- Lời Đầu
- Chương 1: Sự Hình Thành & Cấu Trúc của A-hàm & Nikaya
- Chương 2: Ý Nghĩa A-hàm
- Chương 3: Những Lời Phật Dạy trong Trường A-hàm
- Chương 4: Những Lời Phật Dạy Trong Trung A-hàm
- Tập 2
- Chương 1: Những Lời Phật Dạy trong Tạp A-hàm
- Chương 2: Những Lời Phật Dạy trong Tăng Nhất A-hàm
- Chương 3: Những Chủ đề Chung trong A-hàm
- Chương 4: Kết Luận
1. ÁC QUẢ ÁC BÁO
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Nay vua Lưu-ly và các binh chúng ở đời sẽ không còn bao lâu. Sau bảy ngày nữa họ sẽ bị tiêu diệthết.
Nghe vậy, vua Lưu-ly lo sợ bảo quần thần: Nay Như Lai đã báo hiệu, sau bảy ngày nữa vua Lưu-ly và binh chúng sẽ bị tiêu diệthết. Các ngươi xem, ngoài biên giới có giặc cướp, tai biến nước lửa, đến xâm phạm nước chăng? Bởi vì sao? Vì chư Phật Như Lai không có hai lời. Lời nói quyết không đổi khác.
Bà-la-môn Hảo Khổ tâu với vua: Vua chớ có lo sợ. Nay bên ngoài không có nạn giặc cướp đáng sợ, cũng không tai biến nước lửa. Hôm nay, Đại vương hãy cứ vui chơi thỏa thích.
Vua Lưu-ly cho người đếm ngày, đến đầu ngày thứ bảy, Đại vương vui mừng hớn hở không tự chế được, liền dẫn binh chúng và các thể nữ đến bờ sông A-chi-la mà tự vui chơi và nghỉ đêm ở đó. Vào lúc nửa đêm, bất ngờ mây nổi dậy mưa gió dữ dội. Lúc ấy, vua Lưu-ly và binh chúng cùng bị nước cuốn trôi, đều bị tiêu diệt, thân hoại mạng chung bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Cung điện thành nội lại bị lửa trời thiêu đốt. Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn quan sát thấy vua Lưu-ly và binh bốn bộ bị nước cuốn trôi, mạng chung tất cả đều vào địa ngục.
Làm việc tối cực ác
Đều do thân, miệng làm
Nay thân cũng chịu khổ
Thọ mạng cũng ngắn ngủi.
Nếu khi ở trong nhà
Thì bị lửa thiêu đốt
Đến lúc mạng qua đời
Tất sinh vào địa ngục.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: Sau khi chết, vua Lưu-ly và binh lính sanh nơi nào?
Thế Tôn bảo: Vua Lưu-ly sanh vào địa ngục A-tỳ
Các Tỳ-kheo bạch: Xưa kia các Thích tử đã tạo ra nhân duyên gì mà nay bị vua Lưu-ly làm hại?
Thế Tôn bảo: Ngày xưa, trong thành La-duyệt này có một thôn đánh cá. Thời ấy, gặp lúc đói kém, người ăn rễ cây, một thăng vàng đổi một thăng gạo. Trong thôn lúc đó có một hồ nước lớn, lại nhiều cá. Mọi người dân trong thành La-duyệt đến nơi hồ bắt cá ăn. Vào lúc đó, trong hồ có hai giống cá, một gọi là là Câu tỏa, hai gọi là Lưỡng thiệt. Lúc ấy, hai giống cá nói với nhau: ‘Đối với những người này, trước đây chúng ta không có lỗi lầm. Ta là loài thủy tánh, không ở đất khô. Những người dân này đều đến ăn thịtchúng ta. Bao nhiêu phước đức chúng ta có đời trước, nay sẽ dùng để báo oán này.’
Lúc ấy, trong thôn có một cậu bé mới tám tuổi, không bắt cá, lại cũng không hại chúng, nhưng cá kia ở trên bờ, tất cả đều bị chết, thấy vậy cậu bé rất là vui mừng.
Các ngươi chớ nghĩ nhân dân trong thành La-duyệt lúc bấy giờ há là người nào khác, mà nay chính là họ Thích. Cá Câu tỏa bấy giờ, nay là vua Lưu-ly. Cá Lưỡng thiệt bấy giờ, thì nay là bà-la-môn Hảo Khổ. Còn cậu bé thấy cá nằm trên bờ mà cười lúc ấy, nay chính là Ta. Bấy giờ, họ Thích ngồi bắt cá ăn. Vì nhân duyên này, nên trong vô số kiếp vào trong địa ngục, nay phải chịu báo này. Lúc ấy, Ta ngồi nhìn mà cười nên nay bị đau đầu giống như bị đá đè, hoặc như đầu đội núi Tu-di. Vì sao vậy? Vì Như Lai vốn không nhận hình hài nữa, đã xả bỏ các hành, vượt qua các ách nạn. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là vì nhân duyên này, nay chịu báo này. Các Tỳ-kheo, hãy giữ thân, miệng, ý hành, hãy niệm cung kính thừa sựngười phạm hạnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 2)
2. ÁC TRI THỨC
Người ác tri thức tự sinh tâm niệm này: ‘Ta thuộc dòng hào tộc xuất gia học đạo. Các Tỳ-kheo khác thuộc dòng ti tiện xuất gia.’ Ỷ vào dòng họ mình mong chê bai người khác.
‘Ta rất siêng năng phụng hành chánh pháp. Các Tỳ-kheo khác thì không siêng năng trì giới.’ Lại dùng nghĩa này chê bai người khác mà tự cống cao.
‘Ta thành tựu tam-muội, các Tỳ-kheo khác không có tam-muội, tâm ý thác loạn không nhất định.’ Người ấy ỷ vào tam-muội này thường tự cống cao chê bai người khác.
‘Ta trí tuệ bậc nhất. Ở đây các Tỳ-kheo khác không có trí tuệ.’ Người ấy ỷ vào trí tuệ này mà tự cống cao hủy báng người khác.
‘Hiện tại ta thường được thức ăn, giường mềm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Ở đây, các Tỳ-kheo khác không được các vật cúng dường này.’ Người này ỷ vào vật cúng dường này mà tự cống cao, chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức, hành tà nghiệp.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 9)
3. AN BANG
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm an-ban. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 8)
4. ĂN UỐNG TIẾT ĐỘ
Tỳ-kheo suy xét những đồ ăn thức uống từ đâu mà đến; ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trìthân hình, bốn đại được nguyên vẹn: ‘Nay tôi phải trừ cảm thọ cũ, khiến cảm thọ mới không sanh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.’ Cũng như thân nam, nữ nổi lên nhọt độc, phải dùng cao mỡ bôi nhọt. Sở dĩ bôi nhọt là muốn chóng khỏi. Đây cũng như vậy, các Tỳ-kheo, ăn uống biết tiết độ. Ở đây, Tỳ-kheo suy xét đồ ăn thức uống từ đâu mà đến; ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì thân hình, bốn đại được nguyên vẹn: ‘Nay tôi phải trừ cảm thọ cũ, khiến cảm thọ mới không sanh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.’
Cũng như xe cộ chở nặng, sở dĩ bôi mỡ trục là muốn đem vật nặng đến nơi. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, ăn uống biết tiết độ, suy xét những đồ ăn thức uống từ đâu đến, ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì thân hình, bốn đại được nguyên vẹn: ‘Nay tôi phải trừ cảm thọ* cũ, khiến cảm thọ mới không sanh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.’ Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độlà như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 6)
5. ÁNH SÁNG XUẤT HIỆN
Có một con người mà xuất hiện ở thế gian, thì bấy giờ Trời Người liền được thấm nhuần ánh sáng, liền có tín tâm nơi giới, văn, thí, tuệ. Giống như ánh trăng tròn mùa thu vằng vặc chiếu khắp mọi nơi, thì ở đây cũng vậy. Nếu Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác, xuất hiện thế gian, thì Trời Người liền được thấm nhuần ánh sáng, liền có lòng tin đối với giới, văn, thí, tuệ, như trăng tròn chiếu khắp tất cả.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 8. Phẩm A-Tu-La, Kinh số 8)
6. A-TU-LA, MẶT TRỜI VÀ MẶT TRĂNG
Thọ thân hình to lớn không ai hơn vua A-tu-la. Tỳ-kheo, nên biết, thân hình A-tu-la lớn cao tám vạn bốn nghìn do tuần. Miệng rộng nghìn do tuần. Tỳ-kheo nên biết, có lúc vua A-tu-la muốn xúc phạm đến mặt trời, liền hóa thân cao gấp bội đến mười sáu vạn tám nghìn do tuần, ̣đến trước mặt trời, mặt trăng. Vua mặt trời, mặt trăng thấy vậy, trong lòng sợ hãi cho nơi ở của mình không an ninh. Vì sao vậy? Vì thân hình A-tu-la rất đáng sợ. Vua mặt trời, mặt trăng kia vì trong lòng sợ hãi, nên ánh sáng không còn nữa. Nhưng A-tu-la không dám đến trước bắt mặt trời mặt trăng. Vì sao? Vì oai đức mặt trời, mặt trăng có thần lực lớn, thọ mạng rất dài, nhan sắc đoan chánh, hưởng lạc vô cùng. Muốn biết thọ mạng dài ngắn, đó là tuổi thọ trụ một kiếp. Lại nữa, do phước báo của chúng sinh cõi này, nên vua mặt trời, mặt trăngkhông bị xúc phạm bởi sự thấy của A-tu-la.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 8. Phẩm A-Tu-La, Kinh số 1)
7. BA BỊNH LỚN
Có ba bệnh lớn: Phong là bệnh lớn; đàm là bệnh lớn; lãnh là bệnh lớn.
Lại có ba thứ thuốc hay: Nếu bệnh phong, tô là thuốc hay, và tô dùng làm thức ăn. Nếu bệnh đờm, mật làm thuốc hay, và mật dùng làm thức ăn. Nếu bệnh lãnh, dầu là thuốc hay, và dầu dùng làm thức ăn.
Có ba loại bệnh lớn: tham dục, sân nhuế, ngu si. Song, ba loại bệnh lớn nầy, lại có ba thứ thuốc hay: Nếu lúc tham dục khởi, thường trị bằng bất tịnh, và tư duy bất tịnh đạo. Nếu bệnh lớn là sân nhuế, thường trị bằng từ tâm, và tư duy từ tâm đạo. Nếu bệnh lớn là ngu si, thường trị bằng trí huệ, và duyên khởi đạo.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 7)
8. BA CHÁNH VÀ TÀ TỤ
1) Tà tụ là có tà kiến, tà tư duy, tà ngũ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
2) Bất định tụ là có chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết tận, chẳng biết đạo, chẳng biết chánh tụ, chẳng biết tà tụ.
3) Ba thiện tụ là có thiện tụ, chánh tụ, định tụ.
4) Ba thiện căn là vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn.
5) Chánh tụ gồm: chánh kiến, chánh trị, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh định.
6) Định tụ là có biết khổ, biết tập, biết tận, biết đạo, biết thiện tụ, biết ác tụ, biết định tụ.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 9)
9. BA CHỖ KHÔNG DI ĐỘNG
Nếu có chúng sanh muốn khởi từ tâm, có ý chí tín, vâng phục phụng sự cha mẹ, anh em, tông tộc, gia thất, bè bạn tri thức, nên an lập những người này trên ba xứ khiến không di động. Những gì là ba?
1) Khiến họ phát tâm hoan hỷ đối với Như Lai, tâm không di động rằng: ‘Ngài là Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu Phật Thế Tôn.’
2) Lại khiến họ phát tâm hoan hỷ nơi Chánh pháp rằng: ‘Pháp được Như Lai khéo nói, vô ngại, cực kỳ vi diệu, do đây mà thành quả; pháp như vậy được học và biết bởi người trí.’
3) Cũng khiến họ phát tâm hoan hỷ nơi Thánh chúng này rằng: ‘Thánh Chúng của Như Lai tất cả đều hòa hợp, không có lẫn lộn, thành tựu pháp, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát kiến huệ. Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi tám hạng, mười hai Hiền Thánh. Đây là Thánh Chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quí. Đây là ruộng phước vô lượng thế gian.’
Các Tỳ-kheo nào học ba xứ nầy sẽ thành tựu quả báo lớn.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 4)
10. BA HÀNH VI ÁC
Ba hành vi ác là thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Tỳ-kheo, phải tìm cầu phương tiện tu ba hành vithiện: Nếu thân làm ác, phải tu hành vi thiện nơi thân. Miệng nói ác, phải tu hành vi thiện nơi miệng. Ý nghĩ ác, phải tu hành vi thiện nơi ý.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 8)
11. BA KẾT DO THÂN TÀ
Có ba kết sử trói buộc chúng sanh khiến không thể từ bờ này đến bờ kia được là thân tà, giới đạo, nghi.
1) Chấp thân có ngã, nảy sinh tưởng về tôi ta, có tưởng về chúng sanh, có mạng, có thọ, có nhân, có sĩ phu, có duyên, có trước. Đó gọi là kết bởi thân tà.
2) Có ngã chăng? Vô ngã chăng? Có sinh chăng? Không sinh chăng? Có ngã, nhân, thọ mạng, chăng? Không ngã, nhân, thọ mạng chăng? Có phụ mẫu chăng? Không phụ mẫu chăng? Có đời này, đời sauchăng? Không đời này, đời sau chăng? Có sa-môn, bà-la-môn chăng? Không sa-môn, bà-la-môn chăng? Đời có A-la-hán chăng? Đời không A-la-hán chăng? Có người chứng đắc chăng? Không người chứng đắc chăng? Đó gọi là kết bởi nghi.
3) Ta do giới này mà sinh vào gia đình giòng họ lớn, sinh nhà trưởng giả, sinh nhà bà-la-môn, hoặc sinh lên trời, hay trong các thần. Đó gọi là kết của giới đạo.
Có ba kết này trói buộc chúng sanh, khiến không thể từ bờ này đến bờ kia. Giống như hai con bò cùng một ách tất không rời nhau.
Bờ này chính là thân tà; bờ kia chính là thân tà bị diệt. Đó gọi là ba kết trói buộc chúng sanh, không thể từ bờ này đến bờ kia. Cho nên, cần phải tìm cách tiêu diệt ba kết này.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 9)
12. BA LOẠI HƯƠNG BAY NGƯỢC GIÓ
Có ba loại hương: hương giới, hương văn, hương thí là hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió, và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió. Trong các loại hương thơm có được trong thế gian, ba loại hương này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp.
Cũng như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có tô, từ tô có đề-hồ, nhưng đề-hồ này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp. Ở đây cũng vậy, trong các loại hương thơm có được trong thế gian, ba loại hương này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 1)
13. BA NGHIỆP ĐẠO THANH TỊNH
Giữ thân không hành ác
Tu tập thân thiện hành
Niệm xả thân ác hành
Hãy học thân thiện hành.
Giữ miệng không hành ác
Tu tập miệng hành thiện
Niệm xả miệng nói ác
Hãy học miệng nói thiện.
Giữ ý không hành ác
Tu tập ý nghĩ thiện
Niệm xả ý hành ác
Hãy học ý nghĩ thiện.
Lành thay, thân hành thiện
Khẩu hành cũng như vậy
Lành thay ý hành thiện
Tất cả cũng như vậy.
Giữ khẩu ý thanh tịnh
Thân không hành vi ác
Ba nghiệp đạo thanh tịnh
Đường vô vi Đại Tiên.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 8)
14. BA NGƯỜI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC CÚNG DƯỜNG
Có ba người, xứng đáng được người đời cúng dường:
1) Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, xứng đáng được người đời cúng dường.
2) Đệ tử của đức Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường.
3) Chuyển luân Thánh vương, xứng đáng được người đời cúng dường.
Như Lai điều phục những ai chưa được điều phục, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, giải thoát những ai chưa được giải thoát, khiến thành Niết-bàn những ai chưa đạt bát-niết-bàn, cứu hộ những ai chưa được cứu hộ, làm con mắt cho những ai mù mắt. Như Lai là tối tôn đệ nhất, là ruộng phước tối tôn, đáng kính, đáng quý giữa Ma, hoặc Ma thiên, trời và người, làm đạo sư hướng dẫn loài người biết con đường chánh, thuyết đạo giáo cho những ai chưa biết đạo.
A-la-hán lậu tận đã vượt qua được dòng sanh tử, không còn tái sinh, đã đắc pháp vô thượng; dâm, nộ, si vĩnh viễn diệt tận không còn, là ruộng phước của đời.
Chuyển luân Thánh vương dùng pháp để trị hóa, trọn không sát sanh, lại dạy dỗ người khiến không sát sanh; tự mình không trộm cắp và cũng dạy người khác không trộm cắp; tự mình không dâm dật và dạy người khác không dâm dật; tự mình không nói vọng ngữ và dạy người khác không vọng ngữ; tự mình không nói hai lưỡi đấu loạn kia-đây, lại cũng dạy người khác khiến không nói hai lưỡi; tự mình không ganh ghét, sân, si, lại dạy người khác cũng không tập pháp này; tự hành theo chánh kiến và dạy người khác không hành theo tà kiến.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 1)
15. BA NHÂN DUYÊN THỌ THAI
Có ba nhân duyên thức đến thọ thai:
Mẹ có dục ý, cha mẹ hội hợp ở một chỗ và cùng ngủ chung, nhưng thức bên ngoài chưa đến kịp lúc thì chẳng thành thai. Nếu thức muốn đến, nhưng cha mẹ không hội hợp một chỗ, chẳng thành thai. Nếu người mẹ không dục, dù cha mẹ hội hợp một chỗ, nhưng lúc đó dục ý của cha thạnh mà mẹ thật khôngân cần, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ cùng hợp một chỗ, dục ý của mẹ thạnh mà cha thật không ân cần, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ cùng hợp một chỗ, cha mắc bệnh phong, mẹ mắc bệnh lãnh, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, mẹ bị bệnh phong, cha bị bệnh lãnh, chẳng thành thai.
Nếu có khi cha mẹ hợp một chỗ, nhưng chỉ riêng thân cha thủy khí nhiều, mẹ không có chứng này, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, tướng cha có con, tướng mẹ không con, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, tướng mẹ có con, tướng cha không con, chẳng thành thai. Nếu khi tướng cha mẹ đều không con, chẳng thành thai.
Nếu có khi thần thức đến thai, mà cha đi vắng, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ đáng hợp một chỗ, nhưng mẹ đi xa, không có mặt, không có thai. Nếu có lúc cha mẹ đáng hợp một chỗ, nhưng người cha gặp bệnh nặng, khi thần thức đến, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ đáng hợp một chỗ, thần thức có đến, song người mẹ mắc bệnh nặng, chẳng thành thai. Nếu có lúc cha mẹ nên hợp một chỗ, thần thức đến, nhưng cha mẹ đều mắc bệnh, chẳng thành thai.
Nếu cha mẹ hợp ở một chỗ, cha mẹ không chứng tật gì, thần thức đến, tướng cha mẹ đều có con, đây thành thai. Đó gọi là có ba nhân duyên thức đến thọ thai.
Này các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện đoạn dứt ba nhân duyên.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 3)
16. BA PHÁP KHÔNG ĐÁNG MẾN YÊU
1) Tuy có trẻ khỏe, nhưng ắt sẽ già, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn.
2) Tuy có không bệnh, song tất sẽ bệnh, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn.
3) Tuy có sống lâu, song tất sẽ chết, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn.
Tuy có trẻ khỏe, nhưng phải tìm cầu cái không già, đến Niết-bàn giới. Tuy có không bệnh, nhưng phải tìm cầu phương tiện để không có cái bệnh. Tuy có sống lâu, nhưng hãy tìm cầu phương tiện để không bị chết.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 8)
17. BA PHÁP KHÔNG ĐƯỢC THẤY NGHE
Có ba pháp nầy, vì không được giác tri, không được thấy, không được nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe. Những gì là ba?
1) Đó là giới Hiền thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ngươi trước đây chưa từng thấy nghe.
2) Tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền Thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe.
3) Nay, như thân Ta, cùng với các ngươi, thảy đều giác tri cấm giới Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí huệ Hiền thánh, thảy đều thành tựu, nên không còn tái sinh nữa, đã đoạn nguồn gốc sanh tử.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 7)
18. BA PHÁP KHÔNG NÊN GẦN GŨI
1) Đó là tham dục, mà người nào tập pháp nầy, ban đầu không chán đủ.
2) Hoặc lại có người tập uống rượu, ban đầu không chán đủ.
3) Hoặc lại có người tập ngủ nghỉ, ban đầu không chán đủ.
Đó gọi là có người tập ba pháp nầy, ban đầu không chán đủ, lại cũng không thể đến nơi diệt tận. Cho nên, Tỳ-kheo, thường phải lìa bỏ ba pháp nầy, không gần gũi nó.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 10)
19. BA PHÁP KHÔNG THỂ TRÔNG CẬY
Người ngu có ba tướng, ba pháp không thể trông cậy: điều mà người ngu không nên tư duy mà cứ tư duy; điều không nên luận nói mà cứ luận thuyết; điều không nên hành mà cứ tu tập.
Thế nào là người ngu tư niệm điều không nên tư duy? Ở đây, người ngu khởi ba hành của ý, rồi tư duy, ức niệm. Những gì là ba? Người ngu khởi tâm ganh tị tài sản và nữ sắc nơi người khác, tâm nghĩ lời ác làm trổi dậy tâm ganh ghét, rằng ‘Mong những cái mà người ấy có thuộc về ta.’
Thế nào là người ngu luận thuyết điều không nên luận thuyết? Ở đây, người ngu gây bốn tội lỗi nơi miệng. Những gì là bốn? Người ngu thường thích vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia.
Thế là người ngu tạo các hành vi ác? Ở đây, người ngu tạo hành vi ác bởi thân, thường nghĩ đến sát sanh, trộm cắp, dâm dật.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 6)
20. BA PHÁP MẾN YÊU
1) Trẻ khỏe là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.
2) Không bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.
3) Tuổi thọ bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.
Đó là ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 8)
21. BA PHƯỚC NGHIỆP
Có ba phước nghiệp nầy: Thí là phước nghiệp, bình đẳng là phước nghiệp, tư duy là phước nghiệp.
Sao gọi thí là phước nghiệp? Nếu có một người mở lòng bố thí Sa-môn Bà-la-môn, người bần cùng, người cô độc, người lang thang; ai cần thức ăn cho thức ăn, cần nước uống cho nước uống, quần áo, đồ ăn thức uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc trị bệnh, hương hoa, ngủ nghỉ, tùy theo nhu cầu không gì luyến tiếc.
Sao gọi là bình đẳng là phước nghiệp? Nếu có một người không sát sanh, không trộm cắp, thường biết tàm quý, không nảy tưởng ác. Cũng không trộm cắp, ưa ban thí cho người, không có tâm tham lam keo kiết, lời nói hòa nhã không tổn thương lòng người. Cũng không gian dâm vợ người, tự tu phạm hạnh, tự đủ với sắc mình. Cũng không vọng ngữ, thường nghĩ chí thành, không lời dối trá, được người đời tôn kính, không có thêm bớt. Cũng không uống rượu, luôn biết tránh xa loạn động.
Lại rải tâm từ trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; tám phương trên dưới, trải khắp trong đó, vô lượng, vô hạn, không thể cùng, không thể tính kể; rải tâm từ này phủ khắp tất cả, mong cho được an ổn.
Lại rải tâm bi, hỷ, xả trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; tám phương trên dưới, tất khắp trong đó, vô lượng, vô hạn, không thể tính kể; rải tâm bi, hỷ, xả nầy tất khắp trong đó.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 2)
22. BA PHƯƠNG PHÁP GIÁO HÓA CỦA THẾ TÔN
Thế Tôn giáo hóa bằng ba sự: thần túc giáo hóa, ngôn giáo giáo hóa, huấn hối giáo hóa.
1) Thế Tôn hoặc biến ra nhiều hình rồi hợp lại một, hoặc hiện hoặc ẩn. Đi qua vách đá mà không gì chướng ngại. Hoặc ra khỏi mặt đất, hoặc nhập vào đất giống như xuống nước mà không bị trở ngại. Hoặc ngồi kiết-già đầy khắp giữa hư không như chim bay trên không chẳng bị ngăn cản. Cũng như núi lửa lớn, phun khói vô lượng. Như mặt trời mặt trăng kia có đại thần lực, có thần lực lớn không thể hạn lượng, mà có thể dùng tay với đến. Thân cao cho đến Phạm thiên. Thế Tôn hiện thần túc như vậy.
2) Thế Tôn dạy các tỳ-kheo nên xả điều này, nên giữ điều này; nên gần điều này, nên xa điều này; nên nhớ điều này, nên trừ điều này; nên quán điều này, nên không quán điều này.
Hãy tu bảy giác chi, diệt ba kết. Sao là nên quán, không nên quán? Hãy quán ba kết, và ba thiện của sa-môn, đó là lạc do xuất yếu, lạc do không nhuế, lạc do không nộ. Sao gọi là không quán? Đó là ba khổ của sa-môn. Những gì là ba? Dục quán, nhuế quán, nộ quán. Sao gọi là niệm, sao gọi là không niệm? Bấy giờ, nên niệm khổ đế, nên niệm tập đế, nên niệm tận đế, nên niệm đạo đế; chớ niệm tà đế, thường kiến, vô thường kiến; biên kiến, vô biên kiến; mạng khác thân khác; chẳng phải mạng chẳng phải thân; Như Lai mạng chung, Như Lai không mạng chung, vừa hữu chung vừa vô chung; cũng chẳng hữu chung cũng chẳng vô chung. Đừng niệm như vậy.
3) Hãy đi như vầy, không nên đi như vầy; nên đến như vậy, không nên đến như vậy; nên im lặng như vậy, nên nói năng như vậy; phải thọ trì y như vậy, không được thọ trì y như vầy; nên vào thôn như vầy, không nên vào thôn như vầy. Đây gọi là huấn hối giáo giới.
Lúc đức Thế Tôn bằng ba sự này giáo hóa một ngàn tỳ-kheo, những tỳ-kheo đó nhận được sự giáo hóa của Phật xong, trở thành một ngàn A-la-hán.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 5)
23. BA SỰ CẦN NIỆM TƯỞNG
Người trí có ba sự cần được niệm tưởng tu hành: người trí tư duy điều đáng tư duy; luận thuyết điều đáng luận thuyết; hành thiện điều đáng tu hành thiện.
1) Thế nào là người trí tư duy điều đáng tư duy? Người trí tư duy ba hành vi của ý. Những gì là ba? Người trí không ganh ghét, oán giận, si mê; thường hành chánh kiến, thấy tài sản của người khác không sanh tưởng niệm.
2) Thế nào là người trí luận thuyết điều đáng luận thuyết? Người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. Những gì là bốn? Người trí không nói dối, cũng không dạy người khác nói dối, thấy người nói dối, ý không hoan hỷ. Đó gọi là người trí giữ gìn miệng mình. Lại nữa, người trí không nói thêu dệt, ác khẩu, tranh loạn kia đây, cũng không dạy người khiến nói thêu dệt, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia.
3) Thế nào là người trí thành tựu ba hành vi của thân? Người trí tư duy thân hành không có điều gì xúc phạm; song người trí lại tự mình không sát sanh, cũng không dạy bảo người sát sanh, thấy người khác giết hại, tâm không hoan hỷ; tự mình không trộm cắp, không dạy bảo người trộm cắp, thấy người khác trộm cắp tâm không hoan hỷ; cũng không dâm dật, thấy nữ sắc của kẻ khác tâm không khởi tưởng, cũng không dạy bảo người khiến hành dâm dật. Nếu thấy người già thì xem như mẹ, người vừa như chị, người nhỏ như em, ý không cao thấp.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 6)
24. BA SỰ HIỆN TIỀN
1) Tín hiện tiền, khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng.
2) Tài hiện tiền, khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng.
3) Nếu trì phạm hạnh hiện tiền, khi ấy thiện nam tử, thiện nữ nhân được phước vô lượng.
Đó là ba sự hiện tiền thì được phước vô lượng.
Tín, tài, phạm khó được
Người thọ, người trì giới
Biết ba sự này rồi
Người trí tùy thời thí.
Luôn luôn được an ổn
Chư thiên thường nâng đỡ
Nơi đó tự an trú
Ngũ dục không đủ chán.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 7)
25. BA TAM MUỘI
1) Thế nào là Không tam-muội? Không là quán tất cả các pháp đều là không hư.
2) Thế nào là vô tướng tam-muội? Vô tướng là đối với tất cả các pháp tất cả đều không tưởng niệm gì, cũng không có gì được thấy.
3) Thế nào là vô nguyện tam-muội? Vô nguyện là đối với tất cả các pháp cũng không mong cầu.
Ai không đạt được ba tam-muội này thì ở lâu nơi sinh tử, không thể tự giác ngộ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đạt được tam-muội này.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 10)
26. BA THIỆN CĂN KHÔNG THỂ CÙNG TẬN
Có ba thiện căn không thể cùng tận, đưa dần đến Niết-bàn giới. Những gì là ba? Gieo trồng công đức ở nơi Như Lai, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Chánh pháp, thiện căn này không thể cùng tận. Gieo trồng công đức ở nơi Thánh chúng, thiện căn nầy không thể cùng tận. Đó gọi là có ba thiện căn không cùng tận này, đưa đến Niết-bàn giới. Cho nên A-nan, hãy tìm cầu phương tiệnđể đạt được phước không thể cùng tận này.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 2)
27. BA THIỆN VÀ BẤT THIỆN CĂN
Có ba bất thiện căn này. Những gì là ba? Tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn. Tỳ-kheo nào có ba gốc rễ bất thiện này sẽ bị đọa vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Có thiện căn là vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn. Đó gọi là có thiện căn. Người nào có ba gốc thiện này, liền có hai nẽo lành, và Niết-bàn là ba. Những gì là hai nẽo lành? Đó là người và trời.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy lìa ba gốc rễ bất thiện, tu ba gốc rễ thiện.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 7)
28. BA THỨ KHÔNG CHẮC THẬT
Có ba thứ không chắc thật: thân không chắc thật, mạng không chắc thật, tài không chắc thật.
Sao gọi là thân không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Nghĩa là khiêm nhường, cung kính, lễ bái, tùy lúc thăm hỏi.
Sao gọi là mạng không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Ở đây, thiện nam tử, thiện nữ nhân suốt đờikhông sát sanh, không dùng dao gậy, thường biết tàm quí, có tâm từ bi, nghĩ khắp tất cả chúng sanh; suốt đời không trộm cắp, thường niệm bố thí, tâm không ý tưởng keo lẫn; suốt đời không dâm dật, cũng không thông dâm vợ người; suốt đời không vọng ngữ, thường nghĩ đến chí thành không khi dối người đời; suốt đời không uống rượu, ý không tán loạn, giữ giới cấm của Phật.
Sao gọi là tài không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Thiện nam tử, thiện nữ nhân thường niệm bố thícho sa-môn, bà-la-môn, các hàng nghèo khó. Người cần ăn thì cho ăn, cần nước uống cho nước uống, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men chữa bệnh, nhà cửa thành quách, những thứ gì cần đều đem cho hết; tài sản không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật là như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 10)
29. BA TRÍ
Tỳ kheo như thật biết Khổ đế, như thật biết Khổ tập, Khổ tận, Khổ xuất yếu. Rồi sau đó, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoát, liền được trí giải thoát, như thật biết rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn thọ thai nữa.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 7)
30. BA TƯỚNG HỮU VI CỦA HỮU VI
Có ba tướng hữu vi của hữu vi: biết nó sinh khởi; biết nó biến thiên; biết nó diệt tận.
1) Sao gọi đó là biết nó sinh khởi? Biết nó sanh, nó lớn, thành hình năm uẩn, đạt đến các giới và xứ.
2) Sao gọi là nó diệt tận? Nó chết, mạng đã qua, không tồn tại, vô thường, các uẩn tan hoại, dòng họchia lìa, mạng căn cắt dứt.
3) Sao gọi là nó biến dịch? Răng rụng, tóc bạc, khí lực hao mòn, tuổi cao sức yếu, thân thể rã rời.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 5)
31. BẬC THÁNH XUẤT HIỆN
Có một con người mà xuất hiện ở thế gian, liền có một người nhập đạo ở tại thế gian, và cũng đồng thờixuất hiện hai chân đế, ba giải thoát môn, pháp chân thật bốn đế, năm căn; sáu tà kiến diệt; bảy giác chi, tám đạo phẩm Hiền thánh, chín cõi cư trú của chúng sanh, mười lực của Như Lai, mười một từ tâm giải thoát.
Một con người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác. Đó gọi là có một con người xuất hiện ở thế gian, liền có một người nhập đạo ở tại thế gian, và cũng xuất hiện ở thế gian có hai chân đế, ba giải thoát môn, pháp chân thật bốn đế, năm căn; sáu tà kiến diệt; bảy giác chi, tám đạo phẩm Hiền thánh, chín cói cư trú của chúng sanh, mười lực của Như Lai, mười một từ tâm giải thoát.
32. BẦN TIỆN VÀ PHÚ QUÝ
Có hai pháp này khiến người bần tiện, không có tài sản. Hai pháp gì? Khi thấy người khác bố thí thì ngăn cản; tự mình thì không chịu bố thí.
Có hai pháp khiến cho người sinh vào nhà bần tiện. Hai pháp gì? Bất hiếu cha mẹ, các bậc sư trưởng; cũng không thừa sự người hơn mình.
Có hai pháp khiến người phú quý. Hai pháp gì? Khi thấy người cho vật người khác, hoan hỷ trợ giúp; và tự mình cũng thích bố thí.
Có hai pháp, sẽ khiến người sinh vào nhà hào tộc. Hai pháp gì? Cung kính cha mẹ, anh em, dòng họ; đem những gì có được của nhà mình ra bố thí.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 19. Phẩm Khuyến Thỉnh, Kinh số 6 và 7)
33. BÁO ĐÁP THÂM ÂN
Nếu có chúng sanh biết báo đáp, người nầy đáng kính, ân nhỏ còn không quên huống chi ân lớn. Cho dù người đó cách chốn này ngàn do tuần, trăm ngàn do tuần mà không là xa, cũng như gần Ta không khác. Vì sao vậy? Tỳ-kheo nên biết, vì ta thường khen ngợi người biết báo đáp.
Có những chúng sanh không biết báo đáp, ân lớn còn quên huống chi ân nhỏ. Kẻ đó chẳng gần Ta. Ta chẳng gần kẻ đó. Giả sử khoác tăng-già-lê hầu hạ bên Ta, kẻ nầy cũng như xa. Vì sao vậy? Ta không bao giờ nói về người không báo đáp.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy nhớ báo đáp, chớ học không báo đáp.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 5)
34. BÁT QUAN TRAI GIỚI
1) Thọ trì tâm, như chơn nhân, trọn đời không sát, không có tâm hại, có tâm từ đối với chúng sanh; nay con tên là… trì trai cho đến sáng sớm ngày mai không sát, không có tâm hại, có tâm từ đối với tất cả chúng sanh.
2) Như A-la-hán không có tà niệm, trọn đời không trộm cắp, ham thích bố thí. Nay con tên là… trì traicho đến sáng sớm ngày mai không trộm cắp, từ nay đến ngày mai.
3) Thọ trì tâm, như Chân nhân trọn đời không dâm dật, không có tà niệm, thường tu phạm hạnh, thân thể thơm khiết; con hôm nay trì giới không dâm, cũng không nghĩ đến vợ mình, lại cũng không nghĩ tưởng đến người nữ khác, cho đến sáng sớm ngày mai, không xúc phạm.
4) Như A-la-hán suốt đời không nói dối, luôn biết thành thật, không dối người; con từ nay đến ngày mai không nói dối. Con từ nay trờ về sau không nói dối nữa.
5) Như A-la-hán trọn đời không uống rượu, tâm ý không loạn, thọ trì cấm giới của Phật không điều nào xúc phạm; nay con cũng như vậy, từ nay cho đến sáng mai không uống rượu, thọ trì giới cấm của Phật không xúc phạm.
6) Như A-la-hán trọn đời không hoại trai pháp, hằng ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị, nay con cũng như vậy, nguyện (trọn đời) không hoại trai pháp, hằng ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị. Từ ngày nay đến sáng mai không xúc phạm.
7) Như A-la-hán (trọn đời) hằng không ngồi trên giường cao rộng. (Giường cao rộng là giường vàng, bạc, ngà voi, hoặc giường sừng tòa của Phật, tòa của Bích-chi-phật, tòa của A-la-hán, toà của các tông sư. A-la-hán không ngồi trên tám loại toà này); con cũng không phạm ngồi vào chỗ ngồi này.
8) Như A-la-hán (trọn đời) không đeo hương hoa, trang điểm phấn sáp; nay con cũng như vậy, nguyện một ngày một đêm không đeo hương hoa, phấn sáp tốt đẹp.
‘Nay con tên là… lìa tám việc này, nguyện trì pháp bát quan trai, không đọa vào ba đường dữ; nhờ công đức này mà không vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, và tám nạn; thường được thiện tri thức, không tùng sự ác tri thức; thường được sinh vào nhà cha mẹ tốt lành, không sinh vào nơi biên địakhông Phật pháp, không sinh lên trời Trường thọ, không làm nô tỳ cho người, không làm Phạm thiên, không làm thân Đế Thích, cũng không làm Chuyển luân Thánh vương; thường sinh trước Phật, tự mình thấy Phật, tự mình nghe pháp khiến các căn không loạn. Nếu con thề nguyện hướng đến ba thừa tu hành, thì mong sẽ chóng thành đạo quả.’
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6)
35. BẢY BÁU XUẤT HIỆN
Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở thế gian, liền có bảy báu xuất hiện thế gian. Bảy báu đó là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, minh châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Đó là nói khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì bảy báu cũng xuất hiện, truyền khắp ở thế gian.
Khi Như Lai xuất hiện ở thế gian thì có bảy báu giác chi xuất hiện thế gian. Những gì là bảy? Niệm giác chi, pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi xuất hiện ở thế gian. Khi Như Lai xuất hiện ở thế gian thì, báu bảy giác chi này cũng xuất hiện ở thế gian.
Các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác chi này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 39. Phẩm Đẳng Pháp, Kinh số 7)
36. BẢY HẠNG NGƯỜI ĐÁNG KÍNH
Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng thế gian. Những ai là bảy hạng người? Một là hành từ, hai là hành bi, ba là hành hỷ, bốn là hành xả, năm là hành không, sáu là hành vô tướng, bảy là hành vô nguyện. Đó gọi là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượngthế gian. Vì sao vậy? Vì có chúng sanh nào hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp được quả báo.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 4)
37. BẢY PHÁP BẢO VỆ KHỎI MA BA-TUẦN
1) Nếu thành tựu bảy pháp thì tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện được. Những gì là bảy? Tỳ-kheo thành tựu giới luật, đầy đủ oai nghi, phạm luật nhỏ còn sợ huống gì là lớn. Giống như thành kia cao rộng, rất nghiêm nhặt, không thể phá hoại.
2) Khi mắt thấy sắc không khởi tưởng đắm, cũng không khởi niệm, nhãn căn đầy đủ, thủ hộ nhãn cănkhông để khuyết thủng, rò rỉ; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý đối với pháp cũng lại như vậy, cũng không khởi tưởng, đầy đủ ý căn, mà không loạn tưởng, thủ hộ đầy đủ ý căn như thành quách kia cửa ngõ chắc chắn.
3) Tỳ-kheo nghe nhiều không quên, thường nhớ nghĩ tư duy chánh pháp đạo giáo, những pháp đã nghe qua trước kia thảy đều thông suốt như bên ngoài thành quách kia có hào rất sâu và rộng.
4) Tỳ-kheo có nhiều phương tiện, những pháp mà khoảng đầu thiện xảo, giữa thiện xảo, cuối cũng thiện xảo, thanh tịnh đầy đủ, hiển hiện phạm hạnh. Như thành quách kia, nhiều lúa gạo, giặc ngoài không dám đến xâm lăng.
5) Tỳ-kheo tư duy về bốn pháp tăng thượng tâm, cũng không rỉ thóat. Như thành quách kia, nhiều củi, cỏ, người bên ngoài không thể đến quấy nhiễu.
6) Tỳ-kheo đắc bốn thần túc, thực hiện không khó như trong thành kia đầy đủ vũ khí.
7) Tỳ-kheo có thể phân biệt đầy đủ ấm, nhập, giới, cũng lại phân biệt pháp do mười hai nhân duyênphát sanh như chủ thành quách kia thông minh, tài cao, đáng bắt thì bắt, đáng thả thì thả.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 39. Phẩm Đẳng Pháp, Kinh số 4)
38. BẢY SỰ KIỆN TĂNG ÍCH
1) Con trai thiện gia, hoặc con gái thiện gia, tạo dựng Tăng già-lam nơi chưa từng tạo dựng. Phước này không thể kể.
2) Thiện nam, thiện nữ đem giường ghế cúng dường Tăng già-lam kia, cùng Tăng Tỳ-kheo.
3) Thiện nam, thiện nữ đem thức ăn cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia.
4) Thiện nam, thiện nữ đem áo che mưa cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia.
5) Con trai, con gái thiện gia đem thuốc cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia.
6) Thiện nam thiện nữ đào giếng tốt nơi hoang dã.
7) Thiện nam, thiện nữ nào làm nhà dọc đường cho người qua lại có chỗ nghỉ đêm.
Đó gọi là pháp bảy công đức, phước kia không thể đo lường. Khi đi, hoặc ngồi, ngay đến khiến mạng chung, phước kia cũng theo sau như bóng theo hình, phước đức ấy không thể tính hết để có thể nói có bao nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn, không thể dùng thăng đấu để đong được để nói có bao nhiêu nước. Bảy công đức này cũng vậy, phước ấy không hạn lượng. Cho nên, thiện nam, thiện nữ hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy công đức này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 7)
39. BẢY SỬ TRÓI BUỘC CHÚNG SANH
1) Sử tham dục 2) Sử sân hận
3) Sử kiêu mạn 4) Sử ngu si
5) Sử nghi 6) Sử tà kiến
7) Sử tham đắm thế gian.
Đó gọi là có bảy sử này khiến chúng sanh, mãi mãi ở nơi tối tăm, thân bị trói buộc, trôi lăn mãi ở thế gian không có lúc dừng, cũng không thể biết cội nguồn của sanh tử. Giống như hai con trâu một đen, một trắng cùng chung một cái ách, cùng lôi kéo nhau không thể xa rời nhau. Chúng sanh này cũng như vậy, bị tham dục sử, vô minh sử này trói buộc không thể lìa nhau, năm sử còn lại cũng đuổi theo. Năm sử đuổi theo thì bảy sử cũng vậy. Nếu kẻ phàm phu bị bảy sử này trói buộc trôi lăn mãi trong sanh tửkhông được giải thoát, không thể biết nguồn gốc khổ.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 3)
40. BẢY THÍ DỤ VỀ NƯỚC VÀ NGƯỜI
1) Sao gọi là người chìm dưới đáy nước không nổi lên được? Ở đây, hoặc có người mà toàn thể đầy khắp pháp bất thiện, trải qua nhiều kiếp, không thể chữa trị.
2) Sao gọi là người nào nổi lên khỏi nước rồi chìm lại? Hoặc có người mà tín căn dần mai một, tuy có pháp lành nhưng không chắc chắn. Thân, miệng, ý hành thiện, nhưng sau đó thân, miệng, ý lại hành pháp bất thiện, thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục.
3) Sao gọi là người nổi lên khỏi nước rồi nhìn ? Ở đây, hoặc có người có tín thiện căn, nhưng hành vicủa thân, khẩu, ý lại không làm tăng trưởng pháp này, tự thủ mà đứng yên, thân hoại mạng chung sanh vào A-tu-la..
4) Sao gọi là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ? Ở đây, hoặc có người có lòng tin, tinh tấn dứt ba kết sử, không thối chuyển nữa, ắt đạt cứu cánh, thành đạo Vô thượng.
5) Sao gọi là người muốn lội khỏi nước? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, lòng luôn hổ thẹn, vơi mỏng ba kết sử dâm, nộ, si, trở lại đời này một lần nữa rồi đoạn trừ gốc khổ.
6) Sao gọi là người muốn đến bờ kia? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, dứt sạch năm hạ phần kết sử, thành A-na-hàm, không lại thế gian này nữa mà nhập Niết-bàn trên đó.
7) Sao gọi là người đã đến bờ kia? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, mà có lòng hổ thẹn, dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, ở trong hiện pháp, tự thân chứng ngộ, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa, ở trong Niết-bàn giới vô dư mà Bát-niết-bàn.
