Bài Tụng 16-22

Wednesday, 20 April 20163:48 PM(View: 3087)
Bài Tụng 16-22
Bài tụng 16: Vọng thức                

Hạt giống của vô minh
Của triền sử, ái nhiễm
Quấy động thành vọng thức
Khi danh sắc hiện hành.

 

Hạt giống của vô minh: Vô minh là thiếu sáng suốt, là hiểu  lầm, hiểu sai (ignorance, lack of understanding). Có nhiều hạt giống vô  minh chứ không chỉ có một. Chúng ta hiểu lầm thế giới, hiểu lầm con  người, hiểu lầm các loài động vật, cây cỏ. Chúng ta hiểu lầm chính bản  thân. Những hạt giống vô minh có thể là những hạt giống có sẵn (tiếp  nhận từ tổ tiên) hay là những hạt giống trao truyền (tiếp nhận từ xã  hội).

Mạt-na làm cho các hạt giống vô minh hiện hành, và kết quả là chúng  ta đau khổ vì các nhận thức sai lầm đó. Mạt-na có năng lượng của vô minh  và tham đắm. Nó nắm lấy một phần của tàng thức, coi phần tàng thức đó  (mà thực ra chỉ là hình ảnh về tàng thức do Mạt-na tưởng tượng ra) chính  là cái ta của nó, và phần tàng thức bị nắm giữ kia mất tự do. Mạt-na  coi phần đó của A-lại-gia chính là mình.

Hạt giống triền sử, ái nhiễm: Triền sử hay kết sử là nội kết  (saṃyojana - fetters). Nội kết êm ái hay không êm ái cũng đều là triền  sử. Triền sử có hai tác dụng: tác dụng thứ nhất là trói buộc (triền),  tác dụng thứ hai là thúc đẩy (sử). Chúng trói buộc v à thúc đẩy chúng ta  làm những việc mà chúng ta không muốn làm. Ví dụ trường hợp bị ma túy  trói buộc và sai sử. Hạt giống của ma túy khi đã trồng vào trong thân và  trong tâm (thân cũng là tâm, thân là biểu hiện của tâm) thì con người  giống như bị "ma đưa lối, quỷ dẫn đường; lại tìm những chốn đoạn trường  mà đi".

Quấy động thành vọng thức:  Những hạt giống vô minh, triền  sử, ái nhiễm nằm sâu trong thức A-lại-gia, bị Mạt-na nắm lấy, tạo thành  một sức mạnh, một nguồn năng lượng quấy động và khiến cho A-lại-gia trở  thành vọng thức. Vọng thức là nhận thức trong đó có mê vọng, sai lầm.  Vọng ngược lại với chân. Chân là thật, vọng là giả. Vọng tưởng là nhận  thức khi mình sáng tạo ra những hình ảnh không phù hợp với sự thật.

Danh sắc hiện hành: A-lại-gia thức khi trở thành vọng thức  thì sẽ phát hiện ra danh (nāman) và sắc (rūpa). Danh là tâm lý, sắc là  sinh lý. Vì Mạt-na chứa đầy những hạt giống vô minh, tham đắm, sợ hãi và  vướng mắc nên nó không thể tiếp xúc được với tự thân của thực tại (thế  giới tánh cảnh). Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần mà chánh niệm (sự tỉnh  thức) không có mặt, Mạt-na có thể làm cho các hạt giống vô minh hiện  khởi và rơi vào tàng thức, tạo ra những nội kết hay triền sử. Câu "khi  danh sắc hiện hành" khiến chúng ta nghĩ đến đạo lý Mười Hai Nhân Duyên  hay mười hai Hữu Chi (pratītya-samutpāda).

Chi thứ nhất là vô minh. Chi thứ hai là hành. Hành là một sức mạnh  bên trong thúc đẩy, khiến chúng ta chạy theo một cái gì, phải làm một  cái gì. Hành tạo thành vọng thức, tạo ra bất an, ham muốn mà gốc là vô  minh, triền sử và ái nhiễm. Vô minh tạo ra hành. Ví dụ như khi hiểu lầm  một người nào đó thì nguồn năng lượng bực bội, giận hờn phát sinh. Nguồn  năng lượng bực bội, giận hờn đó là hành.

Vô minh sinh hành, hành sinh thức. Có thức nên có phân biệt (tôi bị  anh đó khinh rẻ. Anh đó khác với tôi). Thức đây là vọng thức ô nhiễm, là  phần tàng thức bị Mạt-na nắm chặt lấy, coi là cái Ngã của nó. Vọng thức  này sẽ đưa đến danh và sắc cùng các hạt giống vô minh, nguyên nhân của  đau khổ. Thực tập chánh niệm và nhìn sâu, chúng ta có thể nhận diện và  tiếp xúc được với những năng lượng bất thiện của vô minh, tham đắm và  các hạt giống đau khổ khác trong tàng thức, và chúng ta có thể cố gắng  để không bị chúng kéo vào hướng đi đau khổ.

Bài tụng 17: Tư lượng                 

Nương vào A-lại-gia
Phát hiện thức Mạt-na
Tác dụng là tư lương
Níu lấy tàng làm ngã.

 

Thức Mạt-na sinh khởi, chuyển hiện từ thức căn bản (A-lại-gia) cho  nên được gọi là chuyển thức (paravṛtti vijñāna). Mạt-na thức không phải  là một thực tại độc lập. Mạt-na là thức thứ 7, mà đồng thời cũng là căn  của Ý thức (thức thứ 6).

Khi học Duy Biểu chúng ta phải cẩn thận ở điểm này. Mạt-na dịch là Ý chứ không dịch là ý thức. Ý thức là thức thứ sáu. Mạt-na (Ý) là căn phát sinh ra ý thức cũng như mắt là căn cứ của nhãn thức. Cho nên ta thường gọi Mạt-na là ý căn.

Trong bài tụng 8 chúng ta đã biết rằng mỗi cơ quan cảm giác (căn) khi  tiếp xúc với đối tượng của cảm giác (trần) sẽ phát sinh ra một thức  tương ứng. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ý đây là ý căn, là  Mạt-na. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), khi tiếp xúc với sáu  trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ phát sinh ra sáu thức (nhãn  thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Mạt-na hay Ý  là căn cứ phát sinh ra ý thức cũng giống như mắt là căn cứ phát sinh ra  nhãn thức, tai là căn cứ phát sinh ra nhĩ thức vậy.

