Ngũ Trí Như Lai

Saturday, 16 July 20227:10 PM(View: 900)
Ngũ Trí Như Lai
NGŨ TRÍ PHẬT

Ngutriphat

Theo quan kiến Phật giáo, những si mê, phiền não thông thường của con người được chia thành năm loại hay còn gọi là Ngũ độc, bao gồm vô minh, sân giận, kiêu ngạo, tham ái và đố kỵ. Đạo Phật cho rằng chúng là toàn bộ những yếu tố khiến chúng ta mê đắm trong khổ đau luân hồi và chưa thể đạt được giác ngộ. Song ngược lại, giáo pháp Đức Phật cũng khẳng định với niềm tin xác đáng rằng tâm con người có khả năng chuyển biến những xúc tình và biểu hiện tiêu cực thành những đức tính và phẩm hạnh tích cực.

Năm bộ Phật hay năm bộ giác ngộ chỉ cho năm khía cạnh của thực tại khi đã tịnh hóa các xúc tình tiêu cực kể trên. Trong mối tương quan chuyển hóa từ thân tâm của chúng sinh thành thân tâm Phật, Năm bộ Phật hay Năm bộ giác ngộ là những thực tại hoàn thiện đã tịnh hóa hoàn toàn của năm uẩn, năm đại, sáu căn, sáu thức và sáu trần.

Sắc uẩn: là hình sắc thể chất hay chính là thân thô lậu, tức là thân máu, thịt, xương, da, ngũ quan và khí huyết.
Thức uẩn: là trạng thái tâm nhận thức và phân biệt đối với cảnh.
Thụ uẩn: là các cảm thụ vui, buồn và không vui cũng không buồn.
Tưởng uẩn: là sự tưởng tượng, tư duy về hình dáng sự vật sau sự tiếp xúc của căn đối với trần.
Hành uẩn: dòng chảy tương tục sinh diệt vi tế trong tâm.

Mỗi bộ trong số Năm bộ Phật bao gồm một Đức Phật trung tâm, đại diện cho một trong năm uẩn đã tịnh hóa và một Phật Mẫu tượng trưng cho một trong những đại đã được tịnh hóa. Bên cạnh đó, bốn trong số năm bộ Phật đều có các vị Bồ tát đứng ở xung quanh, tượng trưng cho sáu căn sáu thức đã được tịnh hóa. Năm vị Phật lần lượt tương ứng với năm loại trí tuệ: Đức Akshobya Bất Động Phật tương ứng với trí tuệ Đại viên cảnh trí, Đức Ratnasambhava Bảo Sinh Phật tương ứng với trí tuệ Bình đẳng tính trí, Đức Amitabha A Di Đà Phật với trí tuệ Diệu quan sát trí, Đức Amoghasiddhi Bất Không Thành Tựu Phật với trí tuệ Thành sở tác trí và Đức Vairocana Đại Nhật Như lai với Trí tuệ toàn hảo hay Pháp giới thể tính trí.

Bảng 1: Ngũ trí Phật và các yếu tố tương ứng


Ngũ trí Phật

 
Vairocana
Đại Nhật Như lai 
Amitabha
A Di Đà Phật
Akshobya
Bất Động Phật
Ratnasambhava
Bảo Sinh Phật
Amoghasiddhi
Bất Không Thành Tựu Phật
Ngũ trí Pháp giới thể tính trí Diệu quan sát trí Đại viên cảnh trí        Bình đẳng tính trí Thành sở tác trí
Các Bộ Phật bộ Liên hoa bộ Kim cương bộ Bảo sinh bộ Nghiệp bộ
Biểu tượng Pháp luân Hoa sen Chày kim cương đơn Bảo châu Chày kim cương kép
Màu sắc Sắc trắng Sắc đỏ Sắc xanh dương Sắc vàng Sắc xanh lục
Phương hướng Trung tâm Phương Tây Phương Đông Phương Nam Phương Bắc
Chủng tử OM AH HUNG SVA HA
Thủ Ấn Ấn pháp luân Ấn thiền định Ấn xúc địa Ấn thí nguyện Ấn Vô úy
Độc tố phiền não Vô minh Tham muốn Sân giận Kiêu mạn Ghen tỵ
Đại Không đại Hoả đại Thủy đại Địa đại Phong đại
Uẩn Thức Tưởng Sắc Thụ Hành
Giác quan Nếm Thấy Nghe Ngửi Xúc chạm
 

Sự xuất hiện Ngũ trí Phật trong giai đoạn Bardo trung gian.

