B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)

Wednesday, 11 January 20237:21 PM(View: 817)
B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ 

B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)

Hỏi: Thế gian không việc khó, thế gian có hai việc khó. Thế nào là hai việc khó?

Dạy rằng: Sanh từ đâu đến? Chết rồi đi đâu? Đây là hai việc thật rất khó. Song này các người, do hai việc này mà bỏ sự nghiệp đi xuất gia, lội suối trèo non, tham tìm minh sư, bạn tốt, cúi đầu lễ bái thưa hỏi: Kính mong Đại đức từ bi, mở rộng phương tiện chỉ bày cho sáng tỏ lý này, sớm được ngộ đạo.


Hỏi: Trước khi trời đất và cha mẹ chưa sanh, cái thân người này sanh từ đâu đến?


Đáp: Vốn từ vô vi đến.


Lại hỏi: Người sanh ra ở đời, đến khi số hết, chết đi về đâu?


Đáp: Lại từ vô vi đi.


*


Hỏi: Thế gian không việc khó, thế gian có hai việc khó. Thế nào là hai việc khó?

Câu hỏi này nghe hơi khó hiểu. Thế gian không việc khó, lại nói thế gian có hai việc khó, nếu không việc khó thì làm gì có hai việc khó? Ý Ngài muốn nói rằng trên thế gian không có việc gì khó, nhưng xét kỹ có hai việc khó, đó là sanh từ đâu đến? chết rồi đi đâu? Đây là hai việc rất khó, vì hai điều này là hai điều thắc mắc lớn lao của con người. Tất cả chúng ta đều thắc mắc mình từ đâu đến đây và sau khi chết mình sẽ về đâu? Đó là hai câu hỏi mà tất cả chúng ta không ai giải đáp được. Chính hai điều này khi xưa đức Phật Thích-ca lúc còn là Thái tử, Ngài cũng thắc mắc như chúng ta. Và, Ngài quyết phăng tìm cho ra manh mối, bằng cách từ bỏ hoàng cung vượt thành đi tu. Ngày nay chúng ta là người tu theo đức Phật cũng phải quyết tâm tìm cho ra manh mối. Muốn thực hiện điều đó Ngài dạy:


Song này các người do hai việc này mà bỏ sự nghiệp đi xuất gia, lội suối trèo non, tham tìm minh sư, bạn tốt, cúi đầu lễ bái thưa hỏi: Kính mong Đại đức từ bi, mở rộng phương tiện cho sáng tỏ lý này, sớm được ngộ đạo.


Muốn giải quyết hai mối nghi trên, người học đạo phải lội suối trèo non, tìm thầy sáng bạn lành cầu chỉ dạy cho mình tu, khi ngộ đạo thì giải quyết được hai mối nghi trên. Khi xưa Thái tử Sĩ-đạt-ta ngồi tu dưới cội bồ-đề trong suốt bốn mươi chín ngày đêm. Đêm cuối cùng khoảng canh hai Ngài chứng được Túc mạng minh, biết được đời sống vô số kiếp về trước nên giải quyết được câu hỏi “ta từ đâu đến đây”. Khoảng canh ba Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ con người sau khi chết theo nghiệp dẫn đi luân hồi trong lục đạo, kẻ đi lên, người đi xuống v.v... Như vậy muốn giải đáp câu hỏi thứ nhất người tu phải chứng Túc mạng minh, giải đáp câu hỏi thứ hai phải chứng Thiên nhãn minh. Ngày nay chúng ta tu còn mờ mịt thật là khó giải quyết được hai mối nghi “sanh từ đâu đến, chết đi về đâu”.


Hỏi: Trước khi trời đất và cha mẹ chưa sanh, cái thân người này sanh từ đâu đến?


Đáp: Vốn từ vô vi đến.


Lại hỏi: Người sanh ra ở đời, đến khi số hết chết đi về đâu?


Đáp: Lại từ vô vi đi.


