Chân Như Huân Tập

Thursday, 15 December 20169:28 PM(View: 4620)
Chân Như Huân Tập
CHÂN NHƯ HUÂN TẬP
Nguyễn Thế Đăng


1. Chân Như huân tập theo Luận Đại Thừa Khởi Tín


Chân Như huân tập là một thành ngữ được nói đến nhiều trong Luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ-tát Mã Minh (giữa thế kỷ 1 và 2). Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu Chân Như huân tập trong bộ luận ấy, để làm rõ khái niệm quan trọng có nhiều trong kinh luận Đại thừa.


Huân tập có nghĩa là xông ướp (huân) và tập tành, quen thuộc, lặp đi lặp lại, tích tập (tập).


Thông thường, chúng ta đều biết, về phía hành giả, cần hướng đến Chân Như, như là thực tại tối hậu, cần “huân tập” Chân Như, “tương ưng, tùy thuận” Chân Như, “xứng, chứng, nhập” Chân Như. (Những chữ, câu nằm trong ngoặc kép trong bài này đều lấy từ Luận Đại Thừa Khởi Tín).


Còn Chân Như, cũng được gọi là “Pháp thân”, “Niết bàn”, “Nhất Tâm”, “Pháp tánh, tánh của các pháp”, “chánh định căn bản”, “tánh giác”, “bản giác”, “nguồn tâm”, “tâm tánh”, “tự tánh thanh tịnh tâm của chúng sanh”, “Phật tánh thường lạc ngã tịnh”, “Như Lai tạng”, “Một vị”…


Con người đi đến Chân Như, thu ngắn sự cách biệt với Chân Như, kết nối với Chân Như, tương ưng với Chân Như, chứng nhập Chân Như. Điều đó là rõ ràng. Nhưng ở đây, Chân Như huân tập nghĩa là Chân Như cũng đi đến con người, thu hút, hấp dẫn con người, lôi kéo con người về phía nó. Luận Khởi Tín nói về Chân Như huân tập như thế nào?


“Chân Như huân tập là từ vô thủy đến nay chúng sanh vốn đầy đủ tự thể Chân Như vô lậu, sẵn đủ diệu dụng Chân Như chẳng thể nghĩ bàn, làm nền tảng cho mọi cảnh giới. Bởi thể và dụng Chân Như hằng thường huân tập như vậy, nhờ sức huân tập ấy khiến cho chúng sanh chán khổ sanh tử, thích cầu Niết-bàn, và tự tin bản thân có sẵn Chân Như Phật tánh, phát tâm tu hành”.


“Sức huân tập của Chân Như” là sự kêu gọi, thức tỉnh, thu hút chúng ta lìa bỏ sanh tử khổ đau để đi đến, tiếp xúc và hợp nhất với Chân Như thường lạc ngã tịnh. Ở mặt kia là vô minh mê lầm tự tích tập chính nó, tự huân tập lấy nó. Vô minh là bất giác không biết Chân Như do bị các thức làm mê lầm, che ngăn. Nhưng những mê lầm che ngăn này chỉ là vọng sanh, vọng khởi trong chính Chân Như, không thường hằng bất biến. Do đó cái vô minh tạm thời ấy có thể bị tiêu diệt:


“Do vô minh huân tập mà sanh khởi thức…


“Tâm Chân Như này từ vô thủy đến nay, tự tánh nó vốn thanh tịnh. Nhưng có vô minh thì vô minh làm nhiễm ô mà có tâm nhiễm ô. Tuy có tâm nhiễm ô nhưng tâm Chân Như vẫn thường hằng bất biến. Thế nên chỉ có Phật mới biết trọn vẹn nghĩa này.


Tức là bản tánh của tâm thường vô niệm, nên gọi là bất biến. Bởi vì không thấu đạt Pháp giới Nhất tướng này, tâm không tương ưng, hốt nhiên khởi niệm, nên gọi là vô minh”.


“Tất cả các pháp từ xưa nay không hề có niệm tưởng, chỉ có một chân tâm. Nhưng vì bất giác , tâm vọng động khởi niệm, có ra các cảnh giới, gọi là vô minh”.


Tất cả chúng sanh chúng ta, dù vô minh dày mỏng đều đang sống trong Chân Như, đang là Chân Như đấy thôi:


“Thí như mọi đồ sành sứ, từ tánh chất đến hình tướng đều đồng là đất sét. Giác và các nghiệp huyễn vô minh bất giác cũng thế, tánh tướng đều đồng là Chân Như. Thế nên trong kinh, y vào nghĩa Chân Như này, nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh từ xưa nay vốn thường trụ trong Bồ-đề Niết-bàn, chẳng phải do tu mới có, chẳng phải do làm mới được, rốt ráo không có cái gì là chứng đắc, cũng không có tướng gì để thấy’. Nhưng thấy có sắc tướng chỉ là do tùy nghiệp nhiễm ô mà hiện ra, chẳng phải Chân Như có các sắc tướng ấy, vì thật tướng Chân Như là vô tướng”.


