- Dẫn Nhập
- A. Chánh Văn - I. Lời Tiểu Dẫn
- A. Chánh Văn - II. Tựa
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - I. Lời Tiểu Dẫn
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 5)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 6)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 8)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 9)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 11)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 13)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 14)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 15)
- B. Giảng Giải - IV. Kệt Luận
B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
Một điểm rỗng rang thể vốn không,
Muôn điều tạo hóa ấy cơ đồng.
Bao la thế giới ngoài trời đất,
Lặng ánh hàn quang cõi cõi trong.
Ở Thánh chẳng thêm phàm chẳng bớt,
Vuông tròn tùy món mặc dung thông.
Ngàn sông nước lắng trăng in bóng,
Hoa nở khắp nơi rực sắc hồng.
Âm:
Nhất điểm hư vô thể bản không,
Vạn ban tạo hóa giá cơ đồng.
Bao la thế giới càn khôn ngoại,
Trạm tịch hàn quang sát hải trung.
Tại Thánh bất tăng phàm mạc giảm,
Phương viên tùy khí nhậm dung thông.
Thủy trừng nguyệt hiện thiên giang ấn,
Sắc ánh hoa khai đại địa hồng.
Trước khi học bài kệ Kiến Tánh tôi giải sơ về từ “kiến tánh thành Phật” cho quí vị hiểu. Có nhiều người nghe nói kiến tánh thành Phật lầm cho rằng kiến tánh thì thành Phật, nên đâm ra hoang mang. Tại sao ngày xưa đức Phật tu hành khổ hạnh đến ba vô số kiếp mới thành Phật, ngày nay chúng ta tu kiến tánh là thành Phật liền? Chữ kiến tánh với chữ thành Phật đi liền với nhau hay có một ẩn ý nào trong đó? Nếu ngày nay chúng ta tu mà kiến tánh thành Phật liền thì trái với giáo lý của Phật. Vì trong kinh có ghi, sau khi đức Phật Thích-ca ra đời ở thế giới Ta-bà này trải qua một thời gian thật lâu dài mới có đức Phật Di-lặc ra đời. Hiện tại Phật Di-lặc chưa ra đời, người tu Thiền nói kiến tánh liền thành Phật thì Phật ra đời nhiều lắm. Như vậy thì trái hẳn với giáo lý Phật dạy.
Nếu chúng ta không hiểu tường tận ý này thì sẽ lúng túng.
Chữ “kiến tánh” đây là nhận được tánh Phật của chính mình, tánh Phật là Phật nhân, nếu mình nhận được Phật nhân thì tương lai sẽ có Phật quả, nên nói thành Phật. Phật gọi tánh Phật đó là Phật nhân, hay nói cách khác là Phật pháp thân. Còn Phật thành đạo dưới cội bồ-đề hay trong hội Long hoa mai kia là Phật quả hay là Phật báo thân. Như vậy kiến tánh thành Phật là nhận ra Phật nhân, nhưng đến Phật quả thì phải còn nhiều đời nhiều kiếp tu nữa mới được thành, chớ không phải kiến tánh liền thành Phật. Nếu kiến tánh liền thành Phật thì chư Tổ gọi là Phật chớ đâu gọi là Tổ. Bây giờ chúng ta gọi Tổ Đạt-ma, Tổ Huệ Khả, chớ đâu gọi Phật Đạt-ma, Phật Huệ Khả... Như vậy các ngài kiến tánh là nhận được Phật nhân, nhưng phải vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát mới thành Phật quả. Hiểu như thế chúng ta mới không hoang mang về việc chư Tổ kiến tánh mà không thấy vị nào thành Phật. Tôi tạm ví dụ cho dễ hiểu: Người nông dân có một số lúa giống thì nhất định sẽ có lúa ăn. Sẽ có lúa chớ không phải có lúa ăn liền, vì có lúa giống còn phải cày cấy gieo mạ, bón phân, lúa ra bông, lúa chín rồi mới có lúa ăn. Như vậy người nông dân có lúa giống thì biết chắc rằng sẽ có lúa ăn, nếu người ấy siêng năng cày cấy đúng cách. Lúa giống ví dụ như Phật nhân, có Phật nhân thì sẽ có Phật quả, vì từ Phật nhân đến Phật quả, phải trải qua một thời gian khó nhọc tu hành, chớ không phải thành Phật liền trong hiện tại.