Đến từ vô vi đến, đi cũng từ vô vi đi. Nhưng vô vi là cái gì? “Vô vi” là từ ngữ của đạo Lão, khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, nói đến lý bất sanh bất diệt, các ngài mượn từ vô vi của đạo Lão để dùng. Nhà Phật dùng từ vô vi, là đối lại từ chữ hữu vi. Phàm tất cả sự vật có hình tướng ở thế gian có sanh có diệt là hữu vi, pháp không sanh diệt gọi là vô vi. Hỏi rằng: khi cha mẹ chưa sanh ta từ đâu đến? Đáp: từ vô vi đến tức là từ chỗ bất sanh bất diệt đến. Hỏi sau khi chết rồi đi về đâu? Đáp rằng: trở về chỗ bất sanh bất diệt. Câu đáp này hơi gượng một chút, không sát nghĩa lắm. Sau đây tôi giải thích kỹ hơn về câu đáp sanh từ vô vi đến. Kinh Lăng Nghiêm nói: Chân như không giữ Tự tánh hốt nhiên một niệm vô minh dấy khởi, tất cả tướng sanh diệt dấy khởi theo nên đi vào sanh tử. Từ chân mà khởi vọng niệm đi vào sanh tử nghe khó hiểu quá. Song tôi ví dụ cho dễ hiểu: Hiện giờ chúng ta đang mở mắt tỉnh táo, nhưng một lúc sau nghe mỏi mệt, gió mát thổi qua chúng ta thiu thiu ngủ gục. Vậy thử hỏi ngủ gục đó từ đâu đến? Có phải từ cái tỉnh táo hồi nãy đến không? Nếu không có cái tỉnh làm gì có cái mê, cái mê ngủ gục từ cái tỉnh. Nếu ai đánh thức chúng ta tỉnh lại thì không còn mê nữa. Như vậy cái mê nó đến lúc nào chúng ta không dự biết trước được, có ai biết mình sửa soạn buồn ngủ không? Chỉ quên cái tỉnh là bị cái mê xâm chiếm, mê xâm chiếm thì ngủ say mộng mị đủ thứ. Cũng vậy, nếu chúng ta quên Tự tánh Chân như thì sẽ dấy sanh vọng niệm, vì vọng niệm dấy khởi nên sanh ra đủ thứ khổ đau. Cho nên hỏi “sanh từ đâu đến”, đáp “từ vô vi”, tức là quên cái không sanh diệt nên dấy niệm sanh diệt rồi đi vào trong sanh tử, chịu sanh tử khổ đau. Khi chết trở về vô vi tức là trở về chỗ không sanh diệt. Nghe như thế có người hiểu lầm cho rằng không tu chết cũng trở về chỗ không sanh diệt. Hiểu như thế là sai lầm, chúng ta phải tu dứt hết mầm sanh diệt mới được trở về chỗ không sanh diệt, nếu không tu thì vẫn tiếp tục đi trong sanh tử.


Gượng nói đến đi, mà thật không có đến đi. Thế nào là thật không có đến đi? - Chỉ kinh Bát-nhã làm chứng, nói: “Tướng không của các pháp đó, chẳng sanh chẳng diệt.” Sanh diệt đã không, thì đến đi đâu có. Đây là khí âm dương biến hóa, ngưng tụ thành hình mà người sanh ra. Sắc thân bốn đại dụ như hòn bọt nổi, có sanh có diệt. Còn Pháp thân tròn sáng thì rỗng rang, rộng lớn, đích thật là biển tánh Tỳ-lô, không có lay động, vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, tánh đồng với hư không, biết khắp mọi nơi. Vì vậy gọi là xưa nay vô vi, vẫn hằng thường trụ, chân không lồ lộ, Thật tướng rành rành, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, sáng thông bát ngát, trong lặng như như, đối diện ngay trước mắt, tại sao chẳng hội? Kinh nói: “Chân Phật pháp thân giống như hư không.” Đây thật là Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân. Hư không cùng với Pháp thân không có tướng khác, chư Phật cùng với chúng sanh không có tánh khác. Chẳng ngộ Tự tánh tức gọi chúng sanh, giác biết Tự tánh nên gọi chư Phật. Đó là chân Phật vốn không hình tướng, đầy khắp cả hư không, thế giới, đâu có đến đi?


*


Gượng nói đến đi mà thật không có đến đi. Thế nào là thật không có đến đi? Chỉ kinh Bát-nhã làm chứng, nói: “Tướng không của các pháp đó, chẳng sanh chẳng diệt.”


Ngài dẫn văn kinh Bát-nhã để giải thích lý không đến không đi. Trong kinh Bát-nhã nói “tướng không của các pháp chẳng sanh chẳng diệt”, chẳng sanh diệt thì đâu có đến đi. Vì các pháp do duyên hợp không có thật thể cố định, nên nói tướng của nó là không, tướng không đó chẳng sanh diệt nên không đến đi.


