- Dẫn Nhập
- A. Chánh Văn - I. Lời Tiểu Dẫn
- A. Chánh Văn - II. Tựa
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - I. Lời Tiểu Dẫn
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 5)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 6)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 8)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 9)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 11)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 13)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 14)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 15)
- B. Giảng Giải - IV. Kệt Luận
B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 9)
Hỏi: Ở trong ba cõi, trên trời dưới đất, cõi này phương khác, sáu đường bốn châu, quần sanh muôn loài, tất cả đều học Phật, chẳng biết thuở xưa Phật trước học ai mà chứng Bồ-đề, đời tôn là Phật?
Câu hỏi này nói gọn cho dễ hiểu: Hiện giờ tất cả chúng ta tôn sùng Phật, học theo đức Phật. Vậy khi xưa Phật học ai mà thành Phật?
Đáp: Phật vốn không học, do tỏ ngộ Trí tự nhiên vô sư, Pháp thân rộng lớn, tròn đồng thái hư, chân không trong lặng nhiệm mầu, lặng sáng không gì trên, cao vượt khỏi ba cõi, ngang khắp mười phương, suốt cả xưa nay, nghiễm nhiên thường trụ, vô vi vô tướng, chánh giác Bồ-đề, chẳng sanh chẳng diệt, ứng hiện còn mãi, tuyệt không gì sánh bằng, đời tôn là Phật. Lại nói: Phật là Tánh giác, chúng sanh là tình mê. Phật giác ngộ Pháp tánh tròn sáng, lóng trong, nhất như không tịch; chúng sanh thì mê tình vọng khởi mãi mãi thọ thân trong ba cõi. Nên kinh Lăng Nghiêm nói: “Thanh tịnh sẵn vậy, tại sao chợt sanh núi sông, quả đất?”
Hỏi xưa đức Phật học ai, đáp rằng đức Phật không học ai, Ngài tỏ ngộ Trí tự nhiên vô sư rồi Ngài nhận ra Pháp thân rộng lớn tròn đồng thái hư, thường trụ chẳng sanh chẳng diệt, nên người đời tôn xưng Ngài là Phật.
Như chúng ta đã biết, ngày xưa đức Phật lúc còn là Thái tử, Ngài rời hoàng cung để đi tu, Ngài cũng tìm tới các vị đạo sĩ để tu. Đầu tiên Ngài gặp nhóm đạo sĩ Bạt-già, nhóm này tu khổ hạnh để cầu sanh về cõi Trời chớ không cầu giác ngộ, giải thoát. Thái tử thấy cách tu của họ không đúng với mục tiêu mình nhắm, nên Ngài bỏ đi. Ngài tìm đến núi Tần-già gặp đạo sĩ A-la-lam, chỉ trong một thời gian ngắn Thái tử đã thâu nhiếp hết pháp yếu của A-la-lam chứng từ
Sơ thiền đến Vô sở hữu xứ định. Nhưng hướng tu của A-la-lam không đạt đến chỗ giải thoát như ước nguyện của Thái tử, nên Ngài từ giã ra đi, tìm đến đạo sĩ lừng danh là Uất-đầu-lam-phất. Ở Uất-đầu-lam-phất Ngài tu không bao lâu đạt được tầng thiền cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng định. Pháp tu Uất-đầu-lam-phất không khác đạo sĩ A-la-lam, nên Thái tử cũng từ giã vị này vào rừng tu khổ hạnh một mình. Thái tử tu khổ hạnh trong rừng theo sử kể lại đến sáu năm, thân thể còn da bọc xương mà vẫn không đạt được mục đích, cho nên Ngài từ bỏ. Sau cùng Ngài ăn uống lại bình thường rồi đến dưới gốc cây bồ-đề ngồi thiền, sau bốn mươi chín ngày đêm Ngài chứng đạo tức là tỏ ngộ Pháp thân. Như vậy sự tỏ ngộ của Ngài không có ai dạy, nên Ngài tuyên bố ta học đạo không có thầy. Do thiền định mà Trí vô sư Ngài sáng tỏ, tức là ngộ được Pháp thân thành Phật. Điều này cho chúng ta thấy rằng mục đích của Thái tử đi tu là giải thoát sanh tử, muốn đạt được điều đó phải nhận ra Pháp thân bất sanh bất diệt. Thế nhưng các vị đạo sĩ dạy tu cuối cùng chỉ chứng đến Phi tưởng phi phi tưởng định, nên Ngài không chấp nhận từ giã họ ra đi. Vì giác ngộ thành Phật tức là ngộ được Trí vô sư hay Pháp thân không sanh không diệt tròn sáng trùm khắp. Từ đó Ngài tuyên bố thoát ly sanh tử, không còn sanh trở lại trong Tam giới nữa. Mục tiêu mà Ngài tìm kiếm bao năm đã được khám phá. Như vậy thành Phật, tỏ ngộ Trí vô sư, hay chứng Pháp thân tên gọi tuy khác nhưng chỉ có một kết quả là giác ngộ giải thoát.
