Giới Thiệu Chứng Đạo Ca
Có người nói: “Những tác phẩm lớn, lớn dần theo nhịp thời gian.” Đó là trường hợp của khúc trường ca CHỨNG ĐẠO của nhà thơ áo nâu Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713). Khúc ca ra đời cách đây trên 12 thế kỷ mà tưởng như mới hôm nào, chữ chưa ráo mực. Quyền lực của thơ là vậy, từ trong thời gian bước qua ngưỡng cửa âm thanh mà đi vào vĩnh cửu.
Thật vậy, thơ xuất hiện trong trường hợp lạ lùng nào đó, khi tinh thần căng thẳng với một cảm xúc vút cao, con người bỗng dưng như bị chụp phải bởi một cái gì mạnh hơn mình, ôm choàng lấy mình, và ưu ái vứt mình giữa cảnh:
“Xuân đến trăm hoa nở”
Xuân là trường xuân, có từ vô thỉ. Nên hoa cũng có đến vô chung. Và nay hoa vẫn còn đó, như niêm trong bí mật ngàn đời:
“Hoa lưu động khẩu ưng trường tại.”
Hoa vẫn “tại” - tự tại - ở cửa động Thiên Thai, từ lúc Lưu Nguyễn ra đi, rồi trở lại, rồi mãi mãi. Mà hoa vẫn “lưu” – luân lưu – trong dòng trôi chảy của nhân sinh. Tự bao giờ đến bây giờ, hoa vẫn tại mà lưu, lưu mà tại. Hoa vẫn động mà bất động. Đó là một siêu thực. Cũng như Giê Xu vẫn động mà bất động, vẫn siêu thực.
“Trước khi có Ápraham đã có Ta.”
Cũng như Thích Ca vẫn động mà bất động, vẫn siêu thực.
“Ta thành Phật từ vô lượng vô số vô biên kiếp nào trước khi có thế gian này.”
Cái siêu thực ấy, nhà thơ Trần Quốc Tảng cực tả như sau qua mối lái của hoa và trăng:
“Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cựu niên hoa.[25]”
Đó là cái không thể nghĩ. Ta đừng nên hỏi thêm. Hỏi, ắt nhà thơ không biết trả lời cách nào khác hơn là đọc… thần chú:
Hoặc vấn như hà vi cứu cánh
- Ma ha bát nhã tát bà ha[26]
Trăng đêm trước là mộng
Trăng đêm nay là thực.
Trăng đêm trước tức là trăng đêm nay.
Thực nở trong mộng.
Mộng nở trong thực.
Thực và mộng dung thông nhau trong siêu thực.
Vậy đâu là thực? Và đâu là mộng?
Mộng tức là thực.
Không biết.
“Vắt tay nằm nghĩ chuyện lần khân
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt.”
(Cao Bá Quát)
Ý thức cái “cũng hệt” ấy là ý thức cái siêu thực.