Đây là khí âm dương biến hóa, ngưng tụ thành hình mà người sanh ra. Sắc thân bốn đại dụ như hòn bọt nổi, có sanh có diệt. Còn Pháp thân tròn sáng thì rỗng rang, rộng lớn, đích thật là biển tánh Tỳ-lô, không có lay động, vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, tánh đồng với hư không, biết khắp mọi nơi.


Ở trên giải thích rằng sanh từ vô vi đến, tử trở về vô vi, vì chữ vô vi là chỉ cho Thể tánh bất sanh bất diệt của con người và của muôn pháp. Kế đây Ngài giải thích theo bên Nho thân người có ra là do khí âm dương biến hóa ngưng tụ mà thành hình, còn theo nhà Phật thân người là do tứ đại duyên hợp. Sắc thân do tứ đại hợp, dụ như hòn bọt nổi chợt sanh chợt diệt, thế mà chúng ta cứ cho rằng sống sáu bảy mươi năm là lâu dài, xứng đáng. Nhưng đối với con mắt của nhà Phật thời gian sáu bảy mươi năm không nghĩa lý gì cả, như bóng con ngựa chạy qua cửa sổ thật là mau. Chúng ta nhìn xuống biển thấy những hòn bọt nổi trên mặt biển và mặt biển, vậy cái nào ngắn cái nào dài? Hòn bọt tụ rồi tan, không có nghĩa lý gì cả đối với mặt biển. Cũng vậy, nơi mỗi chúng ta sẵn có Pháp thân tròn sáng, rộng lớn thênh thang, đây gọi là biển tánh Tỳ-lô, Tỳ-lô-giá-na chỉ cho Pháp thân. Thế mà chúng ta quên cái Pháp thân, lại nhận cái thân tứ đại duyên hợp tạm bợ, chợt còn chợt mất, giống như nhận hòn bọt mà quên mặt biển thênh thang. Tuy nhiên hòn bọt tụ tán không ngoài mặt biển. Tụ ví cho sanh, tán ví cho tử, nên nói sanh từ vô vi đến, tử từ vô vi đi, vô vi chỉ cho Pháp thân bất sanh bất diệt. Như vậy căn cứ trên Pháp thân thì thân này sanh ra từ Pháp thân và thân này hoại đi cũng trở về Pháp thân. Ngài ví dụ Sắc thân như hòn bọt, Pháp thân như mặt biển thênh thang, thế mà chúng ta cứ lo lắng bảo vệ Sắc thân nên quên mất Pháp thân, giống như người ra biển nâng niu hòn bọt, mà quên mặt biển. Hòn bọt dễ vỡ lại nâng niu, còn mặt biển thênh thang rộng lớn thì quên, người như thế Phật nói là người đáng thương xót. Chúng ta là người quá mê muội, nên lo bảo vệ Sắc thân sớm còn tối mất, mà quên Pháp thân chân thật không bao giờ mất. Ví như người ra biển thấy bọt nước nổi chìm cố lấy tay vớt mà quên đi mặt biển thênh thang. Phật Tổ thương hết lòng chỉ dạy cho chúng ta nhận ra, trở về sống với cái chân thật của mình. Như vậy chúng ta mới thấy tầm quan trọng của sự tu. Tu không phải tìm kiếm những cái được mất trên thế gian này mà phải nhận ra và sống trọn vẹn với Pháp thân sẵn ở nơi mình.


Vì vậy gọi là xưa nay vô vi vẫn hằng thường trụ, chân không lồ lộ, Thật tướng rành rành, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, sáng thông bát ngát, trong lặng như như đối diện ngay trước mắt, tại sao không hội.