Nơi Thái tử có Trí vô sư, vậy nơi chúng ta có không? - Trí vô sư ai ai cũng có, muốn chứng được chúng ta phải thiền định như Thái tử Tất-đạt-đa khi xưa.
Chúng ta tu chủ yếu là gạn lọc hết vọng tưởng cho tâm an định. Khi tâm an định Trí vô sư hiển hiện rõ ràng, chúng ta thấy biết đúng như thật. Thấy biết như thế không ai dạy chúng ta cả, Phật Tổ, thầy bạn chỉ trợ duyên thôi, chính chúng ta phải tự tu, chớ không ai tu thế được. Chúng ta học nơi sách vở thì sách vở chỉ là phương tiện, còn tu để phát minh Trí vô sư mới là đạt đến chỗ cứu kính. Như những nhà bác học muốn có những phát minh mới, họ phải đóng cửa phòng thí nghiệm, ngồi trong đó nghiền ngẫm suốt tháng suốt năm, cho tới một lúc nào đó họ phát minh ra điều mà họ đang tìm kiếm. Vậy sự phát minh đó ai dạy? Nếu có người dạy thì không gọi là phát minh, không có người dạy mà biết là do Trí vô sư phát sáng chớ gì? Như vậy bất luận là người thế gian hay người tu nếu dồn hết tâm lực vào một việc, tâm an định thì Trí vô sư nơi mình hiện sáng, chớ không có gì lạ hết. Ai có trải qua những kinh nghiệm này thì không có nghi ngờ. Nếu ngộ lớn thì nhận ra Pháp thân, ngộ nhỏ thì chợt hiểu nghĩa lý thâm sâu của câu kệ hay bài kinh mình học từ lâu mà không hiểu. Lúc đó đâu có thầy dạy, chỉ do tâm định rồi phát sáng, đó là Trí vô sư đã có sẵn nơi mỗi người, không phải là cái mới lạ hay ai cho, cũng không phải một mình Thái tử mới có mà chính là cái có sẵn nơi mỗi người. Thái tử ngộ Trí vô sư nên người đời mới tôn Ngài là Phật. Trí vô sư chỉ cho Phật pháp thân, Phật pháp thân mới không sanh không diệt. Còn Phật Thích-ca ở Ấn Độ thì có sanh có diệt, nếu Ngài không diệt thì ngày nay chúng ta gặp Ngài. Như vậy, tất cả chúng ta ai cũng có Phật pháp thân và ai cũng có Sắc thân phàm thế tục, Sắc thân phàm thế tục thì tạm bợ sanh diệt, Pháp thân thì bất sanh bất diệt thoát ly sanh tử mới là tối thượng, ai nhận ra Phật pháp thân và hằng sống với Pháp thân gọi là chứng quả Phật. Còn nếu mang thân này mà không ngộ được Phật pháp thân, dù cho tài giỏi tới đâu cũng chưa phải là Phật. Sau đây Ngài dẫn kinh Lăng Nghiêm: “Bản thể vốn thanh tịnh, tại sao chợt sanh ra núi sông, quả đất, con người muôn vật?” Thì đây trả lời:
Dạy rằng:
Chân tánh lóng trong, vốn không có mờ tối. Vọng từ không dấy lên mà cảm đến gió thức. Song do gió thức thổi cho tâm động, nhân tâm lay động mà kích phát thêm gió cảnh. Nhân gió cảnh nổi dậy mãnh liệt nên khởi vọng niệm. Do một niệm vọng sanh mà ba cõi bắt đầu thành lập. Ba cõi bên trong là Sắc thân của ta; ba cõi bên ngoài tức là trời đất, thế giới, núi sông, quả đất, hết thảy muôn vật.
