- Dẫn Nhập
- A. Chánh Văn - I. Lời Tiểu Dẫn
- A. Chánh Văn - II. Tựa
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - I. Lời Tiểu Dẫn
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 5)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 6)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 8)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 9)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 11)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 13)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 14)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 15)
- B. Giảng Giải - IV. Kệt Luận
B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 3)
TỤNG:
Được chỗ thảnh thơi hãy thảnh thơi,
Mây tự bay cao nước tự trôi.
Chỉ thấy mây đen nhồi sóng lớn,
Thuyền câu chìm đắm chửa nghe rồi.
Âm:
Đắc ưu du xứ thả ưu du,
Vân tự cao phi thủy tự lưu.
Chỉ kiến hắc vân phiên đại lãng,
Vị văn trầm khước điếu ngư chu.
Được chỗ thảnh thơi hãy thảnh thơi, mây tự bay cao nước tự trôi.
Hai câu này dẫn ý của hai câu trên. Ở đời có rất nhiều người ở trong cảnh nhàn hạ thảnh thơi, mà không chịu thảnh thơi, không ai bắt lo nghĩ bận bịu mà cứ bận tâm lo nghĩ. Thật là người khờ đáng thương. Bây giờ tất cả quí vị kiểm lại coi, nhất là Tăng Ni trong Thiền viện, ở đây chúng tôi có bắt quí vị suy tính tìm cớ sanh nhai không? Có bắt quí vị ôn bài vở để thi cử không? Có bắt quí vị lo thiếu lo đủ không? - Không bắt quí vị lo gì hết, như vậy là cho quí vị thảnh thơi, thế mà quí vị có chịu thảnh thơi không? Có người thì thảnh thơi, nhưng cũng có nhiều người chưa chịu thảnh thơi, tâm bận nghĩ việc này lo việc kia, thật quá ngu khờ rất đáng thương! Được thảnh thơi mà không chịu thảnh thơi không ngu là gì? Người đời bị gia duyên ràng buộc, phải lo cơm ăn áo mặc cho cha mẹ vợ con, lo an sinh xã hội, lo hưng vong cho đất nước, đủ thứ lo nên chưa thảnh thơi là có lý do. Còn Tăng Ni tu ở Thiền viện không phải bận tâm lo gì cả, như vậy thì còn gì mà không thảnh thơi? Thế nên quí vị phải học thuộc lòng câu “được chỗ thảnh thơi hãy thảnh thơi”. Tất cả phải siêng năng bằng cách thảnh thơi; thảnh thơi như mây tự bay cao nước tự trôi. Tuy cũng làm việc cũng hoạt động, nhưng hoạt động giống như mây bay, như nước chảy vậy thôi. Nấu cơm thì cứ nấu cơm, khiêng củi thì cứ khiêng củi, nhổ cỏ thì cứ nhổ cỏ, nhưng làm như nước chảy như mây bay vậy đó. Sống như vậy mới đúng tinh thần ở núi, chớ còn được thảnh thơi mà không chịu thảnh thơi thì quá khờ, thật đáng thương mà cũng đáng trách.
“Chỉ thấy mây đen nhồi sóng lớn, thuyền câu chìm đắm chửa nghe rồi” nghĩa là sao?
Mây đen bay, gió đùa nước, sóng dậy; đó là chuyện gió thổi thì sóng dậy, chớ không phải gió thổi có ý làm chìm thuyền câu. Gió thổi thì sóng đùa, duyên nào theo duyên nấy, nếu chúng ta là chiếc thuyền câu ở trong cảnh đó, mau chèo vào bờ thì không bị chìm được yên ổn. Đâu phải mỗi lần gió là thuyền chìm! Vậy tất cả chúng ta phải tu làm sao như mây bay nước chảy vậy. Làm thì cứ làm, sống cũng cứ sống, không dính mắc vào cái gì cả. Mọi cái ngang trái ngược đãi của người chung quanh, coi như gió thổi đùa sóng, chúng ta là chiếc thuyền, núp vào bờ là an ổn. Nếu khi gió thổi sóng dậy, chúng ta bơi thuyền ra đương đầu với sóng gió thì thuyền úp. Con người chúng ta có những cái ngu rất đáng thương. Ở trên, trong chỗ thảnh thơi mà không chịu thảnh thơi là cái ngu thứ nhất. Tới đây, gió thổi sóng dậy là chuyện của gió của sóng, chớ gió đâu có ý nhận chìm thuyền. Vậy mà chúng ta không chịu chèo thuyền vô bờ, lại cứ chèo thuyền ra khơi đương đầu với sóng gió nên thuyền bị úp. Đó là cái ngu thứ hai. Quí vị hiện có mặt ở đây có ai ngu như thế không? - Càng học càng tu mới thấy mình càng ngu. Người đời cứ tưởng mình khôn, nghe người nói trái tai là xông vô gây chuyện. Người ta nói trái là chuyện của người ta, mình vẫn là mình có dính dáng gì đâu, vậy mà cũng xen vào để phiền não, không ngu là gì? Học qua bài kệ này quí vị ráng học cho thuộc để khôn lên.