Ngài nói Pháp thân thường trụ, Thật tướng rành rành, thênh thang trùm khắp, lồ lộ, đối diện trước mắt. Vậy đối diện trước mắt là chỗ nào? - Chúng ta nhìn thấy bình hoa, nhìn thấy đồng hồ ở trước mắt là đối diện trước mắt phải không? Nếu thế là chúng ta chạy theo cảnh bên ngoài, mà quên rằng đối diện trước mắt là cái hay thấy bình hoa, hay thấy đồng hồ. Bình hoa và đồng hồ là vật tụ tán sanh diệt, còn cái hay thấy bình hoa hay thấy đồng hồ là cái không sanh diệt, không bao giờ mất. Nếu không có bình hoa, không có đồng hồ nó vẫn thấy bầu trời hay mây nước... Cái hay thấy không bao giờ mất, nhưng khởi niệm tìm kiếm thì sai, chỉ thầm nhận mình có cái hay thấy là được rồi. Bởi vì nếu không có cái hay thấy thì làm sao thấy bình hoa, thấy đồng hồ, thấy trời, thấy mây? Thấy được những sự vật như thế là do chúng ta có cái hay thấy hay biết, nhận rõ ràng không nghi. Nhưng cái hay thấy không có tướng mạo nên nói nó phi sắc, phi không, phi tất cả; phi tất cả nhưng chẳng phải không, chẳng phải không chớ không phải không ngơ. Đó là chỗ rất khó mà người học Phật phải sáng suốt mới nhận ra chỗ này. Như vậy cái thấy hiện trước mắt, mà chúng ta không biết không nhận ra. Nhưng vừa dấy niệm tìm nó ở đâu, nó liền bị che khuất, tìm mãi không được, tuy nhiên nó cũng tại đó không mất. Còn không tìm nó thì nó hiện tiền sáng rỡ, song phải khéo nhận, nếu không khéo nhận thì không biết mình có nó. Nhớ, đừng nghe nói đối diện trước mắt rồi nghĩ cái ở bên ngoài, mà hướng ra ngoài tìm kiếm là sai lầm. Đối diện mà không phải đối diện, nó hiện tiền ở trước mắt chúng ta phải khéo nhận.


Kinh nói: “Chân Phật pháp thân giống như hư không.”


Đây nói chân Phật pháp thân giống như hư không. Xin nói kỹ chỗ này cho quí vị hiểu kẻo lầm: như chúng ta nhìn thấy bình hoa, cái hay thấy bình hoa có giống như hư không không? - Giống ở chỗ không tướng mạo, nhưng hư không thì không thấy được sự vật, mà cái hay thấy thì thấy biết được sự vật. Như vậy cái hay thấy giống hư không mà không phải là hư không.


Đây thật là Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân.


Như chúng ta nhìn lên trời thấy có mây, cái khoảng cách từ mây đến mình xa nhau, nhưng nó có bị trở ngại gì không? Mây và cái thấy khác nhau, mây có hình tướng, cái thấy không có tướng mạo nên hòa trong hư không, không có cái gì làm trở ngại, do không trở ngại nên cái thấy tức là hư không, nên nói Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân.


Hư không cùng Pháp thân không có tướng khác, chư Phật cùng chúng sanh không có tánh khác.


Hư không và Pháp thân của mình không có tướng khác, nếu có tướng khác thì không hòa lẫn trong hư không được, hay nói khác đi cái thấy cái nghe của mình không có tướng khác với hư không, cho nên tiếng động, hình ảnh chúng ta nghe thấy đều không ngăn ngại. Nhưng chúng ta đừng hiểu rằng Pháp thân là hư không, vì nếu nó là hư không thì Pháp thân không thấy, không nghe, Pháp thân có thấy có biết nên không phải hư không, nhưng hai cái Pháp thân và hư không hòa lẫn nhau. Cũng như chúng ta thấy ánh sáng và hư không là một hay khác? Hư không là sáng hay tối? Tự nó không sáng tối mà do mặt trời, mặt trời chiếu thì hư không sáng, mặt trời khuất thì hư không tối. Như vậy sáng tối là từ nơi hư không hay từ nơi mặt trời, mà hư không có sáng tối? Nhưng tối sáng không khác với hư không, cho nên trong khi sáng chúng ta không thể phân biệt chỗ nào là ánh sáng, chỗ nào là hư không, vì thể nó không hai. Pháp thân của mình hòa lẫn với hư không cũng như vậy, nó lẫn nhau mà không phải một cũng không phải khác. Đó là chỗ hết sức khó hiểu.

Chẳng ngộ Tự tánh tức gọi chúng sanh, giác biết Tự tánh nên gọi chư Phật.


Con người có Tánh giác nhưng vì quên nên gọi là chúng sanh, nếu nhận ra và sống được với Tánh giác thì gọi là Phật. Phật thì giải thoát sanh tử, chúng sanh thì bị sanh tử khổ đau trói buộc. Vì chúng sanh luôn luôn chạy theo cái sanh diệt, gìn giữ thương tiếc thân mạng, nên mất thân này tìm thân khác, tụ tán liên miên, cho nên Phật nói chúng sanh luân hồi vô số kiếp, luôn chịu đau khổ trong cái vòng lẩn quẩn này. Bây giờ chúng ta tu chủ yếu là phải giác ngộ nhận ra Pháp thân bất sanh bất diệt sẵn có nơi mình, nên ở đây Ngài nói:


Đó là chân Phật vốn không hình tướng, đầy khắp cả hư không, thế giới đâu có đến đi.