Đó gọi là có bảy dụ về nước và người, mà Ta vừa nói cho các ngươi. Điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm để tiếp độ mọi người, nay Ta đã làm xong. Các ngươi hãy ở nơi yên tĩnh, hoặc dưới gốc cây, hãy nghĩ đến việc toạ thiền, chớ sinh biếng nhác.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 39. Phẩm Đẳng Pháp, Kinh số 3)
41. BẢY TRỤ XỨ CỦA THỨC
1) Chúng sanh với nhiều loại thân, và nhiều loại tưởng khác nhau, như người và trời
2) Chúng sanh hoặc nhiều lọai thân nhưng chỉ có một tưởng, đó là trời Phạm-ca-di mới xuất hiện ở thế gian
3) Chúng sanh một thân nhưng nhiều tưởng, đó là trời Quang âm
4) Chúng sanh một thân, một tưởng, đó là trời Biến tịnh
5) Chúng sanh vô lượng không, là trời Không xứ
6) Chúng sanh vô lượng thức, là trời Thức xứ
7) Chúng sanh vô hữu xứ, là trời Vô sở hữu xứ.
Đó gọi là bảy nơi thức trú. Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm để tiếp độ mọi người, nay Ta đã làm xong. Các ngươi hãy đến dưới bóng cây vắng vẻ, hãy khéo tu hạnh này, chớ có lười biếng. Đó là những lời dạy của Ta.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 39. Phẩm Đẳng Pháp, Kinh số 5)
42. BỊ NGƯỜI TRÍ BỎ RƠI
Người gian tà, ác khẩu
Ganh ghét, không báo đáp
Người này không thể chữa
Bị người trí bỏ rơi.
Các Tỳ-kheo, thường xuyên hãy học ý chánh, trừ bỏ ganh ghét, tu tập oai nghi, nói năng như pháp, phải biết báo đáp, biết ân nuôi dưỡng kia, ân nhỏ còn không quên huống gì ân lớn. Chớ ôm lòng tham lambủn xỉn, cũng không tự khen mình, cũng không khinh chê người.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 7)
43. BÍCH-CHI PHẬT VÀ A-LA-HÁN
Có hai con người xuất hiện ở đời, thật là khó có được. Hai người ấy là ai? Bích-chi-phật xuất hiện ở đời, thật là khó có được, và A-la-hán lậu tận đệ tử của Như Lai, xuất hiện ở đời, thật là khó có được.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 3)
44. BIẾT GỐC CỦA DỤC
Dục, Ta biết gốc ngươi
Ý do tư tưởng sinh
Ta chẳng sinh tư tưởng
Còn ngươi thì không có.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 4)
45. BIẾT GỐC NGỌN CỦA THỦ UẨN
Người có ái thì có thủ, có thủ thì có ái, nhân duyên hội hợp thì có sanh ra. Cho nên, năm khổ thủ uẩnkhông bao giờ chấm dứt. Vì đã biết ái rồi thì biết năm dục, cũng biết sáu trần ngoài và sáu xứ trong, tức biết gốc ngọn thủ uẩn này.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 3)
46. BỐ THÍ BÌNH ĐẲNG
Gia chủ bạch rằng: Bạch Thế Tôn. Con thường bố thí cho những người nghèo thiếu. Nơi bốn cửa thành thì bố thí rộng rãi. Tại nhà thì cung cấp những gì cần dùng. Bạch Thế Tôn, có lúc con tự nghĩ muốn bố thí cho các loài cầm thú như chim chóc, heo, chó. Con cũng không nghĩ là đây nên cho, đây không nên cho; cũng lại không nghĩ là đây nên cho nhiều, đây nên cho ít. Con thường tự nghĩ tất cả chúng sanhđều do ăn uống mà sinh mạng tồn tại; có ăn thì sống, không ăn thì chết.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Gia chủ. Ông đã bằng tâm Bồ-tát, chuyên tinh nhất ý mà huệ thí rộng rãi. Thật vậy, chúng sanh nhờ ăn uống mà được cứu sống, không ăn uống thì liền chết. Này Gia chủ, Ông sẽ được quả lớn, được tiếng tăm nhiều; được quả báo lớn mà tiếng đồn thấu mười phương; được pháp vị cam lồ. Vì sao vậy? Vì hàng Bồ-tát thường đem tâm bình đẳng để bố thí, lúc nào cũng một lòng mà nhớ nghĩ đến các loài chúng sanh, nhờ ăn uống mà tồn tại, có ăn uống tức được cứu sống, không ăn uống tức chết.
Này Gia chủ, đó là tâm Bồ-tát ở tại chỗ yên ổn mà bố thí rộng rãi.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 10. Phẩm Hộ Tâm, Kinh số 5)
47. BỐ THÍ ĐÚNG THỜI
Thí đúng thời có năm sự. Những gì là năm? Một là thí cho khách xa đến. Hai là thí cho người đi xa. Ba là thí cho người bệnh. Bốn là thí cho lúc thiếu. Năm là thí lúc mới thu hoạch cây trái, ngũ cốc trước tiên, cúng dường cho người trì giới tinh tấn, sau đó tự dùng.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 12)
48. BỐ THÍ PHÁP BÌNH ĐẲNG
Chư Phật Thế Tôn không bao giờ nói hai lời, chư Phật không bao giờ bỏ chúng sanh, nói pháp cũng không biết mệt mỏi, nói pháp cũng lại vô tận, cũng lại không lựa người mà nói pháp, mà nói pháp với tâm bình đẳng.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 4)
49. BỐ THÍ PHÁP KHÔNG MỆT MÕI
Trong số các Tỳ kheo các ngươi an cư tại sanh quán, ai là người sống với hạnh a-lan-nhã, lại hay khen ngợi a-lan-nhã, tự hành khất thực, lại khuyến khích người khiến hành khất thực không mất thời nghi, tự đắp y vá nhiều mảnh, lại khuyến khích người khiến đắp y vá nhiều mảnh, tự tu tri túc, lại cũng ca ngợihạnh tri túc, tự mình sống ít ham muốn, cũng lại ca ngợi hạnh ít ham muốn, tự thích nơi nhàn tĩnh, lại khuyến khích người khác ở nơi nhàn tĩnh; tự giữ hạnh ấy, lại khuyến khích người khác khiến giữ hạnh ấy, tự thân giới thanh tịnh đầy đủ, lại khuyến khích người khác khiến tu giới ấy, tự thân thành tựu tam-muội, lại khuyến khích người khác khiến hành tam-muội, tự thân thành tựu trí huệ, lại dạy người khác khiến hành trí huệ, tự thân thành tựu giải thoát, lại khuyến khích người khác khiến hành giải thoát, tự thân thành tựu giải thoát tri kiến, lại khuyến khích người khác khiến hành pháp này, tự thân cò thể giáo hoá không biết chán đủ, nói pháp không lười mỏi?
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 39. Phẩm Đẳng Pháp, Kinh số 10)
50. BỐ THÍ SANH THIÊN
Vườn cảnh, cho mát mẻ
Và xây dựng cầu đò
Giúp người vượt qua sông
Còn xây phòng ốc tốt.
Người kia trong đêm ngày
Sẽ thường hưởng phước ấy
Giới, định đã thành tựu
Người này ắt sanh thiên.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 3)
51. BỐ THÍ TỐI THƯỢNG
Ta không thấy một người nào mà bố thí cho vị ấy thì sự bố thí này không gì vượt qua, tối thương trên cả sự bố thí cho chư thiên, thế gian, sa-môn, bà-la-môn. Hành thí này mới đích thật là thí, được quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng đồn vang khắp, được pháp vị cam lồ. Nghĩa là bố thí đến Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác.
Nên biết, đó là bố thí tối thượng trong sự bố thí, không có gì vượt qua. Hành thí này mới đích thật là thí, được quả báo lớn, được công đức lớn. Nay Ta vì nhân duyên này mà nói ra như vậy: Chăm sóc bệnh nhân, tức là đã chăm sóc Ta không khác. Các ngươi lâu dài được phước lợi lớn.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Nhập Đạo, Kinh số 4)
52. BỐN BẬC SA MÔN
1) Sa-môn tợ hoa hoàng lam
2) Sa-môn tợ hoa bân-đà-lợi
3) Sa-môn tợ nhu nhuyến
4) Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.
Ở đây có một hạng người diệt trừ ba kết sử, thành Tu-đà-hoàn, được pháp không thối chuyển, quyết định đến Niết-bàn, nhưng chậm nhất là phải trải qua bảy lần chết, bảy lần tái sinh. Hoặc thành bậc gia gia, nhất chủng, giống như hoa hoàng lam sáng ngắt, chiều lớn. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, ba kếtdiệt tận, thành Tu-đà-hoàn, được pháp không thối chuyển, ắt đến Niết-bàn, chậm nhất cho đến qua bảy lần chết, bảy lần tái sinh. Nếu tìm cầu phương tiện, có ý dõng mãnh, hoặc thành gia gia, hoặc thành nhất chủng, rồi vào đạo tích. Đó gọi là Sa-môn như hoa hoàng lam.
Ở đây có một hạng người ba kết đã diệt; dâm, nộ, si mỏng, thành Tư-đà-hàm, trở lại đời này, dứt hết bờ khổ. Nếu người hơi chậm, trở lại đời này lần nữa, rồi dứt hết bờ khổ. Nếu dõng mãnh, thì ngay trong đờinày dứt hết bờ khổ. Giống như hoa phân-đà-lợi sớm bóc, chiều úa tàn. Đó gọi là Sa-môn như hoa phân-đà-lợi.
Hoặc có một hạng người đoạn năm hạ phần kết, thành A-na-hàm, rồi nơi trên kia mà nhập Bát-niết-bàn, không trở lại đời này. Đó gọi là Sa-môn nhu nhuyến.
Hoặc có một hạng người diệt tận hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng, tự du hí, biết như thật rằng, ‹Sinh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Đó gọi là Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.
Đây gọi là có bốn hạng người này xuất hiện ở đời. Cho nên, hãy tìm cầu phương tiện làm Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 28. Phẩm Thanh Văn, Kinh số 7)
53. BỐN BIỆN TÀI
Có bốn loại biện tài là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện.
1) Nghĩa biện là những điều nói ra của người này hay người kia, hoặc những điều nói ra từ trời, rồng, quỷ thần, đều có thể phân biệt ý nghĩa của chúng.
2) Mười hai bộ kinh mà Như Lai nói ra bao gồm: Khế kinh, Kỳ dạ, Phúng tụng, Nhân duyên, Thọ ký, Thí dụ, Bổn sanh, Bổn sự, Tự thuyết, Phương đẳng, Hiệp tập, Vị tằng hữu, cùng các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp ấy thật không thể biến hoại, được tổng trì. Đó gọi là pháp biện.
3) Như ở trước chúng sanh, lời nói dài hay ngắn, lời nói nam hay nữ, lời Phật, lời bà-la-môn, thiên long, quỷ thần; những lời được nói bởi A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la nói cho họ; tùy theo căn nguyên của họ mà vì họ thuyết pháp. Đó gọi là từ biện.
4) Trong lúc thuyết pháp không có khiếp nhược, không có sợ hãi, hay khiến cho chúng bốn bộ hòa vui. Đó gọi là ứng biện.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 5)
54. BỐN BỘC LƯU
Nếu chúng sanh chìm trong những dòng lũ bốn bộc lưu, trọn chẳng đắc đạo. Bốn bộc lưu là dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu.
1) Thế nào gọi là dục bộc lưu? Đó là năm dục. Những gì là năm? Mắt thấy sắc khởi thức tưởng của mắt; tai nghe tiếng khởi thức tưởng của tai, mũi ngửi mùi khởi thức tưởng của mũi, lưỡi nếm vị khởi thức tưởng lưỡi, thân biết xúc chạm khởi thức tưởng thân.
2) Thế nào là hữu bộc lưu? Đó là ba hữu. Thế nào là ba? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Thế nào gọi là kiến bọc lưu? Chấp thế gian là thường, vô thường; thế gian là hữu biên, vô biên; có thân, có mạng; chẳng phải thân, chẳng phải mạng; Như Lai có chết, Như Lai không chết, hoặc Như Lai vừa chết Như Lai không chết, không phải Như Lai vừa chết cũng không phải Như Lai không chết.
3) Thế nào là vô minh bộc lưu? Vô minh là không biết, không tin, không thấy; tâm ý tham dục, hằng mong cầu và có ngũ cái: tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo cử cái, nghi cái. Lại chẳng biết khổ, chẳng biết tập, chẳng biết diệt, chẳng biết đạo.
4) Thiên tử nên biết, Như Lai nói bốn dòng lũ này. Nếu có ai chìm vào đây thì chẳng thể đắc đạo.
Nếu phàm phu chẳng nghe bốn dòng lũ này thì chẳng được bốn an lạc. Thế nào là bốn? Đó là lạc do an chỉ, lạc chánh giác, lạc của Sa-môn, lạc Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 9)
55. BỐN CHỖ NGỒI
1) Chỗ ngồi thấp
2) Chỗ ngồi chư Thiên
3) Chỗ ngồi Phạm thiên
4) Chỗ ngồi Phật.
Chỗ ngồi thấp là toà của Chuyển luân Thánh vương. Chỗ ngồi chư Thiên là toà của Thích Đề-hoàn Nhân. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi của Phạm thiên vương. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn đế.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi hướng Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi chư Thiên là chỗ ngồi đắc Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi hướng Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn niệm xứ.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi đắc Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi Thiên là chỗ ngồi hướng A-na-hàm. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi đắc A-na-hàm. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn vô lượng tâm.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi dục giới. Chỗ ngồi Thiên là chỗ ngồi sắc giới. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi vô sắc giới. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn thần túc.
Như Lai do ngồi chỗ ngồi bốn thần túc nên được ngủ ngon. Ở đó, không khởi dâm, nộ, si. Đã không khởi tâm ba độc này, bèn ở trong vô dư Niết-bàn giới mà Bát-niết-bàn, biết như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 28. Phẩm Thanh Văn, Kinh số 3)
56. BỐN CHỦNG TÁNH
Có bốn chủng tánh là sát- lợi, bà-la-môn, trưởng giả và cư sĩ. Ở chỗ Như Lai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì, không còn dòng họ cũ nữa mà chỉ gọi là Sa-môn đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy?
Vì chúng Như Lai cũng như biển lớn, bốn đế cũng như bốn sông lớn, diệt trừ kết sử khiến vào thành Niết-bàn vô úy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, những ai trong bốn chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, với lòng tinkiên cố, xuất gia học đạo, họ sẽ diệt tên họ trước kia, tự gọi là đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy? Vì nay Ta chính là con của họ Thích-ca, từ dòng họ Thích xuất gia, học đạo.
Các Tỳ-kheo nên biết, muốn nói về ý nghĩa của con đẻ, phải gọi là Sa-môn con nhà họ Thích. Vì sao vậy? Vì sinh đều từ Ta sinh ra, từ pháp mà khởi, từ pháp mà thành. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện để được làm con nhà họ Thích.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 9)
57. BỐN GIỚI
1) Đất, nước, lửa, gió. Đó gọi là bốn giới.
2) Đất có hai loại: đất trong và đất ngoài. Sao gọi đại chủng đất bên trong ? Đó là tóc, lông, móng, răng, thân thể, da bọc ngoài, gân cốt, tuỷ não, ruột, bao tử, gan, mật, tỳ thận. Đó gọi là đại chủng đất trong. Thế nào là đại chủng đất bên ngoài? Đó là những gì cứng chắc. Đó gọi là đại chủng đất bên ngoài.
3) Sao gọi đại chủng nước? Đại chủng nước có hai: đại chủng nước bên trong, đại chủng nước bên ngoài. Đại chủng nước bên trong là đờm dãi, nước mắt, nước tiểu, máu, tuỷ. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài. Còn các vật mềm ướt bên ngoài. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài.
4) Sao gọi đại chủng lửa? Đại chủng lửa có hai: đại chủng lửa bên trong, đại chủng lửa bên. Sao gọi là lửa trong? Là sự tiêu hóa tất cả những vật được ăn, không còn dư sót. Đó gọi là lửa bên trong. Sao gọi là lửa bên ngoài? Những vật giữ hơi nóng, vật ở bên ngoài.
5) Tại sao gọi là đại chủng gió? Đại chủng gió có hai: gió trong và gió ngoài. Gió trong là gì? Đó là gió trong môi, gió mắt, gió đầu, gió thở ra, gió thở vào, gió trong tất cả các khớp tay, chân. Đó gọi là gió trong. Sao gọi là gió ngoài? Đó là vật khiến lay động nhẹ, nhanh chóng. Đó gọi là gió ngoài.
Con người khi mạng chung, bốn đại chủng ấy trở về gốc của chúng.
Pháp vô thường cũng không cùng chung với pháp thường. Sở dĩ như vậy là vì đại chủng đất có hai, hoặc trong hoặc ngoài. Bấy giờ, đất trong là pháp vô thường, là pháp biến dịch, còn đại chủng đất ngoài thường trụ không biến đổi. Đó gọi là đất có hai loại không tương ưng với thường và vô thường. Còn ba đại kia cũng lại như vậy, giữa thường và vô thường không tương ưng nhau.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 28. Phẩm Thanh Văn, Kinh số 4)
58. BỐN HẠNG NGƯỜI ĐÁNG QUÝ
Nay có bốn hạng người đáng kính, đáng quý, là ruộng phước thế gian là tùy tín hành, tùy pháp pháp, thân chứng, kiến đạo.
1) Hoặc có một người lãnh thọ sự giáo giới của người khác, có tín tâm chí thiết, ý không nghi nan; có tín tâm nơi Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu là Phật Thế Tôn, cũng có tín nơi lời dạy của Như Lai, cũng có tín nơi lời dạy của đồng phạm hạnh; hằng có tín nơi lời người khác, không tùy theo trí của mình. Đó gọi là người trì tín.
2) Ở đây, có người phân biệt ở nơi pháp, không tin người khác; quán sát pháp rằng, ‘Có chăng? Không chăng? Thật chăng? Hư chăng?’ Rồi người ấy nghĩ thầm: ‘Đây là lời Như Lai, đây là lời đồng phạm hạnh.’ Vì biết đây là pháp ngữ của Như Lai, người ấy liền phụng trì. Nếu là những lời của ngoại đạo, người ấy xa lìa. Đó gọi là người tùy pháp.
3) Ở đây, có người tự thân tác chứng, cũng không tin người khác, cũng không tin lời Như Lai và, những ngôn giáo của các Tôn túc đã dạy lại cũng chẳng tin, chỉ theo tính mình mà chứng nhập. Đó gọi là người thân chứng.
4) Ở đây, có người đoạn ba kết, thành pháp bất thối chuyển Tu-đà-hoàn. Người ấy có kiến giải này: ‘Có bố thí, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v.’ Người ấy vâng lời dạy, tin vào tự thân tác chứng mà tự chứng nhập.
Hãy niệm trừ ba hạng người đầu. Hãy niệm tu pháp thân chứng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 10)
59. BỐN HẠNG NGƯỜI ĐỆ NHẤT
1) Tỳ-kheo đa văn thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
2) Tỳ-kheo-ni đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là tối đệ nhất.
3) Ưu-bà-tắc đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
4) Ưu-bà-di đa văn, thông suốt xưa nay, ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
Đó gọi là có bốn hạng người ở trong đại chúng thật là đệ nhất.
Dũng mạnh, không sợ hãi
Đa văn, hay thuyết pháp
Trong chúng là sư tử
Hay trừ pháp khiếp nhược.
Tỳ-kheo, thành tựu giới
Tỳ-kheo-ni đa văn
Ưu-bà-tắc có tín
Ưu-bà-di cũng vậy.
Trong chúng là đệ nhất
Hoặc hay hòa thuận chúng
Muốn biết được nghĩa này
Như lúc trời mới mọc.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học thông suốt việc xưa nay, thành tựu pháp tùy pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 7)
60. BỐN HÀNH TÍCH
1) Thế nào gọi là lạc hành tích, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người tham dục, sân giận, ngu si lừng lẫy, sở hành rất khổ không tương ưng với gốc của hạnh. Người ấy năm căn ngu tối không được lanh lợi. Thế nào là năm? Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Nếu đem ý ngu để cầu tam-muội dứt hữu lậu, đấy gọi là lạc hành tích, độn căn đắc đạo.
2) Thế nào gọi là hành tích lạc, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người không dục, không dâm, hằng tự giảm bớt tham dục không ân cần; sân hận, ngu si rất giảm thiểu. Năm căn lanh lợi, không buông lung. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn; đó là năm căn. Có được năm căn, thành tựu tam-muội, diệt tận hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là bằng lợi căn mà hành nơi đạo tích.
3) Thế nào gọi là hành tích khổ, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người lòng dâm quá nhiều; sân giận, ngu si lừng lẫy. Người ấy sống với pháp này mà dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Đó gọi là khổ hành tích độn căn.
4) Thế nào gọi là hành tích lạc, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người ít dục, ít dâm, không sân hận, cũng không khởi tưởng hành ba việc này. Lúc ấy, năm căn này không thiếu sót. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn; đó là năm. Người ấy bằng pháp này mà được tam-muội, dứt hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là khổ hành lợi căn.
Hãy tìm cầu phương tiện bỏ ba hành tích trước, vâng hành một hành sau. Vì cớ sao? Vì với khổ hành tích, khó đắc tam-muội. Khi đã đắc, liền thành đạo, tồn tại lâu ở đời. Vì sao thế? Chẳng thể đem lạc cầu lạc, do khổ mà sau mới thành đạo.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy thường dùng phương tiện thành tựu hành tích này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 3)
61. BỐN KHU VƯỜN
1) Tại sao gọi là vườn Từ? Tỳ-kheo nên biết, do vườn Từ này mà sinh lên trời Phạm thiên; từ cõi trờiPhạm thiên đó chết đi, sinh trong nhà hào quý, nhiều tiền lắm của, hằng có vui ngũ dục, an trú chưa từng rời mắt.
2) Vì sao gọi là vườn Bi? Tỳ-kheo nên biết, nếu hay thân cận tâm bi giải thoát thì sinh cõi trời Phạm Quang Âm. Nếu sinh trở lại trong loài người thì sinh nhà tôn quí, không có sân giận, cũng nhiều tiền lắm của.
3) Vì sao gọi là vườn Hỷ? Nếu người hay thân cận vườn Hỷ thì sinh trời Quang âm. Nếu sinh trở lạitrong loài người thì sinh nhà Quốc vương, lòng thường hoan hỷ.
4) Vì sao gọi là vườn Xả? Nếu người thân cận vườn xả thì sẽ sinh trời Vô tưởng, thọ bốn vạn tám nghìn kiếp. Nếu lại sinh trong loài người thì sinh nhà ở chốn trung ương, cũng không sân hận, hằng xả tất cả hành phi pháp.
Trong Chánh pháp Như Lai có bốn vườn này khiến các Thanh văn được dạo chơi trong ấy. Trong bốn vườn này của Như Lai có bốn hồ tắm để hàng Thanh văn của Ta tắm rửa, dạo chơi trong ấy, dứt hết hữu lậu thành tựu vô lậu, không còn trần cấu. Những gì là bốn? Hồ có tầm, có tứ; hồ tắm không tầm, không tứ; hồ tắm xả niệm; hồ tắm không khổ, không lạc.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 5)
62. BỐN LOÀI CHIM
1) Chim tiếng hót hay mà hình thì xấu. Đó là chim câu-sí-la.
2) Chim hình đẹp mà tiếng hót thì dở. Đó là chim chí.
3) Chim tiếng hót dở mà hình cũng xấu. Đó là chim cú.
4) Chim hình đẹp, tiếng hót cũng hay. Đó là chim công.
Hoặc có Tỳ-kheo nhan sắc đoan chánh, ra vào đi lại, đắp y mang bát, co duỗi, cúi ngước, oai nghi thành tựu, nhưng lại không thể đọc tụng được những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện; không thể vâng lãnh giáo pháp, cũng lại không thể khéo đọc tụng. Đó là người này có hình đẹp mà tiếng không hay.
Hoặc có Tỳ-kheo, ra vào, đi lại, co duỗi, cúi ngước, đắp y mang bát, mà không thành tựu oai nghi; nhưng hằng thích nói rộng. Người ấy lại siêng năng trì giới, nghe pháp, có khả năng biết những điều học, nghe nhiều những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện, nghĩa lý sâu xa, tu phạm hạnhđầy đủ. Hơn nữa, đối pháp kia, khéo thọ trì, khéo đọc tụng. Người này gọi là có tiếng hay mà hình xấu.
Hoặc có người phạm giới, không siêng năng, không nghe nhiều, những gì đã nghe liền quên. Cần phảiđầy đủ phạm hạnh ở trong pháp này, nhưng người không vâng lãnh. Người này gọi là tiếng dở mà hình cũng xấu.
Hoặc có Tỳ-kheo tướng mạo đoan chánh, ra vào, đi lại, đắp y, mang bát, không nhìn ngó hai bên; rồi lại siêng năng tu hành thiện pháp, giới luật đầy đủ, thấy điều phi pháp nhỏ còn luôn ôm lòng sợ hãi huống nữa là lớn, cũng lại nghe nhiều, ghi nhận không quên; lại tu hành tốt đẹp những pháp mà khoảng đầu thiện, giữa thiện, cuối thiện. Người ấy khéo thọ trì, đọc tụng pháp như vậy. Pháp như vậy khéo đọc tụng. Người này gọi là tiếng hay thân cũng đẹp.
Đó gọi là thế gian có bốn hạng người này ở đời, mà mọi người đều biết. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học tiếng hay, hình cũng đẹp.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 9)
63. BỐN LOÀI SINH
1) Sinh ra từ trứng, các loại như gà, chim, quạ, bồ câu, khổng tước, rắn, cá, kiến; thảy đều là sinh trứng. Đó gọi là sinh trứng.
2) Người cùng súc sinh, đến loài vật hai chân. Đó gọi là sinh từ thai.
3) Những con trùng được sinh từ trong thịt rữa, trùng trong nhà xí, trùng trong thây chết; thảy đều được gọi là sinh từ nhân duyên.
4) Đó là các loại trời, địa ngục, ngạ quỉ, hoặc người, hoặc súc sanh. Đó gọi là sinh từ hóa.
Các Tỳ-kheo lìa bỏ bốn loại sinh này, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bốn đế.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 5)
64. BỐN LOẠI THỨC ĂN NUÔI LỚN CHÚNG SANH
- Đoàn thực, hoặc lớn hay nhỏ
- 2. Xúc thực
- Niệm thực
- 4. Thức thực.
Đoàn thực là như những thức ăn của người hiện nay, vật để đưa vào miệng có thể ăn.
Xúc thực là chỉ cho y phục, lọng dù, hương hoa, sưởi lửa, dầu thơm hay sự tụ hội với phụ nữ, và những thứ khác được xúc chạm bởi thân thể.
Tất cả những niệm tưởng, những gì được niệm tưởng, được tư duy trong ý, những gì được nói bởi miệng, hoặc được xúc bởi thân, cùng những pháp được ghi nhớ.
Những gì được niệm tưởng bởi thức, được nhận biết bởi ý, từ Phạm thiên làm đầu cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng, dùng thức làm thức ăn.
Chúng sanh do bốn loại thức ăn này mà lưu chuyển trong sanh tử, từ đời này sang đời khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy xả ly bốn loại thức ăn này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 4)
65. BỐN LOẠI TRÁI CÂY
- Trái sống mà tựa chín
- Trái chín mà tựa sống
- Trái chín mà tựa chín
- Trái sống mà tựa sống.
Đó là, này Tỳ-kheo thế gian có bốn loại trái này. Cũng lại như vậy, thế gian có bốn hạng người này. Thế nào là bốn?
- Có người sống mà giống chín
- Có người chín mà giống sống
- Có người chín mà giống chín
- Có người sống mà giống sống.
Có người qua lại, đi bước không hành thô tháo. Mắt nhìn ngó phải thuận theo pháp giáo. Đắp y, mang bát cũng lại theo pháp. Bước đi, nhìn xuống đất, không liếc nhìn hai bên. Nhưng lại phạm giới, không theo chánh hạnh; thật chẳng phải sa-môn mà giống sa-môn; không hành phạm hạnh mà tự nói hànhphạm hạnh; bại hoại Chánh pháp; là loại mà rễ đã mục. Người này gọi là sống mà giống chín.
Có Tỳ-kheo tánh hạnh có vẻ quê mùa, nhìn ngó không ngay, cũng không đi đúng theo pháp, hay liếc ngó hai bên. Nhưng lại tinh tấn nghe nhiều, tu hành pháp thiện, thường giữ giới luật, không mất oai nghi, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi. Người này gọi là chín mà giống sống.
Có Tỳ-kheo không giữ giới cấm, không biết lễ tiết bước đi, cũng lại không biết ra vào đi lại, cũng lại không biết đắp y, mang bát, các căn thác loạn, tâm đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm giới cấm, không hành Chánh pháp, không là sa-môn mà giống sa-môn, không hành phạm hạnh mà giống phạm hạnh; là người mà rễ đã mục không thể cứu chữa. Người này gọi là sống mà giống sống.
Có Tỳ-kheo giữ gìn giới cấm, ra vào, đi bước, không mất thời tiết, nhìn ngó không mất oai nghi, lại rất tinh tấn tu hành pháp thiện, mọi oai nghi lễ tiết đều thành tựu, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãihuống chi là to lớn. Người này gọi là chín mà giống chín.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có (bốn) hạng người như bốn loại trái này. Hãy học người quả chín.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 7)
66. BỐN PHÁP BỔN SỚM THÀNH CHÁNH GIÁC
1) Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát hành bốn pháp bổn, đầy đủ sáu ba-la-mật, sẽ nhanh chóng thành Vô ThượngChánh Chơn Đẳng Chánh Giác. Sao gọi là bốn? Ở đây Bồ-tát huệ thí từ Phật, Bích-chi-phật xuống cho đến người phàm thảy đều bình đẳng không lựa chọn người, thường nghĩ vầy: ‘Tất cả do ăn mà tồn tại, không ăn thì tiêu vong.’
2) Bồ-tát khi bố thí đầu, mắt, tủy não, nước, của, vợ con, vui vẻ bố thí không sinh tưởng đắm trước. Như người đáng chết, đến khi chết thì sống lại, vui mừng hớn hở không tự kềm chế được. Bấy giờ, Bồ-tát phát tâm vui thích cũng lại như vậy; bố thí thệ nguyện không sinh tưởng đắm trước.
3) Bồ-tát lúc bố thí khắp đến tất cả, không tự vì mình, mà vì để thành Đạo Vô thượng Chánh chơn. Đó gọi là thành tựu ba pháp này đầy đủ sáu độ.
4) Bồ-tát Ma-ha-tát lúc bố thí tự tư duy, ‘Trong các loài chúng sanh, Bồ-tát là đứng đầu trên hết, đầy đủ sáu độ liễu đạt gốc của các pháp. Vì sao vậy? Vì các căn tịch tĩnh, tư duy cấm giới, không khởi sân nhuế, tu hành tâm từ, dõng mãnh tinh tấn, tăng trưởng pháp thiện, trừ pháp bất thiện, thường hằng nhất tâm, ý không tán lọan, đầy đủ pháp môn biện tài, hoàn toàn không vượt thứ lớp, khiến cho các thí này đầy đủ sáu độ, thành tựu đàn ba-la-mật.’
Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát nào hành bốn pháp này, nhanh chóng thành tựu Vô thượng Chánh chơn Đẳng chánh giác. Cho nên, Bồ-tát Ma-ha-tát lúc muốn bố thí, nên phát thệ nguyện đầy đủ các hạnh này.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 5)
67. BỐN PHÁP ĐƯA VÀO ĐỊA NGỤC
Có bốn pháp mà ai tập hành, người đó sẽ vào trong địa ngục.
Thế nào là bốn? Thân, miệng, ý và mạng không thanh tịnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
68. BỐN PHÁP ĐƯA VỀ CÕI LÀNH
Có bốn pháp mà nếu ai tu tập hành theo thì sẽ sinh cõi lành, lên trời. Thế nào là bốn? Bố thí, nhân ái, lợi người, đồng lợi.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
69. BỐN PHÁP ĐƯỢC SANH VÀO LOÀI NGƯỜI
Nay có bốn việc mà nếu người tu hành theo thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh trong loài người. Thế nào là bốn?
Người mà thân, miệng, ý và mạng thanh tịnh không tỳ vết, lúc mạng chung sẽ được sinh trong loài người.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
70. BỐN PHÁP ĐƯỢC THẾ GIAN KHÔNG ÁI KÍNH
1) Tuổi trẻ tráng niên đến lúc già bệnh, người đời không thích.
2) Người không bệnh sau lại mắc bệnh, người đời không thích.
3) Được tuổi thọ mà sau lại mạng chung, người đời không thích.
4) Ân ái hội hợp sau lại chia lìa.
Đó là những điều người đời không thích.
Đó gọi là có bốn pháp cùng đời xoay chuyển. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân Thánh vương, chư Phật, Thế Tôn cùng có pháp này. Đó là thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu khôngbiết bốn pháp này, phải chịu lưu chuyển trong sinh tử, xoay tròn trong năm đường. Thế nào là bốn?
1.Giới Thánh hiền
2. Tam muội Thánh hiền
3.Trí tuệ Thánh hiền
4. Giải thoát Thánh hiền.
Đó là có bốn pháp này mà ai không giác tri, thì phải thụ nhận bốn pháp trên. Nay Ta cùng các ngươi nhờ giác tri bốn pháp Thánh hiền này mà đoạn gốc sinh tử không còn tái sinh đời sau. Như nay thân thểNhư Lai suy già, phải chịu báo suy hao này. Cho nên, hãy tìm cầu Niết-bàn vĩnh tịch này, không sinh, không già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly, thường niệm tưởng biến dịch vô thường. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 26. Phẩm Bốn Đoạn Ý, Kinh số 6)
71. BỐN PHÁP DỨT SANH TỬ
Có bốn pháp nếu ai tập hành theo, khi thân hoại mạng chung, diệt tận hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa. Thế nào là bốn?
Thiền có tầm có tứ; thiền không tầm, không tứ; xả niệm; thiền khổ lạc diệt.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 7)
72. BỐN PHÁP MANG LỢI ÍCH NHIỀU
1.Gần gũi thiện tri thức
2. Nghe pháp
3.Nên biết pháp
4. Phân minh pháp và pháp tướng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 2)
73. BỐN PHÁP NIỆM XỨ
Tỳ-kheo, xét bốn pháp như thế nào?
1) Quán thân nơi nội thân, trừ khử sầu ưu, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ.
2) Quán thọ nơi nội thọ, thọ niệm xứ; quan thọ nơi ngoại thọ, thọ niệm xứ; quán thọ nơi nội ngoại thọ, thọ niệm xứ.
3) Quán tâm nơi nội tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi ngoại tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi nội ngoạitâm, tâm niệm xứ;trừ khử sầu ưu, không còn các khổ hoạn.
4) Quán pháp nơi nội pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi ngoại pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi nội ngoại pháp, pháp niệm xứ.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 3)
74. BỐN PHÁP THIỆN TĂNG TRƯỞNG
Giống như núi sông, vách đá, trăm cỏ, ngũ cốc, đều nương trên đất mà được tăng trưởng lớn mạnh. Vì vậy, đất này là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, các pháp đạo phẩm thiện, trụ trên đất không phóng dật, khiến các pháp thiện được tăng trưởng lớn mạnh. Tỳ-kheo không phóng dật tu bốn chánh đoạn, tu tập nhiều bốn chánh đoạn. Những gì là bốn?
1) Pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh.
2) Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt.
3) Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh.
4) Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 26. Phẩm Bốn Đoạn Ý, Kinh số 1)
75. BỐN SỢ HÃI LỚN
Có bốn sợ hãi lớn hằng truy bức thân người, không bao giờ có thể ức chế; cũng không thể dùng chú thuật, chiến đấu, cỏ thuốc, mà có thể ức chế được. Đó là, sanh, già, bệnh, chết. Cũng như bốn hòn núi lớn từ bốn phương ập đến với nhau, làm gãy đổ cây cối, tất cả đều bị hủy diệt.
Khi sanh ra, cha mẹ ôm lòng sầu lo, khổ não, không thể kể hết. Khi sự già đến, không còn trai trẻ nữa, thân hình bại hoại; tay chân, gân khớp lỏng lẻo. Khi bệnh đến, lúc đang trai trẻ, mà không còn khí lực, mạng sống rút ngắn dần. Khi chết đến, mạng căn bị cắt đứt, ân ái biệt ly, năm ấm tan rã. Đó là bốn sợ hãi lớn, khiến cho không được tự tại.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
76. BỐN SỰ CHE KHUẤT
Mặt trời, mặt trăng, bị bốn sự che khuất khiến không phóng ra được ánh sáng. Thế nào là bốn? Một là mây, hai là bụi gió, ba là khói, bốn là A-tu-la, khiến mặt trời, mặt trăng bị che khuất, không phóng ánh sáng được. Đó gọi là mặt trời, mặt trăng bị bốn sự che khuất này, khiến không phóng ánh sáng lớn được. Ở đây cũng vậy, Tỳ-kheo có bốn kết sử che kín tâm người không khai mở được. Thế nào là bốn?
Một là dục kết, che lấp tâm người không khai mở được, hai là sân nhuế, ba là ngu si, bốn là lợi dưỡng, che khuất tâm người không khai mở được.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 28. Phẩm Thanh Văn, Kinh số 2)
77. BỐN SỰ CÔNG ĐỨC
1) Biết thời mà bố thí chứ không phải không biết thời.
2) Tự tay huệ thí không sai người khác.
3) Bố thí thường trong sạch, chẳng phải không trong sạch.
4) Bố thí thật vi diệu, không có vẩn đục.
Thiện tri thức khi bố thí có bốn công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thiện nam tử, thiện nữ nhânlúc bố thí nên đủ bốn công đức này. Do đủ công đức này, được phước nghiệp lớn, được sự tịch diệt của cam lồ. Nhưng phước đức này không thể đo lường, nên nói sẽ có ngần phước nghiệp như vậy mà hư không không thể dung chứa hết.
Giống như nước biển không thể đong để nói là một hộc, nửa hộc, một lẻ, nửa lẻ. Nhưng phước nghiệpnày không thể trần thuật đầy đủ. Như vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân đã tạo ra những công đức không thể kể, được phước nghiệp lớn, được cam lồ tịch diệt, nên nói sẽ có ngần ấy phước đức như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 9)
78. BỐN THỦ
Nay sẽ nói về bốn thủ. Bốn thủ ấy? Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ.
Bốn thủ này do gì sinh? Bốn thủ này do ái mà sinh, do ái mà lớn, và thành tựu thủ này. Đối với ai mà các thủ không khởi, vì các thủ không khởi, nên người ấy không có sự sợ hãi. Do không có sự sợ hãinên Bát-niết-bàn, biết rõ như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 2)
79. BỐN VỊ TẰNG HỮU
1) Các loài chúng sanh này bị nhiều đắm nhiễm. Nếu khi nói pháp không đắm nhiễm, chúng cũng vâng lãnh, niệm tưởng tu hành, tâm không xa lìa.
2) Chúng sanh này luôn luân chuyển không dừng trong năm nẻo. Giả sử Ta muốn nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa lìa.
3) Chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không rời đầu mối tâm. Giả sử Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh, tâm không xa lìa. Này A-nan, chúng sanh này thường ôm lòng kiêu mạn, không bỏ chốc lát nào. Giả sử khi Ta nói pháp, chúng cũng vâng lãnh.
4) Chúng sanh này bị vô minh che kín. Giả sử khi Ta nói pháp minh, chúng cũng vâng lãnh mà không quên mất. Lại nữa, này A-nan, nếu khi Ta nói pháp minh, vô minh này, mà tâm ý chúng nhu hòa luôn thích tu hành; đó gọi là, này A-nan, khi Như Lai xuất ở đời, có pháp vị tằng hữu thứ tư này xuất hiện ở đời.
Nếu lúc Như Lai đang hiện tại, khi ấy có bốn pháp vị tằng hữu này xuất hiện ở đời. Cho nên, này A-nan, hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Như Lai.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 3)
80. BỐN VÔ SỞ ÚY
1) Như Lai ra đời có bốn vô sở úy. Như Lai được bốn vô sở úy này, nên không bị dính trước bất cứ điều gì trên thế gian, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, chuyển Phạm luân.
2) Nay Ta đã thành tựu pháp này, cho dù ở trong đại chúng hoặc sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiêncho đến loài bọ bay, cựa quậy, nói rằng Ta không thành tựu pháp này, không có trường hợp này. Ở trong đó Ta đắc vô sở úy.
3) Ta các lậu đã diệt tận, không còn tái sinh nữa. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói rằng Ta các lậu chưa diệt tận, không có trường hợp này.
4) Nay Ta đã lìa pháp si ám, mà muốn khiến trở lại pháp si ám, hoàn toàn không có việc này. Nếu lại có Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sinh nào, ở trong đại chúng nói Ta đã trở lại pháp si ám, việc này không đúng.
Pháp xuất yếu của các bậc Hiền thánh để sạch hết bờ khổ mà muốn nói đó không là xuất yếu, hoàn toàn không có việc này. Nếu có sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Ma thiên, chúng sanh nào, ở trong đại chúng nói, Như Lai chưa tận cùng biên tế khổ, không có trường hợp này.
Như vậy, với bốn vô sở úy, Như Lai ở trong đại chúng có thể rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh Phạm luân.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 6)
81. BUÔNG GÁNH XUỐNG
Hãy niệm bỏ gánh nặng
Chớ tạo gánh mới nữa
Gánh là bệnh thế gian
Buông gánh, lạc đệ nhất.
Ái kết cũng đã trừ
Phi pháp hành cũng xả
Vĩnh viễn xa ly đây
Không còn tái sinh nữa.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 4)
82. BUÔNG LUNG NHƯ CON LỪA
Kia, sao gọi là người giống lừa? Có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, vì lòng tin kiên cố, xuất giahọc đạo. Bấy giờ người ấy các căn không định, khi mắt thấy sắc thì theo đó khởi lên sắc tưởng, dong ruổi vạn mối, lúc bấy giờ mắt không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể ngăn giữ các ác khắp nơi đến và cũng không thể phòng hộ được nhãn căn.
Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết trơn nhuyễn, ý biết pháp, theo đó khởi lên bệnh thức, dong ruổi vạn mối, lúc bấy giờ ý căn không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể ngăn giữ các ác khắp nơi đến, cũng lại không thể giữ được ý căn, không có oai nghi lễ tiết, bước lên, dừng lại, co duỗi, cúi ngước; khoác y, ôm bát, đều trái cấm giới, bị đồng phạm hạnh bắt gặp chê trách rằng: ‘Ôi, người ngu này giống như Sa-môn!’ Nó liền bị hạch tội: ‘Nếu là Sa-môn, đáng ra không nên như vậy.’ Nó lại nói như vầy: ‘Tôi cũng là Tỳ-kheo! Tôi cũng là Tỳ-kheo!’ Giống như con lừa vào trong bầy bò mà tự xưng là: ‘Tôi cũng là bò! Tôi cũng là bò!’ Nhưng hai lỗ tai của nó xem ra lại không giống bò, sừng cũng không giống, đuôi cũng không giống, âm thanh đều khác.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 4)
83. CÁC CĂN TỊCH TỊNH
Khi mắt thấy sắc, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng, mũi ngưởi hương, lưỡi biết vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ ý căn. Như vậy là Tỳ-kheo có các căn tịch tịnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 6)
84. CÁC NAM PHẬT TỬ NỔI BẬT VÀO THỜI ĐỨC PHẬT
1) Ưu-bà-tắc đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta, người đầu tiên nghe pháp dược mà chứng thành Hiền thánh, chính là thương khách Tam Quả.
2) Trí tuệ đệ nhất, chính là Gia chủ Chất-đa.
3) Thần đức đệ nhất, chính là Kiền-đề A-lam.
4) Hàng phục ngoại đạo, chính là Gia chủ Quật-đa.
5) Thường nói pháp sâu, chính là Gia chủ Ưu-ba-quật.
6) Thường tọa thiền tư duy, chính là Ha-Xỉ A-la-bà.
7) Hàng phục bọn ma, chính là Gia chủ Dũng Kiện.
8) Phước đức sung mãn, chính là Gia chủ Xà-lợi.
9) Chủ đại đàn thí, chính là Gia chủ Tu-đạt.