Thật vậy, con người chúng ta không bao giờ hết mộng. Đó là cái may mắn cuối cùng tạo hóa dành cho con người. Mộng đẩy lui cho ta những giới hạn của trí thức. Mộng mở rộng cho ta những giới hạn của thân phận người. Có thể nào con người chúng ta đành nhỏ hẹp lại giữa những khuôn khổ do chính ta tạo ra bằng khối óc và bàn tay? Không. Thơ là tiếng nói “không” ấy. Không phải mới ngày nay, mà tự thuở nào, khi thằng Bờm không chịu đổi cái quạt mo cho phú ông để lấy bò trâu ruộng đất, khi Cao Bát Quát, bướng bỉnh trong bất mãn, chà đạp lên trên thân phận người trong một niềm đau thương cháy bỏng:
“Ngã diệc chi phi ninh tác ngã,Nhân vô bất thị thả khan nhân.[27]”
Mang một vết thương, nặng một lời từ khước, tự đời nào thơ vẫn nói “không” với tình đời. Thơ vẫn mộng cái - thực - của – cái - thực: cái siêu thực. Và thơ thành tựu cái siêu thực ấy bằng phương tiện mỹ cảm. Trong những giây phút nhập thần, giữa một vòng tay say đắm, thơ bỗng dưng ôm choàng lấy cuộc sống, cuộc sống đại đồng, không mộng mà cũng không thực, cuộc sống thường nhiên,không thiên nhiên mà cũng không siêu nhiên, cuộc sống vĩnh cửu, không hoa năm mới mà cũng không hoa năm cũ. Thơ là thuật dung thông ấy thành tựu ngoài tất cả giới hạn của lý trí. Nên thơ bao giờ cũng dính liền với cuộc sống, gắn liền với con người – vì thơ là mộng:
“Người thơ đã có trong con người ăn lông ở lỗ, người thơ vẫn sẽ có trong con người thời nguyên tử, vì người thơ là một phần tử bất khả phân của con người. Chính từ sự đòi hỏi của thơ, của tâm, phát sanh tôn giáo, và nhờ duyên thơ mà tia lửa thiêng sống mãi trong khối đá người. Khi mọi thần thoại sụp đổ hết thì thơ là chỗ ẩn cuối cùng của cái tối linh.[28]”
Thật vậy, bi kịch của cuộc sống là con người chúng ta có đến hai mặt. Như nguyệt cầu, ta sống có nửa phần người, mặt này sáng lên là ngả bóng che khuất – và chối bỏ mặt kia. Ta chỉ có thể là thực hoặc mộng, là phu du hoặc vĩnh cửu, là trăng đêm nay hoặc là trăng đêm trước. Tôi là tôi. Tôi không thể là người khác. “Người khác là địa ngục.”
Mà người khác là ai? Mời mọc họ? Ta không dám. Chối bỏ họ. Họ vẫn có mặt đó, tự bao giờ. Họ và ta dệt nên tấm màn tâm lý bằng canh mâu chỉ thuẫn. Ta mang những mâu thuẫn ấy dạo qua sông núi. Sông núi mâu thuẫn theo. Và cuộc sống đắm trong bóng tối, chìm trong nước mắt. Có thể như thế được chăng, những người sống có nửa phần người, những người mang thân phận “sous-hommes”?
Đốt cháy từ đau khổ ấy, nung nấu bằng vết thương ấy, thúc đẩy từ sự từ khước ấy, thơ vươn lên bằng mộng, và vượt qua, trong khoảnh khắc nhập thần, tất cả
“Lò cừ nung nấu sự đời”
Tất cả
“Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.”
Xin chào!
Xin chào!
Thơ đã nối liền hai đối cực của cuộc sống.
Một kỳ công, “đầu tiên và cuối cùng”, đạt được tự trong tay của những người chưa hề được nhận là “có lý” của những
“Thằng bé nó hay chơi.”
những thằng bé trinh trắng, lồ lộ khuôn mặt thần thoại, khuôn mặt muôn đời - bổn lai diện mục. Trong trò chơi ấy hiện thực cuộc sống “một,” vũ trụ “một,” con người “một.” Trong trò chơi ấy,
“Sống và chết, thực và mộng, quá khứ và vị lai, trên và dưới, không gì mâu thuẫn nhau hết.[29]”
Thì ra những gì siêu việt nhất con người có thể thành tựu đều là trò chơi. Sống là chơi. Làm văn nghệ là chơi. Yêu là chơi. Làm thiện là chơi. Cho đến nhập định cũng là chơi nốt – du hí tam muội. Không gì chẳng là trò chơi. Trò chơi của những thằng bé. Con người muôn thuở vẫn là thằng bé.
Dòng năng lực luân lưu trong vũ trụ có già bao giờ đâu!
Ở đây, Thơ gặp Đạo
Thi sĩ là “thằng bé nó hay chơi.”
Đạo sĩ là “đứa anh nhi nằm trong lòng mẹ.”
Mang kiếp thương vay, người thơ đau nỗi đau của thế nhân gắn liền vào nỗi đau của nhân thế:
“Khanh thị hà nhân ngã thị thùy?”
