Tâm và Thức

Thursday, 11 June 202010:46 AM(View: 2363)
Tâm và Thức
TÂM VÀ THỨC
Thường Chiếu Thiền Viện

Vấn đề hôm nay chúng ta cần tìm hiểu là Tâm và Thức. Đây là vấn đề rất nhiều người lầm lẫn, cho rằng mình sống với tâm, nhưng thật ra lại sống với vọng thức. Đã sống với vọng thức rồi thì khó thoát khỏi khổ đau, luân hồi sinh tử. Cho nên Phật tử chúng ta phải nhận định thật chính xác về tâm và thức để sự tu hành có kết quả tốt đẹp.

Trong kinh Phật giải thích tâm là cái tràn đầy trong sạch, không chứa vật gì khác nên cũng gọi rỗng suốt, sáng soi như hạt châu quý, như vầng trăng sáng. Như vậy nếu chúng ta nói làm hoặc nghĩ điều gì không bằng sự sáng suốt, tỉnh lặng, thì đó không phải là tâm. Tuyệt đối không được nhầm lẫn nói tâm tôi như vậy, tâm mình không có tào lao như thế. Phật nói tâm Phật tâm chúng sanh không khác. Nên biết những suy tư nghĩ tưởng không phải là tâm mình. 


Tại sao tâm Phật, tâm chúng ta không khác mà đức Phật sống an vui giải thoát, còn mình luân hồi sinh tử, trôi giạt mãi như vầy. Đó là vì chúng ta chưa nhận được tâm, chưa sống được với tâm thật của mình. Chúng ta không hoàn toàn trong sáng, không lặng lẽ như như, không chiếu soi được cái gì hết, nên trong lòng còn quá nhiều vẩn đục. Đã chưa được như vậy nên ta không tương ưng gần gũi với Phật. Khi nhận mình là Phật tử thì ít ra ta phải sống được với tâm thật chút chút chứ. Bởi Phật đã sống như vậy, mình là đệ tử chân chính của Ngài cũng phải sống như thế. Có thế mới tương ưng, mới xứng đáng là Phật tử. Đó là điều mà Phật tử chúng ta cần lưu ý. 


Chúng ta không thể lầm lẫn giữa tâm và thức được. Bởi tâm luôn thanh tịnh trong sáng, tâm thường hằng không sanh diệt, còn thức là vọng tưởng vô thường, luôn biến đổi, khi tốt khi xấu. Nếu lầm nhận thức là tâm thì nguy to. Một cái sanh tử, một cái không sanh tử, không thể là một được. Người tu Phật làm gì không phải bằng tâm rỗng rang sáng suốt thì phải loại ra, đó là cách giữ giới thanh tịnh nhất. Hòa thượng thường dạy: Cái nào không phải thứ thật thì loại bỏ đi, như vậy mới an ổn được.


Như trong kinh Phật đã dạy, tâm là cái gì tràn đầy trong sáng, không có tì vết. Tâm như hạt châu quý báu luôn soi sáng, khác xa với thức. Thức là gì? Thường thường các học giả nói tâm thức, tức bao gồm cả tâm và thức. Thức tức là phân biệt, vọng động, do học hiểu ghi nhớ hay từ những tư tưởng phát sinh, tập thành kiến thức của chúng ta. Nhiều người đã lầm nhận kiến thức này là tâm mình. Thưa quí vị, không phải thế. 


Ví như tôi nhìn cây quạt máy đang hoạt động, nếu nhìn bằng thức, tôi sẽ phân biệt cây quạt này đời 90 hay 92, giống loại quạt bên Tây hay bên Mỹ, nó bền chắc hay không, làm bằng chất liệu gì… Tất cả các loại suy luận như vậy là thức, chứ không phải tâm. Còn tâm là sao? Biết đúng như thật, giản dị lắm. Cái quạt là cái quạt, chỉ thế thôi. Nếu có phân biệt thì cũng đúng theo pháp duyên sinh mà nhìn bằng cặp mắt Bát-nhã. Cái quạt này do các bộ phận hợp lại mà thành, nó không thật, tạm có theo duyên thôi. 


