B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)

Thứ Tư, 11 Tháng Giêng 20237:21 CH(Xem: 587)
B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ 

B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)

Nên biết trong không vốn chẳng hoa,
Vì kẻ mê, quyền hiện Thích-ca.
Đem sắc thanh cầu trọn chẳng thấy,
Xưa nay chân thật tự nơi ta.


Âm:


Tu tri không lý bản vô hoa,
Quyền vị mê lưu hiện Thích-ca.
Dĩ sắc thanh cầu chung bất kiến,
Nguyên lai chân Phật bản phi tha.


Nên biết trong không vốn không hoa, vì kẻ mê, quyền hiện Thích-ca.


Bài kệ này nói về Pháp thân, “trong không vốn không hoa” là chỉ Pháp thân thanh tịnh vốn không có sắc tướng. Nhưng đức Phật Thích-ca thị hiện ở Ấn Độ tu hành thành Phật, đó chỉ là một Hóa thân của chư Phật, không phải thật. Hóa thân đó từ Pháp thân hiện ra giống như hoa đốm từ hư không hiện ra vậy.
Cho nên nói trong không vốn chẳng hoa. Trong không chỉ cho thể Pháp thân thanh tịnh vốn không có sắc tướng, bây giờ hiện ra sắc tướng đó là vì chúng sanh mê muội, quyền hiện ra có đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời giáo hóa. Đó là hiện tượng Báo thân, Hóa thân chớ không phải Pháp thân, vì Pháp thân thì không tướng mạo, thanh tịnh không sanh diệt. Cho nên:


Đem sắc thanh cầu trọn chẳng thấy, xưa nay chân thật trọn nơi ta.


Nếu chúng ta đem sắc tướng và âm thanh mà tìm cầu thì không bao giờ thấy Pháp thân. Vì Pháp thân xưa nay vốn có sẵn nơi mỗi người chúng ta. Nếu tìm kiếm là tìm kiếm cái ngoài mình, do đó càng tìm là càng không thấy. Kinh Kim Cang có bài kệ:


Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.


Nghĩa là nếu dùng sắc tướng, dùng âm thanh cầu Phật, thì người đó hành đạo tà, không thể nào thấy Phật. Như vậy, Phật ở sẵn nơi mình, nếu chúng ta chịu quay đầu lại, không chạy theo sáu trần ở bên ngoài thì nhận ra được Pháp thân Phật đầy đủ.


Vốn tự nhiên thành chẳng tạc điêu,
Chống trời chỏi đất mặc tiêu diêu.
Xưa nay Chánh giác không một vật,
Toàn thân chẳng dính mảy tơ hào.       


Âm:


Bản tự viên thành bất giả điêu,
Trú thiên trú địa nhậm tiêu diêu.
Chánh giác bản lai vô nhất vật,
Thông thân bất quải nhất ty hào.


Vốn tự viên thành chẳng tạc điêu, chống trời chỏi đất mặc tiêu diêu.


Pháp thân vốn sẵn có, tạo hình điêu khắc chẳng thể hiện được Pháp thân, nó sẵn có bao trùm khắp trời đất một cách tự tại, nên đây nói “chống trời chỏi đất mặc tiêu diêu”.


Xưa nay Chánh giác không một vật, toàn thân chẳng dính mảy tơ hào.


Từ xưa đến giờ những vị ngộ đạo đều nhận ra rằng Tánh giác không có một vật, vì không một vật nên không dính một mảy tơ. Tổ Huệ Năng cũng nói “xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm”. Vậy ai nhận ra Pháp thân thì không kẹt trên hình thức sự tướng, nếu chưa nhận thì chúng ta dễ mắc kẹt, tưởng Phật thế này, thế nọ, làm lệch lạc ý nghĩa của Pháp thân.


Giơ hoa niêm cú gạt người thôi,
Muôn pháp không hoa chẳng kéo lôi.
Tông, giáo cùng quên đều chẳng đắm,
Nguồn linh tự tại mặc thảnh thơi.


Âm:


Niêm hoa niêm cú cộng tha man,
Vạn pháp không hoa tổng bất can.
Tông, giáo lưỡng vong câu bất nịch,
Linh nguyên tự tại nhậm thanh nhàn.


Giơ hoa niêm cú gạt người thôi, muôn pháp không hoa chẳng kéo lôi.


Ngài nói rằng hình ảnh Phật Thích-ca cầm cành hoa sen đưa lên, ngài Ca-diếp mỉm cười là lối gạt người chớ không thật. Tại sao? Vì tánh Phật không phải là hoa sen, tánh Phật không phải là cái mỉm cười. Đó chỉ là hình thức bên ngoài, tánh Phật ở Tự tâm, mình nhận ra, chớ không phải là hình tướng. Khi muốn diễn tả cái mà mình đã lãnh hội được thì mượn hình tướng bên ngoài. Đó là lối đánh lừa chớ không phải thật. Vì muôn pháp ở thế gian này nó không có thật, giống như hoa đốm trong hư không, không dính dáng gì với mình, đừng để nó gạt, đừng để nó lôi kéo, đừng để nó can dự vào mình.