Trộn lẫn vào cát bụi, người đạo lấy tâm thiên hạ làm tâm minh, chung một nhịp cảm thương vô hạn:
“Bồ Tát Duy Ma bịnh vì chúng sanh bịnh.”
Thơ và đạo thành tựu trong cuộc sống cái tâm đại đồng, bao hàm cả quá khứ và vị lai, cả không gian và thời gian, cả nghệ thuật và nhân sinh, cả riêng và tư, cả tri và hành, bao hàm tất cả, và chảy tan – tiêu dung - tất cả. Con người hiện nguyên hình là điểm anh linh của Vô Cực, suốt thông từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, hòa nhịp trong thơ, viên dung trong đạo. Không gì chẳng là thơ. Không gì chẳng là đạo. Con người phục hồi trọn vẹn thể tánh người – con người của Đạo và Thơ.
Như tất cả người văn nghệ khác, Huyền Giác cũng từng bứt rứt giữa những giới hạn của thân phậnngười. Từ ý thức duy lý, Giác vùng lên, và húc đầu vào cái phi lý. Với tất cả ý chí của một người “dám muốn”, Giác dấn sâu vào thế trận mâu thuẫn ấy và đánh phá lung tung, bằng tất ca phương tiện, của giới hạnh, của Đại thừa giáo, và nhất là của chính mình. Đó là một việc làm quyết định cả một số kiếp, nên Giác thực hiện với tất cả hùng lực. Giác học. Giác tu. Giác ngồi thiền. Giác gõ vào núi Thiên Thai. Giác khai thác nguồn nội lực. Giác soi ngược vào nội giới. Giác đẩy mạnh tình và lý đến chỗ cùng lý tuyệt tình. Giác xông xáo vào nhà Tổ Tào Khê. Thế rồi, từ chỗ tuyệt cùng, Giác vùng ra với tất cả khí lực bình sanh. Trên những đổ vỡ bỏ lại sau mình. Giác ung dung xô cửa huyền vi bước vào đạo. Nhà thơ Huyền Giác giờ đây thoát xác thành Thiền sư Huyền Giác.
Tuy nhiên, “rắn hóa rồng vẫn không đổi vảy.” Giác lại buông thõng tay vào chợ, sống lại cuộc sống thường nhiên. Giữa cảnh ấm lạnh của tình đời, giờ đây con “kim mao sư tử” ấy thét lên tiếng nói của Tối thượng thừa - tiếng thét ấy là khúc CHỨNG ĐẠO CA chắp cánh bay vào cát bụi của kiếp người.
Thì ra những gì ray rứt ta ngày nay vẫn từng ray rứt người xưa, không sai không khác. Con người vốn là một, mang chung một thân phận, mang chung một vấn đề. Và vấn đề của những vấn đề vẫn là vấn đềsống – nói đúng hơn, là hiện tượng ly dị kinh niên, chừng như không hòa giải được giữa những hình thái của cuộc sống: hành động và mơ mộng, lý và tình, tri và hành, sống và chết, trói trăn và giải thoát, v.v… Dầu giải quyết bằng cách nào, thơ và đạo vẫn chưa hề chối bỏ cuộc sống - cuộc sống là chứng minh duy nhất của thơ và đạo. Ngoài tất cả hệ thống tư tưởng, thơ và đạo chỉ biết thành tựu lấy mình - tức thành tựu cuộc sống. Thơ thành tựu cuộc sống bằng mỹ cảm. Đạo thành tựu cuộc sống bằng thiện cảm.
Và cứu cánh là mở thông cuộc sống ngoài tất cả giới hạn do loài người dựng lên nhân danh, và mạo danh, và những gì cao quý nhất của cuộc sống: học thuật, luận lý, chánh trị, thượng đế, lương tâm v.v… Con người được trả về cho ánh sáng ban đầu.
CHỨNG ĐẠO CA là một bản hòa tấu đồ sộ kết hợp bằng thơ và đạo. Thơ đem đến cho đạo những màu sắc âm thanh trào ra từ vô thức, cháy bỏng theo tình người.