Ai thấy mọi pháp trên thế gian này như vậy, người đó sống được với tâm. Còn trái lại là sống bằng thức, tức là bằng phân biệt, vọng động. Do nhớ nghĩ học hiểu, hoặc tham cứu mà biết, tất cả đều là thức. Như vậy giữa thức và tâm rõ ràng không giống nhau. Nếu chúng ta nhìn sự vật trên cuộc đời này bằng tâm thì ta sống bình thản, an vui. Ngược lại, nếu nhìn bằng thức thì mọi chuyện sẽ phát sinh. Nào là có người già, người trẻ, người nam người nữ, người dễ thương dễ ghét v.v… theo đó mà thị phi, mà tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Nhưng trên tâm mà nhìn thì tất cả đều là những vị Phật sẽ thành. Nhìn như thế nên không có quan niệm, không có vấn đề, không có già trẻ, nam nữ, đẹp xấu gì cả. Thế nên không có thương ghét, không có tạo nghiệp. Do đó không có luân hồi sanh tử. 


Cái khổ của chúng sanh là do tạo nghiệp. Bởi tạo nghiệp nên phải trả nghiệp, giống như vay nợ vậy, có vay thì có trả. Trả rồi lại vay nữa, cứ thế mà từ đời này sang đời khác vay trả, trả vay không có ngày cùng. Tại sao cứ vay trả hoài như thế? Bởi vì khi trả mình không sáng suốt, hồi vay không biết bao nhiêu nhưng lúc trả cứ cằn nhằn, tệ hơn nữa là nổi sùng lên la mắng lại chủ nợ. Thế nên chẳng những chưa trả hết nợ cũ mà còn vay thêm nợ mới nữa. Đây gọi là oan oan tương báo.


Khi trả nợ nổi sùng lên, tức là sống bằng vọng thức. Cho nên Phật nói vòng luân hồi tiếp tục mãi không bao giờ dừng dứt được. Nên người ta thường quan niệm luân hồi như một vòng tròn. Ví dụ có những con vật ngày xưa do nợ nần thế nào đó, bây giờ nó phải vào nhà mình làm heo chó, trâu bò để trả lại nợ trước. Nếu ta thương nó đối xử tốt, sau này hết nợ lại gặp nhau làm con cái hay anh chị em. Hoặc ta đối xử xấu với nó, đánh đập đày ải nó, thế là ta nợ lại nó. Sau này hết phước mình sanh trở lại làm con vật trong nhà nó, nó hết nợ trở lại làm chủ mình. Cái vòng trả vay cứ lẩn quẩn như thế, nên thường được tượng trưng như một vòng tròn. 


Trong nhà Phật dạy lấy từ bi mà hóa giải hận thù thì hận thù mới hết. Chứ đem hận thù trả hận thù thì oán oán chất chồng, không thể nào trả hết được. Muốn đem từ bi hóa giải hận thù thì phải sống được với tâm, không có cách nào khác hơn. Nếu tâm không rỗng sáng, không thanh tịnh, lặng lẽ sáng soi thì khó mà từ bi lắm. Thấy có người chửi mình thì làm sao từ bi được. Cho nên còn vật lộn trong thế gian thì khó tu lắm. Phải mở được con mắt tuệ, sống được với tâm mình, mới mong hóa giải được hận thù.


Tâm tôi đã giới thiệu rồi, sống được với cái rỗng rang sáng suốt, đừng để vướng mắc cảnh duyên hình thức bên ngoài. Ví dụ có bạn bè rủ rê uống ruợu, mình từ chối dứt khoát, hôm nay tôi đã thọ giới nguyện không uống ruợu, xin anh em thông cảm cho. Ai buồn giận cũng không sợ, phải mạnh dạn, dứt khoát như vậy mới không bị cảnh duyên kéo lôi. Rủ lần đầu không được, thì những lần sau ta sẽ thoát, tự nhiên chấm dứt được nghiệp xấu. 


