Bài Tụng 01-05

Thứ Tư, 20 Tháng Tư 201610:17 SA(Xem: 3391)
Bài Tụng 01-05
Bài tụng 1: Đất tâm                

Tâm là đất gieo hạt
Mọi hạt giống chứa đầy
Tâm địa cũng chính là
Toàn thể hạt giống ấy.

 

Bài tụng này có nguồn gốc từ nhiều tác phẩm. Kinh Tạp A Hàm (Samyutta  Nikaya) nói rất nhiều về hạt giống (chủng tử - bīja). Hạt giống biểu  trưng cho khả năng tiếp tục của các pháp. Nếu nhìn sâu vào thực tại,  nhìn sâu vào sự sống và vào lòng sự vật thì ta có thể thấy hạt giống  trong nhiều hình thái khác nhau.

Tâm là đất gieo hạt. Đất ở đây là một hình ảnh. Nếu muốn giữ  gìn những hạt giống thì phải có cái gì để cất chứa. Không có gì cất  chứa hay bằng đất. Chúng ta trồng những cây kinh giới, tía tô. Đến mùa  thu cây trổ hoa và hạt giống rơi xuống đất và được đất cất giữ đến tháng  tư năm sau thì nẩy mầm thành những cây tía tô, cây kinh giới nho nhỏ.

Đất có khả năng giữ gìn, bảo trì những hạt giống. Tâm cũng có khả  năng giữ gìn, bảo trì những hạt giống. Khả năng đó, danh từ Duy Thức là  năng tàng (adāna). Năng là có khả năng, tàng là cất chứa. Đất là một  hình ảnh vi diệu để mô tả tính năng tàng của Tâm.

Trong bài mở đầu kinh Địa Tạng có bài ca ngợi Đức Bồ Tát Địa Tạng rất  hay: "Khể thủ  từ bi đại giáo chủ. Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng"  nghĩa là: Cúi đầu (khể thủ) trước bậc giáo chủ lớn đầy lòng từ bi. Đất  có nghĩa là chắc chắn, vững bền và dày dặn (Địa ngôn kiên hậu). Đất có  khả năng bao trùm và gìn giữ rất rộng rãi (quảng hàm tàng). Ngôn ngữ  Việt cũng dùng chữ tâm địa (đất tâm). Tâm địa là một danh từ rất phổ  thông. Ta nói "Tâm địa người đó hiền lành, tâm địa người kia độc ác  v..v..".

Một hôm Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814) giảng dạy cho đại  chúng thì một thầy đứng lên hỏi về con đường giải thoát, giác ngộ. Thiền  sư Bách Trượng trả lời bằng một câu thơ "Tâm địa nhược thông, tuệ nhật  tự chiếu", nghĩa là: Khi đất tâm được thông suốt thì mặt trời trí tuệ tự  nhiên chiếu tới.

Thiền sư Tăng Hội - sơ tổ thiền tông Việt Nam (đầu thế kỷ thứ ba)  trong bài tựa của Kinh An Ban Thủ Ý, có ví tâm như biển (tâm hải). Ngàn  sông đều chảy về biển cả. Tất cả những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi,  nếm, xúc chạm, đau khổ, vui sướng đều trở về biển cả của tâm. Tâm chứa  nước của muôn sông. Nhiều người khác nói về tâm như đất nhưng biển là  một hình ảnh đặc thù nói về tâm mà ta chỉ thấy ở giáo lý của Thầy Tăng  Hội.

Mọi hạt giống chứa đầy. Tâm có thể chứa đủ tất cả các loại  hạt giống. Hạt giống Ma, hạt giống Bụt. Hạt giống thánh nhân, hạt giống  phàm phu. Hạt giống của sự trung kiên, hạt giống của sự phản bội. Chúng  ta có thể trở thành thánh nhân hay đạo tặc vì có những hạt giống này  trong tâm. Khi một người được mô tả như là một người trung kiên không có  nghĩa là trong người đó không có hạt giống phản bội. Người kia có tâm  niệm cởi mở tha thứ không có nghĩa là người đó không có các hạt giống  hận thù và nhỏ nhen.

Vấn đề là ở sự chăm sóc. Nếu cẩn thận thì hạt giống thánh nhân được  giữ gìn tăng trưởng và hạt giống phàm phu sẽ nhỏ đi, sẽ trở thành không  quan trọng, không phát hiện lên được. Nếu hạt giống phàm phu được tưới  tẩm thì người đó sẽ trở nên phàm phu. Không tưới thì thôi, tưới thì mọc  rất nhanh.

Đọc đến đây cũng đủ cho chúng ta lo tu tập và tưới tẩm những hạt  giống tốt trong ta và xung quanh ta. Tâm ta có những hạt giống tốt và  những hạt giống xấu. Chúng đã được chính ta hoặc tổ tiên, cha mẹ, nhà  trường và xã hội gieo trồng. Nếu bạn hành động thiện lành, bạn được sung  sướng. Khi bạn có những hành động bất thiện, bạn tưới tẩm những hạt  giống tham, sân, si và bạo động trong bạn và trong người khác. Thực tập  chánh niệm giúp ta nhận diện được tất cả các hạt giống trong tâm và với  sự hiểu biết đó, ta có thể chọn để chỉ tưới tẩm những gì tốt nhất cho  ta. Khi ta nuôi dưỡng những hạt giống an lạc và chuyển hóa các hạt giống  khổ đau thì các hạt giống hiểu biết và thương yêu sẽ nở hoa. Khi gặp  người xấu xa, đạo tặc ta cũng không nản lòng vì biết thế nào trong người  này cũng có hạt giống của đức tính tốt và cố gắng làm sao tưới tẩm  những hạt giống tốt mà ta nghĩ là quá yếu ớt nơi người đó.

Câu "Tâm là đất gieo hạt, mọi hạt giống chứa đầy" nói về ý nghĩa năng tàng. Câu "Tâm địa cũng chính là toàn thể hạt giống ấy"  nói về ý nghĩa sở tàng. Năng tàng là chủ thể của sự cất giữ và sở tàng  là đối tượng của sự cất giữ. Đó là hai phần của Tâm. Ông Giám Đốc Bảo  Tàng Viện là người có bổn phận giữ gìn những đồ cổ của quốc gia. Đó gọi  là năng tàng. Nhưng Bảo Tàng Viện không phải chỉ là ông Giám Đốc và cái  nhà chứa đồ cổ mà còn gồm luôn các món đồ cổ đang được giữ gìn nữa.  Đó  gọi là sở tàng. Tâm vừa là năng tàng, vừa là sở tàng.

Bài tụng 2: Các loại hạt giống                

Hạt giống có đủ loại S
inh tử và niết bàn
Mê ngộ và khổ vui
Danh xưng và tướng trạng.