Đạo đem đến cho thơ những chân trời bao la, huyền diệu, như có như không, bàng bạc trong ánh sáng thuở ban đầu.
Thơ là thơ của truyền thống Thạnh Đường, khi gắn bó như lời tâm sự, lúc quật khởi như sóng thét gió gào, khi hoang vắng như vừng không tuyết gội, lúc sảng khoái như tòng bá đứng so gan. Quả là cây đàn muôn điệu!
Đạo là đạo của truyền thống Thiếu Lâm, cao khiết giữa vách đá cheo leo, ung dung giữa chợ búa, mát rượi dòng nước Tào Khê chảy qua lịch sử và lòng người như từ một nguồn bất tuyệt. Quả là đạo vô vi!
Tương truyền trong một cơn đại định Huyền Giác say sưa dõi theo lời ca Chứng Đạo bay vàng óng cả ba ngàn thế giới. Chưa hẳn đó chỉ là một tượng trưng, cũng như câu chuyện Lý Bạch ôm trăng chết trên giòng sông chưa hẳn chỉ là một giai thoại. Thật vậy, tâm đến ở đâu là ở đó có sinh động:
Bằng nguyện lực, chư Phật tạo ra được một thế giới thì Chứng Đạo Ca biến nhập trong ba ngàn thế giớiâu vẫn là một diệu dụng bình thường của tâm.
Ngay lúc đầu, Chứng Đạo Ca đã vang lừng trong thiên hạ. Từ huyện Vĩnh Gia là quê hương của Thiền sư, khúc ca chắp cánh bay rợp trời như bướm khắp thiền viện, tòng lâm, rồi khắp Trung Hoa, rồi ra hải ngoại. Một pháp sư Ấn Độ phát nguyện dịch ra chữ Phạn gởi về hành hương ở nước Phật. Mấy trăm năm sau, dưới ngọn bút hào hoa của thi hào Tô Đông Pha, đời nhà Tống, toàn thể khúc ca được khắc ở hai mặt một tấm bia dựng tại chùa Tịnh Huệ, tỉnh Quảng Châu. Nay tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Tây phương len lỏi vào nếp sống cơ giới Âu Mỹ gọi là “tiếp ánh sáng, nối mùi hương, làm sáng rỡ Tổ đăng, huy hoàng Phật nhập.”
Chứng Đạo Ca là một khối pha lê đúc kết lại tinh hoa của Phật giáo mà cốt tủy là Thiền tông. Thiền không nhằm tạo ra một mẫu người để khuôn tín đồ vào đó - dầu mẫu người ấy là La Hán hay Bồ Tát. Bằng diệu tu diệu chứng, Thiền thúc giục mỗi người tự tri tự ngộ. Tri những gì hư dối, chẳng thực là mình, những sở tạo của khối óc: tư tưởng, định kiến, triết học v.v… Ngộ con người thực của chính mình: bổn lai diện mục. Bằng tri và ngộ, Thiền thành tựu con người toàn diện – con người của nguyên lý đại đồng, của thể tánh bình đẳng, mà Huyền Giác gọi là “thiên chân Phật”.
“Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật.”
Tự tánh là Phật. Đó là trái tim của khối pha lê.
Ta có thể nói như Descartes rằng tánh “là cái gì được chia đều hơn hết ở mọi người.” Vậy đó là nguyên lý đại đồng, và vì đại đồng nên tánh không trụ ở đâu hết mà không đâu là chẳng có. Tịnh, nó không là gì hết. Động, nó ứng hóa muôn vật. Như một nguồn năng lực vô hình châu lưu trong vũ trụ, tánh hợp và tan, ở đây ở kia, thành những đám mây thoạt còn thoạt mất. Mây có hợp có tan, mà nguyên lai tánh vẫn là tánh, ngoài thời gian không thêm không bớt, ngoài không gian không mất không còn. Dầu rằng không là gì hết, nhưng chắc chắn không có tánh thì không có gì hết trong thế gian này. Nó gắn liền với cuộc sống vậy. Nên Thiền dạy “thấy tánh thành Phật.” Và thành Phật, ở đây, có nghĩa rất cụ thể là thành ở chính mình cái lý tánh đại đồng ấy, cái thực tại tối hậu ấy của vũ trụ và nhân sanh.