Chỗ khó khăn nhất trong khi tu tập là “dừng” được nghiệp. Vừa dấy nghĩ việc bất thiện, ta biết đó là xấu, gây tạo nhân khổ sẽ chuốt quả khổ nên không làm. Đó dừng được nghiệp, phải là người sáng suốt, bản lĩnh mới làm được như vậy. Ta phải tỉnh mới dừng lại được, còn mê thì thua cuộc, chạy theo nó luôn. Có tỉnh mới biết sự việc ấy không đúng. Cho nên việc tu hành phải được thực hiện ngay nơi tâm mình, đúng như người xưa nói tu tâm dưỡng tánh. 


Chạy theo hình thức bên ngoài thì tạo nghiệp không cùng. Bởi hình thức có trăm ngàn muôn ức cái khác nhau. Như cả trăm vị trước mặt tôi không ai giống ai. Một trăm người, một trăm gương mặt, một trăm ánh mắt, một trăm mái đầu, một trăm dáng đi, không có cái nào giống cái nào hết, kể cả anh em ruột thịt trong nhà cũng không giống nhau, chỉ hao hao là cùng. 


Tâm vọng tưởng lại càng khác hơn nữa. Mỗi người mỗi suy nghĩ, hay đúng hơn một người đã có nhiều suy nghĩ, mà đôi khi những suy nghĩ của họ cũng mâu thuẫn, trái ngược nhau. Đây mới thấy rõ suy nghĩ không phải là tâm mình. Đã biết vô vàn những sai biệt như vậy mà chúng ta không tỉnh, cứ trên những sự sai biệt đó mà tạo nghiệp. Có nhiều người vô lý lắm, ví dụ như nói người ta nhìn là phát bực rồi, không ai chọc giận mà vẫn phát bực như thường - vô lý không ? Bởi họ đang sống với cái thức lẫy lừng bên trong, nào là phải quấy, tốt xấu, thương ghét v.v… nên nhìn ai cũng thành xấu cả. 


Người Phật tử khéo tu nhớ vận dụng tâm rỗng rang sáng suốt thì các thứ bực bội sẽ hết thôi. Vận dụng thế nào? Phật nói tất cả chúng sanh đều là Phật, vậy ai dám chê Phật? Ta ngán địa ngục thì đừng chê Phật, vô trong đó rồi khó ra lắm. Nếu nhìn tất cả mọi người đều là Phật hết thì tự nhiên vui vẻ bình thường, không phải nói gì hết. Như vậy giữa thức và tâm chúng ta đã nhận định được rõ ràng, từ đó mình có cách thức tu hành, luôn sống với tâm tỉnh giác, không chạy theo thức phân biệt hư ngụy nữa.


Trong kinh Phật nói ai sống được với tâm thanh tịnh, rỗng rang sáng suốt của mình, người đó gọi là Phật, là Bồ-tát. Người đó giống như nga vương, tức ngỗng chúa. Nga vương có một điểm đặc biệt là uống sữa chừa nước, những con ngỗng khác không làm được. Nếu chúng ta sống được như Phật, Bồ-tát thì những thứ tham sân si không thật, ta loại bỏ hết đi, như con nga vương uống sữa chừa nước vậy. Phật dạy chúng ta phải sống như nga vương, nghĩa là chỉ nhận cái thật của mình thôi, những gì giả thì vất bỏ hết.


Nói tới đây, ta tự thương mình nhiều lắm. Vì sao? Phật nói mình sẵn có trí tuệ như Phật, mà Phật an vui tự tại lâu rồi, còn chúng ta không hiểu sao vẫn đau khổ hoài. Nhận lại tâm sẵn có của mình chớ đâu phải của ai mà không dễ dàng? Cho nên Phật nói chúng sanh “thật đáng thương xót lắm vậy” là vì thế. Bây giờ muốn trở lại vị trí ban đầu của mình thì phải tu tâm dưỡng tánh, chứ không cần hình thức nọ kia. Cái gì không thật bỏ đi, cái thật thì sống. Chỉ vậy thôi.