Chân Như vừa huân tập ở hai mặt ‘bên trong’ và ‘bên ngoài’. ‘Bên trong’ là huân tập trong tâm hành giả. ‘Bên ngoài’ là huân tập từ bên ngoài, tức là từ chư Phật, Bồ-tát, các hình tượng, xá lợi, chùa tháp, pháp khí, các nơi hành hương…


Con đường Phật đạo là con đường Chân Như huân tập hành giả và hành giả huân tập Chân Như. Sự huân tập này có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu chưa tương ưng với Chân Như nên chưa được sự huân tập trực tiếp của Chân Như, do đó hành giả phải dùng ý, ý thức để tu hành, sự tự lực huân tập phải rất mạnh mẽ nhưng lại hữu hạn. Giai đoạn sau là đã tương ưng với Chân Như, mọi tu hành của hành giả đều được Chân Như trực tiếp huân tập, do đó sự tu hành được tương thích hơn, đúng đắn tốt đẹp hơn rất nhiều. Luận Khởi Tín nói:


“1. Chưa tương ưng: Các phàm phu, hàng Nhị thừa và Bồ-tát sơ phát tâm dùng ý, ý thức để huân tập, nương dựa vào sức tin mà tu hành, chưa chứng vô phân biệt trí (căn bản trí) để tương ưng với thể Chân Như. Chưa được diệu dụng tự tại tu hành để tương ưng với dụng của Chân Như (tức là Sai biệt trí hay Hậu đắc trí).


2. Đã tương ưng: tức là các Bồ-tát đã bước đầu chứng nhập Pháp thân, đắc vô phân biệt trí, tương ưng với trí thể và trí dụng của chư Phật, chỉ y vào năng lực của Pháp thân Chân Như mà tự nhiên tu hành, tự nhiên huân tập Chân Như, diệt hẳn vô minh.


Lại nữa, từ vô thủy đến nay pháp nhiễm vô minh huân tập không đứt, cho đến khi thành Phật thì diệt dứt hoàn toàn. Còn pháp tịnh Chân Như huân tập thì vĩnh viễn không dứt. Nghĩa này thế nào? Vì Chân Như thường huân tập nên vọng tâm phải diệt mất. Vọng tâm diệt đến đâu thì Pháp thân hiện bày đến đó. Pháp thân tự nhiên có diệu dụng huân tập vô cùng vô tận như vậy”.


Sự tiếp xúc, kết nối, hòa lẫn giữa cái dưới và cái trên, cái phần tử và cái toàn thể này được kinh điển nói đến nhiều. Ở đây trích một đoạn kinh Lăng Nghiêm, quyển tám:


“Như Lai ngược dòng đi xuống, còn Bồ-tát thuận dòng mà lên. Đến chỗ ranh giới của Giác thể Nhập trọn vẹn vào nhau, gọi là Đẳng giác”.


Chân Như huân tập từ bên ngoài, mạnh nhất là từ chư Phật, chư Bồ-tát và Thiện tri thức, vì ở nơi các Ngài, Chân Như hiển lộ đầy đủ hoặc phần lớn:


“Lại nữa, trong Phật pháp nới có nhân có duyên, nhân duyên đầy đủ mới được thành tựu. Như tánh lửa có sẵn trong cây, tánh lửa là chánh nhân (của lửa). Nhưng nếu không có người biết làm ra lửa, không dùng phương tiện mà cây tự cháy thì không có chuyện ấy.


Tất cả chúng sanh cũng vậy, tuy có sức huân tập của chánh nhân Chân Như Phật tánh, nhưng nếu không gặp chư Phật, chư Bồ-tát, Thiện tri thức làm ngoại duyên chỉ bày đường lối thì cũng không thể cắt đứt phiền não, đi vào Niết-bàn được. Chuyện ấy cũng không thể có.


Ngược lại, tuy có sức của ngoại duyên, nhưng bên trong sức huân tập của Chân Như thanh tịnh chưa hoạt động thì cũng không thể chán khổ sanh tử, thích cầu Niết-bàn, phát tâm tu hành các pháp thiện được”.