10) Thành tựu môn tộc, chính là Gia chủ Mẫn-dật.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 6. Phẩm Thanh Tín Sĩ, Kinh số 1)
85. CÁC NỮ PHẬT TỬ NỔI BẬT VÀO THỜI ĐỨC PHẬT
1) Ưu-bà-di đệ nhất trong hàng đệ tử của Ta, người đầu tiên thọ trì đạo mà chứng quả, chính là Ưu-bà-di Nan-đà Nan-đà-bà-la.
2) Trí tuệ đệ nhất, chính là Ưu-bà-di Cửu-thọ-đa-la.
3) Thường thích tọa thiền, chính là Ưu-bà-di Tu-tỳ-da-nữ.
4) Huệ căn tỏ rõ, chính là Ưu-bà-di Tỳ-phù.
5) Kham năng nói pháp, chính là Ưu-bà-di Ương-kiệt-xà.
6) Khéo diễn nghĩa kinh, chính là Ưu-bà-di Bạt-đà-sa-la Tu-diệm-ma.
7) Hàng phục ngoại đạo, chính là Ưu-bà-di Bà-tu-đà.
8) Âm vang trong suốt, chính là Ưu-bà-di Vô Ưu.
9) Hay luận giải nhiều đề tài, chính là Ưu-bà-di Bà-la-đà.
10) Dõng mãnh tinh tấn, chính là Ưu-bà-di Tu-đầu.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 7. Phẩm Thanh Tín Nữ, Kinh số 1)
86. CÁCH XỬ THẾ CỦA NHƯ LAI
Như Lai xử thế rất đặc biệt. Dù trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, ai hỏi nghĩa Như Lai, Ta sẽ thuyết cho họ. Giả sử quốc vương đại thần, nhân dân hỏi nghĩa Như Lai, Ta cũng sẽ thuyết cho họ. Nếu dòng sát- lợi, bốn chủng tánh, đến hỏi nghĩa, Ta cũng sẽ thuyết pháp cho. Vì sao thế?
Vì hôm nay, Như Lai được bốn vô sở uý, thuyết pháp không có khiếp nhược; cũng được bốn thiền, trong đó tự tại, kiêm đắc bốn thần túc chẳng thể tính kể, hành bốn vô lượng tâm. Thế nên, Như Laithuyết pháp không có khiếp nhược. La-hán, Bích-chi-phật không có thể kịp được. Thế nên, Như Laithuyết pháp không khó.
Các ngươi hãy tìm phương tiện hành bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Vì sao Thế? Nếu Tỳ-kheo vì chúng sanh, thiện tri thức được gặp, và tất cả cha mẹ, tri thức, thân thuộc đều nhân lấy bốn sự dạy khiến họ biết pháp. Thế nào là bốn?
1) Nên cung kính Phật là bậc Như Lai, Chí chơn Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, Phật Thế tôn, độ người vô lượng.
2) Hãy nên cầu pháp, tu hành pháp chính chân, trừ bỏ hành uế ác. Đây là điều mà bậc trí giả tu hành.
3) Hãy tìm cầu phương tiện cúng dường chúng Tăng. Chúng của Như Lai thường hoà hợp nhau không có tranh tụng, pháp tùy pháp thành tựu, giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoátthành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Đó là bốn đôi, tám bậc, mười hai hiền sĩ. Đây là Thánh chúngcủa Như Lai, đáng tôn đáng quí, là ruộng phước vô thượng của Thế gian.
4) Lại nên khuyến trợ khiến hành pháp luật Hiền Thánh, không nhiễm ô, tịch tĩnh vô vi.
Nếu có Tỳ-kheo nào muốn hành đạo, nên hành đủ pháp bốn sự này. Vì sao thế? Vì pháp cúng dườngTam bảo, tối tôn, tối thượng không ai sánh kịp.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 2)
87. CAI TRỊ DÂN PHI PHÁP BỊ ĐỌA ĐỊA NGỤC
Đại vương, hãy cai trị đúng pháp, chứ đừng phi pháp. Lấy chánh lý mà trị dân, chứ đừng phi lý. Đại vương, nếu cai trị dân bằng chánh pháp, sau khi mạng chung thảy đều sanh lên trời. Đại vương sau khi mạng chung được nhân dân tưởng nhớ không hề quên, tiếng tốt lưu truyền xa.
Đại vương, nên biết, những ai cai trị nhân dân bằng phi pháp, sau khi chết đều sanh vào địa ngục. Bấy giờ ngục tốt trói lại năm chỗ, ở trong đó chịu khổ không thể lường hết được; hoặc bị roi, hoặc bị trói, hoặc bị nện; hoặc chặt tay chặt chân, hoặc nướng trên lửa, hoặc rót nước đòng sôi lên thân, hoặc lột da, hoặc mổ bụng, hoặc rút lưỡi, hoặc đâm vào thân, hoăc bị cưa xẻ, hoặc bị giã trong cối sắt hoặc cho bánh xe cán nát thân, hay đuổi chạy trên núi dao rừng kiếm, không cho ngừng nghỉ; hoặc bắt ôm cột sắt cháy, hoặc móc mắt, hoặc xẻ tai, xẻo mũi, chặt tay chân; cắt rồi mọc trở lại.
Hoặc bị bỏ cả thân mình vào trong vạc lớn; hoặc bị chỉa sắt quay lăn thân thể không cho ngừng nghỉ; hoặc bị lôi từ trong vạc ra mà rút gân xương sống làm dây buộc thân vào xe. sau đó lại cho vào địa ngụcNhiết chích. Lại vào địa ngục Nhiệt thỉ. Lại vào địa ngục Thích. Lại vào địa ngục Hôi. Lại vào địa ngụcĐao thọ. Lại bắt nằm ngữa, đem hòn sắt nóng bắt nuốt, lăn từ trên xuống khiến ruột, dạ dày bị cháy rục hết. lại rót nước đồng sôi vào miệng, từ trên chảy xuống dưới. Trong đó, chịu khổ không cùng tận. Chỉ khi nào hết tội mới được thoát ra.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
88. CĂN CƠ CHÚNG SANH KHÔNG ĐỒNG
Thế gian trôi nổi, tánh chất không đồng, định hướng khác biệt, niệm tưởng chẳng phải một. Thiên Đếnên biết, vô số a-tăng-kỳ kiếp xưa kia, Ta cũng sinh ý nghĩ này: Loài trời và chúng sanh, ý thú hướng về đâu? Ước nguyện điều gì? Từ kiếp đó đến nay, Ta không thấy tâm của một ai giống nhau.
Thích Đề-hòan Nhân nên biết, chúng sanh thế gian khởi tưởng điên đảo: vô thường chấp tưởng thường, không phải lạc cho là tưởng lạc, không ngã chấp có tưởng ngã, không phải tịnh chấp có tưởng tịnh, đường chánh khởi tưởng đường tà, ác khởi tưởng phước, phước khởi tưởng ác. Do phương tiệnnày nên biết, căn tánh của các loài chúng sanh thật khó lường, tánh hạnh chúng khác biệt nhau. Nếu tất cả chúng sanh đều cùng một tưởng, không có nhiều tưởng, thì không thể nhận biết có chín chỗ cư trú của chúng sanh, cũng khó phân biệt được chín nơi cư trú của chúng sanh này; chỗ thần thức y tựa cũng lại khó rõ, cũng không biết có tám địa ngục lớn, cũng khó biết nơi hướng đến của súc sanh, không phân biệt có sự khổ của địa ngục, không biết có sự hào quí của bốn dòng họ, không biết con đường dẫn đến chỗ A-tu-la, cũng lại không biết có trời Tam thập tam. Giả sử tất cả đều cùng một tâm, sẽ như trời Quang âm. Vì chúng sanh có nhiều loại thân khác nhau, nhiêu tưởng niệm cũng khác nhau, cho nên biết có chín nơi cư trú của chúng sanh, chín nơi thần thức y tự tại; biết có tám địa ngục lớn, ba đường ác, cho đến trời Tam thập tam. Do phương tiện này mà biết tánh của các loài chúng sanh không đồng, những điều chúng làm đều khác.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 9)
89. CẨN THẬN BA NGHIỆP THÂN KHẨU Ý
Lành thay, Mục-liên! Ông đã làm được nhiều điều lợi ích, nhiều thấm nhuần, vì thương xót các loài chúng sanh, mong cầu an lạc cho trời và người, khiến cho Thanh văn của chư Như Lai dần dần đạt đếnNiết-bàn diệt tận. Cho nên, hãy tinh cần để thành tựu ba pháp. Vì sao? Nếu Đề-bà-đạt-đâu mà tu hànhthiện pháp, thân ba, miệng bốn, ý ba; người ấy chung thân không tham đắm lợi dưỡng, cũng không tạo tội ngũ nghịch để đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì sao? Phàm người tham đắm lợi dưỡng cũng không có tâm cung kính đối với Tam bảo, cũng không phụng trì cấm giới, không đầy đủ các hành thân, miệng, ý. (Vậy, các ngươi) hãy chuyên niệm các hành của thân, miệng, ý.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 9)
90. CHĂN TRÂU
Chăn bò không buông lung
Người chủ được nhiều phước
Sáu bò trong sáu năm
Lần lượt thành sáu chục.
Tỳ kheo giới thành tựu
Tự tại trong thiền định
Sáu căn được vắng lặng
Sáu năm thành sáu thông.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 1)
91. CHE KHUẤT THÌ TỐT
Có ba sự, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Những gì là ba? Một là nữ nhân, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Hai là chú thuật bà-la-môn, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Ba là nghiệp của tà kiến, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 4)
92. CHỈ CÓ TINH TẤN LÀ HẠNH KHÔNG ĐỒNG GIỮA CÁC NHƯ LAI
Chư Phật Thế Tôn đều giống nhau, cũng đồng giới luật, giải thoát, trí huệ không có gì khác; cũng đồng không, vô tướng, vô nguyện, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân mình, nhìn không biết chán, với đỉnh đầu không thể nhìn thấy.
Tất cả những việc trên đều giống nhau, chỉ có tinh tấn là không đồng. Trong chư Phật Thế Tôn ở quá khứ và vị lai, Ta là vị tinh tấn bậc nhất. Cho nên, này A-na-luật, ở đây tám điều suy niệm của bậc đại nhân này là hơn hết, là tôn là quý, không thể so sánh. Giống như do sữa mà có lạc, do lạc mà có tô, do tô mà có đề-hồ; nhưng ở trong đó, đề-hồ lại là không có gì so sánh. Ở đây cũng vậy, trong điều tám suy niệm của bậc Đại nhân, niệm tinh tấn là hơn hết, thật không gì để so sánh.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 6)
93. CHỈ VÀ QUÁN
Hai pháp gì? Đó là chỉ và quán.
Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã đắc tịch tĩnh, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì thành tựu giới luật, không mất oai nghi, không phạm cấm hạnh, tạo các công đức.
Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã lại được quán rồi, liền quán và biết như thật rằng, đây là khổ; quán biết như thậtrằng đây là khổ tập, khổ diệt, khổ đạo xuất yếu. Người đó quán như vậy rồi, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu, bèn được trí giải thoát, biết như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.
Chư Như Lai Chí chơn, Chánh đẳng Chánh giác thời quá khứ, nhờ hai pháp này mà được thành tựu. Vì sao vậy? Như khi Bồ-tát ngồi dưới bóng thọ vương, trước tiên tư duy pháp chỉ và quán nầy. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát đã đắc chỉ rồi, bèn có thể hàng phục được các ma oán. Nếu Bồ tát đạt được quán rồi, ngay sau đó liền đạt được ba đạt trí, thành Vô thượng Chí chân, Đẳng chánh giác.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 7)
94. CHIM VÀ RỒNG
Có bốn loài chim cánh vàng. Những gì là bốn?
1) Chim cánh vàng sinh bằng trứng
2) Chim cánh vàng sinh bằng thai
3) Chim cánh vàng sinh do ẩm
4) Chim cánh vàng sinh do biến hóa.
Có bốn loài rồng. Những gì là bốn?
1) Rồng sinh bằng trứng
2) Rồng sinh bằng thai
3) Rồng sinh do ẩm thấp
4) Rồng sinh do biến hóa.
Khi Long vương đang thừa sự Phật, chim cánh vàng không thể ăn thịt được. Vì sao vậy? Như Laithường hành bốn vô lượng tâm, vì vậy cho nên chim không thể ăn rồng. Sao gọi là bốn vô lượng tâm? Là Như Lai thường hành tâm từ, thường hành tâm bi, thường hành tâm hỷ, thường hành tâm xả. Đó gọi là Như Lai thường có bốn vô lượng tâm này; có gân sức mạnh, dõng mãnh lớn, không thể ngăn và hoại được. Vì vậy, nên chim cánh vàng không thể ăn rồng.
Cho nên các Tỳ-kheo phải hành tâm tứ vô lượng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 8)
95. CHÍN HẠNG NGƯỜI LÌA KHỔ
Có chín hạng người lìa được khổ hoạn. Những gì là chín? Hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hòan, đắc Tu-đà-hòan và người chủng tánh là chín.
Như Lai xuất hiện thế gian được nói là rất khó gặp, thân người khó được, sinh nhằm trung bộ cũng khó được, gặ gỡ thiện tri thức cũng vậy. Nghe pháp được giảng thuyết cũng rấ khó. Pháp pháp tương sinh, thật lâu mới có một lần.
Nay Như Lai xuất hiện ở thế gian, ngươi được nghe chánh pháp, các căn không thiếu để có thể nghe chánh pháp kia, mà nay không ân cần, sau này hối không kịp. Đây là những lời giáo giới của Ta.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 7)
96. CHÍN HẠNG NGƯỜI QUA LẠI
Thế gian này có chín hạng người qua lại. Thế nào là chín?
1) Đoán biết ý nghĩ của người
2) Nghe rồi mới biết
3) Xem tướng sau đó mới biết
4) Quán sát nghĩa lý sau đó mới biết
5) Biết vị nếm sau đó mới biết
6) Biết nghĩa biết vị nếm sau đó mới biết
7) Không biết nghĩa không biết vị
8) Học ở sức thần túc tư duy
9) Nghĩa được nhận rất ít.
Nay Tỳ-kheo Chu-lợi-bàn-đặc chỉ tập thần túc, chứ không học pháp khác. Tỳ-kheo này thường dùngthần túc thuyết pháp cho người.
Tỳ-kheo A-nan của Ta xem tướng mà đoán biết ý nghĩ của người, biết Như Lai cần cái này, không cần cái này; cũng biết Như Lai sẽ nói việc này, bảo xa lìa việc này. Tất cả đều biết rõ ràng. Như nay, không có ai vượt lên trên Tỳ-kheo A-nan về việc xem rộng các nghĩa kinh không đâu không khắp.
Tỳ-kheo Chu-lợi-bàn-đặc này có thể hóa một thân thành nhiều thân, rồi hiệp trở lại thành một. Tỳ-kheo này ngày sau sẽ diệt độ ở giữa hư không. Ta không thấy người nào khác diệt độ như Tỳ-kheo A-nan và Tỳ-kheo Chu-lợi-bàn-đặc này.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 7)
97. CHÍN NƠI Ở CỦA CHÚNG SANH
1) Chúng sanh nhiều thân thân khác nhau với nhiều tưởng khác. Đó là chỉ cho người.
2) Chúng sanh nhiều thân thân khác nhau với nhiều tưởng khác. Đó là chỉ cho trời.
3) Có chúng sanh có nhiều thân, nhưng một tưởng. Đó là chỉ trời Phạm-ca-di xuất hiện đầu tiên.
4) Có chúng sanh có một thân với nhiều tưởng. Đó là trời Quang âm.
5) Có chúng sanh một thân với một tưởng. Đó là trời Biến tịnh.
6) Có chúng sanh vô lượng không. Đó là trời Không xứ.
7) Có chúng sanh vô lượng thức. Đó là trời Thức xứ.
8) Có chúng sanh Vô sở hữu xứ. Đó là trời Vô sở hữu xứ.
9) Có chúng sanh có tưởng, không tưởng. Đó là trời Phi tương phi phi tưởng xứ.
Tên gọi của những chỗ được sinh ra có chín. Đó gọi là chín nơi cư trú của chúng sanh. Các loài quần manh đã từng ở, đang ở, sẽ ở. Cho nên Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thoát ly chín nơi này.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 1)
98. CHÍN PHÁP ÁC
1) Thế nào là Tỳ-kheo ác làm mặt gượng? Ở đây, Tỳ-kheo ác, điều không đáng tìm cầu mà tìm cầu, trái với hạnh Sa-môn.
2) Thế nào là Tỳ-kheo ác chịu nhục? Ở đây, Tỳ-kheo ác ở chỗ các Tỳ-kheo hiền thiện mà tự khen ngợi mình, hủy báng người khác.
3) Thế nào là Tỳ-kheo sinh tâm tham? Ở đây, Tỳ-kheo thấy tài và vật của người khác đều sinh tâm tham.
4) Thế nào là Tỳ-kheo keo kiết? Ở đây Tỳ-kheo được y bát không cho người dùng chung, thường cất dấu cho riêng mình.
5) Thế nào là Tỳ-kheo hay quên? Ở đây, Tỳ-kheo ác thường hay để rơi rớt những lời hay, thiện; cũng không tư duy phương tiện, lại luận bàn về chuyện quốc gia binh chiến.
6) Thế nào là Tỳ-kheo ác ít ngủ? Ở đây, Tỳ-kheo ác, những pháp cần tư duy mà không tư duy.
7) Thế nào là Tỳ-kheo ác che dấu dâm dật? Ở đây, Tỳ-kheo ác che dấu những việc làm, không nói cho người khác, nghĩ rằng, ‘Mong người khác không biết những việc ta làm của ta.’
8) Thế nào là Tỳ-kheo ác không biết đền trả? Ở đây Tỳ-kheo ác không có tâm cung kính, không hầu hạ sư trưởng, và tôn kính những vị đáng quí trọng.
9) Nếu Tỳ-kheo ác thành tựu chín pháp này, niệm không xả ly, trọn không thành đạo quả.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 3)
99. CHÍN PHÁP HOÀN TẤT NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM
1) Tùng sự với thiện tri thức
2) Tu hành Chánh pháp, không dính mắc nghiệp tà
3) Hằng sống nơi chốn đơn độc, không ưa thích chỗ đông người
4) Ít bệnh, không hoạn
5) Không cất chứa các thứ tài bảo, cũng không tham đắm y bát
6) Cần hành tinh tấn
7) Tâm không loạn động
8) Nghe nghĩa lý liền hiểu rõ không cần phải nhắc lại
9) Tùy thời thích hợp nghe pháp mà không biết chán.
Đó là chín pháp mà Tỳ kheo nào thành tựu thì ngay trong hiện pháp được nhiều lợi ích. Cho nên, hãy nhớ chuyên cần đi đến dạy dỗ các Tỳ kheo, khiến họ trong lâu dài đật đến chỗ vô vi.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 2)
100.CHÍN VŨ KHÍ CỦA NGƯỜI NỮ TRÓI BUỘC NGƯỜI NAM
Người nữ thành tựu chín pháp để trói buộc người nam. Những gì là chín?
Ca, múa, kịch, nhạc, cười, khóc, trau chuốt nghi dung, huyễn thuật mê hoặc, nhan sắc thể hình. Trong tất cả hình thức ấy, chỉ có xúc trói người chặt nhất, gấp trăm nghìn lần, không có gì để so sánh.
Ở đây, Ta thấy ý nghĩa này, xúc trói người chặt nhất không cho ra thóat khỏi; đó là sọi dây buộc chặtngười nam vào người nữ. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng xả bỏ chín pháp này.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 5)
101. CHỊU TỘI KHÔNG KỂ XIẾT
Trăm năm quen buông lung
Về sau vào địa ngục
Vậy có gì đáng tham
Chịu tội không kể xiết?
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
- 102. CHỚ BỎ NƠI CÓ THỂ TU PHẠM HẠNH ĐƯỢC
Có Tỳ kheo sống nương nơi thôn xóm, mà pháp thiện tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt. Những gì có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới có, Tỳ kheo ấy nên học như vầy: ‘Ta nay nương nơi thôn xóm này mà sống, thiện pháp tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt. Những gì có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới có. Nhưng ta không vì áo chăn mà xuất gia học đạo, tu tập phạm hạnh. Điều mà ta mong cầu ước nguyện bởi học đạo ắt sẽ thành tựu. Ta hãy trọn đời thừa sự, cúng dườngpháp ấy.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 3)
- 103. CHỖ HƯỚNG ĐẾN CỦA THIỆN TRÍ THỨC NHƯ MẶT TRĂNG TRÒN ĐẦY
Giống như mặt trăng đầu tháng, trải qua ngày đêm, ánh sáng dần tăng lên, từ từ tròn đầy, cho đến ngày mười lăm là sung mãn đầy đủ, tất cả chúng sanh không ai là không thấy. Cũng vậy, như thiện tri thức, trải qua ngày đêm, tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Vì họ nhờ tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ, nên thiện tri thức lúc bấy giờ thân hoại mạng chung, sinh lên trời, cõi lành. Cho nên, nay Ta nói chỗ hướng đến của người thiện tri thức này, giống như mặt trăng tròn đầy.
Như người có tham dục
Sân nhuế, si không hết
Với thiện có giảm dần
Như trăng đang thời khuyết.
Như người không tham dục
Sân nhuế, si cũng hết
Với thiện có tăng dần
Giống như trăng tròn đầy.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 8)
- 104. CHỚ THAM ĐẮM VÀO LỢI DƯỠNG
Giả sử nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đâu tự thân có chút ít pháp thiện nào, Ta không bao giờ thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia phải chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Cho nên, này kẻ ngu kia, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thiện nào cho nên mới thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Sở dĩ như vậy, vì Đề-bà-đạt-đâu ngu si tham đắm nơi lợi dưỡng, khởi tâm nhiễm trước, tạo ác ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong địa ngục. Vì sao vậy? Vì tâm lợi dưỡng nặng thì sẽ làm bại hoại gốc rễ thiện của con người, khiến con người không đến được nơi an ổn.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có tâm lợi dưỡng khởi lên thì hãy tìm cách diệt, nếu không có tâm thì chớ khởi tưởng đắm vào.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 10)
- 105. CHỒNG ĐỐI VỚI VỢ CÓ BỐN VIỆC
Chồng đối với vợ có bốn việc. Những gì là bốn? Có người vợ như là mẹ. Có người vợ như là bạn thân, có người vợ như là giặc, có người vợ như là nô tỳ.
Cô nên biết, vợ như mẹ, ấy là tùy thời chăm sóc chồng không để thiếu thốn, thờ kính, phục vụ. Người ấy được chư thiên hộ vệ; người và loài phi nhân không thể rình cơ hội. Này con gái ông trưởng giả, đó gọi là vợ như mẹ.
Người vợ kia như thế nào gọi là bạn thân? Ở đây, này con gái ông trưởng giả, sau khi thấy chồng rồi, tâm không tăng giảm, cùng chung vui hay khổ.
Thế nào gọi vợ như giặc? Ở đây, này Cô, khi thấy chồng, trong lòng sân nhuế, ganh ghét chồng, không phục vụ, không thờ kính, không cung kính, thấy là muốn hại, mà tâm để nơi người khác. Chồng không thân vợ, vợ cũng không thân chồng. Người ấy không được mọi người yếu kính; không được chư thiênhộ vệ, sẽ bị ác quỷ xâm hại; thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục.
Thế nào là vợ như nô tỳ? Ở đây, người vợ hiền lương, thấy chồng thì tùy thời chăm sóc, nhẫn nhịn lời nói, không bao giờ cãi lại; nhẫn chịu khổ lạnh, hằng có tâm từ ái, Đối với Tam tôn thì sanh niệm tưởng này. ‘Kia còn thì tôi còn. Kia suy thì tôi suy.’ Do sự việc ấy, người ấy được chư thiên hộ vệ; người và loài phi nhân đều yêu mến; thân hoại mạng chung sanh vào chỗ lành, sanh lên trời.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 9)
- 106. CHÚNG SANH BỊ XOAY CHUYỂN THEO TÁM PHÁP
Có tám pháp thế gian theo đó chúng sanh xoay chuyển. Những gì là tám? 1. lợi, 2. hại, 3. vinh, 4. nhục, 5. khen, 6.chê, 7. khổ, 8. lạc. Tỳ-kheo, đó là có tám pháp mà thế gian theo đó xoay chuyển. Các Tỳ-kheo, hãy nên tìm cầu phương tiện trừ tám pháp này.
Như Lai xuất hiện thế gian, lại thành Phật đạo ở thế gian, nhưng không bị tám pháp thế gian lôi cuốn. Giống như hoa sen sinh ra từ bùn lầy, hết sức tươi sạch, không nhiễm nước bùn, được chư thiên yêu kính, ai thấy đều vui vẻ trong lòng. Như Lai cũng lại như vậy, được sanh từ bào thai, ở trong đó được nuôi lớn, được thành thân Phật. Cũng ngọc lưu-ly là loại báu làm sạch nước, không bị bụi nhơ làm nhiễm; Như Lai cũng lại như vậy, cũng sanh ở thế gian, không bị tám pháp thế gian nhiễm đắm. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy nên tinh tấn tu hành tám pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 8-9)
- 107. CHÚNG SANH, THẾ GIỚI, RỒNG VÀ PHẬT KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN
1) Chúng sanh không thể nghĩ bàn
2) Thế giới không thể nghĩ bàn
3) Quốc độ của loài rồng không thể nghĩ bàn và
4) Cảnh giới Phật không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì không do nơi này đưa đến tận diệt Niết-bàn.
Các chúng sanh này từ đâu đến? Đi về đâu? Lại từ đâu sinh khởi? Chết ở đây sẽ sinh về đâu? Chúng sinh không thể nghĩ bàn là như vậy.
Những người có tà kiến hoặc cho rằng thế giới đoạn diệt, thế giới chẳng đoạn diệt; thế giới hữu biên, thế giới vô biên; mạng tức là thân, mạng chẳng phải là thân; thế giới này do Phạm thiên tạo ra, hay các đại quỉ thần tạo ra là thế giới không thể nghĩ bàn.
Mưa này là từ miệng rồng phun ra hay sao? Vì sao vậy? Vì những hạt nước mưa chẳng phải từ miệng rồng phun ra vậy. Vậy thì từ mắt, tai, mũi của rồng mà ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì hạt nước mưa không phải là từ mắt, tai, mũi của rồng phun ra mà chỉ là những gì được niệm tưởng trong ý rồng. Nếu niệm ác, cũng mưa; hay niệm thiện, cũng mưa. Do bản hành mà tạo mưa này. Sở dĩ như vậy, nay trong bụng núi Tu-di lại có trời tên là Đại Lực, biết được những ý nghĩ của tâm chúng sanh, cũng có thể tạo mưa. Nhưng mưa không ra từ miệng trời kia, hay ra từ mắt, tai, mũi mà đều do trời kia có thần lực nên có thể làm mưa. Cũng vậy, Tỳ-kheo, cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn.
Thân Như Lai là do cha mẹ tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai hấp thụ các khí trời, thanh tịnh không cấu uế. Là do người tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì vượt qua hành động con người. Thân Như Lai là thân Trời chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai không thể tạo tác, chẳng phải chỗ chư thiên với tới. Thọ mạng Như Lai là ngắn chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai có bốn thần túc. Như Lai là trường thọ chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Laixoay vần cùng khắp thế gian, cùng tương ưng với các phương tiện thiện xảo, nên thân của Như Laikhông thể suy lường, không thể nói cao nói thấp, âm thanh cũng không thể định chuẩn Phạm âm Như Lai. Trí tuệ biện tài của Như Lai không thể nghĩ bàn, chẳng phải là chỗ nhân dân sánh bằng. Cảnh giớicủa Phật không thể nghĩ bàn như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 6)
- 108. CHUYỆN HỌC KHÔNG THỂ NHỚ CỦA CHÂU-LỢI-BÀN-ĐẶC
Tôn giả Bàn-đặc bảo người em là Châu-lợi Bàn-đặc:
Nếu ngươi không thể học thuộc giới, hãy trở về làm bạch y.
Khi đó, Châu-lợi Bàn-đặc nghe những lời này, liền đi đến tinh xá Kỳ-hoàn, đứng ở ngoài cửa mà rơi lệ. Bấy giờ, Thế Tôn bằng thiên nhãn thanh tịnh, quán thấy Tỳ-kheo Châu-lợi Bàn-đặc nầy đứng ở ngoài cửa, than khóc không xiết. Thế Tôn từ trong tịnh thất đi ra giống như kinh hành, đến ngoài cửa tinh xá Kỳ-hoàn, bảo Châu-lợi Bàn-đặc: Tỳ-kheo, vì sao ở đây than khóc.
Châu-lợi Bàn-đặc đáp: Bạch Thế Tôn, con bị anh xua đuổi, nếu con không học thuộc giới được, thì trở về làm bạch y, không nên sống ở đây. Cho nên, con than khóc.
Thế Tôn bảo: Tỳ-kheo, chớ ôm lòng lo sợ. Ta thành Vô thượng Đẳng chánh giác, không phải do Bàn-đặc anh của ngươi mà đắc đạo.
Bấy giờ, đức Thế Tôn cầm tay dẫn Châu-lợi Bàn-đặc về tịnh thất, chỉ chỗ bảo ngồi. Thế Tôn lại dạy cầm chổi quét: Ngươi đọc thuộc chữ này, nó là chữ gì.
Khi Châu-lợi Bàn-đặc học được chữ quét lại quên chữ chổi. Nếu học thuộc được chữ chổi lại quên chữ quét. Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc tụng hai chữ chổi quét này, qua mấy ngày. Song cái chổi quét này là để trừ sạch bụi bẩn. Châu-lợi Bàn-đặc lại nghĩ như vầy: Trừ là gì? Bẩn là gì? Bẩn là tro, đất, ngói, đá. Trừ là làm cho sạch.
Lại nghĩ như vầy: Thế Tôn vì sao đem việc nầy dạy cho ta. Nay ta phải tư duy nghĩa nầy. Vì tư duynghĩa nầy, lại nghĩ như vầy: Nay trên thân ta cũng có bụi bẩn. Ta tự ví dụ. Sao là trừ? Sao là bẩn? Ông lại nghĩ thầm: Dính kết là bẩn. Trí huệ là trừ. Nay ta có thể dùng chổi trí huệ quét dính kết nầy.
Rồi Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc tư duy năm thủ uẩn là thành, là hoại. Cái gọi là sắc nầy, sắc tập, sắc diệt; cái gọi là thọ, tưởng, hành, thức này là thành, là bại. Sau khi tư duy năm thủ uẩn nầy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoát, liền được trí giải thoát, biết như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, lại không còn tái sinh nữa, biết chúng như thật. Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc thành A-la-hán. Sau khi thành A-la-hán, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:
Nay con đã có trí, nay đã có huệ. Nay con đã hiểu được chổi quét.
Thế Tôn bảo: Tỳ-kheo, hiểu nó thế nào?
Châu-lợi Bàn-đặc đáp: Trừ là huệ. Bẩn là dính kết.
Thế Tôn nói: Lành thay, Tỳ-kheo, như những lời ngươi nói, trừ là huệ. Bẩn là dính kết.
Bấy giờ Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc hướng về Thế Tôn mà nói kệ này:
Nay đã tụng thuộc đủ
Như lời Phật đã dạy
Trí huệ hay trừ kết
Không do hạnh nào khác.
Đức Thế Tôn bảo: Tỳ-kheo, như những lời ngươi nói, chỉ bằng trí huệ chứ không do cái khác.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 12)
- 109. CHUYỆN NGƯỜI ĐỤC NÚI
Tỳ-kheo nên biết, ngôi nhà này ban đêm bốc khói, ban ngày bị lửa cháy. Có người Bà-la-môn nói vơi một người có trí: ‘Giờ ông hãy cầm đao đục núi. Khi đang đục núi tất sẽ thấy một đồ gánh thì hãy nhổ nó lên. Rồi ông đục lại núi; khi đang đục núi tất sẽ thấy núi. Giờ hãy hãy bỏ núi. Ông lại đục núi; khi đang đục núi tất thấy con ễnh ương. Bấy giờ ông hãy bỏcon ễnh ương. Ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ thấy đống thịt. Thấy đống thịt, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ gặp cái gông. Thấy cái gông, hãy bỏ nó. Bây giờ, ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy hai con đường. Khi thấy hai đường, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy cành cây. Thấy cành cây, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy con rồng. Thấy con rồng rồi, chớ nói gì với nó, hãy lo tự quy mạng, và để yên nó đó.
Thế Tôn bảo: Nhà tức là hình thể do sắc bốn đại tạo thành, nhận huyết mạch cha mẹ dần dần lớn lên, thường được nuôi dưỡng bằng thức ăn không để thiếu thốn, là pháp phân tán. Ban đêm có khói là chỉ cho tâm niệm của các loài chúng sanh. Ban ngày lửa cháy là chỉ cho hành động do thân, miệng, ý đã tạo. Bà-la-môn là A-la-hán. Người trí là người học. Đục núi là chỉ tâm tinh tấn. Con dao chính là chỉ trí huệ. Đồ gánh là năm kết sử. Núi là kiêu mạn. Con ếch là chỉ tâm sân hận. Đống thịt là chỉ tham dục. Cái gông chỉ năm dục. Hai đường là chỉ nghi ngờ. Cành cây là vô minh. Rồng là chỉ Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác. Những lời vị thiên kia nói, nghĩa nó như vậy. Nay ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ, không lâu sẽ dứt sạch hữu lậu.
Sau khi vâng lời Như Lai dạy, Ca-diếp ở nơi vắng vẻ mà tự tu hành, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, tu phạm hạnh, biết như thật rằng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Ca-diếp thành A-la-hán.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 39. Phẩm Đẳng Pháp, Kinh số 9)
- 110. CHUYÊN TINH NIỆM THÂN
Niệm thân là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, mật, gan, phổi, tim, lá lách, thận, ruột già, ruột non, bạch chức, bàng quang, phẩn, tiểu, dạ dày, thương đãng, dịch vị, nước mắt, đờm dãi, mủ, máu, mỡ, nước miếng, đầu lâu, não. Cái nào là thân? Đó là đại chủng đất? Đó là đại chủng nước? Đó là đại chủng lửa? Đó là đại chủng gió? Được tạo ra bởi giống của cha, giống của mẹ chăng? Nó từ đâu đến? Do ai tạo ra? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, chết ở đây sẽ sinh về nơi nào?
Như vậy, các Tỳ-kheo, đó gọi là niệm thân, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm thân, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 9)
- 111. CÓ HAI NGƯỜI KHÓ CÓ ĐƯỢC TRÊN ĐỜI
Có hai con người xuất hiện ở đời, thật là khó có được. Hai người ấy là ai? Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, thật là khó có được, và Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thật là khó có được.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 2)
- 112. CÓ SANH ẮT CÓ TỬ
Tất cả hành vô thường
Có sinh ắt có tử
Không sinh thì không tử
Đã diệt, tối an lạc.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 2)
- 113. CÓ THÂN CÓ KHỔ
Các pháp đều phải ly tan. Có hội ngộ thì có biệt ly. Các cô nên biết, năm thủ uẩn này đều phải chịu các não khổ đau này, rơi trong năm đường. Phàm nhận thân năm uẩn tất phải chịu hành báo này. Đã có hành báo, tất phải thọ thai. Đã thọ thai phần, lại phải chịu báo khổ vui.
Nếu ai không có năm thủ uẩn, tất không thọ nhận hình hài nữa. Nếu không thọ nhận hình hài thì không có sinh. Vì không có sinh nên không có già. Vì không có già nên không có bệnh. Vì không có bệnh nên không có chết. Vì không có chết nên không có khổ não của hội ngộ, biệt ly. Cho nên, các cô phải nghĩ đến sự biến đổi thành bại của năm uẩn này. Vì sao vậy?
Vì biết năm uẩn là biết năm dục. Biết năm dục là biết pháp ái, biết pháp ái là biết pháp đắm nhiễm. Biết các việc này rồi, không còn thọ thai. Vì không thọ thai, không còn sanh, già, bệnh, chết.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 2)
- 114. CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ĐỊA NGỤC
Ta nay quán sát tâm ý của chúng sanh, thấy rằng người này sau khi thân hoại mạng chung sẽ phài vào địa ngục. Sau đó, quán sát thấy người này khi vào trong địa ngục chịu đau đơn, bị tra khảo, vô số sầu ưu khổ não không kể xiết. Cũng như một hầm lửa lớn không có bụi bặm. Giả sử có một người đang đi trên con đường dẫn đến dó. Lại có một người khác có mắt, thấy người đang đi đến đó, chắc chắn sẽ rơi xuống đó, không phải là điều nói suông.
Rồi sau đó thấy người kia đã rơi xuống hầm lửa. Người mà Ta nói đến đó đã rơi xuống hầm lửa. Ta nay quán sát những điều suy nghĩ trong tâm ý của chúng sanh, biết chắc chắn nó sẽ vào địa ngục, không có gì nghi ngờ. Như Ta sau đó quán sát thấy người này sau khi đã vào địa ngục chịu sự đau đớn, khốc hại, không hể kể xiết.
Người kia làm thế nào mà vào địa ngục? Ta quán quán thấy chúng sanh hướng đến địa gục do gây các hành ác, nghiệp bất thiện, thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục. Ta thảy biết rõ điều đó.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)
- 115. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN NGẠ QUỶ
Ta nay biết chúng sanh ngạ quỷ, cũng biết con đường ngạ quỷ. Chúng sanh nào sau khi thân hoại mạng chung sanh vào đó, Ta cũng biết rõ. Chúng sanh nào đi theo con đường mà khi thân hoại mạng chungdẫn đến ngạ quỷ, Ta cũng biết rõ. Về sau quán sát thấy chúng sanh sanh vào ngạ quỷ chịu đau đớn.
Vì sao người ấy sanh vào ngạ quỷ? Cũng như gần thôn xóm có một gốc đại thọ, ở chỗ phát sanh nguy hiểm, cành cây lá cây rơi rớt. Giả sử có người đang đi đến đó. Khi ấy có người có mắt từ xa thấy người kia chắc chắn đi đến chỗ đó. Sau đó thấy người kia hoặc nằm, hoặc ngồi, chịu các báo ứng khổ lạc. Người kia vì sao đi đến gốc cây ấy mà ngồi? Ta nay quán sát các loài chúng sanh cũng như vậy, khi thân hoại mạng chung sanh vào ngạ quỷ, không nghi ngờ gì, để chịu báo ứng khổ lạc không kể xiết. Ta biết con đường dẫn đến ngạ quỷ; thảy đều biết rõ phân minh. Điều mà ta nói là như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)
- 116. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SÚC SANH
Ta biết con đường súc sanh, và cũng biết con đường dẫn đến súc sanh. Do nhân duyên gì mà nói vậy?
Ta quán sát những điều suy nghĩ trong tâm ý của chúng sanh, biết người ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào trong súc sanh. Rồi ta quán sát thấy người ấy sau khi vào trong súc sanh mà sầu ưu khổ não không kể xiết.
Vì sao người này rời vào trong súc sanh? Cũng như tại thôn xóm có một hầm sí trong đó đầy cả phân. Giả sử có người đang đi trên lối đi dẫn đến đó. Lại có người khác có mắt thấy người kia đang đi đến chỗ đó. Người kia không bao lâu đi đến đó và rơi xuống hầm xí. Sau đó quán sát thấy người kia sau khi rơi xuống hầm xí chịu khốn ách không kể xiết. Tại sao người kia đã rơi xuống hầm xí? Ta thấy các loài chúng sanh cũng vậy. Người này mạng chung sẽ sanh vào trong súc sanh. Lại quán sát thấy sau khi sanh vào trong súc sanh phải chịu khổ vô lương. Ta nay quán sát chúng sanh súc sanh đều biết rõ như vậy. Đó là điều Ta muốn nói.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)
- 117. CON ĐƯỜNG TÁM NHÁNH VÀ PHÁP BẢY CHI
Xá-lợi-phất nói: Ai nhất tâm niệm chánh kiến, tức là niệm giác chi không rối loạn. Chánh tư duy, là nhất tâm niệm hết thảy các pháp, tức là pháp giác chi. Chánh ngữ, là thân, ý tinh tấn, tức là tinh tấn giác chi. Chánh nghiệp, là hết thảy các pháp được sanh, tức là hỷ giác chi. Chánh mạng, là biết đủ đối với tài sảnHiền Thánh, xả xả bỏ tài sản thế tục, nhẹ nhàng thân thể, tức là khinh an giác chi. Chánh tinh tấn, là chứng đắc bốn Thánh đế, trừ sạch các kết sử, tức là định giác chi. Chánh niệm, là quán sát bốn niệm xứ, thân không bền chắc, thẩy đều rỗng không, vô ngã, tức là xả giác chi. Chánh tam muội, là đạt đượcnhững gì chưa đạt, độ thoát những gì chưa độ thoát, chứng đắc những gì chưa chứng đắc.
Nếu có người đến hỏi rằng, ‘Như thế nào là tu tám đạo và bảy pháp ấy,’ các Thầy hãy trả lời như vậy. Vì sao vậy? Bởi vì Tỳ-kheo nào tu tám đạo và bảy pháp này, tâm liền được giải thoát khỏi hữu lậu.
Tôi nhắc lại cho các Thầy rõ, Tỳ-kheo nào tu hành tư duy con đường tám nhánh và bảy pháp này, Tỳ-kheo ấy liền thành tựu hai quả không nghi ngờ gì. Hoặc chứng quả A-la-hán. Vả, hãy gác qua việc đó. Nếu không thể tu tập nhiều, nhưng trong một ngày mà tu hành con đường tám nhánh và bảy pháp này, phước báo không thể tính hết. Hoặc đắc A-na-hàm hoặc A-la-hán.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 4)
- 118. CỐNG CAO
Lại có người nhận người cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, gường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, được rồi liền tự dùng, lại khởi tâm nhiễm trước, sinh tâm ái dục, không biết đạo xuất yếu. Giả sửkhông được, thì thường sinh niệm tưởng này. Nếu người đó được cúng dường, đối với các Tỳ-kheo, mà tự cống cao, hủy báng người khác: ‘Những y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, tọa cụ, thuốc trị bệnh mà ta có, các Tỳ-kheo kheo này không thể có được vậy.’ Cũng như trong đàn dê lớn, có một con dê rời đàn, thấy đống phân lớn. Con dê này ăn phân no rồi, quay lại trong đàn dê, liền tự cống cao: ‘Ta có được ăn ngon, bầy dê nầy không thể ăn được.’ Ở đây cũng như vậy, nếu có một người được lợi dưỡng, y phục, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, khởi các loạn tưởng, sanh tâm nhiễm trước liền đối với các Tỳ-kheo, mà tự cống cao: ‘Ta có được cúng dường, các Tỳ-kheo này không được cúng dường.’
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 4)
- 119. CÔNG ĐỨC THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI
Không sát, cũng không trộm
Không dâm, không nói dối
Tránh rượu, xa hương hoa
Người đắm vị phạm trai.
Ca múa cùng xướng hát
Học La-hán, tránh xa
Nay trì bát quan trai
Ngày đêm không quên mất.
Không có khổ sinh tử
Không kỳ hạn luân hồi
Chớ tập cùng ân ái
Cũng chớ hội oán tắng.
Nguyện diệt khổ năm uẩn
Các bệnh não sinh tử
Niết-bàn không các hoạn
Nay Ta tự quay về.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6)
- 120. CÔNG ĐỨC CA DIẾP VÀ A NAN
Trên trời, trong loài người, ta không thấy người nào có thể thọ trì Pháp bảo sánh với Ca-diếp và A-nan. Trong chúng Thanh văn cũng không có ai vượt hơn được hai người này. Chư Phật trong quá khứ cũng có hai người thọ trì kinh pháp như Ca-diếp và A-nan ngày nay, rất là hy hữu. Vì sao vậy? Tỳ-kheo hành đầu đà trong thời Phật quá khứ, khi Pháp còn thì vị ấy còn, khi Pháp diệt vị ấy cũng mất. Tỳ-kheo Ca-diếp của Ta ngày nay lưu lại ở thế gian cho đến khi Phật Di-lặc ra đời rồi mới nhập diệt. Do đó Tỳ-kheo Ca-diếp hơn các Tỳ-kheo thời quá khứ. Còn Tỳ-kheo A-nan vì sao lại hơn các thị giả của chư Phật quá khứ? Thị giả của chư Phật quá khứ nghe các Ngài giảng sau đó mới hiểu; nhưng Tỳ-kheo A-nan ngày nay Như Lai chưa nói đã hiểu; Như Lai không nói cũng đều biết hết. Do bởi nhân duyên này Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả của chư Phật quá khứ.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 5)
- 121. CÔNG ĐỨC CHÁNH PHÁP
Phàm Chánh pháp là ở nơi dục mà đạt đến vô dục, lìa các kết phược và các bệnh của triền cái. Pháp này giống như mùi các loại hương, không có tỳ vết của niệm loạn tưởng.