 

Hạt giống có đủ loại: đủ loại có nghĩa là không có hạt giống  nào mà không có. Có hạt giống yếu, có hạt giống mạnh, có hạt giống lớn,  có hạt giống nhỏ, đủ thứ hết. Có hạt giống sinh tử, có hạt giống niết  bàn, có hạt giống đau khổ, hạt giống hạnh phúc. Trong bài tụng thứ nhất  chúng ta có nói đến hạt giống trung kiên và hạt giống phản bội. Có hạt  giống trung kiên không có nghĩa là không có hạt giống phản bội.

Sinh tử và niết bàn: Ta có hạt giống của sinh tử và hạt  giống của niết bàn. Sinh tử ở đây có nghĩa là trôi lăn, hụp lặn trong  khổ đau chứ không có nghĩa là sinh ra rồi chết đi. Luân hồi có nghĩa là  khổ cách này rồi khổ cách khác. Trôi lăn trong sinh tử, trong cõi luân  hồi, không phải đợi năm sáu chục năm mới sinh tử một lần. Mỗi ngày chúng  ta có thể sinh tử hàng triệu lần. Sinh tử trong thân, sinh tử trong  tâm. Trong một giờ mà ta có thể sinh tử biết bao nhiêu kiếp. Chết rất  nhiều lần trong một giờ đồng hồ, khổ đau vô lượng. Sinh tử là khía cạnh  khổ đau của sự sống trong đó có sự sợ hãi, căm thù, buồn khổ.

Niết bàn là ngược lại, là chấm dứt sinh tử, là không sợ hãi, là mát  mẻ, vững chãi. Niết bàn là chấm dứt vòng luân hồi đau khổ. Giải thoát  không tới từ bên ngoài, cũng không phải là thứ gì ai cho ta, kể cả Bụt.  Hạt giống giác ngộ giải thoát có sẵn trong tâm thức ta, đó là Phật tánh,  là khả năng giác ngộ mà chúng ta ai cũng có, chỉ cần nuôi dưỡng là nó  hiện khởi ra.

Chúng ta rất khó vượt thoát được cái vòng sinh tử. Cha mẹ chúng ta  đau khổ nên truyền lại cho ta những hạt giống tiêu cực và đau khổ. Nếu  chúng ta không nhận biết và chuyển hóa được những hạt giống bất thiện  trong tâm thức, thì chắc chắn chúng ta sẽ truyền xuống cho con cháu  chúng ta. Sự trao truyền liên tục các hạt giống sợ hãi và khổ đau đó tạo  nên cõi Ta bà. Đồng thời cha mẹ chúng ta cũng truyền cho ta những hạt  giống hạnh phúc. Khi thực tập chánh niệm, hàng ngày ta có thể nhận biết  và tưới tẩm các hạt giống thiện đó trong ta và trong người khác.

Chúng ta có đủ hạt giống của sinh tử, hạt giống của niết bàn. Hai  loại hạt giống đó không hẳn chống báng nhau, đánh giặc với nhau. Đừng  tưởng tượng là niết bàn và sinh tử đang đánh giặc trong ta. Đừng tưởng  hoa và rác đang đánh giặc với nhau. Nhìn sâu thì chúng ta thấy rằng  trong rác có hoa. Nếu khéo thì chúng ta có thể biến rác thành hoa. Trái  lại trong hoa có rác. Nếu không khéo, không sống trong chánh niệm thì  hoa biến thành rác rất mau chóng. Không những hoa biến thành rác mà ngay  trong hoa có rác và ngay trong rác cũng có hoa. Chúng ta không thấy vì  nó chưa biểu hiện đó thôi. Nếu là người phàm phu thì phải đợi mười ngày  mới thấy hoa là rác. Còn người thực tập tỉnh thức thì thấy ngay trong  hoa có rác. Người mê nhìn hoa chỉ thấy hoa mà thôi, người ngộ thì thấy  trong hoa có rác và không sợ rác vì biết rằng không có rác thì làm gì có  hoa. Cho nên cầm hoa trong tay thì biết ơn rác chớ không hẳn phải thù  hận rác. Hoa không thù rác, chỉ có chúng ta u mê mới thù rác.

Chúng ta nhìn Bụt và nghĩ rằng Bụt với Ma là hai kẻ thù không nhìn  mặt nhau. Đó là ta nhìn với con mắt phàm tục. Nếu ta nhìn bằng con mắt  tỉnh táo thì ta thấy rằng Bụt và Ma Vương có thể nắm tay nhau đi thiền  hành rất là thân ái. Ngày xưa tác giả đã viết một bài về cuộc gặp gỡ  giữa Bụt và Ma Vương (sách Nẻo Về Của Ý).

Trong kinh Đại Thừa có nói "Niết bàn sinh tử thị không hoa"  có nghĩa là niết bàn và sinh tử là hoa đốm giữa hư không. Trước hết,  chúng ta có ý niệm sai lầm, cho là niết bàn và sinh tử chống báng nhau.  Thật ra thì phải sử dụng chất liệu sinh tử để làm ra niết bàn và sử dụng  niết bàn làm chất liệu để làm ra sinh tử. Cũng giống như hoa và rác.  Rác là chất liệu để làm thành hoa và hoa là chất liệu để làm thành rác.  Đau khổ là chất liệu có thể tạo ra hạnh phúc. Nếu thấy được như vậy thì  không còn sợ hãi nữa, không còn trốn chạy nữa. Những người chán sinh tử  để tìm niết bàn phải học để thấy rằng chỉ có thể tìm niết bàn ở trong  sinh tử.

Một thiền sinh hỏi Thiền sư Thiện Hội đời Lý: "Thầy dạy con phải tìm  đạt cho được cảnh giới không sinh tử thì con phải đi tìm cảnh giới không  sinh tử ở đâu?" Vị thiền sư trả lời: "Con tìm ngay ở chỗ sinh tử". Đó  là một thái độ rất khôn ngoan. Vì anh trốn chạy rác nên không bao giờ  anh tìm ra hoa cả.

Nếu biết sử dụng ba chìa khóa mà Bụt trao cho là vô thường, vô ngã,  niết bàn để mở cửa thực tại thì sẽ tìm thấy an ổn, vững chãi ngay trong  sợ hãi, sầu khổ. Trong kinh Đại thừa có câu nói đáng giật mình, mà nhiều  người không hiểu: "Phiền não tức bồ đề". Biết được điều đó thì  không còn sợ phiền não nữa. Thường thì phiền não là ngược lại với bồ  đề, phiền não là u mê, tham giận, kiêu căng, bồ đề là giác ngộ, vững  chãi. Cho nên khi nói rằng "muốn đi tìm an lạc, muốn đi tìm niết bàn thì  phải diệt cho hết phiền não đi đã" là chưa thấy được nguyên tắc hành  đạo, chẳng khác gì người làm vườn vừa có cọng rác nào là đem vứt đi hết  tới khi cần phân để trồng trọt thì không còn chi.