Như vậy nội dung quyển Kiến Tánh Thành Phật chỉ thẳng mọi người chúng ta có tánh Phật, người nhận được tánh Phật gọi là kiến tánh. Tại sao nói kiến tánh? Nếu không khéo chúng ta lại mắc kẹt trên ngôn ngữ. Theo nghĩa thông thường kiến là thấy, như tôi thấy cây viết, thấy bình hoa, thấy đồng hồ v.v... nhưng tôi có thấy được con mắt, thấy được cái mặt của tôi không? Con mắt cái mặt còn không thấy, huống là các bộ phận bên trong. Như vậy tánh Phật không thể dùng mắt thấy được mà sao đây nói kiến tánh? Kiến tánh ở đây không phải thấy bằng mắt, mà chữ kiến dùng đây như chữ chánh kiến, tức là nhận định chân chánh, nên nhận được tánh Phật gọi là kiến tánh. Nhưng tại sao lại dùng chữ kiến? Ví dụ tôi thấy cái hoa hồng này là màu đỏ, có người khác nói cái hoa hồng này màu trắng hay màu đen, tôi có chịu không? Tôi thấy tận mắt cái hoa này màu đỏ thì dù có ai dùng bao nhiêu thứ lý luận cũng không thay đổi được cái thấy của tôi. Cũng vậy, khi chúng ta nhận được Bản tánh của mình rồi không còn ngờ vực gì nữa, thì dù ai có dùng lý luận khác để lay chuyển cũng không được, đó gọi là kiến tánh.
Ngài Đại Mai Pháp Thường đến tham vấn Mã Tổ, Sư hỏi:
- Thế nào là Phật?
Mã Tổ đáp:
- Tức tâm là Phật.
Ngay câu đó Ngài liền lãnh hội. Ngài về cất am ẩn tu ở núi Đại Mai.
Sau này Mã Tổ nghe Sư ở núi, bèn sai vị Tăng đến hỏi:
- Hòa thượng gặp Mã Tổ đã được cái gì về ẩn núi này?
Sư đáp:
- Mã Tổ nói với tôi “tức tâm là Phật” tôi bèn đến ở núi này.
Vị Tăng:
- Gần đây Mã Tổ nói “phi tâm phi Phật”.
Sư đáp:
- Ông già lừa người chưa có ngày xong, mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết “tức tâm là Phật”.
Vị Tăng về thuật lại với Mã Tổ, Mã Tổ tuyên bố giữa đại chúng: - Trái Mai đã chín.
Như vậy là chính ngài Đại Mai nghe Mã Tổ nói và Ngài đã nhận ra rồi, nên sau này Mã Tổ nói khác đi cũng không lay chuyển được niềm tin của Ngài. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng, khi một người đã nhận được Bản tánh của mình, lòng tin đã vững chắc rồi, dù có bao nhiêu ngôn ngữ lý luận nói khác đi cũng không làm cho người ấy lay chuyển đổi thay, đó gọi là kiến tánh. Kiến tánh là nhận ra tánh Phật chân thật của mình không còn ngờ vực gì nữa. Nên nhớ rằng kiến tánh không phải thấy bằng mắt, vì tánh Phật của mình con mắt không thể nhìn thấy được, mà chính cái nhận định của mình đúng đắn tường tận không nghi ngờ thì gọi là kiến tánh.
Như vậy bài kệ Kiến Tánh là bài kệ nói về việc nhận ra Bản tánh Phật:
Một điểm rỗng rang thể vốn không, muôn điều tạo hóa ấy cơ đồng.