Tông, giáo cùng quên đều chẳng đắm, nguồn linh tự tại mặc thảnh thơi.


Tông là thiền, giáo là kinh, cả hai thiền và giáo đều quên. Người tu nếu không kẹt ở thiền và giáo thì tự tại thảnh thơi vô cùng. Còn chấp đây là thiền, kia là giáo là bệnh, chớ chưa đạt đến chỗ cuối cùng. Chỗ cuối cùng không còn thiền không còn giáo, mà là một nguồn trong sáng an nhàn tự tại.


Theo rỗng tiếp vang đều chẳng thật,
Không hoa mắt bệnh tùy vọng sanh.
Cội nguồn diệu thể không chỗ trụ,
Chân như tự tại mặc tung hoành.


Âm:


Thừa hư tiếp hưởng giai phi thật,
Bệnh nhãn không hoa trục vọng sanh.
Diệu thể bản nguyên vô sở trụ,
Chân như tự tại nhậm tung hoành.


Theo rỗng tiếp vang đều chẳng thật, không hoa mắt bệnh tùy vọng sanh.


Ngài nói rằng chúng ta đuổi theo những tướng hư ảo, những tiếng vang của âm thanh, những cái đó đều không thật, giống như hoa đốm do bệnh mắt mà vọng sanh ra. Cũng vậy tất cả tướng thế gian đều hư giả, chúng ta mê nên chạy theo thấy nghe mà phân biệt, chớ khi ngộ rồi thì những cái đó không còn giá trị nữa.


Cội nguồn diệu thể không chỗ trụ, chân như tự tại mặc tung hoành.


Cội nguồn diệu thể chỉ cho Pháp thân, Pháp thân không có chỗ trụ nên không kẹt không mắc, không có gì ràng buộc nên mặc tình dọc ngang, không có gì làm chướng ngại cội nguồn diệu thể được.


Trên đảnh Tỳ-lô vui quá chừ,
Trong ánh tịch quang không vật dư.
Tức sắc tức không thật rành rõ,
Chẳng tâm chẳng Phật tự như như.


Âm:


Tỳ-lô đảnh thượng lạc vô dư,
Thường tịch quang trung nhất vật vô.
Tức sắc tức không chân liễu liễu,
Phi tâm phi Phật tự như như.


Trên đảnh Tỳ-lô vui quá chừ, trong ánh tịch quang không vật dư.


Tỳ-lô nói đủ là Tỳ-lô-giá-na chỉ cho Pháp thân, Ngài nói ai đạt đến chỗ tột cùng của Pháp thân thì rất là vui vẻ thích thú. Tại sao thích thú? Vì trong ánh tịch quang không có một vật, nên không có tướng sanh không có tướng diệt. Không sanh không diệt thì không còn khổ đau.


Tức sắc tức không thật rành rõ, chẳng tâm chẳng Phật tự như như.


Thường thường trong lúc mê thì chúng ta thấy đây là sắc kia là không, không ở ngoài sắc, sắc ở ngoài không, nhưng khi ngộ rồi thì sắc không chẳng hai. Như hoa đốm và hư không nói là một hay là hai? Nói một không được mà nói hai cũng không được, vì rời hư không chúng ta không thấy có hoa đốm, vì vậy mà không phải một cũng không phải hai. Hoa đốm là cái không thật, khi mắt bệnh mới thấy, còn hư không thì thường nhiên. Cũng vậy do mê chúng ta chạy theo sắc, khi giác ngộ rồi thì biết rành rõ thể sắc tức là không, lúc đó không nói tâm nói Phật gì cả. Tại sao vậy? Vì chúng ta còn mê nên Tổ mới nói: tức tâm tức Phật, như vậy thì có tâm có Phật; tâm ngộ gọi là Phật, tâm mê gọi là chúng sanh. Có tâm có Phật là còn mê chưa ngộ nên thấy có tâm riêng Phật riêng. Khi tâm là Phật thì đâu còn tâm đâu còn Phật hai thứ. Đến chỗ đó không còn chấp tâm, không còn chấp Phật, sống một cách tự tại như như.


Chư Tôn ứng hóa thảy vọng duyên,
Pháp thân thanh tịnh rộng vô biên.
Ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt,
Muôn dặm không mây muôn dặm thiên.


Âm:


Ứng hóa chư Tôn đẳng vọng duyên,
Pháp thân thanh tịnh quảng vô biên.
Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.


Chư Tôn ứng hóa thảy vọng duyên, Pháp thân thanh tịnh rộng vô biên.


Nghĩa là chư Phật ứng thân hay hóa thân thảy đều vì chúng sanh có duyên với các ngài, nên các ngài ứng hiện giáo hóa. Nhưng đó là cái duyên hư dối chớ không phải chân thật. Còn Pháp thân thì trong lặng sáng suốt không giới hạn. Như vậy dù cho thân Phật Thích-ca có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng là cái thân tạm bợ có giới hạn tùy duyên giáo hóa chúng sanh, chớ không phải thân thật, thân thật là Pháp thân thênh thang không có giới hạn. Cho nên chúng ta mang thân giả tạm thì dù đẹp cũng không tự cao, dù xấu cũng không mặc cảm. Nếu thấy nó giả dối thì đẹp xấu cũng đều là giả dối, có chi quan trọng, chỉ trở về với cái thân chân thật mới là cứu kính, là chỗ mà chúng ta hướng đến.


Ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt. Muôn dặm không mây muôn dặm thiên.


Trên hư không có một mặt trăng, ở dưới đất có ngàn dòng sông thì có ngàn bóng trăng hiện trong nước. Và, trong bầu hư không muôn dặm không có mây thì thấy bầu trời dài muôn dặm. Như vậy mặt trăng thật thì không hai, mà bóng mặt trăng hiện trong nước thì vô số. Cũng vậy, Pháp thân thì không hai mà Ứng Hóa thân thì vô số. Và, bầu trời là dụ cho Pháp thân. Nếu không mê Pháp thân thì Pháp thân thênh thang vô tận, cũng như nếu bầu trời không mây thì bầu trời thênh thang không giới hạn. Như chúng ta nhìn lên hư không nếu có mây dày thì thấy chừng năm mười cây số là tới mây chặn rồi, nếu không mây thì thấy một bầu trời trong veo không có ngằn mé. Cũng vậy khi tâm ta không còn vọng tưởng thì nó trùm khắp không thiếu vắng chỗ nào. Đó là những bài kệ nói về Sắc thân. Sau đây là những bài kệ xem để phá sắc tướng Tam giáo.


Ngày xưa ở Trung Hoa cũng như Việt Nam Tam giáo là ba nền tảng đạo đức chánh. Nhưng người bên Khổng giáo thì không chấp nhận tinh thần Phật giáo. Người bên Lão giáo thì không chấp nhận Khổng giáo. Tam giáo có sự chia rẽ chống đối nhau là vì mỗi Giáo có một lý thuyết và hướng nhắm riêng, do đó mà không hòa hợp. Đến đời Tống, bên Trung Hoa các Thiền sư chủ trương Tam giáo đồng nguyên. Ở Việt Nam đời Trần các ngài cũng chủ trương Tam giáo đồng nguyên, tức là ba giáo đồng một nguồn gốc. Các ngài chủ trương như thế là để dẹp những cái thấy sai lầm của mỗi bên. Sau đây là bài kệ của ngài nói lên ý nghĩa siêu vượt những kiến chấp tầm thường của người thiển cận.


Pháp kệ: Xem phá sắc tướng của Tam giáo

Chẳng Nho chẳng Phật cũng chẳng Tiên,
Vò lại một viên rỗng lặng tròn.
Chùy nhọn thân hùng thông một điểm,
Kiếm sắc huơi rơi rõ tam huyền. (Phật, Nho, Tiên)
Trong mơ hòn bọt chia ranh giới,
Giữa luồng điện chớp bày Thánh Hiền.
Muôn pháp ngàn tông đều là huyễn,
Một thoi nát sạch Tổ sư Thiền.
Thân đồng cõi hư không,
Bày pháp bằng hư không.
Khi chứng được hư không,
Không pháp không phi pháp.


Âm:


Pháp kệ: Lãm phá Tam giáo sắc tướng

Phi Nho phi Phật diệc phi Tiên,
Niết tựu nhất đoàn không tịch viên.
Chùy dĩnh hùng thân thông nhất điểm,
Kiếm mang huy lạc liễu tam huyền.
Phù âu mộng lý phân cương giới,
Thiểm điển quang trung liệt Thánh Hiền.
Vạn pháp thiên tông đô thị huyễn,
Nhất kình phá tận Tổ sư Thiền.
Thân đồng hư không giới,
Thị đẳng hư không pháp.
Chứng đắc hư không thời,
Vô thị vô phi pháp.


Chẳng Nho chẳng Phật cũng chẳng Tiên, vò lại một viên rỗng lặng tròn.


Người theo Nho thì cho Nho là chân lý, người tu Phật thì cho Phật là chân lý, người tu theo đạo Lão thì cho Tiên là chân lý. Nhưng với cái nhìn của Thiền, thì ngài Chân Nguyên cho rằng Phật Nho Tiên chỉ là giả danh, giả tướng, chớ Thể chân thật không hai. Chân lý thì không hai không ba, nhưng nếu ai cũng nói đạo mình là chân lý thì chân lý thành ra hai ba. Vì vậy ở đây nói chẳng Nho chẳng Phật chẳng Tiên gì cả, đem ba cái đó hòa hợp lại thành một viên rỗng lặng, không còn ba tướng khác nhau.


Chùy nhọn thân hùng thông một điểm, kiếm sắc huơi rơi rõ tam huyền.


Tam huyền ở đây không phải là tam huyền của tông Lâm Tế, mà tam huyền chỉ cho Phật Nho Tiên. Ngài Chân Nguyên nói dùng chùy nhọn đem hết sức
mạnh của mình dùi cho nó thông thành một điểm duy nhất không có hai không có ba. Rồi dùng kiếm bén hươi lên cho rụng hết những cái một hai ba riêng rẽ, chừng đó mới thấy chỗ mầu nhiệm của Phật Nho Tiên không có khác, lý tam huyền chỉ là một nguồn.


