn ra lệnh cho các quỉ nhỏ, mỗi quỉ đều có sức mạnh lớn, cùng các thần thổ-địa che chở cho những người ấy, chẳng cho việc dữ, tai nạn, bệnh ngặt, bệnh thình lình và những việc không vừa ý đến gần nhà họ ở, đừng nói là vào cửa".

Phật khen vua quỉ: "Hay lắm! Hay lắm! Chúng ngươi và các vua Diêm-la mà năng ủng hộ những trai lành, gái lành như vậy thì ta sẽ ra lệnh cho Phạm-vương, Đế-Thích che chở các ngươi".

Lúc Phật nói mấy lời này, trong hội có một vua quỉ tên là Chủ-mạng (chủ mạng sống) bạch Phật rằng: "Thế-Tôn, nghiệp-duyên căn bản của tôi là làm chủ mạng sống của loài người ở cõi Diêm-phù-đề, giờ sanh, giờ chết của loài người đều do tôi định đoạt. Ai theo đúng lời nguyện căn-bản của tôi thì được lợi ích lớn. Nhưng tại vì chúng-sanh không thầm hiểu được ý tôi cho nên tự làm cho lúc sanh cũng như khi chết đều không được an. Tại sao thế? Người cõi Diêm-phù này, lúc mới sanh ra, bất luận trai gái, hoặc lúc sắp sanh, chỉ nên làm việc lành để thêm sự lợi ích cho nhà cửa và khiến cho thổ-địa vui mừng khôn xiết, ủng hộ cả mẹ lẩn con được nhiều an vui và làm lợi ích cho bà con. Hoặc khi sanh con rồi, chớ nên sát hại (thú vật) để lấy phần ngon tươi cung cấp cho người mẹ, cũng chớ nên mời bà con đông đảo, rượu thịt khoản đãi, đờn ca xướng hát mà làm cho mẹ con chẳng đặng an vui. Tại sao vậy? Vì lúc sanh sản khó khăn, có vô số quỉ ác và ma quỉ chực ăn huyết đỏ. Do đây tôi mớI sớm ra lệnh cho các thần trong nhà, trong cuộc đất, bảo hộ người mẹ và đứa trẻ mới sanh cho được an vui và lợi ích. Nhừng người ấy, được an vui như thế, thì nên làm phước làm lành đáp ơn thổ-địa. Trái lại, nếu sát hại thú vật, tụ hội bà con chè chén thì đó là tự mình gây tội lỗi phải tự chịu tai ương, mẹ con đứa trẻ sơ sanh phải có điều tổn hại.

"Lại nữa, đối với người cõi Diêm-phù bất luận hiền dữ, hễ họ đến lúc sắp chết, tôi đều muốn cho họ, sau khi chết rồi, không sa vào nẻo ác. Nếu là người đã tự tu căn lành, thì sức cứu độ của tôi được tăng thêm biết bao.

"Dầu là người làm lành của cõi Diêm-phù-đề, đến giờ mạng chung, còn có trăm ngàn quỉ thần của nẻo ác, hoặc biếm làm cha mẹ, hoặc biến làm bà con, dắt dẫn vong linh người chết vào nơi nẻo ác. Người lành mà còn bị dắt dẫn như thế hà huống người lúc sống vốn quen làm ác.

"Bạch Thế-Tôn, kẻ nam người nữ cõi Diêm-phù-đề, khi giờ chết sắp đến, thần-thức mê muội, chẳng phân biệt được thiện ác, còn mắt tai thì không còn nghe thấy nữa. Bà con lúc ấy nên thiết lễ cúng dường lớn lao, đọc tụng Kinh báu, niệm danh hiệu chư Phật, Bồ-tát. Tạo được thiện duyên này thì làm cho vong linh xa lìa ác đạo được, các ma, quỉ, thần, đều phải thối lui và giải tán.

"Bạch Thế-Tôn, tất cả chúng-sanh, nếu lúc sắp chết mà nghe được một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ-tát, hoặc nghe được một câu, một kệ của Kinh-điển Đại-thừa, thì theo chỗ tôi xét thấy, ngoại trừ 5 tội trọng, đều được giải thoát các ác nghiệp nhỏ mà lẽ ra phải làm cho họ sa đọa vào ác đạo".