Ở một đoạn khác, chúng ta thấy sự quan trọng của các thiện hạnh dựa vào thế giới bên ngoài để huân tập Chân Như:


“Hỏi: Trước đã nói Pháp giới một tướng, Phật thể vốn không hai, tại sao không chỉ niệm Chân Như mà phải lại tạm mượn tu các hạnh lành?


Đáp: ví như ngọc Ma-ni, thể tánh vốn sáng sạch, nhưng vẫn còn lẫn lộn trong đất đá dơ bẩn. Nếu chỉ nghĩ đến tính chất quý báu của ngọc mà không dùng các thứ phương tiện giũa mài thì cuối cùng chẳng thể được sáng sạch. Cũng vậy, pháp thể Chân Như của chúng sanh tuy rỗng rang thanh tịnh nhưng vì còn vô lượng phiền não nhiễm ô khắp tất cả pháp, nên phải dùng tất cả thiện hạnh để đối trị. Nếu người tu tất cả các thiện pháp thì tự nhiên thuận về Chân Như vậy”.


Sự huân tu từ Chân Như bên ngoài là quan trọng đối với con đường Bồ-tát. Tam bảo, chùa tháp, các pháp khí, các nghi lễ, các nơi hành hương… cho đến bố thí, nhẫn nhục… lợi mình lợi người… nghĩa là tất cả các thiện hạnh. Bởi vì Chân Như không chỉ ở trong, mà còn ở ngoài, bao trùm và hợp nhất chủ thể và khách thể.


Hơn nữa, Chân Như là thật tánh và thật tướng của tất cả các sự vật bên ngoài: “Nhưng thể của Chân Như thì không thể trừ bỏ vì tất cả các pháp vốn đồng là Chân, và Chân Như cũng không thể dựng lập vì tất cả các pháp vốn đồng là Như. Phải biết tất cả các pháp không thể nói năng, không thể suy nghĩ, nên gọi là Chân Như”. Kinh Kim Cương nói: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp”.


Các hạnh lành, các Phật sự là sự tương tác giữa người tu và ngoại cảnh để tìm thấy và tương ưng với Chân Như. Các hạnh lành của con đường Bồ-tát đều y trên Chân Như mà làm. Luận Khởi Tín nói về các Ba la mật:


“Vì biết pháp tánh Chân Như không có bỏn sẻn tham lam, nên tùy thuận Chân Như tu hành Bố thí Ba-la-mật. Vì biết pháp tánh Chân Như không có nhiễm ô, lìa các lỗi năm dục, nên tùy thuận Chân Như tu hành Trì giới Ba-la-mật. Vì biết pháp tánh Chân Như không có khổ não, lìa khỏi sân hận, nên tùy thuận Chân Như tu hành Nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì biết pháp tánh Chân Như không có tướng thân tâm, xa lìa giải đãi, nên tùy thuận Chân Như tu hành Tinh tấn Ba-la-mật. Vì biết pháp tánh Chân Như vốn thường định, thể không tán loạn, nên tùy thuận Chân Như tu hành Thiền định Ba-la-mật. Vì biết pháp tánh Chân Như vốn sáng tỏ, không có vô minh, nên tùy thuận Chân Như tu hành Trí huệ Ba-la-mật”.


Luận Khởi Tín gồm tất cả sự huân tập hay tu hành của hành giả vào ba tâm:


- Trực tâm là tâm chánh niệm Chân Như: “Chúng sanh nào quán vô niệm thì người ấy đang hướng về trí Phật”.


- Thâm tâm là tâm ưa tích tập tất cả các thiện hạnh công đức.


- Tâm đại bi muốn cứu khổ tất cả chúng sanh.


Tóm lại, tất cả mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc của cuộc sống đều là cơ hội quý báu để chúng ta có thể huân tập, tiếp xúc và tương ưng với Chân Như.


2. Vài đặc điểm của Chân Như huân tập


Sau đây chúng ta nêu lên vài đặc điểm của Chân Như huân tập. Đó là những đặc điểm của con đường Bô-tát:


- Một trong những từ Luận Khởi Tín dùng để chỉ thực tại tối hậu là Niết-bàn. Nhưng trong khi Niết-bàn theo hệ Pali Nam truyền là “tịch tịnh, tịch diệt” mang nhiều nghĩa tĩnh lặng, thụ động, thì Niết-bàn của Luận Đại thừa Khởi Tín là hoạt động, sinh động, tích cực phi thường. Niết-bàn loại trước thì ở trong một trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối chờ con người đạt đến, còn Niết-bàn loại sau thì cũng đồng thời đi đến với con người. Niết-bàn của Đại thừa là Chân Như thường hằng huân tập. Thế nên, thực tại tối hậu của Đại thừa là Chân Không Diệu Hữu (chữ dùng của Luận Khởi Tín là “Như Thật Không” và “Như Thật Bất Không”).