Tuy nhiên, vì Mạt-na cũng là một thức cho nên nó cũng cần có căn. Căn của Mạt-na là A-lại-gia.  Đối tượng của Mạt-na không đến từ bên ngoài (như sắc, thanh, hương, vị,  xúc) mà từ bên trong, do tác dụng của Mạt-na với các hạt giống chứa  trong A-lại-gia thức. Nếu không có đối tượng của ý căn thì sẽ không có ý  thức, cũng giống như nếu không có sắc là đối tượng của nhãn căn thì  không có nhãn thức. Căn (chủ thể của nhận thức) và trần (đối tượng của  nhận thức) đi đôi với nhau như bóng với hình. Chúng phát sinh cùng một  lúc.

Edmund Husserl (1859-1938), triết gia về hiện tượng luận  (Phenomenology), người Đức, có nói ý thức thì phải ý thức về một cái gì.  Trong đạo Bụt, Duy Biểu học cũng nhấn mạnh về điểm đó. Giận là giận ai,  buồn là buồn ai, lo là lo gì, suy nghĩ là suy nghĩ cái gì. Không thể có  Thức khi không có đối tượng. Trong tác phẩm Ba Mươi Bài Tụng Duy Biểu  của ngài Thế Thân, bản dịch của thầy Huyền Trang có câu: "Thị chư thức  chuyển biến, phân biệt sở phân biệt" có nghĩa là những thức đó chuyển  biến đều có chủ thể và đối tượng.

Khi nói về Thức chúng ta thường nói tới kiến phần (darśaṇa-bhāga) tức  là chủ thể và tướng phần (nimitta-bhāga) tức là đối tượng. Đó là hai  phần (bhāga) của Thức. Chủ thể và đối tượng là hai danh từ của triết học  Tây Phương. Nhưng Duy Biểu Học còn nói tới phần thứ ba. Đó là tự thể phần (svabhāva-bhāga, thing-in-itself).

Tự thể phần là bản chất làm nền tảng cho cả hai phần chủ thể và đối  tượng. Gọi tự thể phần là một phần cũng chưa đúng hẳn. Khi dùng danh từ  tự thể phần là ý muốn nói rằng bất cứ cái gì cũng có bản chất của nó. Tự  thể phần có khi còn gọi là tự chứng phần. Tự chứng có nghĩa: tự thể phần là nguồn gốc của kiến phần và tướng phần.  Không có tự thể phần thì không có kiến phần và tướng phần. Không có  kiến phần và tướng phần thì không có tự thể phần. Tám thức và năm mươi  mốt tâm sở đều có kiến phần, tướng phần và tự thể phần. Ba phần này  nương tựa và nâng đỡ nhau, nếu ta phân biệt chúng ra thì không đúng với  giáo lý Bụt dạy.

Tuy nhiên, không nên kỳ thị quá và cho rằng tướng phần khác với tự  thể phần. Cũng như không nên cho rằng hai mặt của đồng tiền khác với  chất kim loại (tự thể phần) làm nên đồng tiền. Như vậy là sai lầm. Kiến là tướng và tướng cũng là tự thể. Phải thực tập như vậy mới được. Nếu không thì không hiểu được Duy Biểu. Nếu không thì bị kẹt.

Vậy thì Mạt-na là một chuyển thức, có gốc rễ (căn) là A-lại-gia. Thực   ra, đó chỉ là một hình ảnh về A-lại-gia mà Mạt-na sáng tạo ra rồi ôm  lấy nó, cho đó là ngã, là "người yêu" (Thầy Huyền Trang gọi Mạt-na là thông tình bản).  Mạt-na cũng được gọi là Tình thức (tiếng Anh là Mentation, Cogitation  hay Lover). Mạt-na không tiếp xúc trực tiếp được với thực tại của  A-lại-gia mà chỉ nhìn A-lại-gia với những quan niệm sai lạc. Tâm sở Tuệ  của Mạt-na không phải là chánh tuệ mà là tà tuệ (hiểu biết sai lạc).

Tác dụng là tư lượng, níu lấy tàng làm ngã: Tác dụng của  Mạt-na là tư lượng, nghĩa là suy tư, tính toán, đo lường. Đêm ngày  Mạt-na chỉ làm có một việc là níu lấy A-lại-gia mà tư lượng thôi. Đối  tượng của Mạt-na không phải là tướng phần của A-lại-gia mà là kiến phần  của A-lại-gia. Cố nhiên là trong kiến phần có tướng phần. Nhưng mà điều  cần nói rõ là chủ thể của A-lại-gia là đối tượng của Mạt-na. Mạt-na níu  lấy A-lại-gia và biến nó thành một đối tượng, đối tượng đó là Ngã. Vì  vậy cho nên chúng ta nói: "Níu lấy tàng làm Ngã". Mạt-na tin tưởng một  cách lầm lẫn rằng cái Ngã là thường hằng, không bao giờ thay đổi.

Bụt Thích Ca dạy chúng ta về vô thường để ta có thể khám phá được  chân lý và sự thực của vô ngã. Nhưng Mạt-na không biết gì về vô ngã. Nó  luôn luôn tin vào các ý niệm thường hằng, có cái ngã bất diệt, nên nó  luôn luôn phân biệt giữa mình và những gì không phải  là mình. Điều  duy nhất chúng ta có thể giúp cho Mạt-na ngừng bám víu vào các ý niệm về  cái ta, đó là phải thực tập nhìn sâu vào bản chất vô thường và tương  tức của thực tại.

Bài tụng 18 :  Ngã tướng                

Đối tượng của Mạt-na
Là ngã tướng đới chất
Phát sinh từ giao thoa
Giữa ý và tàng thức.

 

Đối tượng của Mạt-na là ngã tướng đới chất: Sự đụng chạm giữa ý (Mạt-na) và tàng thức, sự giao thoa giữa hai nguồn năng lượng ấy tạo ra đối tượng của Mạt-na, là cái tướng có tính cách phân biệt, so sánh (đới chất). Đới có nghĩa là đeo theo, mang theo.

Ta còn nhớ rằng đới chất cảnh là một trong ba cảnh (tánh cảnh, đới  chất cảnh và độc ảnh cảnh - bài tụng số 8). Tánh cảnh là nhận thức trực  tiếp, không bị méo mó. Mạt-na không nhìn sự vật một cách trực tiếp mà nó chỉ nhìn qua đới chất cảnh: luôn luôn có so sánh, phân biệt, tính toán.