Mê ngộ và khổ vui:
Chúng ta có hạt giống của đủ thứ khổ và  hạt giống của đủ thứ vui. Có những niềm vui sâu sắc, có những niềm vui  cạn cợt che giấu những nổi khổ lâu dài. Chúng ta có hạt giống mê nhưng  cũng có hạt giống ngộ. Sống trong đời ai mà không đi qua những cơn mê.  Nhưng mê hoài rồi cũng đến khi tỉnh. Có tỉnh tức là có ngộ. Sở dĩ tỉnh  được là vì có hạt giống ngộ trong mình. Theo giáo lý Duy Biểu thì chúng  ta có sẵn hạt giống ngộ trong mình. Đôi khi những khổ đau do cơn mê giúp  chúng ta tiếp xúc được những hạt giống của ngộ và chúng ta tỉnh dậy. Mê  và ngộ không hẳn là thù địch. Người ta thường nói đại nghi thì đại ngộ,  đại mê thì đại tỉnh.

Danh xưng và tướng trạng.
Danh xưng  (lakṣaṇa) là một loại  hạt giống. Tướng trạng (samjñā-lakṣaṇa - Perception) là một loại hạt  giống khác. Danh xưng là tên gọi của sự vật. Trong tàng thức có đủ thứ  hạt giống về tên gọi. Hạt giống danh xưng gọi cái này là núi, cái kia là  sông. Tàng thức chứa nhiều danh từ: danh từ Bụt, danh từ ma, danh từ  cha, danh từ mẹ. Đó là những hạt giống về danh xưng. Đối với loài người  thì những hạt giống về danh xưng rất quan trọng. Mỗi hạt giống về danh  xưng làm phát khởi những hạt giống về tướng trạng. Danh xưng gốc từ nhĩ  thức (aural consciousness), tướng trạng gốc từ nhãn thức (visual  consciousness). Ví dụ trong tàng thức chúng ta đang có hạt giống danh  xưng Paris mà cũng là hạt giống tướng trạng Paris. Nếu có người nói đến  chữ Paris tức là họ động đến hạt giống danh xưng Paris và đồng thời động  đến những hạt giống tướng trạng Paris trong ta như là tháp Eiffel, nhà  thờ Notre Dame.

Tướng trạng, đối tượng của tri giác, có thể rất xa với sự thật, có  thể hoàn toàn do sự tạo dựng, tưởng tượng của tâm thức. Chúng ta không  biết được, không thấy được ranh giới của sự thật về những gì mà ta tiếp  nhận bằng tri giác. Ví dụ như khi nói đến danh từ Bụt thì trong ta hiện  ra hình ảnh về Bụt. Hình ảnh về Bụt đó phát xuất từ một hạt giống chúng  ta tiếp nhận khi nhìn một tượng Bụt lúc còn bé thơ hoặc những điều mà đã  đọc được về Bụt. Nội dung của tri giác đó về Bụt được cất chứa trong  tâm chúng ta. Nhưng mà hình ảnh về Bụt đó có phải là hình ảnh của Bụt tự  thân hay chỉ là hình ảnh của Bụt trong tâm mà chúng ta đã gán cho Bụt  mà thôi?  Lúc ba bốn tuổi chúng ta có một ý niệm về Bụt. Lớn lên đi chùa  được nghe dạy về Bụt thì ý niệm ngây thơ về Bụt không còn nữa và chúng  ta có một ý niệm khác hơn, có vẻ rõ rệt hơn về Bụt. Nhưng chưa chắc ý  niệm đó đã phù hợp với thực tại.

Những đối tượng của tri giác cất giữ trong tâm thức thường do tâm  thức tạo tác nhiều hơn là sự thật. Có thể là chúng ta rất thương kính  Bụt và nghĩ rằng khi gặp Bụt chúng ta sẽ lạy xuống liền và đi theo Ngài  không rời một giây phút nào để nghe Ngài thuyết pháp, dạy dỗ. Nhưng có  thể rằng ngày mai gặp Bụt ở ga xe lửa St. Foy La Grande thì chúng ta  không muốn nhìn, tại vì chúng ta có một hình ảnh khác về Ngài. Bụt mà  chúng ta gặp ở St. Foy La Grande có thể là Bụt thật nhưng chúng ta không  thèm để ý tới. Chúng ta tin chắc là Bụt thì phải có hào quang, phải  khoác áo vàng. Tới chừng gặp Bụt mặc áo sơ mi thì chúng ta không chịu.  Bụt gì mà mặc áo sơ mi? Bụt gì mà không có hào quang? Có thể mình chưa  biết Bụt ra sao cả. Mình chỉ nghe nói về danh từ về Bụt và dựng lên một  hình ảnh về Bụt khác xa với thực tại về Bụt.

Một ví dụ khác: người mà ta thương, đối tượng của sự thương yêu của  chúng ta có thể không giống với người trong thực tại. Chúng ta tạo tác  ra hình ảnh này hình ảnh nọ về người đó, lý tưởng hóa người đó, thấy  người đó đẹp hơn trong thực tại. Khi ghét cũng vậy, chúng ta tạo tác ra  một hình ảnh về người đó trong ta. Nghe đến tên người đó thì đùng đùng  nổi giận và những hình ảnh dễ ghét có thể không phù hợp với thực tại của  người đó.

Ngay đến nhận thức đối với chính chúng ta cũng vậy. Chúng ta có thể  có tri giác rất sai lầm về chính chúng ta. Có khi chúng ta tự thù ghét,  tự khinh miệt mà thật ra có thể không như vậy. Chúng ta có những khả  năng, những tài ba mà vì những trở lực ngăn che nào đó mà ta chưa phát  triển được đó thôi.

Chúng ta chất chứa rất nhiều hình ảnh sai lầm và sống trong một thế  giới đầy dẫy những sai lầm và ảo tưởng. Vậy mà chúng ta cứ nghĩ rằng  chúng ta đang tiếp xúc thật sự với thế giới, với loài người và những  loài khác. Tri giác (tưởng) đưa vào tâm thức nhiều hạt giống về danh  xưng và tướng trạng và chúng ta sống với thế giới đó. Chính cái thế giới  mà chúng ta tự tạo tác bằng những ảo giác đó đã ngăn che không cho  chúng ta tiếp xúc với sự thật khi đối diện sự thật. Lý Thường Kiệt, Tổng  Thống Mitterand, núi Alpes là những danh xưng mà mỗi khi có các danh  xưng đó thì chúng ta tin tưởng rằng chúng ta có cái thực tại mà danh  xưng đó đại diện. Đó là điều rất là sai lầm. Những nhận thức, tri giác  sai lầm mang tới rất nhiều khổ đau. Chúng ta đoan chắc rằng các tri giác  của mình là chính xác và hoàn hảo, nhưng thường chúng không phải như  vậy.