Thấy tánh, tức thấy Phật tánh, tức thấy “cái tướng thực của muôn pháp, mà cũng là cái tâm tánh thực của chúng sanh vậy…Chúng sanh mê là mê ở tánh ấy, nên trôi giạt sáu đường. Chư Phật ngộ là ngộ ở tánh ấy, hết chịu cái khổ của sáu đường.[30]”
Muôn vật có là có từ nguyên lý cộng đồng ấy. Có là có ở hiện tượng, mà không là không ở bản thể. Có và không đồng thời hòa đồng trong một vật cùng một lúc hiện hữu hai sắc thái “ẩn” và “hiện.” Đó là điều tối kỵ của luận lý học, nhưng đó chính là xương sống của luận lý Bát nhã:
Sắc chẳng khác khôngKhông chẳng khác sắcSắc tức là khôngKhông tức là sắc.
Bát nhã là trí. Trí không biết gì hết, vì bổn thể của bát nhã, của tánh, vốn là không; không mà chẳng phải không, nên không gì mà chẳng biết. Từ cái thể không hư tịch, vô vi, ứng dụng ra cái biết, khi đối tiếp với cơ duyên. Vậy tánh tức là biết, ngoài tánh không có cái biết, mà cũng chẳng phải tánh phát sanh cái biết; không cái nào sanh cái nào cả. Tánh vốn tự tịnh tự định thì đồng thời cũng tự giác tự tri. Tánh tức là biết vậy - một cái biết thuần túy, tức thì, trong ấy không có ai là người biết, mà cũng không có cái gì là việc biết, cả hai đều “đã thành nhất phiến.” Vậy không có vấn đề “tìm” biết (vì tánh tức là biết); không có vấn đề định “phát” huệ (vì định tức là huệ), không có vấn đề lấy cái sáng soi cái tối (vì sáng và tối chẳng phải hai thực thể khác nhau). Tối thượng thừa là vậy.
Ta hãy đọc sau đây lời dạy của Huệ Năng:
“Định là thể của huệ, huệ là dụng của định. Tức trong khi huệ thì định có trong huệ; tức trong khi định thì huệ có trong định. Các ngươi chớ nói có định trước rồi mới phát huệ, có huệ trước rồi mới phát định, hai thứ khác nhau.”
(Đàn Kinh, phẩm Định Huệ)
Và:
Phiền não tức là Bồ đề, chẳng hai chẳng khác. Nếu lấy trí huệ chiếu phá phiền não tức là kiến giải của hàng Nhị thừa, bậc trí lớn căn cao ắt chẳng nên như vậy… Sáng với chẳng sáng, kẻ phàm thấy là hai, người trí liễu đạt thì thấy chẳng phải hai. Cái tánh chẳng hai đó là thực tánh.
(Đàn Kinh, phẩm Hộ Pháp)
Cho nên, rốt cùng tu chứng chỉ là việc sáng tâm thấy tánh. Và sáng tức sáng cái tâm “không”, thấy tức thấy cái tánh “tịch”:
(Tổ Nguyên)
Tất cả, từ những hiện tượng vật chất (sắc pháp) và tinh thần (tâm pháp), chân cũng như giả, Niết bàncũng như địa ngục, đều dấy lên từ tánh tịch, từ tâm không, đều tức là nhau, và bình đẳng nhau:
“Tánh của vô minh tức Phật tánh.”