- Điều này mở ra tất cả mọi pháp môn, như tín, hạnh, nguyện, hồi hướng…, để đạt đến Niết-bàn Chân Không Diệu Hữu.


Đối với Niết-bàn Chân Không Diệu Hữu này, phương tiện chính là cứu cánh, chứ không phải phương tiện để đạt đến cứu cánh, đạt đến rồi thì bỏ đi. Phương tiện không phải để chờ đợi cứu cánh, mà cứu cánh nằm ngay nơi phương tiện. Kinh Duy Ma Cật nói: “Bản tánh của sanh tử tức là Niết-bàn”. Luận Khởi Tín cũng thường nói đến Tánh, Tướng, hay Thể, Dụng của Chân Như, đi đến kết luận chung của Đại thừa: “Sanh tử tức Niết-bàn”


- Trong sự thực hành, vì Niết-bàn là nền tảng của tất cả các pháp, cho nên ngoài sự chánh niệm tỉnh giác trên các pháp vô thường (như hơi thở, cảm thọ…) Đại thừa còn chánh niệm tỉnh giác trên chính thực tại tối hậu là Niết-bàn Chân Như: “trực niệm Chân Như”.


Đại thừa không bỏ một điều gì mà con người trong sanh tử đang có để chuyển hóa sanh tử thành Niết-bàn. Chính vì thế mà sự thực hành của Đại thừa phong phú vô cùng, mà nói một cách tượng trưng là tám vạn bốn ngàn pháp môn hay tám vạn bốn ngàn con đường.


Một trong những pháp môn hay con đường ấy là lòng sùng tín (devotion). Sùng tín đối với các bậc cao cả thiêng liêng. Sùng tín đối với tất cả, vì tất cả đang là Chân Như nhưng bị che giấu bởi vô minh. Sùng tín là động lực lớn đi trên con đường: “Từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến thành Phật, trong khoảng thời gian ấy, người tu nương vào chư Phật, chư Bồ-tát, hoặc thấy hình tướng các Ngài, hoặc nghĩ đến các Ngài, đều được các Ngài gia hộ. Các Ngài hoặc hiện thân làm cha mẹ, thân thuộc, hoặc làm thiện hữu tri thức, hoặc làm người tôi tớ hầu hạ, hoặc làm người oan gia, hoặc dùng bốn nhiếp pháp cho đến tất cả các hành động để trợ duyên. Nhờ sức đại bi huân tập, khiến chúng sanh tăng trưởng căn lành, chúng sanh nếu thấy hoặc nghe đều có lợi ích”.


Sức mạnh của sự sùng tín này khiến hành giả có thể “phá vỡ hạt bụi để thấy ra kinh điển”, như kinh Hoa Nghiêm nói.


- Chính nhờ Chân Như bao trùm khắp mọi ngõ ngách của cuộc đời mà hành giả tích tập, khai triển mọi đức tính của Bồ-tát: tôn trọng, khoan dung, từ bi, bình đẳng, nhẫn nhục, lạc quan… Muôn hạnh muôn đức của một bậc Giác ngộ là dụng của Chân Như. Và cũng chính Chân Như chứa giữ muôn hạnh muôn đức ấy. Ở nơi phương diện này mà Chân Như được gọi là Như Lai Tạng.


- Với Chân Như Chân Không Diệu Hữu, thế giới sanh tử này là một đạo tràng rộng lớn cho hành giả, vì thế giới này là một biểu hiện của Chân Như được nhìn theo nghiệp của chúng sanh. Chân Như vẫn đang có đó nhưng còn ẩn giấu đối với hành giả, còn cần phải luôn luôn và mãi mãi được khám phá.


Hành giả tu khắp nơi. Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào, không gian nào, hành giả cũng có thể huân tập và bắt gặp Chân Như. Chẳng hạn cái ngộ Thiền tông luôn nói đến là sự tương ưng giữa huân tập Chân Như của hành giả với Chân Như huân tập của Chân Như. Đó là sự tương ưng của Chân Như ‘bên trong’ với Chân Như ‘bên ngoài’ , của phần tử với cái toàn thể, của thủy giác và bản giác.


Nói theo những thí dụ “sóng và đại dương, bóng và gương” của Luận Khởi Tín thì thấy sóng ở đâu thì đại dương ở đó, thấy bóng ở đâu thì thấy gương ở đó. Như thế, thế giới này là một đạo tràng của Chân Như.


Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mới mẻ khoe
Ngoài vô biên thế giới
Chỗ nào chẳng phải nhà?


Thiền sư Thường Chiếu (?-1203)