Tướng và tưởng

Tướng là hình ảnh về thực tại. Hình ảnh đó có được là do tưởng, do  tri giác. Tưởng (tri giác) có hai phần: chủ thể (tưởng) và đối tượng  (tướng). Chủ thể sai lạc thì đối tượng cũng sai lạc. Đối tượng méo mó  thì chủ thể cũng méo mó. Tri giác sai lầm tạo nên không biết bao nhiêu  là vấn đề. Chúng ta hiểu lầm, nhận lầm. Tất cả những đau khổ đều phát  sinh ra từ những nhận thức sai lầm về sự vật. Chúng ta có biết được bao  nhiêu đâu! Chúng ta chỉ có một số danh từ, một số hình ảnh quá xa lạ và  sai lạc. Vậy mà chúng ta cương quyết là đã biết rõ rồi, đã nắm vững về  sự thật cả rồi! Tất cả những đau khổ đều từ đó mà phát sinh, từ những  tri giác sai lầm mà phát sinh. Người ấy ghét mình, không thèm nhìn mình,  người ấy không công nhận sự có mặt của mình, người ấy muốn tiêu diệt  mình. Toàn là những tạo tác cường điệu của tâm thức mà thôi.

Luôn luôn phải khiêm nhường tự hỏi: tri giác tôi đã chính xác chưa?  Có chắc vậy không? Nó gần với sự thật được mấy mươi phần trăm? Luôn luôn  phải cho mình một không gian và một thời gian để cho tri giác của mình  được sâu sắc vững chãi hơn. Thiền tập là để đi tới những tri giác chính  xác hơn.

Tự tướng, cộng tướng

Có nhiều loại tướng. Có khi ta nói đến sáu tướng, có khi nói đến bốn  tướng và có khi nói đến hai tướng. Ở đây chúng ta chỉ nói đến hai tướng  là tự tướng và cộng tướng.

Ví dụ như con ngựa. Ngựa là cộng tướng. Bất cứ con ngựa nào cũng đều  được gọi là ngựa. Nhưng khi nói tới ngựa Kiền Trắc hoặc ngựa Xích Thố  thì không thể coi là cộng tướng được vì mỗi con ngựa có đặc trưng riêng  và chỉ có một giống ngựa tên Kiền Trắc hay Xích Thố mà thôi. Triết học  Trung Hoa nói "Ngựa trắng không phải là ngựa". Tại vì có nhiều loại  ngựa: ngựa ô, ngựa nâu, ngựa vàng... Ngựa trắng là một loại ngựa quá đặc  biệt, nó không phải là ngựa nữa. Ngựa là tướng chung nhưng ngựa trắng  có tướng riêng. Chúng ta sẽ từ từ đi vào ý niệm về tướng chung và tướng  riêng trong những bài tụng sau.

Bài tụng 3: Thân tâm và thế gian                

Hạt giống của thân tâm
Giới, địa và thế gian
Tất cả được cất chứa
Nên thức gọi là tàng.

 

Hạt giống của thân tâm: Chúng ta biết rằng những cảm thọ,  tri giác và tâm hành đều có gốc rễ trong Thức. Có một sự thực khó chấp  nhận hơn: Thân thể cũng được phát hiện ra từ Thức. Nếu nói thân xuất  phát từ thức thứ sáu hay thức thứ bảy thì khó chấp nhận. Nhưng nếu nói  thân xuất phát từ Nhất thiết chủng thức thì hiểu được. Tại vì tàng thức  chứa tất cả những hạt giống trong đó có hạt giống của thân (căn thân).  Cần nhắc lại rằng tàng thức gồm có tàng thức của cá nhân và tàng thức  của tập thể.

Ta nhớ lại ngày xưa ở Việt Nam khi các cô bắt đầu mặc áo dài tà ngắn  gọi là "áo dài mini" thì có nhiều người đi Pháp về thấy áo dài mini sao  mà xấu quá, tại vì khi họ lìa quê hương thì tà áo dài rất dài, rất tha  thướt. Nhưng ở Việt Nam một thời gian thì họ lại thấy áo dài mini đẹp.  Đó là vì ảnh hưởng của tâm thức cộng đồng, nó tạo ra một cái mốt. Mốt là  sản phẩm của tâm thức cộng đồng. Ban đầu là sản phẩm của tâm thức cá  nhân, sau trở thành tâm thức của cộng đồng. Một nền dân chủ, một thể chế  chính trị hay một phong trào nào đó cũng đều do tâm thức cộng đồng tạo  nên. Có một giai đoạn mà trên thế giới nước nào cũng muốn chứng tỏ là họ  thương thuyền nhân tị nạn. Hồi đó cứu giúp thuyền nhân là một phong  trào, nhưng rồi sau họ bỏ luôn. Phong trào đó là do tâm thức cộng đồng  của một số nhà báo, nhà nhân bản, nhà chính trị xướng xuất.

Ý niệm về đẹp, về xấu, về vui, về khổ không hẳn chỉ là tâm thức cá  nhân. Nó còn phản chiếu ý niệm về đẹp, về xấu, về vui, về khổ của nhiều  người. Nếu ai cũng nói cái đó không đẹp thì tự nhiên ta thấy cái đó  không còn đẹp nữa. Nếu ai cũng nói cái đó đẹp thì tự nhiên ta thấy đẹp.  Kỳ lạ như vậy đó. Vì vậy cho nên núi Phú sĩ hay thân thể chúng ta cũng  do tâm thức cộng đồng biểu hiện, tất cả đều nằm trong tâm thức cộng đồng  cả. Không những cảm thọ, tri giác, tâm hành đều có hạt giống ở trong  tàng thức mà sắc thân cũng có hạt giống ở trong tàng thức. Sắc thân do  tâm thức biểu hiện và sự mạnh khỏe hay đau yếu của thân thể cũng do tâm  thức tạo ra. Điều này ban đầu có thể là khó hiểu nhưng học và tu từ từ  chúng ta sẽ hiểu.

Giới địa và thế gian. Giới (dhātu) là cõi mà chúng ta ở.  Giới cũng do tâm thức biểu hiện. Phật giáo nói tới ba giới: dục giới,  sắc giới, vô sắc giới. Cõi dục hay dục giới (kāmadhātu) là cõi có ham  muốn, sân si, ngạo mạn và ảo tưởng. Chúng sinh trong cõi dục rất đau khổ  vì họ luôn luôn chạy theo chuyện gì đó. Khi chúng ta chọn lối sống giản  dị, bỏ bớt ham muốn đi, là chúng ta sống trong sắc giới. Cõi sắc  (rūpadhātu) là cõi vật chất nhưng nhẹ nhàng hơn cõi dục.

Cõi vô sắc (arūpadhātu) là cõi trong đó không có vật chất, chỉ có  những cái không phải vật chất, ví dụ như năng lượng. Năng lượng cũng là  vật chất nhưng rất loãng. Nhiều nhà khoa học nói vật chất là năng lượng  cô đọng và năng lượng là vật chất pha loãng. Cõi vô sắc là cõi có nhiều  năng lượng hơn. Cái tâm của mình, cái giận, cái khổ của mình cũng là  năng lượng. Chúng ta sẽ nói rõ hơn về các giới trong bài tụng số 9.

Mục tiêu tu học là chuyển hóa các khổ đau trong các cõi. Khi nhìn sâu  để hiểu được bản chất của tham đắm, ta sẽ thoát được cõi dục để vào cõi  sắc. Khi nhìn sâu hơn nữa, ta có thể xả bỏ được các ràng buộc và đi vào  cõi vô sắc. Cõi vô sắc là cõi có nhiều năng lượng hơn. Tuy nhiên trong  cõi vô sắc, cũng vẫn có khổ đau vì chúng ta còn những hạt giống ham muốn  nằm sâu trong tàng thức.