Đới chất cảnh dịch theo danh từ triết học ngoài đời là ý tượng (representations). Ý tượng - danh từ của Linh mục George Berkeley  (1685-1753), là những hình tượng trong ý mình, không giống như những sự  vật bên ngoài. Chúng ta mượn danh từ ý tượng để cho người Tây phương  hiểu được danh từ đới chất cảnh.

Học phái Duy Biểu nói về bốn loại điều kiện (tứ duyên) giúp cho các  pháp biểu hiện ra: Đó là Nhân duyên (hetu-pratyaya), Tăng thượng duyên  (adhipati-pratyaya), Sở duyên (ālambana-pratyaya) và Đẳng vô gián duyên  (samanantara-pratyaya). Thức Mạt-na phát sinh từ các hạt giống (nhân  duyên) nằm trong tàng thức A-lại-gia. Tăng thượng duyên giúp nó nẩy nở  là các nhận thức trong tàng thức. Nắm lấy phần đó, Mạt-na tạo nên một  hình ảnh đới chất (sai lầm), có tính cách liên tục về A-lại-gia.

Ngã tướng (image of itself, mark of a self) tức là cái "ta". Cái ta  ấy chỉ là một đới chất cảnh. Ngã tướng không phải là tàng thức, nhưng có  một chút bản chất của tàng thức. Ngã tướng là do Mạt-na tạo ra, căn cứ  trên chất liệu của A-lại-gia. Thức Mạt-na ôm lấy đối tượng ấy và cho đó  là ngã, là người yêu phải bảo vệ. Đó là người trong mộng. Giống như tình  yêu giữa hai người nam nữ. Nhiều  khi ta không yêu con người thật của  đối tượng, mà ta tạo ra một hình ảnh về người đó để yêu. Khi tiếp xúc  với nhau nhiều, ta khám phá ra những điều ngược với hình ảnh ta có sẵn,  nên ta đau khổ.

Ý là một chữ rất hay để dịch danh từ Mạt-na. Ý cũng có nghĩa là yêu  (ý trung nhân là người trong ý của mình, là người yêu của mình). Trong  bài tụng của Thầy Huyền Trang có câu: "Đới chất hữu phú thông tình bản"  có nghĩa là tính chất của đới chất cảnh là bị che mờ (hữu phú) và có  liên hệ (thông) tới tình (Mạt-na) và bản (tàng thức). Như vậy Thầy Huyền  Trang đã dùng chữ tình để nói tới thức thứ bảy. Vậy thức thứ bảy có thể  dịch là "the lover". Câu "Đới chất hữu phú thông tình bản" có thể dịch  ra Anh văn như sau: "The nature of this conciousness is covered and its  object is linked both to the lover (manas) and the base (ālaya)".

Muốn chuyển hóa Mạt-na, ta cần nhìn rõ được các yếu tố vô minh và  tham đắm, nguyên nhân khiến cho Mạt-na hành động. Gốc rễ của Mạt-na nằm  trong tàng thức. Nhìn sâu vào Mạt-na, ta sẽ thấy các tập khí do những  hạt giống vô minh, tham đắm và đau khổ tiềm ẩn trong tàng thức. Nhưng ta  có thể nào loại trừ hẳn được Mạt-na hay không? Không, vì Mạt-na có chứa  đựng tàng thức, và trong tàng thức có đủ thứ hạt giống, kể cả Phật  tánh.

Tám thức không độc lập.

Một điều căn bản nên nhớ là tâm thức có nhiều tác dụng. Tâm thức  chúng ta được tạm chia ra thành tám thức theo tám tác dụng tâm lý. Tám thức đó không phải là tám phạm vi riêng biệt, hoàn toàn độc lập với nhau. Tuy tám mà là một, tuy một mà là tám. Nếu như chia ra làm tám thức độc  lập khác nhau tức là đi ngược với tinh thần đạo Bụt. Khi nói tới tác  dụng đầu tiên của thức là tàng trữ, chúng ta nghĩ tới thức thứ tám (tàng  thức). Khi nói tới tác dụng thứ hai của thức là tư lượng thì chúng ta  nghĩ tới thức thứ bảy (Mạt-na). Cố nhiên là tác dụng này có liên hệ với  tác dụng kia, chịu ảnh hưởng của tác dụng kia. Trong Mạt-na có tàng thức  và trong tàng thức có Mạt-na. Tất cả tám thức đều tương tức tương nhập  với nhau. Mỗi thức có một nhiệm vụ, nên chúng ta gọi tên chúng khác  nhau, nhưng các thức đều liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Khi học về tám  thức thì phải luôn luôn nhớ như vậy.

Nói tóm lại, tàng thức được ví dụ như biển cả và các chuyển thức như  các đợt sóng (xem thêm trong Nhiếp Đại Thừa Luận, Kinh Lăng Già). Mạt-na  là đợt sóng chuyển thức phát sinh từ biển cả A-lại-gia. Mạt-na có gốc  rễ từ A-lại-gia. Mạt-na cúi xuống, nhìn vào A-lại-gia với sự trìu mến,  sáng tạo ra một đối tượng rồi ôm lấy nó và cho là Ngã. Khi hiểu được sự  liên hệ mật thiết giữa tàng thức và Mạt-na, chúng ta sẽ không còn kết  tội Mạt-na mà chỉ gắng thực tập để chuyển hóa các hạt giống trong tàng  thức. Khi được chuyển hóa, chúng sẽ biểu hiện theo chiều hướng tích cực,  thiện lành chứ không còn bị mê mờ vì các nhận thức sai lạc của Mạt-na.

 
Bài tụng 19: Nhiễm tịnh y                   

Vì sáu chuyển thức khác
Đóng vai nhiễm tịnh y
Vừa thẩm lại vừa hằng
Hữu phú mà vô ký.

 

Thức thứ bảy là một chuyển thức (paravṛtti-vijñāna). Chuyển thức là  thức được chuyển hiện từ căn bản thức. Thức căn bản ví như biển cả,  chuyển thức giống như những đợt sóng phát sinh từ biển cả. Ngoài chuyển  thức thứ bảy còn có sáu chuyển thức khác: đó là thức thứ sáu (ý thức) và  năm thức đầu (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức và thân thức).