Đều là ảo tưởng như nhau:
Cho nên học đạo không có nghĩa là phá vọng cầu chân, bỏ mê tìm ngộ, bỏ bóng tối hướng về ánh sáng, tất cả những cặp đối đãi ấy đều do tâm niệm, tức tư tưởng tạo ra, đều là chấp trước. Quét sạch hết chấp trước thì thể tánh Như Lai hiện làu làu. Đó là thấy tánh. Và thấy tánh ở đây đồng nghĩa với vô niệm. Đàn kinh nói:
Sừng sững chẳng tạo lành,Trơ trơ chẳng tạo dữ,Lặng lặng dứt kiến văn,Bát ngát tâm vô trước.Trái tim của Chứng Đạo Ca là ở đó.Đạo là nguyên lý, là thực tại.
Chứng đạo là chứng vào, là thể nhập trong thực tại tối hậu của vũ trụ và nhân sinh. Đã là “thể nhập” thì đạo và người không còn là hai con số rời nhau của bài toán trí tri để có thể đặt thành phương trình tâm lý, nên không có gì để nói. Chứng đạo là hết vấn đề, là vô sự.
“Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân.”
Tuy nhiên, trên cương vị người, Phật phải nói. Quyền biến mà nói. Nghĩa là nói bằng cách mượn cái giả để chỉ cái thật, dùng cái hữu hình để vẽ cái vô hình. Trong tinh thần ấy, Phật dựng lên nhiều “thừa” nhằm dẫn dắt hàng môn đệ qua từng giai đoạn tu và chứng. Cuối mỗi thừa, Phật dựng lên một Niết bàn“giả” để rồi sau đó sẽ phá đi, và đưa lên một Niết bàn khác, rồi một Niết bàn khác v.v… cứ thế Phật dựng đâu phá đó vậy – và đó là tất cả nghệ thuật nói pháp thiện xảo không hai của bậc Thiên Nhơn Sư.
Đại để, Phật đã mở ra hai thừa chánh là Tiểu thừa (gồm có Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa) và Đại thừa (tức Bồ tát thừa). Bằng bộ kinh Duy Ma, Phật phủ nhận hạnh Tiểu thừa của hàng La Hán để đưa họ đến hạnh Bồ Tát đại thừa.
Bằng kinh Pháp Hoa, Phật phá bỏ luôn Bồ Tát thừa để đưa đến cái gọi là “nhứt thừa pháp.” Thừa duy nhất đó là Phật thừa, nghĩa là cỗ xe trực tiếp đưa thẳng vào nước Phật, nghĩa là giáo lý duy nhất dạy làm Phật. Và Nhứt thừa ấy tức là Tối thượng thừa. Đối với các thừa khác bỏ chấp trước để chứng Niết bàn, Tối thượng thừa bỏ Niết bàn chứng tự tánh, nghĩa là tự thành tựu cái chính mình. Tự tánh vốn hiện tại và hiện tiền, nên thừa mà không thừa, không thừa mà thừa, nên Tối thượng thừa (hoặc Phật thừa) không có nghĩa là cỗ xe “lớn nhất”, đặt trên bình diện so sánh không gian và thời gian, mà đó là một thứ xe – không – xe, thừa – không - thừa, hoặc như Phật nói pháp – không – pháp, hay như các Thiền sưnói con- đường – không - đường . Vậy:
“Không gì là chẳng thừa mà cũng không gì gọi được là thừa, suốt ngày thừa mà chưa hề thừa, đó là Phật thừa.
Kinh nói: Lấy vô thừa làm Phật thừa vậy.”