Mỗi giới đều là biểu hiện của tâm thức cộng đồng sinh hoạt trong đó.  Trong kinh có nói: "Tam giới bất an do như hỏa trạch" (ba cõi không yên,  giống như nhà bốc lửa). Ba cõi bốc cháy là từ tâm thức biểu hiện hay  nói cho đúng hơn từ tâm thức cộng đồng của chúng sanh biểu hiện. Ai tạo  ra ba cõi bốc lửa? Chính chúng ta đã đốt cháy!

Hãy nói tới Làng Mai. Làng Mai mà thanh tịnh an lạc vui vẻ, có hạnh  phúc là do ai tạo ra? Do tâm thức cộng đồng của chúng ta. Nếu Làng Mai  bốc cháy là do ai tạo ra? Chúng ta tạo ra phải không? Làng Mai là một  cõi nho nhỏ, do tâm thức cộng đồng của người cư trú tại Làng Mai tạo ra.  Cõi đó dễ chịu hay khó chịu đều do tâm thức cộng đồng tạo ra cả.

Địa (bhūmi): là những cõi mà các vị bồ tát đi ngang qua. Có tất cả mười địa (1).  Cõi đầu là hoan hỉ địa. Nếu mới bước vào Làng Mai mà nghe vui và khỏe  liền, nếu Làng Mai mà tạo được không khí tươi mát thì Làng Mai có thể  gọi là một hoan hỉ địa, sơ địa của bồ tát. Chúng ta sẽ từ từ đi ngang  qua những địa như là viễn hành địa, pháp vân địa trong đó có rất nhiều  hạnh phúc, rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi.

Những địa đó do đâu mà phát hiện? Từ tâm thức chúng ta mà phát hiện.  Nếu tu học giỏi, có nhiều an lạc thì chúng ta phát hiện ra những địa rất  dễ thương. Những tịnh độ nho nhỏ mà chúng ta lập ra để tu tập và để làm  hạnh phúc cho người là những địa nho nhỏ phát sanh từ tâm thức của  chúng ta. Ví dụ có năm bảy người tu học có kết quả, có an lạc, có hạnh  phúc, đi ra lập một trung tâm tu học, đem hạnh phúc của mình biểu hiện  ra thành khung cảnh cho người khác tới tham dự. Thì đó là tạo một cái  địa an tịnh. Và vùng đất tịnh (tịnh độ) ấy từ Tâm mà ra.

Thế gian gồm có hai: tình thế gian và khí thế gian. Tình thế gian là  thế giới của loài hữu tình, nghĩa là loài người, cầm thú và cây cỏ. Xã  hội loài người hay xã hội các loài khác cũng đều do tâm thức cộng đồng  từ A-lại-gia mà biểu hiện. Khí thế gian là khung cảnh của núi, sông,  không khí, trái đất, tầng ozone, mặt trời, mặt trăng và các thứ tương  tự. Tình thế gian và khí thế gian là sáng tạo của tâm thức. Tàng thức  duy trì tất cả những cái đó. Nó biểu hiện ra và nó duy trì hai thế gian  đó. Tất cả đều vận hành theo một quy luật nhịp nhàng, tất cả đều phát  hiện từ A-lại-gia cả.

Trong tác phẩm Bát Thức Quy Củ Tụng của Thầy Huyền Trang có câu về  thức thứ tám (A-lại-gia Thức): "Thọ huân trì chủng căn thân khí". Thọ  huân là tiếp nhận và huân tập. A-lại-gia tiếp nhận và huân tập tất cả  những kinh nghiệm, những tri giác từ các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi,  thân, ý). Trì chủng là duy trì, bảo tồn, không để mất đi. Đôi khi cứ  tưởng là quên, là mất nhưng thật ra thì không quên, không mất. Căn tức  là những cơ quan cảm giác như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Có sáu căn.  Thân là một trong sáu căn. Khí là khí thế gian, là thiên nhiên, là vạn  vật. Vậy thì câu "Thọ huân trì chủng căn thân khí" có nghĩa là công việc  của thức thứ tám là "tiếp nhận, duy trì hạt giống, duy trì căn, thân và  khí."

Tâm Lý Học Tây phương đề cập đến ba múi quít ở giữa (thọ, tưởng,  hành) nhiều hơn. Nhưng khi học về Thức chúng ta bắt đầu từ căn bản là  thức thứ tám, điều mà chúng ta chưa bao giờ được học ở Tâm Lý Học Tây  phương.

Nói tóm lại, tác dụng đầu tiên và căn bản của Thức là giữ gìn, duy  trì. Mà duy trì ở đây là duy trì cả thế giới, duy trì hết tất cả những  hạt giống. Thế giới có mặt như những hạt giống, thế giới có mặt như  những biểu hiện của những hạt giống.

____________
Mười địa
(Daśabhūmi - thập địa, the ten realms), theo Kinh Hoa Nghiêm gồm có:

1. Hoan hỷ địa: Pramuditā-bhūmi, the land (or stage, realm) of joy.
2. Ly cấu địa: Vimalā-bhūmi, the land of purity.
3. Minh địa: Prabhākārī-bhūmi, the land of radiance.
4. Diệm  địa: Arciṣmatī-bhūmi, the blazing land.
5. Nan thắng địa: Sudurjayā-bhūmi bhumi the land extremily difficult to conquer.

6. Hiện tiền địa: Abhimukhī-bhūmi, the land in view of wisdom.

7. Viễn hành địa: Dūraṅgamā-bhūmi, the far reaching land.
8. Bất động địa: Acalā-bhūmi, the immovable land.
9. Thiện huệ địa: sādhumatī-bhūmi, the land of good thought.
10. Pháp vân địa: Dharmameghābhūmi, the land of the Dharma Cloud.

Bài tụng 4: Các loại hạt giống                

Có hạt giống sẵn có
Có hạt giống trao truyền
Huân tập thời ấu thơ
Cả thời gian thai nghén.

 

Trong tàng thức có tất cả các loại hạt giống. Tất cả các loại hạt  giống ấy có thể phân biệt làm hai loại: hạt giống sẵn có và hạt giống  trao truyền.

Hạt giống sẵn có (bản hữu chủng tử): Bản hữu là bẩm sinh,  vốn có sẵn. Theo tuệ giác của Bụt, không có phút bắt đầu. Đạo Bụt luôn  luôn nói về vô thủy (vô thỉ) vô chung. Điều này hơi khó hiểu vì chúng ta  vốn sống trong khung thời gian và không gian do trí óc tạo ra. Nhưng  Bụt nói rất rõ: thời gian và không gian là những sáng tạo của tâm thức.  Thời gian và không gian làm ra nhau.