Năm loại trí tuệ bản lai thể hiện toàn bộ khía cạnh Pháp thân Phật. Tám thức vô minh cũng như ảo tưởng về sự xuất hiện của Ngũ trí khiến chúng ta hiện nay không nhận ra trí tuệ bản lai mặc dù nó vẫn hiển hiện trong mỗi người, và vẫn còn nguyên vẹn bản chất nguyên sơ của nó. Để Phật tính hiển lộ, chúng ta phải giải thoát khỏi tất cả vô minh ảo tưởng liên quan tới hiện tướng của tám thức. Khi Phật tính hiển lộ có nghĩa là chúng ta thành tựu các phẩm chất Pháp thân Phật.

Một dấu hiệu chỉ ra sự hiện diện của năm loại trí tuệ bản lai trong tất cả chúng sinh là sự xuất hiện trong sắc thân chủ của năm bộ Phật. Cách thức các Ngài xuất hiện được miêu tả trong trước tác nổi tiếng “Giải thoát qua tính nghe trong trạng thái trung gian” hay gọi là sách “Tử thư Tây Tạng”. Do bản chất vốn có của năm trí tuệ bản lai, Ngũ trí Phật xuất hiện một cách tự nhiên khi những hiện tướng của trạng thái trung gian Bardo xuất hiện. Các Ngài xuất hiện theo cách nào vậy?

Ngay khi chúng ta sống, thân và tâm có sự gắn kết với nhau. Khi tâm tồn tại trong thân, cơ thể vật chất của chúng ta sẽ không bị phân hủy. Tâm không thể lang thang tự do không giới hạn như tâm thức trong trạng thái trung gian Bardo mà tồn tại cố hữu với thân. Sự gắn kết thân tâm có được là nhờ sinh lực quý báu hay chính là nguồn năng lượng sống. Nguồn năng lượng này được tạo ra từ sự dịch chuyển ngay khi chúng ta đang sống giữa giọt tinh túy trắng trên đỉnh đầu và giọt tinh túy đỏ nằm phía dưới luân xa rốn. Tâm tạo ra sự gắn kết nguồn năng lực quý báu này và cũng thông qua cách này tâm gắn chặt với thân.

Trong tiến trình chết, nguồn năng lực sống quý giá bị tan rã. Chức năng của nguồn năng lực sống là giữ cho giọt trắng và giọt đỏ ở hai nơi tách biệt. Vào thời điểm chết, do thiếu năng lượng sống làm cho sự kết nối thân và tâm bị sụp đổ, giọt tinh túy trắng trước đây ở phía trên lúc này rơi xuống dưới, trong khi giọt tinh túy đỏ ở dưới di chuyển lên trên. Vào thời điểm hai giọt trắng và đỏ gặp nhau ở luân xa tim, thân và tâm tách rời nhau. Đồng thời lúc này cũng diễn ra sự hòa tan của cơ quan cảm giác cho tới khi hơi thở cuối cùng kết thúc. Dần dần cảm giác của thân biến mất, những cảm giác này dựa trên Địa đại, Hỏa đại, Thủy đại, Phong đại, lần lượt các đại cũng hòa tan. Sau đó những tư tưởng bên trong tâm bị gián đoạn, các tư tưởng lại tái xuất hiện vì sự bám chấp, tham muốn, vì sân giận và vì vô minh. Những tư tưởng này được gọi là “tám mươi mốt tư tưởng tự nhiên”. Sau khi quá trình hòa tan kết thúc, các hiện tượng khác nhau của Bardo xuất hiện. Từ những khía cạnh hoàn toàn thanh tịnh, có ba loại Bardo: Bardo Pháp thân, Bardo Báo thân, Bardo Hóa thân.