Vì sáu chuyển thức khác, đóng vai nhiễm tịnh y: thức thứ bảy  là nền tảng cho sự nhiễm và tịnh cho sáu chuyển thức khác. Nhiễm tịnh y  (āśraya) có nghĩa là căn bản của nhiễm và tịnh (the ground of wholesome  and unwholesome). Y là chỗ y cứ, tức là nền tảng hay là căn bản.

Sáu thức đầu (năm thức đầu và thức thứ sáu) dơ bẩn (nhiễm) hay trong  sạch (tịnh) đều có liên hệ từ thức thứ bảy. Vì vậy địa vị của Mạt-na rất  quan trọng. Mạt-na là người yêu (ý). Yêu một cách mê mờ, một cách ngu  si. Nếu chất liệu si mê của thức thứ bảy càng lớn chừng nào thì chất  liệu dơ bẩn (nhiễm) của năm thức đầu và thức thứ sáu càng lớn chừng đó.  Nếu thức thứ bảy càng được cởi mở, giải thoát nhẹ nhàng thì sáu thức đầu  càng được cởi mở, giải thoát, nhẹ nhàng. Thức thứ bảy là nền tảng nhiễm tịnh của sáu thức đầu, của lý trí và tình cảm.

Chúng ta thường cho rằng lý trí dẫn đạo cho hành động. Nhưng nhiều  khi lý trí yếu hơn. Chúng ta thấy như vậy, hiểu như vậy nhưng không làm  theo như vậy, tại vì tình cảm sai sử chúng ta mạnh hơn. Điều đó chứng tỏ  rằng thức thứ bảy rất mạnh, nó làm chỗ y cứ, làm nền tảng cho hành  động.

Vừa thẩm lại vừa hằng: Thẩm tức là tư lượng, thẩm sát, so  đo, tính toán (reflecting, mentation, cogitation). Tư lượng đây là níu  lấy cái đối tượng của mình, cho đó là cái ngã, là người yêu, là cái quan  hệ nhất ở trên đời. Ví dụ như cho cái thân của mình là quan hệ nhất.  Còn những gì xảy ra trong xã hội thì không quan trọng. Giặc giã bên  Yougoslavie không quan trọng, không dính tới mình. Những cánh rừng lớn ở  Phi Châu bị đốn không quan trọng, không dính tới mình.

Thức thứ tám không có tác dụng thẩm, nó chỉ có tác dụng hằng  (permanent, always active) và chuyển. Thức thứ sáu không hằng. Ban đêm,  khi ngủ, nếu không nằm mơ thì thức thứ sáu đang ở trong trạng thái nghỉ  ngơi, không hiện khởi. Thức thứ bảy vừa thẩm lại vừa hằng. Thức thứ bảy  và thức thứ tám mà không hằng thì trong khi ngủ mình sẽ chết. Khi chết  rồi thức thứ bảy và thức thứ tám vẫn còn y nguyên (hằng). Trong khi đó  thức thứ sáu sẽ lặn đi và trở về hạt giống của nó, không còn biểu hiện  nữa.

Hữu phú mà vô ký: Mạt-na làm việc suốt ngày đêm và làm việc  với nhiều tính chất hôn mê. Tác dụng của Mạt-na là tư lượng. Tác dụng đo  lường, suy nghĩ này là một loại trực giác, nhưng trong cái trực giác đó  có yếu tố sai lầm, có chất liệu của vô minh, của triền sử, ái nhiễm. Vì  vậy cho nên Mạt-na có tính cách hữu phú nghĩa là bị mờ ám ngăn che.  Quán chiếu Mạt-na chúng ta có thể nhận diện được những hạt giống vô  minh, triền sử, ái nhiễm.

Chúng ta sẽ tự hỏi: "Như vậy có cần phải loại trừ Mạt-na hay không?"  Thật ra tuy Mạt-na bị che lấp (hữu phú) nhưng nó chứa đựng đủ mọi thứ  (gốc rễ từ A-lại-gia), trong đó có Phật tánh. Đó là vì tất cả mọi tâm  vương, tâm sở đều có tính cách tương tức, tương nhập, vừa có tính chất  riêng và chung. Ví dụ như nhìn bông hoa chúng ta thấy mặt trời, phân  bón, đất trồng v.v...Chúng ta phải tập nhìn dưới khía cạnh một là tất  cả, tất cả là một.

Hữu phú là bị che lấp. Vô ký là không thiện mà cũng không ác. Ở đây  chúng ta thấy có một sự giống nhau giữa thức thứ bảy và thức thứ tám:  thức thứ tám cũng là vô ký, không thiện mà cũng không ác. Nhưng thức thứ  tám khác thức thứ bảy ở chỗ là thức thứ tám vô phú, nghĩa là không bị  ngăn che. Nói tóm lại thức thứ bảy hữu phú và vô ký, thức thứ tám vô phú  và vô ký.

Vai trò của thức thứ sáu:

Học tới đây rồi chúng ta mới thấy vai trò quan trọng của thức thứ sáu. Chính thức thứ sáu đóng vai trò thắp đuốc soi đường để chúng ta thấy được hiện trạng của thức thứ bảy và thức thứ tám.  Và vì vậy cho nên chánh niệm mà thức thứ sáu đem tới mới đóng được vai  trò mong đợi, tức là vai trò làm cách mạng trong khi tu học. Cuộc cách  mạng này nhằm mục đích thay đổi tận gốc rễ tình trạng của thức thứ bảy  và thức thứ tám.

Chỉ có ánh sáng của chánh niệm mới tạo ra sự thay đổi. Sự thay  đổi này - thay đổi tận gốc chứ không phải thay đổi trên mặt - được gọi  là chuyển y. Chuyển y tiếng Phạn là āśraya-paravṛtti (āśraya là y,  là căn bản, paravṛtti là chuyển, là làm cách mạng - tiếng Anh dịch là  transformation at the base).

Tuy rằng thức thứ bảy và thức thứ tám rất quan trọng trong sự tu học,  nhưng hai thức đó cũng chỉ đóng vai thụ động. Vì vậy cả hai đều được  gọi là vô ký, không đóng vai thiện, cũng không đóng vai ác, chỉ đóng vai  thụ động. Thụ động nhưng không có nghĩa là không làm việc. Chúng làm  việc rất giỏi.