Nghĩa là nơi chúng ta ai ai cũng có một điểm sáng, nó không có hình tướng cho nên rỗng rang không giới hạn, thể của nó vốn không, nơi mọi người đồng nhau không khác. Những hiện tượng tạo hóa lập bày ở thế gian, đứng trên Bản thể rỗng rang sáng suốt mà nhìn thì nó đồng nhau không khác.
Bao la thế giới ngoài trời đất, lặng ánh hàn quang cõi cõi trong.
Người đời thường nói trời đất trùm cả muôn sự muôn vật, nhưng ở đây nói cái điểm rỗng rang hay Phật tánh của mỗi người trùm cả trời đất, chớ nó không ở trong trời đất cho nên nói “bao la thế giới ngoài trời đất”. Sát hải chỉ cho thế giới nhiều như biển cả, cũng không ngoài cái tánh rỗng rang của chính mình.
Cái điểm sáng đó là ánh sáng mát mẻ soi khắp muôn cõi.
Ở Thánh chẳng thêm, phàm chẳng bớt, vuông tròn tùy món mặc dung thông.
Điểm linh quang này ở Thánh chẳng thêm ở phàm chẳng bớt, nơi Bồ-tát cũng như nơi phàm phu cái tánh sáng đó cũng như vậy không tăng không giảm. Nhưng tại sao các ngài thì sáng suốt thành Thánh còn chúng ta thì mê muội phàm phu? Bởi vì các ngài nhận được tánh sáng đó và hằng sống với nó nên thành Thánh, chúng ta thì có mà quên đi nên là phàm, chớ chẳng phải không có hoặc kém hơn các ngài. Tánh giác thì dung thông không ngăn ngại, tùy theo món đồ vuông thì nó vuông, tròn thì nó tròn, tùy theo món đồ mà nó hội nhập. Món đồ là ví dụ, chớ sự thật thì Tánh giác ở nơi trời, nơi người thì nó như trời như người, ở nơi con vật thì nó giống như con vật. Tùy hình tướng chúng sanh phàm phu thấp kém, hay Thánh Hiền nó vẫn bao dung trong đó, nó không nhỏ lại hay lớn hơn mà dung thông, tùy theo nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện.
Ngàn sông nước lắng trăng in bóng, hoa nở khắp nơi rực sắc hồng.
Một ngàn con sông mà nước lóng trong thì có một ngàn cái bóng trăng hiện. Nhưng dưới nước có ngàn mặt trăng mà trên chỉ có một mặt trăng. Như vậy mặt trăng là một mà bóng mặt trăng thì có cả ngàn cả muôn, để nói rằng Pháp thân thì không hai mà Ứng Hóa thân thì vô số.
Giống như hoa nở nơi này nơi nọ, cũng chỉ một sắc hồng hoặc sắc trắng. Cũng vậy, Pháp thân thì không hai mà Ứng thân, Hóa thân thì đầy khắp, mọi nơi đều có. Đó là nói về Tánh giác. Tánh giác này có nhiều tên, có kinh còn gọi là Phật tánh, nhà thiền thì gọi là Tánh, tánh này là Tâm thanh tịnh bất sanh bất diệt chớ không có gì khác. Qua bài kệ này Ngài chỉ cho chúng ta biết ai cũng có sẵn Tánh giác, chỉ tại chúng ta mê không chịu nhận mà thôi.
Hỏi: - Thế nào là Phật?
Đáp: - Phật là tiếng Phạn ở Ấn Độ, Trung Hoa dịch là Giác. Giác tức là Bản tánh linh giác. Song Bản tánh linh giác này vốn chân thật rỗng rang và trong lặng (chân không trạm tịch), tròn đồng với thái hư, nghiễm nhiên sáng rỡ, trùm khắp cả pháp giới. Bản tánh ấy, hay ứng cơ tiếp vật, nhướng mày chớp mắt, giơ tay giở chân, chỉ một thể tròn sáng, mà sáu căn vận dụng thì Tánh giác này ứng hiện.