Đó gọi là Tỳ-kheo tu hành niệm Pháp, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Pháp, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 2)
- 122. CÔNG ĐỨC CỦA BỐ THÍ
Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Thí. Những gì tôi bố thí hôm nay, là tối thượng trong các sự thí, vĩnh viễn không có tâm hối hận, không mong đền đáp để mong được thiện lợi. Nếu người nào mắng tôi, tôi quyết không mắng trả. Dù người hại tôi, dùng tay đánh, dao gậy đập, gạch đá ném, tôi cũng sẽ khởi lòng từ, không nổi sân hận. Những gì tôi bố thí, ý muốn cho sẽ không dứt tuyệt.
Đó gọi là, đại thí, sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Thí, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 5)
- 123. CÔNG ĐỨC CỦA GIỚI
Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Giới. Giới có nghĩa là dừng các điều ác. Giới khiến thành tựu đạo, khiến người hoan hỷ. Giới là anh lạc đeo thân, hiện những vẻ đẹp.
Phàm cấm giới, giống như bình cát tường, mọi sở nguyện liền đạt được. Mọi pháp đạo phẩm đều do giới mà thành tựu.
Như vậy, Tỳ-kheo thực hành cấm giới sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Giới, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 4)
- 124. CÔNG ĐỨC CỦA TỊCH TĨNH
Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm tịch tĩnh. Tịch tĩnh là tâm ý tưởng lắng đọng, chí tánh an nhàn, mà không nóng nảy; tâm hằng chuyên nhất, thích nơi vắng vẻ, thường tìm phương tiện nhập định tam-muội, thường niệmtưởng không ham tranh thắng, dành chỗ trước trên.
Như vậy, đó gọi là niệm tịch tĩnh, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm tịch tĩnh, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
- 125. CÔNG ĐỨC NHƯ LAI
Thể của Như Lai được thành tựu từ kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, dõng mãnh giữa đại chúng. Gương mặt của Như Lai đoan chánh vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hoại, trong sạch không tỳ vết cũng như lưu ly. Tam-muội của Như Laichưa từng sút giảm, đã tĩnh chỉ, vĩnh viễn tịch tĩnh, không có niệm khác. Các thứ tình kiêu mạn, ngang bướng đã vắng im, ý tham dục, tưởng sân hận, tâm ngu hoặc, mạn kết do dự, tất đều tận trừ. Huệ thâncủa Như Lai, trí không bờ đáy, không bị chướng ngại. Thân Như Lai, được thành tựu từ giải thoát, các cõi đã hết, không còn sinh phần để nói ‘Ta sẽ đọa nơi sinh tử.’ Thân Như Lai được vượt qua thành trì của tri kiến, biết căn cơ người khác đáng được độ hay không đáng được độ, chết đây sinh kia, xoay vần qua lại trong ngằn mé sinh tử, có người g iải thoát, người không giải thoát; Như Lai thảy đều biết tất cả.
Đó là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Phật, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 1)
- 126. CÚNG DƯỜNG ĐỨC PHẬT
Tế tự, lửa trên hết
Các sách, kệ là nhất
Vua, tôn quý loài người
Các sông, biển là nguồn.
Trong sao, trăng sáng nhất
Ánh sáng, mặt trời nhất
Trên dưới và bốn phương
Trong hết thảy vạn vật.
Trời và người thế gian
Phật là trên tất cả
Ai muốn cầu phước kia
Hãy nên cúng dường Phật.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 5)
- 127. CUNG KÍNH NHƯ LAI
Trưởng lão Tỳ-kheo duỗi chân về phía Thế Tôn mà ngủ này trong vòng năm trăm năm thường làm thân rồng. Nay mà mạng chung cũng sẽ sinh vào trong loài rồng. Sở dĩ như vậy là vì không có lòng cung kínhđối với Phật, Pháp và Thánh chúng, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào loài rồng. Các ngươi có thấy Sa-di Tu-ma-na tuổi vừa lên tám, ngồi thẳng tư duy, cách Ta không xa không?
Các Tỳ-kheo thưa: Thật vậy, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Sa-di này, ngay sau đây bảy ngày sẽ đạt được bốn thần túc, cùng đắc phápbốn đế, được tự tại trong bốn thiền, khéo tu bốn chánh đoạn. Sở dĩ như vậy là vì Sa-di Tu-ma-na này có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng. Vì vậy cho nên, các Tỳ-kheo hãy luôn luôn siêng năng cung kính Phật, Pháp và Thánh chúng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 30. Phẩm Tu-đà, Kinh số 2)
- 128. CÙNG MỘT SẮC DA
Đầu tiên dòng sát-lợi
Kế đến bà-la-môn
Thứ ba là tỳ-xá
Tiếp nữa dòng thủ-đà.
Có bốn dòng dõi này
Dần dần sanh lẫn nhau
Đều từ thân trời đến
Và cùng một sắc da.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 1)
- 129. ĐẠI ĐỆ TỬ CỦA THẾ TÔN
1) Tỳ-kheo đệ nhất trong hàng Thanh văn của Ta, có oai nghi đoan chánh, bước đi khoan thai, chính là Tỳ-kheo Mã Sư.
2) Trí tuệ không cùng, giải tỏa các nghi, chính là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất.
3) Thần túc nhẹ bay đến tận mười phương, chính là Tỳ-kheo Đại Mục-kiền-liên.
4) Dõng mãnh tinh tấn, cam chịu khổ hạnh, chính là Tỳ-kheo Nhị Thập Ức Nhĩ.
5) Thực hành mười hai đầu-đà khó hành, chính là Tỳ-kheo Đại Ca-diếp.
6) Đệ nhất thiên nhãn, thấy tận cõi mười phương, chính là Tỳ-kheo A-na-luật.
7) Ngồi thiền nhập định, tâm không tán loạn, chính là Tỳ-kheo Ly-viết.
8) Thường khuyên mọi người làm gương bố thí, thiết lập trai giảng, chính là Tỳ-kheo Đà-la-bà-ma-la.
9) Tạo lập phòng ốc, nhà cửa cho Tăng mười phương, chính là Tỳ-kheo Tiểu Đà-la-bà-ma-la.
10) Giòng họ tôn quý xuất gia học đạo, chính là Tỳ-kheo La-tra-bà-la.
11) Khéo phân biệt nghĩa, phô diễn đạo giáo, chính là Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 4. Phẩm Đệ Tử, Kinh số 2)
- 130. ĐẠI ĐỆ TỬ NI CỦA THẾ TÔN
1) Tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn của Ta, xuất gia học đạo lâu, được quốc vương cung kính, chính là Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di.
2) Trí tuệ thông minh, chính là Tỳ-kheo-ni Sấm-ma.
3) Thần túc đệ nhất, cảm đến các thần, chính là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc.
4) Thực hành pháp đầu đà với mười một điều hạn ngại, chính là Tỳ-kheo-ni Cơ-lê-xá Cù-đàm-di.
5) Thiên nhãn đệ nhất, nhìn khắp không trở ngại, chính là Tỳ-kheo-ni Xa-câu-lê.
6) Tọa thiền nhập định, ý không phân tán, chính là Tỳ-kheo-ni Xa-ma.
7) Phân biệt nghĩa thú, diễn rộng đạo giáo, chính là Tỳ-kheo-ni Ba-đầu-lan-xà-na.
8) Vâng giữ luật giáo không hề trái phạm, chính là Tỳ-kheo-ni Ba-la-giá-na.
9) Đạt tín giải thoát, không thối lui trở lại, chính là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên.
10) Đạt bốn biện tài, trong lòng khiếp sợ, chính là Tỳ-kheo-ni Tối Thắng.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 5. Phẩm Tỳ-kheo-ni, Kinh số 1)
- 131. ĐẠI KIẾP, TIỂU KIẾP
Tỳ kheo, hãy dùng phương tiện mà biết, kiếp có suy tận, không thể tính kể. Nhưng kiếp có hai thứ. Đại kiếp và tiểu kiếp. Nếu trong kiếp nào mà không có Phật xuất thế, khi ấy lại có Bích-chi-phật xuất thế, kiếp ấy gọi là tiểu kiếp. Nếu trong kiếp nào có Như Lai xuất thế, bấy giờ trong kiếp ấy không có Bích-chi-phật xuất thế; kiếp này gọi là đại kiếp.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 10)
- 132. ĐÀN VIỆT THÍ CHỦ
Đàn-việt thí chủ đối với các ngươi cung kính như là con hiếu thuận mẹ cha, nuôi dưỡng, hầu hạ, khiến cho năm uẩn được tăng ích, để ở nơi cõi Diêm-phù-lợi mà hiện các thứ nghĩa. Quán đàn-việt thí chủ là người hay thành tựu giới, văn, tam-muội, trí tuệ; làm nhiều lợi ích cho các Tỳ kheo, ở trong Tam bảokhông có điều gì quái ngại.
Thí chủ là người hay cho các ngươi áo chăn, ẩm thực, khăn trải giường chõng, thuốc thang cho bệnh tật. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy có tâm từ đối với đàn-việt. Ân nhỏ thường không quên, huống chi ân lớn. Hằng đem tâm từ mà nói cho đàn-việt kia về hành vi thanh tịnh của thân, khẩu, ý, không thể tínhđếm, không thể hạn lượng. Hãy với thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ, khiến cho vật sở thí của đàn-việt kia trọn không bị phế bỏ, được quả lớn, thành tựu phước hựu lớn, có danh xưng lớn, truyền khắp thế gian, pháp vị cam lồ.
(Tăng Nhất A Hàm,10. Phẩm Hộ Tâm, Kinh số 3)
- 133. ĐẠO PHẨM
Nếu có Tỳ-kheo nào mà các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý vào trong đạo phẩm, Tỳ-kheo này đạt được một trong hai quả, ở trong hiện pháp hoặc chứng chánh trí, hoặc đắc A-na-hàm. Cũng như người đánh xe giỏi, ở trên đường bằng thẳng, đánh xe tứ mã không bị ngưng trệ, muốn đến nơi nào, chắc chắn được không nghi ngờ. Tỳ-kheo nầy cũng lại như vậy, các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý ở trong đạo phẩm, Tỳ-kheo nầy liền thành một trong hai quả, ở trong hiện pháp hoặc dứt sạch các lậu, hoặc đắc A-na-hàm.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 6)
- 134. ĐÂY DỨT KIA DỨT, ĐOẠN SANH TỬ
Nhân duyên này không thì không (kia), đây diệt thì (kia) diệt,
Vô minh diệt thì hành diệt
Hành diệt thì thức diệt
Thức diệt thì danh sắc diệt
Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt.
Sáu xứ diệt thì xúc diệt
Xúc diệt thì thọ diệt
Thọ diệt thì ái diệt
Ái diệt thì thủ diệt.
Thủ diệt thì hữu diệt
Hữu diệt thì sanh diệt
Sanh diệt thì chết diệt.
Chết diệt thì sầu ưu khổ não đều bị diệt sạch ngoại trừ pháp giả hiệu.
Pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng lại như vậy. Khi khởi thì khởi, nhưng không biết nó từ đâu đến. Khi diệt thì diệt cũng không biết nơi nó diệt, trừ pháp giả hiệu kia.
Pháp giả hiệu kia là, đây khởi thì (kia) khởi, đây diệt thì (kia) diệt. Sáu xứ này cũng không có người tạo tác, cũng vậy danh sắc. Pháp sáu xứ là do cha mẹ mà có thai, cũng không nhân duyên mà có. Đây cũng là giả hiệu. Trước phải có đối đãi, sau đó mới có.
Giống như dùi cây tìm lửa. Vì trước có đối đãi, sau đó lửa sanh. Lửa không từ cây ra, cũng không ở ngoài cây. Nếu có người nào bổ cây tìm lửa, cũng không thể được. Đều do nhân duyên hội hợp, sau đó có lửa. Sáu tình này khởi bịnh cũng lại như vậy, đều do duyên hợp ở trong đó khởi bệnh. Khi sáu xứ này khởi thì khởi, cũng không thấy nó đến. Khi diệt thì diệt, cũng không thấy nó diệt, trừ pháp giả hiệu kia. Nhân vì cha mẹ hội hợp mà có.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 7)
- 135. DI LẶC HẠ SANH
Di-lặc Như Lai sẽ thọ tám vạn bốn nghìn năm. Sau khi bát-niết-bàn, di pháp của Ngài sẽ tồn tại tám vạn bốn nghìn năm. Sở dĩ như vậy, vì chúng sanh thời bấy giờ thảy đều có căn tính linh lợi. Nếu có thiện từ, thiện nữ nhân nào muốn thấy Phật Di-lặc và các Thanh văn trong ba hội, thành Kê-đầu, và bốn đại bảo tàng, muốn được ăn thứ lúa tự nhiên, mặc loại y phục tự nhiên, rồi khi thân họai mạng chung sanh lên trời, những thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy hãy chuyên cần tinh tấn, không sanh lười biếng, và hãy cúng dường thừa sự các pháp sư bằng các thứ hương hoa thơm, cùng các phẩm vật cúng dường chớ để thiếu thốn.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 48. Phẩm Bất Thiện, Kinh số 3)
- 136. ĐỊA NGỤC DO CHÍNH MÌNH TẠO
Diêm vương bảo tội nhân kia, ‘Các ngươi không được thiện lợi. Xưa kia ở nhân gian, hưởng phước nhân gian, mà thân, miệng, ý hành không tương ưng, cũng không bố thí, nhân ái, lợi người, đẳng lợi, vì vậy nên nay chịu nỗi khổ này. Hành vi ác này chẳng phải do cha mẹ tạo, cũng không phải quốc vương, đại thần tạo ra. Có các chúng sanh thân, miệng, ý thanh tịnh không có nhiễm ô giống như trời Quang âm. Có các chúng sanh tạo các hạnh ác, giống như trong địa ngục; thân, miệng, ý các ông bất tịnh nên đưa đến tội này.’
Diêm-la vương liền nói, ‘Ngày nào tôi sẽ thoát nạn khổ này, được sanh trong loài người, được làm thân người, mong được xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo.’
Diêm-la vương còn nghĩ vậy, huống chi các ngươi, nay được thân người, được làm Sa-môn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thường hãy niệm thực hành thân, miệng, ý hành đừng cho thiếu sót. Hãy trừ năm kết sử, tu hành năm căn.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 5)
- 137. ĐÍCH NGHĨA CỦA SA MÔN
Làm thế nào để tự thắp sáng, phát khởi pháp lạc, không hư dối, tự quy tối tôn? Ở đây, Tỳ kheo nội tựquán thân, ý an chỉ trên thân, tự thâu nhiếp tâm, trừ khử loạn tưởng, không có sầu ưu. Lại nữa, nội ngoại quán thân, thân niệm. Nội quán thọ, ngoại quán thọ, nội ngoại quán thọ; nội quán tâm, ngoại quán tâm, nội ngoại quán tâm; nội quán pháp, ngoại quán pháp, nội ngoại quán pháp. Tỳ kheo như vậy có thể tự mình thắp sáng, tu hành phát khởi pháp lạc, tự quy tối tôn. Tỳ kheo nào trong hiện tại hay tương lai mà có thể tự thắp sáng, không thoái thất gốc rễ của hành, Tỳ kheo ấy được sinh từ chính Ta.
Cho nên, Tỳ kheo, nếu muốn luận bàn, hãy luận bàn mười sự. Những gì là mười? Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, Niết-bàn giới. Những luận bàn ấy là đích nghĩa của sa-môn. Các ngươi hãy tinh cần tư duy, chớ để tâm rời xa. Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 7)
- 138. DIỆT TẬN
Sắc do nhân duyên vô vi mà có tên này. Vô dục, vô vi, gọi là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận, được gọi là diệt tận. Thọ, tưởng, hành, thức, vô vi, vô tác, đều là pháp diệt tận, vô dục, vô nhiễm ô. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận.
Năm thủ uẩn vô dục, vô tác, là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận. Năm thủ uẩn này vĩnh viễn đã diệt tận, không sanh trở lại nữa nên gọi là diệt tận.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 9)
- 139. DIỆT THAM DỤC
Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Tham dục.
Bị nhiễm bởi tham dâm
Chúng sanh rơi đường dữ
Siêng tu bỏ tham dục
Liền thành A-na-hàm.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 1)
- 140. ĐIỀU TAI ƯƠNG TRONG ĐỜI LÀ DO MÌNH TẠO
Lại có người quen làm việc sát sanh, gây các căn nguyên tội ác. Nếu sanh trong loài người, tuổi thọ rất ngắn.
Người quen thói trộm cướp, về sau sanh nhằm nghèo khốn, áo không đủ che thân, ăn không đầy miệng. Đó là do lấy tài vật của người, nên mới chịu như vậy. Nếu sanh trong loài người, phải chịu vô lượng khổ.
Nếu người dâm vợ người khác, sau sanh trong loài người thì gặp vợ không trinh lương.
Người nói dối, sau sanh làm người thì lời nói không ai tin, bị mọi người khi dễ. Ấy là do trước kia lừa dối đời, nói điều hư ngụy.
Người ác khẩu, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người thì nhan sắc xấu xí, ấy là do tiền thân ác khẩu nên chịu báo ứng này.
Người nói ỷ ngữ, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, trong nhà bất hòa, thường hay đấu loạn nhau. Sở dĩ như vậy, do báo ứng của việc làm bởi tiền thân.
Người nói hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, thọ tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, gia thất bất hòa, thường có chuyện gây gỗ. Sở dĩ như vậy, đều do đời trước gây đấu loạn đây kia.
Người hay ganh tị kẻ khác, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, thường bị người ghét. Thảy đều do hành vi đời trước mà ra như vậy
Người khởi tâm mưu hại, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, ý không chuyên định. Sở dĩ như vậy, đều do đời trước móng tâm như vậy.
Hoặc người quen theo tà kiến, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, phải điếc, mù, câm ngọng, không ai muốn nhìn. Ấy là do nhân duyên bởi việc làm đời trước.
Do báo ứng của mười điều ác này mà dẫn đến tai ương như vậy, chịu vô lượng khổ; huống nữa là ngoài đó ra.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
- 141. ĐỐ KỴ
Ta ở trong đây không thấy một pháp nào đưa đến hoại diệt nhanh như ganh ghét, đố kỵ đối với đồng phạm hạnh. Cho nên, các Tỳ-kheo nên tu hành từ nhẫn, thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Nhập Đạo, Kinh số 2)
- 142. ĐỌA ĐỊA NGỤC
Nay Ta bảo các ngươi, không phải hạnh Sa-môn mà nói là Sa-môn; không phải người phạm hạnh mà nói là phạm hạnh; không nghe Chánh pháp mà nói là tôi nghe Chánh pháp; không có pháp thanh bạch. Người như vậy, thà đưa thân chịu kiếm bén này, chứ không vì không có giới mà nhận người cung kính. Vì sao vậy? Vì nỗi đau này chỉ trong chốc lát, còn sự thống khổ địa ngục thì không thể tả xiết.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 10)
- 143. ĐOẠN NĂM HẠ PHẦN KIẾT SỬ
Cũng như con bò chính dẫn đầu, một con đi đúng thì những con khác đều đi theo. Đệ tử của Ta cũng như vậy, sạch hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng mà tự an trú, vượt cảnh giới Ma đến chỗ vô vi.
Cũng như con bò khoe mạnh kia vượt qua sông Hằng đến được bờ bên kia. Hàng Thanh văn của Ta cũng như vậy, đoạn năm hạ phần kết, thành A-na-hàm, ở trên kia mà bát Niết-bàn, không còn trở lại cõi này nữa, qua cảnh giới ma đến chỗ vô vi.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 6)
- 144. DÙNG HOA ĐIỂM TRANG
Giống như, hoặc có người nam hay người nữ nào xinh đẹp vô song, tự tắm gội, mặc y phục mới, dùng hương thoa người. Lại có người đem hoa ưu-bát đến tặng cho. Người kia được hoa, liền đội lên đầu, vui mừng hớn hở không tự chế được.
Ở đây cũng lại như vậy, nếu có vị thiện gia nam tử nào, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, đối với giới cung kính, không để mất pháp Sa-môn, không có huyễn ngụy, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói luôn nở nụ cười, không tổn thương ý người, tâm thường nhất định, không có thị phi, các căn không loạn.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 6)
- 145. ĐUỐC SÁNG
Kia, sao gọi là đuốc sáng? Diệt tận tham dâm, sân nhuế, ngu si.
Kia, sao gọi là nhân đưa đến nghiệp đạo đuốc sáng? Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh tam-muội.
Đó là nhân đưa đến nghiệp đạo sáng. Ta cũng nhân đây, đã nói về đuốc sáng, cũng đã nói về nhân đưa đến nghiệp đạo đuốc sáng. Những việc cần làm, nay Như Lai đã chu toàn. Các ngươi hãy khéo nhớ nghĩ, phúng tụng, chớ có lười biếng. Hiện tại nếu không hành, sau này hối không kịp.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 7)
- 146. GIÀ CHẾT
Thế nào là già? Từng loại từng loại chúng sanh, mà ở đây nơi thân thể răng rụng, tóc bạc, khí lực khô cạn, các căn chín rục, thọ mạng ngày càng suy, thức cũ không phục hồi.
Thế nào là chết? Từng loại từng loại chúng sanh, mà dần dần thân thể không còn hơi ấm, vô thườngbiến dịch, năm thân thuộc chia lìa, thân năm uẩn bị vất bỏ, mạng căn bị cắt đứt.
Tỳ kheo, nên biết, đó gọi là già, bệnh, chết. Đây là pháp nhân duyên mà ý nghĩa được phân biệt rộng rãi. Những gì mà Chư Phật Như Lai cần làm với tâm từ ái, Ta nay đã làm xong. Các ngươi hãy đến dưới gốc cây, ngồi ngoài trời trống, hay giữa bãi tha ma, hay nhớ nghĩ tọa thiền. chớ ôm lòng ngại khổ. Nay không tinh tấn, sau hối hận vô ích.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 5)
- 147. GIÀU SANG LÀ DO BỐ THÍ
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu hành, tu hành nhiều, mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn: đó là bố thí rộng rãi.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người nào hành bố thí rộng rãi, trong đời hiện tại được sắc đẹp, được sức khỏe, được đầy đủ tất cả; cõi trời, cõi người, hưởng phước vô lượng.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy hành bố thí, chớ có lòng keo lẫn.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 4)
- 148. GIÓ LỐC XOÁY VÀ NGƯỜI HOÀN TỤC
Hôm nay, không trung có gió lốc xoáy. Nếu như có con chim nào lại bay đến đó, như ô thước, hồng hộc, gặp gió này thì đầu, não, lông cánh, mỗi thứ mỗi nơi. Ở đây, một Tỳ-kheo cũng lại như vậy, bỏ giới cấmrồi sống đời bạch y. Khi ấy, sáu vật tùy thân như ba y, bình bát, ống đựng kim, v.v.., thuộc mỗi thứ ở mỗi nơi, giống như gió lốc xoáy thổi chết chim kia. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành phạm hạnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 8)
- 149. GIỚI
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Giới. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 4)
- 150. GIỮ GIỚI THÂN, ĐỊNH THÂN, HUỆ THÂN
Hôm nay, Như Lai quán sát đích thú hướng đến của người thiện hành, ngay dù người ấy bị trúng độc, hay bị đao đả thương mà tự dứt mạng sống. Nhưng đó là do muốn xả thân này để hưởng phước trời, sẽ sanh vào cõi lành. Đó là do quả báo nghiệp lành đời trước đưa đến.
Cho nên, Tỳ-kheo, hãy niệm tu hành giới thân, định thân, huệ thân, giải thoát thân và giải thoát tri kiến thân. Muốn cho đời nay được qủa báo kia, đắc đạo cam lồ, ngay dù có nhận y phục, đồ ăn thức uống, ngoạ cụ, thuốc men trị bịnh cũng không lầm lỗi, lại làm cho đàn việt hưởng phước vô cùng.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 1)
- 151. GỐC CỦA TẤT CẢ CÁC PHÁP
Thánh đệ tử đến gặp bậc Thánh, vâng thọ pháp người, hầu hạ thiện tri thức, thường thân cận thiện tri thức, quán sát đất, thảy đều biết rõ ràng từ đâu đến, cũng không đắm trước vào đất, không có tâm nhiễm ô. Nước, lửa, gió, cũng như vậy. Người, Trời, Phạm vương, Quang âm, Biến tịnh, Quả thật, trời A-tỳ-da-đà, Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ; thấy, nghe, nhớ, biết; một loại, nhiều loại, cho đến đối Niết-bàn cũng không đắm ở Niết-bàn, không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì tất cả đều do khéo phân biệt khéo quán sát.
Nếu Tỳ-kheo kia là A-la-hán lậu tận, việc cần làm đã xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã dứt sạch nguồn gốc sinh tử, bình đẳng giải thóat. Vị ấy có thể phân biệt đất, thấy không khởi tưởng đắm đất. Người, Trời, Phạm vương cho đến Hữu tưởng vô tưởng xứ, cũng vậy; cho đến đối Niết-bàn, cũng không đắm Niết-bàn, không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì đều do đã diệt trừ dâm, nô, si mà được như vậy.
Tỳ-kheo, nên biết, Như Lai, Chí chơn Đẳng chánh giác, đối với đất khéo hay phân biệt, cũng không đắm trước nơi đất, không khởi tưởng về đất. Vì sao vậy? Vì do phá được lưới ái mà được như vậy. Nhân hữu mà có sinh, nhân sinh mà có lão, tử, thảy đều trừ hết. Cho nên Như Lai thành Vô thượng Chánh giác.
Kinh này gọi là: ‘Gốc rễ của tất cả các pháp.’ Nay Ta nói đầy đủ. Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm, nay Ta đã làm đầy đủ. Các ngươi hãy nghĩ tưởng ở nơi nhàn tĩnh, dưới bóng cây, chánh ý ngồi thiền, tư duy diệu nghĩa. Nay không làm, sau hối vô ích. Đây là những lời giáo giới của Ta.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 6)
- 152. GỐC RỄ TẠO ÁC
Có hai pháp này ở thế gian thật là phiền não. Hai pháp gì? Tạo các gốc rễ ác, khởi lên các oán thù và không tạo hạnh lành.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy giác tri pháp phiền não này, và cũng nên giác tri pháp không phiền não. Các pháp phiền não thì hãy đoạn trừ, pháp không phiền não thì nên tu hành.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 4)
- 153. GỐC THAM DỤC
Sanh tử không đoạn tuyệt
Thảy đều do tham dục
Oán ghét thêm lớn ác
Điều người ngu quen làm.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 7)
- 154. HAI ÂN
Thế nào là hai? Pháp ân, tài ân. Trên hết trong ân, không gì hơn pháp ân.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số 5)
- 155. HAI HẠNG NÊN ĐƯỢC CÚNG DƯỜNG
Có hai pháp bố thí cho người phàm phu mà được công đức lớn, thành quả báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi. Sao gọi là hai pháp? Cúng dường cha mẹ. Đó là hai hạng người mà cúng dường đến thì được công đức lớn, thành quả báo lớn.
Lại nữa, cúng dường một vị Bồ-tát nhất sanh bổ xứ, được công đức lớn, được quả báo lớn, được vị cam lộ, đến chỗ vô vi. Cho nên, các Tỳ-kheo, thường niệm hiếu thuận cúng dường cha mẹ.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 10)
- 156. HAI HẠNG NGƯỜI DỄ THUYẾT PHÁP CHO NGHE
Có hai hạng người dễ thuyết pháp cho nghe. Sao gọi là hai? Thuyết tín cho người có tín; thuyết thí cho người không tham lam keo kiết. Này Tỳ-kheo, nếu thuyết tín cho người có tín, họ liền hoan hỷ, ý không hối tiếc. Như người mắc bệnh, nói cho thuốc trừ bệnh liền được bình phục. Đây cũng như vậy. Thuyết tín cho người có tín, họ liền hoan hỷ, tâm không thay đổi.
Nếu lại thuyết thí cho người không tham lam keo kiết, họ liền hoan hỷ, tâm không có tiếc. Cũng như có trai, gái xinh đẹp, thích tắm rửa mặt mày, tay chân, rồi lại có người mang hoa đẹp đến cho để tăng trưởng nhan sắc; lại đem y phục, trang sức tốt đẹp tặng những người đó. Họ được vậy rồi, lòng càng hoan hỷ. Đây cũng như vậy. Thuyết thí cho người không tham lam keo kiết, họ liền được hoan hỷ không có tâm tiếc.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 9)
- 157. HAI HẠNG NGƯỜI KHÓ GẶP
Có hai hạng người xuất hiện thế gian, rất khó gặp được. Hai hạng người ấy là ai? Người hay thuyết pháp xuất hiện ở thế gian, thật là khó gặp được; người hay nghe pháp, thọ trì phụng hành, thật là khó gặp được.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 19. Phẩm Khuyến Thỉnh, Kinh số 10)
- 158. HAI HẠNG NGƯỜI KHÔNG SỢ ĐIỆN CHỚP VÀ SẤM GẦM
Thế gian có hai hạng này, nếu có thấy nghe điện chớp, sấm gầm thì cũng không sợ hãi. Hai hạng ấy là ai? Sư tử vua muôn thú, và A-la-hán lậu tận. Này Tỳ-kheo, đó là gọi là ở thế gian nếu có hai hạng này, dù có thấy nghe điện chớp sấm gầm cũng không sinh lòng sợ hãi.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 19. Phẩm Khuyến Thỉnh, Kinh số 4)
- 159. HAI HẠNG NGƯỜI PHỈ BÁNG NHƯ LAI
Có hai hạng người này ở trong chúng sẽ phát sinh hủy báng Như Lai. Hai hạng người nào? Hạng phi pháp nói là pháp; pháp nói là phi pháp.
Lại có hai hạng người không phỉ báng Như Lai. Thế nào là hai? Hạng phi pháp nói là phi pháp; thật pháp nói là thật pháp.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, phi pháp nên nói là phi pháp; thật pháp nên nói là thật pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 9)
- 160. HAI KIẾN
Thế nào là hai? Đó là hữu kiến, vô kiến.
Thế nào là hữu kiến? Thấy dục có thật; thấy sắc có thật; thấy vô sắc có thật. Thế nào là thấy dục có thật? Đó là năm dục. Sắc được thấy bởi mắt, rất khả ái, rất khả niệm mà người đời tôn thờ chưa từng lìa bỏ. Thanh được nghe bởi tai, hương được ngữi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mượt láng được xúc chạm bởi thân, pháp được nhận biết bởi ý.
Thế nào là vô kiến? Thấy có thường, thấy vô thường; thấy có đoạn diệt, thấy không đoạn diệt; thấy có biên, thấy không biên; thấy có thân, thấy không thân; thấy có mạng, thấy không mạng; thấy thân khác, thấy mạng khác. Sáu mươi hai kiến này gọi là vô kiến và cũng chẳng phải là chân kiến.
Các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã tập, đã đọc tụng ở nơi hai kiến chấp này, mà đáng xả thì biêt xả, như thật biết, thì đó là Sa-môn trì hạnh Sa-môn; là Bà-la-môn biết hạnh Sa-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú, và biết như thật rằng, ‘Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh đời sau nữa.’
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số 1 và 2)
- 161. HAI LOẠI KIẾN HỮU VÀ VÔ
Hai loại kiến là kiến chấp hữu và kiến chấp vô. Những sa-môn, bà-la-môn nào do không biết gốc ngọn của hai kiến này nên có tâm dục, có tâm sân nhuế, có tâm ngu si, có tâm ái, có tâm chấp thủ. Họ là những kẻ vô tri. Họ có tâm phẫn nộ, không tương ưng với hành. Người kia không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não, chua, cay, muôn mối khổ không thoát được.
Những sa-môn, bà-la-môn nào biết điều đó như thật, họ không có tâm sân nhuế, ngu si, hằng tương ưng với hành, nên thoát khỏi được sanh, già, bệnh, chết. Nay nói về nguồn gốc của khổ như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 1)
- 162. HAI LỰC
Thế nào là hai lực? Nhẫn lực, tư duy lực. Nếu Ta không có hai lực này, đã không thành Vô thượng, Chánh chơn, Đẳng chánh giác.
Nếu không có hai lực này, Ta đã không hề có sáu năm khổ hạnh ở xứ Ưu-lưu-tỳ, lại cũng không thể hàng phục ma oán, thành đạo Vô thượng Chánh chơn ngồi nơi đạo tràng. Vì Ta có nhẫn lực, tư duy lực này, nên mới có thể hàng phục chúng ma, thành đạo Vô thượng Chánh chơn ngồi nơi đạo tràng.
Này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu hai lực này: nhẫn lực, tư duy lực, để thành đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, ở vô dư Niết-bàn giới mà Bát-niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 8)
- 163. HAI MƯƠI MỐT KẾT
Những gì là hai mươi mốt kết? Sân tâm kết, nhuế hại tâm kết, thùy miên tâm kết, trạo cử tâm kết, nghi tâm kết, nộ tâm kết, kỵ tâm kết, não tâm kết, tật tâm kết, tắng tâm kết, vô tàm tâm kết, vô quý tâm kết, huyễn tâm kết, gian tâm kết, ngụy tâm kết, tránh tâm kết, kiêu tâm kết, mạn tâm kết, đố tâm kết, tăng thượng mạn tâm kết, tham tâm kết.
Giống như tấm giạ trắng mới, để lâu ngày nên mục nát, có nhiều bụi bặm. Dù có muốn nhuộm thành màu xanh, vàng, đỏ, đen, rốt cuộc cũng không thành được. Vì sao? Vì có bụi bặm.
Cũng vậy, nếu người mà tâm bị nhuộm dính với hai mươi mốt kết, thì nên quán sát rằng người đó chắc chắn sẽ đọa đường dữ, không sinh về cõi lành.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 13. Phẩm Lợi Dưỡng, Kinh số 5)
- 164. HAI NGHIỆP
Thế nào là hai nghiệp? Có pháp nghiệp, có tài nghiệp. Trên hết trong nghiệp, không gì hơn pháp nghiệp. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên học pháp nghiệp, không học tài nghiệp.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số 4)
- 165. HAI NGƯỜI KHÔNG THẾ BÁO ÂN HẾT ĐƯỢC
Có hai người không thể báo ơn hết được, khuyến giáo làm điều thiện. Hai người đó là ai? Đó là cha mẹ.
Này các Tỳ-kheo, nếu có người vai trái vác cha, vai phải vác mẹ, trải qua ngàn vạn năm, lo áo quần, cơm nước, giường nệm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, đại tiện, tiểu tiện ngay ở trên vai, vẫn chưa thể báo ơn hết được. Tỳ-kheo nên biết, cha mẹ ân trọng, bồng bế, nuôi dưỡng, tùy lúc giữ gìn không lỡ thờitiết, xem như mặt trời, mặt trăng. Do phương tiện nầy mà biết ân nầy khó báo đáp. Cho nên, này các Tỳ-kheo, phải cúng dường cha mẹ, thường phải hiếu thuận, không lỡ thời tiết.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 11)
- 166. HAI NHÂN KHỞI CHÁNH KIẾN
Những gì là hai? Nhận pháp giáo hóa, bên trong tư duy chỉ quán. Đó là hai nhân, hai duyên này khởi lên chánh kiến.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số 10)
- 167. HAI NIẾT BÀN
Những gì là hai? Hữu dư Niết-bàn giới, vô dư Niết-bàn giới.
Kia sao gọi là hữu dư Niết-bàn giới? Tỳ-kheo đã diệt năm hạ phần kết, rồi bát-niết-bàn ở kia, không còn trở lại thế gian này nữa. Đó gọi là hữu dư Niết-bàn giới.
Kia, sao gọi là vô dư Niết-bàn giới? Cũng vậy, Tỳ-kheo đã diệt tận hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự thân tác chứng mà tự an trú, biết như thật rằng, ‘Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần là đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Đó gọi là vô dư Niết-bàn giới.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện để đến vô dư Niết-bàn giới.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 2)
- 168. HAI PHÁP
Thế nào là hai pháp? Một là trí tuệ, hai là diệt tận. Đó gọi là bên trong tự tư duy và chuyên tinh nhất ý lễ kính Như Lai.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số7)
- 169. HAI PHÁP KHÔNG BIẾT CHÁN ĐỦ: DÂM VÀ RƯỢU
Nan-đà nên biết, có hai pháp không biết chán đủ. Nếu có người nào sống theo hai pháp này thì không bao giờ biết chán đủ. Hai pháp gì? Dâm dục và uống rượu, đó gọi là hai pháp không biết chán đủ. Nếu người nào sống theo hai pháp này, thì không bao giờ biết chán đủ. Do bởi hành quả này mà không thể đạt đến chỗ vô vi. Cho nên, này Nan-đà, hãy ghi nhớ bỏ hai pháp này, sau nhất định sẽ thành tựu quả báo vô lậu. Nan-đà, nay ngươi khéo tu phạm hạnh; con đường dẫn đến quả đạo, không thể đều không do đây.
Nhà lợp không kín
Trời mưa ắt dột
Người không thực hành
Dâm, nộ, si dột.
Nhà khéo lợp kín
Trời mưa không dột
Người hay thực hành
Không dâm, nộ, si.
Thế Tôn lại tự nghĩ: Thiện gia nam tử này dục ý quá nhiều, nay Ta có thể dùng lửa để trị lửa.
Rồi Thế Tôn liền dùng thần lực, tay nắm Nan-đà; trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, đem Nan-đà lên Hương sơn. Bấy giờ trên núi có một hang đá, lại có một con khỉ cái mù loà đang ở nơi đó. Thế Tôn, tay phải nắm Nan-đà, bảo rằng:
Nan-đà, ngươi có thấy con khỉ cái mù lòa này không?
Thưa: Có thấy, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo: Đằng nào xinh đẹp? Tôn-đà-lợi cô gái họ Thích xinh đẹp hay con khỉ cái mù lòa này xinh đẹp?
Nan-đà thưa: Giống như có người đả thương lỗ mũi con chó dữ, lại bôi thêm độc vào, con chó kia càng thêm dữ hơn. Ở đây cũng như vậy, Thích nữ Tôn-đà-lợi, nếu đem con khỉ cái mù lòa để cùng so sánh, thì không thể làm thí dụ được. Giống như đống lửa lớn thiêu đốt sơn dã, còn dùng củi khô bỏ thêm vào thì lửa càng trở nên hừng hực. Ở đây cũng vậy, con nhớ cô gái họ Thích kia, không rời khỏi tâm được.
Bấy giờ Thế Tôn trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay biến khỏi núi này, hiện đến Tam thập tam thiên. Khi ấy chư thiên trên Tam thập tam thiên đều tụ họp tại giảng đường Thiện pháp. Cách giảng đường Thiện pháp không xa, lại có cung điện, năm trăm ngọc nữ đang vui đùa với nhau, toàn là người nữ không có người nam. Nan-đà từ xa trông thấy năm trăm thiên nữ, đang ca hát kỹ nhạc vui đùa với nhau; bèn hỏi Thế Tôn:
Đây là những đâu, mà có năm trăm thiên nữ ca hát kỹ nhạc vui đùa với nhau?
Thế Tôn bảo: Nan-đà, ngươi tự đến đó mà hỏi!
Tôn giả Nan-đà liền đi đến chỗ năm trăm thiên nữ; thấy cung điện nhà cửa kia, trải hàng trăm thứ tọa cụtốt; toàn là người nữ không có người nam. Tôn giả Nan-đà hỏi thiên nữ kia:
Các cô, có đúng là thiên nữ đang cùng nhau vui đùa khoái lạc phải không?
Thiên nữ đáp: Chúng tôi có năm trăm người, tất cả đều thanh tịnh, không có phu chủ. Chúng tôi nghe Thế Tôn có đệ tử tên là Nan-đà, là con di mẫu của Phật. Ngài đang ở chỗ Như Lai tu phạm hạnh thanh tịnh, sau khi mạng chung sẽ sinh về cõi này làm phu chủ chúng tôi, cùng vui đùa với nhau.
Lúc ấy Tôn giả Nan-đà lòng rất vui mừng không thể tự chế, liền tự nghĩ: Hiện tại ta là đệ tử Thế Tôn, lại là con di mẫu. Những thiên nữ này đều sẽ làm vợ cho ta.
Bấy giờ, Nan-đà thối lui, đi đến chỗ Thế Tôn. Thế Tôn hỏi: Thế nào Nan-đà, Các ngọc nữ kia nói gì?
Nan-đà thưa: Các ngọc nữ kia đều nói, Chúng tôi đều không có phu chủ. Nghe có đệ tử Thế Tôn khéo tu phạm hạnh, sau khi mạng chung sẽ sinh về nơi này.
Thế Tôn bảo: Nan-đà, ý ngươi thế nào? Nan-đà, ý ngươi thế nào?
Nan-đà thưa: Khi ấy, con tự nghĩ, ‘Ta là đệ tử Thế Tôn, là con di mẫu của Phật. Những thiên nữ này tất cả đều sẽ làm vợ cho ta.’
Thế Tôn bảo: Khoái thay, Nan-đà! Khéo tu phạm hạnh, Ta sẽ xác chứng cho ngươi, khiến cho năm trăm người nữ này đều sẽ thành những người hầu hạ ngươi.
Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: Nay Ta sẽ dùng lửa đề diệt lửa Nan-đà. Trong khoảnh khắc giống như lực sĩco duỗi cánh tay, Thế Tôn tay phải nắm cánh tay Nan-đà, dẫn đến trong địa ngục. Lúc này chúng sanhđịa ngục đang chịu ngần ấy khổ não. Khi ấy trong địa ngục kia có một cái vạc lớn, trống không có người. Thấy vậy, Nân-đà sinh lòng sợ hãi, lông áo đều dựng đứng, đến trước Thế Tôn thưa:
Ở đây mọi chúng sanh đều chịu khổ đau, chỉ có độc nhất cái vạc này trống không có người!
Thế Tôn bảo: Đây gọi là địa ngục A-tỳ.
Bấy giờ, Nan-đà lại càng sợ hãi hơn, lông áo đều dựng đứng lên, bạch Thế Tôn:
Đây là địa ngục A-tỳ, mà sao có một chỗ trống không có tội nhân?
Thế Tôn bảo: Nan-đà, ngươi tự đến đó hỏi.
Tôn giả Nan-đà liền đi đến đó và hỏi:
Thế nào ngục tốt, đây là ngục gì mà trống, không có người?
Ngục tốt đáp: Tỳ-kheo nên biết, đệ tử của Phật Thích-ca Văn tên là Nan-đà, ở chỗ Như Lai tu phạm hạnh thanh tịnh, sau khi thân hoại mạng chung sinh về chỗ lành trên trời. Ở đó, ông ta sống lâu nghìn tuổi, tự vui đùa khoái lạc, mạng chung ở đó lại sinh vào trong địa ngục A-tỳ này. Cái vạc trống này chính là nhà của ông ta.
Tôn giả Nan-đà nghe xong những lời này, sinh lòng sợ hãi, lông áo đều dựng đứng, liền tự nghĩ, Cái vạc trống này chính là dành cho ta chăng? Rồi trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân bạch Thế Tôn:
Xin nhận sự sám hối tội của chính con, vì không lo tu phạm hạnh, lại còn xúc nhiễu Như Lai!
Bấy giờ Tôn giả Nan-đà, liền nói kệ này:
Đời người không đủ quý
Tuổi trời rồi cũng tàn
Địa ngục đầy thống khổ
Chỉ có vui Niết-bàn.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả Nan-đà: Lành thay! Như những gì ngươi đã nói. Niết-bàn rất là khoái lạc. Nan-đà, cho phép ngươi sám hối. Ngươi kẻ ngu si đã tự biết là mình có lỗi đối với Như Lai. Nay Ta nhận sự hối lỗi của ngươi, sau này chớ tái phạm.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 7)
- 170. HAI PHÁP KHÔNG MONG ĐỢI
Hai pháp gì? Oán ghét gặp nhau, điều này không thể mong đợi, cũng không đủ để mến yêu, bị người đời vứt bỏ. Ân ái biệt ly, không thể mong đợi cũng không đủ để yêu mến, bị người đời vứt bỏ.