Đứng về mặt Chân tánh thì Bản thể lóng trong không mờ tối, nhưng vọng từ tâm rỗng lặng dấy khởi, do đó sanh ra gió thức, gió thức thổi làm cho tâm động, do tâm dao động kích phát thêm gió cảnh, nhân gió cảnh nổi dậy mãnh liệt nên khởi vọng niệm. Tại sao tâm đang yên lặng lại chợt sanh gió thức? Ví dụ như chúng ta đang ngồi yên, tâm không suy nghĩ gì hết, bất chợt nhớ đến chuyện hôm qua, vừa dấy niệm nhớ là thức phân biệt theo liền, nào là chuyện hôm qua hay dở, tốt xấu, đúng sai, thành ra có vọng tưởng nhất định. Đó là gặp gió cảnh thổi tới làm tâm dao động. Tâm dao động rồi khởi suy nghĩ thêm về việc xảy ra hôm qua hay dở, đúng sai, tốt xấu... Vọng niệm dấy khởi liên miên, nên vọng sanh ra ba cõi. Ba cõi bên trong là Sắc thân, ba cõi bên ngoài là trời đất núi sông muôn vật. Như vậy để thấy rằng có lúc tâm mình rất yên tỉnh, chợt có một niệm dấy lên tức là gió thức nổi dậy, nếu chúng ta chạy theo niệm phân biệt thì gió nghiệp cảnh thổi đến làm cho tâm ta dao động nhiều hơn.
Ví dụ chúng ta đang ngồi yên chợt nhớ hôm qua cô A nói mình câu: cô đó giả bộ tu hành. Vọng niệm này vừa dấy lên chúng ta liền phân biệt cô A nói như vậy là khinh khi mình. Niệm phân biệt tiếp theo là động lực thúc đẩy mình đứng dậy đi kiếm cô A để trách móc. Do đó sanh ra đủ thứ chuyện lôi thôi. Như vậy để thấy rằng chúng ta ai cũng sẵn có Tâm thể thanh tịnh, nhưng chợt bất giác để vọng niệm dấy khởi, mà vọng niệm dấy khởi thì có đủ thứ âm thanh hình tướng, đủ chuyện phải quấy, hơn thua, vui buồn, sướng khổ v.v... Nếu người biết tu ngay lúc vừa dấy niệm biết nó là hư dối, không theo thì lần hồi vọng niệm sẽ thưa dần. Đối với cảnh bên ngoài cũng bớt tâm phân biệt trở về với cái tâm nguyên thủy sẵn có của mình. Tóm lại khởi niệm phân biệt, nên tạo nghiệp đi trong sanh tử. Niệm khởi không theo thì sống với tâm như như dứt sanh tử, rất đơn giản. Thế nên biết thì thấy ý nghĩa của sự tu hành, không biết thì thấy cực nhọc, ngồi lâu đau chân, gục lên gục xuống không ích lợi chi cả. Tuy nhiên, tu đạt tới chỗ thông suốt rồi thì công phu nhẹ nhàng và tâm lúc nào cũng sáng suốt an vui.