Hỏi thế nào là Phật? Ở đây giải thích Phật là Giác, Giác là Bản tánh linh giác của mỗi người, Bản tánh ấy rỗng rang trong lặng... Đoạn này ngài Chân
Nguyên chỉ thẳng không giấu giếm tí nào hết. Bản tánh đó ai cũng có nhưng làm sao biết được? Ngài Chân Nguyên nói rõ: hay ứng cơ tiếp vật, hay nhướng mày chớp mắt, giơ tay giở chân đều gốc từ tánh linh giác mà ra. Như vậy trong chúng ta ai cũng biết nhướng mày chớp mắt, đưa tay lên giở chân bước đi, là đã có tánh linh giác rồi. Tuy nhiên ai ai cũng có tánh linh giác nhưng ít ai dám nhận, người không dám nhận là thiếu, có mà không nhận thì coi như không có. Chúng ta biết ăn biết nói biết đi biết đứng là do có tánh linh giác, nhưng khi nói năng đi đứng chúng ta lại không nhớ tánh linh giác của mình, chỉ nhớ cái suy nghĩ tính toán thôi! Nếu chúng ta đi từ đầu đường đến cuối đường, không một vọng niệm nghĩ suy dấy lên, thì lúc đó chúng ta đang sống với cái linh giác; vì có linh giác mới biết đi, nếu không, làm sao biết đi? Thế mà chúng ta lại không chịu, khi đi mà trong đầu cứ lẩm nhẩm chuyện hôm qua hôm kia, tính toán đủ thứ chớ không nhớ mình đang đi. Nếu đi biết mình đang đi thì chúng ta thấy rõ ràng cái lăng xăng lộn xộn đó không thật, cái biết đi mới là thật. Thế mà chúng ta nhận cái lăng xăng lộn xộn, bỏ cái biết đi. Ngài Chân Nguyên lại nói thêm, sáu căn vận dụng thì Tánh giác ứng hiện. Như vậy trong chúng ta ai nói rằng mình vô phần? Nếu vô phần thì hết ăn hết nói hết cử động, đó là một điều hiển nhiên rõ ràng. Ngài tâm đắc kinh Lăng-già, nên Ngài dẫn ra đây.
Vì vậy, trong kinh Lăng-già quyển hai, Phật bảo Đại Huệ và các Bồ-tát rằng: “Pháp tánh không tịch, vốn không có ngôn thuyết. Ngôn thuyết đều do bốn thứ tướng vọng tưởng mà dấy lên.” Thế nào là bốn thứ vọng tưởng? Phật bảo Đại Huệ: Một là tướng ngôn thuyết, hai là mộng ngôn thuyết, ba là quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết, bốn là vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết.
Đoạn này Ngài dẫn kinh Lăng-già. Phật dạy rằng tánh linh giác vốn rỗng lặng không có ngôn thuyết, ngôn thuyết là do bốn thứ vọng tưởng dấy lên. Sau đây mới giải thích bốn thứ ngôn thuyết:
- Tướng ngôn thuyết, nghĩa là từ chính mình vọng tưởng chấp trước nơi sắc tướng mà sanh.
- Mộng ngôn thuyết, nghĩa là cảnh giới đã trải qua ở trước, rồi theo đó nhớ nghĩ lại mà sanh, từ khi thức dậy rồi, cảnh giới không tánh mà sanh.
- Quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết, nghĩa là do oán hận mà tạo nghiệp ở trước, theo đó nhớ nghĩ lại mà sanh.
- Vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết, nghĩa là từ chủng tử tập khí do lỗi chấp trước hư ngụy từ vô thủy mà sanh.
Nhân có bốn thứ tướng ngôn thuyết vọng tưởng mà sanh khua môi uốn lưỡi, rồi động đến hai mảnh da khiến phát ra lời nói. Nếu không có bốn thứ tướng vọng tưởng ngôn thuyết, tức là cội nguồn thường lạc ngã tịnh, một tánh tròn sáng, muôn đức đầy đủ.