Phật bảo Quỉ-vương Chủ-Mạng: "Người có lòng từ lớn lắm mới phát được nguyện to như thế, là trong chổ sanh tử, ủng hộ tất cả chúng-sanh. Vậy trong đời vị lai, ngươi chớ nên thối bước trong hạnh nguyện ấy, để cho chúng-sanh, đến giờ sanh cũng như đến giờ chết, đều được giải thoát và an vui mãi mãi".

Chủ-Mạng Quỉ-vương bạch Phật: "Xin Thế-Tôn chớ lo, cho đến hết thân này, tôi luôn luôn ủng hộ chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, khiến cho họ, lúc sống, lúc chết đều được an vui. Chỉ nguyện có một điều, là lúc sống, lúc chết, chúng-sanh tin giữ lời tôi, thì không bao giờ mà chẳng đặng giải thoát và thâu lượm nhiều sự lợi ích".

Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Địa-Tạng: "Quỉ-vương này là người làm chủ mạng sống; ông ta từng trải qua trăm ngàn đời làm Đại Quỉ-vương để ủng hộ chúng-sanh trong lúc sống cũng như trong lúc chết. Thật ra đó là một vị Bồ-tát, vì lời nguyện từ bi, hiện thân Đại quỉ để hộ chúng-sanh, chớ không phải quỉ vậy. Về sau, quá một trăm bảy chục kiếp, Bồ-tát ấy sẽ thành Phật, hiệu là Vô-Tướng Như-Lai, kiếp tên An-Lạc, thế-giới gọi là Tịnh-Trụ. Phật Vô-Tướng sống lâu không biết bao nhiêu kiếp mà kể. - Này Bồ-tát Địa-Tạng, sự tích của Đại Quỉ-vương là như vậy, không làm sao nghĩ bàn cho được. Những hàng Trời, người được Quỉ-vương độ đông cũng không biết bao nhiêu mà nói".

Mật nghĩa:

"Diêm-la vương chúng tán thán" nghĩa là: Các vua cõi Diêm-la (âm phủ) khen ngợi. - Khen ngợi ai, khen ngợi điều gì? Khen ngợi người làm lành, người biết cúng dường Phật-bảo, Pháp-bảo.

Những Quỉ-vương (vua quỉ) nói trong phần đầu phẩm thứ tám, không phải những ma quỉ tin tưởng ở thế-gian, mà là những tư tưởng, ý niệm của chúng ta, hay nói cho đúng là của những chúng-sanh sống trong đen tối của ngu dốt đạo-lý (vô-minh) mà Kinh ví như địa-ngục trong núi Thiết-vi. Toàn những tư tưởng, ý niệm của một người hợp thành tâm của người ấy. Tâm ai ác độc là người ấy có Ác-độc Quỉ-vương, tâm ai có nhiều ác là Đa-ác Quỉ-vương, tâm ai hay tranh chấp là có Đại-tránh Quỉ-vương, tâm ai muốn ăn tươi nuốt sống kẻ nghịch kẻ thù của mình, là có Bạch-hổ, có Huyết-hổ Quỉ-vương. Tâm ai ưa xâu xé, là có Lang-nha Quỉ-vương (Quỉ-vương có răng của chó sói); tâm ai chỉ nghĩ đến việc ăn uống, là có Chủ-thực Quỉ-vương; tâm ai chỉ hướng về chổ tiền bạc, là có Chủ-tài Quỉ-vương; tâm ai hay thèm, hay tìm ngó, là có con quỉ ba mắt, bốn mắt trong lòng (Tam-mục, Tứ-mục Quỉ-vương)...

Quỉ thì phải ở địa-ngục; tư tưởng ác xấu phải ở trong vô-minh, trong địa-ngục vô-minh. Cớ sao quỉ lại lên cõi trời Đao-lợi là nơi dành cho bậc lành sạch được?

Kinh dạy: Lên được là nhờ oai-thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng.

Phật là Giác, vậy nhờ oai-thần của Phật là nhờ sự Giác-ngộ. Địa-Tạng, tượng trưng cho Tâm, vậy nhờ sức mạnh của Địa-Tạng, là nhờ sức cương quyết giải-thoát và sự sáng suốt của Tâm.

Vậy nghĩa kín của đoạn Kinh này là: Nhờ sự cương quyết giải thoát của tự tâm mỗi người (Đia-Tạng Bồ-Tát lực) và sự Giác-ngộ, những "tư tưởng ác độc vì ngu muội" có thể đăng thiên, nghĩa là trở nên lành, và người có những tư tưởng ấy có thể góp mặt với đám người thuần thiện.

