A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)

Thứ Tư, 11 Tháng Giêng 20237:21 CH(Xem: 565)
A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT GIẢNG GIẢI
Thiền Sư Chân Nguyên - Thích Thanh Từ dịch

A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)

Trước kia, vua Đường Thuận Tông hỏi Đại sư Phật Quang:


Phật từ phương nào đến?
Diệt trở về nơi đâu?
Đã nói thường trụ thế,
Nay Phật ở chỗ nào?


Âm:


Phật tòng hà phương lai?

Diệt hướng hà phương khứ?
Ký ngôn thường trụ thế,
Phật kim tại hà xứ?


Đại sư Phật Quang đáp:


Phật từ vô vi đến,
Diệt trở về vô vi.
Pháp thân đồng hư không,
Thường ở chỗ không tâm.
Có niệm về vô niệm,
Có trụ về vô trụ.
Đến vì chúng sanh đến,
Đi vì chúng sanh đi.
Biển Chân như thanh tịnh,
Tròn lặng thể thường trụ.
Người trí khéo tư duy,
Lại chớ sanh nghi ngờ.


Âm:


Phật tòng vô vi lai,

Diệt hướng vô vi khứ.
Phật thân đẳng hư không,
Thường tại vô tâm xứ.
Hữu niệm qui vô niệm,
Hữu trụ qui vô trụ.
Lai vị chúng sanh lai,
Khứ vị chúng sanh khứ.
Thanh tịnh Chân như hải,
Trạm viên thể thường trụ.
Trí giả thiện tư duy,
Cánh vật sanh nghi ngại.


Vua lại hỏi:


Phật từ vương cung sanh,
Diệt về Song lâm diệt.
Trụ thế bốn chín năm,
Lại bảo không pháp nói?
Núi sông và biển cả,
Trời đất với nhật nguyệt,
Thời đến đều tiêu tan.
Ai rằng không sanh diệt?
Nghi tình còn như trên,
Người trí khéo phân biệt.


Âm:


Phật tùng vương cung sanh,
Diệt hướng Song lâm diệt.
Trụ thế tứ thập cửu,
Hựu ngôn vô pháp thuyết.
Sơn hà cập đại hải,
Thiên địa cập nhật nguyệt.
Thời chí giai qui tận,
Thùy vân bất sanh diệt?
Nghi tình du nhược tư,
Trí giả thiện phân biệt.


Đại sư Phật Quang đáp:


Thể Phật vốn vô vi,
Tình mê vọng phân biệt.
Pháp thân đồng hư không,
Chưa từng có sanh diệt.
Có duyên Phật ra đời,
Hết duyên Phật nhập diệt.
Nơi nơi độ chúng sanh,
Giống như trăng trong nước.
Chẳng thường cũng chẳng đoạn,
Chẳng sanh cũng chẳng diệt.
Sanh cũng chưa từng sanh,
Diệt cũng chưa từng diệt.
Tỏ ngộ chỗ không tâm,
Tự nhiên không pháp nói
.


Âm:


Phật thể bản vô vi,
Mê tình vọng phân biệt.
Pháp thân đẳng hư không,
Vị tằng hữu sanh diệt.
Hữu duyên Phật xuất thế,
Vô duyên Phật nhập diệt.
Xứ xứ hóa chúng sanh,
Du như thủy trung nguyệt.
Phi thường diệc phi đoạn,
Phi sanh diệc phi diệt.
Sanh diệc vị tằng sanh,
Diệt diệc vị tằng diệt.
Liễu ngộ vô tâm xứ,
Tự nhiên vô pháp thuyết.


Vua nghe Sư giảng hoát nhiên ngộ đạo, tôn trọng Thiền tông.