Giải rằng:
Thanh tịnh đến tột cùng thì sáng thông, đạt tịch và chiếu thì bao gồm cả hư không, rồi nhìn trở lại thế gian, giống như việc trong mộng. Pháp thân trong trẻo và lặng lẽ vốn không có nhơ sạch riêng khác, Chân tánh lắng trong, đâu có Thánh phàm sai biệt. Đều bởi có mê ngộ, đến nỗi khiến thành chẳng đồng. Kinh nói: Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có. Từ không mà khởi vọng, rồi vọng sanh mọi thứ sắc. Đã trái với lẽ không sanh không hóa, lại hằng có hóa, có sanh. Trọn là buông tâm phóng chạy, hoàn toàn không giác tánh hồi quang, lấy huyễn làm chân, trái không theo sắc. Bản tánh Chân như từ ban sơ, vốn tròn sáng, rỗng lặng vô vi, từ khi huyễn có Sắc thân, vọng thức, mà kết nhân kết quả, vọng sự vọng lý, vọng tạo vọng làm, vọng nghiệp vọng duyên, vọng năng vọng sở, vọng tưởng vọng chấp, thấm thêm vào sự mê hoặc mà thành thân, đi đi lại lại, theo nghiệp thọ báo. Thức thần đã theo nghiệp, rồi theo nghiệp thọ thân, ra nơi này vào nơi kia, bỏ kia sanh đây, lên xuống trong sáu đường, qua lại nơi ba cõi lành dữ chẳng đồng, muôn loài sai khác, giàu sang nghèo hèn, tùy hạnh nghiệp mà sanh, chẳng phải không nhân mà mong được quả. Thế gian mộng huyễn, há được dài lâu? Muốn chứng chân thường, hãy xuất gia theo Phật, học đạo vô thượng, vượt cao lên quả thù thắng. Đạo vô thượng, tức là Pháp tánh Chân như. Nếu ngộ Pháp tánh Chân như, trong trẻo tròn đầy, rỗng rang vắng lặng, thì vọng tình dần dần dứt sạch, chánh giác trong sáng tròn thành, không xưa không nay, vượt cao lên ba cõi, chẳng sanh chẳng diệt, ngang khắp mười phương, tròn đồng thái hư, bình đẳng như vậy, hằng chứng Bồ-đề.
*
Thanh tịnh đến tột cùng thì sáng thông, đạt tịch và chiếu thì bao gồm cả hư không, rồi nhìn trở lại thế gian, giống như việc trong mộng.
Nếu tâm thanh tịnh thì thấu suốt lý tịch và chiếu. Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói “tỉnh tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh vọng tưởng sai”. Tỉnh tỉnh là chiếu, lặng lặng là tịch. Ngược lại “lặng lặng tỉnh tỉnh phải, lặng lặng hôn trầm sai”. Lặng lặng là tịch, tỉnh tỉnh là chiếu. Đó là gốc của sự tu, nếu thiếu một trong hai cái thì sự tu không đạt kết quả. Tịch mà chiếu, chiếu mà tịch. Chúng ta ngồi thiền tỉnh sáng mà không vọng tưởng thì đúng, còn tỉnh táo mà vọng tưởng đủ thứ thì sai. Ngược lại nếu ngồi thiền tâm lặng lẽ mà tỉnh sáng thì đúng, nếu tâm lặng lẽ nhưng mơ mơ ngủ gục thì sai. Như vậy chiếu mà tịch hoặc tịch mà chiếu thì đúng, nếu chiếu mà loạn tưởng hoặc tịch mà hôn trầm vô ký thì sai. Tự mình xét lại công phu của mình thì biết đúng sai, không nên để lệch hai yếu tố chánh đó. Chúng ta rà soát lại pháp mình đang tu thì không lầm lẫn. Nếu đạt được tịch và chiếu thì bao gồm cả hư không, nhìn lại thế gian thấy như việc trong mộng.
Những pháp hữu vi hữu hình thì hữu hoại, vô thường chi phối không chừa một ai, từ những cảnh vật chung quanh cho đến thân này, chẳng khác nào nằm ngủ mê, mộng thấy đủ thứ, khi thức dậy thì không có gì cả. Đó là lẽ thật mỗi người chúng ta nên chiêm nghiệm cho kỹ để lo tu.