*


Song Pháp thân viên dung rỗng thênh, trong lặng vô vi, trọn không một vật, chẳng rơi vào các số. Tuy vô vi, chẳng rơi vào các số, mà cũng hay ứng vật hiện hình, ẩn hiện cùng bày, sắc và không chẳng hai, đầy đủ mọi lý, làm ra muôn việc. Đó chính là mọi người trong mười hai giờ đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hiểu biết, nhướng mày chớp mắt, ứng cơ tiếp vật, giơ tay động chân, một thể tròn sáng, sáu căn vận dụng, ứng với tiếng với âm, hay thấy hay nghe, biết nói biết bàn, biện rõ phải quấy.


*


Song Pháp thân viên dung rỗng thênh, trong lặng vô vi, trọn không một vật, chẳng rơi vào các số.

Đây nói Pháp thân thênh thang rỗng lặng, không một vật và không rơi vào các số, tức là danh số của thế gian. Ngài nói trọn không một vật, Lục Tổ nói xưa nay không một vật. Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng thì “nói in tuồng một vật tức chẳng trúng”.


Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng đến tham vấn Lục Tổ, Tổ hỏi:


- Ở đâu đến?


- Ở Tung Sơn đến.


Tổ hỏi:


- Vật gì đến?


Sư thưa:


- Nói in tuồng một vật tức không trúng.


Khi thấy ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng đến, Lục Tổ hỏi “vật gì đến” là muốn gạn xem Ngài đã nhận ra Pháp thân chưa, Ngài phải ở trong chúng tám năm mới nhận ra và trả lời “nói in tuồng một vật tức không trúng”. Nếu bây giờ chúng ta bị hỏi như trên sẽ trả lời: - Dạ con đem một cái túi có đựng ba cái y... Khi bậc thầy hỏi như thế là muốn dò xem chúng ta đã nhận ra Pháp thân bất sanh bất diệt chưa? Pháp thân bất sanh bất diệt đó không có hình tướng, nên không phải là một vật. Nghe ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng trả lời “nói một vật tức chẳng trúng”, Lục Tổ sợ Ngài rơi vào không, nên hỏi gạn lại: “Có tu chứng không?” Ngài đáp: “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.” Tu chứng tức chẳng không, tức là có tu, nhiễm ô tức chẳng được, tức là Thể thanh tịnh không bị cái gì làm nhiễm nhơ. Nghe thế Tổ biết Ngài đã nhận ra và sống được nên ấn chứng: “Ông như thế ta cũng như thế.”


Tuy vô vi chẳng rơi vào các số mà cũng hay ứng vật hiện hình, ẩn hiện cùng bày, sắc và không chẳng hai, đầy đủ mọi lý làm ra muôn việc.


Pháp thân không phải hình thức mà ẩn trong sự vật hình thức để hiện ra muôn sự muôn việc. Nơi chúng ta cái hay thấy biết được người vật, và nó còn sáng tạo ra sự vật nữa. Ví dụ chúng ta thấy hoa hồng, nếu thấy và chỉ biết hoa hồng, ngang đó thì hết việc không có gì để nói. Nhưng thấy hoa hồng chúng ta bèn phân biệt hoa hồng đẹp, rồi ghi nhớ và cầm bút vẽ được cái hoa hồng. Như vậy cái hay thấy không có hình tướng nhưng nó có thể biến hiện thiên hình vạn tướng, nên nói “Pháp thân vô vi mà hay ứng vật hiện hình, ẩn hiện cùng bày, sắc và không chẳng hai, đầy đủ mọi lý làm ra muôn việc”. Ngài dạy tiếp:


Đó chính là mọi người trong mười hai giờ đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hiểu biết, nhướng mày chớp mắt, ứng cơ tiếp vật, giơ tay động chân, một thể tròn sáng, sáu căn vận dụng, ứng với tiếng với âm, hay thấy hay nghe, biết nói biết bàn, biện rõ phải quấy.