Kinh nói: “Tâm ta như nước, Di-đà như trăng, nước trong thì trăng hiện, chẳng cần người khác nói.” Trăng dụ Pháp thân, bóng dụ Hóa thân, trong và đục dụ nhiễm và tịnh. Nước trong trăng hiện, trăng cũng chẳng đến. Nước đục trăng ẩn, trăng cũng chẳng đi. Chỉ do nước có trong đục, chẳng phải bảo trăng có đến đi. Trong pháp cũng như vậy, tâm sạch thì thấy Phật, chẳng phải là Phật đến, tâm nhơ thì chẳng thấy, chẳng phải là Phật đi. Bởi do chúng sanh có nhơ sạch, chẳng phải bảo chư Phật có ẩn hiện. Lý rốt ráo tột cùng, cực tắc tuyệt diệu thì Pháp thân vốn rỗng lặng, tròn đồng thái hư, không đi không đến, không nơi không chốn, tùy cơ mà cảm đến, ứng hiện tự tại, nên gượng gọi là Như Lai.


Chánh giác không nơi đến,
Đi cũng không chỗ nào.
Thân thanh tịnh diệu sắc,
Do thần lực hiển hiện.
Phật thân rỗng lặng trùm pháp giới,
Rõ ràng trước mắt quần sanh loại.
Tùy cơ cảm đến khắp mọi nơi,
Tự do ứng hiện đều vô ngại.


Âm:


Chánh giác vô lai xứ,
Khứ diệc vô sở tùng.
Thanh tịnh diệu sắc thân,
Thần lực cố hiển hiện.
Phật thân không tịch biến pháp giới,
Đường đường đối nhãn quần sanh loại.
Tùy cơ phó cảm mỵ bất chu,
Tự như ứng hiện lực vô ngại.


Kinh nói: “Thân pháp giới thanh tịnh vốn không có ra vào, sức bản nguyện đại bi thị hiện như hoa trong không.” Bởi thị hiện có ra vào là ở cơ duyên, cơ duyên ứng thì hiện ra trong cung vua Tịnh Phạn, cơ duyên hết thì ở dưới gốc sa-la(1) vào Niết-bàn. Do vì nước trong sạch vô tâm mà không hình tượng nào chẳng hiện. Hình tượng chẳng phải là ta vốn có, đây là hoa đốm trong không thuộc vật bên ngoài. Tướng chẳng phải là thân Phật, há Như Lai có ra vào?

Đó gọi là thân Phật vô vi, đầy khắp cả pháp giới, thanh tịnh tròn sáng, trong lặng thường trụ. Chân Phật thì vô tướng, vốn không có lý Niết-bàn. Quyền Phật thì giả hiện, huyễn có việc ứng hóa. Nghĩa Niết-bàn tức là Pháp tánh của chư Phật, chẳng sanh chẳng diệt, nên nói Niết-bàn không đi không đến, gọi là Pháp thân Như Lai thường trụ, trong suốt rỗng lặng, không dấu vết, không tạo tác, không uống ăn, không tóc da. Thân Như Lai tức là Pháp thân, rỗng lặng, linh thông, chân không tự tại, chẳng phải từ máu thịt, xương tủy làm thành. Nên biết, Phật tánh tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, chân không diệu hữu, không sanh không diệt, không đi không đến, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai, ba đời đều bình đẳng, một thể rỗng rang, suốt tột xưa nay, vẫn hằng như vậy. Vì thế gọi đó là thường trụ chẳng đổi. Chân thân của Như Lai vốn không sắc tướng, tùy thuận chúng sanh mà thị hiện sắc tướng. Pháp thân Như Lai vốn không có Niết-bàn, tùy thuận chúng sanh mà thị hiện Niết-bàn. Việc ứng duyên đã xong thì bỏ thân hoa đốm trong không, như con ve lột xác, như con rắn lột da, quay về căn mệnh, trở lại cội nguồn, lặng lẽ không tiếng tăm, mé chân thật trong trẻo tròn đầy, rành rành soi khắp, đối ngay trước mắt, ẩn hiện cùng bày, sắc không chẳng hai. Do vì quần sanh ở mười phương thế giới, trên trời dưới đất, hình loại đều khác, ngôn ngữ chẳng đồng mà Như Lai đại bi dùng thần lực hóa thân, tùy loại thị hiện, tùy hình tướng, tùy ngôn ngữ, tùy âm thanh của chúng, mở rộng phương tiện để thuyết pháp giáo hóa, khiến cho họ sáng tỏ Bản tánh, mỗi loài đều được giải thoát. Thật là thân Như Lai thì trong suốt rỗng lặng. Nên nói, chẳng thấy có không tức thấy chân thân Phật. Đối với chân thân Phật thì trọn chẳng thể được. Chỉ cái tin tức ấy, ba đời chư Phật nói chẳng kịp, nhiều đời Tổ sư truyền chẳng đến. Đã nói chẳng kịp, lại truyền chẳng đến, thì Thích-ca, Di-lặc cũng là tên suông. Thích-ca, Di-lặc đã là tên suông, gọi cái gì là chủ? Gọi cái gì là khách? Gọi cái gì là tông? Gọi cái gì là chỉ? Gọi cái gì là sanh tử? Gọi cái gì là Niết-bàn? Gọi cái gì là xưa? Gọi cái gì là nay? Đã không sanh lại không diệt, trước không xưa, sau không nay, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, trong trẻo rỗng lặng, tròn đồng với thái hư, thân vốn là Phật, vẫn hằng như vậy. Thân Phật như vậy, thân ta cũng như vậy, ngay khi độ chúng sanh mà dứt trừ tưởng độ, xoay lại tâm vô vi hướng đến đường Niết-bàn, bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có, một tánh tròn sáng, còn mãi với trời đất, Bản tánh trong lặng, ngang bằng với Phật, rốt ráo viên dung, đồng vào một thể.


