Luận Về Tọa Thiền

Thứ Tư, 10 Tháng Năm 20238:49 CH(Xem: 432)
Luận Về Tọa Thiền

KHÓA HƯ LỤC
Trần Thái Tông - Thích Thanh Từ dịch

LUẬN VỀ TỌA THIỀN

Phàm người học đạo chỉ cầu kiến tánh. Tuy thọ được tất cả tịnh giới, mà không tọa thiền thì định lực chẳng sanh; định lực chẳng sanh thì vọng niệm không diệt, muốn được kiến tánh, thật là khó vậy. Đức Phật Thích-ca vào núi Tuyết, ngồi ngay thẳng sáu năm, chim Cáp làm tổ trên đầu, cỏ tranh mọc xuyên qua bắp vế, mà thân tâm thản nhiên. Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, tâm tợ tro tàn. Nhan Hồi ngồi quên, tay chân rời rã. Đuổi thông  minh, lìa ngu trí, đồng với đại đạo. Đó là các bậc Thánh Hiền trong tam giáo ngày xưa, đã từng ngồi định.

Song đi đứng nằm ngồi đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi. Nhưng vì đi thì cất bước, đứng thì nhọc nhằn, nằm thì mờ mịt mà yên tĩnh, yên tĩnh thì cái nghĩ sanh, nghĩ sanh thì niệm khởi. Muốn dứt các niệm, nên tập ngồi thiền định. Nếu khi ngồi không dứt các niệm, tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong, hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh. Tựa giường, dựa vách, nhắm mắt che tròng ngủ gục, nước miếng chảy, đầu cúi, xương sống cong. Tuy giả danh là tọa thiền, mà ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ. Cho nên Thiền sư Hoài Nhượng nói: “mài gạch muốn làm gương” là nói về người này vậy.

Vả lại, thiền có bốn thứ:

1. Tạo kế khác, ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Ngoại đạo thiền”.

2. Chánh tín nhân quả, cũng ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Phàm phu thiền”.

3. Rõ lý sanh (nhân) không, chứng đạo thiên chân mà tu, gọi là “Tiểu giáo thiền”.

4. Đạt nhân, pháp đều không mà tu, gọi là “Đại giáo thiền”.

Nay, người hậu học, cần lấy “Đại giáo thiền” làm chánh. Nơi đây tập tọa thiền dứt niệm, chớ sanh kiến giải.