1- Tướng ngôn thuyết: Sở dĩ chúng ta có nói năng là y cứ nơi sắc tướng mà phát ra ý nghĩ, do ý nghĩ rồi phát ra ngôn ngữ. Như vậy lời nói là do ý nghĩ tưởng tượng về hình sắc mà nói. Ví dụ nói người này đẹp, người kia xấu là căn cứ trên sắc tướng mình thấy rồi đặt ra từ ngữ xấu đẹp. Những sắc tướng khác cũng như thế, đều từ mắt thấy hình tướng, tâm khởi vọng tưởng, từ vọng tưởng khởi ra tướng ngôn thuyết.
2- Mộng ngôn thuyết: Có hai thứ: một là những chuyện xảy ra tháng trước hay năm trước, bây giờ chúng ta ngồi tưởng tượng ôn lại rồi kể ra, cũng giống như chuyện trong mộng, thế nên nói cảnh giới đã trải qua ở trước, rồi theo đó mới nghĩ lại mà sanh ra, hai là chúng ta nằm mộng, như đêm hôm mộng thấy người vác cây rượt đánh mình, sáng dậy kể lại cho bà con nghe. Như vậy cảnh giới qua mất rồi bây giờ kể lại chỉ còn là tưởng tượng, nên nói là mộng ngôn thuyết. Cảnh giới chúng ta thấy hồi hôm, bây giờ thức dậy kể lại cho người khác nghe, cảnh giới ấy không còn nên nói cảnh giới không tánh mà sanh, không tánh là không có thật, vì khi thức dậy rồi cảnh ấy đâu còn.
3- Quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết: Quá là lỗi lầm, do chấp chặt những lỗi lầm đã tạo, khi nhớ lại rồi sanh ra ngôn thuyết. Ví dụ ngày hôm qua có ai chọc tức, mình cãi lộn với họ, chuyện đó qua rồi nhưng mình còn ấm ức trong lòng nên sanh ra oán hận. Do ôm sự oán hận trong lòng, nên vài hôm sau gặp lại người đó mình liền bực tức và nói ra những lời nặng nhẹ hoặc nhát gừng. Đó là do oán hận tạo nghiệp ở trước rồi theo đó nhớ nghĩ mà sanh ra. Hoặc có người đi đâu gặp ai làm gì phiền giận, khi về nhà thuật lại cho người thân nghe, đó cũng gọi là quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết.
4- Vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết: Nghĩa là ngôn thuyết theo cái tập khí cũ của mình. Ví dụ người tu, Phật dạy phải giữ oai nghi, nói nhẹ nhàng đi chậm rãi. Nhưng có người vào chùa tu vẫn quen thói cũ, nói thì nhanh, hoặc to tiếng gắt gỏng, đi thì vội vàng hấp tấp, lúc nào cũng như có việc gấp, đó là do tập khí cũ. Đáng lý người tu không có những cử chỉ hành động thô tháo, nhưng vì tập khí cũ chưa hết phải tu lâu nó mới tiêu mòn, chớ không phải mới tu là hết liền. Do đó chúng ta thấy có người tu đi đứng nghiêm trang, nói năng ôn hòa nhã nhặn chậm rãi, cũng có những người tu đi nhanh như chạy, nói nặng nề khó nghe, đó là do tập khí từ vô thủy vọng tưởng mà có.
Như vậy để thấy rằng vọng tưởng của chúng ta có nhiều loại, vọng tưởng của cái tưởng, vọng tưởng của cái mộng, vọng tưởng của những lỗi lầm, vọng tưởng từ vô thủy mà sanh ra ngôn thuyết.