Xưa nay không lối nào khác, người thông suốt thì cùng chung một đường. Chư Phật đều có để phương tiện, vốn thuật lại chí nguyện tiếp nối công phu. Tâm mong người trở thành rường cột cho Phật pháp, để làm mẫu mực cho người sau soi xét noi theo. Tôi theo khắp các kinh trong Đại tạng, mở bày tâm địa ra nơi từ chương (chữ nghĩa) mà soạn thành một bản luận lưu truyền, đặt tên là “Kiến Tánh Thành Phật”.
Thiền sư Chân Nguyên nhắc lại, ngày xưa và hiện nay không có đường nào khác, người thông suốt thì cùng đi chung một đường chớ không có hai. Chư Phật đều có để phương tiện là Kinh Luật Luận cho chúng ta tìm hiểu. Sở dĩ Ngài thuật lại cuốn sách này là để tiếp nối công phu và phương tiện của chư Phật, chư Tổ để lại. Thâm tâm Ngài mong có người trở thành rường cột của Phật pháp, để làm mẫu mực cho người sau soi xét noi theo. Ngài xem các kinh trong Đại tạng, rồi mở bày tâm địa ra nơi chữ nghĩa, soạn thành luận để lưu truyền đề tên là Kiến Tánh Thành Phật; là quyển luận mà chúng ta đang học đây.
Nhằm nêu rõ nguyện lực ra đời, và giúp lo gánh vác sứ mạng Như Lai, đời đời tiếp nối ngọn đèn Phật Tổ, làm sáng rực con mắt của trời người. Đời sau ai là người có chí lớn, giữ gìn gia phong của Phật, phò trì tượng pháp an ổn lâu dài, thì phước tuệ trang nghiêm tối thắng. Hoặc kẻ thấy đài Cửu phẩm hư đổ và các kinh bản cũ mục, thì hãy khuyến hóa đàn-na, cùng nhau góp sức hưng công tu bổ lại, tự rất mừng vui cho mình, thật đã làm được nhân duyên tốt đẹp.
Nếu hay hết lòng đền đáp ân Phật, sẽ sớm được Di-đà thọ ký.
Ở đây nói, vì ngài Chân Nguyên muốn làm rõ cái nguyện lực trong đời này và phụ gánh vác sứ mạng của Như Lai, khiến cho ngọn đèn của Phật Tổ đời đời được tiếp nối sáng mãi, để cho cả trời người thấy được ngọn đèn sáng đó. Thế nên Ngài ước mong đời sau ai là người có chí lớn, thì gìn giữ gia phong của Phật, phò trì tượng pháp được an ổn lâu dài. Người đó sẽ được phước tuệ trang nghiêm tối thắng. Ngài nói nếu kẻ nào thấy đài Liên hoa hư đổ, hoặc những bản kinh cũ đã hư mục thì hãy khuyến hóa đàn-na thí chủ góp sức tu bổ lại. Được như vậy mới là người tạo nhân duyên tốt đẹp. Người tu theo Tịnh độ, hết lòng đền đáp ơn Phật như vậy thì sẽ được Phật Di-đà thọ ký. Sau đây là bài kệ cảnh tỉnh khuyên đàn-na thí chủ bố thí ủng hộ.
Kệ cảnh tỉnh đàn-na:
Quyến thuộc đều bỏ đi,
Tiền của trả lại người.
Chỉ căn lành gìn giữ,
Đường hiểm lương thực đầy.