Pháp thân trong trẻo và lặng lẽ vốn không có nhơ sạch riêng khác, Chân tánh lắng trong, đâu có Thánh phàm sai biệt. Đều bởi có mê ngộ, đến nỗi khiến thành chẳng đồng. Kinh nói: Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có. Từ không mà khởi vọng, rồi vọng sanh mọi thứ sắc. Đã trái với lẽ không sanh không hóa, lại hằng có hóa, có sanh. Trọn là buông tâm phóng chạy, hoàn toàn không giác tánh hồi quang, lấy huyễn làm chân, trái không theo sắc.
Ý đoạn này nói rằng chúng ta có Tánh giác sáng suốt mà bỏ giác chạy theo mê, tức là bối giác hiệp trần. Pháp thân hay Chân tánh của chúng ta vốn trong trẻo lặng lẽ, không nhơ sạch không Thánh phàm, bởi có mê có ngộ nên chẳng đồng nhau. Thân tứ đại chẳng thật có, năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn không. Do từ cái Thể chân không không giữ Tự tánh, nên khởi vọng tưởng thành ra có đủ thứ sắc, như vậy đã trái với cái lẽ không sanh không hóa của Pháp thân, cho nên sanh sanh hóa hóa liên tục. Chúng ta mải buông tâm chạy theo ngoại cảnh, không chịu xoay lại Tánh giác của mình - tức là không hồi quang phản chiếu. Chúng ta lầm cho cái Sắc thân bốn đại năm uẩn tạm bợ giả dối này là thật, bỏ cái Thể không, chạy theo hình sắc bên ngoài. Như trước có nói chúng ta chạy theo âm thanh sắc tướng mà quên mình có cái hay nghe hay thấy không tướng mạo, không có gì phá hoại được nó.
Bản tánh Chân như từ ban sơ, vốn tròn sáng, rỗng lặng vô vi, từ khi huyễn có Sắc thân, vọng thức, mà kết nhân kết quả, vọng sự vọng lý, vọng tạo vọng làm, vọng nghiệp vọng duyên, vọng năng vọng sở, vọng tưởng vọng chấp, thấm thêm vào sự mê hoặc mà thành thân, đi đi lại lại, theo nghiệp thọ báo.
Đoạn này Ngài nói cũng hết tình hết lý. Từ ban sơ Bản tánh của chúng ta vốn tròn sáng rỗng lặng, nhưng khi huyễn có Sắc thân rồi thì sanh vọng thức, kết nhân kết quả và sanh ra đủ thứ vọng sau này. Ngài thấy thân là huyễn, còn chúng ta thấy thân huyễn hay thật? Trả lời được điều này là xác định rõ rệt hướng đi của mình. Nếu thấy thân huyễn thì đang đi trên con đường giác ngộ, nếu thấy thân thật thì đang đi trên con đường mê lầm. Tuy nhiên nhiều khi chúng ta tự mâu thuẫn với mình, miệng thì nói tôi muốn đi đường giác ngộ, nhưng ý lại tham đắm Sắc thân, vì cho Sắc thân là thật. Như vậy, tu thì muốn giác ngộ, mà thấy Sắc thân này là thật, ý muốn nó tồn tại lâu dài, thế là mê. Do đó chúng ta thường bị cái mâu thuẫn làm khổ mình: đi tu thì nguyện đi theo con đường giác ngộ của Phật Tổ, mà cứ quay đầu nhìn theo hướng mê của phàm phu, làm sao thấy đường giác mà đi? Cho nên tiến không nổi mà lùi cũng không xong. Có người tu năm bảy năm mà chẳng thấy an lạc chỉ thấy toàn phiền não! Thỉnh thoảng tôi nghe một số người tu kể người này sân giận nhiều, người kia lắm phiền não, người nọ hay cãi lẫy với huynh đệ, ít nghe họ nói đến tâm định trí sáng, thấy thân này như huyễn, mọi việc xảy ra không còn dính mắc. Nếu nói chuyện đang đi trên đường giác ngộ như ý nguyện ban đầu của mình thì vui lắm. Như vậy muốn tu tiến chúng ta phải khẳng định hướng nhắm của mình, đi đường nào phải hướng theo lối ấy. Việc này rất dễ và đơn giản, chúng ta nhất định phải chọn một bỏ một: hoặc thấy thân này huyễn, hoặc thấy thân này thật.