Nhân có bốn thứ tướng ngôn thuyết vọng tưởng mà sanh ra lời nói. Nếu không có bốn thứ vọng tưởng ngôn thuyết tức là cội nguồn của Thường Lạc Ngã Tịnh, hay là cội nguồn của Niết-bàn. Như trước tôi nói nếu chúng ta đi trên đường, từ đầu đường đến cuối đường, trong tâm không có dấy một vọng tưởng nghĩ suy, nhưng mắt vẫn thấy tai vẫn nghe, mũi vẫn thở, thân vẫn cảm giác gió mát, chân bước đi đều đều, đó là chúng ta đang sống với Tánh giác, đang hưởng Niết-bàn hiện tại. Nhưng chúng ta không chịu như thế, cứ tưởng tượng suy tư nên tâm lúc nào cũng bất an. Như vậy tu dễ hay khó? Đi một cây số chúng ta không nghĩ gì hết, cứ sống an nhiên với trời đất là chúng ta đang ở tại Niết-bàn. Rất dễ tại sao chúng ta không chịu? Đi một cây số đường tâm an nhiên không khởi vọng tưởng, an nhiên là Thường, tâm an nhiên thì mặt mình vui là Lạc, đang sống với cái biết hiện hữu của mình là Ngã, tâm không dấy động là Tịnh. Như vậy trên một cây số đường có Thường Lạc Ngã Tịnh, nếu chúng ta đi hai ba chục cây số mà không vọng tưởng thì cũng đang sống ở Niết-bàn. Giả sử, đi cả ngày thì cũng ở trong Niết-bàn cả ngày. Đi giữa thế gian trần tục đầy khổ lụy mà vẫn ở trong Thường Lạc Ngã Tịnh của Niết-bàn đâu khó. Song, đi mà tâm lo nghĩ đủ điều, chắc chắn là bất an, dù đang đi trong chốn già-lam thanh tịnh. Nói rộng ra, bất cứ chúng ta làm việc gì như nhổ cỏ nấu cơm... mà tâm thanh tịnh là đang ở Niết-bàn. Nhưng có nhiều người than rằng khi nấu cơm phải tính nấu món này món kia, làm sao không vọng tưởng?
Cuốc đất nhổ cỏ thì dễ chớ nấu cơm hơi khó hơn. Theo tôi thì không khó, trước khi nấu cơm quí vị bỏ ra năm mười phút, tính bữa nay nấu món gì rồi ghi vào tờ giấy để trên bàn. Chúng ta cứ theo thứ tự mà làm, thì trong khi làm tâm vẫn thanh tịnh. Tại chúng ta có thói quen vừa làm vừa nghĩ tính liên miên, không bao giờ để cái đầu trống, cho nên bị bất an hoài. Như vậy người tu thiền có Niết-bàn ngay trong sanh tử, chớ không tìm kiếm ở đâu xa, chỉ cần buông vọng tưởng, làm cái gì biết cái đó, đừng cho vọng tưởng khởi thì cả ngày sống trong Niết-bàn. Và, người ta gọi cõi Ta-bà khổ, trái lại chúng ta gọi Ta-bà vui.
Tôi thấy cái khổ không thật mà nhiều khi chúng ta lại cố tình tạo ra. Như có người được tin ở Thành phố thân nhân nhắn về, nếu nghe như thế mà không thêm một ý nghĩ nào khác thì không khổ sở bất an. Nhưng chợt nghĩ có lẽ ba má mình bị bệnh, hay gia đình có điều gì quan trọng xảy ra, tự khởi lên một chục thứ “có lẽ” thì tâm lo lắng bất an, đêm nằm lăn qua trở lại không ngủ được. Như vậy cái khổ đó từ đâu tới? Chẳng phải từ người nhắn tin làm cho ta khổ, mà khổ là tại mình đa sự vọng tưởng đủ điều. Lại nữa, giả sử có người thân đi đâu hẹn chúa nhật về, nhưng không đúng hẹn, thì bắt đầu trông ngóng, đặt vấn đề; người thân đi đường bị tai nạn, bị bệnh, bị mất tiền... có nhiều vấn đề như thế đầu óc chúng ta thảnh thơi không? Không thảnh thơi là bắt đầu khổ. Cái khổ đó do ai tạo? Tại người về trễ tạo hay tại chúng ta? Nhiều khi người đi ra đường phải giải quyết bao chuyện rắc rối, khó khăn nên về trễ. Đã về trễ lại bị người thân rầy rà, cằn nhằn, do đó sanh chuyện vui buồn với nhau. Lý đáng người thân về trễ chúng ta để cho họ nghỉ ngơi rồi từ từ hỏi lý do, sau đó họ kể lý do cho nghe thì đâu có chuyện gì xảy ra. Con người thường tự tạo cho mình cái khổ, khổ là do vọng tưởng làm mình khổ chớ không ai khác làm cả. Như vậy để thấy rằng những nỗi khổ không phải tự có mà do mình vọng tưởng gây ra. Nếu chúng ta đi đâu, làm việc gì mà không vọng tưởng là đang sống trong Niết-bàn khỏi cầu về Cực Lạc; ở ngay cõi Ta-bà mà không vọng tưởng thì không khổ đau. Do đó Niết-bàn hay Cực Lạc ở ngay thế gian này chớ không ở đâu xa.