Song chúng ta cũng nên thận trọng, bởi vì nói như vậy nhưng nếu chưa sống, chưa thực hiện được như vậy chúng ta phải dè dặt. Bởi vì giữa tâm và thức rất khó phân định. Không khéo chúng ta sẽ vướng phải sai lầm, trong nhà Phật gọi là tăng thượng mạn, tức chưa chứng mà cho đã chứng, thì càng chướng đạo hơn nữa.


Trong kinh có ghi lại câu chuyện thế này. Một thầy Tỳ-kheo nọ thường hay ngủ ngày, nhóm đệ tử nhỏ thắc mắc tại sao thầy lại ngủ ngày? Thầy đáp ta ngủ ngày mới có thể gặp những người bạn ở cõi trời, trao đổi kinh nghiệm tu tập để đem về dạy các ông. Mấy đệ tử nhỏ nghe vậy nắm được cơ hội, liền rủ nhau ngủ hết giữa ban ngày. Ông thầy xuống hỏi tại sao giờ này còn ngủ? Thưa “tụi con cũng ngủ trưa như thầy, để tìm gặp bạn thầy trên trời hỏi đạo?” Ông thầy cũng vui, hỏi đệ tử “vậy có gặp được ông nào hay không?” Mấy đệ tử con ranh mãnh thưa “tụi con không gặp ông nào hết và cũng không hề nghe nói thầy lên đó gặp ai cả”. Thầy Tỳ-kheo ấy cười nói: “Mấy Hòa thượng con ơi, đừng có xạo nữa, Thánh thần nào trên đó mà gặp”. Đồng thời cũng từ đó, thầy không còn ngủ ngày nữa. 


Câu chuyện cho thấy rằng nếu chúng ta chưa sống được với tâm của mình thì phải dè dặt. Bởi ý thức không chân thật thường dẫn dắt chúng ta đi vào những chỗ tăm tối, ta tự dối mình hồi nào không hay. Làm sao đủ sự sáng suốt bình tĩnh, để khi nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy được cái nào thực, cái nào giả thì mới không bị chúng kéo lôi. Việc gì không phải từ tâm sáng suốt nhận định thì đừng làm, nhất định là như vậy. Nếu khẳng định được thế thì mình là con nga vương trong cuộc đời rồi. 


Trong sự tu, ta có thể biết mình thành công hay không bằng cách kiểm soát xem phiền não trong tâm thay đổi thế nào. Người nào tu ngày càng hết phiền não, càng buông được những ràng buộc, càng sống gần với chánh pháp thì biết người đó đi đúng với đường lối của Phật tổ, người đó là Phật, Bồ-tát tương lai. Đạo Phật chủ trương mọi người đều có Phật tánh như nhau, trí tuệ như nhau, không luận già trẻ nam nữ, ai cũng có khả năng đó. Nhưng làm sao phát huy, nhận lại và sống được với khả năng đó mới là điều đáng nói. Nếu không chúng ta cứ mãi trôi lăn luân hồi sanh tử, thoát không được. Vì vậy mỗi ngày qua, chúng ta luôn tự kiểm điểm lại mình, xem ngày hôm nay mình sống với cái chân thật nhiều hay chạy theo vọng tưởng đảo điên nhiều. Kiểm như thế sẽ biết việc tu của mình tiến hay không, có phát huy được trí tuệ hay không. Theo đó mà chỉnh đốn việc tu sao cho thăng tiến.


Nếu hôm nào người ta chửi mà mình nhịn được, buông được, tức ngày hôm đó ta sống gần với Phật, Bồ-tát. Sống gần với Phật Bồ-tát, thì nhất định sẽ thành tựu viên mãn Bồ-tát hạnh và thành Phật, điều đó chắc chắn không nghi ngờ gì cả. Người tu Phật không còn sợ sệt mai kia mình bị quỷ sứ tới kéo cổ lôi đi. Nếu chúng ta không gây nhân xấu ác, thì ai kéo mình được. Chỉ khi nào ta gây tạo nợ nần thì bị kéo lôi là chuyện dĩ nhiên thôi. Cho nên đừng gây tạo nghiệp, đừng mất tự chủ, thì sống vững tâm. 