Trong tiến trình chết Bardo Pháp thân xuất hiện đầu tiên. Như đã giải thích, tinh túy sự tỉnh thức bản lai của Pháp thân là tính không không có điểm trung tâm. Sau khi “tám mươi mốt tư tưởng tự nhiên” sụp đổ, tinh túy này xuất hiện trước chúng ta dưới hình thức tính không. Với hành giả đã trải qua rèn luyện thuần thục về thiền định trong suốt đời sống, có thể nhận ra sự xuất hiện của tính không vào lúc Ánh sáng tịnh quang mẹ (Bản giác) hợp nhất với Ánh sáng tịnh quang con (Thủy giác). Ánh sáng tịnh quang mẹ chính là tính không (Chân tâm thường trụ), còn Ánh sáng tịnh quang con là sự thực chứng tính không của hành giả khi còn sống. Nếu hai ánh sáng này hợp nhất, vào lúc đó bản chất thực của các hiện tượng sẽ hiển lộ. Tuy nhiên, nếu hành giả chưa thuần thục thiền định, sự sụp đổ của các “tư tưởng tự nhiên” sẽ vẫn xuất hiện nhưng hành giả sẽ không nhận ra bản chất chân thật của chính nó. Thay vào đó, hành giả rơi vào sự bất tỉnh nên chức năng tâm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tâm hành giả sẽ xuất hiện trở lại ở trong giai đoạn Bardo Pháp thân.

Giai đoạn tự tính tâm tỏa sáng, được gọi là Bardo Pháp thân. Thời gian diễn ra của ba loại Bardo hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tập trung thiền định và thiền tĩnh trụ của hành giả lúc còn sống. Một hành giả khi còn sống có thể an trụ trong thiền định không ngụy tạo một phút thì khả năng tĩnh trụ trong giai đoạn Bardo Pháp thân sẽ kéo dài trong năm phút. Nếu người đó có thể thiền định như vậy trong một giờ khi sống thì khả năng thiền tĩnh trụ trong Bardo Pháp thân sẽ kéo dài năm tiếng. Nếu một hành giả không thực hành chút nào, tâm sẽ không thể an trụ lâu mà thay đổi liên tục từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Với hành giả không thể nhận ra tự tính tâm, nó sẽ chỉ thoáng hiện.


Khi tâm hành giả xuất hiện trở lại trong Bardo Pháp thân, Bardo Báo thân sẽ xuất hiện, bởi vì năm loại trí tuệ bản lai vẫn hiển diện tự nhiên trong dòng tâm thức lúc sống, và bởi vì trí tuệ sẽ lần lượt xuất hiện trong Bardo Báo thân dưới sắc tướng chủ của năm bộ Phật.

Đầu tiên là sự xuất hiện của Đức Phật Đại Nhật Như Lai. Ngài an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Sư tử nâng đỡ, thân ngài sắc trắng, Ngài bắt ấn chuyển pháp luân có biểu tượng là bánh xe pháp. Thân Ngài được trang hoàng bằng các trang sức Báo thân. Cần biết rằng Ngài chính là hiện thân của trí tuệ bản lai trong tâm chúng ta dưới dạng sắc thân. Năng lượng tiềm ẩn tỏa chiếu trong Bardo Báo thân là Đức Phật Đại Nhật Như Lai dưới sắc tướng của ánh sáng trắng. Hành giả nên nhận ra Ngài là Phật.


Nếu chúng ta không nhận ra Đức Đại Nhật Như Lai là Phật, Đức Bất Động Phật A Súc Bệ sẽ xuất hiện. Ngài an trụ trên bảo tòa được tám Tượng vương nâng đỡ, thân Ngài sắc xanh dương, an tọa trong tư thế kim cương, tay phải Ngài kết ấn Xúc địa, tay trái trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng bằng trang sức báo thân. Ngài hiện thân trong sắc tướng như vậy giống như trí tuệ bản lai Đại viên cảnh trí đã nằm sẵn trong tâm chúng ta.