Thấy thân huyễn là thấy bằng tâm chớ không phải nói suông bằng miệng. Thấy thân huyễn thì bị mắng chửi thậm tệ cũng không buồn, được khen ngợi tâng bốc cũng không mừng, khổ vui được mất không làm động tâm v.v... Nếu miệng nói thân tôi huyễn hóa, nhưng ai chê một câu là mặt bí xị ý không vui, ai khen một lời là mặt mày hớn hở, nhớ mãi không quên, đó là thấy thân tôi thật. Cứ lấy cây thước tám gió đo lòng mình thì biết rõ ta thấy thân huyễn hay thật. Chúng ta phải mạnh dạn chọn một bỏ một, để khẳng định hướng đi của mình. Trong số Tăng Ni ở đây (Thiền viện Trúc Lâm), khi đi tu ai cũng phát nguyện đi trên con đường giác ngộ cho đến ngày viên mãn, quyết chí như vậy thật là phi thường. Song vào chùa một thời gian cạo tóc, thọ giới xong, lý đáng phải tu tiến, nhưng thỉnh thoảng cũng có người sụt lùi, hoặc lọt hẳn xuống hố mê. Tôi thấy thương quá đưa gậy kéo họ lên, đẩy đi một hồi lại lọt xuống nữa. Cứ kéo lên lọt xuống hoài, thật khổ cho kẻ rơi xuống mà cũng nhọc nhằn cho người kéo lên! Thế nên tôi mong quí vị phát tâm đi tu phải giữ tâm nguyện như lúc ban đầu thì thành đạo có dư. Muốn thế phải thật sự thấy thân như huyễn. Chúng ta sống mấy mươi năm tưởng chừng dài lắm, thật ra ngày qua ngày, hết sáng tới tối, loay hoay nhìn lại mấy chục năm thấy như giấc mộng. Nếu thấy thân này như huyễn, cuộc sống như giấc mộng thì không có chuyện phiền não xảy ra. Tại không chịu hồi quang phản chiếu, cứ phóng tâm chạy theo cảnh, nên mới sanh ra các thứ: vọng sự vọng lý, vọng tạo vọng làm, vọng nghiệp vọng duyên, vọng năng vọng sở, vọng tưởng vọng chấp, thấm sâu vào tạng thức trở thành mê hoặc, do hoặc tạo nghiệp, mà có thân thọ báo đi trong tam giới.
Thức thần đã theo nghiệp, rồi theo nghiệp thọ thân, ra nơi này vào nơi kia, bỏ kia sanh đây, lên xuống trong sáu đường, qua lại nơi ba cõi lành dữ chẳng đồng, muôn loài sai khác, giàu sang nghèo hèn, tùy hạnh nghiệp mà sanh, chẳng phải không nhân mà mong được quả. Thế gian mộng huyễn, há được dài lâu? Muốn chứng chân thường, hãy xuất gia theo Phật, học đạo vô thượng, vượt cao lên quả thù thắng.