Trong Sắc thân bằng xương thịt của chúng ta có ẩn Pháp thân bất sanh bất diệt. Bởi có Pháp thân ẩn ở Sắc thân nên khiến chúng ta biết đi đứng nằm ngồi, nhướng mày chớp mắt, thấy nghe hay biết... Như vậy Sắc thân do đất nước gió lửa hợp thành, nếu không có Pháp thân ẩn trong đó thì không hiện ra những hành động. Từ hành động nếu chúng ta biết phản chiếu, nhận ra Pháp thân và biết đó là dụng của Pháp thân thì tốt. Nếu chúng ta cứ chạy theo hành động, rồi tưởng mọi hành động là thật thì chúng ta sẽ đi sâu trong mê lầm. Chúng ta biết cái dụng của Pháp thân thì tuy hành động mà hằng sống với Pháp thân. Nhưng điều này hơi khó nếu không khéo sẽ bị lầm, vì Pháp thân ứng hiện nó có lẫn những vọng tưởng. Ví dụ chúng ta đang ngồi chợt khởi lên ý nghĩ đi ra vườn, chúng ta liền đứng dậy đi, khi khởi niệm đi thì có nghĩ, nhưng khi đi từng bước thì không nghĩ. Hoặc khi chúng ta mở mắt nhìn cảnh vật thấy trời mây cây cối đủ thứ, thấy rõ ràng mà không khởi niệm thì không có lỗi. Nếu thấy mà phân biệt trời bữa nay đẹp trong sáng, hoặc mây đen sắp mưa, nếu có xen vào những kinh nghiệm, những ý tưởng thì đã biến cái thật thành cái giả mất rồi, từ cái bất sanh biến thành cái sanh diệt. Cho nên cũng một cái biết mà gọi là chân, cũng một cái biết mà gọi là vọng. Như chúng ta thấy một đóa hoa biết là đóa hoa thì không có lỗi, nếu khởi niệm đóa hoa này đẹp, đóa hoa kia xấu, khởi niệm phân biệt so sánh đẹp xấu là lệch lạc rồi. Cái biết có so sánh phân biệt là biết trong mê vọng, còn trong sanh diệt; cái biết không so sánh phân biệt đẹp xấu là biết trong tỉnh sáng an nhiên. Thế nên chư Tổ cũng ăn cơm mặc áo, đi lại như chúng ta mà các ngài thường tự tại. Còn chúng ta thì ăn cơm, mặc áo đi lại mà thường vọng tưởng điên đảo. Như vậy cũng sống cũng hoạt động như nhau mà một bên chân, một bên vọng. Tuy nhiên nếu không hiểu khi ở gần các ngài ta sẽ xem thường, cho rằng các ngài khờ khạo không phân biệt lanh lẹ như chúng ta, nhưng cái phân biệt nhạy bén đó sẽ đưa chúng ta đi trong đường sanh tử luân hồi. Hằng ngày các ngài ăn cơm chỉ biết ăn cơm, mặc áo chỉ biết mặc áo, chúng ta ăn cơm thì thấy cơm ngon cơm dở, mặc thì khen đẹp chê xấu v.v... Bởi biết theo sanh diệt cho nên đi trong sanh diệt. Biết phân biệt nhạy bén dường như khôn, nhưng đó là cái khôn của người dại. Biết sống an nhiên với tâm bất sanh bất diệt thoạt nhìn như ngu ngốc, nhưng đó là cái dại của người khôn, người biết sống nên được an lạc thảnh thơi.
Người tu phải xét kỹ chỗ này.


Nói năng đó là gì? Cái gì biết hỏi đáp? Đây chính là Pháp thân của mọi người, là Tự tánh chân không, hay ứng ra âm thanh, miệng lưỡi mà hỏi đáp. Đấy là tánh chân không người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành, ở Thánh chẳng thêm, ở phàm chẳng bớt, không đổi khác, không cũ mới, không quá khứ hiện tại vị lai, rỗng rang bình đẳng, trong lặng tròn sáng, từ vô lượng kiếp đến nay đặc biệt hiện tiền, gió thổi chẳng động, mưa rưới chẳng ướt, lửa đốt chẳng cháy, mặt trời rọi nóng chẳng khô, chùy nhọn dùi chẳng phủng, đao cắt chẳng đứt, thuốc nhuộm chẳng đen, đá mài chẳng mòn, sương rét chẳng lạnh, nước tưới chẳng thấm, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, không một vật, không thể nắm bắt, lồ lộ trước mắt, rõ ràng soi khắp. Đây là Pháp thân thanh tịnh chân không, không hình không tướng, tròn đồng thái hư, nghiễm nhiên thường trụ. Song hư không rộng lớn, bao trùm cả trời đất, xuyên suốt núi sông, tột cả xưa nay, vững mãi như vậy. Nên biết, núi sông, quả đất trọn là hoa đốm trong hư không, Sắc thân bốn đại là âm dương huyễn hóa, “phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”.