Trong mơ hòn bọt chia ranh giới, giữa luồng điện chớp bày Thánh Hiền.


Trong mơ tức là trong lúc ngủ mê nằm mộng thì những cái mình thấy, chẳng hạn như một hòn bọt thấy như là một ngọn núi, đó là thấy cái này riêng rẽ với cái kia, cái kia khác với cái nọ. Đó là cái thấy của mơ của mộng. Trên tướng giả tạm phân chia cái này khác với cái kia, như chia đây là Nho, kia là Phật, nọ là Tiên, thấy có Hiền có Thánh khác nhau, đó là tướng phân chia giả tạm không thật. Khi giác ngộ rồi thì không còn phân chia ranh giới, vì Thể chân thật không có gì riêng khác.


Muôn pháp ngàn tông đều là huyễn, một thoi nát sạch Tổ sư Thiền.


Chia ra muôn pháp ngàn tông, nhưng đều là huyễn hóa, các vị Tổ sư Thiền thoi một cái là tan nát sạch trơn mọi kiến chấp phân chia. Như vậy các bậc Tổ sư Thiền oai quá phải không? Vì với cái nhìn của Tổ sư thì những sự phân chia ranh giới là hư ảo tạm bợ, cho nên chỉ cần một tiếng hét, một cái đánh của các ngài là ngộ, ngộ rồi thì tất cả sự phân chia do mê lầm chấp trước đều tan nát. Tóm lại, qua bài kệ này ý ngài Chân Nguyên muốn dạy rằng, vì mê lầm chấp trước nên chia ra Nho, Lão, Phật riêng biệt, chớ trên chỗ cứu kính thì nó không hai. Do đó Ngài nói thêm bài kệ:


Thân đồng cõi hư không, bày pháp bằng hư không.


Ngài nói nếu chúng ta ngộ được Pháp thân rồi thì thân năm uẩn chúng ta đồng với hư không, vì thân năm uẩn và Pháp thân không hai, và các pháp hiện bày rỗng suốt không ngăn ngại. Cho nên:


Khi chứng được hư không, không pháp không phi pháp.


Nghĩa là khi chứng được Pháp thân rồi thì không pháp mà cũng có pháp. Vậy thì tất cả pháp có không đều không còn đối đãi.


Hỏi: Thế nào là trên trời dưới đất, trong cõi nhân gian, quần sanh muôn loài, hết lòng cung kính, tôn xưng chư Phật, gọi là Giác Hoàng?


Đáp: Phật là bậc thầy trong ba cõi, cha lành nơi bốn loài, đức to vòi vọi, hùng tôn bát ngát, quả chứng ba vô số kiếp, ân thấm cả chín loài, ba thân tròn hiển, mười hiệu cùng bày, đến Thánh thì làm vua trong muôn Thánh, làm Phật thì sáu thông tự tại, chín loài tối tăm đều được thấm nhuần, ba cõi đều tôn quí, đại bi đại nguyện, đại lực đại hạnh, khắp tiếp cả trời người, sang hèn đều dẫn dắt, ứng hóa trên trời, cõi người, cứu độ cõi này phương khác, quần sanh đều lợi lạc, tất cả đều nương về, vì vậy tôn Phật là “Giác Hoàng”.


Đây nêu lên câu hỏi tại sao từ cõi người cõi trời cho đến tất cả quần sanh đều cung kính tôn xưng chư Phật là Giác Hoàng? Giác Hoàng là vua giác hay cũng gọi là Giác vương.


Đáp rằng Phật là bậc thầy của ba cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, cha lành của bốn loài, bốn loài là thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh.