Nhưng tâm ai không có những cơn ăn năn hối ngộ, cớ sao vừa ăn năm lỗi mình đó, rồi lại phạm tội nữa? Đó là nghĩa ẩn của câu hỏi: "Tai sao Bồ-tát Địa-Tạng hết sức cứu độ chúng-sanh, mà chúng-sanh, một khi đã được giải thoát tội lỗi, không chịu đứng yên trong đường lành, mà lại trở vào nẻo dữ?"

Phật giải: Ấy tại vì chúng-sanh cứng đầu cứng cổ, khó dạy, khó bảo. Và sở dĩ chúng-sanh cứng đầu cứng cổ là vì đã nhiều đời nhiều kiếp kết nối nhiều tập quán làm ác làm sai. Bởi lẽ này, Bồ-tát Địa-Tạng phải dày công hóa độ nhiều kiếp mới giải thoát được. Nghĩa là chúng-sanh phải tự mình cương quyết giải thoát và tu hành nhiều đời nhiều kiếp mới có kết quả.

Trong thí-dụ người lạc đường, người này tiêu biểu cho chúng-sanh lạc lối, lẽ phải đi trên con đường êm đẹp của thiện nghiệp lại lầm vào nẻo ác, có nhiều độc hại. Gặp hàng tri-thức (người biết đạo lý, sáng suốt, hoặc thầy, hoặc bạn, hoặc kinh, hoặc sách) chỉ cho thấy những độc hại ấy thì nên theo sự dìu dắt sáng suốt của tri-thức mà ra khỏi mê-đồ, đừng tái nhập mà bị hại. Chẳng những thế, một khi ra khỏi chổ nguy, nên ngăn bảo những người khác, quen biết cũng như không quen biết, đừng để họ lầm lẫn như mình trước kia.

Ra khỏi đường nguy mà còn trở lại rồi tật nào nghiệp nấy, vô minh thêm sâu dày thì khó mà ra khỏi sự hắc ám này.

Nhưng tư tưởng, ý niệm của chúng ta đâu có cố định là thiện hay là ác. Tùy ta mà những quỉ làm hại sẽ trở thành những quỉ ủng hộ. Nói một cách khác, tùy ta mà những tư-tưởng, ý niệm của chúng ta, trước dữ độc, sau trở nên hiền lành, không chiêu họa mà gọi sự phước đức đến với ta. Tùy ở chổ chúng ta quày về với cái Thiện, với đạo-đức: chỉ làm được một việc lành bằng sợi tơ sợi tóc, chỉ biết đốt một cây hương nhỏ, chỉ biết cúng Phật một đóa hoa con, cũng đủ rồi. Nhưng đó mới là kính trọng Phật-bảo. Còn phải biết kính trọng Pháp-bảo, là đọc tụng và kính trọng Kinh điển là lời Phật dạy, để biết, để hiểu mà theo đó tu hành ăn năn sửa lỗi.

Lại nữa, người đời ai không muốn "sanh thuận tử an". Muốn được như lòng, thì đừng làm việc ác độc, giết gà mỗ lợn ăn mừng ngày sanh, vì làm như thế là tạo nghiệp ác cho đứa trẻ mới sanh. Khi chết, cũng đừng vật trâu ngã bò cúng tế mà làm nặng gánh kẻ ra đi mà nên tụng kinh niệm Phật cho vong-linh thức tỉnh mà xa lìa nẻo ác.

Phẩm IX: Xưng Phật Danh Hiệu

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật nói rằng: "Bạch Thế-Tôn, tôi nay xin vì chúng-sanh trong đời vị-lai, nói về sự lợi ích của sự xưng danh hiệu Phật, để trong chỗ sanh, tử, họ được lợi ích lớn. Cúi xin Thế-Tôn nghe lời tôi nói".

Phật bảo Bồ-tát Địa-Tạng: "Ông nay muốn dấy từ bi cứu bạt tất cả chúng-sanh tội khổ trong sáu đường mà nói sự khó nghĩ bàn, htì bây giờ đây chính là lúc nên nói. Vậy hãy nói mau đi, (vì) ta sắp vào Niết-bàn, để cho ông sớm tròn nguyện của ông, còn ta cũng khỏi lo âu cho tất cả chúng-sanh trong hiện-tại và vị-lai".

Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật nói rằng: "Bạch Thế-Tôn, trong quá khứ cách nay vô lượng vô số kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Vô-Biên-Thân Như-Lai. Nếu có kẻ nam, người nữ nào, nghe danh Phật, tạm sanh lòng cung kỉnh, thì liền được thoát khỏi tội nặng của bốn mươi kiếp sanh-tử, hà huống đấp, vẽ hình tượng Phật rồi cúng dường, khen ngợi, thì phúc đức thu lượm được vô lượng vô biên.

"Lại nữa, trong thời xưa cách nay một số kiếp nhiều như cát sông Hằng, có một đức Phật ra đời, hiệu là Bảo-Thắng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh hiệu của đức Phật này và trong khoảnh khắc phát tâm quy-y, thì người ấy, trên đường Vô-thượng- giác, vĩnh-viễn không hề lui bước.

"Lại nữa, trong thời xưa, có một đức Phật xuất thế, hiệu Ba-Đầu Ma-Thắng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào được danh hiệu của Phật lọt vào tai, thì người ấy sẽ được sanh trở về cõi trời Lục-Dục một ngàn lần, hà huống hết lòng xưng niệm.

"Lại nữa, trong thời xa xưa không thể nói là cách nay bao nhiêu vô lượng kiếp, có một đức Phật xuất thế, hiệu là Sư-Tử-Hống Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật rồi một lòng qui-y, thì người ấy gặp được vô lượng chư Phật xoa đầu thọ ký.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có một đức Phật xuất thế, hiệu là Câu-Lưu-Tôn. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, hết lòng chiêm ngưỡng và lễ bái hoặc tán thán (khen ngợi) thì người ấy trong Kiếp Hiền ngàn Phật ra đời được làm Phạm-vương và được thọ ký quả Phật.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, hiệu là Tỳ-Bà Thi. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật thì vĩnh viễn không rơi vào ác-đạo mà thường sanh về cõi Người, cõi Trời, hưởng sự khoái lạc huyền diệu và tốt đẹp hơn hết.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, cách nay vô lượng vô số kiếp nhiều như cát sông Hằng, có một đức Phật ra đời, hiệu là Đa-Bảo Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, thì cuối cùng không đọa vào nẻo ác, thường ở cõi Trời hưởng sự vui sướng nhiệm mầu hơn hết.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có một đức Phật ra đời, hiệu Bảo-Tướng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe được danh Phật, sanh lòng cung kính, thì người ấy không bao lâu được quả A-la-hán.

"Lại nữa, trong thời xa xưa, cách nay vô lượng kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Ca-sa-Tràng Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, thì thoát khỏi tội lỗi của một trăm đại kiếp sanh tử.

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có một đức Phật ra đời, hiệu là Đại-Thông-Sơn-Vương Như-Lai. Nếu có kẻ nam người nữ nào nghe danh Phật, thì người đó gặp chư Phật nhiều như cát sông Hằng vì họ mà rộng nói Pháp, nhờ đó mà người ấy thành quả Bồ-đề (trở thành giác-ngộ).

"Lại nữa, trong thời quá khứ, có Phật Tinh-Nguyệt, Phật Sơn-Vương, Phật Trí-Thắng, Phật Tịnh-Danh-Vương, Phật Trí Thành-Tựu, Phật Vô-Thượng, Phật Diệu-Thanh, Phật Mãn-Nguyệt, Phật Nguyệt-Diện, v.v.. nhiều Phật như vậy không thể kể xiết. Tất cả chúng-sanh trong hiện tại, vị-lai, hoặc Trời, hoặc người, hoặc nam, hoặc nữ, nếu chỉ niệm được danh hiệu của một Phật, thì được công-đức vô-lượng, hà huống niệm nhiều danh Phật. Những chúng-sanh ấy, lúc sanh, lúc chết, tự được lợi ích lớn, rốt cuộc chẳng đọa vào nẻo ác.

"Nếu đến lúc gần chết mà trong nhà quyến thuộc, dầu là một người thôi, vì người bệnh hấp hối, lớn tiếng niệm một danh hiệu Phật, thì người sắp chết trừ được tội lớn Ngũ-vô gián, còn dư bao nhiêu nghiệp báo khác cũng được tiêu diệt. Năm tội lớn vô-gián ấy, tuy hết sức là nặng nề, dầu trải ức kiếp vẫn không ra khỏi, sẽ lần hồi tiêu diệt, nhờ lúc sắp chết có người niệm danh hiệu Phật. Gần chết, nhờ người niệm Phật mà còn được đại lợi như thế, hà huống tự mình xưng danh Phật, tự mình nhớ nghĩ đến Phật, trong trường hợp này thì được vô lượng phúc đức, diệt trừ vô-lượng tội khổ.