Ví dụ như đất. Đất đâu có làm việc theo kiểu của người làm ruộng. Đất  không tự cày, không tự bừa, tự bón phân, tự làm cỏ. Nhưng nếu không có  đất thì người làm ruộng bó tay. Người làm ruộng có làm hết sức mình mà  đất không làm việc của đất thì cũng không đi đến đâu. Sau khi người làm  ruộng đã cày, đã bừa, đã gieo hạt, bón phân, tưới nước thì đất sẽ làm  việc một cách tự nhiên. Đất sẽ cống hiến hoa trái. Thức thứ tám cũng  vậy, cũng âm thầm làm việc.

Khi đến Làng Mai tu học thì chúng ta phải mang theo thức thứ sáu và  thức thứ tám. Những bài pháp thoại, những pháp môn tu tập, những hạt  giống Phật pháp khi mình tiếp nhận bằng thức thứ sáu thì phải có đất để  gieo. Thức thứ tám chính là mảnh đất ấy.

Khi một thiền sinh tiếp nhận một công án (ví dụ: Anh hãy cho tôi biết  mặt mũi của anh như thế nào trước khi mẹ anh ra đời?) thì thiền sinh ấy  phải đưa công án vào trong tâm thức mình, chôn vùi công án đó vào trong  miếng đất của thức thứ tám và ngày đêm dùng chánh niệm để vun bón tưới  tẩm. Thiền sinh đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống trong chánh niệm và phải  có đức tin nơi thức thứ tám. Thức thứ tám sẽ làm việc ngày đêm, ngay cả  trong giấc ngủ. Một ngày nào đó, người thiền sinh thức dậy hoặc là đi  vấp thì tự nhiên giác ngộ bừng nở.

Hoa trái giác ngộ là do thức thứ tám làm ra. Vì vậy cho nên phải có  đất, phải tin cậy vào đất. Tuy rằng thức thứ tám không làm việc như thức  thứ sáu nhưng mà công tác của nó rất là quan trọng. Nếu chỉ biết sử  dụng thức thứ sáu để chơi trò thể thao với những hạt giống Thầy trao cho  thì không đi đến đâu cả. Cho nên những người nào chỉ tu học bằng thức  thứ sáu, chỉ suy nghĩ đàm luận bằng thức thứ sáu thì không bao giờ thành  công được.

"Lên non vùi hạt Bồ đề, xôn xao để lại dưới kia bụi hồng". Nghĩa là  lên non phải "vùi" hạt Bồ đề, không được sử dụng hạt Bồ đề như một trái  túc cầu mà chơi với nó bằng trí năng của mình. Phải ươm hạt Bồ đề đó vào  trong tàng thức thì mai kia mới có hoa trái của sự giác ngộ. Vì vậy  chúng ta nói thức thứ bảy là vô ký và thức thứ tám cũng là vô ký. Vô ký  không có nghĩa là không làm việc. Chúng làm việc khác hơn thức thứ sáu.

Tóm lại, qua bốn câu của bài tụng thứ 19 này chúng ta thấy được nhiều  tính chất của thức thứ bảy: nó là nền tảng thanh tịnh và ô nhiễm của  sáu thức đầu. Thức thứ bảy nặng nề thì sáu thức đầu nặng nề, nó nhẹ  nhàng bớt đi thì sáu thức đầu nhẹ nhàng bớt đi (vì sáu chuyển thức khác đóng vai nhiễm tịnh y). Ngày đêm nó níu lấy thức thứ tám và cho đó là cái ngã của mình (vừa thẩm lại vừa hằng), tuy bị che lấp nhưng lại có tính cách vô ký và nhờ đó nên mới chuyển hóa được (hữu phú và vô ký).

Bài tụng 20: Các tâm sở tương ưng                 

Tương ưng năm biến hành
Bốn phiền não và tuệ
Cùng các thứ đại tùy
Đều hữu phú, vô ký.

 

Năm tâm sở biến hành: Tác dụng tư lượng của thức thứ bảy  được biểu hiện qua năm tâm sở biến hành là xúc, tác ý, thọ, tưởng và  tư.  Năm tâm sở này có mặt trong tất cả các thức cho nên gọi là biến  hành (universal).

Những tâm sở khi tương ưng với một tâm vương (hay là một thức) thì nó  mang tính chất và đường lối của  tâm vương (thức) đó. Cho nên tâm sở xúc ở thức thứ tám khác (vô phú), mà xúc ở thức thứ bảy khác (hữu phú), xúc ở thức thứ sáu khác và xúc ở thức thứ năm cũng khác. Phải hiểu như vậy. Khi nói thức thứ bảy tư  lượng, suy nghĩ thì sự tư lượng, suy nghĩ đó của thức thứ bảy khác với  sự tư lượng, suy nghĩ của thức thứ tám.

Thức thứ bảy thường xuyên xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư về tàng rồi  níu lấy tàng, cho đó là cái ta. Năm tâm sở biến hành này thường xuyên  biểu hiện cùng với bốn tâm sở phiền não (ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã  ái) trong Mạt-na. Ngoài ra Mạt-na còn tương ưng với tám tâm sở đại tùy  và tâm sở tuệ trong năm tâm sở biệt cảnh.

Ngã si (ātma-moha, ignorance about self) là  một quan niệm sai lầm về ngã. Si nghĩa là hiểu lầm. Ví dụ như cho rằng  ta là thân thể này, là cảm thọ này, tri giác này, còn những gì không  phải là thân thể này, không phải là cảm thọ này, tri giác này thì không  phải là ta. Những chuyện gì xẩy ra trên thế giới, cho những người khác  thì không liên quan gì tới ta. Như vậy gọi là ngã si vì thật ra thì  chúng ta có liên hệ tới vạn hữu, vạn vật. Chỉ nắm lấy một phần nhỏ và  tạo ra bóng dáng của thực tại đó mà cho đó là cái ta thì cái ta đó không  phải là cái ta chân thật cho nên mới gọi nó là ngã tướng, là đới chất  chứ không gọi là tánh cảnh.

Ngã kiến (ātma-dṛṣṭi, self view) là nhận  thức sai lạc về ngã. Cho rằng có một cái ngã độc lập, thường tại ngoài  những cái khác gọi là ngã kiến.

Ngã mạn (ātma-māna, self-pride) là thái độ cho mình là giỏi hơn, hay hơn, đẹp hơn, quan trọng hơn.