Pháp tánh Như Lai không một vật,
Ứng độ quần sanh việc cả trăm.
Nếu ngộ chân không, luôn đối mặt,
Như Lai thường trụ ở Linh Sơn.


Âm:


Pháp tánh Như Lai vô nhất vật,

Ứng độ quần sanh hữu bách ban.
Nhược ngộ chân không hằng địch diện,
Như lai thường trụ tại Linh Sơn.


Khiến người người xuất gia theo Phật, lý nên chọn bạn tìm thầy, nếu không thầy bạn, lấy gì tiếp dẫn? Xem kinh mà mê mờ lý thì luống tự nhọc nhằn, đếm chữ tìm hàng thì chẳng rõ tông chỉ. Chẳng rõ tông chỉ thì chẳng cùng tột văn lý, chẳng cùng tột văn lý thì đâu thể giải thoát!


Học đạo không tông chỉ,
Thấy nhiều chẳng bằng mù.
Tìm sáng chẳng biết báu,
Luống nhọc tròng mắt mình.


Âm:


Học đạo vô tông chỉ,

Đa kiến bất như manh.
Tầm quang bất thức bảo,
Đồ lao tự nhãn tình.

*


Cửa không chẳng chịu ra,
Quá ngu chui cửa sổ.
Giấy cũ trăm năm dùi,
Bao giờ được ra khỏi.


Âm:


Không môn bất khẳng xuất,

Đầu song dã thái si.
Bách niên tán cổ chỉ,
Hà nhật xuất đầu thì?

*


Người nay học đạo chẳng rõ chân,
Chỉ bởi từ lâu nhận thức thần.
Vô lượng kiếp rồi gốc sanh tử,
Kẻ si gọi đó bản lai nhân.


Âm:


Học đạo chi nhân bất thức chân,
Chỉ vị tùng tiền nhận thức thần.
Vô lượng kiếp lai sanh tử chủng,
Si nhân hoán tác bản lai nhân.

*


Có pháp có tâm còn vọng thức,
Không cầu không được chứng Chân như.
Chân vọng hai đầu đều phá sạch,
Một luồng sáng lạnh rực thái hư.


Âm:

Hữu pháp hữu tâm tồn vọng thức,
Vô cầu vô đắc chứng Chân như.
Chân vọng lưỡng đầu câu đả phá,
Nhất đạo hàn quang thước thái hư.