Có hai pháp không bị người đời bỏ. Hai pháp gì? Oán ghét xa lìa, được người đời ưa thích. Ân ái họp một chỗ, rất đáng yêu mến, được người đời ưa thích. Nay Ta nói oán ghét xa lìa, ân ái gặp nhau là có nghĩa gì, có duyên gì?
Hai pháp nầy do ái nổi lên, do ái sanh ra, do ái mà thành, do ái trổi dậy, phải học trừ ái này, đừng để sanh ra.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 13)
- 171. HAI PHÁP: TÀ VÀ CHÁNH
1) Tà kiến, chánh kiến
2) Tà tư duy, chánh tư duy
3) Tà ngữ, chánh ngữ
4) Tà nghiệp, chánh nghiệp
5) Tà mạng, chánh mạng
6) Tà tinh tấn, chánh tinh tấn
7) Tà niệm, chánh niệm
8) Tà tam-muội, chánh tam-muội.
Nay Ta đã nói hai pháp này cho các ngươi. Những điều cần làm, nay Như Lai đã chu toàn xong. Các ngưoi hãy khéo nhớ nghĩ, quán sát, phúng tụng chớ có lười mỏi. Hiện tại, nếu người nào không hành, sau này hối không kịp.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 6)
- 172. HAI THÍ
Những gì là hai? Pháp thí, tài thí. Trên hết trong bố thí, không gì hơn pháp thí.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số 3)
- 173. HAI TƯỚNG ĐỂ NHẬN
Người trí có hai tướng để nhận diện mạo. Những gì là hai? Ở đây, với người trí những việc không thể làm xong được thì không làm, những việc làm sắp xong, cũng không chán bỏ.
Hãy gạt bỏ hai tướng của người ngu; hãy nương hai tướng của người trí mà tu hành.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số 5)
- 174. HÀNG PHỤC BỐN PHÁP
Thế nào là Tỳ kheo hàng phục bốn pháp: hàng phục thân ma, dục ma, tử ma, thiên ma. Tất cả đều được hàng phục.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
- 175. HẠNH CỦA TỲ KHEO
Tỳ kheo ăn uống biết đủ, ngày đêm kinh hành, không mất thời tiết, hành các đạo phẩm.
Thế nào là Tỳ kheo có các căn tịch tĩnh? Ở đây, Tỳ kheo, khi mắt thấy sắc, không khởi tuởng đắm trước, gợi các loạn niệm, ở trong đó mà nhãn căn được thanh tịnh, trừ các niệm xấu, không niệm phápbất thiện. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết trơn mịn, ý biết pháp, ở nơi ý căn mà được thanh tịnh.
Thế nào là Tỳ kheo ăn uống biết đủ? Ở đây, Tỳ kheo lường bụng mà ăn; không vì mục đích mập trắng, mà chỉ cốt duy trì thân này cho được tồn tại, trừ khử bệnh cũ, bệnh mới không sanh, để có thể tu phạm hạnh. Cũng như trai hay gái, trên thân sanh ghẻ, tùy thời lấy thuốc cao mà bôi lên vết thương, thường mong vết thương được lành. Nay Tỳ kheo ở đây cũng vậy, lường bụng mà ăn. Sở dĩ lấy mỡ bôi bánh xe, là muốn đi được xa. Tỳ kheo lường bụng mà ăn, vì để duy trì mạng tồn tại.
Thế nào là Tỳ kheo hằng biết tỉnh giác? Ở đây, Tỳ kheo vào lúc đầu đêm, cuối đêm, hằng biết tỉnh giác, tư duy pháp 37 phẩm đạo. Lại nữa, đầu đêm, cuối đêm, đi kinh hành, trừ khử ý tưởng ác kết bất thiện. Rồi lại, nửa đêm nằm nghiêng bên hông phải, hai bàn chân chồng lên nhau, hướng đến tưởng ánh sáng. Cuối đêm, trở dậy kinh hành, trừ khử niệm bất thiện.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 7)
- 176. HÀNH DÂM DỤC NHƯ CON HEO
Kia, sao gọi là người như heo? Hoặc có một người sống nơi vắng vẻ, lâu dài tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác, cũng không hổ thẹn, lại không hối lỗi. Đối với người thì tự khen mình, cống cao, tự đắc, nói rằng ‘Tôi có được ngũ dục tự vui chơi, còn những người kia không có được ngũ dục.’ Nó tạo ác mà không biết hổ thẹn. Người này dụ như heo, thường ăn đồ bất tịnh, nằm chỗ bất tịnh, chạy theo chân các con heo khác.
Ở đây cũng vậy, có một người lâu dài tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác, cũng không hổ thẹn, lại không hối lỗi. Đối với người thì tự khen mình, cống cao, tự đắc, nói rằng ‘Tôi có được ngũ dục tự vui chơi, còn những người kia không có được ngũ dục.’ Đó gọi là người như heo.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 3)
- 177. HÀNH NÀO NẶNG NHẤT
Vua bạch Phật: Trong ba hành này, hành nào nặng nhất, hành bởi thân, hành bởi miệng, hay hành bởi ý?
Phật nói với vua: Trong ba hành này, hành bởi ý nặng nhất. Hành bởi thân và hành bởi miệng, không đáng để nói.
Vua hỏi Phật: Do nhân duyên gì mà nói hành bởi ý là tối đệ nhất?
Phật nói: Phàm những hành vi mà con người làm trước hết được suy niệm bởi ý, sau đó mới phát ra miệng. Dẫu phát ra miệng, khiến thân hành sát, đạo, dâm. Thiệt căn bất định, cũng không có đầu mối. Giả sử người mạng chung, thiệt căn vẫn tồn tại. Nhưng, này Đại vương, vì sao thân, miệng của người ấy không làm được gì cả?
Vua bạch Phật: Vì người kia không có ý căn, nên mới như vậy.
Phật bảo Vua: Do phương tiện này mà biết rằng ý căn là tối quan trọng, còn hai cai kia thì nhẹ thôi.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
- 178. HÀNH TÂM TỪ VÔ LƯỢNG
Ngày xưa Ta trong bảy năm hằng tu từ tâm, trải qua bảy kiếp thành, kiếp hoại không qua lại sinh tử. Khi kiếp sắp hoại, sinh lên trời Quang âm. Khi kiếp sắp thành, sinh lên trời Vô tưởng. Hoặc làm Phạm thiênthống lãnh chư thiên, tháng lãnh mười nghìn thế giới. Lại có khi 37 lần làm Thích Đề-hoàn Nhân. Lại vố số lần làm Chuyển luân Thánh vương. Do phương tiện này mà biết rằng, ai hành từ tâm, đức của người ấy là như vậy.
Lại nữa, ai hành từ tâm, khi thân hoại mạng chung, sinh lên cõi trời, rời xa ba ác đạo, tránh khỏi tám nạn.
Lại nữa, ai hành từ tâm thì sinh vào nước trung chánh.
Ai hành từ tâm, có dung mạo xinh đẹp, các căn không khuyết, hình thể toàn vẹn.
Ai hành từ tâm, tự thân được thấy Như Lai, thừa sự chư Phật, không thích sống tại gia, muốn được xuất gia học đạo, khóac ba pháp y, cạo bỏ râu tóc, tu hành pháp sa-môn, tu Phạm hạnh vô thượng.
Tỳ kheo, nên biết, cũng như kim cang mà người mang lấy ăn, trọn không bao giờ tiêu hóa mà phải xổ ra. Người hành từ tâm cũng vậy. Nếu Như Lai xuất thế, người đó sẽ hành đạo, tu phạm hạnh vô thượng., cho đến, biết như thật rằng sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không cần còn tái sinh đời sau.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 5)
- 179. HIỂN LỘ THÌ TỐT
Lại có ba sự mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Những gì là ba? Mặt trời, mặt trăng, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Pháp ngữ của Như Lai, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 4)
- 180. HỘ TRÌ MỘT
Thế nào là Tỳ kheo hộ trì một? Ở đây, Tỳ kheo buộc niệm trước mắt.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
- 181. HÓA ĐỘ VOI DỮ
Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ vua A-xà-thế, nói như vầy:
Đại vương, nên biết, hiện tại con voi hung dữ này có khả năng hàng phục các kẻ thù. Nên dùng rượu mạnh cho voi này uống say. Sáng mai Sa-môn Cù-đàm ắt sẽ vào thành khất thực, hãy thả voi say này dẫm đạp chết ông ta!
Sáng sớm hôm đó, Thế Tôn đắp y, ôm bát tính vào thành La-duyệt khất thực. Vua A-xà-thế liền bảo tượng sư:
Ngươi hãy mau đem rượu mạnh cho voi uống, cột kiếm bén vào vòi, và lập tức thả cho nó chạy.
Bấy giờ Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến cửa thành, vừa cất chân vào cửa, khi ấy trời đất chấn độngmạnh, các chư thiên tôn thần ở giữa hư không rải xuống các loại hoa. Tức thì năm trăm Tỳ-kheo thấy voi say đến, mọi người đều bỏ chạy, không biết theo hướng nào! Lúc đó voi hung dữ kia thấy Như Lai từ xa, nó liền chạy đến. Thấy voi say đến, thị giả A-nan sau Thế Tôn lòng không an, bạch Thế Tôn: Voi này dữ quá! Coi chừng bị hại! Hãy tránh xa nó!
Thế Tôn bảo: A-nan, chớ sợ! Nay Ta sẽ dùng thần lực hàng phục voi này.
Như Lai quan sát voi hung bạo với khoảng cách không gần cũng không xa, liền hóa ra các sư tử vươngở hai bên, và phía sau voi kia là một hầm lửa lớn. Lúc này voi dữ kia thấy hai bên là sư tử vương cùng thấy hầm lửa, liền té vãi phân tiểu, không biết chạy đi đâu, nó cứ nhằm phía trước hướng Như Lai mà chạy đến.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Ngươi chớ làm hại Rồng
Rồng hiện rất khó gặp
Do ngươi không hại Rồng
Mà được sinh chỗ thiện.
Lúc ấy voi hung bạo nghe Thế Tôn nói kệ này, như bị lửa đốt, liền tự gỡ kiếm hướng về Như Lai, quỳ hai gối phủ phục sát đất, lấy vòi liếm chân Như Lai. Bấy giơ, Thế Tôn đưa tay phải duỗi thẳng, sờ vào đầu voi mà nói kệ:
Sân nhuế sinh địa ngục
Cũng sinh thân rắn rít
Cho nên phải trừ sân
Chớ thọ thân này lại.
Lúc đó các vị Thiên thần ở giữa hư không dùng hàng trăm nghìn loài hoa tung rãi trên Như Lai. Bấy giờ Thế Tôn nói pháp vi diệu cho bốn bộ chúng trời, rồng, quỷ, thần. Hơn sáu vạn nam nữ, sau khi thấy Phật hàng phục voi, mọi trần cấu đều dứt sạch, đắc pháp nhãn tịnh; và tám vạn Thiên Nhân cũng đắc pháp nhãn tịnh. Lúc đó tự trong thân voi say kia gió đao nổi dậy, thân hoại mạng chung, sinh về cung Tứ thiên vương.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 5)
- 182. HOA ƯU ĐÀM NỞ
Như Lai xuất hiện ở đời, thật là khó gặp; ức kiếp mới xuất hiện, thật không thể gặp. Một thời thật lâu dài, Như Lai mới xuất hiện. Giống như hoa Ưu-đàm-bát thỉnh thoảng mới xuất hiện. Cũng vậy, Như Lai xuất hiện ở đời, thật là khó gặp; ức kiếp mới xuất hiện, nên thật là khó gặp. Trường hợp này cũng khó gặp: Tất cả các hành đều tĩnh chỉ, ái diệt tận không còn, cũng không nhiễm ô, diệt tận, Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 1)
- 183. HƯƠNG THÍ LÀ ĐỆ NHẤT
Mộc mật và chiên-đàn
Ưu-bát và các hương
Trong hết thảy hương này
Hương giới là tối thắng.
Thành tựu được giới này
Không dục, không bị nhiễm
Chánh trí mà giải thoát
Chỗ đi, Ma chẳng biết.
Hương này tuy tuyệt diệu
Là các hương đàn, mật
Nhưng hương giới tối diệu
Mười phương đều nghe biết.
Chiên-đàn tuy có hương
Ư-bát và các hương
Ở trong các hương này
Hương văn là đệ nhất.
Chiên-đàn tuy có hương
Ư-bát và các hương
Ở trong các hương này
Hương thí là đệ nhất.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 5)
- 184. HỮU LẬU ĐƯỢC ĐOẠN
Sao gọi là hữu lậu được đoạn? Tỳ-kheo sinh tưởng dục mà không xả ly; khởi tưởng sân nhuế cũng không xả ly; lại khởi tưởng tật đố cũng không xả ly. Nếu không xả ly thì sinh hữu lậu, nếu có thể xả ly liền có thể không khởi hữu lậu.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 6)
- 185. HỮU LẬU ĐƯỢC ĐOẠN BẰNG OAI NGHI
Sao gọi là lậu được đoạn nhờ oai nghi? Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc không khởi tưởng sắc, cũng không khởi tâm nhiễm ô, giữ nhìn nhãn căn đầy đủ, không để khuyết lậu. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp đều không khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi đắm mà giữ gìn ý căn. Nếu không giữ gìn oai nghi mình thì sinh hữu lậu, nếu giữ gìn oai nghi mình thì không có tai hoạnhữu lậu.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 6)
- 186. HƯU TỨC
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm hưu tức. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 7)
- 187. KHAM NHẪN ĐOẠN TRỪ LẬU
Tỳ-kheo chịu đựng đói lạnh, cần khổ, gió mưa, ruồi muỗi, lời ác, mạ nhục, thân sinh thống khổ, rất là đau buồn, mạng sắp muốn dứt, mà có thể nhẫn chịu. Nếu không như vậy, liền sinh khổ não. Nếu có thểkham chịu, thì không sinh như vậy. Đây gọi là lậu được đoạn bởi kham nhẫn.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 6)
- 188. KHÉO TU PHẠM HẠNH
Pháp của Ta sâu thẳm, rộng lớn không có bờ mé, đoạn trừ các hồ nghi, là chốn an ổn, chánh pháp. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân chuyên cần dụng tâm không để khuyết, dù cho thân thể khô kiệt, hủy hoại, vẫn không bao giờ xả bỏ hành tinh tấn, buộc chặt tâm không quên lãng; tu hành pháp khổ thật khôngphải dễ, ưa chốn nhàn tĩnh, tịch tĩnh tư duy, không xả bỏ hành đầu-đà, như nay Như Lai hiện tại khéo tu phạm hạnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 2)
- 189. KHỔ ĐẾ
Này năm Tỳ-kheo, pháp bốn thánh đế này, khổ đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ. Đó là pháp trước kia chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ đế.
Khổ tập đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ tập đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều được Thế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ tập đế.
Khổ tận đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ tận đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều đượcThế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ tận đế.
Khổ xuất yếu đế làm phát sanh mắt, sanh trí, sanh minh, sanh giác, sanh quang, sanh huệ; là pháp trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, khổ xuất yếu đế là chân thật, nhất định không hư dối, không vọng, không thể khác; là điều được Thế Tôn nói. Cho nên gọi là khổ xuất yếu đế.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 5)
- 190. KHÓ KỀM LÒNG TRƯỚC SẮC DỤC
Bấy giờ, có người nữ tên Dâm Chủng nghe vua có sắc lệnh: ‘Ai có thể làm cho thái tử Thanh Tịnh ưa thích năm dục thì ta sẽ thưởng cho ngàn vàng và các vật báu.’ Cô liền đến chỗ vua cha và tâu:
Hãy cho tôi ngàn vàng và các vật báu, tôi có thể khiến cho thái tử của vua quen với năm dục.
Vua cha bảo: Nếu làm được việc ấy, ta sẽ ban cho gấp đôi; không phụ lời hứa.
Ngay đêm đó, vào canh hai, dâm nữ ở cạnh cửa phòng thái tử giả bộ cất tiếng khóc. Thái tử nghe tiếng khóc người nữ, liền hỏi người hầu:
Đây là người nào đến đây mà khóc?
Người hầu đáp: Đó là người nữ, đang khóc ở cạnh cửa.
Thái tử nói: Khanh mau đến chỗ đó, hỏi vì sao khóc?
Người hầu kia liền đến chỗ đó hỏi vì sao khóc. Dâm nữ đáp: Bị chồng bỏ, cho nên khóc!
Người hầu trở vào tâu Thái tử: Người nữ này bị chồng bỏ, lại sợ trộm cướp, cho nên khóc!
Thái tử bảo: Dẫn người nữ này để trong chuồng voi.
Đến đó, cô lại vẫn khóc. Thai tử bảo dẫn vào chuồng ngựa, cô lại khóc.
Thái tử lại bảo quan hầu: Dẫn đến đây!
Cô liền được dẫn vào nhà. Ở đây cô lại vẫn khóc.
Thái tử đích thân tự hỏi: Vì sao lại khóc?
Dâm nữ đáp: Thưa thái tử, người nữ một mình yếu đuối, rất là sợ hãi, cho nên khóc.
Thái tử bảo: Lên trên giường ta thì không còn sợ nữa.
Lúc ấy, người nữ im lặng không đáp, cũng không còn khóc. Rồi thì, người nữ liền cởi y phục, tới trước nắm tay thái tử đặt lên ngực mình. Cảm giác kinh sợ chỉ trong chốc lát, nhưng rồi dần dần khởi dục tưởng. Khi dục tâm đã khởi thì thân thể đến với nhau.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 6)
- 191. KHỔ VUI
1) Người trước khổ, sau vui
2) Người trước vui sau khổ
3) Người trước khổ sau khổ
4) Người trước vui, sau vui.
Hoặc có một người sinh nhà ti tiện, hoặc dòng sát nhân, hoặc giới thợ thuyền, hoặc sinh nhà tà đạo, cùng các giới bần khổ khác, áo cơm không đủ. Tuy họ sinh vào những nhà đó, nhưng người kia lại không có tà kiến, thấy rằng ‘Có bố thí, có người nhận, có đời này, có đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cha, có mẹ, đời có A-la-hán, người lãnh thọ giáo pháp, cũng có quả báo thiện ác.’ Nếu thấy có nhà nào rất giàu, thì họ biết đó nhờ báo đức bố thí, báo không phóng dật ngày xưa. Hoặc họ lại thấy nhà không áo cơm, biết những người này không tạo đức bố thí thường gặp bần tiện. ‘Nay ta lại gặp bần tiện, không có áo cơm, đều do ngày xưa không tạo phước, mê hoặc người đời, hành pháp phóng dật. Duyên báo ác hạnh này, nay gặp nghèo hèn áo cơm không đủ.’ Khi thấy Sa-môn, Bà-la-môn tu pháp thiện, người ấy liền hướng về sám hối, sửa đổi những việc làm xưa. Nếu có của dư, đem chia cho người. Người này sau khi qua đời sinh về xứ thiện, lên trời. Nếu sinh cõi người thì lắm tiền nhiều của báu, không thiếu hụt. Hạng người này gọi là trước khổ sau vui.
Ở đây, hoặc có một người sinh vào nhà hào tộc, hoặc dòng sát-lợi, hoặc dòng trưởng giả, hoặc nhà dòng họ lớn; hoặc sinh vào các nhà giàu sang, áo cơm đầy đủ. Nhưng người đó thường ôm lòng tà kiếntương ưng cùng biên kiến. Họ thấy như vầy, ‘Không có bố thí, không có người nhận, cũng không có báo đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không có A-la-hán, cũng không có người tác chứng, lại cũng không có báo thiện ác.’ Người đó có những tà kiến như vậy. Khi thấy nhà giàu sang, họ nghĩ, ‘Người này lâu nay vẫn có của báu này; người nam đã lâu vẫn là người nam, người nữ đã lâu vẫn là người nữ, súc sanh đã lâu vẫn là súc sanh.› Người ấy không thích bố thí, không giữ giới luật. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn vâng giữ giới, người này nổi sân nhuế nghĩ, ‘Người ấy hư nguỵ, nơi nào sẽ có phước báo ứng?’ Người này sau khi qua đời sinh vào trong địa ngục. Nếu được làm người thì sinh vào nhà bần cùng, không có áo cơm, thân thể loã lồ, cơm áo thiếu thốn. Hạng người này gọi là trước vui sau khổ.
Ở đây, có người sinh vào gia đình bần tiện, hoặc dòng sát nhân, hoặc giới thợ thuyền; hoặc sinh vào những gia đình hạ liệt, không có áo cơm. Nhưng người này thân ôm tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, nên họ thấy như vầy, ‘Không bố thí, không có người nhận, cũng không có báo thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không A-la-hán.’ Người ấy không thích bố thí, không vâng giữ giới. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn, người ấy liền nổi sân nhuế đối với các bậc Hiền thánh. Người này thấy người nghèo thì cho rằng đã vậy từ lâu; thấy người giàu thì cho rằng đã vậy từ lâu; thấy cha, xưa đã là cha; thấy mẹ, xưa đã là mẹ. Người này sau khi qua đời sinh vào trong địa ngục. Nếu sinh cõi người thì rất là nghèo hèn, áo cơm không đủ. Hạng người này gọi là trước khổ sau khổ.
Ở đây, hoặc có một người sinh vào nhà giàu sang, hoặc dòng sát-lợi, hoặc dòng bà-la-môn, hoặc sinh vào dòng quốc vương, hoặc sinh dòng trưởng giả, cùng sinh vào gia đình lắm tiền nhiều của. Nơi sinhra không bị thiếu hụt. Người này sinh vào những nhà như vậy, nhưng người này lại có chánh kiến không có tà kiến. Họ có cái thấy này: ‹Có bố thí, có người nhận, có đời này đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn, cũng có báo thiện ác, có cha có mẹ, đời có A-la-hán.’ Người này khi thấy gia đình giàu sang lắm tiềnnhiều của, liền nghĩ thầm, ‘Người này có được là nhờ ngày xưa bố thí.’ Hoặc lại thấy nhà nghèo hèn thì nghĩ, ‘Người này trước kia do không bố thí. Nay ta nên tuỳ thời bố thí, chớ để sau này sinh nhà nghèo hèn.’ Vì vậy nên người này thường thích bố thí cho người. Người này nếu thấy sa-môn đạo sĩ thì tuỳ thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh; thảy đều bố thí hết. Nếu sau khi mạng chung tất sinh xứ thiện lên trời. Nếu cõi người tất sinh vào nhà giàu sang, lắm tiền nhiều của. Hạng người này gọi là trước vui sau vui.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 1)
- 192. KHOẢNG KHẮC LÀ SANH LÊN CÕI TRỜI
Ta thường quán sát thấy những điều niệm tưởng trong tâm một người. Người này như trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay mà sinh lên trời. Sở dĩ như vậy, do tâm thiện. Đã sinh tâm thiện, liền sinh lên trời.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 9. Phẩm Con Một, Kinh số 6)
- 193. KHÔNG BIẾT CHÁN ĐỦ MÀ MẠNG CHUNG
Thế gian có hai hạng người vì không biết chán, đủ, mà mạng chung. Hai hạng người ấy là gì? Người được tài vật luôn cất giấu và người có được tài vật lại thích cho người. Đó gọi là hai hạng người không biết chán đủ, mà mạng chung.
Ở đây, có người thiện gia nam tử học các kỹ thuật, hoặc theo nghề làm làm ruộng, hoặc học tập chép sách, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, hoặc tập địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc học làm sứ giảphương xa, hoặc làm thần tá vua, không tránh nóng lạnh, đói rét, cần khổ mà tự mưu sống cho mình. Người ấy làm mọi công sức như vậy mà được tài vật, nhưng người kia không thể dám ăn tiêu, cũng không cấp cho vợ con, cũng không cho nô tì, hay những bà con quyến thuộc; tất cả đều không cho. Những tài vật có được ấy, hoặc bị vua tước đoạt, hoặc bị giặc trộm, hoặc bị lửa thiêu, nước cuốn, phân tán chỗ khác, lợi kia không được hưởng; hoặc ngay trong nhà có người phân tán vật này, không cho để yên một chỗ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là được tài luôn cất giấu.
Kia, sao gọi là được tài vật đem phân cho? Có người thiện gia nam tử học các kỹ thuật, hoặc theo nghề làm ruộng, hoặc tập nghề chép sách, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, hoặc tập địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc học sứ phương xa, hoặc làm thần tá vua, không tránh nóng lạnh, đói rét, cần khổ mà tự mưu sống cho mình. Người ấy làm mọi công sức như vậy mà được tài vật, nhưng người kia đem bố thícho chúng sanh, phụng dưỡng cho cha mẹ, nô tì, vợ con, cũng chu cấp rộng rãi cho Sa-môn, Bà-la-môn, tạo ra các thứ công đức, gieo trồng phước cõi trời. Này Tỳ-kheo, đó gọi là được tài mà đem bố thí.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 2)
- 194. KHÔNG ĐẮC ĐẠO VÌ MƯỜI MỘT LÝ DO
Cũng có hạng chúng sanh không đắc đạo. Hạng người ấy có mười một. Những gì là mười một? Đó là, gian ngụy, ác ngữ, khó can gián, không biết đền trả, hay ganh tị, giết cha mẹ, giết A-la-hán, đoạn thiện căn, việc thiện trở lại làm ác, chấp có ngã, khởi ác niệm nhắm đến Như Lai. Bà-la-môn, đó là mười một hạng người không thể đạt đến đạo tám chi này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 5)
- 195. KHÔNG ĐỦ GIỚI HẠNH
Bà-la-môn bạch Phật: Những người như thế nào là rò rỉ, không đầy đủ?
Thế Tôn đáp: Nếu có người giao tiếp với người nữ, hoặc sờ nắm tay chân nhau, ấp ủ trong lòng, nhớ mãi không quên; người đó, này bà-la-môn, được nói là hành không trọn vẹn, bị rò rỉ, các sự dâm dậtcùng tương ưng với dâm, nộ, si.
Hoặc người ấy đùa cợt, đối đáp với người nữ. Này bà-la-môn, người đó được nói là người này hành không trọn vẹn, bị rò rỉ, có dâm, sân, si; phạm hạnh không đầy đủ để tu thanh tịnh hạnh.
Hoặc có người trừng mắt nhìn người nữ không di chuyển rồi ở trong đó khởi tưởng dâm, nộ, si, sanh các loạn niệm; này bà-la-môn, người này được nói là phạm hạnh không thanh tịnh, không tu phạm hạnh.
Hoặc có người từ xa nghe, hoặc nghe tiếng khóc, hoặc nghe tiếng cười, bèn ở trong đó khởi các loạn tưởng dâm, nộ, si; này bà-la-môn, người này được nói là không thanh tịnh, tu phạm hạnh, cùng tương ưng với dâm, nộ, si, phạm hạnh không toàn đủ.
Lại nữa, hoặc có người đã từng gặp người nữ, sau đó sinh tưởng nhớ hoặc, hoặc con mắt người nữ, ở trong đó sinh tưởng, tại nơi khuất kín vắng vẻ, khởi dâm, nộ, si, cùng ác hạnh tương ưng; này bà-la-môn, người này được nói là không tu Phạm hạnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 9)
- 196. KHÔNG DU HÀNH CÓ NĂM CÔNG ĐỨC
Người không du hành nhiều có năm công đức. Sao gọi là năm? Pháp chưa từng đắc sẽ đắc, pháp đã đắc rồi lại không quên mất, nghe nhiều mà ghi nhớ được, có thể đắc định ý, đã đắc tam-muội rồi không bị mất. Đó gọi là người không du hành nhiều có năm công đức này.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 7)
- 197. KHÔNG KHỞI Ý ĐẮM TRƯỚC
Người kia vì sao như sư tử? Này Tỳ-kheo, hoặc có người được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Người đó được rồi liền tự dùng, không khởi tâm nhiễm trước, cũng không có dục ý, không khởi các tưởng, hoàn toàn không có những niệm này, tự biết pháp xuất yếu. Cho dù không được lợi dưỡng, không khởi loạn niệm, không tâm tăng giảm. Như sư tử chúa ăn thịt thú nhỏ. Lúc đó, vua loài thú cũng không nghĩ: ‘Cái này ngon, cái này không ngon;’ không khởi tâm đắm nhiễm, cũng không dục ý, không khởi các tưởng. Người nầy cũng lại như vậy. Nếu được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Người đó được rồi liền tự dùng, không khởi ý tưởng đắm trước, cho dù không được cũng không có các niệm tưởng.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 4)
- 198. KHÔNG LUẬN BÀN CHÍNH TRỊ
Tỳ kheo, chớ móng tâm luận bàn quốc sự. Vì không do sự luận bàn này mà có thể đạt đến Niết-bàn diệt tận; cũng không phải là pháp chánh hành của sa-môn. Nếu bàn luận những sự việc ấy, đó không phải là chánh nghiệp. Các ngươi nên học mười đề tài bàn luận. Những gì là mười?
Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, là thiết yếu của Niết-bàn.
Các ngươi, các thiện gia nam tử, đã xuất gia học đạo, xa rời thế tục, hãy tinh cần tư duy, chớ để tâm rời xa. Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 6)
- 199. KHÔNG MẠN
Không mạn, dấu cam lồ
Phóng dật, con đường chết
Không mạn, thì không chết
Ai mạn, tức là chết.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 10. Phẩm Hộ Tâm, Kinh số 1)
- 200. KHÔNG NÊN GẦN GŨI
Có hai sự này, người học đạo không nên gần gũi. Hai sự ấy là gì?
1) Tham đắm pháp dục lạc; đó là pháp phàm phu hạ tiện.
2) Hoặc lại tự hành khổ, với trăm mối khổ não.
Đó là hai việc mà người học không nên gần gũi. Như vậy, sau khi xả bỏ hai sự này, Ta tự có con đườngchí yếu thành tựu được Chánh giác, sinh nhãn, sinh trí, ý được tịch tĩnh, đắc các thần thông, thành quảSa-môn, đạt đến Niết-bàn.
Thế nào là con đường chí yếu thành tựu được Chánh giác, sinh nhãn, sinh trí, ý được tịch tĩnh, đắc các thần thông, thành quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn? Đó là tám phẩm đạo Hiền thánh, là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường chí yếu, khiến Ta thành tựu được Chánh giác, sinh nhãn, sinh trí, ý được tịch tĩnh, đắc các thần thông, thành quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học xả bỏ hai sự ấy và tu tập đạo chí yếu.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 19. Phẩm Khuyến Thỉnh, Kinh số 2)
- 201. KHÔNG NÓI DỐI
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người, thì hơi miệng hôi hám, làm người chán ghét: đó là nói dối vậy.
Này các Tỳ-kheo, nếu có người nào nói dối, nói thêu dệt, gây tranh cãi phải quấy, thì liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì sao vậy? Vì sự nói dối ấy.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, phải chí thành không được nói dối.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 7)
- 202. KHÔNG PHÁ HOẠI THÁNH CHÚNG
Chẳng thà thường hay ngủ, chứ đừng để trong khi thức mà có ý nghĩ muốn phá họai Thánh chúng. Đã phá hoại Thanh chúng, đọa tội ngũ nghịch, thì dù có đến ức nghìn chư Phật cũng không thể cứu chữa. Những ai gây đấu loạn giữa Chúng, người ấy sẽ đọa tội không thể cứu chữa. Vì vậy ở đây Ta nói, chẳng thà cứ hay ngủ, chứ đừng để trong khi thức mà có ý muốn phá hoại Thánh chúng, chịu tội không thể cứu chữa.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 6)
- 203. KHÔNG PHÓNG DẬT
Tỳ-kheo thường thủ hộ tâm khỏi pháp hữu lậu. Khi Tỳ-kheo thủ hộ tâm khỏi pháp hữu lậu, vị ấy liền ở nơi pháp hữu lậu mà được an vui, cũng có tín lạc, an trụ không di dịch, hằng chuyên tâm ý, luôn tự lựccố gắng.
Vị kia hành không phóng dật, hằng tự cẩn thận, nếu dục lậu chưa sinh thì khiến không sinh; dục lậu đã sinh, thì có thể khiến nó diệt. Hữu lậu chưa sinh thì khiến không sinh, hữu lậu đã sinh, thì có thể khiến nó diệt. Vô minh lậu chưa sinh thì khiến không sinh; vô minh lậu đã sinh, thì có thể khiến nó diệt.
Tỳ-kheo ở đó hành không phóng dật, ở một nơi vắng vẻ, thường tự giác tri, an trú, liền được giải thoátkhỏi tâm dục lậu; liền được giải thoát khỏi tâm hữu lậu, vô minh lậu. Khi đã được giải thoát, liền được giải thoát trí, biết rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.
(Tăng Nhất A Hàm,10. Phẩm Hộ Tâm, Kinh số 1)
- 204. KHÔNG PHÓNG DẬT VÀ TU BỐN CHÁNH ĐOẠN
Trong những ánh sáng tinh tú, ánh sáng mặt trăng là tối thượng đệ nhất. Trong các loại hoa như hoa chiêm bặc, hoa tu-ma-na trên chư thiên giữa loài người, hoa bà-sư là tối đệ nhất. Ở đây cũng như vậy, trong những công đức thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, hành không phóng dật là đệ nhất tối tôn tối quý. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn chánh đoạn, tu nhiều bốn chánh đoạn.
1) Pháp tệ ác chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sanh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sanh.
2) Pháp tệ ác đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến diệt, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt.
3) Pháp thiện chưa sanh, tìm cầu phương tiện khiến sanh.
4) Pháp thiện đã sanh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 26. Phẩm Bốn Đoạn Ý, Kinh số 3-4)
- 205. KHÔNG PHÓNG DẬT NƠI THIỆN PHÁP
Không gây nhiễu tất cả chúng sanh, không gây hại tất cả chúng sanh, không não hại tất cả chúng sanh. Đó là hành không phóng dật. Kia sao gọi là thiện pháp? Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh: chánh kiến, chánh tinh tấn, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tư duy, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là thiện pháp.
Thí tất cả chúng sanh
Không bằng người thí pháp
Thí chúng sanh tuy phước
Pháp thí một người hơn.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 10. Phẩm Hộ Tâm, Kinh số 2)
- 206. KHÔNG TÀ DÂM VỢ NGƯỜI
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu hành, tu hành nhiều, mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn: đó là không tà dâm vợ người.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người nào trinh khiết, không tà dâm, thân thể hương khiết, cũng không có tưởng tà vạy, sẽ hưởng được phước cõi người, cõi trời.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ hành tà dâm, khởi ý dâm loạn.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 6)
- 207. KHÔNG TAM-MUỘI
Lành thay, như Xá-lợi-phất mới có thể an trú nơi Không tam-muội. Vì sao vậy? Trong các tam-muội, Không tam-muội là tối thượng đệ nhất. Tỳ kheo an trú Không tam-muội không chấp trước ngã, nhân, thọ mạng, cũng không thấy có chúng sinh, cũng không thấy có bản mạt của các hành. Do không thấy có, nên không tạo gốc rễ của hành. Do không có hành nên không còn tái sinh đời sau. Do không còn tái sinh đời sau, nên không còn thọ nhận quả báo khổ lạc.
Xá-lợi-phất, nên biết, ngày xưa khi Ta chưa hành Đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: Các loài chúng sinh này do không nắm bắt được pháp gì mà phải trôi lăn trong sinh tử, không được giải thoát? Khi ấy, Ta lại nghĩ, vì không có Không tam-muội nên phải trôi nổi sinh tử, không được giải thoát. Có Không tam-muội này, nhưng chúng sinh chưa đạt được, khiến chúng sinh khởi tưởng niệm đắm trước. Do khởi tưởng thế gian nên thọ nhận phần sinh tử. Nếu đạt được Không tam-muội này, không có gì là sở nguyện, do đó đạt được Vô nguyện tam-muội. Do đạt được Vô nguyện tam-muội, không mong cầu chết nơi này sinh về nơi kia; hoàn toàn không có tưởng niệm. Bấy giờ hành giả ấy lại đạt được và an trú trong Vô tướng tam-muội.
Các loài chúng sanh này do không đạt được ba tam-muội này nên trôi nổi sinh tử.
Sau khi quán sát các pháp, Ta liền đắc Không tam-muội. Sau khi đắc Khong tam-muội, Ta liền thành A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ đề. Ta lúc bấy giờ do đạt được Không tam-muội, bảy ngảy bảy đêm quán sát cây Đạo thọ, mắt không hề nháy.
Xá-lợi-phất, do phương tiện này mà biết rằng Không tam-muội là tối đệ nhất trong các tam-muội. Vua trong các tam-muội là Không tam-muội vậy. Cho nên, xá-lợi-phất, hãy tìm cầu phương tiện hoàn thànhKhông tam-muội.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 6)
- 208. KHÔNG THOÁT THẦN CHẾT DÙ CÓ TRỐN Ở ĐÂU
Bấy giờ, bốn bà-la-môn cùng đắc ngũ thông, tu hành pháp lành, ở chung một chỗ, bàn luận với nhaurằng: Lúc thần chết đến, chẳng tránh người mạnh khoẻ. Mỗi người hãy ẩn nấp khiến thần chết không biết chỗ đến.
Sau đó, một bà-la-môn bay lên không trung, muốn được khỏi chết; nhưng tránh chẳng khỏi, mà chết ở không trung. Vị bà-la-môn thứ hai lặn xuống đáy biển lớn, muốn được khỏi chết, nhưng chết ở đó. Bà-la-môn thứ ba muốn khỏi chết, chui vào lòng núi Tu-di và chết trong đó. Bà-la-môn thứ tư chui xuống đất, đến biên tế kim cang, muốn được thoát chết, lại chết ở đó.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn xem thấy bốn bà-la-môn, mỗi người đều tránh chết mà thảy đều chết.
Không phải hư không, biển
Không phải vào hang đá
Không có địa phương nào
Thoát khỏi không bị chết.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 4)
- 209. KHÔNG TÌM ĐƯỢC LÕI CÂY
Các ngươi chớ dấy lên ý tưởng này, ham lợi dưỡng của Tỳ kheo Đề-bà-đạt-đâu. Kẻ ngu kia vì lợi dưỡng này sẽ tự diệt vong. Vì sao vậy? Ở đây Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đâu sẽ không đạt kết quả như ước nguyện đối với mục đích xuất gia học đạo.
Như có người ra khỏi làng xóm, tay cầm búa bén, đi đến cây lớn, ý mong muốn trước hết là mong cây lớn, nhưng khi kịp đến cây kia thì chỉ mang cành lá trở về. Nay Tỳ-kheo này cũng như vậy, vì tham đắm lợi dưỡng. Vì lợi dưỡng này, tự khen mình trước mọi người, chê bai người khác, nên những việc làmcủa Tỳ-kheo không đạt kết quả như sở nguyện. Người ấy vì lợi dưỡng này nên không tìm cầu phương tiện khởi tâm dõng mãnh như người kia tìm không được lõi cây, bị người trí vứt bỏ.
Nay Tỳ-kheo cũng vậy, phát sinh lợi dưỡng, nhưng vâng giữ giới luật, không tự khen, lại chẳng chê bai người khác. Tu hành tam-muội cũng như vậy, lần lượt hành trí huệ. Ở trong pháp này, trí huệ là bậc nhất. Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đâu ở trong pháp này đã không được trí huệ, tam muội, cũng không đầy đủ pháp giới luật.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 4)
- 210. KHÔNG TRANH LUẬN CHUYỆN THỊ PHI
Không nên gặp người ngu
Đừng a tòng người ngu
Cũng đừng cùng thảo luận
Tranh luận chuyện thị phi.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 6)
- 211. KHÔNG UỐNG RƯỢU
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà chịu tội địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người thì cuồng si, ngu muội, không biết chân ngụy: đó là uống rượu.
Nếu có người nào tâm ham uống rượu, thì sẽ sinh vào nơi không có trí tuệ, thường chịu ngu si.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ uống rượu.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 9)
- 212. KHÚC GỖ KHÔNG VƯỚNG BỜ
Nếu khúc gỗ này không vướng bờ này, không vướng bờ kia, không chìm giữa dòng, không bị tấp lên bờ, không bị người vớt, không bị phi nhân vớt, không bị dòng nước xoáy, không bị mục rã, nó sẽ trôi dần đến biển. Vì sao vậy? Vì biển là nguồn gốc của các dòng sông.
Tỳ-kheo, các ngươi cũng như vậy. Nếu không không đắm bờ này, không đắm bờ kia, không chìm giữa dòng, không tấp lên bờ, không bị người bắt giữ, không bị phi nhân bắt giữ, cũng không bị nước xoáy, cũng không bị mục rã, dần dần các ngươi sẽ xuôi đến Niết-bàn. Vì sao vậy? Xuôi đến Niết-bàn là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó là nguồn gốc của Niết-bàn.
Bấy giờ, có người chăn bò tên Nan-đà đang đứng chống gậy. Người chăn bò từ xa nghe những lời nóinhư vậy, bèn đi lần đến chỗ Thế Tôn mà đứng. Bấy giờ người chăn bò bạch Thế Tôn:
Nay con cũng không vướng bờ này, không vướng bờ kia, không chìm giữa dòng, không tấp lên bờ, không bị người vớt, chẳng bị phi nhân vớt, không bị dòng nước xoáy, cũng chẳng mục rã, dần dần xuôi về Niết-bàn. Cúi xin Đức Thế Tôn cho phép con ở trong đạo này được làm sa môn.
Như Lai chấp thuận ông làm sa-môn, thọ giới cụ túc.
Bờ này là chỉ thân. Bờ kia là thân diệt tận. Chìm giữa dòng là dục ái. Tấp lên bờ là năm dục. Bị người bắt giữ là, như có thiện gia nam tử phát thệ nguyện này: ‘Do phước lành công đức này tôi sẽ làm vua nước lớn, hoặc làm đại thần.’ Bị phi nhân bắt giữ là, như có Tỳ-kheo phát nguyện như vầy: ‘Tôi sẽ sinh lên trời Tứ thiên vương mà hành phạm hạnh. Nay ta đem công đức nguyện sanh về các cõi trời.’ Đó gọi là bị phi nhân bắt giữ. Bị dòng nước xoáy, đó là tà nghi. Mục rã là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Đó là mục rã.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 3)
- 213. KIẾN ĐOẠN TRỪ HỮU LẬU
Ở nơi Tỳ-kheo mà những gì là hữu lậu được đọan trừ bởi kiến, liền được đoạn trừ bởi kiến; được đoạn trừ bởi kham nhẫn liền được đoạn trừ bởi kham nhẫn , được đoạn trừ bởi thân cận liền thân cận, được đoạn trừ bởi viễn ly liền được đoạn trừ bởi viễn ly, được đoạn trừ bởi oai nghi liền được đoạn trừ bởi oai nghi, được đoạn trừ bởi tư duy liền tư duy. Đó gọi là Tỳ-kheo đầy đủ tất cả oai nghi có thể đoạn ái kết, xả ái dục, vượt qua bốn bộc lưu, dần dần thoát khổ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là pháp trừ hữu lậu.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 6)
- 214. KIẾP SỐ LÂU DÀI
Ví dụ có một núi đá lớn, dài rộng một do tuần, cao một do tuần. Giả sử một người tay cầm một tấm lụa trời, cứ một trăm năm phất một cái. Cho đến khi đá mà hết mà số kiếp vẫn khó hạn định. Số kiếp lâu dàikhông có biên tế, như vậy không phải một kiếp hay một trăm kiếp. Vì sao vậy? Sanh tử lâu dài, không thể hạn lượng, không có biên tế. Chúng sanh bị vô minh bao phủ, trôi nổi sanh tử không có kỳ hạn thoát ra. Chết đây, sanh kia, không hề cùng tận. Ta ở trong đó mà nhàm chán sanh tử. Như vậy, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện dứt hết tưởng ái ân này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 4)
- 215. LA-HẦU-LA CHỨNG A-LA-HÁN
La-hầu-la tư duy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục, không còn các thứ ác, có tầm, có tứ, có hỷ lạcdo viến ly sinh, chứng và an trú sơ thiền. Tầm từ đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, chuyên tinh nhất tâm; không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sinh, chứng nhập và an trú nhị thiền. Lìa hỷ, an trú xả, giác tri thân lạc, điều mà các Hiền thánh nói, xả, niệm, an trú lạc, chứng nhập và an trú an trú tam thiền. Khổ và lạc kia đã diệt, ưu hỷ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc; xả, niệm thanh tịnh, chứng nhập và an trú tứ thiền.