*


Nói năng đó là gì? Cái gì biết hỏi đáp?


Đây đặt câu hỏi cái gì biết nói năng, cái gì biết hỏi đáp. Nếu không có cái biết ẩn nơi thân thì làm sao khiến ngôn ngữ phát ra để thưa hỏi. Nhưng khi phát ra thưa hỏi rồi lập thành câu và phân biệt đúng sai v.v... là đã cách xa cái biết rồi!


Đây chính là Pháp thân của mọi người, là Tự tánh chân không.


Pháp thân hay ứng ra âm thanh ở miệng lưỡi mà có hỏi đáp. Như vậy tất cả những hoạt động của chúng ta đều có Pháp thân ngầm trong đó. Trong kinh Lăng Nghiêm gọi là Chân tâm, nhưng không giữ Tự tánh Chân tâm nên dấy khởi vọng động, do đó khi hỏi đáp thêm nhiều phân biệt, sanh ra vui buồn bực bội v.v... cách quá xa cái biết không sanh diệt của mình.


Đấy là tánh chân không người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành, ở Thánh chẳng thêm, ở phàm chẳng bớt, không đổi khác, không cũ mới, không quá khứ hiện tại vị lai, rỗng rang bình đẳng, trong lặng tròn sáng, từ vô lượng kiếp đến nay đặc biệt hiện tiền, gió thổi chẳng động, mưa rưới chẳng ướt, lửa đốt chẳng cháy, mặt trời rọi nóng chẳng khô, chùy nhọn dùi chẳng phủng, đao cắt chẳng đứt, thuốc nhuộm chẳng đen, đá mài chẳng mòn, sương rét chẳng lạnh, nước trời chẳng thấm, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, không một vật, không thể nắm bắt, lồ lộ trước mắt, rõ ràng soi khắp.


Ngài nói tánh chân không của chúng ta sẵn đủ hiện tiền, không có gì phá hoại nó được, do đó đức Phật thường lấy chất kim cương cứng chắc để dụ cho nó.

Vì kim cương là một loại đá quí có thể phá vỡ các kim loại, mà các kim loại không thể phá hoại được chất kim cương. Như tôi và quí vị đều có cái hay thấy, vậy có ai cắt đứt hay nhuộm đen, dùi thủng cái hay thấy của tôi và của quí vị được không? Nếu phá hoại không được mới là cái thật của mình.


Ví dụ có một buổi chiều chúng ta thấy bầu trời phủ mây đen chuyển mưa. Thấy như vậy thì ngang đó không có lỗi gì cả. Nếu thêm ý nghĩ có mây đen chắc chắn trời sẽ mưa, nhưng một lát sau gió thổi, mây tan dần và trời không mưa. Hoặc nghĩ rằng tuy có mây đen nhưng có lẽ trời không mưa vì một lát gió thổi mây tan hết. Tuy nhiên trời vẫn đổ mưa ầm ầm. Như vậy khi xúc cảnh chúng ta không thêm một ý nghĩ phân biệt phán đoán, cảnh ở trước mắt thế nào thấy như thế ấy, không thêm bớt gì cả thì tâm an nhiên sáng suốt. Nếu thấy cảnh mà chúng ta đem những kinh nghiệm của quá khứ để so sánh với cái thấy hiện tại, rồi quyết định đúng sai; thì đã rơi vào cái đối đãi hai bên. Hễ còn đối đãi là còn sanh diệt, còn sanh diệt là còn khổ đau. Chúng ta thấy mây đen thì biết mây đen, thấy mây trắng thì biết mây trắng, gió thổi qua thì biết gió thổi qua v.v... Như vậy đủ rồi, đừng kèm theo cái kinh nghiệm quá khứ đúng sai chi cả. Qua đoạn này chúng ta thấy ngài Chân Nguyên nói hết tình hết lý cho chúng ta hiểu, nhận ra cái sẵn có của mình không gì phá hoại được, nó hiện tiền trước mắt, rõ ràng soi khắp, thế mà có mấy ai chịu nhận.


Đây là Pháp thân thanh tịnh chân không, không hình không tướng, tròn đồng thái hư, nghiễm nhiên thường trụ.