Lại phần Giải Ký nói: Đây là tướng ngôn thuyết vọng tưởng. Nghĩa là vọng thấy hình dáng nam nữ, thân thể, vẻ mặt, thanh sắc tốt xấu, và tất cả của cải, đồ đạc, mọi tướng đẹp xấu v.v... vọng khởi phân biệt mà có ngôn thuyết, gọi là tướng ngôn thuyết. Lại nhân mộng thấy cảnh giới đã trải qua ở trước, sau khi tỉnh dậy nhớ nghĩ lại, vọng chấp phân biệt việc lành dữ, tốt xấu, hơn kém... gọi là mộng ngôn thuyết. Song do nhớ nghĩ mình người, oán thân, yêu ghét, lấy bỏ ở trước mà tạo thành nghiệp, rồi vọng sanh phân biệt mà có ngôn thuyết, gọi là quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết. Hoặc từ vô thủy đến nay, thức thứ tám gồm chứa tự tướng hí luận, chủng tử tập khí, kích thích mạnh mẽ nên sanh phân biệt, gọi là vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết. Tất cả ngôn thuyết chẳng ra ngoài bốn thứ này. Do vọng tưởng làm nhân cho ngôn thuyết, nên lìa ngoài bốn thứ này thì không có nói năng, không chỗ nói năng, tức là chân thật đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế tức là chân không vô tướng, tròn đồng thái hư, lặng lẽ vô sanh.
Đoạn này Ngài dẫn phần Giải Ký của kinh Lăng-già giải rộng về bốn thứ ngôn thuyết.
“Tướng ngôn thuyết vọng tưởng” là do đối duyên xúc cảnh hiện tại như thấy hình dáng nam nữ, vẻ mặt thanh sắc... tất cả hình tướng tốt xấu khởi phân biệt mà có ngôn thuyết.
“Mộng tưởng ngôn thuyết” là thấy cảnh trong giấc mơ, sau đó thức dậy nhớ nghĩ vọng chấp phân biệt lành dữ tốt xấu rồi nói ra.
“Quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết” là do thương ghét buồn giận tạo thành nghiệp. Thành nghiệp rồi suy nghĩ phân biệt nói ra theo nghiệp mình đã tạo.
“Vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết” là do từ vô thủy thức thứ tám chứa tự tướng hí luận, tức là chứa chấp những hí luận có tính cách đùa cợt không đúng chân lý, không đúng chánh pháp, thành chủng tử tập khí, từ chủng tử tập khí kích thích mạnh mẽ phát ra ngôn thuyết.