Với tâm tam-muội này, thanh tịnh không bụi nhơ, thân thể nhu nhuyến, La-hầu-la biết mình từ đâu đến, nhớ những việc đã làm trước kia, tự biết đời trước, những việc trong vô số kiếp trước; cũng biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, nghìn đời, vạn đời, hàng nghìn vạn đời, kiếp thành, kiếp bại, vô số kiếp thành, vô sốkiếp bại, ức năm không thể kể xiết: Ta đã từng sinh nơi kia, tên gì, họ gì, ăn thức ăn như vậy, hưởng khổ vui như vậy, thọ mạng dài ngắn, chết kia sinh đây, chết đây sinh kia.
Với tâm tam-muội này, thanh tịnh không tì vết, La-hầu-la cũng không còn các kết, cũng biết chỗ khởi của tâm chúng sanh. Bằng thiên nhãn thanh tịnh không tì vết, La-hầu-la quán biết như thật các loài chúng sinh, người sống, kẻ chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, điều đã làm, điều đã tạo. Hoặc có chúng sanh thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, phỉ báng Hiền thánh, thường hành tà kiến, tạo hạnh tà kiến, thân hoại mạng chung. sinh vào địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền thánh, thường hành chánh kiến, tạo hạnh chánh kiến, thân hoại mạng chung sinh lên trời cõi thiện. Đó gọi là thiên nhãn thanh tịnh không tì vết, quán biết như thật các loài chúng sanh, người sống, kẻ chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, điều đã làm, điều đã tạo.
Rồi lai vận dụng ý, thành tâm vô lậu. La-hầu-la lại quán biết như thật đây là khổ; lại quán biết như thậtđây là tập khởi của khổ, cũng quán biết như thật đây là sự diệt tận khổ, cũng quán biết như thật đây là xuất yếu của khổ. La-hầu-la quán biết như thật như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu; được giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoát, nên liền được trí giải thoát, biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la thành A-la-hán.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 1)
- 216. LẠC THỌ LÀ SỨ GIẢ CỦA ÁI DỤC
Cảm thọ lạc kia là sứ giả của ái dục. Cảm thọ khổ kia là sứ giả của sân nhuế sai khiến. Cảm thọ không khổ không lạc kia là sứ giả của si. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy học phương tiện tìm cầu diệt các sứ giảnày. Vì vậy, các ngươi hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Các Tỳ-kheo nên biết, sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ-kheo nào tự niệm nhiệt hành tu hành pháp này, đắc pháp vô tỷ, người ấy chính là đệ nhất Thanh văn.
Tỳ-kheo, hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Ở đây, Tỳ-kheo tự quánthân nơi nội thân, tự quán thân nơi ngoại thân, tự quán thân nơi ngoại thân mà tự an trú; quán nội thọ, quán ngoại thọ, quán nội ngoại thọ; quán nội tâm, quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm; quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp tự an trú.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 3)
- 217. LÀM NGẠ QUỶ LÀ DO TÀ DÂM
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người, sống tại gia gian dâm không có tịnh hạnh, bị người chê bai, và thường bị phỉ báng. Một pháp gì? Đó là tà dâm.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người nào dâm dật vô độ, thích xâm phạm vợ người, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người thì khuê môn dâm loạn.
Các Tỳ-kheo, hãy thường chánh ý, chớ khởi ý tưởng dâm. Cẩn thận chớ xâm phạm vợ người.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 5)
- 218. LÀM SAO SANH LÀM NGƯỜI TRỞ LẠI?
Ta biết con đường của con người, cũng biết con đường dẫn đến chỗ người. Những ai tạo hành vi gì khi thân hoại mạng chung sanh vào trong loài người, Ta cũng biết rõ. Ở đây, Tỳ kheo, Ta quán sát những điều suy nghĩ trong tâm của các loài chúng sanh, thấy người này sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào trong loài người. Về sau Ta quán sát thấy người ấy đã sanh trong loài người.
Vì sao người ấy sanh trong loài người? Cũng như gần thôn xóm có một gốc đại thọ, ở tại chỗ bẳng phẳng, có nhiều bóng mát. Có một ngưới có mắt, thấy biết chỗ đó. Người ấy đi đến đó, nhất đinh không nghi ngờ gì. Về sau Ta quán sát thấy người ấy đã đến nơi gốc cây này, được nhiều lạc thú vô lượng. Làm sao người ấy đến được chỗ đó? Đây cũng vậy, Ta quán sát những điều suy nghĩ trong tâm chúng sanh, biết người ấy khi thân hoại mạng chúng sanh vào loài người không nghi. Về sau ta quán sát thấy người ấy sanh vào loài người hưởng vô lượng an lạc. Ta biết nẻo đến loài người, cũng biết con đườngdẫn đến chỗ loài người. Điều mà Ta đã nói là như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 7)
- 219. LÀM SAO SANH LÊN CÕI TRỜI?
Ta cũng biết con đường dẫn đến cõi trời. Những chúng sanh nào làm các công nghiệp gì để sanh trời, Ta cũng biết rõ. Do nhân duyên gì mà Ta nói điều này? Ta nay quán sát những điều suy nghĩ trong tâm của chúng sanh, biết người ấy khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên trời. Về sau quán sát thấy người ấy thân hoại mạng chung đã sanh lên trời, ở đó hưởng thọ phước báo tự nhiên, khoái lạc vô cùng. Nói rằng người ấy đã sanh lên trời ở đó hưởng thọ phước tự nhiên, khoái lạc vô cùng.
Cũng như gần thôn xóm có một giảng đường cao rộng, được chạm trổ văn vẻ, treo tràng phan, lụa là, rưới nước thơm lên đất, trải lót chỗ ngồi bằng đệm chăn thêu thùa. Có người đi thẳng một đường đến. Có người có mắt nhìn thấy con đường duy nhất thẳng đến đó. Người ấy đang hướng đến giảng đườngcao rộng ấy mà đi, tất đến đó không nghi. Về sau quán sát thấy người ấy đã đến trên giảng đường, hoặc ngồi, hoặc nằm, ở đó hưởng thọ phước, khái lạc vô cùng. Ở đây cũng vậy, Ta quán sát thấy chúng sanh nào thân hoại mạng chung sẽ sanh và cõi thiện, sanh lên trời, ở đó hưởng thọ phước lạc không kể xiết. Vì sao người ấy đã sanh lên trời? Há không phải Ta biết rõ con đường dẫn đến thiên đạo chăng? Điều mà Ta nói là như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 7)
- 220. LẬU ĐƯỢC ĐOẠN BẰNG THÂN CẬN
Tỳ-kheo nắm giữ tâm khi nhận y, không vì trang sức mà chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng, muốn cho gió mưa không chạm vào thân mình; lại che thân thể không để lộ ra ngòai. Lại nữa, nắm giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm nhiễm đắm, chỉ cốt giữ gìn thân thể khiến cho bệnh cũ được lành, mới không sinh; gìn giữ các hành không cho xúc phạm, an ổn lâu dài mà tu tập phạm hạnh lâu bền ở đời. Lại nắm giữ tâm ý, khi thọ dụng giường ghế, cũng không ham trang trí tốt đẹp, chỉ mong trừ đói lạnh, gió mưa, ruồi muỗi, giữ gìn thân mình để thực hành đạo pháp.
Lại nữa, giữ tâm khi thọ dụng thuốc trị bệnh, không sanh tâm nhiễm đắm nơi thuốc trị bệnh kia, chỉ mong cho bệnh tật được trừ khỏi, thân thể được an ổn. Nếu không thọ dụng như vậy thì tai hại của hữu lậu sẽ phát sinh. Nếu thọ dụng như vậy thì tại hại của hữu lậu không sinh. Đây gọi là hữu lậu được đoạn bởi thân cận.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 6)
- 221. LẬU ĐƯỢC ĐOẠN BẰNG TƯ DUY
Sao gọi là lậu được đoạn bởi tư duy? Ở đây, Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu; tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu. Nếu không tu pháp này thì sinh tai họan hữu lậu. Nếu có thể tu pháp này thì không sinh tai hoạn hữu lậu.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 6)
- 222. LẠY PHẬT ĐƯỢC NĂM CÔNG ĐỨC
Thừa sự, lạy Phật có năm công đức. Những gì là năm? Một là xinh đẹp, hai là tiếng hay, ba là lắm tiềnnhiều của, bốn là sanh nhà trưởng giả, năm là chết sanh lên trời, các cõi lành. Vì sao vậy? Vì Như Laikhông ai sánh bằng. Như Lai có tín, có giới, có văn, có tuệ, có sắc thiện thành tựu, cho nên thành tựunăm công đức.
Vì nhân duyên gì lạy Phật mà được xinh đẹp? Chính do vì thấy hình ảnh Phật mà phát tâm hoan hỷ, vì lý do nầy nên được xinh đẹp.
Vì nhân duyên gì được âm thanh hay? Nhờ thấy hình ảnh Như Lai, đã tự xưng hiệu niệm ba lần, ‘Nam mô Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác.’ Vì lý do này nên được âm thanh hay.
Vì nhân duyên gì mà được lắm tiền nhiều của? Do thấy Như Lai mà bố thí lớn, rải hoa, đốt đèn và thí những vật khác. Vì nhân duyên này được nhiều của báu.
Vì nhân duyên gì sanh nhà trưởng giả? Khi thấy thân Như Lai, tâm không đắm nhiễm, gối phải quỳ sát đất, chấp tay chí tâm lạy Phật, do nhân duyên này sanh nhà trưởng giả.
Vì nhân duyên gì thân họai mạng chung sanh lên trời, cõi lành? Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, những chúng sanh nào đem năm duyên sự lạy Như Lai liền sanh lên trời, cõi lành.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 3)
- 223. LỄ THÁP NHƯ LAI CÓ MƯỜI PHÁP
1) Khởi ý dũng mãnh, vì có điều khả kham.
2) Ý không tán loạn, vì hằng nhất tâm.
3) Thường niệm chuyên ý, vì có chỉ quán.
4) Các niệm vắng lặng, vì nhập tam-muội.
5) Ý đến vô lượng, do bởi trí tuệ.
6) Ý khó quán sát, do bởi hình.
7) Ý tĩnh đạm nhiên, do bởi oai nghi.
8) Ý không rong ruổi, do bởi danh xưng.
9) Ý không tửơng tượng, do bởi sắc.
10) Phạm âm khó sánh, vì dịu dàng.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn lễ bái tháp miếu Như Lai, nên đầy đủ mười pháp lễ bái tháp miếu Như Lai này, để cho lâu dài được phước vô lượng. Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 1)
- 224. LÌA DỤC
Sao phải lìa bỏ dục? Nếu ai hay tu hành trừ tham dục; đó gọi là bỏ dục.
Các sa-môn, bà-la-môn mà không như thật biết tai hoạn lớn của dục, cũng lại không biết nguyên do xả ly dục; không biết sa-môn, oai nghi của sa-môn, không biết bà-la-môn, oai nghi của bà-la-môn, những người ấy chẳng phải là sa-môn, chẳng phải bà-la-môn, cũng lại không thể tự thân tác chứng mà tự an trú. Nghĩa là các sa-môn, bà-la-môn mà xét biết dục là tai hoạn lớn, xa lìa dục, như thật không hư dối, biết sa-môn có oai nghi của sa-môn, biết bà-la-môn có oai nghi của bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú. Đó là lìa bỏ dục.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 9)
- 225. LOÀI NGƯỜI VÀ CHƯ THIÊN KHÔNG AI SÁNH KỊP
Có một con người xuất hiện ở thế gian mà không có một ai bắt kịp, không thể bắt chước, đi một mình, không bạn lữ, không ai sánh ngang; chư thiên cùng loài người không ai có thể sánh kịp; nơi tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không ai sánh kịp̣.
Một con người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 8. Phẩm A-Tu-La, Kinh số 10)
- 226. LỢI DƯỠNG
Nhận lợi dưỡng người rất nặng, không dễ; nó khiến con người không đến được nơi vô vi. Vì sao vậy? Vì báo lợi dưỡng cắt vào da người. Đã cắt da rồi cắt thịt. Đã cắt thịt rồi cắt xương. Đã cắt xương liền thấu tủy.
Cho nên các Tỳ-kheo, nhờ phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất là nặng. Nếu tâm lợi dưỡng chưa sinh thì chớ để nó sinh, đã sinh thì tìm cách diệt nó.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Nhập Đạo, Kinh số 9)
- 227. LỜI PHẬT DẠY CĂN BẢN
Chớ làm các điều ác
Vâng làm các điều
Tự thanh tịnh tâm ý
Là lời Chư Phật dạy.
Sở dĩ như vậy là vì, chớ làm các điều ác, đó là gốc rễ của các pháp, từ đó xuất sinh tất cả các pháp thiện. Do sinh pháp thiện, nên tâm ý thanh tịnh. Cho nên, bạch Ca-diếp, thân, khẩu, ý hành của chư Phật Thế Tôn thường tu thanh tịnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Phẩm Tựa, số 1)
- 228. LỰC VÀ VÔ ÚY
Thế nào là hai pháp? Có lực, có vô úy. Tỳ-kheo, đó gọi là có hai pháp này, bên trong tự tư duy, và chuyên tinh nhất ý lễ kính pháp bảo, hay thần miếu Như Lai.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 15. Phẩm Hữu Vô, Kinh số 8)
- 229. LƯỜI BIẾNG LÀ KHỔ
Nếu có người lười biếng, gieo trồng hành vi bất thiện, có sự tổn hại trong các sự. Nếu có người siêng năng không lười biếng, người nầy tối diệu, có tăng ích trong các thiện pháp. Vì sao vậy? Bồ-tát Di-lặc trải qua ba mươi kiếp, mới thành Phật Chí chân, Đẳng chánh giác. Ta nhờ tâm dõng mãnh, sức tinh tấn, nên khiến Di-lặc ở sau. Hằng sa các Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác, thời quá khứ, đều do dõng mãnh mà được thành Phật. Do phương tiện nầy, nên biết, lười biếng là khổ, tạo các hành ác, có tổn hạitrong các sự. Nếu có tâm dõng mãnh tinh tấn mạnh, có tăng ích trong các công đức thiện. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tinh tấn, chớ có lười biếng.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 6)
- 230. LƯỚI VÂY CỦA NỮ SẮC
Tiếng Phạm thiên êm dịu
Như Lai nói, khó thấy
Nếu có lúc nào thấy
Hãy buộc niệm trước mắt.
Cũng chớ cùng người nữ
Qua lại chuyện trò nhau
Hằng giăng lưới bắt người
Không đến vô vi được.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 9. Phẩm Con Một, Kinh số 1)
- 231. MA TRÓI BUỘC
Không có sự trói buộc nào chặt hơn đây, nhưng so đây, sự trói buộc của Ma còn chặt hơn. Nếu khởi kết sử, là bị Ma trói buộc. Dao động, bị Ma trói buộc. Bất động, không bị Ma trói buộc. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện khiến tâm không bị trói buộc, nên vui thích nơi nhàn tĩnh. Vì sao vậy? Vì các kết sử này là cảnh giới của Ma.
Nếu có Tỳ-kheo nào ở cảnh giới Ma thì quyết không thể thoát sanh, già, bịnh, chết, không thoát sầu ưu khổ não. Nay Ta nói về sự dứt khổ này. Nếu Tỳ-kheo tâm không dao động, không dính kết sử, liền thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo, khổ não. Nay Ta nói về sự dứt khổ này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này: không có kết sử, vượt ra khỏi cõi Ma.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 8)
- 232. MẤT THÂN MẠNG CHỨ HỘ SÁU CĂN
Chẳng thà cứ thường hay ngủ nhiều, chớ đừng trong khi thức mà tư duy loạn tưởng, để rồi thân hoại mạng chung sanh vào nẻo dữ.
Chẳng thà để cho dùi sắt đang rực cháy ịn vào mắt, chứ không để nhìn sắc mà nổi lên loạn tưởng. Tỳ kheo khởi tưởng như vậy bị bại hoại bởi thức. Tỳ kheo bị hủy hoại bởi thức sẽ rời vào ba nẻo dữ, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Điều Ta muốn nói là như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 6)
- 233. MÁU CỦA SANH TỬ NHIỀU HƠN NƯỚC SÔNG HẰNG
Thế nào, Tỳ kheo, các ngươi, trong sanh tử, máu đổ ra khi thân thể các người hủy hoại nhiều hơn hay nước sông Hằng nhiều hơn?
Các Tỳ kheo đáp: Chúng con quán sát nghĩa mà Như Lai nói, máu đổ ra trong sanh tử trôi nổi nhiều hơn nước sông Hằng.
Phật bảo Tỳ kheo: Lành thay, lành thay, các Tỳ kheo! Đúng như các ông nói, máu nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao vậy? Trong sanh tử, hoặc có khi làm bò, dê, heo, chó, hươu, ngựa, chim, thú, và vô số loài khác nữa, trải qua khổ não, thật đáng nhàm chán, hãy suy niệm xả ly. Như vậy, Tỳ kheo, hãy học điều này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 2)
- 234. MỘT THỜI TIẾT MÀ NGƯỜI PHẠM HẠNH CÓ THỂ TU TẬP
Có một pháp thời tiết mà người phạm hạnh có thể tu hành. Một ấy là gì?
Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp đạt đến Niết-bàn, mà người này sinh ở trung tâm đất nước, thế trí biện thông, đối vật đều sáng tỏ, tu hành chánh kiến, có thể phân biệt pháp thiện ác, tin có đời này, đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn tu chánh kiến, tác chứng, đắc A-la-hán. Đó gọi là một pháp khiến người phạm hạnh có thể tu hành, đắc đến Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 1)
- 235. MƯA THAM
Tham, dâm như mưa mùa
Với dục không biết đủ
Vui ít mà khổ nhiều
Những điều người trí bỏ.
Giả sử hưởng dục trời
Vui hưởng với ngũ nhạc
Không bằng đoạn tâm ái
Là đệ tử Chánh giác.
Tham dục dài ức kiếp
Phước hết trở lại ngục
Hưởng lạc há bao lâu
Liền chịu khổ địa ngục.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 7)
- 236. MƯỜI CÔNG ĐỨC
1) Thừa sự Thánh chúng
2) Hòa hiệp thuận thảo
3) An ổn Thánh chúng
4) Hàng phục người xấu
5) Khiến các Tỳ kheo có tàm quý không bị quấy nhiễu
6) Người không tin khiến xác lập tín căn
7) Người đã tin khiến càng tăng ích
8) Ngay trong hiện pháp được dứt sạch các lậu
9) Cũng khiến các thói xấu hữu lậu đời sau được trừ diệt
10) Lại khiến Chánh pháp tồn tại thế gian lâu dài, thường niệm tư duy bằng phương tiện nào để Chánh pháp tồn tại lâu dài.
Tỳ kheo, đó là mười pháp công đức, Như Lai xuất hiện ở đời đã thuyết cho Tỳ kheo. Cho nên, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu giới hạnh, chớ để thoái thất công đức.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 1)
- 237. MƯỜI ĐIỀU ĐƯA VÀO CÕI DỮ VÀ LÀNH
Tu hành mười pháp gì mà sinh vào nẻo dữ? Ở đây, có người sát sanh, trộm cướp, dâm dật, nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, tật đố, sân hận, khơi dậy tà kiến.
Tu hành mười pháp gì được sinh lên trời? Ở đây, có người không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dật, không nói dối, không ỷ ngữ, không ác khẩu, không hai lưỡi gây đấu loạn đây kia, không tật đố, không sân hận, không khơi dậy tà kến.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 1)
- 238. MƯỜI MỘT PHÁP QUÁN TÂM
Nếu người chăn thành tựu mười một pháp, người ấy có thể chăm sóc đàn bò không hề thất thời, được nhiều lợi ích. Những gì là mười một? Ở đây người chăn bò biết sắc, biết phân biệt tướng, cần vuốt chải thì vuốt chải, che đậy vết thương lở, tùy thời xông khói, biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ, biết chỗ qua sông, biết yêu mến bò, phân biệt thời nghi, biết tính hạnh, khi vắt sữa thì biết chừa lại, tùy thời chăm sóc con bò đang được dùng. Như vậy người chăn bò chăm sóc đàn bò.
Cũng vậy, cũng như người chăn bò, Tỳ kheo thành tựu mười một pháp mà không mất thời tiết, trọn không bị trở ngăn. Tỳ kheo thành tựu mười một pháp như vậy, ngay trong hiện pháp, được nhiều điều lợi ích. Những gì là mười một? Ở đây, Tỳ kheo biết sắc, biết tướng, biết vuốt chải, biết che đậy vết thương, biết xông khói, biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ, biết điều đáng yêu, biết chọn đường đi, biết chỗ qua sông, biết kính Tỳ kheo trưởng lão mà tùy thời lễ bái.
1) Tỳ kheo biết sắc bốn đại, và cũng biết sắc do bốn đại tạo. Đó gọi là Tỳ kheo biết sắc.
2) Tỳ kheo biết tướng ngu, biết tướng trí; biết như thật. Như vậy, Tỳ kheo biết tướng.
3) Tỳ kheo khi khởi tâm niệm dục tưởng, liền biết xả ly, không thân cận, vĩnh viễn không có dục tưởng. Khi sân tưởng, hại tưởng, các tưởng ác bất thiện khởi lên, liền biết xả ly, không thân cân, vĩnh viễnkhông có sân tưởng các thứ. Như vậy, Tỳ kheo biết vuốt chải.
4) Tỳ kheo khi mắt thấy sắc mà không khởi sắc tưởng, cũng không nhiễm trước, mà làm thanh tịnhnhãn căn; trừ khử các pháp ác bất thiện, sầu ưu, tâm không tham đắm, ở trong đó mà thủ hộ nhãn căn. Cũng vậy, Tỳ kheo khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết trơn láng, ý biết pháp mà không khởi thức tưởng, cũng không nhiễm trước, mà thanh tịnh ý căn. Như vậy, Tỳ kheo biết che đậyvết thương.
5) Tỳ kheo nói lại cho người khác pháp mà mình đã từng nghe. Như vậy, Tỳ kheo biết xông khói.
6) Tỳ kheo như thật biết tám phẩm đạo Hiền Thánh. Như vậy, Tỳ kheo biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ.
7) Tỳ kheo nghe pháp bảo mà Như Lai đã nói, trong tâm liền yêu quý. Như vậy, Tỳ kheo biết điều đáng yêu quý.
8) Tỳ kheo đối với 12 bộ kinh biết lựa chọn mà hành. Đó là, Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ quyết, Kệ, Nhân duyên, Bản mạt, Phương đẳng, Thí dụ, Sanh kinh, Thuyết, Quảng phổ, Vị tằng hữu pháp. Như vậy, Tỳ kheo biết chọn đường đi.
9) Tỳ kheo biết bốn niệm xứ. Đó là Tỳ kheo biết chỗ qua sông.
10) Tỳ kheo có bà-la-môn, ưu-bà-tắc, là những người có tín tâm, đến thỉnh. Tỳ kheo không tham ăn uống, có thể biết đủ mà dừng lại. Tỳ kheo, như vậy là vừa đủ.
11) Tỳ kheo hằng với thiện hành bởi thân, miệng, ý đối với các Tỳ kheo trưởng lão. Như vậy Tỳ kheo tùy thời cung phụng các Tỳ kheo trưởng lão.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 1)
- 239. MƯỜI MỘT PHƯỚC BÁO CỦA TÂM GIẢI THOÁT
Nếu chúng sanh nào tu hành từ tâm giải thoát, quảng bố ý nghĩa ấy, diễn nói cho người khác nghe, sẽ thu hoạch được mười một qủa báo. Những gì là mười một?
Nằm ngủ yên, tỉnh giấc yên, không thấy ác mộng, chư thiên hộ vệ, mọi người yêu mến, không bị độc, không bị binh đao, không bị nước, lửa, giặc cướp; thảy đều không bị xâm hại; sau khi thân hoại mạng chung sanh lên trời Phạm thiên.
Đó gọi là Tỳ kheo tu hành từ tâm sẽ có được mười một phước này.
Nếu ai hành từ tâm
Cũng không hành phóng dật
Các kết dần dần đoạn
Rồi thấy được dấy đạo.
Do hành từ tâm này
Sẽ sanh lên Phạm thiên
Nhanh chóng được diệt độ
Cuối cùng đến Vô vi.
Tâm không sát, không hại
Cũng không ý hơn thua
Hành từ đến tất cả
Không hề tâm oán hận.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 10)
- 240. MƯỜI NIỆM ĐOẠN TẬN SẮC ÁI
Có mười niệm, được phân biệt rộng rãi, tu tập, đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái, kiêu mạn, vô minh. Những gì là mười?
Đó là, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ kheo, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tĩnh, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 5)
- 241. MƯỜI NIỆM ĐƯA ĐẾN NIẾT BÀN
Tu hành mười pháp gì đến được Niết-bàn? Đó là mười niệm. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ kheo, niệm Thiên, niệm giới, niệm thí, niệm chỉ tức, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết.
Tỳ kheo hãy niệm xả ly mười pháp sinh lên trời và sinh vào nẻo dữ. Hãy niệm tưởng mười pháp khiến đạt đến Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 1)
- 242. MƯỜI NIỆM ĐƯỢC QUẢ BÁO LỚN
Ông hãy nhớ nghĩ tu hành, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tĩnh, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Hãy tu hành pháp như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo. Hành mười niệm này thì lập tức được quả báo lớn, được pháp vị cam lồ.
Nếu chúng sanh nào chỉ trong khoảnh khắc, tín tâm không đứt đoạn, tu tập mười niệm, phước kia không thể lường, không có thể đo lượng được. Như vậy, A-nan hãy tìm cầu phương tiện tu tập mười niệm.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 5)
- 243. MƯỜI NƠI CƯ TRÚ CỦA THÁNH NHÂN
1) Năm sự đã trừ; Tỳ kheo đã đoạn trừ năm kết.
2) Thành tựu sáu sự; Tỳ kheo vâng hành sáu pháp tôn trọng.
3) Hằng hộ một sự; Tỳ kheo hằng thủ hộ tâm đối với hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, cho đến cửa Niết-bàn.
4) Hộ trì chúng bốn bộ; Tỳ kheo thành tựu bốn thần túc.
5) Quán sát các sự yếu kém; Tỳ kheo đã tận trừ các hành sinh tử.
6) Bình đẳng thân cận; Tỳ kheo đã đoạn tận ba kết.
7) Chánh hướng vô lậu; Tỳ kheo trừ khử kiêu mạn.
8) Thân hành khinh an; Tỳ kheo đã diệt tận vô minh.
9) Tâm khéo giải thoát; Tỳ kheo đã đoạn tận ái.
10) Tuệ giải thoát; Tỳ kheo quán Khổ, Tập, Tận, Đạo, như thật biểt rõ.
Đó là mười sự là chốn cư trú của Hiền Thánh. Các Hiền Thánh xưa đã cư trú nơi trú xứ này, đã cư trú và đang cư trú. Cho nên, Tỳ kheo, hãy niệm trừ năm sự, thành tựu sáu pháp, thủ hộ một pháp, hộ trìchúng bốn bộ, quán sát yếu kém, bình đẳng thân cận, chánh hứong vô lậu, thân hành khinh an, tâm được giải thoát, trí tuệ giải thoát.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 2)
- 244. MƯỜI PHÁP THIẾT YẾU
Những gì là mười? Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao?
Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, là thiết yếu của Niết-bàn.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 4)
- 245. MƯỜI TƯỞNG DIỆT TẬN CÁC LẬU
Những ai tu hành mười tưởng, sẽ diệt tận các lậu, đạt được thần thông, tự thân tác chứng, dần dần đạt đến Niết-bàn. Những gì là mười? Tưởng xương trắng, tưởng bầm tím, tưởng sình chương, tưởng ăn không tiêu, tưởng huyết, tưởng nhai cắn, tưởng thường vô thường, tưởng tham thực, tưởng sự chết, tưởng tất cả thế gian không có gì lạc. Đó là mười tưởng mà Tỳ kheo tu tập sẽ diệt tận các lậu, đạt đếnNiết-bàn giới.
Trong mười tưởng này, tưởng tất cả thế gian không có gì đáng ham thích thích là tối đệ nhất. Vì sao vậy? Người tu hành về sự không có gì đáng ham thích, và người thọ trì, tín phụng pháp; hai hạng người này tất vượt bực mà thủ chứng. Cho nên, Tỳ kheo, hãy ngồi dưới gốc cây, nơi chỗ vắng vẻ, giữa trời trống, tư duy mười tưởng này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 9)
- 246. MUỐN THOÁT CHẾT NÊN TƯ DUY BỐN PHÁP BỔN
Có bốn vị bà-la-môn, tụ tập một nơi, muốn được khỏi chết. Mỗi người quay tìm chỗ chạy mà không khỏi chết. Một người ở hư không, một người vào biển lớn, một người vào lòng núi, một người xuống đất, đồng chết hết. Thế nên, các Tỳ-kheo, muốn được khỏi chết, nên tư duy bốn pháp bổn. Thế nào là bốn?
1)Tất cả hành vô thường 2) Tất cả hành là khổ
3)Tất cả pháp vô ngã 4) Niết-bàn là diệt tận
Này các Tỳ-kheo, hãy cùng tư duy bốn pháp này. Vì sao thế? Vì sẽ thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo não khổ. Đây là nguồn của khổ.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 31. Phẩm Tăng Thượng, Kinh số 4)
- 247. NĂM CĂN ĐỐI NĂM TRẦN
Khi ý dục bừng cháy
Cái được muốn phải được
Được rồi càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được dục này
Ý tham dục không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi muốn nghe tiếng
Cái được muốn phải được
Nghe xong càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được tiếng này
Tham đó ý không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi lại ngửi hương
Cái được muốn phải được
Ngửi xong càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được hương này
Tham đó ý không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi lại được vị
Cái được muốn phải được
Được rồi thêm hoan hỷ
Sở dục không có nghi.
Kia đã được vị này
Tham đó ý không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Nếu khi được mượt láng
Cái được muốn phải được
Được rồi thêm hoan hỷ
Sở dục không nghi nan.
Kia đã được mịn trơn
Tham đó ý không mở
Do đây ma hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 1)
- 248. NĂM CĂN LÀ PHÁP TỤ THIỆN
Sao gọi pháp ấy là tụ thiện? Đó là năm căn. Thế nào là năm căn? Đó là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn.
Nếu có Tỳ-kheo nào tu hành năm căn, liền thành Tu-đà-hoàn được pháp bất thối chuyển, ắt thành đạochí thượng. Tu hành thêm nữa sẽ thành tựu Tư-đà-hàm, tái sinh đời này một lần rồi dứt sạch mé khổ kia. Tiến tới đạo này nữa, sẽ thành tựu A-na-hàm, không còn tái sinh đời này, liền nhập Bát-niết-bàn. Chuyển tiến tu hành, diệt tận hữu lậu, thành tựu vô lậu tâm giải thoát, huệ giải thoát, tự thân tác chứng, mà tự an trú, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa.
Gọi là tụ thiện, chính là năm căn. Vì sao vậy? Vì đây là tụ lớn nhất, là vi diệu trong các tụ. Nếu ai không hành pháp này thì không thành tựu Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác. Nếu ai đạt được năm căn này liền có bốn quả, đạo ba thừa. Nói về tụ thiện, năm căn này là trên hết.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 1)
- 249. NĂM CÔNG ĐỨC
Người không ở mãi một chỗ, có năm công đức. Những gì là năm? Không tham đắm nhà cửa, không tham đắm đồ đạc, không tích chứa nhiều của cải, không dính mắc với người thân, không qua lại với bạch y. Đó gọi là Tỳ-kheo không ở một chỗ có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thực hành năm việc này.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 9)
- 250. NĂM ĐIỀU GIÚP CÂY ĐẠI THỌ TĂNG TRƯỞNG
Trên núi Tuyết có một gốc cây to lớn, cao rộng. Có năm sự kiện khiến nó phát triển to lớn. Những gì là năm? Rễ không di chuyển; vỏ rất dày và lớn; cành nhánh vươn xa; bóng râm che phủ lớn; tàn lá rậm rạp.
Tỳ kheo, đó là nói trên Tuyết song có cây đại thọ hùng vĩ ấy. Ở đây, thiện nam tử, thiện nữ nhân, sanh vào dòng họ hào quý, có năm điều làm tăng trưởng lợi ích. Những gì là năm? Tăng ích bởi tín; tăng íchbởi giới; tăng ích bởi văn; tăng ích bởi thí; tăng ích bởi huệ. Đó là, Tỳ kheo, thiện nam tử, thiên nữ nhân, nhờ sanh vào dòng tộc hào quý mà thành tựu năm sự này.
Cho nên, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu tín, giới, văn, thí huệ.
Như cây trên Tuyết sơn
Hội đủ năm công đức
Rễ, vỏ, cành nhánh rộng
Bóng râm, lá rậm rạp.
Thiện nam tử có tín
Năm sự thành công đức
Tín, giới, văn, thí, huệ
Nhờ đó trí tuệ tăng.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 7)
- 251. NĂM ĐIỀU PHI PHÁP
Tỳ-kheo thường ở một chỗ, có năm điều phi pháp. Sao gọi là năm? Ở đây, Tỳ-kheo ở một chỗ, ý tham đắm phòng xá, e sợ người đoạt, hoặc ý tham đắm tài sản lại sợ người đoạt, hoặc tích tụ nhiều vật giống như bạch y, hoặc tham luyến người thân quen không muốn cho người khác đến nhà người thân quen, thường cùng bạch y qua lại với nhau. Này Tỳ-kheo, đó gọi là người ở một chỗ có năm việc phi phápnày.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đừng ở một chỗ.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 8)
- 252. NĂM DỤC
Sắc được thấy bởi mắt khả ái, khả niệm, được người đời mong muốn. Tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mịn láng được xúc chạm bởi thân. Như Lai nói về năm dụcnày. Trong năm dục này, cái nào tối diệu? Sắc được thấy bởi mắt chăng? Tiếng được nghe bởi tai là tối diệu chăng? Hương được ngửi bởi mũi là tối diệu chăng? Vị được nếm bởi lưỡi là tối diệu chăng? Mịn láng được xúc chạm bởi thân là tối diệu chăng? Năm sự này, cái nào là tối diệu? Trong đó, hoặc có quốc vương nói sắc là tối diệu. Hoặc có vị bàn thanh là tối diệu. Hoặc có vị bàn hương là tối diệu. Hoặc có vị bàn vị là tối diệu. Hoặc có vị bàn mịn trơn là tối diệu.
Những gì các vua bàn, đúng tùy theo trường hợp. Vì sao vậy? Vì tùy vào tánh hạnh mỗi người. Người đắm nhiễm sắc, nhìn sắc không biết chán. Với người này sắc là tối thượng, không gì vượt qua. Bấy giờ, người đó không đắm nhiễm thanh, hương, vị, mịn trơn. Trong năm dục, sắc là tối diệu.
Nếu người có tánh hạnh đắm nhiễm âm thanh, khi nghe thanh, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, thanh là tối diệu tối thượng. Trong năm dục, thanh là tối diệu.
Nếu người có tánh hạnh đắm nhiễm hương, khi ngửi hương, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, hương là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, hương là tối diệu.
Nếu người có tánh hạnh nhiễm đắm vị ngon, khi biết vị rồi, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, vị là tối diệu tối thượng. Trong năm dục, vị là tối diệu.
Nếu người có tánh hạnh nhiễm đắm mịn trơn, khi được mịn trơn rồi lòng rất là hoan hỷ, mà không chán. Với người này, mịn trơn là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, mịn trơn là tối diệu.
Nếu tâm người kia đắm nhiễm sắc, khi ấy người đó sẽ không đắm nhiễm pháp thanh, hương, vị và mịn trơn.
Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm thanh, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, hương, vị và mịn trơn.
Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm hương, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, thanh, vị và mịn trơn.
Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm vị, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, thanh, hương và mịn trơn.
Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm mịn trơn, người đó không còn không đắm nhiễm pháp sắc, thanh, hương, vị.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 1)
- 253. NĂM BẬC TRƯỢNG PHU DŨNG KIỆN
1) Có Tỳ-kheo sống tại thôn xóm khác, nghe trong thôn này có người nữ xinh đẹp vô song, mặt như màu hoa đào. Nghe rồi, đến giờ, đắp y, cầm bát, vào thôn khất thực; thấy người nữ này nhan sắc vô song, liền sanh dục tưởng, cởi bỏ ba y, hoàn xả cấm giới mà làm cư sĩ. Giống như người chiến đấu kia, thấy chút gió bụi đã sinh lòng sợ hãi; Tỳ-kheo này tựa như vậy.
2) Có Tỳ-kheo nghe có người nữ sống ở trong thôn xóm xinh đẹp không ai bằng. Đến giờ, đắp y, cầm bát, vào thôn khất thực; khi thấy người nữ mà không khởi dục tưởng, nhưng cùng người nữ kia đùa giỡn, chuyện trò qua lại. Rồi nhân việc đùa giỡn này liền cởi pháp phục, trở lại làm bạch y. Như hạng người thứ hai kia, tuy thấy bụi gió không sợ, nhưng thấy ngọn cờ cao liền sinh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy.
3) Có Tỳ-kheo nghe trong thôn có người nữ, dung mạo xinh đẹp, ít có trên đời, như màu hoa đào. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực; khi thấy người nữ không khởi dục tưởng. Tuy dù cùng người đùa giỡn nhau, cũng không khởi tưởng dục ý; nhưng cùng người nữ kia nắm tay, hoặc vuốt ve nhau, trong đó liền khởi dục tưởng, cởi ba pháp y, trở lại làm bạch y, tập khởi nghiệp nhà. Như hạng người thứ ba kia khi vào trận, thấy gió bụi, thấy cờ cao không sinh lòng sợ hãi, nhưng thấy cung tên liền sinh lòng sợ hãi.
4) Có Tỳ-kheo nghe trong thôn làng có người nữ, mặt mày xinh đẹp ít có trên đời. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực; khi thấy người nữ không khởi dục tưởng, hay cùng nói chuyện cũng không khởi dục tưởng. Khi được người nữ kia vuốt ve liền khởi dục tưởng, nhưng không cởi pháp phục mà sống đời tại gia. Như hạng thứ tư kia vào quân trận bị địch bắt, hoặc mất mạng không trở ra được.
5) Có Tỳ-kheo nương vào thôn làng mà sống, họ nghe trong thôn có người nữ. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực, khi thấy người nữ không khởi dục tưởng, nếu cùng nói cười cũng không khởi dục tưởng, nếu lại được vuốt ve cũng không khởi dục tưởng. Lúc ấy, Tỳ-kheo quán ba mươi sáu vật trong thân này ô uế bất tịnh: ‘Ai đắm vào đây? Do đâu khởi dục? Dục này dừng lại chỗ nào? Là từ đầu chăng? Ra từ thân thể chăng?’ Quán các vật này rõ ràng không có gì cả. Từ đầu đến chân cũng lại như vậy. Những gì thuộc năm tạng không có tưởng tượng, cũng không có chỗ đến. Vị ấy quán nguồn duyên không biết từ nơi nào lại.Vị ấy lại nghĩ: ‘Ta quán dục này từ nhân duyên sanh.’ Tỳ-kheo quan sát điều này rồi, tâm được giải thoát dục lậu, tâm được giải thoát hữu lậu, tâm được giải thoát vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát, liền được trí giải thoát, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Giống như người chiến đấu thứ năm kia sống tự tại không bị nạn địch quân. Do vậy, cho nên nay Ta nói người này đã dứt bỏ ái dục, vào nơi vô uý, đạt đến thành Niết-bàn.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm hạng người này xuất hiện ở đời.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 3)
- 254. NĂM HẠNG NGƯỜI KHÔNG THỂ CHỮA TRỊ
Có năm hạng người không thể chữa trị. Sao gọi là năm?
1) Người dua nịnh không thể chữa trị.
2) Người gian tà không thể chữa trị.
3) Người ác khẩu không thể chữa trị.
4) Người ganh ghét không thể chữa trị.
5) Người không báo đáp không thể chữa trị.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 7)
- 255. NĂM HUỆ THÍ
Khi đàn-việt thí chủ huệ thí, được năm sự công đức. Những gì là năm? Một là thí mạng, hai là thí sắc, ba là thí an lạc, bốn là thí sức, năm là thí biện tài.
Đàn-việt thí chủ lúc thí mạng là muốn được trường thọ, lúc thí sắc là muốn được xinh đẹp, lúc thí an lạclà muốn được không bệnh, lúc thí sức là muốn không ai hơn, lúc thí biện tài là muốn được biện tài vô thượng chơn chánh.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 11)
- 256. NĂM LOẠI THÍ
Thí mạng, sắc, và an
Sức, biện tài, năm thứ
Đủ năm công đức này
Sau hưởng phước vô cùng.
Người trí nên bố thí
Trừ bỏ lòng tham dục
Thân này có danh dự
Sinh trời cũng lại vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 11)
- 257. NĂM LÝ DO ĐỂ ĐỨC PHẬT XUẤT HIỆN Ở ĐỜI
1) Sẽ chuyển Pháp luân
2) Sẽ độ cha mẹ
3) Người không tin kiến lập lòng tin
4) Người chưa phát ý Bồ-tát khiến phát tâm Bồ-tát
5) Sẽ thọ ký cho Phật tương lai.
Nếu Như Lai xuất hiện ở đời thì sẽ làm năm việc này. Cho nên, các Tỳ-kheo hãy khởi tâm từ đối với Như Lai.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 2)
- 258. NĂM PHÁP KHIẾN BỊNH MAU LÀNH
Nếu lại có bệnh nhân nào thành tựu năm pháp thì sẽ được bệnh mau lành. Những gì là năm? Hoặc khi bệnh nhân chọn lựa thức ăn, tùy thời ăn, thân cận y dược, trong lòng không sầu ưu, hằng khởi tâm từ đối với người nuôi bệnh. Tỳ-kheo, đó gọi là bệnh nhân thành tựu năm pháp này liền được lành bệnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 8)
- 259. NĂM PHÁP HỦY NHỤC
Sa-môn xuất gia có năm pháp hủy nhục. Sao gọi là năm? Một là
1) Tóc trên đầu dài 2) Móng tay dài
3) Y áo dơ bẩn 4) Không biết thời nghi
5) Bàn nói nhiều.
Vì sao vậy? Bàn nói nhiều, Tỳ-kheo lại có năm việc. Sao gọi là năm? Một là người không tin lời. Hai không chịu nhận lời dạy. Ba là người không thích gặp. Bốn là nói dối. Năm là gây đấu loạn kia đây. Đó là năm việc xảy ra cho người nói chuyện nhiều. Đó gọi là người bàn nói nhiều có năm việc này. Tỳ-kheo, hãy trừ năm việc này, chớ có tà tưởng.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 4)
- 260. NĂM SỰ CỰC KỲ KHÔNG THỂ ĐẠT ĐƯỢC
1) Vật phải mất mà muốn cho không mất, đó là không thể được.
2) Pháp diệt tận mà muốn cho không diệt tận, đó là không thể được.
3) Pháp già mà muốn cho không già, đó là không thể được.
4) Pháp bệnh mà muốn cho không bệnh, đó là không thể được.
5) Pháp chết mà muốn cho không chết, đó là không thể được.
Này các Tỳ-kheo, đó là năm sự cực kỳ không thể đạt được. Dù Như Lai xuất thế hay Như Lai không xuất thế, pháp giới vẫn hằng trụ như vậy, mà những tiếng sanh, già, bệnh, chết, vẫn không có mục nát, không bị diệt mất. Cái gì sinh ra, cái gì chết đi, đều quay về gốc. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự nảy khó được. Hãy tìm cầu phương tiện tu hành năm căn. Sao gọi là năm?
Đó là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Đó gọi là, Tỳ-kheo, hành năm căn này, thành Tu-đà-hoàn, Gia gia, Nhất chủng, lên nữa thành Tư-đà-hàm, chuyển lên nữa diệt năm kết sử thành A-na-hàm ở trên kia mà nhập Niết-bàn chứ không trở lại đời này nữa, chuyển lên nữa hữu lậu diệt tận thành vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, tự thân tác chứng, tự an trú, biết như thật rằng không còn thọ thai nữa. Hãy tìm cầu phương tiện trừ bỏ năm sự trước, sau đó tu năm căn.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 6)
- 261. NĂM TRIỀN CÁI LÀ TỤ BẤT THIỆN
Sao gọi chúng là tụ bất thiện? Đó là năm triền cái. Sao gọi là năm? Là tham dục, sân hận, thụy miên, trạo cử, nghi. Đó gọi là năm triền cái. Ai muốn biết tụ bất thiện, thì đây gọi là năm triền cái. Vì sao vậy?