Trong Duy Biểu Học, thời gian, không gian và tâm thức là một. Những  yếu tố tạo ra sự sống, vũ trụ, vạn vật gồm có: đất, nước, gió, lửa,  không gian, thời gian, phương hướng và tâm thức. Có tám yếu tố, nhưng  một yếu tố chứa đựng bảy yếu tố kia.

Khi Albert Einstein (1879-1955) nói rằng thời gian và không gian  không phải là những thực thể độc lập, thời gian làm bằng không gian,  không gian làm bằng thời gian; ông đã thấy được một phần tuệ giác của  đạo Bụt. Nhưng Einstein không rõ một điều rằng tâm thức cũng là một yếu  tố làm ra thời gian và không gian.

Khi bắt buộc vũ trụ phải có bắt đầu tức là giả định rằng không gian  và thời gian là hai thực tại khách quan. Nhưng Duy Biểu cho biết rằng  thời gian và không gian không phải là những thực tại khách quan. Chúng  là những sáng tạo phẩm của thức.

Vì vậy thuyết tương đối của khoa học bây giờ giúp chúng ta hiểu được  giáo lý vô thủy vô chung của đạo Bụt. Vì Khoa học là một khoa học thực  nghiệm nên có uy tín và được người ta tin.  Nhưng mà Đạo học cũng là một  khoa học thực nghiệm, thực nghiệm đây không phải về phần vật thể mà về  phần tâm linh, và cũng đáng tin lắm. Tuy nhiên, người dạy đạo phải thực  sự sống kinh nghiệm tâm linh đó thì mới có thể soi thấu ngọn ngành của  tâm thức một cách thực nghiệm.

Hạt giống gọi là sẵn có vì nó không có cái bắt đầu (vô thủy). Nếu nói  nó có sẵn từ lúc bắt đầu thì còn kẹt vào ý niệm về thời gian. Ta có thể  nói "nó có sẵn từ lúc không bắt đầu". Nói như thế để giúp thoát ra khỏi  ý niệm về bắt đầu.

Hạt giống trao truyền. Có những hạt giống được trao truyền  (tân huân chủng tử) cho chúng ta. Ai trao truyền?  Những tài ba, đức  hạnh cũng như những vụng về, khổ đau đều có thể do ông bà truyền lại.  Chúng ta có những hạt giống của Lý Thường Kiệt, của Trần Hưng Đạo (trung  thần, ái quốc) và của cả Trần Ích Tắc (phản quốc). Chúng ta có đủ hạt  giống: hạnh phúc, khổ đau, tài ba, vụng về.

Điều này rất khoa học. Khoa di truyền học mới khám phá ra điều này  gần đây, nhưng Bụt đã nói tới từ lâu rồi. Di truyền học cho ta thấy  những hạt giống (DNA) trong thân và trong tâm của chúng ta có nguồn gốc  từ tổ tiên, ông bà cách ta nhiều đời. Chúng ta mang trong ta những thế  hệ tổ tiên ông bà. Hơn nữa các thế hệ tương lai cũng có sẵn trong chúng  ta. Vì vậy khi chúng ta giải thoát an lạc thì tổ tiên ông bà ta cũng  được giải thoát an lạc. Ta tu tập không riêng cho ta mà cho tổ tiên và  những thế hệ tương lai.

Giống như cây chanh tuy chưa có hoa, có trái nhưng hoa chanh, trái  chanh đã có sẵn trong cây chanh, chỉ cần thời gian là biểu hiện. Cũng  vậy, con cháu đã có sẵn trong ta, nếu chúng ta tu tập, có giải thoát thì  tuy con cháu chúng ta chưa biểu hiện nhưng cũng đã thấm nhuần công  trình tu tập và kết quả an lạc giải thoát của chúng ta. Cho nên một  người tu tập thì cả tổ tiên dòng họ và ngay cả con cái đều được hưởng  lợi lạc ngay trong hiện tại. Đó là cái nhìn của đạo Bụt. Chỉ cần nắm lấy  một ngày thôi mà tu tập cho tinh tấn thì ngày đó sẽ mang lại an lạc  hạnh phúc cho cả tổ tiên và con cháu. Tại vì một ngày chứa cả thời gian  vô cùng và không gian vô tận. Nếu để cho một ngày trôi qua oan uổng thì  tội nghiệp cho tổ tiên và tội nghiệp cho con cháu. Biết bao nhiêu người  đã phí phạm để cho ngày tháng trôi qua oan uổng!

Những hạt giống trao truyền đó gọi là tân huân chủng tử (vāsanā).  Huân là ướp vào, gieo vào. Tân là mới. Phân biệt ra hai loại hạt giống  sẵn có và trao truyền khiến chúng ta nghĩ rằng chủng tử mới trao truyền  đó chúng ta không có sẵn, chúng ta chỉ có khi mới được huân vào thôi.  Điều này không đúng lắm. Những hạt giống trao truyền thật ra đã có sẵn  trong ta nhưng không được quan trọng lắm. Trao truyền ở đây là trao  truyền tác dụng làm cho những hạt giống đó trở nên quan trọng.

Một người không biết hát và nghĩ rằng mình không có hạt giống của sự  ca hát. Nhưng khi về Làng Mai một thời gian thì chẳng những hát được mà  còn thích hát nữa. Hạt giống chúng ta tưởng là tân huân thật ra đã có  sẵn nhưng rất yếu, có khi cả hằng chục năm, trăm năm rồi chưa được tưới  tẩm, và phát triển. Những hạt giống đó không thuần là trao truyền (tân  huân) mà có phần bản hữu trong đó và nhờ các điều kiện thuận lợi (tăng  thượng duyên) mà được phát triển.

Điều này phù hợp với những gì Bụt dạy về giác tính. Chúng ta thường  nghĩ rằng giáo lý giải thoát giác ngộ học được của thầy của bạn là những  điều vừa mới được trao truyền (tân huân) nhưng kỳ thật chúng ta đã có  những hạt giống giải thoát và giác ngộ đó trong bản thân rồi. Thầy hay  bạn chỉ giúp những điều kiện để chúng ta trở về tiếp xúc và làm cho các  hạt giống đó lớn mạnh mà thôi. Buổi sớm mai sau khi giác ngộ thành đạo,  Bụt có nói: "Lạ thay! Tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng tỉnh thức,  giác ngộ, hạnh phúc, an lạc, nhưng mà họ cứ trôi lăn trong khổ đau từ  kiếp này sang kiếp khác". Nói như vậy có nghĩa là những hạt giống tỉnh  thức giác ngộ đã có sẵn trong chúng ta cả rồi, Bụt và giáo đoàn chỉ giúp  chúng ta trở về tiếp xúc với những hạt giống tỉnh thức giác ngộ mà  thôi. Bụt và giáo đoàn chỉ giữ vai trò tăng thượng duyên mà thôi. Vì vậy  khi phân biệt hai loại hạt giống cũng chỉ là tạm thời phân biệt để hiểu  và để tu mà thôi, chứ hai loại hạt giống đó không chống đối nhau.