Hồi xưa mỗi chiều các Thiền sư thường đốt một cây hương, ngồi thiền xong thấy cây hương tàn, các Ngài kiểm lại việc tu trong ngày hôm ấy, nếu không thấy tiến thì xót xa và thương cảm cho mình đến rơi nước mắt. Vì sao rơi nước mắt? Vì mỗi ngày qua mỗi ngày qua, thân này già nua, bệnh tật ốm yếu, mà nghiệp tập không giảm, điều này thật đáng sợ. Bởi như vậy biết chừng nào mà trả hay hóa giải cho hết những nghiệp tập của mình. Đạo Phật chủ trương người tu phải hoá giải hết nghiệp tập của mình, mới giải thoát thanh tịnh được. Nếu không giải quyết được nghiệp, khi thân này bại hoại, nhất định sẽ bị nghiệp lôi vào chỗ tối tăm. 


Cho nên Phật tử làm sao tu mỗi ngày mỗi tiến, chứ đừng để tình trạng tu mỗi ngày mỗi lui sụt. Một bước tu của chúng ta là chắc một bước, dù chậm nhưng phải chắc. Thà không tu, chớ đừng tu sai, vì khi tu sai sửa lại rất khó. Nên nhớ tâm thể rỗng rang sáng suốt chính là đạo, không phải cái gì khác, đừng tìm cầu bên ngoài. Phải chuyển nghiệp, dứt nghiệp thì mới nhận ra tâm thể chân thật, không có con đường nào khác hơn. Đó là chủ yếu của việc tu hành. 


Dù Phật tử chưa ăn chay được nhưng mỗi ngày dừng bớt tham sân si của mình tức là tu đúng rồi. Ăn chay ăn mặn gì cũng tu được hết, đừng cố chấp rồi mặc cảm mình không tu được. Tuy nhiên người ăn chay là người có điều kiện phát triển lòng từ. Bởi Phật dạy mỗi chúng sanh đều có trí tuệ, nhưng do mê lầm nên tạo nghiệp, phải mang lớp thú, thật sự chúng cũng đau khổ cũng sợ chết như con người. Do đó ta thương chúng, nghĩ tới nỗi sợ hãi của chúng mà không giết hại sinh mạng, làm thức ăn nuôi dưỡng thân mình. Hơn nữa ăn chay lại rất thích hợp với cấu tạo sinh học của loài người, nếu ăn chay được thì tốt hơn ăn mặn.


Song nên nhớ ăn chay không phải là mục đích chánh trong việc tu hành, chánh là dẹp bỏ tham sân si, phát triển trí tuệ sáng suốt như thật của mình, đó là gốc. Những hình thức kia làm được chừng nào tốt chừng nấy, chớ không quan trọng. Thật ra hoàn cảnh càng khó khăn chừng nào thì sự tu càng có giá trị chừng ấy. Ví dụ ông đi chùa mà bà cản, hoặc bà đi chùa ông cự nự mà các vị đó tu được, cảm hóa được người trong gia đình, như vậy mới hay chứ! Đã nhiều Phật tử thực hành như vậy, họ tiến tu trong một hoàn cảnh rất khó khăn, cho nên đạo tâm của họ rất vững. 


Như Hòa thượng giảng, băng của Ngài được rất nhiều người nghe, nghe đến nỗi xúc động mà khóc. Họ về lạy thầy, đảnh lễ như một bậc ân sư. Nhưng cũng có nhiều người đâu chịu nghe. Duyên chưa tới mà ta đem cái không thuận thì không khớp nhau được. Chỉ khi nào thuận duyên người ta tự nhiên phát tâm tu, ta không cần ép buộc. Khi tu hành có lực rồi, mình làm chủ cuộc sống với tâm bình thản, an nhiên, bấy giờ các dụng sẽ phát huy cụ thể. Ta có sức cảm hóa đối với mọi người trong nhà cũng như ảnh hưởng đến cả xóm giềng chung quanh. Đó là kết quả tất yếu của việc tu hành chân chánh.