Cho nên kinh Bát-nhã nói: “Không trí cũng không đắc; do vì không chỗ được.” Nếu trí vô phân biệt thì làm hại cái thấy có thấy không. Trí vô phân biệt thì trọn chẳng thể được. Tại sao không thể dùng trí đoạn trí? Chẳng thể dùng kiếm lại chặt kiếm.


Hội rằng:


Kiếm tự hại kiếm, kiếm kiếm hại nhau, tức kiếm cũng chẳng thể được. Trí tự hại trí, trí trí hại nhau, tức trí cũng chẳng thể được. Mẹ con đều mất, cũng lại như thế.


Đây là chỗ nói rằng chỉ thẳng rốt ráo, chân như thật tế, hướng thượng vô niệm, thành Phật làm Tổ, chỉ ngại kẹt nơi tên nhơ. Sao vậy? Vì chẳng lìa tâm có.

Nếu tình phàm Thánh hết, năng sở đều lặng, một niệm chẳng sanh, thẳng đến địa vị Như Lai trong lặng nhiệm mầu, biển giác lặng lẽ, là đất Cực Lạc vậy.

Nên Cổ đức nói: Trên chẳng thấy có chư Phật, dưới chẳng thấy có chúng sanh, ngoài chẳng thấy có núi sông, đất đai, trong chẳng thấy có cái thấy nghe hiểu biết tốt xấu, dài ngắn, nhồi thành một mảnh, mỗi mỗi đưa ra, trọn không cái thấy khác. Lý ấy vi diệu, sâu xa không gì trên, học giả tri âm thì có thể thông suốt. Chỉ Phật với Phật mới hay xét tột, Thật tướng các pháp đến chỗ rốt ráo, thì văn tự cũng chẳng thể được, ngôn ngữ cũng chẳng thể được, thức pháp cũng chẳng thể được, đối đãi cũng chẳng thể được, bặt đường cơ quan nguy hiểm, cùng tột trí phân biệt bén nhạy, Bát-nhã cũng chẳng thể được, tịch chiếu cũng chẳng thể được, bèn chẳng phải vô sự sanh sự, liền là có cành vin cành. Đến như ba đời chư Phật, chánh pháp lưu hành, lần lượt truyền trao cho nhau: chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, chẳng lập văn tự.


Nay lập văn tự là mở thông một lối để tiếp dẫn cho người hậu học. Niết-bàn không có hai lối, phương tiện thì có nhiều cửa. Do đó Phật nói Tiểu thừa, Đại thừa, kinh có đốn giáo, tiệm giáo. Nên biết, ngàn kinh muôn kinh chỉ là một kinh, ngàn pháp muôn pháp chỉ là một pháp, ngàn lời muôn lời chỉ là một lời, ngàn câu muôn câu chỉ là một câu, ngàn thể muôn thể chỉ là một thể, ngàn tông muôn tông chỉ là một tông, ngàn phái muôn phái chỉ là một phái, ngàn nguồn muôn nguồn chỉ là một nguồn. Nếu thông suốt nguồn linh, thì rõ một chẳng phải một; thấu suốt chánh pháp thì gọi là đắc pháp. Huyền chỉ của Bát-nhã, lấy không chỗ được mà tự được, tạm vì giáo hóa chúng sanh mà nêu bày tên “đắc pháp” và để lời dặn dò: - Bậc tông sư đời sau hãy ngầm xem hàng môn đồ, lựa chọn trong các đệ tử, ai là người có đức hạnh, giống trí mầm linh, thật tâm xuất gia, kính nhận và vâng theo lời dạy, ngộ sâu lý tánh, hiếu thuận chân tu, được người như thế, có thể trao tâm ấn.


Thấy cùng thầy bằng,
Gần thầy bảy phần.
Được người như thế,
Mới đáng truyền trao.


Âm:


Kiến dữ sư tề,
Á sư thất phần.
Đắc như thị nhân,
Nãi khả truyền thọ.