Đây Ngài nói thêm, nếu chúng ta mê muội thì thần thức sẽ theo nghiệp thọ thân trong ba cõi sáu đường, tùy theo nghiệp đã tạo mà thọ quả báo tốt xấu khác nhau. Thế nên, trên thế gian từ thân người cho đến cảnh sống chung quanh không ai giống ai cả. Trong đoạn này có một câu: “muốn chứng chân thường, hãy xuất gia theo Phật”, tôi xin sửa “muốn chứng chân thường hãy khéo tu học Phật” cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Vì người tại gia hay xuất gia nếu khéo tu học Phật đều có lợi ích. Theo quan niệm của quần chúng, muốn giác ngộ giải thoát thì phải xuất gia, cạo tóc mặc áo nhuộm vào chùa ở. Như thế thì những người lỡ có gia đình con cái muốn giác ngộ giải thoát phải làm sao? Bỏ gánh nặng cho người khác gánh để đi tu phải không? Một người cho đến một ngàn người như thế thì ai lo cho gia đình, ai lo xây dựng xã hội đất nước? Con cái lớn rồi nó tự lo liệu còn có thể được, nếu con mới năm ba tuổi bỏ lại cho vợ hoặc chồng nuôi làm sao nuôi nổi? Có những trường hợp ban đầu ham tu quá bỏ vợ con vô chùa, tu một thời gian thấy vợ con nheo nhóc rồi hoàn tục lo cho vợ con. Như vậy đạo đời gì cũng dở dang không trọn vẹn. Cho nên tôi khuyên quí vị đã lỡ có gia đình, muốn giác ngộ giải thoát hãy noi theo gương ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, Ngài làm quan, thê thiếp nhiều, mà lúc sắp tịch, quí bà khóc lóc, Ngài vẫn tự tại ra đi không chút lưu luyến. Tu như Ngài mới giỏi, học tu theo Phật mà không xa lánh gia đình xã hội, tu như vậy không ai than phiền trách móc mình chi cả. Nếu ai cũng vô chùa tu hết thì nguy lắm.
Đạo vô thượng tức là Pháp tánh Chân như. Nếu ngộ Pháp tánh Chân như, trong trẻo tròn đầy, rỗng rang vắng lặng thì vọng tình dần dần dứt sạch, chánh giác trong sáng tròn thành, không xưa không nay, vượt cao lên ba cõi, chẳng sanh chẳng diệt, ngang khắp mười phương, tròn đồng thái hư, bình đẳng như vậy, hằng chứng Bồ-đề.
Đoạn này nói về kiến tánh tức là nhận được Bản tánh của mình, nên mới diễn tả Bản tánh tròn sáng trong trẻo lặng lẽ. Nhưng vì dấy niệm tạo nghiệp mà có sanh tử. Nếu biết thân sanh tử là huyễn hóa, cảnh vật không thật thì trở về Thể tánh trong sáng tròn lặng ấy. Ngược lại thì cứ chìm đắm không biết chừng nào ra khỏi.
Thân Phật siêu ba cõi,
Tịch quang đầy thái hư.
Hiện hình trăng trong nước,
Mãi làm thầy trời người.
Âm:
Phật thân siêu tam giới,
Tịch quang mãn thái hư.
Hiện hình thủy trung nguyệt,
Vĩnh tác thiên nhân sư.
Thân Phật siêu ba cõi, tịch quang đầy thái hư.
Thân Phật tức là Pháp thân vượt ra ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, lặng lẽ sáng suốt đầy cả thái hư. Tịch là lặng, quang là sáng tức là tỉnh, ai ngồi thiền mà tâm lặng và tỉnh là đang sống với Pháp thân của chính mình.
Hiện hình trăng trong nước, mãi làm thầy trời người.
Báo thân hay Ứng thân do Pháp thân ứng hiện, giống như có bóng mặt trăng hiện trong nước là do mặt trăng thật trên hư không. Ví dụ đêm rằm trời không mây, chúng ta nhìn vào hồ nước trong thấy có bóng mặt trăng hiện dưới đáy nước, mặt trăng dưới đáy hồ nước là bóng chớ không phải mặt trăng thật. Nếu thật thì ta thử vớt xem có vớt được không? Nếu nói không thì sao có mặt trăng dưới nước? Thấy có mặt trăng mà vớt không được, cho nên không phải thật có. Thấy rõ ràng có bóng mặt trăng nên không phải thật không. Cũng vậy Hóa thân, Báo thân của Phật hiện ra để làm thầy trời người đó là từ Pháp thân ứng hiện, giống như bóng mặt trăng hiện trong nước, không phải thật có cũng không phải thật không. Cho nên Phật Thích-ca đã thành Phật, thân ba mươi hai tướng tốt sáng chói như vàng ròng mà vẫn bị vô thường chi phối, ngày nay chỉ còn một chút ít xá-lợi Phật thờ trong các bảo tháp rải rác trên khắp thế giới mà thôi.