Đức độ Ngài rộng mênh mông, cao vòi vọi như núi, sức mạnh của Ngài bát ngát không thể diễn tả được, Ngài tu ba vô số kiếp mới chứng quả, khi chứng quả rồi ân đức của Ngài nhuần thấm trong chín loài. Chín loài: noãn, thai, thấp, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng. Ba thân hiển bày đầy đủ. Mười hiệu là: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Nếu ở trong hàng Thánh thì Ngài là bậc trên hết, Ngài đã được sáu thần thông, chín loài tối tăm đều được thấm nhuần ơn của Ngài. Như vậy sở dĩ hết thảy quần sanh đều tôn chư Phật là vua giác là vì công đức của các ngài vô lượng, vô biên. Tuy nhiên có một câu mà ngày xưa học tôi cũng nghi: nói rằng “quả chứng ba vô số kiếp”, tức là Phật tu trải qua ba vô số kiếp mới chứng quả. Vô số kiếp thì không tính được tại sao nói ba? Đã vô số mà còn nói ba thì lấy đâu làm giới hạn để nói là ba vô số? Vô số kiếp đã không thể tính, vậy lấy đâu làm chặng vô số kiếp thứ nhất, vô số kiếp thứ hai và vô số kiếp thứ ba? Không có chặng mà nói ba vô số kiếp làm sao hiểu? - Nói vô số kiếp chúng ta đừng lầm tưởng vô số là thời gian dài đằng đẵng không thể tính đếm, mà vô số là số thời gian không cố định. Ví dụ có người tu mười năm họ tỉnh, có người tu cả đời không tỉnh. Như trong kinh nói: đức Phật Thích-ca và Bồ-tát Di-lặc đồng thời phát tâm tu, mà Phật Thích-ca đã thành Phật, còn Bồ-tát Di-lặc thì bao nhiêu kiếp nữa mới thành Phật. Như vậy căn cứ vào cái gì để tính số? - Căn cứ vào hạnh tu của các ngài mà tính, mà làm chuẩn, chớ không phải tính năm tháng tu. Nếu căn cứ trên năm tháng tu thì không thể nào tính được. Căn cứ trên công hạnh tu thì trong kinh nói: người tu từ Sơ phát tâm cho đến Tam hiền là bậc thứ nhất hay vô số kiếp thứ nhất. Nhưng trong giai đoạn này người thì tu nhanh, người thì tu chậm làm sao định được thời gian? Như người đi học năm năm hết cấp một, bốn năm nữa hết cấp hai v.v... có thể tính được. Còn người tu siêng thì nhanh, lười biếng thì chậm, mà chậm thì cứ tu mãi cho nên không biết bao nhiêu mà tính, do đó gọi là vô số. Như từ Sơ địa tới Bát địa là bậc thứ hai hay vô số kiếp thứ hai, từ Bát địa đến Đẳng giác diệu giác thành Phật là bậc thứ ba hay vô số kiếp thứ ba. Nói ba vô số kiếp là các ngài căn cứ trên công hạnh tu vượt qua ba bậc gọi là qua vô số kiếp thứ nhất, vô số kiếp thứ hai, vô số kiếp thứ ba, chớ không phải căn cứ trên thời gian. Căn cứ trên thời gian tu thì không ai giống ai, người tu nhanh, người tu chậm, người tu vừa vừa, cho nên không nói số kiếp nhất định. Chúng ta thử xét lại, đức Phật Thích-ca và Bồ-tát Di-lặc đồng thời phát tâm tu, mà Phật Thích-ca thì đã thành Phật nhập Niết-bàn, còn Bồ-tát Di-lặc thì đang làm Bồ-tát nhất sanh bổ xứ ở cung trời Đao-lợi. Cũng vậy, trong số Tăng Ni tu ở đây cùng tu một lượt mà năm bảy năm sau người làm Thiền sư, người làm Pháp sư, cũng có người ngồi tu dài dài. Nói như thế để chúng ta hiểu trình độ tu rất sai biệt, đừng nghĩ rằng cùng phát tâm tu, thời gian tu và kết quả của mỗi người như nhau.


Bởi vì sao? Vì nhân tu rộng lớn nên trăm ngàn công đức đã trang nghiêm, quả chứng chí tôn thì ở trên cả trăm ức hóa thân. Đại nguyện của chư Phật, khi ra đời thường thị hiện làm vua. Làm Phật thì ba cõi đều tôn kính, làm vua thì muôn nước đều qui phục, là thảy do công phu tu hành từ nhiều kiếp, và nhân duyên phước tuệ, lo cứu giúp cho mọi người.


Đoạn này nói thêm cho rõ công đức của chư Phật quá cao siêu như vậy nên mới tôn xưng là Giác Hoàng. Nhưng tới đoạn sau thì an ủi vua Lê Hy Tông.

Lại hội lý rằng:


Giác là rất to, rất rộng, Pháp tánh tròn sáng, chánh giác Bồ-đề. Hoàng là rất tôn, rất quí, ngôi vị độc tôn hết mức, là bậc đế vương trang trọng. Trong các kinh vẫn thấy Phật Phật hiện làm vua, việc xưa cũng truyền nghe vua vua thành Phật. Nên biết, chư Phật số cát sông Hằng, mỗi vị cũng thường thị hiện làm thân đế vương. Và nên biết, ở cung vua mà ứng ra đời trong cửa Phật, thì nước Việt lại thấy triều Lê, niên hiệu Chính Hòa, đức Giác Hoàng trí Phật thiên nhiên, biển tuệ tròn sáng, trang trọng ngự giữa đài hoa mà hiển dương Phật pháp. Cây bồ-đề lớn cao, bóng che mát cả mười phương, hoa ưu-bát nở ra, sáng rực đến muôn đời. Quần sanh đều được độ, khắp nơi thấm ơn sâu, đời tôn xưng là chân Phật Hoàng.