Sau đó Đức Phật Bảo Sinh sẽ xuất hiện. Ngài an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Tuấn mã nâng đỡ, thân Ngài sắc vàng, tay phải Ngài trong thế ấn Thí vô úy, tay trái trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng bằng các trang sức Báo thân. Vì những tư tưởng không thanh tịnh của tâm chúng ta đã bị gián đoạn trong tiến trình chết, trí tuệ tỉnh thức bản lai Bình đẳng tính trí có cơ hội hiển lộ trong Bardo Báo thân.

Sau đó Đức Phật A Di Đà xuất hiện. Ngài an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Khổng tước nâng đỡ, thân Ngài sắc đỏ, hai tay Ngài trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng với tất cả những trang sức Báo thân. Ngài là sự thể hiện của trí tuệ bản lai Diệu quan sát trí liên tục hiển diện trong dòng tâm thức chúng ta và xuất hiện trong Bardo Báo thân. Đây là sự hiện thân của Đức Phật A Di Đà.

Sự thể hiện của trí tuệ bản lai Thành sở tác trí là Đức Bất Không Thành Tựu Phật. Ngài an tọa trên bảo tòa được tám Mệnh lệnh điểu nâng đỡ, thân Ngài sắc xanh lục, an tọa trong tư thế kim cương, tay phải trong tư thế ấn Hộ trì, tay trái trong tư thế ấn Thiền định. Ngài được trang hoàng bằng trang sức Báo thân. Bằng cách này, trí tuệ bản lai Thành sở tác trí tự hiện thân trong sắc tướng Đức Bất Không Thành Tựu Phật trong Bardo Báo thân.

Trong giai đoạn Bardo Báo thân rất nhiều các Bản tôn khác sẽ xuất hiện sau chủ của năm bộ Phật. Các vị Phật Bản tôn được mô tả trong sách “Tử thư Tây Tạng - Giải thoát qua tính nghe trong Bardo”, các Ngài nêu biểu cho sự hình thành năm mươi mốt tâm thanh tịnh.

Một số học giả nghi ngờ rằng liệu chủ của Năm bộ Phật có thực sự xuất hiện như đã miêu tả ở trên hay các Ngài sẽ thay đổi theo từng quốc gia và truyền thống văn hóa của mỗi nơi. Thực tế là cả năm bộ Phật này không bắt nguồn từ Ấn Độ hay Tây Tạng mà được chính Đức Phật Thích Ca mô tả trong kinh điển Mật thừa. Các vị Phật Bản tôn không phải là sự phát minh của Đức Phật mà thực sự tồn tại trong dòng tâm của chúng ta. Các Ngài tồn tại dưới hình thức chủng tử trong kinh mạch chúng ta và có thể xuất hiện trong giai đoạn trung gian Bardo. Hành giả tu tập thâm sâu có thể nhìn thấy năm Đức Phật Bản tôn này thông qua thiền định.

Bardo Báo thân tương ứng với giai đoạn được gọi là Bardo tái sinh. Trong giai đoạn này hành giả chuẩn bị đón nhận một sắc thân mới, đời sống mới này dựa trên nền tảng của các hoạt động giác ngộ Hóa thân.

Nói chung, điều quan trọng là cần rèn luyện thiền định về tinh túy của trí tuệ bản lai. Sự hiểu biết về đặc tính, sự phân chia và bản chất của năm loại trí tuệ bản lai sẽ góp phần củng cố và tăng trưởng khả năng tập trung thiền định cho hành giả, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn Bardo trung gian nếu nhận ra đó là các vị Phật, hành giả có thể thành tựu Phật quả trong Bardo Báo thân. Hơn nữa, các chủ của năm bộ Phật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thành tựu mục đích tối thượng. Đây là lý do mà các hành giả phải thực tập thiền định về sắc thân Phật Bản tôn trong giai đoạn phát triển. Đối với những người chưa trải qua rèn luyện thực hành trong giai đoạn phát triển, việc giải thích bản chất đích thực của các vị Phật Bản tôn để chứng minh cho tầm quan trọng phải thực tập thiền định về các Ngài là vô cùng cần thiết và hữu ích.