Ngã ái (ātma-sneha, self love) là yêu mình  nhiều quá. Tất cả những lời nói, việc làm, suy tư đều mang nặng tính  chất ràng buộc vào cái ta.

Trong Mạt-na cũng có một trong năm tâm sở biệt cảnh là tâm sở Tuệ.  Năm tâm sở biệt cảnh không hiện diện trong tất cả các thức. Năm tâm sở  biệt cảnh là dục, thắng giải, niệm, định và tuệ.

Dục (chanda - zeal): sự ham muốn nhìn vào sự việc gì đó để tìm hiểu.

Thắng giải (adhimokṣa - certainty): khả năng nhận diện và xét đoán một sự vật nào đó

Niệm (smṛti - mindfulness/memory): sự chú ý, có ý thức về một sự vật (dù có khi nó chỉ là hình ảnh trong quá khứ)

Định: (samādhi - concentration): khả năng chú tâm vào một sự vật

Tuệ/Huệ: (prajñā - understanding) trong Mạt-na, tuệ  hay huệ là cái thấy, cái hiểu ta tưởng là đúng, trong khi chưa chắc cái  hiểu đó đúng với chân tướng đối tượng.

Chúng ta có thể nhầm về ý nghĩa của 5 tiếng Phạn chỉ 5 tâm sở biệt  cảnh trên, vì trong các thức khác nhau, chúng cùng tên nhưng có ý nghĩa  khác nhau. Cả năm tâm sở biệt cảnh trên đều bị ngăn che (hữu phú) trong  Mạt-na, nên không giống với các tâm sở cùng tên trong A-lại-gia.

Đặc biệt tâm sở tuệ trong Mạt-na không phải là chánh tuệ  (prajñāpāramitā), không phải là sự hiểu biết chân lý, vì nó thường căn  cứ vào các nhận thức sai lầm của Mạt-na (đó là tà tuệ, tiếng Phạn là  mati). Bạn tin là mình đúng, nhưng sự thực bạn hiểu sai. Giống như bạn  nhìn cái thừng trong đêm tối mà nghĩ đó là con rắn.

Bài tụng thứ 20 này cũng nói tới các tâm sở phiền não (kleśa,  afflictions) liên hệ tới Mạt-na. Các tâm sở phiền não chia làm hai loại:  phiền não căn bản (basic afflictions) và tùy phiền não (secondary  afflictions).

Phiền não căn bản là những tâm trạng nặng nề, độc hại nhất, có khi gọi là độc tố. Phiền não căn bản gồm có tham, sân, si, mạn, nghi và kiến.  Tham, sân, si thường được gọi là tam độc. Nghi là một độc tố rất lớn:  nghi ngờ người khác, nghi ngờ tất cả mọi thiện chí trên đời, tất cả mọi  giáo lý. Kiến là những cái thấy sai lầm, những thành kiến.

Tùy phiền não là những phiền não nhẹ hơn, được chia làm ba loại: 8 Đại tùy, 2 Trung tùy, và 10 Tiểu tùy.

Trong thức thứ bảy (Mạt-na), ngoài 5 tâm sở biến hành, 4 trong sáu  phiền não căn  bản là tham, si, kiến và mạn, tâm sở tuệ trong 5 tâm sở  biệt cảnh, còn có tám đại tùy phiền não: trạo cử (restlessness), hôn  trầm   (drowsiness), bất tín (lack of faith), giải đãi (laziness), phóng  dật (negligence), thất niệm (forgetfulness), tán loạn (distraction),  bất chánh tri (lack of discernment).

 

Tất cả các tâm sở trong Mạt-na, cũng giống như Mạt-na, đều bị mê mờ  vì vô minh (hữu phú). Nhưng chúng đều có tính chất vô ký (không thiện  cũng không ác). Vì vậy, các hạt giống trong đó đều có thể được chuyển  hóa nhờ công phu thực tập chánh niệm.

_______________________

Ghi chú

Danh sách 51 tâm sở:

* 5 Tâm sở biến hành: xúc (Sparśa - contact), tác ý (Manaskāra - attention), thọ (Vedanā - feeling), tưởng (Samjñā - perception), tư (Cetanā - volition)

* 5 Tâm sở biệt cảnh: dục (Chanda - zeal), thắng giải  (Adhimokṣa - certainty), niệm (Smṛti - mindfulness, memory), định  (Samādhi - concentration), tuệ (Prajñā - wisdom).

* 11 Tâm sở thiện: Tín (Śraddhā - faith), tàm (Hrī - xấu hổ  với chính mình - inner shame), quý (Apatrapā - xấu hổ với người khác -  shameless before other), vô tham (Alobha - Absence of craving), vô sân  (Adveṣa - absence of hatred), vô si (Amoha - absence of ignorance), cần  (Vīrya - diligence/energy), khinh an (Praśrabdhi - tranquility/ease),  bất phóng dật (Apramāda - Viligence), hành xả (Upekṣā - equanimity), bất  hại (Ahiṃsā - non harming)

* 4 tâm sở bất định: tầm (Vitarka - Initial thought), từ hay  tứ (Suy tư, tìm hiểu một cách tinh tế) (Vicāra - sustained thought),  hối (Kaukṛtya - Regret), miên (Middha - Sleepiness) - tùy trường hợp mà  nó có tính chất thiện hay bất thiện

 

*    26 Tâm sở bất thiện:

*    6 Tâm sở bất thiện căn bản: tham (Rāga -  greed/craving), sân (Pratigha - hatred, hostility), si (Moha -  ignorance), mạn (Māna - complex of superiority, inferiority and  equality), nghi (Vicikitsā -doubt/suspicion), kiến (Kudṛṣṭi - wrong  view).

*   10 Tâm sở bất thiện tiểu tùy: phẫn (Krodha - anger),  hận (Upanāha - resentment/enmity), phú (Che dấu - Mrakṣa - Concealment),  não (Pradāśa - malicious), tật (īrṣyā -jealousy), xan (Ích kỷ -  mātsarya - selfishness, parsimony), cuống (Lừa gạt - śāṭhyaṃ -  Deceitfulness/fraud), Xiểm (Giả dối - Māyā - guile), hại (Vihiṃsā -   desir to harms), kiêu (Mada - pride)

2 Tâm sở bất thiện trung tùy: , vô tàm (ahrikya - lack of inner shame), vô qúy (anapatrāpa - shameless before other).

*   8 Tâm sở bất thiện đại tùy: trạo cử (Auddhatya -  restlessness),  hôn trầm (Styāna - drowsiness), bất tín (aśraddya - lack  of faith), giải đãi (Kausīdya - laziness), phóng dật (Pramāda  -  negligence), thất niệm (Muṣitasmṛti - forgetfulness), tán loạn (Vikṣepa - distraction), bất chánh tri (Asamprajanya - lack of discernment).