Xét tâm ấn của chư Phật hẳn chẳng lừa nhau, Pháp thân rỗng lặng tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, không được không mất, không thêm không bớt, không trao không truyền, vì đối ngoại duyên mà giả lập tên “ấn” đó thôi. Vì vậy trong kinh Pháp Bảo Đàn, Tỳ-kheo Pháp Hải thưa hỏi Lục Tổ rằng: “Chư Phật ứng ra đời số được bao nhiêu?” Lục tổ Huệ Năng chỉ dạy Tỳ-kheo Pháp Hải: “Chư Phật ứng ra đời số như cát sông Hằng, danh tướng không cùng, khó thể tính  kể. Nay đem bảy đức Phật Tông sư làm thủy tổ chúng ta.” Do đó, ba đời chư Phật, pháp ấn như thế, đến cuối cùng nơi hải ấn thì thầm trao đèn tâm, bốn mắt nhìn nhau, im lặng ấn chứng. Do được như thế mà nhiều đời Tổ sư bốn mắt nhìn nhau, im lặng ấn chứng. Do được như thế nên Truyền
Đăng Ngữ Lục ghi: Đại sư Đạt-ma ngầm nói lời dặn dò Tổ Huệ Khả rằng:


- Xưa đức Thích-ca Như Lai đem chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm phó chúc cho Tổ Ca-diếp, lưu truyền mấy mươi đời, đến Tôn giả Bát-nhã-đa-la truyền trao cho ta. Nguyên ta đã được pháp ấn ở Tây thiên, vâng theo bậc trên đến truyền bá Tâm tông nơi Đông độ, nên đạp cành lau qua biển đến đây. Thấy ngươi một lòng tinh thành, có khí tượng Đại thừa nên truyền tâm ấn cho ngươi. Ngươi hãy nối chí thuật lại việc này, thể nhận tâm ta mà bền vững hộ trì chớ để cho đoạn dứt. Lại trao cho ngươi một chiếc ca-sa pháp phục, với bốn quyển kinh Lăng-già để làm pháp tín, che chở cho Thiền tông phát triển. Trong thì truyền pháp ấn để khế hợp tâm chứng, ngoài trao ca-sa để định tông chỉ, tránh cho người đời sau khắt khe, sanh nhiều nghi ngờ, bảo rằng: - Ta vốn là người phương Tây, ngươi là kẻ ở phương Nam, từ đâu mà được pháp? Lấy gì làm bằng chứng truyền trao tâm ấn cho ngươi? Chính y bát, kinh pháp dùng để tiêu biểu mở mang giáo pháp, rộng độ chúng sanh. Sau khi ta diệt độ, khoảng hai trăm năm, y nên dừng chẳng truyền nữa. Lúc này pháp đã khắp giáp mọi nơi, người hiểu đạo thì nhiều, người hành thì ít, người nói lý thì nhiều, người thông lý thì ít, ngầm hợp thầm chứng có hơn ngàn muôn người, ngươi hãy xiển dương chớ khinh người chưa ngộ, một niệm hồi cơ liền đồng với sẵn được.


Nghe ta nói kệ:


Ta vốn đến xứ này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành.


Âm:


Ngô bản lai tư độ,

Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.


Kệ chứng cớ xưa:


Ca-diếp ban sơ y bát truyền,
Bao đời Bát-nhã nhận dòng Thiền.
Đa-la trao đèn truyền ta đó,
Ta gởi sáng thừa con tiếp duyên.


Âm:


Trưng cổ kệ

Ca-diếp sơ ưng y bát truyền,
Nguyên lưu Bát-nhã kỷ kinh niên.
Đa-la phục bả đăng truyền ngã,
Ngã yết dư quang thác tử duyên.


Kệ truyền kinh:


Bốn quyển Lăng-già trao lại con,
Như Lai tâm địa pháp mãi thơm.
Chúng sanh dùng đó vì khai thị,
Khiến họ chóng liền tỏ ngộ sâu.