Âm:
Quyến thuộc giai xả khứ
Tài hóa tán hoàn tha
Đản trì tự thiện căn
Hiểm đạo sung lương thực.
Quyến thuộc đều bỏ đi, tiền của trả lại người.
Bài kệ này cảnh tỉnh người đời rằng, một ngày kia khi thở ra mà không hít vào thì quyến thuộc đều bỏ hết, bà con quyến thuộc không người nào đi theo mình cả. Lúc đó dù có bao nhiêu tiền của cũng để lại hết cho thế gian. Đó là hai câu răn nhắc người đời lúc nhắm mắt ra đi.
Chỉ căn lành gìn giữ, đường hiểm lương thực đầy.
Ngài dạy người nào khôn ngoan khéo gìn giữ căn lành của mình, thì khi nhắm mắt chỉ một mình cô đơn đi trên con đường hiu quạnh, nếu đã có hành trang lương thực đầy đủ thì không lo đói lo thiếu. Bài kệ này hơi nặng về người Phật tử. Người Phật tử thường có hai cái lo, cái lo thứ nhất là lo làm cho có nhiều tiền, nhiều của để dành cho con cháu, đó là cái lo thông thường của thế gian. Cái lo thứ hai là lo làm lành làm phước, để dành cho ngày mai khi nhắm mắt có đủ hành trang ra đi. Lo làm cho có nhiều tiền của để dành, rồi phải lo cất giữ sợ trộm cắp cướp đoạt. Và khi nhắm mắt thở hơi cuối cùng, tất cả phải để lại hết không mang theo được chút nào cả. Còn nếu lo phước đức cho nhiều, thì của mình là của mình, không ai giành giựt cướp đoạt được. Như vậy lo một cái không bảo đảm và lo một cái bảo đảm còn hoài, thì quí vị nên lo cái nào? Chuyện gần nhất và rõ nhất là quí Phật tử làm ăn khá có nhiều tiền nhiều của, chẳng những không hết lo mà lại càng lo nhiều hơn. Tại sao có tiền của nhiều lại lo nhiều? - Vì có tiền của nhiều, một là sợ trộm cắp cướp đoạt, nên tối ngủ không yên giấc hồi hộp lo sợ mất của, hai là lo sợ người ta giựt, lo đủ thứ, thành ra tiền của nhiều thêm lo, bất an, ngày nay còn thì mừng ngày nay, ngày mai chưa chắc còn, không bảo đảm gì hết. Còn nếu làm được phước đức nhiều thì không lo, không cần tủ sắt để bảo quản, không cần gì hết, phước đức bỏ ở đâu cũng không sợ mất, tối ngủ khò không sợ ai rình rập lấy cắp. Đó là hành trang của người nhắm mắt ra đi, thật là khỏe không bận tâm lo gìn giữ. Như vậy, người khôn sáng suốt thì nên lo cái gì nhiều? - Nên lo cái bền lâu không mất mát. Vậy quí vị nhớ học thuộc bài kệ này.
Nghĩ đến lạnh hãy lo dệt áo ấm, chớ đợi sau khi đã lạnh. Nghĩ đến khát hãy lo đào giếng, chuẩn bị trước khi chưa khát. Lo sẵn cầu đò, làm phước niệm Phật, in kinh tạo tượng, như gấm thêm hoa, lấy làm công án vãng sanh Tây phương, cửu huyền thất tổ cùng chung được vượt lên chín phẩm hoa sen nơi thế giới Cực Lạc.
Ngài nhắc gần đến mùa Đông nghĩ đến lạnh thì phải lo may áo ấm trước, đợi tới lạnh thì may áo ấm không kịp. Và, nghĩ đến khát thì phải lo đào giếng, chớ đợi đến khát thì đào giếng không kịp. Đây Ngài dạy chúng ta phải biết lo xa, thấy sự việc sẽ đến thì phải tạo phương tiện thích nghi với hoàn cảnh sắp đến, để được an ổn, đó là người biết lo xa. Như vậy, bố thí cúng dường tụng kinh niệm Phật, hay tạo tượng in kinh... việc làm này là tạo phương tiện để mình vãng sanh Tây phương, đó cũng là phương tiện cùng với cửu huyền thất tổ vượt lên chín phẩm hoa sen nơi thế giới Cực Lạc.