Huân tập thời ấu thơ, cả thời gian thai nghén. Ngay khi còn ở trong  bụng mẹ, thức A-lại-gia của thai nhi đã bắt đầu hoạt động, đã có thể  tiếp nhận những hạt giống khổ đau hay hạnh phúc từ mẹ mình hoặc cha  mình. Khi mang thai, một bà mẹ hằng ngày tiếp tục gieo vào tàng thức của  mình và của em bé đủ mọi hạt giống, từ thức ăn thức uống, đến buồn vui,  khổ đau, lo lắng...

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là những dòng sông đưa hạt giống vào  tàng thức của cả mẹ lẫn con. Ăn là ăn cho hai người, uống là uống cho  hai người, vui là vui cho hai người, khổ là khổ cho hai người. Cho nên  những bà mẹ tương lai phải tu nhiều lắm, phải chánh niệm nhiều lắm mới  được. Khi đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, khi đọc sách, xem ti-vi, nói  chuyện phải hết sức cẩn thận. Phải nuôi con từ lúc con chưa ra đời chứ  không phải chỉ nuôi con từ lúc con còn bé. Người cha tương lai cũng cần  phải có ý thức nhiều mới được. Mỗi cử chỉ vụng về, mỗi câu nói nặng, mỗi  cái nhìn trách móc, mỗi cái  nhìn lạnh nhạt của cha đối với mẹ, em bé  đều tiếp nhận hết. Những hạt giống khổ đau của một đời người bắt đầu từ  khi còn trứng nước trong bụng mẹ. Những hành động thiếu chánh niệm của  người lớn gieo vào tâm em bé có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời em.

Chúng ta cần ý thức rằng tàng thức em bé rất mong manh nhưng luôn  luôn có mặt đó và sẽ tiếp nhận tất cả những gì xẩy ra trong đời sống gia  đình. Chúng ta cũng nên biết rằng khi em bé sinh ra, tuy chưa hiểu  tiếng người nhưng không có nghĩa là em bé không thể tiếp nhận hạt giống  từ cha mẹ. Khi cha mẹ nói chuyện với nhau, tình cảm được biểu hiện trong  lời nói. Một câu nói mà có sự săn sóc thương yêu hay một câu nói đầy  giận hờn, bực bội em bé đều cảm nhận được hết. Không khí hạnh phúc hay  khổ đau trong gia đình, dầu em bé còn nằm trong nôi, đều cảm nhận được  hết. Những kỷ niệm của thời ấu thơ rất sâu đậm.

Có những em bé bị bệnh tâm thần ngay từ khi còn nhỏ bởi vì cha mẹ làm  khổ nhau khi em bé còn trong bụng mẹ và tiếp tục làm khổ nhau khi bé ra  đời cho nên chúng sợ người lớn lắm. Ở Tây phương người ta quan sát  những em bé trong một phòng riêng với nhiều đồ chơi và nhận thấy có một  số em vui chơi rất tự nhiên với đồ chơi khi trong phòng không có người  lớn nào, nhưng khi có người lớn bước vào thì các em bé ấy im lặng và mềm  ra như một sợi bún. Tâm Lý Học Tây phương gọi các em bé đó là những em  bé mềm (les enfants mous) tại vì người lớn đã làm cho chúng khổ ngay từ  trong bụng mẹ nên  ngay khi sinh ra các em đã sợ người lớn.

Vì vậy chúng ta có thể áp dụng giáo lý về huân tập để tổ chức những  lớp tu học cho các bậc cha mẹ tương lai để giúp họ biết cách cư xử với  nhau, giữ gìn cho nhau trong tinh thần chánh niệm để sau này con cái họ  khỏi khổ. Đưa ra đời một sinh mạng là một chuyện lớn. Có những người  không tu không học mà sinh con quá nhiều, mỗi năm một đứa. Rốt cuộc có  mười một, mười hai đứa. Hai vợ chồng đau khổ mà không biết tu tập giữ  gìn cho nhau, trách móc giận dỗi nhau hoài, rồi gieo vào tâm thức mười  mấy đứa con toàn là những hạt giống khổ đau. Lớn lên dĩ nhiên là những  người con đó khổ đau và làm khổ đau những người khác. Các thế hệ tương  lai nếu giỏi thì phải viết sách, phải  tổ chức các khóa tu tập để dạy dỗ  cho các bậc cha mẹ tương lai, để cho họ có thể thấy được tầm quan trọng  của nghệ thuật huân tập trong khi nuôi con, nghĩa là tránh gieo những  hạt giống khổ đau mà chỉ gieo những hạt giống hạnh phúc vào tâm thức  con.

Bài tụng 5: Hạt giống riêng và chung                

Từ gia đình bè bạn
Nơi xã hội học đường
Hạt giống nào cũng có
Tính cách riêng và chung.

 

Gia đình, bè bạn, xã hội, học đường, quốc gia, tất cả vũ trụ, đều là  những biểu hiện của các hạt giống trong tâm thức cộng đồng. Làng Mai đây  cũng vậy, cũng là biểu hiện của tâm thức tất cả chúng ta, những người  sống trong làng. Tâm thức của mỗi người chúng ta luôn bao gồm những hạt  giống riêng và những tâm thức chung về Làng Mai. Làng Mai trong người  này khác với Làng Mai trong người kia.

Khi tiếp xúc với xã hội chúng ta tiếp xúc với đủ hạng người và tiếp  nhận đủ thứ hạt giống. Gia đình là xã hội đầu tiên, tiếp đến học đường  cũng là một xã hội. Nhìn sâu vào tàng thức ta sẽ thấy rất nhiều hạt  giống của gia đình, của thầy bạn và của bao nhiêu người khác trong xã  hội.

Nếu bạn thân của mình mà khổ đau, trồi sụt lên xuống thì mình cũng  khổ đau, trồi sụt lên xuống. Không phải là mình bắt chước nhưng nó đi  vào trong mình, nó âm thầm huân vào hồi nào không hay. Cách ngôn có câu:  "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là vậy.

Chỉ cần nói chuyện độ chừng một giờ với một người có nhiều đau khổ,  sợ hãi, có nhiều căm thù thì chúng ta có thể cảm thấy tâm thức như bị tê  liệt, "không muốn làm ăn gì nữa." Chúng ta tiếp nhận những hạt giống bi  quan, khổ đau từ người đó và nếu không tu thì chúng ta sẽ tiếp nhận và  huân tập những hạt giống khổ đau của người đó vào trong tâm thức mình.  Trong một trung tâm tu học, để giúp cho những người đang đau khổ, vị  giáo thọ phải cẩn thận lắm mới được. Phải chánh niệm về tình trạng sức  khỏe của tâm thức mình trong khi lắng nghe để khuyên răn những người đó.  Vị giáo thọ phải cẩn thận, không nên thân cận nhiều với những người có  quá nhiều khổ đau, có quá nhiều hạt giống bất an. Nếu tu mà đang còn yếu  thì phải "chọn bạn mà chơi" để có thể tiếp nhận những hạt giống an  lành, hạnh phúc. Chỉ khi nào đã khá vững vàng rồi thì mới có thể tiếp  xúc với những người khổ đau và có thể giúp họ. Đây không phải là kỳ thị  mà là biết rõ khả năng của mình, biết rõ ranh giới giữa khả năng thu  nhận và chuyển hóa những đau khổ, bất an  của người kia và nguy cơ bị  những đau khổ, bất an của người ấy tràn ngập tâm thức mình. Khả năng  giúp người của ta có giới hạn. Đừng nên đi quá giới hạn của mình. Sau  khi lắng nghe để giúp đỡ một người đang khổ rồi thì phải có dịp thực tập  thiền hành, tạo cơ hội và thì giờ tiếp xúc với những tươi mát, trị  liệu, an lạc trong và xung quanh mình. Phải biết tu cho mình, nếu không  thì sẽ đánh mất mình. Phải đưa vào thân tâm những yếu tố của sự an lạc,  mạnh khỏe thì mới nắm vững nghệ thuật giúp người lâu được. Một bác sĩ  tâm thần (psychiatrist) cũng phải hành xử như vậy.