Như vậy chúng ta nói năng là do căn cứ trên bốn điều này. Một là căn cứ trên sắc tướng thấy nghe hiện tại, hai là căn cứ trên cảnh trong mộng, ba là căn cứ trên lỗi lầm đã tạo, bốn là căn cứ trên những tích lũy ở trong Tàng thức từ vô thủy mà phát ra ngôn thuyết. Tóm lại tất cả ngôn thuyết là do những phân biệt suy tính của hiện tại, quá khứ và những điều chứa chấp ở trong nội tâm mà phát ra, nên nói tất cả ngôn thuyết chẳng ngoài bốn thứ này. Như vậy vọng tưởng làm nhân cho ngôn thuyết, nếu không vọng tưởng thì không có ngôn thuyết (nói năng), đó là chân thật đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế là chân không tức là chỉ cho tánh linh giác của chúng ta. Nếu chúng ta không vọng tưởng là đang sống với tánh linh giác của chính mình, có đầy đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết-bàn như trước đã nói.
Như vậy ở đây đã chỉ rõ cái gốc sanh ra vọng tưởng, chúng ta biết tu thì phải buông xả vọng tưởng, tiêu ma nó, không chạy theo nó, dần dần đi đứng nằm ngồi hằng sống với cái bất sanh bất diệt sẵn có của ḿnh.
Bấy giờ ngài Đại Huệ và các Bồ-tát đem nghĩa này hỏi Thế Tôn: Ngưỡng mong Thế Tôn nói thêm về cảnh giới do ngôn ngữ vọng tưởng hiện ra. Thế nào là chỗ nhân duyên chúng sanh vọng tưởng mà có ngôn thuyết sanh?
Phật bảo ngài Đại Huệ và các Bồ-tát: Nghĩa là từ tám chỗ: đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, lợi, răng hòa hợp mà phát ra tướng âm thanh ngôn thuyết.
Lại phần Giải Ký nói: Đây là chỉ bày tướng ngôn ngữ âm thanh. Nghĩa là ngôn ngữ của chúng sanh phát ra, do bốn thứ vọng tưởng trước làm nhân và tám thứ đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, lợi, răng ở sau làm duyên, nên có ngôn thuyết.
Ngài Đại Huệ và các Bồ-tát bạch Phật hỏi thêm về chỗ phát xuất ra ngôn ngữ vọng tưởng. Tại sao vọng tưởng phát ra ngôn ngữ, ngôn ngữ nó phát ra bằng cách nào? Đức Phật trả lời là ngôn ngữ phát ra từ tám chỗ: đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, lợi, răng. Trong tám cái này thiếu một cái thì không có ngôn thuyết, nhất là thiếu cái đầu, không có đầu thì không có miệng lấy gì nói năng? Phần Giải Ký nói bốn thứ vọng tưởng làm nhân, tám thứ đầu, ngực v.v...làm duyên nên sanh ra ngôn thuyết.
Nhưng theo Lão Tử thì nói: “Trong khoảng trời đất, giống như ống bễ lò rèn, rỗng mà chẳng cong, động thì càng phát ra.” Đây là nghĩa vọng tưởng duyên khí, gió thức thổi động, vô cớ mà phát ra. Hiện thấy ở thế gian, trong việc ứng dụng hằng ngày, một niệm vọng khởi thì ba nghiệp khắp dấy lên, mười điều ác hăng làm thì tám gió thổi bay, nói năng kia đây trùng trùng điệp điệp.
Để rõ thêm ý nghĩa vọng tưởng duyên khí Ngài dẫn lời Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh.
Kế đến Ngài nói trong việc ứng xử hằng ngày, hễ một niệm thương ghét sân si dấy lên thì ba nghiệp đều dấy lên. Một niệm tốt khởi thì ba nghiệp đều tốt,
một niệm xấu khởi thì ba nghiệp đều xấu, ba nghiệp xấu thì mười điều ác hằng làm, mười điều ác hằng làm thì tám gió thổi bay (tám gió: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) khi đó nói năng kia đây trùng trùng điệp điệp. Tóm lại, động cơ sanh ra nghiệp là vọng tưởng, hễ một niệm khởi thì ba nghiệp tạo nghiệp thiện hoặc nghiệp ác, khi tạo nghiệp rồi thì tám gió thổi rung rinh và đủ thứ phiền phức xảy ra sau đó.