Kinh nói: “Mình được độ rồi độ người, tự lợi rồi lợi tha, người đã biết tỏ bày cho người chưa biết, người giác trước chỉ dạy cho người giác sau.” Như một trăng hiện thành các trăng nơi ngàn sông, trăng trăng rọi sáng rực; tợ một ngọn đèn mồi truyền cho đèn nơi muôn nhà, đèn đèn nối tiếp sáng mãi. Chính quyển luận này là tâm tông của Phật Tổ. Chính quyển luận này là Kiến tánh thành Phật. Diệu lý của luận này như tia lửa mặt trời, được chừng một mảy tơ thì sáng rỡ không cùng tận. Xem học mà ngộ đạo thì như uống nước cam lồ. Người lượng cao quán sâu thì suốt tột đáy nguồn của pháp.
Đây Ngài dẫn kinh để nhắc nhở chúng ta, mình được độ rồi độ người, tức là chúng ta tu đã thấy được lối đi không còn ngờ vực nữa thì phải hướng dẫn chỉ cho mọi người cùng đi với mình.
“Tự lợi rồi lợi tha”, tức là chúng ta tu nhận được những lợi ích quí báu trên đường tu, thì phải giúp cho mọi người cùng được lợi ích như mình.
“Người đã biết tỏ bày cho người chưa biết”, tức là mình tu học đã được thông suốt thì phải chỉ bày cho người chưa biết để họ cùng biết với mình.
“Người giác trước chỉ dạy cho người giác sau”, là mình đã được giác ngộ rồi chỉ cho người sau cùng giác ngộ với mình. Như vậy mới đúng tinh thần học đạo của người tu theo Phật. Ngài Chân Nguyên mong rằng quyển Kiến Tánh Thành Phật của Ngài, giống như một mặt trăng trên hư không hiện muôn ngàn mặt trăng ở sông nước, trăng trăng sáng rực, cũng giống như một ngọn đèn được thắp sáng, mồi cho đèn muôn nhà được sáng, khiến cho đèn đèn nối tiếp sáng mãi. Đó là tinh thần của luận Kiến Tánh Thành Phật.
Như tia lửa mặt trời, được chừng một mảy tơ thì sáng rỡ không cùng tận.
Ngày xưa lấy lửa bằng cách đưa gương lên mặt trời, bên cạnh có nhúm bổi, ánh sáng mặt trời rọi xuống gương phát lửa ngún bổi cháy cả chùm lửa lớn, sáng khắp nơi.
Xem học mà ngộ đạo thì như uống cam lồ. Người lượng cao quán sâu thì suốt tột đáy nguồn của pháp.
Ngài Chân Nguyên nói, người xem quyển luận này mà được ngộ đạo, thì chẳng khác nào như uống nước cam lồ. Người có lượng cao mà quán sâu thấy thấu suốt được pháp này, thì đó là thấu được cội nguồn của chánh pháp.
Hội rằng:
Bủa lưới giăng ngang sông,
Được cá một mắt lưới.
Kinh lục đầy pháp giới,
Ngộ đạo không một chữ.
Âm:
Hội vân
La võng bố hoành giang,
Đắc ngư nhất mục võng.
Kinh lục mãn pháp giới,
Ngộ đạo vô nhất tự.
Bủa lưới giăng ngang sông, được cá một mắt lưới.
Lời hội nói rằng khi bủa lưới thì cái lưới kéo ngang một khoảng sông, khi cá mắc lưới chỉ kẹt một mắt, chớ không kẹt một lần đến hai ba mắt lưới, hay kẹt cả cái lưới. Cũng vậy kinh luận Phật Tổ thì rất nhiều, nhưng chúng ta tu, nếu ngộ thì chỉ ngộ một câu, song ngộ rồi một câu cũng quên luôn, không còn chữ nào hết, nên nói “kinh lục đầy pháp giới, ngộ đạo không một chữ”.
Bản tánh rỗng lặng, tròn đồng thái hư, trong lặng nhiệm mầu và tròn sáng, trọn không một vật. Nên biết, ngàn Kinh muôn Luận đều là lời nói chỉ mặt trăng, đâu ích gì với lý này. Tin tức ấy như thế! như thế! Rõ biết muôn pháp, tạm đồng với hoa đốm trong không. Nếu là bậc thượng cơ, ngại gì một tiếng cười!