Tôi nhớ câu chuyện thế này. Trong ngôi chùa nọ, vị thầy có nhiều đệ tử lắm. Trong số đó, một đứa mắc nghiệp thấy tiền bạc là lấy. Chuyện bị bắt quả tang nhiều lần và đưa lên Sư phụ giải quyết. Ông thầy cứ nín thinh, thấy vậy số đệ tử lớn bất mãn định rủ nhau bỏ chùa đi. Hay tin này, Sư phụ kêu tất cả đến, bảo: 


- Mấy thầy được diễm phúc khôn ngoan, biết được việc sai trái không làm, biết giữ giới. Còn chú nhỏ kia ngu mê quá, không thấy được sự nguy hiểm, tai họa của việc làm xấu ác nên đã phạm giới. Hơn nữa nếu tôi đuổi chú, chú sẽ không biết đi đâu và nếu có đi, chú càng lún sâu hơn vào tội lỗi. Vậy quí thầy ra đi, tôi rất yên tâm, còn chú nhỏ kia cần phải ở lại để tôi cảm hóa. 


Nghe thế tăng chúng mới vỡ lẽ, tất cả đều cảm động rơi lệ rồi im lặng rút lui. Và từ đó, không còn ai bị mất tiền nữa. 


Rõ ràng một bậc đầy đủ đạo hạnh, đạo lực rồi thì có thể hóa giải mọi chuyện một cách sáng suốt và dễ dàng, chớ không rắc rối như chúng ta. Trong cuộc đời này chuyện trên xảy ra biết bao nhiêu. Như một gia đình khoảng năm mười đứa con, trong số đó cũng hai ba anh chàng quậy dữ. Đưa xe cúp đi một vòng là bán quách, về nhà thấy quạt máy xách bán luôn. Chơi năm ngày mười ngày hết tiền, về lục lọi coi cái gì bán được lấy bán nữa. Gặp trường hợp như vậy, cha mẹ phải giáo hóa bằng cách nào? Điều này thật là khó. 


Ở đây chúng tôi muốn nói bằng tinh thần đạo Phật, muốn giáo hóa được con cái như thế phải là người sống được với tâm an định, hoàn toàn thanh tĩnh để nhìn con của mình. Cho dù mười hoặc mười lăm người con của mình, cũng nhìn nó là những chúng sinh. Nếu nói về nghiệp tập thì đầy dẫy hết, nói về mặt sáng suốt thì nó cũng có trí tuệ đức tướng Như Lai, còn nói về mặt quan hệ thì tất cả đều là con cái của mình hết, không phải thằng quậy không là con mình, thằng không quậy mới là con mình. Nếu nhìn được như vậy thì sắp đặt được việc trong gia đình. Cha mẹ hết lòng giáo hóa, nhưng được hay không còn do nghiệp tập riêng của nó nữa. Chuẩn bị tinh thần như vậy mới không đau khổ.


Có nhiều Phật tử mới đi chùa, nghe pháp nhưng về nhà áp dụng được, mỗi ngày vị ấy kiểm soát thân tâm mình, không tạo tác những nhân bất thiện, vị ấy thấy rõ lợi ích thiết thực của việc tu Phật. Ta chỉ cần nhớ việc làm nào chưa phải từ tâm thanh tịnh sáng suốt rỗng rang thì bỏ đi, tức là sống đúng tinh thần Phật dạy. Mình là Phật, là Bồ-tát, chúng ta hãnh diện như vậy, đừng sợ gì hết, không phải khó khăn lắm đâu. Chỉ bỏ được tham sân phiền não tức thì thành tựu Phật chủng chứ gì. Còn thành tựu viên mãn đạo quả Bồ-đề thì phải trải qua công phu lợi tha nữa. 