Vì nếu có năm triền cái, liền có phần súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Các pháp bất thiện đều do đây phát sanh. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ các triền cái là tham dục, sân hận, thụy miên, điệu hối, nghi.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 2)
- 262. NĂM TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN LỄ NGƯỜI
1) Người ở trong tháp 2) Người ở trong đại chúng
3) Người ở giữa đường 4) Người đang ốm đau nằm trên giường 5) Người đang ăn
Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm trường hợp này không lễ người.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 6)
- 263. NĂM TỤ TÀ VÀ CHÁNH
1) Nên cười mà không cười
2) Lúc nên hoan hỷ mà không hoan hỷ
3) Nên khởi lòng từ mà không khởi lòng từ
4) Làm ác mà không hỗ
5) Nghe lời thiện của người mà không để ý.
Nên biết người này ắt ở trong nhóm tà. Nếu chúng sanh nào ở trong nhóm tà, người ấy cần được nhận biết bằng năm sự này biết.
Người ở trong tụ chánh cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này đang ở trong tụ chánh. Sao gọi là năm?
1) Nên cười thì cười 2) Nên hoan hỷ thì hoan hỷ
3) Nên khởi lòng từ thì khởi lòng từ
4) Đáng hỗ thì hỗ
5) Nghe lời thiện liền chú ý.
Nên biết người này đã ở trong tụ chánh. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy nên bỏ tụ tà, ở trong tụ chánh.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 1)
- 264. NĂM TƯỚNG BÁO DÂN TRỜI SẮP MẠNG CHUNG
1) Hoa trên mũ héo 2) Y phục dơ bẩn
2) Thân thể hôi hám 4) Không thích chỗ ngồi của mình
3)Các thiên nữ tan tác.
Đó gọi là năm điềm báo ứng con dân trời sắp mạng chung.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 3)
- 265. NĂM TƯỞNG DỤC
1) Sanh trong nhà hào quý
2) Được gả vào nhà giàu sang
3) Chồng của ta làm theo lời
4) Có nhiều con cái
5) Độc quyền trong nhà do mình.
Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người nữ có năm sự đáng tưởng muốn này. Tỳ-kheo của Ta cũng có năm sự đáng tưởng muốn. Sao gọi là năm? Đó là cấm giới, đa văn, thành tựu tam-muội, trí huệ, trí huệ giải thoát.
- 266. NĂM UẨN NHƯ HUYỄN
Sắc không bền vững, cũng không chắc chắn, không thể trông thấy, huyễn ngụy, không thật; thọ không bền vững, cũng không lõi chắc, cũng như đám bọt trên mặt nước, huyễn ngụy, không thật. Tưởng không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật, cũng như quáng nắng. Hành không bền vững, cũng không lõi chắc, giống như thân cây chuối, không có thật. Thức không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 9)
- 267. NẾM VỊ DỤC
Hãy diệt một pháp. Ta xác chứng các ngươi thành quả thần thông, các lậu diệt tận. Một pháp gì? Nếm vị dục. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy diệt vị ngọt của dục này. Ta xác chứng các ngươi thành quả thần thông, các lậu diệt tận.
Chúng sanh đắm vị này
Chết đọa vào đường ác
Nay nên bỏ dục này
Liền thành A-la-hán.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 13. Phẩm Lợi Dưỡng, Kinh số 2)
- 268. NẾU THẾ TÔN XUẤT HIỆN THÌ VÔ MINH LIỀN TRỪ
Có một con người mà xuất hiện ở thế gian, thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt. Bấy giờ, những kẻ phàm ngu bị kết sử trói buộc bởi vô minh sở kiến này, nên không biết như thật về con đường sinh tử, luân hồiqua lại từ đời này qua đời sau, từ kiếp này qua kiếp nọ, không cởi trói được. Nếu lúc đó có Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện ở thế gian, thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 8. Phẩm A-Tu-La, Kinh số 5)
- 269. NGHE PHÁP THOẠI CÓ NĂM CÔNG ĐỨC
1) Điều chưa từng nghe, nay được nghe
2) Điều đã được nghe, tụng đọc lại
3) Kiến giải không tà lệch
4) Không có hồ nghi
5) Hiểu nghĩa sâu xa.
Tùy thời nghe Pháp có năm công đức, cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tùy thời nghe Pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 36. Phẩm Thính pháp, Kinh số 1)
- 270. NGHÈO TÚNG LÀ DO TRỘM CẮP
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người rất là nghèo túng, áo không đủ che thân, ăn không đầy miệng: đó là trộm cướp.
Nếu có người nào có ý thích trộm cướp, lấy tài vật của người khác, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người rất là nghèo túng. Vì sao vậy? Vì đã dứt sinh nghiệp người khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học xa lìa lấy của không được cho.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 2)
- 271. NGU SI
Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Ngu si.
Bị nhiễm bởi ngu si
Chúng sanh rơi đường dữ
Siêng tu bỏ ngu si
Liền thành A-na-hàm.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 3)
- 272. NGƯỜI CỐNG CAO KHÔNG SỢ NHƯ CHÓ HUNG DỮ
Tỳ-kheo các ngươi chớ ôm lòng ham muốn lợi dưỡng của Đề-bà-đạt-đâu này. Vì sao vậy? Vì Đề-bà-đạt-đâu là người ngu gây ra ba sự này, các hành vi của thân, miệng, ý, nhưng không hề kinh sợ, cũng không sợ hãi.
Như Đề-bà-đạt-đa hiện nay là người ngu nên tiêu hết các công đức thiện. Như bắt chó dữ mà đánh vào mũi nó, càng làm nó hung dữ thêm. Người ngu Đề-bà-đạt-đâu cũng như vậy, nhận lợi dưỡng này liền nổi lên cống cao. Cho nên, này các Tỳ-kheo, cũng đừng khởi lên ý tưởng đắm trước lợi dưỡng. Tỳ-kheo nào đắm trước lợi dưỡng thì không được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là không thành tựu giới Hiền Thánh, tam-muội Hiền Thánh, trí huệ Hiền Thánh. Tỳ-kheo nào không đắm vào lợi dưỡng thì sẽ được ba pháp. Ba pháp gì?
1) Thành tựu giới Hiền Thánh
2) Tam-muội Hiền Thánh
3) Trí huệ Hiền Thánh.
Nếu thành tựu được ba pháp nầy sẽ phát thiện tâm, không đắm vào lợi dưỡng.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 7)
- 273. NGƯỜI MANG GÁNH NẶNG
1) Năm thủ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm. Đó gọi là gánh nặng.
2) Người mang gánh, đó là thân người, tự gì, tên gì, sinh như vậy, thức ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ ngắn dài như vậy. Đó gọi là người mang gánh.
3) Nhân duyên của gánh nặng, đó là nhân duyên bởi ái trước câu hữu với dục, tâm không xa lìa. Đó gọi là nhân duyên gánh.
4) Ái kia đã khiến bị diệt tận không còn tàn dư, đã trừ, đã nhổ ra. Đó gọi là buông gánh nặng.
Những gì Như Lai cần làm, nay Ta đã làm xong. Hãy ở dưới cây, chỗ nhàn tịnh, ngồi ngoài trời, hằng niệm tọa thiền, chớ có buông lung.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 4)
- 274. NGƯỜI NỮ CÓ NĂM ĐIỀU BẤT THIỆN
Phàm người nữ có năm điều bất thiện. Những gì là năm? Một là bất thiện bởi ô uế, hai là nói hai lưỡi, ba là ganh ghét, bốn là sân nhuế, năm là không biết báo đáp.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 8)
- 275. NGƯỜI TỐI ƯU VÀ THẤP HÈN
1) Người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết như thật có.
2) Người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật có.
3) Người không có kết sử tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật là không có.
4) Người không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật là không có.
Các Hiền giả nên biết, hạng người thứ nhất có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết; trong hai người có kết này, người này rất thấp hèn. Người thứ hai có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật có, người này thật là tối ưu. Người thứ ba không có kết tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật; trong hai người không có kết, người này rất là thấp hèn. Người thứ tư không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật; trong người không có kết, thì người này là thật là đệ nhất.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 6)
- 276. NHÀM CHÁN SANH TỬ
Tỳ kheo, nên biết, cũng như một thành trì bắng sắt, dài rộng một do-tuần, trong đó chứa đầy hạt cải, không chừa một lỗ hổng. Giả sử có một người, một trăm năm đến lấy di một hạt cải. Cho đến khi hạt cả trong thành bằng sắt ấy hết hẵn, mà một kiếp vẫn không thể tính kể hết. Vì sao vậy? Sanh tử lâu dàikhông có bờ mé. Chúng sanh bị ân ái trói buộc mà trôi lăn trong sanh tử, chết đây sanh kia, không hề cùng tận. Ta ở trong đó mà nhàm chán sanh tử. Như vậy Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện để dứt hết tưởng ân ái này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 3)
- 277. NHỜ GIỚI MÀ MUỐN SANH VỀ CÕI NÀO CŨNG ĐƯỢC
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, cũng thành tựu sở nguyện của mình sẽ sinh về các cõi trời Dục giới, sinh về các cõi trời Sắc giới. Vì sao như vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai mà muốn sinh về các cõi trời Vô sắc, cũng được kết quả như sở nguyện kia.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn sinh vào nhà bốn chủng tánh, lại cũng được sinh.
Lại, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn cầu làm thiên tử một phương, thiên tử hai phương, ba phương, bốn phương thì cũng được như sở nguyện kia. Muốn cầu làm Chuyển luân Thánh vương cũng được như sở nguyện kia. Vì sao vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu thành Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa, ắt sẽ thành tựu sở nguyện. Nay Ta thành Phật là nhờ trì giới kia. Năm giới, mười thiện, không nguyện nào là không được.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6)
- 278. NHỚ MƯỜI MỘT ĐIỀU TRƯỚC KHI LỄ TĂNG
1) Chúng của Như Lai là những vị đã thành tựu pháp
2) Chúng của Như Lai hòa hiệp trên dưới
3) Tăng của Như Lai đã thành tựu pháp tùy pháp
4) Chúng của Như Lai thành tựu giới
5) Thành tựu tam-muội trí tuệ
6) Thành tựu giải thoát
7) Thành tựu giải thoát tri kiến huệ
8) Thánh chúng của Như Lai thủ hộ Tam bảo
9) Thánh chúng Như lại hay hàng phục dị học ngoại đạo
10) Thánh chúng của Như Lai là bạn tốt
11) Ruộng phước cho hết thảy thế gian.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn lễ bái Tăng, hãy tư duy mười một pháp này, sẽ được phước báolâu dài.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 3)
- 279. NHỚ MƯỜI MỘT ĐIỀU TRƯỚC KHI LỄ THÁP
1) Có mạn hãy trừ mạn.
2) Phàm chánh pháp là nhắm dứt tưởng khát ái đối với dục.
3) Phàm chánh pháp là nhắm trừ dục ở nơi dục.
4) Phàm chánh pháp là nhắm cắt đứt dòng nước sâu sanh tử.
5) Phàm chánh pháp là nhắm đạt được pháp bình đẳng.
6) Chánh pháp này nhắm đoạn trừ các nẻo dữ
7) Chánh pháp nhắm đưa đễn cõi lành.
8) Phàm chánh pháp là nhắm cắt đứt lưới ái.
9) Người hành chánh pháp là đi từ có đến không.
10) Người hành chánh pháp thì sáng tỏ không đâu không rọi đến.
11) Người hành chánh pháp là để đi đến Niết-bàn giới.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn hành lễ bái Pháp, hãy tư duy mười một pháp này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 2)
- 280. NHƯ LAI BIẾT ĐƯỜNG ĐI CỦA SANH TỬ
Cũng như người chăn bò Ma-kiệt thông tuệ nhiều trí, ý muốn đưa bò từ bờ này sang bờ kia. Trước hết thăm dò nơi sâu, cạn, rồi đưa những con bò khỏe mạnh nhất đến bờ kia trước. Kế đó đưa những con bò trung bình không mập không ốm, cũng sang được đến bờ bên kia. Kế đến đưa những con gầy nhất cũng vượt qua không xảy ra việc gì. Những con bê còn nhỏ theo sau cùng mà được qua sang an ổn. Tỳ-kheo, ở đây cũng vậy, Như Lai khéo quán sát đời này đời sau, quán sát biển sanh tử, con đường đi của Ma. Tự mình bằng bát chánh đạo mà vượt qua hiểm nạn sanh tử, lại bằng đường này để độ ngườichưa được độ.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 6)
- 281. NHƯ LAI BIẾT RÕ CÁC GỐC ĐỌA LẠC
Ta nay biết rõ địa ngục, và cũng biết con đường dẫn đến địa ngục, và cũng biết gốc rễ của chúng sanhtrong địa ngục kia. Giả sử có chúng sanh nào tạo các hành ác bất thiện, khi thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục; Ta cũng biết rõ.
Tỳ kheo, Ta cũng biết rõ súc sanh; cũng biết rõ con đường dẫn đến súc sanh; và cũng biết rõ gốc của súc sanh; biết rõ những điều trước kia đã làm để sanh vào nơi này.
Ta nay biết rõ con đường ngạ quỷ; cũng biết rõ những ai đã gây nên gốc rẽ ác mà sanh vào ngạ quỷ.
Ta nay biết rõ con đường dẫn đến làm người; cũng biết rõ hạng chúng sanh nào sanh được thân người.
Ta cũng biết con đường dẫn đến cõi trời; cũng biết công đức trước kia mà chúng sanh đã làm để sanh lên trời.
Ta cũng biết con đường dẫn đến Niết-bàn; những chúng sanh nào mà hữu lậu đã dứt sạch, thành vô lậutâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp mà thủ chứng quả; Ta thảy đều biết rõ.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)
- 282. NHƯ LAI LÀ ĐỆ NHẤT Ở CÕI NÀY
Ngài có tâm từ, bi, hỉ, xả, đầy đủ Không, Vô tướng, Vô nguyện. Ở trong cõi dục là tối tôn đệ nhất. Trên tất cả trời. Bảy thánh tài đầy đủ. Các hàng trời, người, đấng Tự nhiên, hàng Phạm sanh, cũng không ai bằng, cũng không thể giống tướng mạo. Nay con tự quy y.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 30. Phẩm Tu-đà, Kinh số 4)
- 283. NHƯ LAI RA ĐỜI
Khi mặt trời vừa lên, mọi người cùng nhau làm ruộng, trăm chim hót vang, trẻ thơ la khóc. Tỳ-kheo nên biết, nay Ta lấy đây làm thí dụ, hãy hiểu nghĩa của nó. Nghĩa này phải hiểu làm sao? Khi mặt trời mới mọc, đây dụ Như Lai ra đời. Người dân khắp nơi cùng làm ruộng, đây dụ cho đàn-việt thí chủ tùy thờicung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh. Trăm chim hót vang, đây dụ cho Pháp sư cao đức, có thể vì chúng bốn bộ mà thuyết pháp vi diệu. Trẻ thơ khóc la, đây dụ cho tệ ma Ba -tuần.
Cho nên, các Tỳ-kheo, như mặt trời mới mọc, Như Lai ra đời trừ bỏ bóng tối, không nơi nào là không chiếu sáng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 4)
- 284. NHƯ LAI THÀNH TỰU MƯỜI LỰC
Như Lai thành tựu mười lực, tự biết là bậc Vô sở trước, ở giữa đại chúng mà có thể rống tiếng sư tử, chuyển pháp luân vô thượng mà cứu độ chúng sinh, rằng đây là sắc, đây là tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc, đây là xuất yếu của sắc; quán sát đây là thọ, tưởng, hành,thức, tập khởi, diệt tận, xuất yếu của thức.
Nhân bởi cái này, có cái này, đây sinh thì kia sinh; do duyên vô minh mà hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên chết, chết duyên sầu ưu khổ não, không thể kể xiết.
Nhân có thân năm uẩn này mà có pháp tập khởi này; đây diệt thì kia diệt, đây không thì kia không, do vô minh diệt tận mà hành diệt tận, hành tận nên thức tận, thức tận nên danh sắc tận, danh sắc tận nên sáu xứ tận, sáu xứ tận nên xúc tận, xúc tận nên thọ tận, thọ tận nên ái tận, ái tận nên thủ tận, thủ tận nên hữu tận, hữu tận nên chết tận, chết tận nên sầu ưu khổ não thảy đều diệt tận.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 2)
- 285. NHƯ LAI TỐI THƯỢNG
Ta thành A-la-hán
Thế gian không ai bằng
Trời cùng người thế gian
Nay Ta là tối thượng.
Ta cũng không thầy dạy
Cũng không ai bì kịp
Độc tôn, không ai hơn
Mát lạnh, không còn nóng.
Ta đang chuyển pháp luân
Đi đến nước Ca-thi
Nay đem thuốc cam lồ
Mở mắt người mù kia.
Đất nước Ba-la-nại
Vương thổ nước Ca-thi
Trú xứ năm tỳ-kheo
Ta sẽ thuyết diệu pháp.
Khiến họ sớm thành đạo
Và được lậu tận thông
Để trừ nguồn pháp ác
Cho nên, Ta tối thắng.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 5)
- 286. NHỮNG NGÀY TRAI GIỚI
Thiện nam, thiện nữ vào ngày thứ 8, 14, 15 đến chỗ Sa-môn hoặc Tỳ-kheo trưởng lão, tự xưng tên họ rằng:
‘Con từ sáng đến tối, như A-la-hán, giữ tâm không di động, không dùng dao gậy gia hại chúng sanh, ban vui khắp tất cả. Nay con thọ trai pháp, nhất thiết không vi phạm, không khởi tâm sát. Con tu tập giáo pháp Chân nhân kia, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không ăn quá ngọ, không ngồi chỗ cao rộng, không tập ca múa xướng hát và thoa hương vào mình.’
Nếu người có trí tuệ, hãy nói như vậy. Nếu là người không có trí huệ, nên dạy nói như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 2)
- 287. NIỆM TAM BẢO TIÊU SỢ HÃI
Nay Ta cũng lại bảo các ngươi: Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào mà sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng, bấy giờ nên niệm thân Ta, rằng ‘Đây là Như Lai Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu Phật Thế tôn xuất hiện ở đời.’ Giả sử có sự sợ hãi toàn thân lông dựng đứng, sợ hãi ấy liền tự tiêu diệt.
Nếu ai không niệm Ta, lúc đó nên niệm Pháp, rằng ‘Pháp của Như Lai rất là vi diệu, được người trí học tấp.’ Do niệm pháp mà mọi sợ hãi tự tiêu diệt.
Nếu không niệm Ta, cũng không niệm Pháp, khi đó nên niệm Thánh Chúng, rằng ‘Thánh Chúng của Như Lai rất là hòa thuận, pháp tùy pháp thành tựu, giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí huệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến huệ thành tựu, gồm có bốn đôi tám bậc. Đó là Thánh chúngNhư Lai, đáng kính, đáng thờ, là ruộng phước của thế gian.’ Đó gọi là Thánh chúng Như Lai. Bấy giờ, nếu niệm Tăng rồi, mọi sợ hãi tự tiêu diệt.
Thích Đề-hoàn Nhân còn có dâm, nộ, si. Song trời Tam thập tam niệm tưởng chủ mình mà hết sợ hãi, huống chi Như Lai không còn có tâm dục, nộ, si, nên niệm tưởng đến mà có sợ hãi sao? Nếu tỳ-kheo nào có sợ hãi, sợ hãi tự tiêu diệt. Cho nên, này các tỳ-kheo, hãy niệm tam tôn: Phật, Pháp và Thánh chúng.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 4)
- 288. NIỆN DIỆT GỐC KHỔ
Thế gian có ngũ dục
Ý là vua thứ sáu
Biết sáu pháp trong ngoài
Nên niệm diệt gốc khổ.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 3)
- 289. NIẾT BÀN
Ta nay biết Niết-bàn, cũng biết con đường Niết bàn. Cũng biết hạng chúng sanh nào sẽ vào Niết-bàn. Hoặc có chúng sanh dứt sạch lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự thân chứng ngộ và an trú; ta thảy đều biết rõ. Do nhân duyên gì mà ta nói điều này?
Ta quán sát những điều suy nghĩ trong tâm chúng sanh, biết người này dứt sạch lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nên nói người ấy đã dứt sạch lậu, thành vô lậu. Cũng như cách thôn xóm không xa có một ao nước mà nước rất sạch, trong suốt. Có người đang thẳng một đường đến đó. Lại có người có mắt sáng từ xa thấy người ấy đi đến, biết rõ người ấy nhất định đi đến ao nước không nghi. Về sau lại quán sát thấy người ấy đã đến ao nước, tắm gội, rửa các cáu bẩn, sạch các ô uế, rồi ngồi bên cạnh ao, mà không tranh giành gì với ai. Ta nay quán sát các loài chúng sanh cũng vậy, biết người đã dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết như thật rằng sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đó là nói, người ấy đã đến chỗ này, mà Ta biết rõ con đường Niết-bàn, cũng biết rõ chúng sanh nào vào Niết-bàn. Thảy đều biết rõ.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 7)
- 290. NƯỚC MẮT SANH TỬ NHIỀU HƠN NƯỚC SÔNG HẰNG
Các Tỳ kheo bạch Phật: Chúng con quán sát nghĩa mà Như Lai nói, nước mắt đổ ra trong sanh tử trôi nổi nhiều hơn nước sông Hằng.
Phật bảo Tỳ kheo: Lành thay! Đúng như các ông nói không khác. Nước mắt mà các ông đổ ra trong sanh tử nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao vậy? Trong sanh tử đó, hoặc mẹ chết, nước mắt đổ xuống không thể kể xiết. Trong đêm dài, hoặc cha, hoặc anh, chị, em, vợ con, năm thân, những người ân ái, vì thương tiếc mà buồn khóc không thể kể xiết.
Cho nên, Tỳ kheo, hãy nên nhàm chán sanh tử, tránh xa pháp này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 1)
- 291. NUỐT SẮT NÓNG CHỨ KHÔNG NHẬN CỦA TÍN THÍ
Nay Ta bảo ngươi, thà nuốt viên sắt nóng, chớ không nên không có giới mà nhận người cúng dường. Vì sao vậy? Vì nuốt viên sắt nóng, đau khổ chỉ trong chốc lát, không nên không có giới mà nhận tín thí của người.
Người ngu si kia không có giới hạnh, chẳng phải Sa-môn nói là Sa-môn, chẳng có phạm hạnh nói tu phạm hạnh, thà nằm trên giường sắt chớ không nên không giới mà nhận tín thí của gười khác. Vì sao vậy? Vì nằm trên giường sắt nóng chỉ đau đớn trong chốc lát, không nên không giới mà nhận tín thí của người khác.
Hôm nay như Ta quan sát đích thú hướng đến của người không giới. Giả sử, người kia trong chốc lát thân thể khô héo tiều tuỵ, hộc máu nóng ra khỏi miệng mà qua đời, chứ không cùng người nữ giao du, không thọ nhận đức của người lễ kính, không nhận y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh của người. Vì người không giới kia không quán sát tội đời trước, đời sau, không nhìn lại thân mạng đang chịu thống khổ này. Người không có giới, ý sinh vào ba đường ác. Đó là ác hành đã tạo ra đưa đến.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 10)
- 292. PHẠM GIỚI SẼ ĐỌA ĐỊA NGỤC
Những chúng sanh nào ham thích sát sinh, sẽ sinh vào trong địa ngục Hắc thằng.
Những chúng sanh giết mổ bò, dê và các loại khác, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đẳng hại.
Những chúng sanh lấy của không cho, ăn trộm vật của người khác, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Thế khốc.
Những chúng sanh thích dâm dật, lại nói dối, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đại thế khốc.
Những sanh giết hại cha mẹ, phá hoại chùa tháp, gây đấu lọan Thánh chúng, phỉ báng Thánh nhân, hành theo tà kiến điên đảo, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục A-tỳ.
Những chúng sanh nghe lời ở đây truyền đến nơi kia, nghe nơi kia truyền đến nơi này, cầu người phương tiện, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Viêm.
Lại có chúng sanh gây lọan hai bên, tham lam của người, khởi tâm ganh tị, trong lòng nghi kỵ, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đại viêm.
Nếu có chúng sanh tạo các tạp nghiệp, sau khi mạng chung sinh vào mười sáu địa ngục nhỏ đó. Bấy giờ, ngục tốt hành hạ chúng sanh kia khổ sở khôn lường, hoặc bị chặt tay, hoặc chặt chân, hoặc chặt tay chân, hoặc xẻo mũi, hoặc cắt tai mũi, hoặc lấy gỗ ván ép lên, hoặc lấy cỏ nhét vào bụng, hoặc lấy tóc treo ngược, hoặc lột da, hoặc cắt thịt, hoặc xẻ làm hai phần, hoặc may dính trở lại, hoặc xẻ làm năm, hoặc dùng lửa nướng một bên, hoặc rưới nước sắt nóng chảy lên, hoặc phanh thây làm năm, hoặc kéo dài thân, hoặc dùng búa bén chặt đầu mà giây lát sống trở lại, chỉ khi nào những tội đã tạo ra ở nhơn gian trả hết, sau đó mới ra khỏi.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 2)
- 293. PHÁP
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Pháp. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn.
Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 2)
- 294. PHÁP CHÂN THẬT
Biết thân không chắc thật
Mạng cũng không kiên cố
Tài sản, pháp suy mòn
Người nên cầu chắc thật.
Thân người thật khó được
Mạng cũng chẳng dài lâu
Tài sản cũng hủy hoại
Hoan hỷ niệm bố thí.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 10)
- 295. PHÁP CÒN BỎ HUỐNG CHI PHI PHÁP
Y kiêu mạn diệt kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng (quá) mạn, tự mạn, tà kiến mạn, mạn trung mạn, tăng thượng mạn. Bằng không mạn diệt mạn mạn, diệt tăng tăng thượng quá mạn. Bằng chánh mạn, diệt tà mạn, tăng thượng mạn, diệt hết bốn mạn.
Xưa kia, khi Ta chưa thành Phật đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: ‘Trong dục giới, ai là cao trọng nhất để Ta sẽ hàng phục. Trong cõi dục này, trời và người, không ai không bị hàng phục.’ Rồi Ta lại tự nghĩ: ‘Nghe có tệ ma Ba-tuần. Ta sẽ chiến đấu với chúng. Do hàng phục Ba-tuần, nên tất cả chư thiên cao quí đều bị hàng phục.’ Lúc ấy, Tỳ-kheo, Ta mỉm cười trên chỗ ngồi, khiến cảnh giới ma Ba tuần đều chấn động. Giữa hư không nghe tiếng nói kệ:
Bỏ pháp Chân Tịnh vương
Xuất gia học cam lồ
Dù có thệ nguyện rộng
Dọn trống ba đường ác.
Nay ta họp binh chúng
Xem mặt sa-môn kia
Nếu y không theo ta
Nắm chân liệng ngòai biển.
Tỳ-kheo, hãy bằng phương tiện này mà biết rằng, pháp còn diệt huống gì là phi pháp. Ta trong thời giandài đã nói kinh ‘Nhất giác dụ’ cho các ngươi, không ghi văn của nó, huống gì là hiểu rõ nghĩa nó. Vì sao vậy? Vì pháp này sâu huyền, vị Thanh văn, Bích-chi-phật nào tu pháp này thì được công đức lớn, được đến chỗ vô vi cam lồ. Vì sao nó được dụ là nương bè? Có nghĩa là nương mạn diệt mạn. Mạn đã diệt hết thì không còn các niệm tưởng não loạn nữa. Giống như da chồn hoang được thuộc kỹ, dùng tay cuộn lại không gây tiếng động, không chỗ nào cứng. Đây cũng như vậy, nếu Tỳ-kheo nào hết kiêu mạn, không còn gì tăng giảm. Cho nên, nay Ta bảo các ngươi, giả sử ai bị giặc bắt giữ, chớ sanh ác niệm, phải đem tâm từ ban khắp mọi nơi, giống như da cực mềm kia, trong lâu dài sẽ đạt đến chỗ vô vi. Các Tỳ-kheo, cần phải suy nghĩ như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 5)
- 296. PHÁP NHƯ CHIẾC BÈ
Thế nào là ví dụ thuyền bè? Khi các ngươi đi đường bị giặc bắt giữ, cần làm chủ tâm ý, không khởi niệm ác, phải khởi tâm từ, bi, hỷ, xả tràn đầy khắp mọi nơi, vô lượng, vô hạn không thể tính đếm. Giữ tâm phải như đất; giống như đất này vừa nhận vật sạch, vừa nhận vật dơ, phân tiểu ô uế, đều nhận hết; nhưng đất không khởi tâm tăng giảm, không nói: ‘Đây tốt, đây xấu.’ Nay sở hành các ngươi cũng phải như vậy. Nếu bị giặc cướp bắt giữ, chớ sanh ác niệm, không khởi tâm tăng giảm, cũng như đất, nước, lửa, gió, xấu cũng nhận, tốt cũng nhận, đều không tâm tăng giảm; hãy sanh tâm từ bi hỷ xả đối với hết thảy chúng sanh. Vì sao vậy? Vì pháp hành thiện còn phải bỏ huống chi pháp ác mà có thể tập hành sao?
Như có người gặp chỗ có tai nạn đáng sợ, muốn vượt qua chỗ nạn đến nơi yên ổn, tùy ý rong ruổi tìm nơi an ổn. Người ấy gặp sông lớn, rất sâu rộng, cũng không có cầu thuyền để có thể qua đến bờ bên kia được, mà nơi đang đứng thật là đáng sợ. Bờ kia là vô vi. Bấy giờ, người kia liền suy nghĩ: ‘Sông này rất sâu rộng. Ta hãy gom góp cây gỗ, cỏ, lá kết thành một chiếc bè để vượt qua. Nhờ bè này mà từ bờ này đến được bờ kia.’ Bấy giờ người kia, liền thâu thập cây gỗ, cỏ lá kết bè vượt qua, từ bờ này đến bờ kia. Người kia đã vượt qua bờ kia, lại nghĩ: ‘Chiếc bè này đối với ta có nhiều lợi ích. Nhờ chiếc bè này cứu được nguy nan, từ nơi đáng sợ đến chỗ an lành. Ta không bỏ bè này. Hãy mang theo bên mình.’ Thế nào, Tỳ-kheo, người kia đã đến nơi rồi, có nên mang bè theo bên mình? Hay không nên?
Các Tỳ-kheo đáp: Không nên, bạch Thế Tôn. Sở nguyện người kia đã đạt kết quả, thì mang chiếc bè theo làm gì?
Phật bảo: Thiện pháp còn phải xả, huống gì là phi pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 5)
- 297. PHÁP TĂNG TRƯỞNG
Nếu Tỳ kheo thành tựu mười một pháp này chắc chắn có điều được tăng trưởng. Những gì là mười một?
Tỳ kheo thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, các căn tịch tĩnh, ăn uống biết đủ, hằng tu hành cộng pháp, và cũng biết phương tiện ấy, phân biệt nghĩa ấy, không đắm lợi dưỡng.
Nếu thành tựu mười một pháp này, có khả năng để tăng trưởng. Vì sao vậy? Tất cả các thực hành, chân chánh có mười một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 2)
- 298. PHÁP THÂN NHƯ LAI VẪN TỒN TẠI
Sau khi Ta diệt độ, Pháp sẽ tồn tại lâu. Sau khi Phật Ca-diếp diệt độ, di pháp chỉ tồn tại bảy ngày. Này A-nan, ông nay nghĩ rằng đệ tử của Như Lai rất ít. Chớ nghĩ như vậy Ở phương Đông, đệ tử Ta nhiều vô số. Ở phương Nam, đệ tử nhiều vô số. Cho nên, này A-nan, hãy khởi lên ý nghĩ này: Ta, Phật Thích-ca Văn, thọ mạng cực kỳ lâu dài. Sở dĩ như vậy, vì nhục thân tuy vào diệt độ, nhưng Pháp thân vẫn tồn tại. Ông hãy ghi nhớ phụng hành ý nghĩa này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 48. Phẩm Bất Thiện, Kinh số 2)
- 299. PHÁP THỦ HỘ THẾ GIAN
Có hai pháp tinh diệu thủ hộ thế gian. Thế nào là hai pháp? Có tàm, có quí. Này các Tỳ-kheo, nếu khôngcó hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ; sẽ cùng với lục súc heo, gà, chó, ngựa, dê… cùng một loại. Vì thế gian có hai pháp này thủ hộ, nên thế gian phân biệt có cha mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ và cũng không cùng đồng loạivới lục súc.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 1)
- 300. PHẬT
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 1)
- 301. PHÁT NGUYỆN HỒI HƯỚNG
Người ấy nguyện rằng: ‘Nay con bằng trai pháp tám quan này sẽ không đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng không rơi vào nơi tám nạn, không ở biên địa, không rơi vào nơi tệ ác, không theo tri thức ác; con phụng sự cha mẹ chân chánh không có tà kiến, sanh vào trung bộ, được nghe pháp thiện, tư duyphân biệt, thành tựu pháp tùy pháp; đem công đức trai pháp này nhiếp lấy pháp lành của tất cả chúng sanh; đem công đức này bố thí cho họ giúp cho người kia thành Đạo Vô thượng Chánh chơn; đem phước của thệ nguyện này bố thí để thành tựu ba thừa khiến cho không bị thối lui giữa chừng.
Lại đem trai pháp tám quan này để học Phật đạo, Bích-chi-phật đạo, A-la-hán đạo. Những người học chánh pháp ở các thế giới cũng đều tập theo nghiệp này. Giả sử trong tương lai, khi Phật Di-lặc xuất hiện ở đời, Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, người nào gặp hội kia thì sẽ được độ ngay. Khi Phật Di Lặc xuất hiện ở đời, có ba hội Thanh văn. Hội đầu có chín mươi sáu ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ hai có chín mươi bốn ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ ba có chín mươi hai ức chúng Tỳ-kheo, đều là A-la-hán các lậu đã sạch. Cũng gặp vua cùng giáo thọ sư của đất nước kia.’ Dạy như vậy, không để cho thiếu xót.
Nay Ta vì nhân duyên ấy nên nói trai pháp tám quan này. Hãy phát thệ nguyện. Không nguyện thì không quả. Vì sao vậy? Nếu người nữ kia phát thệ nguyện, ngay kiếp ấy thành tựu sở nguyện đó. Nếu Tỳ-kheo trưởng lão không phát thệ nguyện, thì trọn không thành Phật đạo. Phước của thệ nguyện không thể ghi kể, dẫn đến chỗ cam lồ diệt tận.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 2)
- 302. PHÁT NGUYỆN TRÌ BÁT QUAN TRAI GIỚI
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào vào ngày mười bốn, mười lăm trong tháng, là ngày trì traithuyết giới, đến giữa bốn bộ chúng mà nói như vầy, ‘Hôm nay là ngày trai, tôi muốn trì pháp bát quan trai. Nguyện xin Tôn giả vì con mà thuyết giới.’ Bấy giờ chúng bốn bộ nên dạy cho người đó pháp bát quan trai. Trước hết nên bảo người đó nói như vầy, ‘Này thiện nam tử, hãy tự xưng tên họ.’ Người kia đã xưng tên họ rồi, nên trao cho pháp bát quan trai. Bấy giờ, vị giáo thọ nên dạy người trước đó nói như vầy:
‘Nay con vâng giữ trai pháp của Như Lai cho đến sáng sớm ngày mai, tu giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng thốt ra lời ác, ý sanh niệm ác; thân ba, miệng bốn, ý ba; các điều ác đã làm, sẽ làm, hoặc vì tham dục mà tạo, hoặc vì sân nhuế mà tạo, hoặc vì ngu si mà tạo, hoặc vì hào tộc mà tạo, hoặc vì nhân ác tri thức mà tạo, hoặc thân này, thân sau vô số thân, hoặc không hiểu Phật, không hiểu Pháp, hoặc gây đấu loạn giữa các Tỳ-kheo Tăng, hoặc sát hại cha mẹ, chư tôn sư trưởng; nay con sám hối, không tự che dấu. Nương giới, nương pháp mà thành tựu giới hạnh của mình, thọ trì pháp bát quan trai của Như Lai.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6)
- 303. PHƯỚC BÁO KHÓ LƯỜNG
Đại vương, chớ nói như vậy. Vì sao? Bố thí cho các loài súc sanh còn được phước; thậm chí bố thí cho người phạm giới còn được phước. Bố thí cho người trì giới, phước đức khó ước lượng. Bố thí Tiên nhân ngoại đạo được một ức phước. Bố thí cho Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hoàn, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Phật, phước ấy khó lường.
Cho nên, Đại vương, hãy khơi dậy tâm cúng dường đệ tử Thanh văn của chư Phật trong tương lai và quá khứ.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 3)
- 304. PHƯỚC VÀ TỘI VÔ LƯỢNG
Có hai hạng người được phước vô lượng. Thế nào là hai? Người khen ngợi điều đáng khen ngợi; người không khen ngợi điều không đáng khen ngợi. Đó là hai hạng người được phước vô lượng.
Lại có hai hạng người chịu tội vô lượng. Thế nào là hai? Người mà điều đáng khen ngợi, trở lại phỉ báng; người mà điều không đáng khen ngợi, lại khen ngợi.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 10)
- 305. PHƯƠNG THUỐC ĐỐI TRỊ BẢY SỬ
Do bảy sử này mà có ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này nên không thể vượt qua được cảnh giới tệ ma. Nhưng pháp bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Những là bảy?
1) Sử tham dục, dùng niệm giác chi để trị.
2) Sử sân hận, dùng trạch pháp giác chi để trị.
3) Sử tà kiến, dùng tinh tấn giác chi để trị.
4) Sử tham đắm thế gian, dùng hỷ giác chi để trị.
5) Sử kiêu mạn dùng khinh an giác chi để trị.
6) Sử nghi, dùng định giác chi để trị.
7) Sử vô minh, dùng xả giác chi để trị.
Xưa khi Ta chưa thành Phật, còn đang thực hành Bồ-tát hạnh, ngổi dưới bóng cây, suy nghĩ như vầy: ‘Chúng sanh Dục giới bị những gì trói buộc?’ Lại nghĩ: ‘Chúng sanh này bị bảy sử cuốn trôi trong sanh tử, mãi không được giải thoát. Nay Ta cũng bị bảy sử này trói, không giải thóat được.’ Rồi Ta lại nghĩ: ‘Lấy gì để trị bảy sử này?’ Ta lại suy nghĩ: ‘Bảy sử này nên dùng bảy giác chi để trị. Ta hãy tư duy về bảy giác chi.’ Khi tư duy bảy giác chi, tâm dứt sạch hữu lậu, liền được giải thoát. Sau khi thành Đạo Vô thượng chánh chơn, trong bảy ngày ngồi kiết già, Ta tư duy thêm nữa bảy giác chi này. Cho nên, các Tỳ-kheo, muốn dứt trừ bảy sử thì phải tu tập pháp bảy giác chi.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 3)
- 306. QUẢ BÁO XẤU CỦA MƯỜI ĐIỀU
Do gốc rễ mười ác mà ngoại vật còn suy hao, huống nữa nội pháp. Những gì là mười? Đó là người sát sanh, trộm cướp, dâm dật, nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, tật đố, sân hận, khơi dậy tà kiến. Do quả báo của sát sanh, thọ mạng của chúng sanh rất vắn. Do sự lấy của không cho khiến chúng sanh sanh vào chỗ nghèo hèn. Do quả báo dâm dật, cửa nhà chúng sanh không được trinh trắng. Do nói dối, miệng của chúng sanh có mui hôi thối, không được sạch thơm. Do ỷ ngữ, đất đai không được bằng phẳng. Do quả báo hai lưỡi, đất mọc gai chông. Do quả báo ác khẩu, có nhiều ngôn ngữ khác nhau. Do tật đố, thóc lúa không dồi dào. Do quả báo sân hại, có nhiều vật uế ác. Do quả báotà kiến, tự nhiên sanh tám địa ngục. Nhân bởi mười ác báo này khiến các ngoại vật cũng suy hao, huống nữa vật nội thân.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 2)
- 307. QUÁN BẤT TỊNH ĐỐI TRỊ NỮ SẮC
Hãy từ bỏ tưởng tịnh, tư duy quán bất tịnh. Sau khi tư duy quán bất tịnh, Tỳ-kheo sẽ đoạn tận dục ái, sắc ái và vô sắc ái; đoạn tận vô minh, kiêu mạn. Nay, Tỳ-kheo, dục của ngươi từ đâu sanh? Từ tóc sanh? Nhưng tóc hiện nhơ không sạch, đều do huyễn hóa, lừa gạt người đời. Móng, răng… thuộc về thân thể đều là không sạch. Cái gì là chân, cái nào là thật? Từ đầu đến chân, thảy đều như vậy. Những vật hữu hình như gan, mật, năm tạng, không một vật đáng ham. Cái gì là chân? Nay, Tỳ-kheo, dục của ngươi từ đâu sanh? Nay ngươi khéo tu phạm hạnh, Chánh pháp của Như Lai, tất sẽ hết khổ. Mạng người rất ngắn, không lâu ở đời. Tuy có rất thọ, không qua trăm tuổi.
Như Lai xuất thế, rất là khó. Được gặp, nghe pháp cũng khó. Thọ nhận thân hình tứ đại cũng lại việc khó được. Các căn đầy đủ cũng lại khó được. Được sanh vào chốn trung ương, cũng lại khó gặp. Gặp gỡ thiện tri thức, cũng lại khó được. Nghe pháp cũng khó, phân biệt nghĩa lý cũng lại khó được. Thành tựu pháp tùy pháp, việc này cũng khó. Nay, Tỳ-kheo, ngươi nếu thân cận thiện tri thức, thì có thể phân biệt các pháp, cũng có thể giảng rộng nghĩa này cho người khác. Nếu đã nghe pháp thì có thể phân biệt. Đã phân biệt pháp rồi thì có thể giảng nói nghĩa của nó. Không có tưởng dục, tưởng sân nhuế, tưởng ngu si; đã lìa ba độc nên thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 8)
- 308. QUÁN NỮ SẮC
Khi ấy, người nữ kia từ xa trông thấy Đa-kỳ-xa, cô liền cười. Đa-kỳ-xa khi từ xa thấy người nữ cười, liền phát sanh niệm tưởng này: ‘Cô nay, với hình thể được dựng đứng bởi xương, được quấn chặt bởi da, cũng như cái bình vẽ, bên trong đựng đồ bất tịnh, lừa dối người đời, khiến sinh loạn tưởng.’
Tôn giả Đa-kỳ-xa quán sát người nữ kia từ đầu đến chân, trong thân thể này không cái gì đáng ham, ba mươi sáu vật thảy đều bất tịnh. Nay những vật này là từ đâu sinh? Rồi Tôn giả Đa-kỳ-xa lại nghĩ: ‘Nay ta quán sát thân khác, không bằng tự quán sát trong thân mình. Dục này từ đâu sanh? Từ đất sanh chăng? Từ nước, lửa, gió sanh chăng? Nếu từ đất sanh; đất cứng chắc, không thể bị hư hoại. Nếu từ nước sinh, nước rất mềm, không thể bắt giữ. Nếu từ lửa sanh; lửa cũng không thể bị nắm bắt. Nếu từ gió sanh; gió không có hình, không thể nắm bắt.’ Tôn giả lại nghĩ: ‘Tham dục này chỉ có từ tư tưởngsanh.’
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 9)
- 309. QUÁN SỔ TỨC
An-ban tức là theo dõi hơi thở. Khi hơi thở dài, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang dài; nếu hơi thở lại ngắn, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang ngắn; nếu hơi thở rất lạnh, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang lạnh; nếu hơi thở lại nóng, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang nóng. Quán khắp thân thể từ đầu đến chân, tất cả đều nên quán biết. Nếu hơi thở lại có dài ngắn, cũng hãy quán hơi thở có dài ngắn. Dụng tâm đặt nơi toàn thân, biết hơi thở dài ngắn, tất cả đều biết rõ, cho đến khi hơi thở ra vào được phân biệt rõ ràng. Nếu tâm đặt nơi thân, biết hơi thở dài ngắn, cũng lại biết rõ, đếm hơi thở dài ngắn cũng phân biệt rõ ràng.
Đó gọi là niệm an-ban, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm an, ban, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 8)
- 310. QUÁN SỔ TỨC VÀ TỪ BI
Ngươi hãy tu hành pháp an-ban. Tu hành pháp này, có tâm tưởng sầu ưu đều sẽ trừ diệt hết. Nay ngươi lại nên tu hành tưởng bất tịnh ghê tởm, nếu có tham dục, thì sẽ trừ diệt hết.
Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu hành từ tâm. Đã hành từ tâm rồi, nếu có sân nhuế, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu, hành bi tâm. Đã hành bi tâm rồi, nếu có tâm hại, thì sẽ trừ diệt hết.
Nay ngươi phải tu hành hỷ tâm. Đã hành hỷ tâm rồi, nếu có tâm tật đố, thì sẽ trừ diệt hết.
Nay ngươi phải tu hành tâm xả. Đã hành tâm xả rồi, nếu có kiêu mạn, thì sẽ trừ diệt hết.
Chớ luôn khởi tưởng đắm
Thường phải y thuận pháp
Người hiền trí như vậy
Danh đồn vang khắp nơi.
Cầm đuốc sáng cho người
Phá màn vô minh lớn
Trời, rồng thảy phụng kính
Tôn thờ bậc sư trưởng.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 1)
- 311. QUÁN MẠNG CĂN ĐOẠN TUYỆT
Chết là mất ở đây, sinh bên kia; qua lại các đường, sinh mạng trôi đi không dừng, các căn tan hoại, như khúc gỗ mục nát; mạng căn đoạn tuyệt, giòng họ chia lìa, không hình không tiếng, cũng không tướngmạo.
Đó gọi là niệm sự chết, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm sự chết, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 10)
- 312. QUÁN TƯỞNG VỀ CHẾT
Tỳ-kheo ấy có thể khéo tư duy về tưởng chết, nhàm tởm thân này là bất tịnh ghê tởm. Tỳ-kheo tư duyvề tưởng chết, phải buộc ý trước mắt, tâm không di động, niệm số đếm hơi thở ra vào, đồng thời tư duyvề bảy giác chi, như vậy ở trong pháp Như Lai mới được nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hoá, không có chơn thật. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 1)
- 313. QUÉT ĐẤT CÓ NĂM VIỆC THÀNH TỰU
Người quét đất có năm việc thành tựu công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, người quét đất biết lý gió ngược, gió xuôi, cũng biết dồn đống, cũng có thể hốt bỏ không để cho dư sót lại, khiến cho đất thật sạch sẽ. Đó gọi là có năm trường hợp này thành tựu công đức lớn.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 5)
- 314. QUÉT THÁP THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC
Người quét tháp thành tựu công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, người quét tháp dùng nước rưới lên đất, lượm bỏ gạch đá, san bằng mặt đất, giữ chú ý khi quét đất, hốt bỏ rác rưới dơ bẩn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm việc khiến người được công đức. Cho nên, này các Tỳ-kheo, muốn cầu công đức này hãy thực hành năm việc này.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 6)
- 315. QUỐC VƯƠNG THÀNH TỰU MƯỜI PHÁP
Nếu quốc vương thành tựu mười pháp thì không thể tồn tại lâu dài, bị nhiều giặc cướp. Những gì là mười?
1) Quốc vương tham lam keo kiệt, vì chút sự việc nhỏ mà nổi thịnh nộ, không quán sát nghĩa lý.
2) Vua ấy tham đắm tài vật, không khứng chịu thua sút.
3) Vua kia không chịu nghe can gián, là người bạo ngược, không có từ tâm.
4) Vua kia bắt oan nhân dân, giam cầm ngang ngược, nhốt trong lao ngục không có ngày ra.
5) Quốc vương tuyển dụng thần tá phi pháp, không y theo chánh hành.
6) Quốc vương tham đắm sắc đẹp của người, xa lánh vợ của mình.
7) Quốc vương ưa uống rượu mà không lý đoán quan sự.
8) Quốc vương ưa thích ca múa, hý, nhạc, mà không lý đoán quan sự.
9) Quốc vương hằng mang bệnh tật, không có ngày nào khỏe mạnh.
10) Quốc vương không tin bề tôi trung hiếu, lông cánh yếu ớt, không có người phò tá mạnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 3)
- 316. RỜI BỎ NƠI KHÔNG LỢI ÍCH
Nếu có Tỳ kheo sống nương tựa thôn xóm mà pháp thiện tiêu diệt, pháp ác cứ tăng trưởng; Tỳ kheo ấy nên học như vầy: ‘Ta nay sống nơi thôn xóm mà pháp ác cứ tăng, pháp thiện giảm dần, niệm không chuyên nhất, không thể dứt sạch các lậu, không đạt đên nơi chốn vô vi an ổn. Những gì mà ta có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới thu hoạch được.’ Rồi Tỳ kheo ấy nên học như vầy: ‘Ta nay sống trong thôn xóm này, mà pháp ác cứ tăng, pháp thiện thì tiêu diệt. Ta cũng không phải vì áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh mà làm Sa-môn. Điều mà ta mong cầu ước nguyện nay vẫn chưa có kết quả.’ Tỳ kheo ấy nên rời bỏ thôn xóm ấy mà đi.
(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 3)
- 317. RUỘNG PHƯỚC THẾ GIAN
Các Tỳ-kheo, hãy niệm đầy đủ giới đức, không có niệm khác, thành tựu đầy đủ oai nghi, sợ cả những lỗi nhỏ huống gì là lỗi lớn.
Nếu có Tỳ-kheo nào ý muốn được Như Lai nói đến, hãy niệm đầy đủ giới đức. Giới đức đã đầy đủ, hãy niệm nghe đầy đủ. Nghe đã đầy đủ thì, hãy niệm bố thí đầy đủ. Thí đã đầy đủ thì, hãy niệm đầy đủ trí huệ, và giải thoát tri kiến, thảy đều đầy đủ.
Nếu có Tỳ-kheo nào đầy đủ các thân giới, thân định, tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát tri kiến, được trời rồng, quỷ thần trông thấy cúng dường, là chỗ đáng kính, đáng quí, được trời người cung phụng. Cho nên, này các Tỳ-kheo, ai niệm đầy đủ năm phần Pháp thân, người ấy là ruộng phước thế gian, không gì hơn được.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 5)
- 318. SA MÔN TẬP HÀNH
Tỳ kheo đi đứng, tới lui, nhìn ngó, dung mạo khóac y, bưng bát, thảy đều đúng như pháp. Không đắm tham dục, sân hận, ngu si. Duy chỉ trì giới, tinh tấn không phạm các điều phi pháp, học các giới. Đó gọi là sa-môn tập hành.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 8)
- 319. SA MÔN THỆ NGUYỆN
Hoặc có Tỳ kheo mà oai nghi, giới luật, ra vào, tới lui, bước đi, dung mạo, nhìn ngó, cử động, thảy đều như pháp, dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu, ở ngay trong hiện pháp, tự thân chứng ngộ mà an trú, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời saunữa. Đó gọi là sa-môn thệ nguyện.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 8)
- 320. SA MÔN, BÀ-LA-MÔN
Sa-môn tâm tĩnh lặng
Các ác đã diệt tận
Bà-la-môn, là thanh tịnh
Trừ khử các loạn tưởng.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 7)
- 321. SẮC ĐẸP CỦA NỮ NHÂN
Khi nó thấy con gái dòng sát-lợi, con gái dòng bà-la-môn, con gái dòng trưởng giả, tuổi mười bốn, mười lăm, mười sáu, không cao, không thấp, không mập, không ốm, không trắng, không đen, xinh đẹp vô song, hiếm có ở đời; vừa mới thấy nhan sắc ấy, nó liền khởi tưởng yêu thích. Đó gọi là vị của sắc.
Sao gọi sắc là tai hoạn lớn? Lại nữa, sau nếu lại thấy người con gái kia, tuổi đã tám mươi, chín mươi, cho đến trăm tuổi, nhan sắc đổi khác, qua tuổi thiếu, tráng niên, răng rụng, tóc bạc, thân thể cáu ghét, da dùn, mặt nhăn, lưng khòm, rên rỉ, thân như xe cũ, hình dáng run rẩy, chống gậy mà đi. Thế nào, các Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy ban đầu, sau lại thấy đổi khác, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Ở đây nếu thấy người con gái kia thân mang trọng bịnh, nằm trên giường, đại tiểu tiện không thể đứng dậy. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy trước kia, nay trở nên bệnh này; há chẳng phải là tai hoạnlớn sao?
Nếu lại thấy người con gái kia, thân hoại mạng chung, được đem đến gò mả. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp trước kia đã thấy, nay đã biến đổi; ở trong đó mà tưởng khổ lạc; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy người con gái kia, chết qua một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, cho đến bảy ngày; thân thể sình chướng, rữa thối, tan rã, rơi vãi một nơi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp có trước kia, đến nay thay đổi đến như vậy; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy người con gái kia, bị quạ, chim khách, kên kên, tranh nhau đến ăn thịt; hoặc bị beo, chó, sói, hổ, thấy mà ăn thịt; hoặc các loài trùng ngọ nguậy rất nhỏ, biết bò, bay, động đậy, thấy mà ăn thịt. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia vốn có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy thân người con gái kia, thân bị trùng quạ đã ăn nửa, ruột, dạ dày, thịt, máu, ô uế bất tịnh. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp mà trước kia cô ấy có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ còn hài cốt liền nhau. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ có gân quấn ràng như bó củi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt tan rã mỗi nơi, hoặc xương chân một chỗ, hoặc xương tay một chỗ, hoặc xương đùi một chỗ, hoặc xương hông một chỗ, hoặc xương sườn một chỗ, hoặc xương bả vai một chỗ, hoặc xương cổ một chỗ, hoặc đầu lâu một chỗ. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy thân người con gái kia, xương cốt bạc trắng, hoặc giống sắc bồ câu. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt trải qua nhiều năm, hoặc bị mục nát, tan rã, giống như màu đất. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Sắc nầy vô thường biến đổi, không được lâu dài, không được bền vững. Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 9)
- 322. SÁM HỐI
Phật bảo vua A-xà-thế: Có hai hạng người không tội mà mạng chung được sinh lên trời trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay. Sao gọi là hai? Một là người không tạo gốc tội mà tu thiện; hai là người cải hối tội mà mình đã tạo. Đó gọi là hai hạng người khi mạng chung sẽ sanh lên trời không có gì nghi ngờ.
Người làm việc rất ác
Hối lỗi, chuyển thành nhẹ
Sám hối không lười nghỉ
Gốc tội được nhổ hẳn.
Cho nên, Đại vương hãy trị dân đúng pháp, chớ đừng phi pháp. Phàm người theo giáo hóa cai trị, khi chết sẽ được sinh lên trời, cõi lành. Sau khi mạng chung, danh tiếng sẽ được vang dội khắp bốn phương. Người sau cùng truyền tụng: ‘Xưa có vị Vua lấy chánh pháp giáo hóa cai trị, không có cong vạy.’ Mọi người xưng tụng nơi sanh của người ấy. Tuổi thọ được thêm, không bị chết yểu. Cho nên, Đại vương hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Tam bảo Phật, Pháp, Thánh chúng.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 7)
- 323. SÂN GIẬN
Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Sân nhuế.
Bị nhiễm bởi sân nhuế
Chúng sanh rơi đường dữ
Siêng tu bỏ sân nhuế
Liền thành A-na-hàm.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số2)
- 324. SÁNG, TRƯA, CHIỀU CÓ BA SỰ QUẤN CHẶT TÂM Ý
Giống như mùa Xuân, trời mưa đá lớn. Cũng lại như vậy, nếu Như Lai không xuất hiện ở đời, chúng sanh sẽ rơi vào địa ngục. Bấy giờ người nữ vào địa ngục nhiều hơn đối người nam. Vì sao vậy?
Tỳ-kheo nên biết, do ba sự nên các loài chúng sanh thân hoại mạng chung rơi vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là tham dục, ngủ nghỉ, trạo cử. Bị ba sự nầy quấn chặt tâm ý, thân hoại mạng chung rơi vào ba đường ác.
Người nữ cả ngày tập hành ba pháp mà tự an trú. Ba pháp gì?
Sáng sớm để cho tâm ganh tị quấn chặt mình.
Buổi trưa lại để cho ngủ nghỉ quấn chặt mình.
Buổi chiều để cho tâm tham dục quấn chặt mình. Do nhân duyên nầy khiến người nữ kia thân hoại mạng chung sanh vào ba đường dữ.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tránh xa ba pháp nầy.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 22. Phẩm Ba Cúng Dường, Kinh số 9)
- 325. SANH THIÊN
Bố thí và bình đẳng
Từ tâm, xả, tư duy
Có ba xứ sở nầy
Được người trí gần gũi.
Đời nầy thọ báo kia
Trên trời cũng như vậy
Duyên có ba xứ này
Sanh thiên ắt không nghi.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 2)
- 326. SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN
Có hai pháp tu hành là chỉ và quán. Lại phải tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Sinh tử không đáng vui, biết Niết-bàn là an lạc. Đó là hai pháp. Lại tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Trí và biện.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 7)
- 327. SÁT SANH LIỀN ĐỌA ĐỊA NGỤC
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ, nếu sinh vào cõi người mà thọ mạng ngắn ngủi: đó là sát sinh.
Nếu có người nào có ý thích sát sinh, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người thì thọ mạng ngắn ngủi. Vì sao vậy? Vì họ đã dứt sinh mạng kẻ khác.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 1)
- 328. SÁU CÔNG ĐỨC CỦA NHƯ LAI
1) Chánh pháp Như Lai rất là hoà nhã, được người trí tu hành.
2) Thánh chúng của Như Lai rất hoà thuận, thành tựu pháp tùy pháp, thành tựu giới, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng gồm có bốn đôi, tám bực. Đây là Thánh chúng của Như Lai đáng kính, đáng quý, là ruộng phước lớn của thế gian.
3) Như Lai có chúng bốn bộ đều học tập, thực hành pháp cần được thực hành, không quấy nhiễu Như Lai thêm nữa.
4) Thế Tôn, con thấy dòng sát-lợi, bà-la-môn, cư sĩ, sa-môn, tài cao, hơn đời đều tập họp lại bàn luận: ‘Chúng ta phải đem luận đề này đến hỏi Như Lai. Nếu Sa-môn Cù-đàm kia không đáp luận đề này thì ông ấy còn yếu kém. Nếu có thể đáp thì chúng ta sẽ khen hay.’ Lúc ấy, bốn dòng họ đến chỗ Thế Tônmà hỏi luận này, hoặc lại có người im lặng. Bấy giờ, Thế Tôn vì họ mà thuyết pháp. Sau khi nghe phápxong họ không hỏi thêm gì nữa, huống chi lại muốn tranh luận và đều thờ Như Lai làm Thầy.
5) Có sáu mươi hai kiến giải ngoại đạo lừa dối người đời, không hiểu chánh pháp do đó đưa đến ngu si. Nhưng Như Lai có thể trừ các nghiệp tà kiến này, sửa cho họ Chánh kiến.
6) Chúng sanh tạo ác bởi thân, miệng, ý. Nếu mạng chung mà nhớ nghĩ công đức Như Lai thì được lìa ba đường dữ, được sinh lên trời. Cho dù là người cực ác, cũng được sinh lên trời.
Vì vậy nên chúng sanh nào thấy Như Lai cũng đều sanh tâm cung kính mà cúng dường Ngài.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay Đại vương, đã có thể ở trước Như Lai rống tiếng rống sư tử, diễn bày công đức của Như Lai! Cho nên, Đại vương, hãy thường khởi tâm hướng về Như Lai. Đại vương, hãy học điều này như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 10)
- 329. SÁU LOẠI SỨC MẠNH
1) Trẻ con dùng tiếng khóc làm sức mạnh, muốn nói điều gì cốt trước phải khóc.
2) Người nữ dùng sân hận làm sức mạnh, nổi sân hận rồi sau đó mới nói.
3) Sa-môn, bà-la-môn dùng nhẫn nhục làm sức mạnh, thường nghĩ tự hạ mình và hạ mình đối với người sau đó mới trình bày.
4) Quốc vương dùng kiêu ngạo làm sức mạnh, dùng thế lực cường hào để nói chuyện.
5) Song A-la-hán dùng sự tinh chuyên làm sức mạnh để nói chuyện.
6) Chư Phật Thế Tôn thành tựu đại từ bi, dùng đại bi làm sức mạnh để làm lợi khắp chúng sanh.
Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có sáu sức mạnh đời thường này.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 1)
- 330. SÁU PHƯỚC CỦA VUA BA TƯ NẶC
Vua liền nhẹ nhàng bước vào, không gây ra một tiếng động. Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc quay lại nhìn người hầu. Người ấy liền tự nghĩ: Nay hãy để vua vào gặp Thế Tôn một mình. Ta nên đứng đây.
Bấy giờ, vua Ba Tư Nặc đi một mình đến chỗ Thế Tôn. Thế Tôn bằng thiên nhãn thấy vua đang đứng ngoài cửa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mở cửa cho vua. Thấy Thế Tôn, vua liền đảnh lễ sát chân, tự xưng tên họ Con là Vua Ba-tư-nặc. Ba lần tự xưng danh hiệu.
Thế Tôn nói: Ông là Vua. Còn Ta là dòng họ Thích xuất gia học đạo.
Vua bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn kéo dài tuổi thọ đến vô cùng, để trời người được an lạc.
Thế Tôn bảo: Chúc đại vương cũng sống lâu vô cùng, theo pháp cai trị, chớ đừng phi pháp. Những ai cai trị đúng pháp đều sanh lên trời, xứ lành; sau khi chết danh tiếng còn mãi, người đời truyền rằng: ‘Xưa có vua đúng pháp cai trị dân, chưa từng tà vạy.’ Nếu có người dân nào sống trong cảnh giới của vua này, khen ngợi công đức của vua, nhớ nghĩ không quên. Thân vua ở trên trời, tăng sáu việc công đức. Những gì là sáu? Một được thọ tuổi trời, hai được sắc đẹp trời, ba được thú vui trời, bốn được thần túc trời, năm được oai đức trời, sáu được ánh sáng trời. Vì vậy, Đại vương, hãy theo pháp cai trị dân, chớ đừng phi pháp. Ngày nay, tự thân Ta có công đức này nên xứng đáng nhận người cung kính lễ bái.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 10)
- 331. SÁU SỰ ĐƯA ĐẾN CÔNG ĐỨC
Sáu đức ấy là gì? Ở đây, đàn việt thí chủ thành tựu ba pháp. Thế nào là đàn-việt thí chủ thành tựu ba pháp? Ở đây, đàn việt thí chủ thành tựu tín căn, thành tựu giới đức, thành tựu pháp nghe. Đó gọi là đàn việt thí chủ thành tựu ba pháp này.
Vật được thí cũng thành tựu ba pháp. Sao gọi là ba? Vật kia thành tựu sắc, thành tựu vị, thành tựuhương. Có ba pháp thành tựu này.
Đó gọi là có sáu sự này được công đức lớn, danh đức vang xa, đạt được báo cam lồ. Cho nên, các Tỳ-kheo, nếu muốn thành tựu sáu sự này, hãy niệm bố thí.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 4)
- 332. SÁU TRỌNG PHÁP
1) Tỳ-kheo thân hành niệm từ, như soi gương thấy hình mình, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
2) Khẩu hành niệm từ,
3) Ý hành niệm từ, đáng kính, đáng quý, không để quên mất.
4) Được các thứ lợi lộc đúng pháp thì nên chia cho các phạm hạnh cùng hưởng, không tưởng tiếc rẻ; pháp này đáng kính, đáng quí, không để quên mất.
5) Có các giới cấm không hủ, không bại, cực kỳ hoàn hảo, không sứt, không thủng, được bậc trí quí trọng, lại muốn đem giới này được phân bố cho người khác cũng đồng một vị; pháp này đáng kính, đáng quí không để quên mất.
6) Chánh kiến của Hiền Thánh dẫn đến xuất yếu; có kiến giải như vậy, và muốn các vị phạm hạnh đồng tu cùng đồng pháp này, cũng đáng kính, đáng quí, không để quên mất.
Đó gọi là có sáu trọng pháp này, đáng kính, đáng quí, không để quên mất. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xuyên tu tập các hành vi của thân, miệng, ý; nếu được các thứ lợi dưỡng, cũng nên nghĩ phân đều cho nhau, chớ khởi tưởng tham.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 1)
- 333. SÁU XỨ LÀ ĐƯỜNG DỮ
Sao gọi sáu xứ là đường dữ? Mắt nhìn sắc này, hoặc đẹp hoặc xấu. Thấy đẹp thì thích, thấy xấu thì không thích. Tai nghe tiếng hoặc hay, hoặc dở. Nghe tiếng hay thì thích, nghe tiếng không hay thì không thích. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Giống như có sáu loại thú có tánh nết khác nhau, hành động cũng khác. Nếu có người bắt chó, cáo, vượn, cá chiên, rắn, chim, tất cả đều cột lại, nhốt chung vào một nơi rồi thả đi. Bấy giờ, trong sáu loại vật, mỗi con sẽ thể hiện mỗi tính cách.
Bấy giờ, trong ý con chó muốn chạy vào thôn; trong ý con cáo muốn chạy đến gò mả; trong ý con cá chiên muốn vào trong nước; trong ý con vượn muốn vào rừng núi; trong ý rắn độc muốn vào trong hang; trong ý chim muốn bay lên hư không. Sáu loài, mỗi loài có tánh cách khác nhau.
Nếu có người lại bắt sáu loại vật này nhốt vào một chỗ, không cho chúng tự do đi theo bốn hướng. Lúc này, sáu con vật ấy tuy đi lại nhưng không rời khỏi chỗ cũ trong đó. Sáu tình cũng lại như vậy, mỗi loại đều có chủ đích riêng, phận sự bất đồng, lối nhìn cũng khác biệt, hoặc tốt hoặc xấu.
Tỳ-kheo buộc sáu tình này mà đặt một chỗ. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy nhớ nghĩ chuyên tinh, ý không tán loạn. Lúc ấy, tệ ma Ba-tuần hòan tòan không có cơ hội, các công đức lành thảy đều được thành tựu.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 8)
- 334. SÁU XÚC TÌNH
Có sáu xúc xứ. Những gì là sáu? Là các xứ như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó là sáu xứ. Phàm phu khi mắt thấy sắc liền khởi tâm đắm nhiễm không thể lìa bỏ. Do thấy sắc, rồi khởi nhiễm đắm, nên lưu chuyển sanh tử không có lúc nào thoát. Sáu tình cũng lại như vậy, khởi tưởng nhiễm đắm, ý không thể lìa bỏ, do đó lưu chuyển không có lúc nào thoát.
Nếu đệ tử Hiền Thánh của Thế Tôn, mắt thấy sắc rồi không khởi đắm trước, không có tâm ô nhiễm, tức có thể phân biệt mắt này là pháp vô thường, khổ, không, pháp chẳng phải thân. Sáu tình cũng lại như vậy, không khởi tâm ô nhiễm, phân biệt sáu tình này là vô thường, khổ, không, pháp chẳng phải thân, phải tư duy điều này thời liền được hai quả: hoặc ở trong hiện pháp đắc A-na-hàm, hoặc A-la-hán. Giống như có người rất đói, muốn xay giã lúa, sàng xảy cho sạch sẽ để nấu ăn, trừ cơn đói khát. Đệ tửcủa Hiền Thánh cũng lại như vậy, đối với sáu tình này tư duy về sự nhiễm ô, bất tịnh liền thành tựu đạo tích, nhập vô dư Niết-bàn giớ. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt sáu tình này.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 12)
- 335. SỰ CHẾT
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm sự chết. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 10)
- 336. SỨC MẠNH CỦA NỮ GIỚI
1) Sức mạnh của sắc đẹp
2) Sức mạnh của dòng họ
3) Sức mạnh của ruộng vườn
4) Sức mạnh của con cái
5) Sức mạnh của tiết hạnh.
Đó là năm sức mạnh của người nữ.
Tỳ-kheo nên biết, người nữ dựa vào năm sức mạnh này mà xem thường chồng. Nếu chồng lại có một sức mạnh thì sẽ phủ lấp hết người nữ kia. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh của giàu sang. Phàm là người giàu sang thì sức mạnh của sắc không sánh bằng; dòng họ, ruộng vườn, con cái, tiết hạnh cũng không bằng. Do một sức lực mà thắng ngần ấy sức mạnh.
Nay tệ ma Ba-tuần cũng có năm sức mạnh. Những gì là năm? Đó là sức mạnh sắc, sức mạnh thanh, sức mạnh hương, sức mạnh vị, sức mạnh xúc. Phàm người ngu si đắm các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc nên không thể vượt qua cảnh giới Ma Ba tuần. Thánh đệ tử thành tựu một sức mạnh thì có thể thắng ngần ấy sức mạnh. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh không phóng dật. Nếu Hiền Thánh đệ tử thành tựu không phóng dật, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc câu thúc. Do không bị năm dục trói buộc nên có khả năng phân biệt pháp sanh, già, bệnh, chết, thắng được năm sức mạnh của Ma, không rơi vào cảnh giới Ma, vượt khỏi các nạn sợ hãi, đến chỗ vô vi.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 4)
- 337. SỨC NẶNG CỦA TÍN THÍ
Giống như Ưu-bà-di kia, trong lòng chí tín, dạy dỗ con như vầy: ‘Nay con nếu sống tại gia phải như gia chủ Chất-đa và như đồng tử Tượng. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực. Những đệ tử (tại gia) của Thế Tôn mà đã được chứng ngộ, đó là gia chủ Chất-đa và đồng tử Tượng. Còn nếu con trẻ muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, thì phải như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực. Nghĩa là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thích học Chánh pháp, không tạo nghiệp tà để dấy lên phi pháp. Nếu con có sinh tư tưởng nhiễm đắm này, con sẽ rơi vào trong ba đường ác.’
Do đó, các ngươi nên chuyên tâm khéo suy niệm: Hãy đạt được cái chưa đạt được. Hãy thu hoạch cái chưa thu hoạch. Hãy chứng cái chưa chứng. Sở dĩ như vậy, này các Tỳ-kheo, vì sức nặng của tín thíthật khó có thể tiêu được, khiến cho con người không đến được đạo. Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ sinh ý tưởng nhiễm đắm. Nó đã sinh rồi thì hãy diệt.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 9. Phẩm Con Một, Kinh số 1)
- 338. SUY NIỆM TU HÀNH
Hãy suy niệm tu hành. Chúng sanh nào hành pháp này, nhiên hậu mới được gọi là sa môn.
Vì sao gọi là sa-môn? Các kết sử hoàn toàn lắng dừng.
Vì sao gọi là bà-la-môn? Tận trừ pháp ngu hoặc.
Vì sao gọi là sát-lợi? Do đã đoạn trừ dâm, nộ, si.
Cũng gọi là người Đã Tắm. Thế nào gọi là Đã Tắm? Người ấy đã rửa sạch 21 kết sử.
Cũng gọi là giác. Thế nào gọi là giác? Vì đã giác ngộ pháp ngu và pháp trí.
Cũng gọi là Bờ Kia. Thế nào gọi là Bờ Kia? Người ấy đã từ bờ này sang đến bờ bên kia, cho nên gọi là Bờ Kia.
Những ai hành được pháp này, mới được gọi là sa-môn, bà-la-môn. Ý nghĩa như vậy, các ngươi hãy suy niệm phụng hành.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 2)
- 339. SUY TẦM
Có ba suy tầm này. Những gì là ba? Suy tầm dục tưởng, sân nhuế tưởng, sát hại tưởng. Tỳ-kheo đó gọi là ba tưởng.
Nếu người suy tầm dục tưởng, khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục. Nếu suy tầm sân nhuế tưởng, khi mạng chung sẽ sanh trong loài súc sanh, thuộc vào các loài gà, chó; sinh trong các loài rắn, trùng. Nếu suy tầm hại tưởng, khi mạng chung sẽ sanh trong loài ngạ quỷ, thân hình bị thiêu đốt, đau khổ không thể kể được. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba suy tâm này, sẽ sinh vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Lại có ba suy tầm. Những gì là ba? Đó là tầm xuất ly, tầm không sát hại, tầm không sân nhuế. Nếu người nào có tầm xuất ly, khi mạng chung sẽ sanh trong loài người. Nếu người nào có tầm không sát hại, khi mạng chung sẽ sanh lên trời một cách tự nhiên. Nếu người nào có tầm không sân nhuế, khi mạng chung, đoạn trừ năm kết sử, ở nơi kia nhập bát-niết-bàn. Tỳ-kheo đó gọi là ba tầm, hãy thường niệm tu hành. Hãy xa lìa ba ác tưởng này.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 10)
- 340. TÀ HẠNH GIỐNG NHƯ QUẠ ĂN ĐỒ BẤT TỊNH
Giống như con quạ kia thường xuyên bị khổ vì đói, bèn ăn đồ bất tịnh, sau đó quẹt mỏ, sợ có các loài chim khác thấy nói rằng quạ này ăn đồ bất tịnh. Ở đây cũng như vậy, có một người ở nơi vắng vẻ, tập hành dâm dục, làm các hành vi bất thiện. Sau đó hổ thẹn, tự hối lỗi, đem những việc đã làm trình bày cho người. Vì sao vậy? Hoặc bị những vị đồng phạm hạnh thấy mà chê trách rằng, ‘Người này tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác.’
Đó gọi là người giống như quạ.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 3)
- 341. TÀ KIẾN TIÊU DIỆT
Sở kiến của các loài chúng sanh thì không đồng, mà tâm niệm cũng mỗi khác. Các tri kiến ấy đều vô thường. Ai ôm giữ tri kiến ấy, là pháp biến dịch, vô thường. Nếu người khác sát sanh, ta lìa sát sanh. Nếu người khác trộm cắp, ta sẽ xa lìa việc đó, không tập theo hành vi đó, mà chuyên tâm nhất ý không để thác loạn, tư duy trù lượng xem tà kiến khởi lên từ đâu, cho đến mười pháp ác thảy đều lìa bỏ, không tập theo các hành vi ấy.
Nếu người khác sân nhuế, chúng ta học nơi nhẫn nhục. Người khác ôm lòng tật đó, ta nên xả ly. Người khác kiêu mạn, ta nghĩ đến xả ly. Người khác khen mình chê người, ta không khen mình chê người. Người khác không thiểu dục, ta nên học thiểu dục. Người khác phá giới, ta tu tập giới. Người khác giải đãi, ta hãy tinh tấn. Người khác không hành tam-muội, ta hành tam-muội. Hãy học như vậy. Người khác ngu hoặc, ta hành trí tuệ. Ai có thể quan sát phân biệt pháp này, tà kiến tiêu diệt, những cái còn lại không sanh.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 9)
- 342. TAI HỌA CỦA DỤC
Dục có tai họa gì? Ở đây, một thiện gia nam tử học các kỹ thuật để tự kinh doanh cho mình; hoặc học làm ruộng, hoặc học thư sớ, hoặc học làm thuê, hoặc học toán số, hoặc học cân dối, hoặc học chạm khắc, hoặc học thông tin qua lại, hoặc học hầu hạ vua, thân không lánh nắng mưa, mệt nhọc cần khổ, không được tự do. Làm những việc khổ cay nầy để thu hoạch sản nghiệp. Đó là tai họa lớn của dục.
Khổ não trong đời này do ân ái này, đều do tham dục. Nhưng thiện gia nam tử kia lại làm việc cực khổvậy mà không được của cải, trong lòng sầu lo khổ não không thể tính kể, tự suy nghĩ rằng, ‘Ta làm công lao này, bày các phương kế, mà không được tiền của.’ Các trường họp như vậy, nên nghĩ đến lìa bỏ. Đó là nên lìa bỏ dục.
Khi thiện gia nam tử kia, hoặc khi bày phương kế vậy mà được tiền của. Do được tiền của nên tìm đủ mọi cách thích hợp để luôn tự giữ gìn, sợ vua chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt. Lại nghĩ như vầy: ‘ta muốn chôn dấu, nhưng sợ sau quên mất. Ta muốn xuất ra sinh lời lại sợ không thể giữ. Hay nhà sanh con xấu, tiêu phá tài sản của ta.’ đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này đưa đến tai biến này.
Thiện gia nam tử kia thường sanh tâm này, là muốn gìn giữ tài sản, sau đó vẫn bị quốc vương chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt; những thứ chôn dấu cũng lại không thể giữ. Ngay khi muốn xuất vốn kiếm lời cũng thu không được. Ở nhà sanh con xấu, tiêu phá tài sản. Tiền vạn không thu được một. Trong lòng sầu ưu, khổ não, đấm ngực kêu la: ‘tiền của ta có trước kia nay mất tất cả!’ người ấy trở nên ngu hoặc, tâm ý thác loạn. Cho nên, gọi dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này không đến vô vi được.
Do bởi gốc dục nầy, mà con người mặc giáp, cầm dao gậy, công phạt lẫn nhau. Chúng đánh nhau, hoặc ở trước bầy voi, hoặc ở trước bầy ngựa, hoặc ở trước bộ binh, hoặc ở trước xa binh; cho ngựa đấu ngựa, cho voi đấu voi, cho xe đấu xe, cho bộ binh đấu bộ binh; hoặc chém nhau, bắn nhau, hoặc đâm nhau. Đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, vì dục là nguồn gốc đưa đến tai biến này.
Do bởi gốc dục nầy, mà con người mặc giáp, cầm gậy, hoặc ở cửa thành, hoặc ở trên thành, chém nhau, bắn nhau, hoặc dùng dáo đâm, hoặc dùng bánh xe sắt nghiến đầu, hoặc tưới sắt nấu chảy, chịu đau đớn như vậy mà chết rất nhiều.
Dục cũng không có thường, tất cả thay nhau biến đổi không ngừng. Không hiểu rõ dục này biến đổi vô thường, thì đây gọi dục là tai hoạn lớn.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 9)
- 343. TÁI SANH TRONG TAY TA
Nếu ai để tâm nơi Phật đạo, phụng sự bậc đạo nhân thông suốt kinh, khi chết sẽ sanh lên trời. Nếu làm chuyện ngu si, lại tàn hại lẫn nhau, chết rơi vào ba đường dữ không thể kể hết.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
- 344. TÀI THÍ
Nếu thiện nam, thiện nữ nào dùng của cải bố thí thì thu được tám công đức. Những gì là tám?
1) Bố thí đúng thời, chẳng phải phi thời
2) Bố thí trong sạch, chẳng phải là ô uế
3) Tự tay ban phát, chẳng sai người khác
4) Thệ nguyện bố thí, không tâm kiêu
5) Bố thí giải thoát, không trông chờ quả báo
6) Bố thí cầu tịch diệt, không cầu sanh thiên
7) Bố thí cầu ruộng tốt, không bố thí nơi đất hoang
8) Đem công đức này bố thí cho chúng sanh, không tự vì mình.
Cho nên, Tỳ-kheo ai muốn cầu quả báo kia nên hành tám việc này. Báo kia vô lượng, không thể kể hết, sẽ được châu báu cam lồ, dần dần đưa đến diệt độ.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 9)
- 345. TÂM
Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ, như là tâm. Tâm này không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm; hãy khéo niệm tưởng các gốc rễ thiện.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 5)
- 346. TÁM BẬC THÁNH LƯU CHUYỂN MÀ KHÔNG TRỤ SANH TỬ
Có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Sao gọi là tám?
1) Hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn
2) Hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm
3) Hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm
4) Hướng A-la-hán, đắc A-la-hán.
Đó gọi là có tám hạng người lưu chuyển sinh tử mà không trụ sinh tử. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thoát nạn sinh tử.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 10)
- 347. TÁM CHÚNG
Có tám chúng, các ngươi nên biết. Những gì là tám? Chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Tam thập tam, chúng Ma, chúng Phạm thiên.
Tỳ-kheo, nên biết, khi xưa Ta đã từng vào trong chúng Sát-lợi để cùng thăm hỏi, đàm luận, trong đó không có ai ngang bằng Ta. Ta đi một mình, không bạn lứa, không ai cùng hàng; Ta ít muốn biết đủ, ý nghĩ không tán loạn, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.
Ta lại nhớ, khi đến trong chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Tam thập tam, chúng Ma, chúng Phạm thiên cùng thăm hỏi, bàn luận. Ta đi một mình, không bạn lứa, không ai cùng hàng; ở trong đó, Ta tối tôn, không ai sánh ngang; ít muốn, biết đủ, ý không tán loạn, thành tựu giới, thành tựu tam muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.
Khi ấy, Ta ở trong tám bộ chúng, đi một mình, không bạn lứa, làm cây lọng lớn cho các chúng sanh. Bấy giờ, tám bộ chúng không ai có thể thấy đảnh, cũng không dám nhìn dung nhan, huống là cùng luận nghĩa. Vì sao vậy? Vì Ta cũng không thấy có ai trong chúng Trời, Người, Ma, Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, có thể thành tựu tám pháp này, trừ Như Lai còn không kể. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện hành tám pháp này.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 7)
- 348. TÁM ĐỊA NGỤC
Có tám địa ngục lớn. Những gì là tám?
1) Địa ngục Hoàn họat
2) Địa ngục Hắc thằng
3) Địa ngục Đẳng hại
4) Địa ngục Thế khốc
5) Địa ngục Đại thế khốc
6) Địa ngục A-tỳ
7) Địa ngục Viêm
8) Địa ngục Đại viêm.
Vì những duyên cớ gì gọi là địa ngục Hoàn hoạt? Những chúng sanh kia thân hình thẳng đơ, không cử động, bị khổ bức bách không thể di chuyển, thân thể không còn máu thịt. Lúc đó, chúng sanh nói với nhau: ‘Chúng sanh sống lại!’ Khi ấy, chúng sanh kia tức thì sống lại.
Lại vì nhân gì mà gọi là địa ngục Hắc thằng? Vì chúng sanh kia hình thể gân, mạch, đều hoá thành dây, để cưa vào thân.
Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đẳng hại? Lúc ấy, chúng sanh kia tụ tập lại một chỗ, đã chém đầu mà giây lát sống trở lại.
Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Thế khốc? Chúng sanh kia đã đoạn mất căn lành, không còn sót chút lông tóc, ở trong địa ngục kia chịu vô số khổ não, ở đó kêu gào oán hận, tiếng kêu không dứt.
Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại thế khốc? Chúng sanh kia ở trong địa ngục chịu vô lượng khổ sở, không thể tính hết. Ở trong đó kêu gào, đấm ngực, tự tát vào mặt, đồng thanh gào thét.
Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục A-tỳ? Các loài chúng sanh giết hại cha mẹ, phá hoại tháp Phật, gây đấu loạn chúng Tăng, hành theo tà kiến điên đảo, tương ưng với tà kiến, không thể chữa trị.
Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Viêm? Các loài chúng sanh trong địa ngục kia, thân thể bốc khói, thảy đều tan rã.
Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại viêm? Các chúng sanh trong địa ngục này đều không thấy sót lại cái gì của tội nhân.
Tỳ-kheo, đó là vì nhân duyên này mà gọi tên tám địa ngục lớn. Mỗi một địa ngục có mười sáu ngục nhỏ. Tên chúng là địa ngục Ưu-bát, địa ngục Bát-đầu, địa ngục Câu-mâu-đầu, địa ngục Phân-đà-lợi, địa ngụcVị-tằng-hữu, địa ngục Vĩnh vô, địa ngục Ngu hoặc, địa ngục Súc tụ, địa ngục Đao sơn, địa ngục Thang hỏa, địa ngục Hỏa sơn, địa ngục Khôi hà, địa ngục Kinh cức, địa ngục Phất thỉ, địa ngục Kiếm thọ, địa ngục Nhiệt thiết hoàn.
Như vậy, mười sáu ngục nhỏ này không thể ước tính hết, khiến chúng sanh kia sinh trong địa ngục. Hoặc có chúng sanh phá huỷ chánh kiến, phỉ báng Chánh pháp mà tránh xa, sau khi mạng chung sẽ sinh vào trong địa ngục Hoàn hoạt.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 2)
- 349. TÁM ĐIỀU SUY NIỆM CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
1) Vì pháp của Ta là sở hành của người ít muốn, chẳng phải là sở hành của người muốn nhiều.
2) Pháp của Ta là sở hành của người biết đủ, chẳng phải là sở hành của người không biết đủ.
3) Pháp của Ta là sở hành của người ở nơi vắng vẻ, chẳng phải là sở hành của người ở chốn đông người.
4) Pháp của Ta là sở hành của người trì giới, chẳng phải là sở hành của người phạm giới.
5) Pháp của Ta là sở hành của người có định, chẳng phải là sở hành của người động loạn.
6) Pháp của Ta là sở hành người trí, chẳng phải là sở hành của người ngu.
7) Pháp của Ta là sở hành của người nghe nhiều, chẳng phải là sở hành của người ít nghe.
8) Pháp của Ta là sở hành của người tinh tấn, chẳng phải là sở hành của người biếng nhác.
Chúng bốn bộ hãy tìm cầu phương tiện hành tám điều suy niệm của bậc đại nhân. Nếu tám điều suy niệm của bậc đại nhân được lưu truyền ở đời, đệ tử Ta đều sẽ thành đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 6)
- 350. TÁM KHỔ
Sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ, sầu bi não khổ, oán tắng hội khổ, ân ái biệt ly khổ. Tóm lại mà nói năm thủ uẩn là khổ. Bạch Thế Tôn, con đã quán nghĩa này như vậy, cho nên bảo là khổ.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 3)
- 351. TÂM LÀ GỐC CÁC PHÁP
Tâm là gốc của pháp
Tâm chủ, tâm sai sử
Ai với tâm niệm ác
Mà hành động, tạo tác.
Theo đó mà thọ khổ
Như vết lăn bánh xe
Tâm là gốc của pháp
Tâm chủ, tâm sai sử.
Ai trong tâm niệm thiện
Mà hành động, tạo tác
Người ấy nhận báo thiện
Như bóng đi theo hình.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)
- 352. TÁM NẠN KHÔNG ĐƯỢC TU TẬP
1) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, dẫn đến Niết-bàn, sở hành của Như Lai, nhưng chúng sanh này ở trong địa ngục nên không nghe, không thấy.
2) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này ở trong loài súc sanh nên không nghe, không thấy.
3) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này ở trong loài ngạ quỷ nên không nghe, không thấy.
4) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này sanh lên trời Trường thọnên không nghe, không thấy.
5) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp, nhưng chúng sanh này sanh ở biên địa, phỉ bángHiền Thánh, tạo các tà nghiệp.
6) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp dẫn đến Niết-bàn, chúng sanh này tuy sinh ở trung tâm đất nước, nhưng sáu căn không đầy đủ, cũng lại không phân biệt được pháp thiện ác.
7) Khi Như Lai xuất hiện ở đời giảng rộng giáo pháp đạt đến Niết-bàn, chúng sanh này sinh ở trung tâmđất nước, tuy sáu căn lại hòan tòan, không có thiếu sót; nhưng chúng sanh này tâm thức tà kiến, cho rằng không có người cho, không có vật bố thí, không có người nhận, không có quả báo thiện ác, không có đời này, đời sau, cũng không có cha mẹ; đời không có sa-môn, bà-la-môn nào thành tựu được A-la-hán, tự thân chứng ngộ mà và an trú.
8) Như Lai không xuất hiện ở đời, không nói giáo pháp dẫn đến Niết-bàn, dẫu chúng sanh này sinh ở trung tâm đất nước, đầy đủ sáu căn, có thể thọ nhận giáo pháp, thông minh tài giỏi, nghe pháp liền hiểu, tu hành chánh kiến, tin có vật bố thí, có người bố thí, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này, đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn, tu chánh kiến, tác chứng đắc A-la-hán.
Tỳ-kheo, đó gọi là có tám nạn này, khiến phạm hạnh không thể tu hành.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 1)
- 353. TÁM NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRÁI ĐẤT CHẤN ĐỘNG
Trời đất chấn động mạnh là do tám nhân duyên. Những gì là tám?
Tỳ-kheo, nên biết, đất Diêm-phù-lý này nam bắc dài hai vạn, một ngàn do tuần, đông tây bảy ngàn do tuần, dày sáu vạn tám ngàn do tuần, nước dày tám vạn bốn ngàn do tuần, lửa dày tám vạn bốn ngàn do tuần, dưới tầng lửa có tầng gió dày sáu vạn tám ngàn do tuần, dưới tầng gió có bánh xe kim cương, xá lợi của chư Phật trong quá khứ đều ở trong đó.
1) Tỳ-kheo, nên biết, hoặc có lúc gió lớn chính động, lửa cũng động; lửa đã động thì nước liền động; nước đã động thì đất liền động.
2) Bồ-tát từ cung trời Đâu-suất giáng thần vào trong thai mẹ, lúc ấy mặt đất cũng động mạnh.
3) Khi Bồ-tát giáng thần ra khỏi thai mẹ, lúc ấy trời đất động mạnh.
4) Bồ-tát xuất gia học đạo, thành Vô thượng Chánh chơn,