Nói về lý Bản tánh thì nó rỗng lặng tròn đồng với thái hư, nó trong lặng nhiệm mầu và tròn sáng, không có một vật. Nên biết, ngàn kinh muôn luận đều là lời nói chỉ mặt trăng, đâu ích gì với lý này. Vậy lý này nói cái gì? - Kinh luận là ngón tay chỉ mặt trăng, lý này là mặt trăng; ngón tay là phương tiện chỉ mặt trăng, ngón tay không phải là mặt trăng. Ví dụ trong phòng này, tôi dùng ngón tay chỉ ngọn đèn, quí vị nhìn theo ngón tay tôi để thấy ngọn đèn, ngón tay tôi không phải ngọn đèn. Như vậy ngọn đèn là mục tiêu, ngón tay chỉ là phương tiện, nương ngón tay để thấy mục tiêu ngoài ngón tay. Cũng vậy kinh luận là ngón tay chỉ mặt trăng, là phương tiện để chúng ta nhận ra Bản tâm của mình, chớ kinh luận không phải là cái mình chết sống trong đó luôn. Nhưng ngày nay chúng ta lại chết sống trong đó, như vậy chúng ta là người chỉ biết ngón tay mà quên mặt trăng. Đó là cái bệnh của người tu thời nay. Nhớ, mặt trăng không phải là ngón tay, ngược lại ngón tay không phải là mặt trăng. Phải khéo nương ngón tay để thấy mặt trăng, như thế mới khôn ngoan.
Tin tức ấy như thế! như thế! Rõ biết muôn pháp tạm đồng với hoa đốm trong không.
Nếu biết rõ muôn sự muôn vật giữa đời này không thật, giống như hoa đốm trong hư không thì, “nếu là bậc thượng cơ, ngại gì một tiếng cười”. Như vậy thì muôn sự muôn vật trước mắt cũng chỉ là trò đùa không có gì quan trọng thì chỉ cười thôi.
Bài kệ ngộ đạo:
Phật Tổ trong ba đời,
Bốn mắt cùng nhìn nhau.
Xưa nay không hai lối,
Thành Phật sát-na thôi.
Âm:
Tam thế chư Phật Tổ,
Tứ mục cộng tương quan.
Cổ kim vô nhị đạo,
Thành Phật sát-na gian.
Phật Tổ trong ba đời, bốn mắt cùng nhìn nhau.
Phật Tổ đời quá khứ, Phật Tổ đời hiện tại và Phật Tổ đời vị lai, đôi mắt thầy và đôi mắt trò nhìn nhau mà ngộ đạo. Ngày nay chúng ta tu ai cũng có đôi mắt, không ai thiếu, nhưng tại sao không ngộ đạo? Chỉ cần có hai mắt, thầy nhìn trò, trò nhìn thầy là ngộ đạo, tại sao không ngộ?
Xưa nay không hai lối, thành Phật sát-na thôi.
Từ xưa đến nay chư Phật và chư Tổ khai ngộ cho đệ tử đều như vậy, không có lối nào khác. Chỉ trong chớp mắt là ngộ đạo thành Phật không lâu. Phật nhìn
Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-diếp nhìn lại Phật, hai thầy trò nhìn nhau chỉ trong sát-na tích tắc là cảm thông, chớ không có lâu.
Đó là chân không vô tướng, là cha mẹ của trời đất muôn vật, làm nền tảng cho thế giới sanh linh, suốt cả xưa nay, chẳng sanh chẳng diệt. Mây tụ thì tối mà chân không chưa từng tối. Mặt trời soi thì sáng mà chân không chưa từng sáng. Ẩn hiển cùng bày, sắc không chẳng hai, trời đất muôn vật, chỉ một thể nguyên thần, vô trụ vô vi. Chợt hiện ra mặt thật xưa nay, lìa danh lìa tướng, mở toang then chốt trên đảnh môn hướng thượng, đèn tâm của Phật Tổ truyền sáng mãi không cùng tận. Khi hiển mà nói, thì có tám muôn pháp môn. Với mật mà ngộ, thì chỉ bốn mắt nhìn nhau.