Chúng ta cần học thuộc lòng tên các tâm sở. Những căn bệnh muôn đời  này chúng ta rất cần biết và gọi tên mỗi khi chúng phát hiện trong ta.  Theo kinh điển đạo Bụt Nam truyền, ngoài 51 tâm sở trên, còn có thêm ba  tâm sở thiện khác. Đó là các tâm sở Nhu nhuyễn (Cittamudutā - Softness) -  Tâm sở Thích ứng (Cittakammaññatā - Flexibility) và tâm sở Hữu năng hay  tâm Diệu xảo (Cittapaguṇata - competence).  (Trích sách Hạnh phúc, mộng  và thật - Kinh Tam di đề bình giải - pháp thoại năm1994 Làng Mai)

*Sư ông Làng Mai thêm vào trong danh sách này một số tâm sở thiện và bất thiện như sau:

Các tâm sở thiện (10):  Vô úy (Abhayam - No fear); Vô ưu (Aśokam -  absence of anxiety); Kiên (Sthira - Stability/solidity); Từ (Maitrī -  loving kindness); Bi (Karuṇā - compassion); Hỷ (muditā - joy); Khiêm  (Apanita-māna - Humility); Lạc (Sukha - happiness); Thanh lương  (Nirjvara - feverlesness); Tự tại (Vaśin -  sovereignty)

Các tâm sở bất thiện (3): Sợ hãi (Bhaya - fear); Lo lắng, hồi hộp (Soka - anxiety); Tuyệt vọng (Visada - despair)

Bài tụng 21: Mạt-na bám theo tàng thức.                

Cũng như bóng theo hình
Mạt-na theo tàng mãi
Là cơ chế tự tồn
Là bản năng dục ái.

 

Mạt-na luôn luôn đi theo tàng thức như bóng theo riết lấy hình.  Mạt-na như người mù, chỉ biết bám vào các hạt giống của tàng thức, dù đó  là các hạt giống thiện đưa ta tới hạnh phúc hay các hạt giống bất thiện  dẫn ta tới khổ đau.

Ngoài tác dụng tư lượng, thức Mạt-na còn có tác dụng như một cơ chế  tự tồn (survival instinct), biết tự mình sinh tồn. Vì tin là nó có cái  ngã riêng, nên nó luôn hành động để bảo vệ cái ngã đó. Khi đang ngủ,  giật mình thức dậy khi có tiếng động mạnh, đó là do cơ chế tự tồn của  thức thứ bảy. Phản ứng tránh né thật lẹ khi bị người khác đánh cũng là  do tác dụng của thức thứ bảy. Lúc đó thức thứ sáu và các thức khác chưa  có đủ thì giờ để hoạt động. Trong những lúc hiểm nghèo, thức thứ bảy  phản ứng tự động và rất nhanh. Nó xúi mình chạy, nó xúi mình trốn, nó  bảo mình làm thế này thế kia để bảo tồn sinh mạng. Các nhà sinh vật học  gọi tính chất này của Mạt-na là "trí nguyên sơ", hành động chỉ vì muốn  được sống còn và tồn tại. Các nhà tâm lý Tây phương gọi đó là bản năng  tự tồn "Đánh hay chạy" (Fight or Flight).

Có khi cơ chế tự tồn tác dụng rất sai lạc, tại vì thức thứ bảy bị che  lấp (hữu phú), và thay vì muốn sống sót lại đi vào con đường chết, theo  bản năng mù quáng của nó.  Để diễn tả khả năng tự sát trong bản chất tự  bảo vệ, tâm lý học dùng hình ảnh một con rắn bị muỗi cắn đau, giận lắm  mà không có cách gì để giết con muỗi. Rắn bèn nằm ra đường để xe chạy  ngang cán chết con muỗi. Nhưng khi con muỗi bị cán chết thì con rắn cũng  chết luôn. Nhiều người đã từng dại dột như con rắn trong ví dụ trên. Vì  muốn trừng phạt người mình thương mà tự tàn hại thân thể, mà tự tử để  cho người mình thương đau khổ. Hành động ấy là do sức mạnh của thức thứ  bảy.

Bản chất của Mạt-na là vô minh, phân biệt và tham đắm. Nó bị  giam cầm vào ý muốn được hiện hữu trường cửu và luôn mong được thỏa mãn  các dục ái. Đường lối vận hành của thức thứ bảy là tìm kiếm dục lạc. Nó  đẩy chúng ta về hướng dục lạc, nhưng vì thức này bị ngăn che cho nên nó  không biết mình đang đi đâu. Nó tưởng rằng nó đi tìm hạnh phúc nhưng kỳ  thực kết quả đưa tới khổ đau nhiều hơn hạnh phúc.

Khi ý thức thực tập nhìn sâu để có thể tiếp xúc thật sự với thực tại,  thì từ từ Mạt-na sẽ được chuyển hoá tận gốc rễ. Một khi Mạt-na tỉnh  thức và được chuyển hóa, nó có tính chất của trí không phân biệt, nhìn  thấy một trong tất cả và tất cả trong một. Chúng ta đã biết, theo giáo  lý tương tức của Hoa Nghiêm, trong hạt giống xấu tiềm ẩn hạt giống tốt  như trong rác có hoa... vậy nên có tỉnh thức là có thể chuyển hóa. Khi  Mạt-na được chuyển hóa, nó có một vận hành màu nhiệm, và được gọi là  "Bình đẳng tánh trí".

 
Bài tụng 22:  Phiền não đoạn                

Sơ địa khi đạt tới
Dứt phiền não sở tri.
Bát địa hết câu sinh
A-lại-gia phóng khí.