Vì Pháp thân không hình tướng nên nó trùm khắp hiện tiền, không thiếu vắng lúc nào.


Song hư không rộng lớn, bao trùm cả trời đất, xuyên suốt núi sông, tột cả xưa nay, vững mãi như vậy. Nên biết, núi sông, quả đất trọn là hoa đốm trong hư không, Sắc thân bốn đại là âm dương huyễn hóa, “phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”.


Ở trước nói Sắc thân tứ đại như hòn bọt ở trong biển, Pháp thân như mặt biển. Đoạn này nói Pháp thân trùm khắp không sanh không diệt, núi sông và cả quả địa cầu là cái tướng sanh diệt hư ảo như hoa đốm trong hư không. Pháp thân bất sanh bất diệt vững chắc không có gì phá hoại được, thân tứ đại do âm dương huyễn hóa hợp thành, song chúng ta chỉ nhận cái tạm bợ giả dối mà quên cái chân thật hiện tiền. Kế đến Ngài dẫn một câu trong kinh Kim Cang:
“Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng.” Có tướng như quả đất tồn tại hàng tỉ năm, nhưng một ngày nào đó nó cũng bể nát. Quả đất sống hàng tỉ năm mà sánh với Pháp thân tuổi thọ nó còn nhỏ, huống là Sắc thân của chúng ta. Pháp thân ví như hòn ngọc, Sắc thân ví như hạt cát đen thui nhỏ xíu, như vậy đối với hai cái đó người có trí chọn cái nào? Dĩ nhiên là chọn hòn ngọc. Còn chúng ta thì chọn hạt cát nhỏ xíu mà quên hòn ngọc, cho nên đức Phật nói chúng sanh mê muội đáng thương. Nếu chúng ta sáng suốt thì sẽ nhận ra nơi mình có hòn ngọc vô giá không có gì sánh bằng.

Chân không thì không tướng, muôn kiếp còn mãi, đó là thân vô vi, là thân chân Phật. Bởi Thật tướng của chân Phật vốn là chân không diệu hữu, Thật tướng của chân không là Thật tướng vô tướng. Không tướng chẳng tướng, đó gọi là Thật tướng. Thật tướng của Pháp thân ấy, trong lặng tròn sáng, rỗng rang rộng lớn, bao gồm một thể, tròn đồng thái hư trùm cả mười phương đủ khắp muôn vật.


*


Chân không thì không tướng, muôn kiếp còn mãi, đó là thân vô vi, là thân chân Phật. Bởi Thật tướng của chân Phật vốn là chân không diệu hữu, Thật tướng của chân không là Thật tướng vô tướng. Không tướng chẳng tướng, đó gọi là Thật tướng.


Đoạn này có những từ ngữ hơi khó hiểu; “không tướng, chẳng tướng, đó gọi là Thật tướng”. Không tướng tức là không có tướng, chẳng tướng là sao? Chẳng tướng tức là có tướng. Đã là không tướng lại còn có tướng làm chi? Bởi vì ở đây dùng từ ngữ chân không diệu hữu, chân không là không tướng, diệu hữu thì có tướng. Chúng ta sống được với Pháp thân, từ Pháp thân sẽ lưu xuất ra tất cả pháp thế gian đó là diệu hữu. Hữu mà diệu thì hữu đó nằm trong phần tỉnh giác, hữu mà không diệu là hữu của thế gian sanh diệt. Do đó nói chân không diệu hữu là khi ta ngộ được lý chân không rồi thì mọi hành động tạo tác của ta đều phù hợp với Tánh giác nên gọi là diệu hữu. Như vậy người tu ngộ được chân không rồi chẳng phải là không ngơ, mà vận dụng diệu hữu làm lợi ích cho chúng sanh, chuyển hóa chúng sanh mê lầm trở thành giác ngộ sáng suốt, tất cả việc làm đó đều là diệu hữu, trở về với chân không thì mọi hành động biến thành diệu hữu, đi trong tất cả loại, làm tất cả việc để lợi ích cho mọi người đó là diệu dụng của chân không. Cho nên đây nói “Thật tướng của chân Phật vốn là chân không diệu hữu”.


Thật tướng của Pháp thân ấy, trong lặng tròn sáng, rỗng rang rộng lớn, bao gồm một thể, tròn đồng thái hư trùm cả mười phương, đủ khắp muôn vật.


Đoạn này Ngài nói thêm để giải thích về chân không diệu hữu.