Sau đây giảng rõ lại một lần nữa: Chỗ mà Phật Tổ bốn mắt nhìn nhau liền ngộ đạo, chỗ đó là “chân không vô tướng”. Nghĩa là cái thấy của thầy và cái thấy của trò, hai cái thấy đó không có hình tướng. Nhưng, lại là “cha mẹ của trời đất muôn vật, làm nền tảng cho thế giới sanh linh, suốt cả xưa nay, chẳng sanh chẳng diệt”. Sau đây Ngài ví dụ:
Mây tụ thì tối mà chân không chưa từng tối. Mặt trời soi thì sáng mà chân không chưa từng sáng.
Trong khoảng hư không này, nếu có mây thì nhìn thấy nó tối, khi mây tan mặt trời rọi thì thấy nó sáng. Thấy tối thấy sáng là do mây tụ mây tan và mặt trời soi, chớ khoảng hư không không có tối có sáng. Cái đổi thay sanh diệt là cái ở bên ngoài, không phải là cái chân thật. Cái chân thật thì không đổi thay sanh diệt, ở đây ví dụ như hư không. Hư không không tối không sáng “ẩn hiển cùng bày, sắc không chẳng hai, trời đất muôn vật, chỉ một thể nguyên thần, vô trụ vô vi”. Ẩn là khuất, hiển là bày, nhưng cả hai đều hiện bày; sắc và không cũng chẳng phải hai. Vì đứng về Bản thể thì không có cái gì ngoài, cho nên nói trời đất muôn vật chỉ là một thể nguyên thần, vô trụ vô vi. Người tu nào đến chỗ đó rồi thì mặt thật xưa nay của mình hiện ra. Cái đó “lìa danh lìa tướng, mở toang then chốt trên đảnh môn hướng thượng”. Tất cả then chốt gài kín từ trước tới giờ, bất thần mở toang ra thì bỗng dưng trên đảnh môn mình có một lối đi, một con đường hướng thượng. Bấy giờ “đèn tâm của Phật Tổ truyền sáng mãi không cùng tận. Khi hiển mà nói thì có tám muôn pháp môn.” Với người chưa ngộ phải dùng phương tiện thì có tới tám muôn pháp môn. Nhưng với mật mà nói thì cái chỗ thầm kín là phải tự ngộ, thì chỉ “bốn mắt nhìn nhau”, rất đơn giản.
Tôn kính chúc rằng:
Quốc gia có mãi, ngôi báu kim luân cùng với trời đất còn hoài.
Phật đạo không cùng, nối Tổ truyền tông đồng với Thứu Phong chẳng mất.
Kính đề tựa.
Hai dòng này như đôi liễn. Ngài chúc quốc gia đất nước còn mãi, ngôi vua cùng với trời đất còn hoài. Ngày xưa thì chúc như thế, ngày nay thì cầu cho đất nước còn hoài, chánh phủ được bền vững. Đó là chúc ngoài đời. Trong đạo thì chúc Phật đạo không cùng, Tổ tông thì được truyền nối mãi, vững bền như ngọn núi Linh Thứu ở Ấn Độ, còn hoài không dứt.
Lời tuy đơn giản, nhưng nói rõ ràng cái chí nguyện của Ngài vì đạo mà phải cố gắng, phải hi sinh, quên mình tu để được ngộ và giúp cho người cùng được ngộ như mình. Đó là trọng tâm mà Ngài mong mỏi.
----------
Trường thủy, hàng hậu học truyền giữ Tổ thiền, Thích tử Trương Viết Đức tự Tính Phương giữ bản này.
Triều Lê niên hiệu Chính Hòa thứ 19 (1698), ngày lành mùa Đông năm Mậu Dần khắc in lại.
Bản khắc in lưu trữ tại chùa Long Động, núi Yên Tử, nay lại dời ra lưu trữ tại chùa Quỳnh Lâm để cho người sau hiểu rõ.
Thích tử Chân Bình ghi chép.
Đoạn này kể lại người lưu giữ, năm khắc in tái bản, nơi trữ và người ghi chép bản Kiến Tánh Thành Phật.