Tự tướng và cộng tướng

Tất cả những hạt giống đều có hai tính cách: riêng (tự tướng) và  chung (cộng tướng). Nghĩa là mỗi hạt giống đều có tính cách cá nhân và  cộng đồng. Hạt giống tuy là riêng nhưng chúng mang theo hạnh phúc, khổ  đau, tài ba, vụng về do sự trao truyền từ gia đình, từ học đường, xã  hội, từ dòng họ, tổ tiên. Không có hạt giống nào hoàn toàn chung hay  hoàn toàn riêng. Đó là tính chất tương tức, mọi sự đều có tương quan với  nhau. Chúng ta cần vượt lên trên ý niệm riêng và chung đó.

Ví dụ như tài cắm hoa đẹp. Hạt giống tài năng đó có thể là từ ông bà  tổ tiên trao truyền cũng có thể từ bạn bè, từ học đường hay từ sách ảnh  nghệ thuật. Hạt giống tài năng đó vừa là của chúng ta vừa là của bạn bè,  học đường, xã hội, vừa là riêng vừa là chung. Nhận thức về cái đẹp của  một bức họa, một kiến trúc, hay một chiếc áo dài cũng vậy. Nhận thức đó  phản ảnh quan niệm thẩm mỹ của chúng ta và đồng thời phản ảnh quan niệm  thẩm mỹ của ông bà hay xã hội chúng ta.

Một ví dụ khác là món dưa cải kho đối với chúng ta rất ngon. Cái ngon  của món dưa cải kho vừa có tính cách riêng vừa có tính cách chung. Ông  bà chúng ta ăn món đó nhiều đời rồi chúng ta được huân tập ăn dưa cải  kho cho nên khi nói tới dưa cải kho thì chúng ta thích. Nhưng đối với  những người Tây phương ăn dưa cải kho vào họ không thấy ngon. Trong khi  đó những thứ phó mát rất đắt tiền mà người Tây phương rất thích nhưng  người Việt nam ăn vào thấy khó chịu. Thành ra cái ngon, cái dở, cái đẹp,  cái xấu tùy thuộc vào tính chất riêng và chung của hạt giống.

Hạt giống như vậy thì tâm thức cũng như vậy. Tâm thức là dòng sông  của các hạt giống nên tâm thức cũng có tính cách riêng và chung. Vì vậy  chúng ta có danh từ tâm thức cộng đồng và tâm thức cá nhân.

Tâm Lý Học Tây phương (một khoa học khá trẻ trung, khoảng hơn 100  tuổi) đã nói đến tâm thức cộng đồng và tâm thức cá nhân. Nhà tâm lý học  Carl Gustav Jung (1875- 1961) đã nói đến tâm thức cộng đồng. Karl Jung  đã từng có cơ hội tiếp xúc với đạo Bụt Tây Tạng. Trước đó Tây phương có  nhà tâm lý học Sigmund Freud (1856- 1939) đầu tiên khai thác về vô thức  (tương đương với tàng thức A-lại-gia). Cố nhiên Jung bị ảnh hưởng của  Freud nhưng Jung đã đi xa hơn và đã nói đến tâm thức cộng đồng. Chúng ta  có thể thấy trước rằng đạo Bụt sẽ tiếp tục ảnh hưởng Tâm Lý Học tây  phương, và lề lối chữa trị các bệnh tâm thần bây giờ và sau này sẽ từ từ  chịu ảnh hưởng sâu sắc của Duy Biểu Học.

Khi nói tới tâm thức cộng đồng chúng ta thường nghĩ tới tâm thức cộng  đồng của cùng một thời gian mà thôi. Chúng ta cho rằng tâm thức cộng  đồng này là tâm thức của những người sống cùng một thời đại với chúng  ta. Nói khác đi, chúng ta nghĩ tới một tâm thức cộng đồng mang tính chất  không gian hơn là thời gian. Nhưng trong đạo Bụt, tâm thức cộng đồng  không phải là tâm thức cộng đồng trong không gian mà là tâm thức cộng  đồng trong suốt chiều dài của thời gian. Điều này có nghĩa là những hạt  giống trong tâm thức cộng đồng không những phản chiếu cái nghe, cái  thấy, cái nhìn, cái hiểu của những người đương thời mà của các thế hệ  quá khứ. Cho nên chủng tử bản hữu rất quan trọng. Chúng ta không những  mang trong ta xã hội của chúng ta mà cả những xã hội của các thế hệ tổ  tiên.

Phạm vi của kinh nghiệm chỉ là phạm vi của hạt giống trao truyền (tân  huân). Trong Duy Biểu ngoài hạt giống trao truyền còn có hạt giống sẵn  có (bản hữu). Vì vậy cho nên Duy Biểu Học vượt khỏi biên giới của chủ  nghĩa Duy Nghiệm. Tổ tiên của chúng ta đã thâu thập kinh nghiệm và trao  truyền lại cho chúng ta dưới hình thức những hạt giống mà khi sinh ra  chúng ta đã có sẵn, khi ta mới đầu thai trong bụng mẹ, ta nhỏ xíu như  một hạt mè hay hơn nữa. Nhưng đừng khinh thường. Cái hạt nhỏ đó chứa  đựng tất cả các hạt giống của vô lượng vô biên kinh nghiệm của bao thế  hệ đi trước. Cái vô cùng nhỏ chứa cái vô cùng lớn. Thấy được điều đó  rồi, thấy được rằng cái thai nhỏ hơn hạt mè mà chứa đựng thời gian vô  cùng và không gian vô biên rồi, thì chúng ta mới thấy rằng việc giữ gìn  một thai nhi là quan trọng biết mấy. Khi mà ý tưởng phá thai phát hiện  thì vũ trụ rung rinh, bởi vì cái bào thai nhỏ như hạt mè kia chứa đựng  bao nhiêu thế hệ tổ tiên đi trước và bao nhiêu thế hệ con cháu tương  lai. Vậy mà trong thời đại chúng ta chuyện phá thai là chuyện cơm bữa.