Xuân Cảnh - Trần Nhân Tông

Wednesday, 27 February 20198:27 PM(View: 8771)
Xuân Cảnh - Trần Nhân Tông

Xuân cảnh” (Cảnh xuân) là một bài thơ thất ngôn, tứ tuyệt (7 chữ 4 dòng), chỉ có 28 chữ ngắn gọn, đã diễn tả được một nét đẹp ngoại cảnh, của cuộc sống và sự an nhiên, tự tại của tâm hồn nhà thơ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

 

Gs Nguyễn Huệ Chi dịch :

Cảnh xuân

Chim nhẫn nha kêu, liễu trổ dày, 
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay. 
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế, 
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

 

Hải Hà dịch :

Cảnh xuân

Lặng lẽ chim trời hót liễu xanh 
Chiều buông mây phủ vẽ thềm tranh 
Chẳng ai cùng khách bàn nhân thế 
Mãi ngắm màn đêm đứng tựa thành.

 

Phan Thành Khương dịch :

Cảnh xuân

Đám hoa liễu rậm, chim hót chậm;

Bên mái tranh vàng, mây chiều bay.

Khách đến chẳng hỏi chi chuyện thế,

Chỉ tựa lan can nhìn mê say.

 

Bài dịch theo Thi viện :

Cảnh xuân

Chim kêu hoa liễu nở đầy 
Họa đường thềm rợp bóng mây may 
Khách vào chẳng bàn chuyện thế sự 
Đứng tựa lan can ngắm cảnh trời.

 

Bài thơ “Xuân cảnhcó lẽ Đức vua Trần Nhân Tông viết khi đã nhường ngôi cho con là Trần Thuyên - Trần Anh Tông (1293 - 1314) để lên núi Yên Tử tu Thiền và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tả cảnh mùa xuân nơi am thanh chiều vắng, có hoa dương liễu trổ dày, có tiếng chim kêu líu lo, nhẩn nha, chậm rãi; trên bầu trời thì  áng mây chiều đang lướt bay bồng bềnh, nhẹ nhàng. Trong cảnh tịch tĩnh yên ắng ấy, có vị khách đến thăm, chẳng hỏi chuyện nhân gian, thế sự, cũng không tham vấn về Thiền mà chỉ đứng tựa lan can bên thềm hoa cùng với Thiền sư nhìn ngắm màu xanh nhạt nhòa, mờ mịt ở nơi chân trời xa. Cảnh hiện thực trong buổi tà dương đến đây đã biến thành tâm cảnh. Chủ và khách cùng im lặng, trong cảnh thiên nhiên vắng lặng... Cảnh vật và lòng người như hòa làm một. Chủ cũng thế mà khách cũng thế. Cái vô ngôn ở cuối bài thơ như thể hiện ý vị Thiền đạo, đạt đến chỗ giải thoát.

Cuộc sống trôi qua thật nhẹ nhàng, êm đềm, thanh thoát: hoa liễu nở tưng bừng, chi chít, chim hót chậm rãi, líu lo, mây chiều đang bay lang thang, nhẹ nhàng, lửng thửng … Và, người khách đến chơi nhà “chẳng hỏi chi  thế sự”, chẳng hỏi chuyện đời, chuyện người, chuyện thế gian… Chẳng hỏi không phải do thờ ơ, vô tâm, không phải mặc kệ, mà chỉ vì chẳng có điều gì phải hỏi, phải bận tâm.

Xã hội Đại Việt, đất nước Đại Việt dưới thời Vua Trần Nhân Tông, sau hai lần quật ngã bọn xâm lược phương Bắc là một xã hội, một đất nước thái bình, an lạc.

Xuân cảnh” của Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ được gợi cảm hứng từ một sự giao mùa, từ đất trời tự nhiên mà chủ yếu là được phát sinh từ một tâm hồn xuân, từ một cõi lòng xuân.

Đọc bài thơ “Xuân  cảnh” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng ta khát khao phục hưng mùa xuân thời Trần, đất nước thanh bình, mùa xuân mà “khắp thôn cùng xóm vắng, đâu đâu cũng không có tiếng hờn giận, oán sầu” (Nguyễn Trãi)

Đúng, thơ là tiếng lòng, là tiếng nói cảm xúc của thi nhân trước hiện thực. Phan Phu Tiên trong lời tựa Việt âm thi tập đã viết: “Tâm hữu sở chi, tất hình ư ngôn. Cố thi dĩ ngôn chí dã.” (Trong lòng có điều gì, tất thể hiện ra lời nói. Cho nên, thơ là để nói cái chí vậy). Chí ở đây cũng là tâm, là cảm xúc, là tấm lòng. Cảm hứng mùa xuân trong bài thơ “Xuân cảnh” của đức Vua – Phật hoàng -  Sơ tổ dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là như thế!

 

Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần  Nhân Tông nhập niết-bàn (1308 - 2013)
Trí Bửu, Nha Trang -Khánh Hòa 01.12.2013)