Sau khi kết thúc phần giảng Lời tựa, tôi nhắc nhở cho Tăng Ni và Phật tử tu hành phải nhớ điều này: Học qua Lời tựa của luận Kiến Tánh Thành Phật tôi rất thông cảm và cũng có chút buồn. Vì tại Thiền viện Trúc Lâm tôi dồn hết tâm lực, tạo điều kiện tốt để cho Tăng Ni tu tiến, nhưng có một số Tăng Ni không dồn hết tâm lực để tu hành. Ở dưới Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh Chiếu... Tăng Ni còn nhiều việc phải làm, một là lao động cho có cơm gạo ăn, hai là khi bệnh Thiền viện chỉ giúp một phần chớ không giúp đủ, ba là bận lo chuyện ngoại giao bên ngoài, nên mất nhiều thì giờ tu tập. Còn ở đây quí vị không phải lo những việc đó, tuy có trồng rau, trồng hồng, trồng hoa kiểng, làm thì làm chớ không phải lo đủ lo thiếu, làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không đòi hỏi đạt chỉ tiêu. Như vậy tại sao không làm việc như mây trôi nước chảy? Tôi muốn quí vị làm cứ làm không bận không lo. Vậy mà có nhiều người cứ lo cứ bận, đó là cái dở. Kế nữa là mọi thứ nhu yếu quí vị cần là Thiền viện cung cấp, không phải bận tâm lo cho có tiền để mua sắm. Hết kem đánh răng tới Tri sự nói tôi hết kem đánh răng là Tri sự cho kem, đôi dép rách tới xin dép là Tri sự cho dép, đau bệnh thì có khám bệnh cho thuốc. Khỏi phải lo gì hết mà vẫn còn bận bịu tâm không chịu yên, không lo cái này cũng nghĩ cái khác, lo nghĩ những chuyện bâng quơ làm mất thì giờ vô ích. Tôi muốn quí vị đừng lo, mà quí vị cứ lo, như vậy là quí vị tu không đúng chỗ tôi mong muốn. Kế nữa là ở đây sống không lo không tính, thì đâu có chuyện gì buồn giận. Phật thường dạy: Người thế gian vì tham muốn mà không được nên nổi sân. Ở Thiền viện quí vị tu, buông xả, có gì đâu mà tham, không lo đói, không lo khát, vậy mà lâu lâu cũng có sân. Không tham mà có sân là chuyện vô lý. Không có quyền giữ tiền riêng, không có quyền để đồ đạc dư thì tham cái gì? Tất cả đều xem nhẹ, thấy như không cần, không có lý do để tham, không có lý do để tham tại sao lâu lâu cũng có phiền não? - Đó là do tâm lý của hai bên, bên này không có gì để lo mà cứ lo, bên kia không có gì đáng sân mà thỉnh thoảng cũng có sân. Thật là phi lý, vì vậy mà tôi buồn, buồn cho những cái phi lý, đáng lý không xảy ra mà xảy ra. Vậy quí vị tu phải khéo, phải khôn ngoan, cái không đáng xảy ra đừng để cho xảy ra. Đó là tôi nhắc Tăng Ni trong Thiền viện.
Sau đây tôi nhắc các Phật tử, một là phải tu sao cho được giải thoát sanh tử, hai là nếu chưa giải thoát sanh tử được thì phải chuẩn bị cho đời này ra đi được nhẹ nhàng an lạc. Muốn được nhẹ nhàng an lạc thì không gì hơn ngay trong lúc còn khỏe mạnh, tinh tấn tu hành xả bỏ tham sân si. Tham sân si giảm thì phiền não ít. Hiện tại Tăng Ni và Phật tử ai cũng sốt sắng ham tu vậy mà tham sân si không chịu bỏ. Tham sân si không chịu bỏ, mà muốn giải thoát an vui thì thật là vô lý. Thế nên từ nay về sau quí Phật tử phải xả bỏ tham sân si, nếu còn từ 10% đến 20% thì còn tha thứ, nếu còn từ 50% trở lên thì không thể chấp nhận. Chúng ta tu thì tham sân si phải giảm, giảm tham sân si thì phiền não mới bớt, tạo phước mới còn. Tham sân si còn, dù có làm phước, phước cũng bị mất bởi tham sân si. Vậy tôi mong quí Phật tử tu hành càng ngày càng sáng suốt, mỗi năm nhìn lại mình thấy tham sân si có giảm mỏng, chớ không được còn nguyên.