Âm:

Truyền kinh kệ

Thọ tử Lăng-già tứ quyển kinh,
Như Lai tâm địa pháp môn liêm.
Chúng sanh dụng thử vi khai thị,
Linh bỉ xâm xâm diệu ngộ thâm.


Song thường trụ ở thế gian, Thể tánh như như, Viên giác rỗng lặng, gọi đó là Phật. Sáng tỏ Tâm tông của Phật, hiểu và làm ứng hợp với nhau gọi đó là Tổ. Phật Tổ chỉ một lý không sai khác.


Lại nói:


Đạt đạo lớn chừ quá lượng,
Thông tâm Phật chừ khó lường.
Chẳng cùng phàm Thánh chung nhà(2),
Vượt lên gọi đó là Tổ.


Âm:


Đạt đại đạo hề quá lượng,

Thông Phật tầm hề xuất độ.
Bất dữ phàm Thánh đồng miên,
Siêu nhiên danh vi viết Tổ.


Tôi (Chân Nguyên) xem trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ Huệ Năng thuật: “Phật Phật chỉ truyền Pháp tánh, Sư Sư thầm trao Bản tâm, y bát thuộc vật bên ngoài, là đầu mối cho sự tranh giành, hãy dừng việc ấy chớ truyền nhau nữa.” Lại thấy cơ thần ý mật, ca-sa chia làm ba: một tấm thường mặc theo mình, một tấm đắp cho ảnh tượng, một tấm cất chứa kỹ trong chùa. Theo nguyện lớn lại nói lời sấm ký rằng: “Đời sau này ai được tấm y, thì đây là đạo của ta trở lại nơi đời.” Có vị Tăng Duy Tiên ở trong chùa, sửa sang xây dựng lại điện vũ, tình cờ phát hiện được tấm ca-sa, pháp phục vẫn được rực rỡ như ban đầu.


Nên biết, trí lực của Phật Tổ rất rộng sâu, vận dụng cơ thần ẩn hiện khó lường, thường tự đối diện trước mắt, không sắc viên dung, ra đời độ sanh, ứng khắp mọi nơi, diệt và chẳng diệt thảy là phương tiện, tượng giáo hiển dương, Phật Phật đều như vậy.


Từ trước, Phật Phật Tổ Tổ, đời đời tiếp nối nhau đều cùng chung bốn mắt nhìn nhau, thầm trao tâm ấn, như thế mà được, ta cũng như thế mà được, chư huynh đệ thiện tri thức cũng như thế mà được, cho đến hữu tình, vô tình thảy đều cũng như thế mà được. Tỏ ngộ Pháp tánh vốn rỗng lặng, chỉ trí chứng biết, nói năng chẳng kịp, tâm ấn như như, xưa nay một lý, người thấu suốt đồng như vậy. Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, ngàn muôn Tổ sư đều dùng bốn mắt nhìn nhau, thầm trao tâm ấn mà truyền y thừa tiếp làm Tổ, mồi đèn tiếp lửa, nối Tổ truyền tông. Chính kinh Lăng-già là tâm ấn của Như Lai hiển lộ ở quyển hai. Bốn mắt nhìn nhau, Sơ tổ Đạt-ma vượt biển đem đến. Người học về sau có nghi ngờ, hãy quán rõ thật chứng.


Chân Nguyên kính vâng theo, mở mang Tâm tông của Phật. Kinh nói: “Chẳng phải bậc Đại Thánh vô cớ mà mở ra giáo pháp, bởi có duyên từ xưa mới có thể tỏ ngộ tông chỉ. Ai là người hội được Tâm tông, thật chính là con Phật, mồi đèn nối pháp, tiếp độ quần sanh, diệu tâm Niết-bàn, đại ấn vô tướng.”


(1)
 Bản chữ Hán là bồ-đề thọ.

(2) Bản này là chữ miên, nếu dịch chung ngủ thì khó hiểu, nên dịch là chung nhà, tức là chung một chỗ.