Những vị đi trước chúng ta tu được thì cớ gì chúng ta không tu được, chỉ ta không chịu tu, không dám nhận nguồn gốc trưởng giả của mình thôi. Tuy nhiên trong quá trình công phu, phải trải qua rất nhiều chướng duyên do nghiệp lực ngăn trở, chúng ta dè dặt thận trọng lắm mới thoát khỏi lưới phiền não, đạt được chỗ cứu kính viên mãn. 


Tôi nhớ một Thiền sư nổi tiếng Nhật Bản, Ngài đã chứng đến chỗ tột cùng và rất uyên thâm giáo pháp. Danh đồn bốn phương, các học giả quy tụ về rất đông. Nhiều câu hỏi hóc búa được đặt ra, nhưng người ta chỉ đón nhận những câu trả lời đơn giản, đôi khi không dính dáng gì với điều được hỏi. Vì thế, thiên hạ thất vọng lần lượt kéo nhau đi. 


Một hôm, chú đệ tử trong nhà đến thưa với Thiền sư:


- Bạch Hòa thượng, tại sao Ngài không nói giáo lý thượng thừa đã thân chứng, mà chỉ trả lời giản dị như thế.


Bấy giờ Ngài vui vẻ đáp:


- Vấn đề là chính ở chỗ giác ngộ, chứ không phải đặt sự kiện này sự kiện kia, thế này thế nọ. 


Bởi vì học giả thường đem kiến thức nêu lên vấn đề thế này thế nọ. Như nói mọi loài đều có Phật tánh, đều thành Phật, vậy cái đồng hồ cũng thành Phật được sao? Ở đây Thiền sư trả lời khiêm tốn: “Này ông bạn, quan trọng là bạn giác ngộ chứ không phải cái đồng hồ giác ngộ”. Như vậy yếu chỉ của đạo Phật là gì? Là tự xoay lại mình, chứ đừng soi rọi ra ngoài tìm hiểu người này, người kia, trong khi việc của mình không xong.


Phật tử chúng ta trong cuộc sống tương giao huynh đệ bạn hữu với nhau, không cần đặt vấn đề gì hết, quan trọng là mỗi ngày tự kiểm soát mình, xem phiền não nghiệp tập có giảm bớt không, sự tu có tiến. Đây mới chính là việc làm của mình. Mỗi người là một đơn vị chánh đáng để gầy dựng Phật pháp. Muốn Phật pháp còn mãi trên đời này, bản thân chúng ta phải khắc phục những điên đảo của mình, đưa nó vào đất Phật hết thì Phật pháp sẽ sống lâu nơi đời. 


Tôi áp dụng được Phật pháp, bạn áp dụng được Phật pháp, Tăng tục đều áp dụng được Phật pháp, đó là thời đại chánh pháp, chớ không luận đức Phật còn tại thế hay đã nhập diệt gì cả. Dù không có Phật nhưng có người tu và giác ngộ thì cũng như Phật tại thế. Kinh nói, dù ông nói pháp trời mưa hoa, đá gật đầu mà ông không áp dụng được tí nào thì cũng chẳng phải Phật pháp. Người áp dụng được, ngộ đạo sáng việc của mình thì dù kinh điển không còn in được nữa, chùa chiền không cất được nữa nhưng chắc chắn Phật pháp vẫn còn, không mất được. 


Nếu hình thức chùa chiền rực rỡ, kinh điển in đầy trời mà tìm một người ngộ đạo không ra, thì có cầu nguyện bao nhiêu Phật pháp cũng mất thôi. Trong hoàn cảnh hiện nay, Tăng Ni vẫn được học Phật pháp, còn có người tu hành chân chính, áp dụng Phật pháp và đạt lợi ích an vui thì ta vững tin Phật pháp trường tồn, không ai phá hoại được. Đó là một lẽ thật. 