Hội lý là giải lý hay giải thích thêm. Đoạn này tán thán công đức của vua Lê Hy Tông. Triều đại nhà Hậu Lê là thời trọng Nho khinh Phật, song có hai ông vua tin Phật rất sâu, trợ duyên tốt cho Tăng Ni tu hành, chùa chiền được phát triển nhiều hơn, Tăng Ni tu đông hơn, đó là vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông. Vua Lê Hy Tông, ban đầu cũng không tin Phật, đuổi hết Tăng Ni về núi tu hành, không cho ở lại kinh đô để mở mang Phật pháp. Sau nhờ Thiền sư Tông Diễn, viết sớ dâng Vua, trình bày hết những cái hay cái quí của đạo Phật. Vua nghe xong, thức tỉnh thành tâm sám hối tội hủy báng Phật pháp. Từ đó về sau Vua hết lòng tin và ủng hộ Phật pháp. Do Vua sùng kính Phật pháp nên ngài Chân Nguyên được Vua trợ duyên rất nhiều trong việc xây lại chùa Quỳnh Lâm, trong lúc xây chùa, Vua cấp cho ba chục ngàn dân tới làm công quả. Do đó ngài Chân Nguyên nói “ở cung vua mà ứng ra đời trong cửa Phật, thì nước
Việt lại thấy triều Lê, niên hiệu Chính Hòa”
 (1680-1705). Niên hiệu Chính Hòa là niên hiệu của vua Lê Hy Tông, công đức của Vua rất xứng đáng được tôn xưng là Giác Hoàng.


Rỗng toang Phật tánh tợ hư không,
Thị hiện thân vua thể cũng đồng.
Quyền thật sáng ngời gồm mọi lý,
Mở mang Phật pháp độ quần mông.


Âm:


Hoát nhiên Phật tánh đẳng hư không,
Thị hiện vương thân thể diệc đồng.
Quyền thật tinh quang bao chúng lý,
Hiển khai Phật pháp độ quần mông.

Ngài nói thêm bài kệ để tán thán Giác Hoàng.


Rỗng toang Phật tánh tợ hư không, thị hiện thân vua thể cũng đồng.


Đứng về mặt Pháp thân thì Phật tánh rỗng toang tợ hư không. Nhưng thị hiện hay ứng hóa ra hoặc là tu sĩ hay vua giáo hóa dân... đó là cái tướng của dụng, song thể vẫn đồng.


Quyền thật sáng ngời gồm mọi lý, mở mang Phật pháp độ quần mông.


“Quyền” là hiện làm vua, “thật” là chỉ Pháp thân, nghĩa là thị hiện làm vua hay sống với Pháp thân thì vẫn sáng ngời đầy đủ lý đó. Hiện ra để làm gì? Thị hiện làm vua để mở mang Phật pháp độ những kẻ mê muội. Sau đây Ngài dẫn sách Trung Quốc.

Trước kia, vua Đường Thuận hỏi Đại sư Phật Quang:

Phật từ phương nào đến?
Diệt trở về nơi đâu?
Đã nói thường trụ thế,
Nay Phật ở chỗ nào?


Âm:


Phật tòng hà phương lai?
Diệt hướng hà phương khứ?
Ký ngôn thường trụ thế,
Phật kim tại hà khứ?


Đại sư Phật Quang đáp:


Phật từ vô vi đến,
Diệt trở về vô vi.
Pháp thân đồng hư không,
Thường ở chỗ không tâm.
Có niệm về vô niệm,
Có trụ về vô trụ.
Đến vì chúng sanh đến,
Đi vì chúng sanh đi.
Biển Chân như thanh tịnh,
Tròn lặng thể thường trụ.
Người trí khéo tư duy,
Lại chớ sanh nghi ngờ.


Âm:


Phật tòng vô vi lai,
Diệt hướng vô vi khứ.
Phật thân đẳng hư không,
Thường tại vô tâm xứ.
Hữu niệm qui vô niệm,
Hữu trụ qui vô trụ.
Lai vị chúng sanh lai,
Khứ vị chúng sanh khứ.
Thanh tịnh Chân như hải,
Trạm viên thể thường trụ.
Trí giả thiện tư duy,
Cánh vật sanh nghi lự.


Trước kia vua Đường Thuận Tông hỏi Đại sư Phật Quang:


Phật từ phương nào đến, diệt trở về nơi đâu? Đã nói thường trụ thế, nay Phật ở chỗ nào?


Câu hỏi nêu lên là: Phật từ đâu đến, sau khi nhập diệt đi về đâu? Và nói Phật thường trụ ở đời, nhưng nay Phật ở đâu? Đó là câu hỏi của vua Đường Thuận Tông.


Đại sư Phật Quang đáp:


Phật từ vô vi đến, diệt trở về vô vi.


Phật đến từ vô vi mà diệt cũng trở về vô vi. Tại sao vậy? Vì vô vi là cái thể bất sanh bất diệt, Ngài thị hiện ra đời là Hóa thân hay Ứng thân, mà Hóa thân hay Ứng thân cũng từ Pháp thân hiện ra, cho nên nói đến từ vô vi. Ngài hóa thân tùy duyên độ chúng sanh, khi duyên hết, Hóa thân diệt thì trở về Pháp thân, đó là trở về vô vi. Như vậy sanh ra từ Pháp thân, diệt cũng trở về Pháp thân cho nên câu sau nói:

Pháp thân đồng hư không, thường ở chỗ không tâm.