Sự chuyển hóa năm đại thành năm Phật Mẫu

Thực hành chân ngôn bí mật chú trọng đến sự hợp nhất trí tuệ và phương tiện thiện xảo. Phương tiện được biểu trưng bằng năm Đức Phật Phụ tính và trí tuệ được biểu trưng là năm Đức Phật Mẫu tính. Tại mức độ thanh tịnh hoàn toàn, như chúng ta đã biết, năm chủ của năm bộ Phật là thể hiện bản chất thanh tịnh của xúc tình phiền não. Tương tự như vậy, năm trí tuệ được thể hiện là năm đại thanh tịnh.

Nói chung, nền tảng cho sự xuất hiện thế gian hiển diện đối với chúng sinh là năm đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong và Không đại. Tất cả các đối tượng bên ngoài xuất hiện là do những yếu tố cấu thành của năm đại. Xét về chức năng, năm đại nêu biểu cho điều gì?

Chủ của bộ Phật thứ nhất là Đức Bất Động Phật, sự hiện thân của tâm sân giận đã hoàn toàn được tịnh hóa. Minh phi Trí tuệ của Ngài là Phật Mẫu Mamaki, thể hiện sự thanh tịnh của yếu tố Thủy đại. Trong sự hiện thân tiêu cực, sân giận có thể gây ra phá hủy và hãm hại. Tuy nhiên, sân giận cũng có những tiềm năng tích cực tạo ra kết quả tích cực. Tương tự như vậy, Thủy đại có hai khía cạnh. Nếu Thủy đại xuất hiện trong chúng ta một cách nguy hiểm, có thể gây ra nhiều tổn hại và phá hủy. Ngược lại, nước là chất lỏng và có khả năng gắn kết. Thậm chí những phân tử nhỏ nhất nếu thiếu yếu tố nước cũng sẽ bị khô cằn giống như các hạt bụi. Theo cách này Đức Phật mẫu Mamaki là thể hiện khía cạnh thanh tịnh hoàn hảo.


Đức Phật Bảo Sinh là sự thể hiện khía cạnh tịnh hóa của niềm kiêu hãnh. Minh phi Trí tuệ của Ngài là Phật Mẫu Buddha Locana Phật Nhãn Phật mẫu, là sự thanh tịnh hoàn hảo của Địa đại. Nói chung, Địa đại có tính chất rắn, chắc và bất động. Địa đại là mảnh đất lành tạo tiềm năng phát triển và nơi an trú cho vạn vật. Ở mặt trái, Địa đại có khả năng tàn phá mạnh mẽ. Khía cạnh tiêu cực của kiêu mạn là khi phiền não hoành hành, nó sẽ nhậm vận tự nhiên tạo nên nguyên nhân căn bản dẫn đến hành động tổn hại. Khía cạnh tích cực của kiêu mạn là phẩm chất can đảm và quyết tâm, trở thành cội nguồn của tính ổn định giống như phẩm chất của đất. Vì bản chất của đất là ổn định cho nên yếu tố thanh tịnh của Địa đại được thể hiện dưới sắc thân Phật Nhãn Phật mẫu.

Mọi ái kết tham muốn được tịnh hóa thanh tịnh hiển lộ là sắc thân Đức Phật A Di Đà. Minh phi Trí tuệ của Ngài, Đức Phật Mẫu Pandaravasini, là sự thanh tịnh của yếu tố Hỏa đại. Lửa có tính chất nóng, đốt cháy và có thể gây ra nhiều hậu quả tổn hại to lớn. Sự bám chấp tạo ra nhiều lớp đau khổ luân hồi. Tuy nhiên, khía cạnh tích cực của Hỏa đại chính là hơi nóng có sức mạnh làm cho chín muồi, sự bám chấp tạo ra năng lực kiểm soát. Vì vậy, Phật mẫu Varavasini là sự hiện thân thanh tịnh của yếu tố Hỏa đại.