Khi Phật còn tại thế, có một thầy Tỳ-kheo được Như Lai khen là thông suốt giáo pháp của Phật. Nhưng thật ra thầy không giảng nói gì nhiều, chỉ thuộc và đọc một câu này thôi: “Sa-môn nào với tư tưởng thanh cao tinh tiến, luyện mình trong sự yên lặng thì vị ấy sẽ đạt được an tịnh thông suốt và không còn phiền não nữa”. Mỗi lần thầy đọc câu này lên, chư thiên tán hoa cúng dường. 


Hôm đó có một số thầy rất thông bác về đảnh lễ đức Thế Tôn. Sau khi thăm viếng rồi, đoàn này tới chỗ vị Tỳ-kheo trên, vị ấy liền chào hỏi và thưa: “Thưa quí Ngài! Có những điều giới luật tôi chưa được nghe rõ ràng, hôm nay trong đoàn các Ngài có những vị Tỳ-kheo thông tuệ, kính mong quí Ngài hoan hỷ đọc và giảng lại cho tôi và mọi người ở đây được nghe”. Các thầy Tỳ-kheo kia ngạc nhiên, nói: “Chúng tôi thấy thầy chỉ có một mình, vậy thầy nói mọi người là ai ?”. Vị này đáp: “Ngoài tôi ra, ở đây còn có vô lượng chư thiên, kính mong quí Ngài thương mà nói cho những điều giới luật?”. 


Bấy giờ các vị Tỳ-kheo thông bác mới cử ra hai vị nói lại những điều giới đó, giải thích thật rõ ràng cụ thể. Sau khi được nghe đầy đủ rồi, kết thúc bài pháp không thấy có sự tán thán nào, các vị Tỳ-kheo mới đến bực bội, cho rằng thầy Tỳ-kheo ở đây không chân thật và thưa lên cùng đức Phật sự việc như vậy. Bấy giờ đức thế Tôn mới dạy: “Người thông suốt giáo pháp của ta là người hiểu và thực hành được”. 

Phật không phủ nhận hẳn những thầy thông bác kia, nhưng Ngài khẳng định người thông suốt giáo pháp của Như Lai không chỉ nói thôi, mà phải áp dụng được giáo pháp ấy. Chính vị Tỳ-kheo nghe các ông giảng luật đó là người thông bác, vì vị ấy đã áp dụng được giáo pháp của ta, dù chỉ một câu thôi. Sau đó Phật nói bài kệ này:


Nói nhiều lời hư vọng,

Thêm huyễn hoặc cuồng si.

Học ít nhưng tâm đắc, 

Mới là bậc hộ trì.


Nói nhiều những lời mình không tâm đắc, không áp dụng, không có kinh nghiệm gì hết thì chẳng khác hạng cuồng si, tức nói mà không làm được. Còn học ít mà tâm đắc, áp dụng được những điều mình đã học, đây mới là người hộ trì chánh pháp, giữ gìn chánh pháp của Phật.

Bài kệ sau cùng đã nhắc nhở chung cho tất cả chúng ta. Nhiều khi ta cứ ngỡ rằng, phải học phải hiểu thật nhiều mới gọi là thông bác. Không phải như vậy. Dù chỉ hiểu một bài kệ thôi nhưng áp dụng được vào trong đời sống của mình, nghĩa là có học có tu, đó mới là người hộ trì Phật pháp. Như tôi đã nói, mỗi ngày chúng ta kiểm nghiệm lại xem ba nghiệp của mình nhẹ bớt được bao nhiêu, sự tu hành tăng tiến hay không, việc áp dụng Phật pháp của mình có đúng hay chưa, ngoài ra tất cả việc khác, chỉ là phụ thuộc thôi.


Chúng ta muốn cho Phật pháp tồn tại lâu dài trên cuộc đời này thì phải tu như vậy. Hiểu và tu, chứ hiểu không thì chưa được. Ngay đây chúng ta có một phương thức để tự mình giác ngộ, đó là điều quan trọng. Sau cùng tôi cầu chúc toàn thể đại chúng nương uy lực Tam Bảo đều được giác ngộ giải thoát. Có thế chúng ta mới giữ gìn được Phật pháp cửu trụ trên đời.

Source: thuongchieu.net

--oo0oo--