 

Theo đạo Bụt Đại thừa, trên con đường đạt được giác ngộ, một vị Bồ  tát phải đi qua mười giai đoạn gọi là thập địa (xem ghi chú dưới bài  tụng số 3). Địa thứ nhất gọi là sơ địa hay là Hoan hỉ địa  (pramudita-bhūmi - the realm of joy). Khi mới bắt đầu tu thì đi vào hoan  hỉ địa. Hoan hỉ vì đã có thể chấm dứt được những phiền não, chấm dứt  được những nhiêu khê, bận rộn, ràng buộc của cuộc đời. Càng buông xả  được nhiều chuyện, ta càng được nhẹ nhàng, hạnh phúc. Bạn có thể nghĩ  mình cần một số điều kiện thiết yếu kia thì mới hạnh phúc. Nhưng nếu bạn  xả bỏ được các ý nghĩ đó, thì bạn sẽ thấy các điều kiện kia thực ra là  những chướng ngaị khiến bạn không an vui.

Trong hoan hỷ địa, chúng ta biết chuyển hóa các chướng ngại và chúng  ta có thể xả bỏ nhiều thứ từng giam hãm ta, chúng ta được sung sướng vì  biết buông xả. Nhưng không thể ở trong hoan hỉ địa đó mãi mà phải đi  sang địa thứ hai. Nếu chỉ dừng lại ở địa hoan hỉ và chỉ ham vui thì  không đi xa được và không đáp ứng được kỳ vọng của Bụt, của các vị Bồ  tát, của những người thân và của các loài chúng sanh.

Trong sơ địa hành giả bắt đầu chấm dứt được những chướng ngại gọi là  phiền não chướng (kleśa-āvaraṇam) và sở tri chướng (jneya-āvaraṇam).  Phiền não chướng thuộc về phương diện tình cảm như tham, giận, buồn,  thất vọng, lo lắng. Đau buồn lớn lao có thể làm chúng ta tê liệt, không  làm được việc gì, cho nên gọi là một chướng ngại.

Sở tri chướng thuộc về phương diện trí tuệ. Sở tri là những cái mình  biết, những cái mình thấy, những nhận thức của mình. Những cái thấy biết  đó đạo Bụt cho là chướng ngại vì đó là những thấy biết sai lầm, những  cái tuệ của thức thứ bảy. Sở tri chướng là những cái thấy, cái biết gây  cản trở, không cho mình tiến bộ. "Cái đó tôi biết rồi, tôi không cần học  nữa". Ví như bước lên nấc thang thứ tư, nhìn xuống thấy đã cao quá rồi  và nghĩ rằng không thể nào bỏ được nấc thang thứ tư. Đạo Bụt dạy rằng  nếu không bỏ nấc thang thứ tư thì không bao giờ leo lên được nấc thang  thứ năm. Vì vậy cho nên cái sở tri, dù có giá trị đến mấy cũng phải bỏ  như thường.

Đây là một đặc điểm của đạo Bụt. Khi chúng ta có hiểu biết về chuyện  gì, thì cái hiểu biết đó có thể trở thành một chướng ngại nếu chúng ta  bám chặt vào đó, coi đó là chân lý. Một người, dầu có bằng cấp, có nhiều  hiểu biết hơn người mà kẹt vào kiến thức của mình thì vẫn gọi là người  bị sở tri chướng. Kiến thức tuy cần tới nhưng phải nên sử dụng một cách  thông minh. Như nước mà đóng lại thành đá băng thì làm cho dòng sông tắc  nghẽn, không chảy được. Và cũng là nước đó mà không đóng thành băng thì  dòng sông vẫn trôi chảy như thường. Nói tóm lại, sở tri chướng làm cho  chúng ta thành u mê, không thấy được sự thật.

Điều quan trọng là chúng ta phải xả bỏ những gì mới học được, để  không bao giờ tưởng rằng mình đã nắm được chân lý. Dòng tu Tiếp Hiện đưa  chuyện này vào giới luật thứ nhất. Khi khoa học gia dính mắc vào điều  họ đã khám phá được thì họ không thể có thêm các khám má mới nữa. Họ  phải biết xả bỏ những gì đã biết khi tìm ra những điều trái ngược hay  tiến bộ hơn. Trên con đường tu học, kiến thức cũng là chướng ngại ta  phải vượt qua để có được những hiểu biết cao hơn. Đây là điều rất quan  trọng.

Sở tri chướng dễ xả bỏ hơn là phiền não chướng. Những hờn giận, khổ  đau, tuyệt vọng bị đóng cục trong tàng thức chúng ta. Chúng ta phải thực  tập tiếp xúc bằng năng lượng chánh niệm, với các gốc rễ sâu xa của các  phiền não đó, thì mới có thể chuyển hóa được chúng. Thực tập thiền quán  giúp ta nuôi dưỡng từng chút một cái năng lượng của vững chãi, tươi mát  và tự do. Khi có các tâm hành phiền não thì cũng giống như ta bị nóng  đầu. Chúng đốt cháy tâm thức ta. Với thực tập, ta vào được hoan hỷ địa,  thì ngược lại, chúng ta bước vào được một nơi mát mẻ.

Bát địa hết câu sinh, A-lại-gia phóng khí:

Câu sinh đây là câu sinh ngã chấp. Câu có nghĩa là có cùng một lúc.  Câu sinh nghĩa là sinh ra đã có rồi. Ngã chấp, như chúng ta đã biết, gồm  có ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Ngã chấp có hai loại:

1.   Huân tập ngã chấp: do giáo dục, thói quen mà có.

2.   Câu sinh ngã chấp - rất nặng: đó là kết quả lâu đời, sinh ra là  đã có ngã chấp. Ngã chấp này chỉ được buông bỏ khi người tu vào được địa  thứ 8. Đó là địa mà A-lại-gia phóng khí:  nghĩa là tàng thức được buông  thả, thảnh thơi hoàn toàn.

Từ địa thứ nhất đến địa thứ bảy, A-lại-gia vẫn còn bị níu kéo. Khi  đạt tới địa thứ tám hay Bất Động Địa (acala-bhūmi) của các vị Bồ tát,  thì tính chấp ngã không còn, Mạt-na buông tha tàng thức và A-lại-gia  hoàn toàn được tự do, không còn bị Mạt-na nắm giữ. Mạt-na không còn phân  biệt cái ta và những gì không phải ta nữa mà nó hiểu và chứng được tính  tương tức (mọi sự vật đều tương quan), không có biên giới giữa ta và  người. A-lại-gia trở thành Đại viên cảnh trí và Mạt-na hết bị che mờ,  trở thành Bình đẳng tính trí.