Ở trên hỏi đã nói thường trụ, nay Phật ở chỗ nào? Ở đây trả lời Phật thường ở chỗ không tâm. Vậy không tâm là ở chỗ nào? Chúng ta có tâm hay không tâm? Nếu tâm dấy niệm chạy theo trần cảnh thì có tâm, nếu lặng những vọng niệm đó là không tâm. Câu trả lời quá xác thật. Tuy nhiên quí vị có khả năng thấy Phật không? Chịu khó không tâm là thấy, nếu có tâm thì chỉ thấy chúng sanh. Vì tâm chạy theo trần cảnh là tâm mê của chúng sanh; tâm chúng sanh là tâm hơn thua, phải quấy, tốt xấu v.v... Những thứ tâm chúng sanh lặng, chúng ta vẫn tri vẫn giác ngay đó là tâm Phật. Do đó hỏi: Phật thường trụ ở đời, vậy ở chỗ nào, đáp: thường ở chỗ không tâm là chỉ thẳng không còn giấu giếm gì nữa.


Có niệm về vô niệm, có trụ về vô trụ.


Ở chỗ không tâm đó nếu có niệm thì đưa về vô niệm, có trụ thì phải đưa về vô trụ, đó là chỗ Phật ở. Những câu kế Ngài giải thích thêm:

Đến vì chúng sanh đến, đi vì chúng sanh đi.


Chúng sanh mê, Phật thương muốn độ họ mà thị hiện ra đời, khi duyên mãn, Phật vì chúng sanh thị hiện nhập Niết-bàn. Vì những gì cần dạy cho chúng sanh Ngài đã giảng dạy hết rồi, nếu ở đời thêm thời gian nữa thì chúng ta sẽ ỷ lại, mà không chịu nỗ lực tư duy những lời Phật dạy để ứng dụng tu. Như vậy Phật đến hay đi cũng vì chúng sanh cả, chúng sanh mê thì Ngài đem chánh pháp dạy cho tỉnh giác, hết duyên thì Ngài ra đi.


Biển Chân như thanh tịnh, tròn lặng thể thường trụ.


Nghĩa là Ngài trở về thể Chân như thanh tịnh thênh thang như biển cả, luôn luôn lặng lẽ tròn đầy không sanh không diệt.


Người trí khéo tư duy, lại chớ sanh nghi ngờ.


Người trí khéo nhận định suy xét, không nên sanh lòng nghi ngờ. Như vậy chúng ta thấy ngài Phật Quang đáp rất chí lý không còn giấu giếm gì cả. Bây giờ giả sử có ai hỏi Phật thường trụ ở thế gian vậy Phật ở chỗ nào, quí vị chỉ được không? Chỉ tâm không chạy theo cảnh đó là chỗ Phật thường trụ.


Vua lại hỏi: 

Phật từ vương cung sanh,
Diệt về Song lâm diệt.
Trụ thế bốn chín năm,
Lại bảo không pháp nói?
Núi sông và biển cả,
Trời đất với nhật nguyệt,
Thời đến đều tiêu tan.
Ai rằng không sanh diệt?
Nghi tình còn như trên,
Người trí khéo phân biệt.


Âm:


Phật tùng vương cung sanh,
Diệt hướng song lâm diệt.
Trụ thế tứ thập cửu,
Hựu ngôn vô pháp thuyết.
Sơn hà cập đại hải,
Thiên địa cập nhật nguyệt.
Thời chí giai qui tận,
Thùy vân bất sanh diệt?
Nghi tình du nhược tư,
Trí giả thiện phân biệt.


Vua lại hỏi:


Phật từ vương cung sanh, diệt về Song lâm diệt. Trụ thế bốn chín năm, lại bảo không pháp nói?


Vua nêu lên câu hỏi: Khi Phật còn là Thái tử sanh ở cung vua, đi tu thành Phật, nhập diệt ở rừng Sa-la, trụ thế bốn mươi chín năm, thuyết pháp độ sanh, sao lại bảo không nói pháp? Đó là ý thứ nhất.


Núi sông và biển cả, trời đất với nhật nguyệt, thời đến đều tiêu tan, ai rằng không sanh diệt? Nghi tình còn như trên, người trí khéo phân biệt.


Ý thứ hai Vua hỏi núi sông, biển cả, mặt trời, mặt trăng v.v... hết duyên cũng tan hoại, tại sao nói có cái không sanh diệt?


Đại sư Phật Quang đáp:


Thể Phật vốn vô vi,
Tình mê vọng phân biệt.
Pháp thân đồng hư không,
Chưa từng có sanh diệt.
Có duyên Phật ra đời,
Hết duyên Phật nhập diệt.
Nơi nơi độ chúng sanh,
Giống như trăng trong nước.
Chẳng thường cũng chẳng đoạn,
Chẳng sanh cũng chẳng diệt.
Sanh cũng chưa từng sanh,
Diệt cũng chưa từng diệt.
Tỏ ngộ chỗ không tâm,
Tự nhiên không pháp nói.