Sự hiện thân của trí tuệ thứ tư là Samaya Tara Trinh Tín Độ Phật mẫu, yếu tố thanh tịnh của Phong đại. Ngài là Minh phi Trí tuệ của Đức Phật Bất Không Thành Tựu, hiện thân của sự ghen tỵ được tịnh hóa hoàn toàn. Ghen tỵ là xúc tình tiêu cực cần phải loại bỏ nhưng cũng là khía cạnh tích cực đem lại sự can đảm và quyết tâm thành tựu tất cả các công hạnh. Làm thế nào để Phong đại thực sự có hiệu quả? Những trận cuồng phong có thể phá hủy và phá tan mọi thứ. Tuy nhiên, trong sự hiện thân tích cực, gió tạo ra sự phát triển và bao trùm tất cả các hoạt động. Những làn gió nhẹ chuyển động làm cơ sở cho sự vận hành của vạn vật, ví dụ như, cây và hoa có thể phát tán hạt giống, sinh sôi nảy nở nhờ vào yếu tố gió. Bất kỳ hành động nào chúng ta mong muốn thực hiện đều phụ thuộc vào sự kích hoạt của yếu tố gió bởi vì nó cung cấp khả năng vận hành. Vì vậy, khí là tinh túy của công hạnh giác ngộ để viên mãn mọi công hạnh, sự hiện thân trí tuệ mẫu tính của Đức Phật Bất Không Thành Tựu đã viên mãn mọi công hạnh là Phật Mẫu Samaya Tara, sự thanh tịnh của yếu tố Phong đại.

Bậc chủ của bộ Phật thứ năm là Đức Phật Đại Nhật Như lai, hiện thân của Pháp giới thể tính trí, tịnh hóa hoàn toàn được vô minh ảo tưởng. Bậc Minh phi Trí tuệ của Ngài, Phật Mẫu Dhatvishvari, nêu biểu yếu tố Không đại được thanh tịnh hoàn toàn. Toàn bộ các cõi được thiết lập trong không gian vì không gian có bản chất tính không. Tuy nhiên dựa trên nền tảng tính không, vạn pháp hiển lộ, tăng trưởng, phát triển và trải rộng. Bạn có thể di chuyển tới bất cứ đâu bạn muốn bởi vẫn có không gian để di chuyển. Cây cối, mùa màng và tất cả loại thực vật có thể mọc trong không gian. Tất cả các công hạnh và sự vận hành của pháp giới đều có thể thực hiện vì có khoảng không gian vô ngại. Nếu không có không gian, tất cả vạn pháp trở nên lộn xộn, chồng chéo lẫn nhau và không có chỗ để di chuyển hay để thở. Một khi tịnh hóa tất cả phiền não, vô minh hay những tinh thần ám độn thì chúng ta chứng ngộ ý nghĩa của tính không. Từ quan điểm tuyệt đối này, có thể nói không có tính không thì không thể làm được điều gì. Tính không cho phép mọi thứ diễn ra. Đó là khía cạnh thanh tịnh trong sắc tướng Phật Mẫu Dhatvishvari.

Năm đại này cấu thành thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Khi các đại cân bằng, mọi thứ diễn ra một cách trôi chảy và không phiền nhiễu. Ngược lại, nó sẽ là nguyên nhân sản sinh ra những vấn đề tiêu cực. Khi những năng lượng các đại cấu thành thân vật chất chảy một cách đều đặn và cân bằng, thân sẽ ổn định và khỏe mạnh không có ốm đau. Tuy nhiên khi mất cân bằng, chúng sẽ gây phiền nhiễu và năng lực suy giảm, thân trở nên bệnh tật.