Địa-Tạng bổn hạnh
Thệ nguyện hoằng thâm
Minh châu, Tích trượng độ chúng sanh
Địa-ngục khổ vô cùng
Tinh tấn kiền thành
Miển đọa khổ trầm luân
Nam-mô Thường-trú thập phương Pháp
Hạnh riêng của Địa-Tạng
Là lời thệ nguyện rộng sâu
Gậy vàng ngọc sáng, độ chúng sanh
Khổ ở địa-ngục không cùng
Vậy nên tinh tấn, kiền thành
Để khỏi đọa vào biển khổ nổi chìm
Nam-mô Thường trú Thập phương Pháp

Mật nghĩa:

Tên của phẩm thứ chín là: Xưng Phật danh hiệu. Nghĩa: Xưng tên của chư Phật.

Tất cả chư Phật nói trong Kinh đều thuộc về thời xưa và cách nay không biết bao nhiêu triệu ức năm mà nói. Vậy nên hiểu là không phải những Phật có lịch-sử, mà toàn là những danh hiệu tượng trưng.

Ai nghe danh hiệu của Phật là người ấy đã biết có cái Vô-biên, tức là cái Tuyệt-đối hay Đạo. Biết Đạo rồi thì phải nghĩ đến cái quí của Đạo, một cái quí mà không bảo vật nào ở thế-gian bằng. Đó là nghĩa cửa Bảo-Thắng. Ba-đấu-ma là phiên âm cửa Phạn-ngữ Padma, nghĩa là hoa sen đỏ. Nhớ Đạo, quí Đạo, tất phải giữ giới và được thanh tịnh, tiêu biểu bởi hoa sen. Làm được người thanh tịnh rồi, thì trong hàng chúng-sanh, đó là một sư-tử, với nghĩa là có sức mạnh tinh thần hơn người. Rồi theo gương các Phật xưa (Câu-Lưu-Tôn, Tỳ-Bà-Thi) mà tu thiện nghiệp, sẽ được nhiều đức tánh (Đa-Bảo). Tâm thanh tịnh lại thêm nhiều đức hạnh, thân tướng sẽ đổi, con người tu hành trong giai đoạn này sẽ "phát tướng" (Bảo-Tướng), kế đó xuất gia, khoát áo ca-sa (Ca-sa-Tràng).

Với sức tiến tu, trí huệ khai mở (Đai-Thông Sơn Vương) và lần lượt mà được tâm yên tịnh như vầng nguyệt sáng, tâm an định (Sơn vương), trí huệ hơn người (Trí-Thắng), không còn bị danh-tướng mê hoặc (Tịnh-Danh), trí huệ giúp cho thành tựu quả giác ngộ giải thoát (Trí Thành-Tựu), đạt đến sự Giác ngộ vô thượng, nghe được tiếng huyền diệu của chân Tâm (Diệu Thanh) và rốt hết đến chổ Hoàn-Toàn (la Perfection) mà Kinh tượng trưng bằng Mản-Nguyệt, Diện-nguyệ: Mặt trăng đầy, Mặt trăng tròn. Đầy và tròn là Hoàn-toàn vậy.

Ý Kinh ở đây dạy chúng-sanh phải bỏ những nhớ nghĩ của thế gian mà nhớ nghĩ đến Đạo và những hạnh cần phải tu tập để đạt đến sự Giác-ngộ, Thanh-tịnh và Giải-thoát hoàn toàn.

[1] Thiên, Long bát bộ: Tám loại: Thiên (trời), Long (rồng), Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la (Phi-thiên), Ca-lâu-la (Kim-thúy-điểu), Khẩn-na-la (Phi-nhân), Ma-hầu-la-ca (đại mảng thần). Vì Thiên, Long đứng đầu trong 8 bộ chúng này, cho nên Kinh điển thường nói tắt: Thiên-Long bát bộ.

[2] Diêm-Phù-đề: 1 trong 4 châu của thế-giới Ta-bà, tức trái đất này. Cũng gọi là Thiềm-bộ hay Nam Thiềm-bộ-Châu.

[3] Hiền-kiếp (Bhadra-kalpa): Kiếp là một thời kỳ, chia có đại kiếp, trung kiếp, tiểu kiếp. Đây là nói thời-kỳ có nhiều Phật ra đời.