Âm:


Phật thể bản vô vi,
Mê tình vọng phân biệt.
Pháp thân đẳng hư không,
Vị tằng hữu sanh diệt.
Hữu duyên Phật xuất thế,
Vô duyên Phật nhập diệt.
Xứ xứ hóa chúng sanh,
Du như thủy trung nguyệt.
Phi thường diệc phi đoạn,
Phi sanh diệc phi diệt.
Sanh diệc vị tằng sanh,
Diệt diệc vị tằng diệt.
Liễu ngộ vô tâm xứ,
Tự nhiên vô pháp thuyết.


Vua nghe Sư giảng hoát nhiên ngộ đạo, tôn trọng Thiền tông.


*


Đại sư Phật Quang đáp:


Thể Phật vốn vô vi, tình mê vọng phân biệt, Pháp thân đồng hư không, chưa từng có sanh diệt.


Ngài nói thể Phật tức là Pháp thân vốn không sanh diệt, do tình mê nên vọng thấy có sanh diệt, và Pháp thân ấy đồng với hư không nên không bao giờ có sanh diệt. Sở dĩ thấy Phật sanh ở cung vua Tịnh Phạn, nhập diệt ở Sa-la song thọ là do mê mà vọng thấy cái giả tướng, chớ Pháp thân thì đồng với hư không, không có tướng sanh  diệt.


Có duyên Phật ra đời, hết duyên Phật nhập diệt, nơi nơi độ chúng sanh, giống như trăng trong nước.


Đức Phật ứng hóa thân để độ khắp chúng sanh, hết duyên Phật nhập Niết-bàn, Ứng Hóa thân giống như bóng mặt trăng trong nước. Vậy bóng trăng trong nước là hư ảo, chỉ có mặt trăng trên trời mới là thật. Cũng vậy Phật ra đời ở vương cung, nhập diệt ở rừng Sa-la là Hóa thân Phật, còn trở về thể bất sanh bất diệt là Pháp thân nên nói thể Phật là vô vi.


Chẳng thường cũng chẳng đoạn, chẳng sanh cũng chẳng diệt, sanh cũng chưa từng sanh, diệt cũng chưa từng diệt. Tỏ ngộ chỗ không tâm, tự nhiên không pháp nói.


Pháp tánh không phải thường cũng không phải đoạn, chưa từng sanh diệt, và khi tâm không còn dấy động thì tỏ ngộ Pháp tánh. Bởi Pháp tánh không tướng mạo, không đối đãi, không dùng ngôn ngữ nói đến được nên tự nhiên không pháp nói, cho nên Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm mà chưa từng nói một lời. Không nói một lời là không nói pháp nào? Pháp Tứ đế hay Thập nhị nhân duyên? - Đứng về mặt Pháp tánh thì không nói một lời, vì Pháp tánh thì không còn đối đãi, mà không đối đãi thì nói cái gì? Chúng ta thử nói một câu không kẹt hai bên coi? Nói được không? - Vì còn đối đãi hai bên nên còn nói năng, đến chỗ dứt đối đãi thì không còn ngôn ngữ nói năng, do đó kinh Lăng-già đức Phật nói trong bốn mươi chín năm ta chưa từng nói một câu. Vì trở về Pháp tánh thì không còn ngôn ngữ đối đãi, không còn ngôn ngữ đối đãi nên tuyên bố không nói một câu. Song, khi ở Lộc Uyển Ngài giảng pháp Tứ đế, đây là Khổ đế, đây là Diệt đế v.v... Khổ đế là sanh tử, Diệt đế là Niết-bàn vô sanh, là pháp còn đối đãi, nên nói Ngài có nói pháp. Lúc nói tới chỗ hết đối đãi Ngài tuyên bố ta không nói một lời. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy giáo lý của đức Phật uyên thâm sâu kín vô cùng. Bốn mươi chín năm nói pháp là nói pháp đối đãi, đến chỗ dứt đối đãi là chỗ không còn một câu để nói. Đó là đi từ đối đãi đến chỗ tuyệt đối, chớ không phải Phật từ chối việc nói pháp của mình, hay như nhiều người hiểu rằng ban đầu đức Phật nói pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ vạn hạnh... sau Ngài tuyên bố ta không nói một lời, Ngài nói như thế để người sau đừng chấp cứng vào lời dạy của Ngài. Hiểu Ngài nói pháp bốn mươi chín năm là thật thì chưa đạt đến chỗ cứu kính, chỗ cứu kính là từ đối đãi đến tuyệt đối, đối đãi thì còn ngôn thuyết, tuyệt đối thì không còn ngôn thuyết. Do đó các Thiền sư cũng nói chỗ tuyệt đối là chỗ không lời, chỗ không lời là chỗ hết đối đãi. Ni sư Diệu Nhân cũng nói “uổng khẩu vô ngôn”.


Vua nghe giảng, thấu suốt được chỗ đó nên ngộ đạo và tôn trọng Thiền tông. Vua nghe giảng thì ngộ còn chúng ta nghe có ngộ không? Vì đọc qua câu hỏi và lời đáp chúng ta không nhận ra nên không ngộ, còn Vua thấu suốt được lời đáp của Ngài nên Vua ngộ và tôn trọng Thiền tông.