(Đạt Ma Ngộ tánh luận)
Mới vào, Sư Huyền Giác đi ngay vào Tối thượng thừa. Trên phương diện nhận thức, mỗi thừa có một độ chứng khác nhau. Nếu ở hầu hết chúng ta trong thì mê lý (tâm, hoặc chủ thể), ngoài thì mê sự (vật, pháp, hoặc khách trần) thì ở cấp bực Bồ tát trong ngoài đều xả bỏ cả hai, (nhơn và pháp) và trụ ở trung lý mà tu, còn ở hàng Tối thượng thừa thì dứt bặt cả trong ngoài, siêu việt lên tất cả kiến giải dị biệt mà chứng lý bình đẳng của muôn pháp. Đó là nhận thức “nhứt như”. Trong ánh sáng ấy hiện lộ tự tánh Như Lai, tự nó vốn là tịnh, là định, là như, tự nó vốn viên thành từ vô thỉ đến vô chung. Cho nên người học đạo (thượng thừa) cần thanh nhàn tự tại, đừng tạo tác gì ở tâm và thân (tuyệt học, vô vi), cần tuyệt đốichấm dứt mọi hoạt động của tâm trí để được an trụ ở trạng thái như. Như không phải là chơn nên đừng cầu. Như không phải là vọng nên đừng trừ. Còn trừ còn cầu là còn bị phân tâm, còn gây chướng ngại. Nghĩ nhiều thì bị cái chướng của phiền não. Biết nhiều thì bị cái chướng của sở tri. Phiền não chướngngăn lấp Niết bàn. Sở tri chướng ngăn lấp trí huệ.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng nhứt như, trí huệ và vô minh, cũng như mọi cặp đối đãi khác của trí thức suy luận, đều ứng hiện từ tự tánh Phật, và như thế đều dự phần vào cái thực của tự tánh.
Nói một cách khác, ngoài vô minh không có tự tánh, ngoài tự tánh không có vô minh. Vô minh chỉ là một ảo tưởng không thực chất, không thật có. Khi diệt trừ hết vô minh mới rõ “tánh” của vô minh vẫn là tánh Phật, bình đẳng như nhau:
“Tánh thực vô minh tức Phật tánh.”
Cái lẽ ngộ rồi vẫn như khi chưa ngộ là vậy. Cũng vậy, cái chân thật của ảo hóa cũng tức là cái chân thâncủa Phật, cũng tức là Pháp thân - sắc thân cũng như Pháp thân đều ứng hóa từ một tự tánh duy nhấttrong ấy “xưa nay không hề có một vật” mặc dầu tự tánh có khả năng sanh khởi muôn vật, biến hiện rathành trì, sông núi. Vậy tất cả những gì dấy lên từ tự tánh đều là ảo ảnh trôi nổi trong thế giới trừu tượngcủa tư duy. Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cấu tạo thân và tâm đều là phù vân, song là phù vântrôi trên nền trời tự tánh. Ba độc (tham, sân, si) chi phối sanh hoạt tâm lý đều là “chiếc thuyền bào ảnhnhấp nhô”, song là nhấp nhô trên mặt biển chơn như. Vậy, đâu là thân “của tôi”, đâu là tâm “của tôi”, đâu là “tôi” những khối giả hợp và giả tạo kết bằng những phần tử vật chất và tinh thần, những tên gọi không thực chất mà ta đã dùng lầm để đánh giá chúng ta trong vũ trụ và trong xã hội. Ý thức được vậy là ý thức được thực tại của nhơn sanh – ý thức được thực tướng.
Tự tánh ấy chỉ chứng được khi hành giả cùng một lúc xả cả hai vọng tưởng: cái tôi chủ quan (nhơn) và vũ trụ khách quan (pháp). Đó là tư tưởng siêu tư tưởng - tức siêu lên mọi thể đối đãi, cả đối đãi của Niết bàn và địa ngục. Chứng vào thực tại của muôn vật là đồng thời xóa bỏ mâu thuẫn của chủ và khách (vô nhân pháp), do tư tưởng tạo ra, và trả muôn vật về với thể tánh “như”. Đó là lúc trong chớp mắt dứt bặt toàn thể nghiệp chướng, và đốn nhập đất Như Lai. Quả đó là điều quá khó chấp nhận đối với hàng tiệm giáo, vì theo lẽ thường, nghiệp tạo ra từ nhiều kiếp, thì cũng phải nhiều kiếp mới xả trừ xong, làm sao trong sát na xóa bỏ được? Do nghi vấn ấy, Thiền sư mới phát tâm đại bi lấy thân mình bảo đảm cho chân lý: Nếu Sư nói ngoa nguyện đời đời kiếp kiếp đọa ngục a tì, chịu tội rút lưỡi dành riêng cho con tội nói láo.